Thiệp hồng của Ngô Ngọc Ngũ Long & Đinh Tấn Lực


SỰ KIỆN VÀ VẤN ĐỀ

Cuộc Chiến Trên Thế Giới Ảo

So với các nước đang phát triển, Việt Nam là đất nước được đánh giá sử dụng công nghệ thông tin khá cao với tỷ lệ truy cập Internet là khoảng 23%. Nghĩa là hiện nay có hơn 20 triệu người Việt Nam sử dụng Internet như người bạn đồng hành không thể thiếu để vừa giao lưu, chia sẻ kiến thức, vừa cập nhật thông tin trên mọi lãnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội… vừa là công cụ vô cùng hiệu quả trong xử lý công việc.

Ở thế kỷ 21, cuộc cách mạng công nghệ thông tin là vấn đề sống còn của một đất nước đang trên đà phát triển như Việt Nam, đó là điều không cần bàn cãi. Với tinh thần học hỏi, cầu tiến với khát vọng được vươn ra hội nhập, hòa cùng dòng chảy phát triển toàn cầu, nên bầu trời bao la của Internet sẽ là nơi để những người trẻ Việt Nam đồng hành cùng thế giới và tự thể hiện mình một cách hoàn toàn bình đẳng cùng bè bạn năm châu. Ở một thế giới không còn ranh giới quốc gia, người ta có thể tự tin đến với nhau trên một mặt phẳng vô tận của tri thức… đó chính là mặt tích cực nhất của Internet.

Nhưng đó cũng là một thế giới ảo mà không ai cần biết mặt ai, không cần phải giữ gìn lời ăn tiếng nói, không phải đi theo một trật tự xã hội đã định cho mỗi công dân theo định hướng XHCN Dưới cái nickname, mỗi con người thật của xã hội bỗng trở thành những bóng ma, và vì nó chỉ là bóng ma nên người ta cảm thấy mình có quyền không chịu trách nhiệm bất cứ phát ngôn nào của chính mình, và được hành xử tự do đi theo chất “con” hơn là chất “người”, mặc cho nó tự do phát triển một cách khoái cảm vì được nói văng vít mà luật pháp khó có thể cấm cản. Đặc biệt là bởi luật pháp do chính họ làm ra. Nhiều chất “con” và ít chất “người” nhất có thể liệt kê ra đây một số phát ngôn, có câu được in vào cả sách giáo khoa:

“Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4/9/1958 của Chính phủ Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc”;

“Hết sức coi trọng và luôn luôn coi việc phát triển quan hệ hợp tác toàn diện, bền vững với Trung Quốc là chính sách nhất quán và ưu tiên hàng đầu”;

“Chuỗi hải đảo từ Nam Sa và Tây Sa tới Hải Nam và Đài Loan là bức tường thành bảo vệ lục địa Trung Quốc”;

“Trung Quốc vĩ đại đối với chúng ta không chỉ là đồng chí, mà còn là người thầy tin cẩn đã cưu mang chúng ta nhiệt tình để chúng ta có ngày hôm nay. Vì vậy chủ quyền Hoàng Sa thuộc Việt Nam hay thuộc Trung Quốc cũng vậy thôi!”;

“Làm bô-xít hiệu quả hay không, chờ thực tế mới biết”;

“Tụi tao là gì đây mà phải chờ người nhà mày mang giấy tờ lại à?”;

“Ngực lép dưới 72cm không được lái xe máy trên 50cc”;

“Công nhân Trung Quốc làm việc hiệu quả hơn công nhân Việt Nam, thể hiện ở ba khía cạnh: sức khoẻ tốt hơn, chuyên nghiệp hơn và có ý thức kỷ luật cao hơn”;

“Chúng ta phải xác định không để ‘đắm thuyền’, việc ta bàn hôm nay là cần làm gì để dự án được tiếp tục”;

“Của mình nhưng mà là phía Trung Quốc phụ trách”;

Chúng ta hoàn toàn có tự do nếu đi đúng lề đường bên phải”;

“Trong trường hợp Thích Quảng Độ được trao giải, báo chí ta đăng lời của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam kịch liệt phê phán việc trao giải vừa phi lý, thiếu thiện chí vừa làm hoen ố một giải thưởng vốn danh giá, hướng thiện…” v.v...

Người ta ước tính hiện nay có hơn 2 triệu blog cá nhân đang hoạt động tích cực trên thế giới ảo, chỉ mới 3 năm gần đây, nhưng nó đã trở thành một vấn nạn làm đau đầu các cơ quan chức trách. Bước đầu tiên của các blog là những trang nhật ký cá nhân, là những ưu tư, suy nghĩ cần sự sẻ chia… Tâm trạng ấy là dễ hiểu trong thời đại thông tin bùng nổ này, sau những giờ làm việc căng thẳng, về với trang blog của riêng mình, về với thế giới của những người bạn thật và cả những người chưa từng quen biết… chính là nơi chốn để những người trẻ giảm stress… Đó là chưa kể phần lớn trong thế giới học trò, blog còn mode, là thời thượng, ai không có blog sẽ bị coi là lạc hậu. Đó là lý do số lượng blog cá nhân tăng lên đến chóng mặt...

Nhưng vấn đề chính ở đây là một mặt trận đã ngay tức khắc được mở ra dựa vào thời cơ này: Bất kỳ ai cũng có quyền lên blog tuyên dương sự thật, thách thức trắng trợn cơ quan luật pháp nhà nước mà khó có bức tường nào ngăn nổi (!!). Và từ đó vô số những blog cá nhân với những nickname V.A, T.K, C.W.N, T.D.K, B.L, S.O.H, L.M.P, T.H, T.V.N, T.G.L, C.D.W, B.L cùng một hệ thống nhất quán đã đồng loạt lên tiếng với một chủ trương rõ ràng không hề giấu giếm.

Tùy theo mức độ công khai hay ảo mà có từng mức độ phê bình khác nhau. Nhưng tựu trung cũng cùng mục tiêu: phản kháng chế độ phi nhân này. Và ta cũng không ngạc nhiên khi tuy chỉ là một trang blog cá nhân như V.A lại được tôn vinh , cổ vũ trên trang Sanfrancisco Chronicle với tựa đề rất kêu “Bloggers, những dòng máu anh hùng mới ở Việt Nam” với khẳng định: Với hệ thống Internet không dây, đường truyền tốc độ cao có sẵn tại các tiệm cà phê và các trường đại học trên Việt Nam, các blogger đang ngày càng thách thức hệ thống kiểm duyệt và Đảng Cộng sản cầm quyền” và công khai ca ngợi những kẻ chống đối “Họ nổi tiếng nhờ những quan điểm chống đối chính quyền và họ đưa lên mạng những sự thật không hề xuất hiện trong hệ thống truyền thông của nhà nước”.

Chưa hết, một trang web nước ngoài đã dựa vào bài viết Diễn biến hòa bình (Peaceful evolution angst) của nhà báo Roger Cohen bằng một kết luận rõ ràng: “Họ (Nhà nước Việt Nam) không sợ cuộc cách mạng long trời lở đất mà sợ sự xâm nhập, mưa dầm thấm đất của nền dân chủ tự do… Chính những hoạt động này có nguy cơ phá hàng rào đỏ của Đảng và thậm chí vào tế bào của hàng ngũ cán bộ…”.

Tưởng không gì rõ ràng hơn nữa. Và rõ ràng nhất là cuộc chiến ấy đang từng ngày từng giờ đánh vào tâm não của gần 20 triệu người ngồi trước máy tính mà trong đó đa phần là giới trẻ... Nhưng tư tưởng giới trẻ hiện nay ra sao vẫn còn là một tảng băng chìm, còn cái trước mắt có thể nhìn thấy rõ nhất đó chính là sự trực ngôn của một số văn nghệ sĩ mà nước ngoài đang tung hô mạnh mẽ tôn vinh họ như là một anh hùng của thời đại…

Bài gốc của Ngô Ngọc Ngũ Long

Đinh Tấn Lực chấp bút & kính gửi các Bloggers có tên viết tắt trong bài.

Bản gốc: http://www.sggp.org.vn/theodongthoisu/2009/5/192336/