Giám Quốc Lại Mục
. Đinh Tấn Lực
Đây nói về hạng giám quốc lại mục, tức là phường thư lại trông coi việc nước.
Hai mươi năm sau trận chiến “giáo trừng” của Đặng Xếnh Xáng (chỉ trong một tháng đã cào bằng mấy tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và dời cột mốc biên vào nội địa VN dăm ba cây số), cả thôn Ba Đình nhà ta đã vật dê giết chó, cho khui cả thảy 15 chai Mao Đài thượng hạng, để đồng loạt nâng cốc cào bằng gia phả, giải phóng nhân thân, cùng thống nhất đổi thành họ kép Lê Chiêu, cho phù thời hợp thế, danh chánh ngôn thuận. Đứng đầu là Lê Chiêu Đức Nông. Đứng cuối là Lê Chiêu Như Rứa. Gọi là dồn nỗ lực tươm tất dọn mình, rốt ráo chuẩn bị chào mừng 1000 năm Thăng Hoa châu huyện Tiểu Bắc Kinh. Có kẻ còn lập nhà thờ họ cực kỳ hoành tráng ở tận làng Tiểu Phúc Kiến dưới miệt Rạch Giá để tỏ rõ tấm lòng tắm gội ơn trời…
Gốc gác của dòng họ này từ đâu tới? Ông tổ nó làm nghề gì? Họ nội, họ ngoại nó đi đâu, về đâu? Nghe chừng đã lắm kẻ truy khảo 4 sử gia khét tiếng Lâm-Lê-Tấn-Vượng, và cả GS Trần Huy Liệu (là cha đẻ của anh hùng Lê văn Tám) ngược về tận thời Lê mạt. Có tay sử gia kiêm dân biểu khá nổi tiếng là “người đương thời” ở đây, nhưng vì được nhà văn họ Tưởng, tự là K’Tiên (trú quán Tây Nguyên) từng có bài đôi điều tản luận, nên chẳng ai buồn hỏi tới, vì không thể đoan chắc độ khả tín trong câu trả lời của đương sự. Lại có đứa trang trọng khua mõ nhắc lại đôi dòng giáo khoa thư kải kách: “Dân ta phải biết sử ta - Cho tường gốc tích nước nhà VN”. Vậy thì, có nên chăng, hãy lược lại một đoạn sử nước nhà?
*
Từ Lê Chiêu Thống đến Lê Chiêu Hậu …Vệ
Vua Lê Chiêu Thống (黎昭統) 1765 - 1793, theo Bách Khoa Toàn Thư, tên húy là Duy Khiêm, sau đổi thành Duy Kỳ (黎維祁, chữ Kỳ với nghĩa là “cầu phúc”), cháu nội vua Lê Hiển Tông, con của thái tử Duy Vĩ, là vị vua cuối cùng của nhà Hậu Lê, từng bị Trịnh Sâm giam cầm hơn 10 năm. Năm 1786, nhà Tây Sơn đưa quân ra Bắc lần thứ nhất diệt Trịnh, vua Lê Hiển Tông mất, Lê Chiêu Thống được đưa lên làm vua. Tính khí nhu nhược, bị Trịnh Bồng lấn áp, Lê Chiêu Thống gọi Nguyễn Hữu Chỉnh từ Nghệ An ra phò giúp. Năm 1787, khi nhà Tây Sơn đưa quân ra Bắc lần thứ hai diệt Nguyễn Hữu Chỉnh, Lê Chiêu Thống phải trốn chạy, cho người sang cầu cứu nhà Thanh… Hoàng Lê Nhất Thống Chí, hồi thứ 11, chép lại lời biểu của vua Lê Chiêu Thống dâng lên quan Tổng Đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị (孫士毅) như sau: “Ba trăm năm nay, nước chúng tôi nhờ đội oai đức của thiên triều, đời đời giữ chức phiên phong, trong nước yên lặng. Chẳng may vận nước giữa chừng gặp buổi suy vi… (Nay) Vời trông thiên triều, ví như trời che đất chở, xa gần không sót chỗ nào. Xét đến tấm lòng kính thuận của các đời trước nhà tôi, và thương đến nỗi khổ yếu ớt, lang thang của tôi; xin hãy truyền cho đem quân tới sát bờ cõi, đánh kẻ có tội, dẹp yên loạn lạc, để gây dựng lại nước tôi. Muôn vàn lần nhờ ơn thiên triều, ơn đức của đại hoàng đế không sao kể xiết, mà công giúp đỡ của quan lớn cũng sẽ cùng bền vững với núi sông của nước tôi vậy”.
Không ai chắc thành ngữ núi liền núi, sông liền sông bắt đầu từ đó. Nhưng ắt hẳn ý niệm đồng hóa triều đại với quốc gia (hai hồi nhập một, hai phim chiếu chung một suất, ngắn gọn và thời thượng là “2 trong 1”) rõ ràng khởi thủy tự chỗ này: Gây dựng lại nước tôi! Trách gì đám cháu chắt Lê Chiêu ngày nay tha hồ tự dán nhãn cho bọn chúng với nhân dân là một, với tổ quốc cũng là một! Thậm chí, yêu nước là yêu cả nhà lâu la bọn nó!
Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục Chính biên, quyển 47, chép rằng, khi dâng sớ về Thanh Càn Long để xin lệnh, Tôn Sĩ Nghị đã viết: “Vả lại, An Nam là đất cũ của Trung Quốc, sau khi khôi phục nhà Lê, ta nhân đó, đặt lính thú để đóng giữ. Thế là vừa làm cho nhà Lê được tồn tại, vừa chiếm lấy được An Nam: thật là làm một chuyến mà được hai lợi”. Vua Thanh thuận cho, Sĩ Nghị bèn điều động quân bốn tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và Quý Châu kéo sang Đại Việt…
Lịch sử không tự nó lặp lại. Phải có những đứa thuộc sử đầu têu. Đám cháu chắt của dòng họ Lê Chiêu, nhờ coi nhiều bộ phim truyện truyền hình, vẫn ngày ngày nhắc nhau về lũ công thần Đại Hán, từ Hứa Thế Hanh kéo dài tới Hứa Thế Hữu (được nắn nót mô tả là những tay hảo hớn gan to bằng trời, tửu lượng cao ngất, võ nghệ trùm đời, đả lôi đài đánh bại và được đối thủ gả con gái cho)... Đặc biệt, đám học sử trực tuyến này nguyền ghi tâm khắc cốt 8 chữ vàng của Tôn Tổng Đốc thời bấy: “An Nam là đất cũ của Trung Quốc”, tiền thân của 16 chữ vàng đậm tính truyền thống ngày nay.
Dưới thời Mao lịch năm Mậu Tuất (1958), tháng Tân Dậu, ngày Giáp Ngọ, thuộc hành Kim (vẫn là vàng), giấy chứng nhận đất cũ của Trung Quốc được gọi là Công Hàm, do Phạm Thái Thú nước Việt ký gửi cho Chu Tể Tướng nước Tàu, khởi đầu cho một quy trình dốc sức tự hán hóa, nguyện gọt tóc kết đuôi sam từ trong tâm tưởng, hết lòng và liên tục nâng cấp quan hệ vương-hầu phát triển lên tầm cao mới…
Từ bấy trở đi, mọi cuộc hội nghị đại biểu cấp toàn quốc trong nước đều được tổ chức rập khuôn theo ngay sau khi đại hội bên mẫu quốc bế mạc, dưới sự chứng giám trọng thị bởi một phái đoàn sứ thần của thiên triều chễm chệ trên hàng ghế danh dự, vừa luôn mồm khạc nhổ, lại vừa xí xô xí xào “hảo hảo” với uy quyền tuyệt đối: Chỉ ai nấy dạ, bảo sao làm vậy, đặt đâu ngồi đó.
Khiến nhớ tới một đoạn sử khác. Trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí, hồi thứ 13, các tác giả Ngô Gia Văn Phái đã chép rằng: "Ngày ngày sau buổi chầu, vua lại tới chờ ở doanh của Nghị để nghe truyền việc quân, việc nước. Vua cưỡi ngựa đi trước, Lê Quýnh cưỡi ngựa đi sau, quân lính hộ vệ chỉ vài chục người. Người trong kinh có kẻ không biết là vua. Hoặc có người biết, thì họ nói riêng với nhau rằng: Nước Nam ta từ khi có đế, có vương tới nay, chưa thấy bao giờ có ông vua luồn cúi đê hèn như thế. Tiếng là làm vua, nhưng niên hiệu thì viết là Càn Long, việc gì cũng do viên tổng đốc, có khác gì phụ thuộc vào Trung Quốc?".
Ấy là bởi Ngô Gia Văn Phái nhà ta chưa từng kinh qua thời đổi mới. Con cháu dòng Lê Chiêu thời đại, không hổ danh hậu sinh khả ố, còn tiến bộ gấp triệu lần hơn:
“Doanh của Nghị” ngày nay đặt ở số 46 Hoàng Diệu, không nhất thiết phải thành cao hào sâu, nhưng luôn được canh gác cẩn mật ngày đêm bởi trùng điệp công an và chó nghiệp vụ, chỉ dành riêng cho phường giám quốc lại mục lui tới vấn an và vấn kế, “để nghe truyền việc quân, việc nước”. Không một trai tráng sinh viên VN nào được bén mảng tới cổng, cho dù là trên tay có cầm biểu ngữ phản đối Tam Sa hay không. Không một ai có quyền đến đây bày tỏ lòng yêu nước mà chưa xin phép. “Doanh của Nghị” lại còn có cả quyền quản trị toàn bộ trang mạng thông tin hiện đại www.chinavietnam.gov.vn (rõ ràng có đuôi là thuộc chính phủ Việt Nam), với đầy đủ tên đảo Tây Sa và Nam Sa liệt kê trên các bản tin…
“Người của Nghị” thì bao gồm cả mật vụ chính quốc mặc đồng phục thể thao cổ động viên Thế vận hội; hay du khách Tàu qua VN với tràn ngập cờ xí mẫu quốc ủng hộ cuộc rước đuốc cực kỳ trọng thị và an toàn; hay quân đội mặc thường phục nghễu nghện ngã nghếnh khắp đường phố Tây Nguyên; hoặc là những “công nhân” có quyền hành xử như công an mật vụ ở Nghệ Tĩnh; và cả nhân viên tư vấn các thứ của Viện Khổng Tử đang hình thành.
“Quyền của Nghị”, cho dù đã thiết lập đường dây nóng nối liền Bắc Kinh với Tiểu Bắc Kinh, nhưng xem chừng chưa đủ, vẫn phải quyết ra những cuộc khấu tấu định kỳ và bất định kỳ. Lê Chiêu Đức Nông, gốc Tày ở vùng cao Bắc Kạn, đã bốn lần tam bộ nhất bái sang Tàu. Ngược lại, cũng đã ba lần rạp mình cung thỉnh, trọng thể đón tiếp Hồ Cẩm Vương qua đây thăm thú. Lê Chiêu Minh Triết, gốc Bình Dương Sông Bé, thì cho dù đã tham dự buổi khai mạc Thế vận hội, song vẫn được coi là ép-si-lôn, không đáng kể. Riêng Lê Chiêu Tấn Dũng, gốc Phú Quốc Kiên Giang, từng đôi lần bị gậy sang Tàu, và cũng đã lắm phen gập người dập trán chuốc rượu Ôn Tể Tướng… Nhất nhất mọi thứ đều do “Nghị” xếp đặt.
“Uy của Nghị” không chỉ gây hiệu ứng trên đất liền, thông qua những tiểu tốt Lã Thông Mẫn, Vương Triệu Quốc, La Bảo Minh, Dương Khiết Trì, Hồ Tỏa Cẩm… hoặc ngay cả Lý Nguyên Triều sang nước ta xoa đầu dàn cháu chắt Lê Chiêu, với kết quả trước mắt là khu du lịch Bản Giốc cùng những đài tưởng niệm ghi công liệt sĩ Trung Quốc suốt dọc biên giới trên bộ. “Uy của Nghị” còn bao trùm cả trên vùng lưỡi bò biển Đông: Cấm ngư dân VN đánh cá; bắt ngư dân VN rồi chính thức và công khai đòi tiền chuộc; bắn chết ngư dân VN; đâm chìm tàu ngư dân VN tùy thích; và toàn bộ 700 cơ quan truyền thông báo đài chính quy VN chỉ được phép loan tin “do tàu nước ngoài…” hoặc “do tàu lạ chưa rõ tung tích” gây ra, cho dù cả nước, và cả chú em bộ đội Lê Chiêu Quang Thanh, đều biết rõ danh số từng tàu trong hạm đội ngụy trang Ngư Chính.
“Lệnh của Nghị”, thông qua giám đốc Cty dùi cui Lê Chiêu Hồng Anh, là phải kiếm cớ bỏ tù tay dân báo Điếu Cày từng ngang nhiên mặc áo thun 5 còng Olympic 2008 đứng giữa khu đô hội Sài Gòn. “Lệnh của Nghị” là phải nhân danh điều luật còng đúp 88 để bắt giam những ai khẳng định Trường Sa-Hoàng Sa là của Việt Nam, kể cả LS Lê Công Định là người chấp bút bản Tuyên Bố của Đoàn Luật Sư Thành Phố ngày 5/1/2008 nhằm phản đối quyết định của Quốc vụ Viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập huyện đảo Tam Sa. Và khóa mõm phát ngôn viên của Lê Chiêu Gia Khiêm trong chỉ một câu tuyên bố cà lăm nhiều lần bâng quơ lặp đi lặp lại, rằng: “Chúng tôi khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý”, thế thôi!
“Khuyến của Nghị”, thông qua Ban Tuyên giáo TW của cậu út Lê Chiêu Như Rứa, là phải đình bản tờ Du Lịch sau số báo Xuân. Phải giong tai lắng nghe lời mắng mỏ nặng nhẹ của ngài Tham tán Kinh tế-Thương mại của Tàu về “lổ thủng trách nhiệm” của ta, trước khi gỡ bỏ, cất ngay những bài báo nhạy cảm làm mất lòng các đấng con trời, tỷ như bản tin của VNnet về bàn tròn trực tuyến “Giải pháp với hàng Trung Quốc chất lượng thấp”, chẳng hạn. Phải xóa hẳn vết tích những dòng sử chống Hán triều trong giáo trình các cấp. Và nhất định là phải dìm sâu, diếm kỹ mấy lời mào thất thố từng ghi trên Hiến Pháp nước nhà: “Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp!”, cùng mấy bộ sách cực kỳ phản cảm: “Sự Thật Về Quan Hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua” (Nxb Sự Thật, Hà Nội 10/1979), hoặc, “Phê phán chủ nghĩa bành trướng và bá quyền nước lớn của giới cầm quyền phản động Bắc Kinh” (Nxb KH-XH, Hà Nội 1979)…
“Đích của Nghị”, rõ ràng bước đầu đã đạt, chính là quy trình hán hóa toàn thể thôn Ba Đình, bằng cả ba dòng thác Kách Mệnh thời A còng: Làm cho nó sang. Làm cho nó sướng. Làm cho nó sợ. Quan trọng nhất chính là lời hứa đỡ đầu cho chúng nó nắm quyền. Kế tới là nắm tẩy niềm đam mê hệ chân dài những lần chúng nó sang Bắc Kinh khấu kiến. Sau cùng là sử dụng ngay quy luật kinh tế chính trường với chúng thông qua truyền thống văn hóa phong bao lì xì. Sao cho bọn nó thấy rõ thiên triều là chiếc ô dù “trời che đất chở, xa gần không sót chỗ nào”. Quả nhiên, “Thế là vừa làm cho nhà Lê (Chiêu) được tồn tại, vừa chiếm lấy được An Nam: thật là làm một chuyến mà được hai lợi” vậy!
*
Từ 400 lạng bạc đến 150 triệu đô
Lê Quý Dật Sử chép rằng: ”Nhân dịp Càn Long đi nghỉ mát ở Nhiệt Hà, đông bắc Yên Kinh, ngày mồng 8 tháng 5 năm Nhâm Tuất, tức 20-6-1790, vua Lê Chiêu Thống cùng bề tôi quỳ bên đường dâng biểu. Càn Long phong cho Lê Chiêu Thống chức Tá Lãnh, cùng 400 lạng bạc” (Phạm Văn Thắm dịch, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1987, trang 103).
Hoàng Lê Nhất Thống Chí, hồi thứ 15, chép cách tương tự: “Đến khi xe vua Thanh đi qua, vua Lê cùng các bề tôi đều quỳ xuống yết kiến ở mép đường bên trái. Xe vua Thanh dừng lại một chút, có viên thông ngôn báo rằng: ‘Hoàng đế có chỉ khen thưởng’… Cách mấy hôm sau, lại thấy có viên quan ở nội phủ vâng chỉ vua Thanh đòi vua Lê vào sân điện, ban cho bốn trăm lạng bạc và sai người sắp sẵn cho các thứ đồ vật. Còn những bề tôi đi theo, đều được cấp mỗi người năm trăm đồng tiền. Các lễ mừng, lễ điếu ở trong nước, đều chiểu theo như thể lệ đã định cho những người thuộc tám hiệu cờ”.
Dù bụng dạ phóng khoáng rộng rãi là vậy, Thanh Càn Long cũng không dấu nỗi khinh thị, và cũng không ngần ngại buông lời thóa mạ Lê Chiêu Thống: “Từ khi gặp họan nạn lưu ly, thân cô đến tố cáo. Bèn hưng binh phục quốc, vỗ về nước nhỏ làm sống lại dòng kế thừa. Cớ sao bỏ thành vứt ấn, hèn yếu chồng chất nên thất thủ. Trời bèn ghét đức, phúc tộ cáo chung” (Cao Tông Thực Lục, bản dịch của Hồ Bạch Thảo, trang 249).
Có 2 điểm nhấn ở các đoạn sử vừa dẫn:
Một là, nó vừa lì xì, nó vừa khinh bỉ. Tương tự như vụ việc “ngoại giao thất vọng”, được ngài Trần Quang Cơ ghi lại trong hồi ký, rằng: ông Phạm Văn Đồng, khi đã ở tuổi gần đất xa trời vẫn còn ngờ nghệch nghĩ rằng sẽ được Đặng Tiểu Bình tiếp khi cùng bầu đoàn sang Tàu xin thần phục thiên triều. Nào có phải cứ ký công hàm dâng đảo dâng đất là chúng nó mặc nhiên coi trọng đâu?
Hai là, Lê Chiêu Thống nhận 400 lạng bạc, còn các tùy tùng chỉ nhận có mỗi 500 đồng tiền. Tức là các phong bao lì xì đều có thang định mức cả, chiếu theo phúc phận và chức quyền sao cho xứng với mọi yêu cầu lớn nhỏ.
Riêng về điểm nhấn thứ nhì, hãy thử làm một con tính thời nay: Để cúi đầu câm họng về tình hình biển Đông, và để âm thầm tiến hành các dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, Lê Chiêu Tấn Dũng đã nhận phong bao lì xì 150 triệu tiền đô, vậy, trưởng nam Lê Chiêu Đức Nông nhận bao nhiêu cho tương xứng (200-300 triệu chăng?), và các “anh em” khác đã nhận bao nhiêu (100 triệu chí ít)?
Bèo chán! 150 triệu đô là đủ để các dự án khai thác bô-xít Tây Nguyên biến thành “một chủ trương lớn của đảng và nhà nước VN”. Bất kể 3 lá thư ngỏ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (từng được ghi nhận là “lãnh đạo ta đánh giá cao”). Bất chấp hàng nghìn trí thức xả thân gióng tiếng phân tích và kiến nghị điều lợi hại, cả hiện tại lẫn tương lai… Lại còn bắt được mối nối với con rể của Dũng, vốn đang có tham vọng và tiềm năng độc quyền ngành viễn thông tại VN (và đã bước đầu hạ gục đối thủ họ Trần Huỳnh ở thôn Đông). Quá bèo!
Bao nhiêu là vừa đủ Kích Cầu để trói gô cả triệu lính Việt dưới quyền của Lê Chiêu Quang Thanh, cả trên bộ lẫn trên biển, chỉ bằng một cú phôn qua đường dây nóng? Bản thu hoạch kê rõ: Sức mạnh quân sự của VN không phải là ở bao nhiêu AK, bao nhiêu T54, bao nhiêu con SU hay bao nhiêu tàu ngầm, mà là ở lòng tham của đứa chỉ huy!
Bao nhiêu là vừa đủ Kích Cầu để đám đệ tử của Lê Chiêu Gia Khiêm tiếp tục ca cẩm: “Việt Nam có một chính sách không thay đổi trong việc giải quyết các bất đồng liên quan đến mặt biển trên cơ sở tôn trọng luật pháp và thực tiễn quốc tế“? Có nghĩa là ngày nào VN còn dính dáng tới Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thì bọn này vẫn còn là dàn loa công suất cao của nhà nước Bắc Kinh.
Bao nhiêu là vừa đủ Kích Cầu để điều hướng toàn bộ công an mật vụ (cả 4 màu áo) của Lê Chiêu Hồng Anh vào nhiệm vụ bảo vệ các đặc khu kinh tế TQ tại VN, bảo vệ công nhân cùng du khách Tàu ở đây, và bắt nhốt tất cả các can phạm VN về tội đòi hỏi chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ bằng tấm lòng yêu nước không xin phép?
Bao nhiêu là vừa đủ Kích Cầu để toàn bộ thế hệ trẻ Việt Nam ý thức sâu sắc về quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai nước, gắn liền nhau bằng 16 chữ vàng và phương châm 4 tốt, đặc biệt được đánh dấu trọng thị và an toàn vào năm 2010 là “Năm Hữu Nghị Việt-Trung” nhân dịp kỷ niệm 1000 năm kinh đô của ta, trước khi nó biến thành một thị trấn của Tàu?
Bao nhiêu là vừa đủ Kích Cầu để khép kín tiến trình hán hóa toàn đảng, thông qua Thỏa thuận Hợp tác về Đào tạo Cán bộ Giai đoạn 2009-2015, theo Đề án 165? Trước khi bắt đầu đô hộ và hán hóa toàn dân Việt, thông qua Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương Việt Nam–Trung Quốc: Chuyển đổi khẩu hiệu từ “Yêu nước là dùng hàng TQ” sang “Yêu nước là yêu cả Hán triều”?
Bi nhiêu bi! Tất nhiên, câu hỏi đầu tiên và sau cùng của giới Hoa thương vẫn là: Vốn liếng ngần đó, lấy lại ngần nào (và trong bao lâu) thì gọi là có lãi? Được như Tân Cương-Tây Tạng thì có đáng gọi là lãi to chăng?
*
Từ cầu phao Nhị Hà đến đường sắt Nam Ninh
Vẫn theo Bách Khoa Toàn Thư: Tết Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung đại phá quân Thanh, Lê Chiêu Thống chạy theo Tôn Sĩ Nghị sang Trung Quốc sống lưu vong, bị bạc đãi, chết ở Yên Kinh năm 1793. Thanh Càn Long cho làm lễ táng theo nghi thức tước Công, sau được Thanh Gia Khánh cho đưa cốt về quê an táng tại Lăng Bàn Thạch. Thụy hiệu là Mẫn Đế.
Lê Chiêu Thống đã toại ý với nguyện vọng sau cùng là được chuyển cốt về với đất nước Việt, cũng tương tự như một “cha già” khác sau này hài lòng toại ý với ước nguyện cuối đời (có ghi vào di chúc là) được về chầu Các-Mác Lê-Nin.
Còn trong trận chiến đầu Xuân Kỷ Dậu, Tôn Sĩ Nghị đã phải vất bỏ hết cả cờ, ấn, sắc, thư… để chạy băng cầu phao qua sông Nhị Hà mà thoát thân. Sầm Nghi Đống tự thắt dây treo cổ. Hứa Thế Hanh bị mất thủ cấp…
Trong thư của vua Quang Trung gửi Thanh Càn Long để đòi đất có đoạn khẳng định: “Chỉ vì phần đất cõi Nam đứng làm phên dậu, bốn bề giáp ranh những đâu sách đã chép rõ...”. Mới hay, lịch sử cũng hết lòng sòng phẳng đối với khí tiết của dân tộc. Dân tộc ta đánh đổi núi xương sông máu trong nhiều thập kỷ chiến tranh của thế kỷ trước, không chỉ độc nhất vì hai chữ thống nhất. Mà còn là tự do, nhân phẩm và sự toàn vẹn lãnh thổ. Lịch sử không có chỗ đứng dành cho dòng họ cõng rắn cắn gà nhà, rước voi dày mả tổ… Lại càng không có chỗ đứng cho phường giám quốc lại mục làm giàu cực nhanh bằng những phong bao lì xì của ngoại bang, hay bằng sự tùy tiện đánh đổi tài nguyên của đất nước thành lợi riêng tư. Không hẳn rằng cứ cùng nhau đổi họ là cùng nhau một lòng một dạ. Các Lê Chiêu thời đại cũng đã kinh qua nhiều trận thư hùng sinh tử đánh dấu bằng số La Mã (khóa IX, khóa X…) và sẽ còn tiếp tục nâng tầm đấu đá để giành quyền giữ lợi.
Gần nửa thế kỷ trước, học giả Lê Văn Siêu đã viết ra giấy những nhận định mang tính thời sự xuyên suốt cho tới hôm nay:
“…Còn ở thời suy yếu này thì mục đích chính đã không có, mọi xích mích nhỏ lại được thổi phồng to hơn, khiến mất nhất trí tinh thần, nên sinh ra nội loạn lung tung, không kẻ nào chịu kẻ nào cả.
Những thần tượng cũ về tôn giáo vẫn hướng dẫn đời sống tinh thần của người ta, bị đem ra đả kích. Những thần tượng mới của vua quan yếu hèn lại không đủ tư cách làm mục tiêu ngưỡng mộ của quần chúng.
Xã hội quả đã thiếu ngọn đuốc văn hóa soi đường vậy.
Ước vọng thâm thiết của nhân dân, như đã nói là hòa bình và thống nhất, một cách thật đơn giản, những kẻ sĩ và kẻ cầm quyền không sáng suốt hơn nhân dân, đã không nhìn ra sự cần dùng phải dẹp chính cả những nguyên nhân sinh ra mất hòa bình và thống nhất…”.
(Việt Nam Văn Minh Sử Cương – nxb Lá Bối Sài Gòn, trang 139-140).
Lịch sử đang đứng về phía nhân dân. Một khi ở thượng tầng “nội loạn lung tung, không kẻ nào chịu kẻ nào cả” và trên bảo dưới tảng lơ. Một khi “thần tượng mới của vua quan yếu hèn” đã hiện hình và sụp đổ hàng loạt. Một khi sĩ phu đã gióng tiếng, và rõ ràng “kẻ cầm quyền không sáng suốt hơn nhân dân”. Quan trọng hơn cả, một khi nhân dân đã nắm hết cốt lõi và trải nghiệm các kỹ thuật đấu tranh bất bạo động qua từng chặng Thái Hà…
Hãy tiếp tục và cùng nhau mở toang cánh cổng đường sắt Hà Nội-Nam Ninh, để con cháu dòng dõi Lê Chiêu còn rộng đường thoát thân về nước.
21-7-2009. Đôi dòng chép vội để kịp hưởng ứng lời kêu gọi của báoTuổi Trẻ ngày 20/7/2009: Yêu sử để thêm yêu đất nước.
Blogger Đinh Tấn Lực.