Một sử gia Hungary thắng kiện Bộ Nội Vụ


Một sử gia Hungary thắng kiện Bộ Nội Vụ

Cuối tháng 5-2009, sử gia Hungary Kenedi János đã thắng kiện Bộ Nội Vụ của chính đất nước ông tại Tòa án Nhân quyền Châu Âu (trụ sở đặt ở Strasbourg) trong một vụ án mà ông là nguyên đơn, khi chính quyền nước này không cho phép ông được tiếp cận các hồ sơ của Cơ quan An ninh Quốc gia thời cộng sản.

Câu chuyện bắt đầu vào tháng 9-1998, khi ông Kenedi János bắt tay vào việc khởi thảo một công trình nghiên cứu về hoạt động của cơ quan mật vụ chính trị thời cộng sản ở Hungary.

Để phục vụ công việc của mình, ông Kenedi đã đề nghị được tiếp cận những hồ sơ tình báo và cảnh sát mật thời cộng sản, lúc đó do Bộ Nội vụ Hungary quản lý. Tháng 11-1998, Bộ Nội vụ bác bỏ đề nghị đó và nhà sử học đã kiện quyết định của Bộ lên một tòa án Hungary.

Tháng 1-1999, tòa ra phán quyết buộc Bộ Nội vụ phải tạo điều kiện để thỏa mãn nhu cầu nghiên cứu của nhà sử học.

Đòi hỏi phải giữ bí mật

Tháng 11-1999, Bộ Nội vụ đưa ra một đề xuất mang tính thỏa hiệp: Bộ sẽ cho ông Kenedi tiếp cận những hồ sơ, ngược lại, nhà sử học phải ký một tuyên bố, theo đó ông sẽ giữ bí mật về những gì được xem.

Ông Kenedi cho đó là điều không thể chấp nhận và đòi hỏi Bộ phải thực hiện nghiêm ngặt phán quyết của tòa án. Tháng 12-2000, tòa ra thêm quyết định buộc Bộ Nội vụ phải thực hiện bổn phận này.

Tuy nhiên, sau đó, Bộ Nội vụ Hungary vẫn tiếp tục ngăn cản vị sử gia khi ông muốn công bố những thông tin từ các hồ sơ, mặc dù, Bộ đã hai lần phải trả tiền phạt vì không thực hiện phán quyết của tòa.

Cuối cùng, tháng 12-2003, các hồ sơ mà ông Kenedi đề nghị tiếp cận được Bộ Nội vụ chuyển hết sang Thư khố Quốc gia Hungary và do đó, chúng trở thành những tư liệu công khai. Ngoại trừ một hồ sơ duy nhất mà Bộ cố tình giữ lại, thì nhà sử học vẫn không được khai thác một cách vô điều kiện.

Vụ án kéo dài hơn 10 năm

Cảm thấy những nhu cầu chính đáng của mình không được đáp ứng đầy đủ tại Hungary, nhà sử học Kenedi János đã đưa vụ việc này lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu, cơ quan giám sát việc tôn trọng và tuân thủ các quyền con người và quyền tự do cơ bản, hoạt động dưới sự trực thuộc của Hội đồng Châu Âu.

Đây không phải là một hành động quá dị biệt: trong hai chục năm qua, nhiều đồng hương của ông đã kiện chính quốc gia mình sinh sống lên Tòa án Nhân quyền và không ít người đã giành phần thắng.

Tòa án Nhân quyền Strasbourg, trong phán quyết mới đây, nhận định rằng: trường hợp của ông Kenedi đã kéo dài tới 10 năm rưỡi mà không có kết cục ổn thỏa, khiến một quyền cơ bản của công dân - quyền được giải quyết các vụ việc trong thời hạn theo luật định - bị vi phạm nặng nề.

Cạnh đó, việc Bộ Nội vụ là một cơ quan trực thuộc Chính phủ Hungary liên tục có hành động chống lại sự thực hiện một phán quyết có hiệu lực pháp lý của tòa án, cho thấy chính quyền đã đi ngược lại luật pháp bằng hành vi độc đoán của mình. Hậu quả của hành vi ấy là quyền tự do thể hiện ý kiến của nhà sử học đã bị xâm phạm, bởi lẽ ông không được tự do tiếp cận những tư liệu nguồn cần thiết đối với ông trong công việc.

Cuối cùng, Tòa án Nhân quyền Châu Âu đã tuyên phạt Nhà nước Hungary 6.000 Euro bồi thường danh dự cho ông Kenedi. Khoản án phí 7.000 Euro mà nhà sử học đã trả cho tới nay cũng sẽ được Nhà nước Hungary bồi hoàn.

Những phán quyết mang tính tiền lệ

Ngay sau khi biết tin mình thắng kiện, ông Kenedi đã trả lời phòng vấn báo chí và cho biết ông vô cùng hạnh phúc. Bởi lẽ, ông nghĩ rằng “phải chấm dứt việc ngăn cản sự tìm hiểu quá khứ lịch sử, bằng không, nhà nước sẽ phải chịu hậu quả như phán quyết vừa rồi của Tòa án Strasbourg“.

Mặc dù chỉ chứng tỏ được “cái lý” của mình sau gần 11 năm, nhưng theo sử gia Kenedi, trong câu chuyện của ông, thời gian không có vai trò thật đặc biệt vì dù sao đi nữa, ông cũng đã thúc đẩy sự thực hiện những đòi hỏi của giới dân sự và khoa học, theo đó, Nhà nước Hungary cần công bố những hồ sơ của nửa thế kỷ qua, cho dù chúng có thể bất lợi với nhiều nhân vật chủ đạo trên chính giới hiện tại.

Bình luận về chiến thắng của mình trước Nhà nước Hungary, ông Kenedi diễn đạt: “Nhờ đó, chính sách ngu dân và sự ngu đần của xã hội sẽ được giảm, dù chỉ là 1 cm!” Ông Kenedi cho rằng, điều này sẽ có tác động khả quan đến đạo luật về việc quản lý và “bạch hóa” những thông tin, những hồ sơ an ninh quốc gia của thể chế cũ.

Không chỉ liên quan đến những hồ sơ trong quá khứ, phán quyết nói trên của Tòa án Nhân quyền Châu Âu cũng là sự khích lệ đối với sự phát triển của một xã hội công dân cởi mở, tôn trọng quyền được thông tin của người dân và các tổ chức dân sự.

Có lẽ đây cũng là lý do khiến Tòa, cách đây hơn 1 tháng, cũng đã xử thắng cho TASZ (Hiệp hội vì các quyền Tự do), một tổ chức bảo vệ nhân quyền của Hungary, khi Nhà nước Hungary không muốn cung cấp cho TASZ một thông tin mà họ yêu cầu.

Trong dịp đó, sau khi xác nhận rằng thông tin kể trên lẽ ra phải mang tính công khai vì chúng phục vụ lợi ích cộng đồng, lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại của mình, Tòa án Nhân quyền Châu Âu đã đưa ra phán quyết, rằng hạn chế thông tin công cộng một cách bất hợp pháp chính là vi phạm quyền tự do ý kiến của công dân.

Các phán quyết mang tính tiền lệ ấy, ngoài việc đem lại “sự thắng lợi tinh thần” cho các cá nhân và những tổ chức dân sự có liên quan, thực chất còn là động lực để trong sạch hóa và bình đẳng hóa các mối quan hệ xã hội và quyền lực giữa chính quyền và người dân.

© 2009 Tuấn Hoàng

© 2009 talawas blog