Không Sẵn Tay Sai Hẳn Khó Có Quan Thầy!

Không Sẵn Tay Sai

Hẳn Khó Có Quan Thầy!

. Đinh Tấn Lực

Trang mạng http://bauxitevietnam.info/ lại phải cố khắc phục thêm một sự cố “bất thường”, sau gần một năm hoạt động vượt mặt tất cả các trang mạng chính quy trong nước, với lượng truy cập kỷ lục cả về số lượt, tốc độ, lẫn mức độ hiệu quả trên tổng số nhân sự hoặc chi phí.

Sự cố “bất thường” từng nhiều lần xảy ra đó, âu cũng là điều có thể mường tượng được từ đầu, hoặc, chí ít là chẳng mấy ai coi đó như một “bất ngờ” trên cái nền tảng sinh hoạt chính trị nghiệt ngã Thậm hèn với giặc-Cực ác với dân như Rứa. Và chẳng phải đó cũng chỉ là hiệu ứng/hệ quả của một nền ngoại giao mẫu-tử/thầy-trò/chủ-tớ hay sao?

Hãy cùng lược xem mối quan hệ này “hữu hảo” tới đâu trong năm 2009?

*

- Thiên Tuế Ta – Lục Tuần Tàu -


Đáp ứng lời thỉnh cầu của Hà Nội (ngày 15/1/1950), Bắc Kinh là chính phủ đầu tiên trên thế giới đã chính thức công nhận nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (ngày 18/1/1950). Sau đó mới lần lượt tới Liên Xô và các nước Đông Âu cũ (mà nay đã cực lực dân chủ hóa để cất cánh). Tức, chỉ còn dăm ngày nữa là đến dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ bang giao giữa Việt Nam với các nước vừa kể.

Tuy nhiên, xem ra, chỉ riêng đối với Trung Quốc (TQ) là có phần đặc biệt nổi trội hơn cả: đảng và nhà nước ta đang cất công đề xuất/ráp nối/phối hợp với đại lễ 1000 năm Thăng Long, gọi là để cho dịp kỷ niệm 60 năm hữu nghị này gia tăng thêm bội phần long trọng!

Kể cũng là “có cơ sở”! Bởi, công lao của Bắc Kinh đã từng đỡ đầu/trợ giúp/chỉ đạo cho đảng và nhà nước ta, tính từ thời Điện Biên cho tới Mậu Thân, tính từ chiến dịch biên giới tới cải cách ruộng đất, tính cả nhân/vật/tài lực, tính cả cố vấn/chuyên gia lẫn tham mưu/chỉ huy, tính cả kinh viện lẫn quân viện… hẳn phải ví như Thái Sơn/Nam Hải. Và bởi, quan trọng hơn cả, hiện chỉ có TQ là còn chút khả năng trước một nhúm đầu cúi tay ngửa, như chủ nhiệm một trại mồ côi trông coi toàn bộ cộng đồng cộng sản còn sót lại, sau khi các chế độ thuộc Quốc Tế III đành buông thắt lưng nhau mà tan rã.

Cách tính “1000 tuổi Ta-60 tuổi Tàu” đầy ắp chất cảm kích/cúc cung/sáng tạo như trên, hóa ra, cũng là một cách báo đền ơn sâu nghĩa nặng. Rứa là tròn chữ quân thần. Rứa là phải đạo bề tôi. Rứa là đẹp lòng thiên tử.

Trong bản Thông cáo báo chí chung hồi cuối tháng 8/2006, nhân chuyến khấu kiến Bắc Kinh của vợ chồng Nông Đức Mạnh, TQ đã khẳng định sự hài lòng về mối quan hệ giữa hai đảng và nhà nước.

Sự hài lòng đó, nhờ nỗ lực phi thường của lãnh đạo đảng và nhà nước ta, đã kéo dài và gia tăng gấp bội trong năm 2009 này:

1. Thăm Thẳm Mốc Biên Giới

Theo TTXVN: “Vào những giây phút giao thừa chào năm mới 2009, các lực lượng tham gia phân giới cắm mốc Việt-Trung có thể tự hào báo cáo với Tổ quốc Việt Nam yêu quý đã hoàn thành nhiệm vụ được lãnh đạo Đảng và Chính phủ hai nước giao phó: kết thúc phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt-Trung…”.

Biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc dài khoảng 1.406km, giữa 7 tỉnh cực Bắc của VN là Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh, tiếp giáp với 2 tỉnh cực Nam của TQ là Vân Nam và Quảng Tây. Toàn tuyến biên giới Việt-Trung được đánh dấu bằng 1971 mốc, bao gồm 1378 mốc chính và 593 mốc phụ.

Trong đó, một số cột mốc mới cáu đã nhanh chân chạy vào cương thổ nước ta, trong lúc hơn bảy trăm cây số vuông đất cũ đã cùng ải Nam Quan và một phần thác Bản Giốc đã theo quyết định của “trên” mà âm thầm trườn sang nước bạn.

Rứa không là cái cốt tay sai rất đáng cho quan thầy hài lòng hả dạ đó sao?

2. Mênh Mông Tình Hữu Nghị

Kỷ niệm 30 năm cuộc chiến đấu vệ quốc oai hùng của quân dân ta gìn giữ biên cương phía Bắc hồi tháng 2/1979, với núi xương sông máu của hàng chục vạn thanh niên rường cột nước nhà đổ ra bảo vệ từng tấc đất dọc biên trước cuộc tiến công vũ bão gọi là “giáo trừng” của bọn giặc bá quyền nước lớn… đã chìm sâu vào một cõi im lặng gần như tuyệt đối của hàng ngàn cơ quan báo đài chính quy của đảng và nhà nước ta. Lý do? Đã có chỉ thị của Ban Tuyên Giáo Trung Ương nghiêm cấm hệ thống báo đài ở đây đưa tin/viết bài đề cập đến cuộc xâm lăng 1979 của TQ.

Quyển “Sách Trắng 1979” của Bộ Ngoại Giao đã mất biến theo những dòng sử cải biên. Quyển “Phê phán chủ nghĩa bành trướng và bá quyền nước lớn của giới cầm quyền phản động Bắc Kinh” (Nxb Khoa Học Xã Hội - Hà Nội, 30/08/1979), và cả bộ sách “Sự Thật Về Quan Hệ Việt Nam-Trung Quốc Trong 30 Năm Qua” (Nxb Sự Thật, Hà Nội 10/1979)… đều đã được thu hồi và tiêu hủy sạch.

Tất cả các bài ca biên giới hào hùng một thời, đã theo lệnh “trên”, cũng từ lâu tắt tịt (Ngày ra đi, hướng biên cương, gió bấc tràn về lòng anh lạnh buốt. Nòng súng đen dán câu thơ, Ý thơ thiệt hay là thơ Lý Thường Kiệt…/Và anh lại ra đi, vui như ngày hội, Mùa xuân biên giới, súng anh gác trời xa…). Ngay cả “Những đôi mắt mang hình viên đạn” cũng đã im lìm nhắm kín.

Đối với mối quan hệ “mênh mông tình hữu nghị” của đảng và nhà nước ta, sự hy sinh bảo vệ Tổ quốc của họ không chỉ đơn thuần là vô nghĩa, bởi chẳng từng có một lời tri ân nào được lãnh đạo ta nhắc tới vào dịp kỷ niệm 30 năm giỗ họ. Sự hy sinh đó còn biến thành lớp lá mục lót đường từ lâu để đón nhận 16 chữ vàng của thiên triều.

Năm nay, sự hy sinh đó đã bị phũ phàng xóa sạch bằng những bài báo ca tụng viên tướng tư lệnh quân khu Quảng Châu từng chỉ huy trận chiến bành trướng xâm lăng VN 1979 là Hứa Thế Hữu, ngay trên cơ quan ngôn luận/tuyên truyền của thành ủy thủ đô là tờ Hà Nội Mới.

Sự hy sinh đó cũng đã ngậm ngùi chìm mất tăm bên dưới những vòng hoa tưởng niệm “Ðời đời nhớ ơn các liệt sĩ TQ” ở nghĩa trang biên giới Long Châu thuộc tỉnh Quảng Tây…

Rứa không là cái cốt tay sai rất đáng cho quan thầy hài lòng hả dạ đó sao?

3. Ngoại Xâm Đích Thực Anh Hùng?

Nguyên tác là quyển Chiến hữu trùng phùng, của tác giả Mạc Ngôn. Nội dung là nhằm xiển dương chủ trương “phá sạch-giết sạch” của quân đội nhân dân TQ trong cuộc chiến xâm lược VN năm 1979, dưới tên gọi là cuộc chiến “giáo trừng bọn man di” ở phương Nam (Chính Đặng Tiểu Bình, trên truyền hình trực tiếp, đã công khai gọi “VN là bọn côn đồ. Phải dạy cho chúng một bài học”. Rồi tới lúc nối lại bang giao 1991, Giang Trạch Dân đã mắng xéo Nguyễn Văn Linh là “quân vô ơn”, bằng cách xén tặng một câu trong bài thơ đểu của Giang Vĩnh đời Thanh).

Quyển sách kể lại diễn tiến cuộc xung đột vũ trang khốc liệt giữa 2 nước từng là “bầu bạn anh em” và từng sát vai tiến tới một thế giới đại đồng: Chỉ trong vòng một tháng, quân đội TQ đã san bằng 6 tỉnh biên giới của VN; đã chặt đầu, mổ bụng, cưỡng hiếp và chôn sống vô số thường dân VN ở dọc biên giới…

Quyển sách đã được các dịch giả Trần Trung Hỷ, biên tập Triệu Xuân, và Cty Văn hóa Phương Nam tổ chức chuyển ngữ, đặt lại tựa đề là Ma chiến hữu, rồi liên kết với Nxb Văn Học để ấn hành rộng rãi, nhằm mục đích phổ biến “một cách ca tụng riêng về chủ nghĩa anh hùng” phá sạch/giết sạch của TQ. Trong lúc có khá nhiều quyển khác, cho dù được độc giả bình chọn hay hơn, nhưng đều bị ngăn chận/trù dập/thu hồi, như: Thời của thánh thần, Dưới chín tầng trời, Rồng đá…

Rứa không là cái cốt tay sai rất đáng cho quan thầy hài lòng hả dạ đó sao?

4. Không Có Gì Ghê Gớm Hơn…

Trang mạng vietnamchina.gov.vn, thuộc hệ thống Cổng thông tin Điện tử Chính phủ, cụ thể là của Bộ Công Thương VN, từng đăng nhiều tin/bài sử dụng các địa danh lãnh thổ của ta bằng tên gọi của TQ, lại còn khẳng định đoàn tàu Ngư Chính đến biển Ðông là để bảo vệ lãnh hải nước Tàu! Rứa mà, Nguyễn Thanh Hưng, Cục trưởng cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin, bộ Công Thương, cơ quan chịu trách nhiệm về trang web này, đã thản nhiên nhận định rằng “Không có gì quá ghê gớm cả… (bởi nó là) của mình nhưng mà là phía TQ phụ trách”!

Ngư dân VN, sau khi bị hải quân TQ bắt giam/đánh đập/cướp bóc trên đường tránh bão tại vùng biển Hoàng Sa, đến hàng tháng sau mới được thả về. Thông Tấn Xã Việt Nam lập tức đưa tin “Ngư dân về từ Trung Quốc”. Bài báo được gần 700 cơ quan ngôn luận các thứ ở đây đăng/đọc lại. Không một tổng biên tập nào dám lên tiếng rằng chính TTXVN đã mặc nhiên xác nhận đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi TQ chiếm đóng và giam giữ những ngư dân này là lãnh thổ Trung Quốc!

Tổng Cty Than Khoáng Sản VN (TKV) đã dành mọi ưu đãi để các nhà thầu TQ tự quyết đưa hàng ngàn lao động phổ thông TQ vào làm việc tại Tây Nguyên và nhiều nơi khác. Đến mức TS Phạm Chi Lan đã phải lên tiếng báo động về tình trạng sinh hoạt “tự trị” gây xung đột áp đảo đối với người Việt sở tại. Bất kể những bản tin nóng dồn dập trên báo, PTT thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã tự nguyện bênh vực là lao động phổ thông TQ các nơi được quản lý đúng “theo pháp luật Việt Nam”.

Rứa không là cái cốt tay sai rất đáng cho quan thầy hài lòng hả dạ đó sao?

5. Vang Rè Một Điệp Khúc

Vào dịp kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên, Bắc Kinh đã tự ý tổ chức họp báo kể công của TQ là chính yếu. Đại sứ quán và các Tổng lãnh sự quán của ta tại TQ đều im ắng y hệt Bộ Ngoại giao của ta ở Hà Nội, dù không ai thấy trong 16 chữ vàng có từ im lặng.

Trong suốt cả năm, qua nhiều lần tàu cá VN bị tàu chiến cải trang của TQ đâm chìm, toàn bộ dàn báo đài chính quy của ta chỉ được phép đưa tin về “tàu lạ”. Ngay cả khi TQ ra lệnh cấm ngư dân VN đánh cá trên ngư trường quen thuộc của họ thuộc lãnh hải VN, người phát ngôn Lê Dũng của ta vẫn chỉ nhiều lần lặp lại một điệp khúc (cũng quen thuộc không kém) rằng VN: “có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý…”. Trong lúc tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh từ đường dây nóng: “không làm phức tạp thêm tình hình!”.

Vào cuối tháng 11/2009, Học viện Ngoại giao và Đoàn luật sư VN đã long trọng tổ chức một hội nghị theo kiểu workshop hoành tráng và tầm cỡ quốc tế mệnh danh là “Biển Nam Trung Hoa: Hợp Tác Vì Sự Ổn Định Và Phát Triển Khu Vực”. Cụm từ “Biển Nam Trung Hoa” không chỉ chễm chệ trên chủ đề hội nghị, mà còn được lặp lại thêm 22 lần nữa trong toàn bộ 3 tệp hồ sơ “Ý Niệm”, “Chương Trình”, và “Danh Sách Khách Mời”. Có phải đây là 1 tấu sớ kín đáo của nhà nước ta dâng trình thiên triều, thông qua ban tổ chức hội nghị, là: Chính thức nhìn nhận danh xưng và chủ quyền “Biển Nam Trung Hoa” này trên vùng biển mà TQ từng vẽ 9 gạch hình lưỡi bò?

Rứa không là cái cốt tay sai rất đáng cho quan thầy hài lòng hả dạ đó sao?

6. Lưng Cong Như Lưỡi Uốn…

GS Brantly Womack, trong tác phẩm China and Vietnam: The Politics of Asymmetry, đã nhận định quan hệ Việt–Trung “là một ca thú vị của mối quan hệ bất tương xứng lâu dài”:

Ở trong nước, đại lễ 1000 năm Thăng Long đã được Bộ chính trị định hướng sao cho hoành tráng xứng tầm với dịp kỷ niệm 60 năm quan hệ Việt-Trung. Hà Nội rốt ráo lo cải tạo các dòng sông bẩn; xây dựng các tượng đài, công viên, bảo tàng, thư viện; tổ chức nhiều buổi hội thảo “Tăng cường niềm tin trong quan hệ Việt-Trung”…

Riêng TT Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ thị cho PTT Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo việc thí điểm xây dựng Học viện Khổng Tử, vốn là “cơ quan truyền bá văn hóa Trung Quốc ở nước ngoài”, song song với một Cung Hữu nghị Việt-Trung, cũng do Bắc Kinh tài trợ, một công trình mà Lỗ Kiến Hoa, trợ lý Bộ trưởng bộ Thương mại TQ, trang trọng gọi là “điểm sáng” của “Năm Hữu nghị Việt – Trung 2010”.

Ở ngoài nước, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của VN tại Bắc Kinh là Nguyễn Văn Thơ (từng đoạt cờ thi đua của TT Nguyễn Tấn Dũng ngày 30/8/2009), đã cật lực ngợi ca mối tương quan vương-hầu/chủ-tớ đó, bằng cách:

- Mô tả mức độ hoàng tráng của đại lễ quốc khánh TQ ngày 1/10/2009 là: “Hết sức huy hoàng… Đây là niềm tự hào của nhân dân Trung Hoa, cũng là niềm tự hào của các nước châu Á trong đó có Việt Nam”.

- Chúc tụng đài phát thanh Tiếng Nói Vịnh Bắc Bộ của TQ trong ngày đầu khai mở chương trình tuyên truyền bằng Việt ngữ: “Chúc đài thành công trong sự nghiệp của mình”.

Còn Tổng lãnh sự Nguyễn Anh Dũng ở Nam Ninh thì “Chân thành mong ‘Tiếng nói Vịnh Bắc Bộ’ sẽ truyền đi những thông tin góp phần tăng cường quan hệ cùng có lợi giữa nhân dân hai nước, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị đời đời xanh tươi giữa nhân dân hai nước chúng ta”.

Rứa không là cái cốt tay sai rất đáng cho quan thầy hài lòng hả dạ đó sao?

7. Biểu Tình Lợi Hay Hại???

Hệ thống mạng của ta quả cực an toàn, cả ba mặt:

Một là, nhà nước ta đã ban hành biện pháp tường lửa ngăn chận các thao tác truy nhập vào các trang mạng “phản động”, hay, đột nhập bằng kỹ thuật số vào các trang webs/blogs thiếu thiện chí và kém thiện ý với xã hội chủ nghĩa, quan trọng nhất là triệt để ngăn chận các trang mạng Cửu Bình và Pháp Luân Công tiếng Việt.

Hai là, các trang mạng có tính phản biện chắc cú và đại trà mà chính phủ ta không trả lời nổi thì đều có nhiều cơ hội ngang nhau để xảy ra các sự cố “bất thường”. BauxiteVietNam hay Talawas chỉ là những tiêu biểu làm nền.

Ba là, chính lãnh đạo ở cấp thượng tầng đảng ta đã cho duyệt đăng ngay trên cpv.org.vn (trang mạng chính thức của toàn đảng và là cơ quan ngôn luận của trung ương đảng) những bài viết ca tụng thiên triều, nhằm bình thường hóa những địa danh đất nước ta theo tên gọi của Tàu, và bình thường hóa cả những động thái/đối sách “mềm mỏng” của lãnh đạo ta.

Thêm vào đó, chính đích thân một trong những lãnh đạo tư tưởng/lý luận ở cấp cao nhất của ta cũng đã quát tháo những câu hỏi chất vấn thanh niên rường cột nước nhà: “Làm cái gì? Để làm cái gì? Tôi hỏi các anh các chị: Các anh các chị làm như thế, biểu tình Trường Sa Hoàng Sa là của Việt Nam như thế là lợi hay là hại? Lợi hay hại???”.

Rứa không là cái cốt tay sai rất đáng cho quan thầy hài lòng hả dạ đó sao?

8. Biển Đông Là Của Nước Nào?

Ấn phẩm Chào mừng ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam của báo Phụ nữ Thành phố có đăng một bài viết về những chàng thủy thủ, kèm theo một bức ảnh độc đáo, đã khiến độc giả cực hoang mang, không rõ đối tượng ca ngợi Hải Quân là Hải Quân nào? Hoá ra, đó là bức ảnh lính thủy của TQ, với một dòng chú thích bồi hồi cực tả bên dưới: “Lâu lắm rồi mới thấy lại những hình ảnh này. Rất đông những chàng trai. Họ đi theo hàng theo khối, từ từ tiến vào sân ga”…

Họ không chỉ quanh quẩn ở sân ga của ta, theo bài báo Phụ Nữ. Họ đâm chìm tàu cá của ngư dân ta và ít lâu sau mới được báo đài ta loan tin mơ hồ về những con “tàu lạ”. Họ ra lệnh cấm đánh cá trên một diện tích 130 ngàn cây số vuông Biển Đông của ta. Họ bắt giam/đánh đập/cướp bóc/giữ tàu/thu lưới của ngư dân ta và công khai đòi tiền chuộc…

Họ đã khiến cho Bộ Ngoại Giao của ta có thêm tên mới là Bộ Giao Thiệp. Họ đã hạ tầng các công hàm ngoại giao của ta thành những bản kiến nghị. Họ đã khiến cho lãnh đạo sở tại của ta nhận định rõ ràng chắc cú về biển đảo của đất nước chỉ là những “bãi hoang chim ỉa!”. Và khiến cho QH ta nhanh chóng/hồn nhiên kết án tử hình tập thể ngư dân ta bằng cách thông qua dự luật dân quân tự vệ biển.

Họ đã giúp cho Bộ Công an của ta sớm ban hành/áp dụng luật mới: Thanh niên VN không được mặc áo có in dòng chữ “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam”! Đã có những bloggers bị bắt giam về tội này, và cũng đã có những thanh niên bị công an lột áo ngay giữa những buổi tọa đàm. Trong ngành giáo dục, thậm chí, đã có lệnh Học sinh không được phép phản đối lính Trung Quốc cướp bóc/đánh đập ngư dân Việt Nam!..

Ở cấp vĩ mộ, đã có QĐ 97 cấm trí thức VN công khai phản biện các chính sách của đảng và nhà nước ta. Gọi là để phòng chống mọi khả năng/xác suất làm mích lòng/phật ý Bắc Kinh.

Rứa không là cái cốt tay sai rất đáng cho quan thầy hài lòng hả dạ đó sao?

9. Bùn Đỏ Là Chủ Trương Lớn!

Có 3 câu nói được nhiều giới quan sát ghi nhận là “phát ngôn ấn tượng” vào bậc “top 10” của VN trong năm 2009:

1> TT Nguyễn Tấn Dũng trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ ngày 4/2/2009: “Khai thác bô-xit Tây nguyên là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước”. Lời phát ngôn này không chỉ “ấn tượng” suông. Nó đáng giá 150 triệu USD.

2> Bên lề Diễn đàn xúc tiến đầu tư Tây Nguyên ngày 5/9/2009, tại Buôn Ma Thuột, PTT Trương Vĩnh Trọng đã trịnh trọng phát biểu một quan điểm áp đảo: “Khai thác bô-xít ở Tây Nguyên là đúng đắn và đang gặp thuận lợi”, bất kể những đợt triều cường phản biện của trí thức/thanh niên/bloggers cả nước.

3> Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn cho tổ chức họp báo để gióng tiếng tuyên bố: “Quốc hội hoàn toàn ủng hộ chủ trương lớn nàyChắc chắn Quốc hội sẽ hoàn toàn ủng hộ”! Những hai ngày trước khi chính thức khai mạc kỳ họp thứ 5 khóa XII nhằm phê chuẩn dự án bauxite Tây Nguyên!

Rứa không là cái cốt tay sai rất đáng cho quan thầy hài lòng hả dạ đó sao?

10. Ảnh Vi Phạm Tác Quyền

Không hề vi phạm tác quyền, ngay trên trang mạng Chính phủ, là tấm hình PTT Hoàng Trung Hải cầu lộc cầu tài khúm na khúm núm bắt tay Ôn Gia Bảo, thể hiện toàn cảnh một nền văn hóa đối ngoại nô dịch dễ bảo/sẵn sàng lệ thuộc/chầu chực liếm giày. Nói theo kiểu ẩn dụ của nguyên Trưởng ban biên giới Lê Công Phụng trả lời phỏng vấn báo Văn Hóa (California) thì là “Phải biết sống với họ!” (vừa là đồng chí-vừa là con em?).

Còn chính thức “vi phạm tác quyền”, và chỉ mắc mỗi lỗi công khai “vi phạm tác quyền”, theo lời khẳng định của nhà chức trách TS Nguyễn Thành Rum, chính là bức ảnh quân đội nhân dân TQ được dùng làm tiền cảnh cực hoành tráng cho loạt panô đại trà kỷ niệm 65 năm quân đội nhân dân và 20 năm ngày quốc phòng toàn dân VN.

Vào ngày kỷ niệm lẽ ra không thể kém tính hào hùng này, không ai thấy người anh cả 5 sao của quân đội nhân dân xuất hiện/phát biểu trên bất kỳ một trang báo nào. Cũng không thấy một bài viết nào phản bác luận điệu cướp công chiến thắng Điện Biên về tay các tướng Tàu (Trần Canh, Vi Quốc Thanh, Lã Quý Ba…).

Ngược lại, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của VN tại Bắc Kinh là Nguyễn Văn Thơ, nhân dịp này đã long trọng tuyên bố: “Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam không bao giờ quên sự giúp đỡ to lớn và quý báu của Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc anh em” (trong mấy mươi năm cương quyết hy sinh đến người VN cuối cùng để đánh Mỹ!).

Cứ ngỡ như xưa nay cái hình ảnh quân đội ta là một biểu trưng Hồn Trương Ba-Da Hàng Thịt đối với quân đội nhân dân TQ. Nay, với những chuyến “giao lưu sĩ quan trẻ” cộng thêm đợt cải tiến quân trang/quân phục mới, cả hai đã thực sự đã “sắt cầm hảo hợp”…

Còn Đại tá Tiến sĩ Dương Văn Lượng, trong bài phân tích “Âm Mưu, Thủ Đoạn Diễn Biến Hoà Bình Trong Lĩnh Vực Đối Ngoại”, đã cực lực khẳng quyết tâm ý bảo vệ thiên triều: “Các thế lực thù địch chống phá nhà nước CHXHCN Việt Nam đã lợi dụng những vấn đề do lịch sử để lại về chủ quyền biên giới, hải đảo nhằm chia rẽ quan hệ khăng khít giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhằm biến Việt Nam thành con đê ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc tràn xuống các nước phía dưới vùng Đông Nam Á, nơi ảnh hưởng của thế lực tư bản đang ngự trị…”.

Rứa không là cái cốt tay sai rất đáng cho quan thầy hài lòng hả dạ đó sao?

*

- Chung Ý, Chung Lòng, Chung Một Biển Đông? -

Trong cả kho tàng âm nhạc Việt, ngay từ giữa thế kỷ trước và trong đầu thế kỷ này, có lẽ không có bài hát nào có khả năng lột tả toàn bộ tính chất phấn khích môi răng của mối quan hệ Lãnh Đạo Việt-Trung như bài “Việt Nam–Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận: “Việt Nam-Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông, chung một biển Đông, mối tình hữu nghị sáng như rạng đông. Bên sông, tắm cùng một dòng, tôi nhìn sang đấy, anh nhìn sang đây, sớm sớm, chung nghe tiếng gà gáy cùng. A…a… a… nhân dân ta, chung một ý, chung một lòng, đường ta đi hồng màu cờ thắng lợi. A…a… a… nhân dân ta ca muôn năm: Hồ Chí Minh – Mao Trạch Đông…”.

Không chỉ vậy, bài hát còn tiên tri/phóng họa ra cả toàn cảnh một mối tương quan chính trị trùm lấp mà lắm tay phân tích (thiếu thiện chí và kém thiện ý) người nước ngoài đã xách mé gọi cái chủ nghĩa bành trướng/đại hán/bá quyền/nước lớn đó là “cái bóng của Trung Quốc”!

Cái bóng râm bá quyền đó không tự nó trên trời rơi xuống. Lãnh đạo TQ chỉ giản đơn búng tay gieo hạt. Chính dàn lãnh đạo Ba Đình của ta, dù được hay không được nêu tên trong bài hát nói trên, đã tự nguyện phấn đấu cắm cúi cặm cụi bón phân tưới nước cho nó rộng tàn vững gốc như ngày nay.

- Không Sẵn Tay Sai, Há Dễ Có Quan Thầy? -

Hiện tượng “bóng đè” đó chính là nguồn cội của bức công hàm 1958. Nó chính là cơ sở của động thái bàng quan tọa thị trước sự kiện biển Đông dậy sóng năm 1974. Nó chính là nguyên ủy thấy trước của các trận địa chiến 1979 và hải chiến 1988 khốc liệt kinh hoàng. Và nó cũng chính là điều cắt nghĩa trọn vẹn/sâu sắc nhất về tất cả những quyết định/chính sách/chỉ thị áp đảo/giải tán/bịt miệng/dập tắt/(và thậm chí cả) khép án… lòng yêu nước cùng sự thể hiện niềm tự trọng dân tộc của trí thức/thanh niên/bloggers Việt Nam trong suốt mấy năm qua.

Nhìn về tương lai, nếu cả thế giới nói chung và TQ nói riêng có thể tiến tới những mục tiêu phát triển của họ, thì chính căn bệnh “bóng đè tự nguyện” của lãnh đạo ta sẽ không chỉ che mắt chính họ đến chẳng thể có được một viễn kiến nào, mà còn ngáng chân cột cẳng cả dân tộc ta đến không còn một ai được phát huy cá nhân để thăng hoa xã hội.

Đảng và nhà nước có bắt giam/áp án hết cả những trái tim khẳng định “Hoàng-Trường Sa là của Việt Nam” thì cũng chẳng khiến nổi Bắc Kinh từ bỏ/ngừng nghỉ cái tham vọng độc bá của nó hoặc là sẽ bớt coi thường giới lãnh đạo CSVN. Bởi, không có một ai coi trọng tính hèn và lời van, ngay cả kẻ thù cũng Rứa. Huống gì ở đây lãnh đạo ta đã hình thành trong tàng thức của họ một tính khí đê hèn có hệ thống và thành truyền thống!

Ngày nào căn bệnh “bóng đè tự nguyện” của lãnh đạo ta còn đó thì sẽ vẫn còn đó nguyên xi một guồng máy thiển cận/tham ô/nô dịch chuyên chú phục vụ cho quyền lợi của ngoại bang để xây riêng nhà thờ tổ. Hà Nội sẽ trở thành phủ lỵ một châu huyện của Tàu. 46 Hoàng Diệu sẽ là dinh Thái Thú. Hệ quả của nó, do đó, chỉ có thể là một cấp số nhân mới cáu của các chỉ số tụt hậu/đội sổ của một xứ sở từng có tên gọi là Việt Nam. Đất nước sẽ khó vượt thoát ra khỏi các lũy tre gia công. Con người sẽ không dứt nỗi kỳ vọng vào những tờ vé số.

Hãy tận lực giúp nhau để giúp cho đất nước có được một chính quyền nhân dân đích thực: Giàu lòng tự trọng – Vững chí tự quyết – Bền gan tự lập – Chính tâm tự hào.

30/12/2009 – đôi điều lược toán cuối năm.

Blogger Đinh Tấn Lực



Triet is a joke

Triet is a joke
but banning facebook in VN is no joke at all


...

Ngòi Dẫn Của Xã Hội Bất Tuân Phục


Ngòi Dẫn Của Xã Hội Bất Tuân Phục
. Đinh Tấn Lực
  • Những ai tự khẳng định lòng ưu ái tự do, và chưa hề phản đối các thứ độc tài áp đặt, đều đích thị là những kẻ mong gặt hái hoa màu mà không muốn bỏ công cày đất”. – Frederick Douglas

Cách đây 3 năm, vào giữa tháng 11-2006, lãnh đạo ta đã không dấu niềm cực hãnh được Chủ tịch Hồ Cẩm Đào ghé thăm và ban cho câu trướng xiển dương 4 điểm chung giữa 2 đảng cầm quyền 2 nước, gọi tắt là “4 tương”: Sơn thủy tương liên – Văn hóa tương thông – Lý tưởng tương đồng – Vận mệnh tương quan.
Lẽ ra, niềm hãnh diện đó còn có khả năng vượt qua cực điểm kích ngất nói trên, bởi chí ít, Hồ chủ tịch lẽ ra phải đủ thông minh và tế nhị để tương thêm những “8 tương” cơ bản khác nữa, gọi là để tăng thêm phần long trọng: Quan trí tương đương – Tham nhũng tương thích – Thông tin tương đắc – Chủ nghĩa tương lân – Chính sách tương hỗ – Hành xử tương xứng – Lợi quyền tương ngộ – Bạo lực tương tác.
Bạo lực chuyên chính ở VN hiển hiện suốt chiều dài lịch sử đảng CSVN, suốt chiều rộng tiếp thu các chiêu thức của TQ, và suốt chiều sâu oán hận của nhân dân, thông qua các chiến dịch đấu tố Cải cách ruộng đất, Xét lại, Nhân văn-Giai phẩm, chôn sống tập thể đồng bào vào dịp Tết Mậu Thân, tù cải tạo sau ngày Thống nhất… Cho tới gần đây là hàng loạt những vụ hạch sách/bắt bớ/giam cầm/áp án các vị chân tu Thích Quảng Độ, Nguyễn Văn Lý, Ngô Quang Kiệt, Nguyễn Công Chính… các Luật sư Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Lê Chí Quang, Lê Công Định, Lê Trần Luật… các nhà hoạt động dân chủ/nhân quyền Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Văn Trội, Vũ Hùng, Nguyễn Tiến Trung… các nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Khải Thanh Thủy… các nhà báo Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Văn Hải… các bloggers Điếu Cày, ChangeWeNeed, Mẹ Nấm, TrangRidisculous, Người Buôn Gió…
Căng hơn VN một tầng nấc, bạo lực chuyên chính ở TQ không chỉ diễn ra ở quảng trường Thiên An Môn cho cả thế giới chú mục hồi tháng 6-1989. Nó từng được ghi nhận qua từng thời kỳ/triều đại tổng bí thư… tính từ cuộc vạn lý trường chinh và cuộc cách mạng đại nhảy vọt trước đây, cho tới gần đây là các vụ đàn áp người Tây Tạng vào dịp Thế vận hội 2008. Gần hơn nữa là các vụ đàn áp sắc dân Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương…
Hầu hết các tờ báo quốc doanh của Hoa Lục đều im thin thít về những động thái đàn áp đẫm máu dã man và phi nhân tính đó. Ngoại trừ tờ Tài Kinh.
Tài Kinh, ra đời từ năm 1998, chuyên ngành tài chính-kinh tế với chủ trương canh tân/cải cách từ thương mại tới xã hội (và cả lề lối thông tin), là tờ báo uy tín/ảnh hưởng đứng vào hàng nhất nhì Hoa Lục, nổi tiếng về các bài viết “nêu quan điểm độc lập”, có lượng phát hành 250.000 ấn bản mỗi số, có mạng phóng viên cơ hữu ở nước ngoài, với cơ quan chủ quản là Hội đồng Quản trị Thị trường Chứng khoán (một tổ hợp các tổ chức tài chính của TQ được nhà nước bảo trợ, đứng đầu là Vương Bá Minh, con trai của một cựu Thứ trưởng bộ Ngoại giao TQ).
Sáng lập viên kiêm Tổng biên tập báo Tài Kinh là bà Hồ Thư Lập, từng tham dự cuộc biểu tình của sinh viên Bắc Kinh ở Thiên An Môn, sau đó, tốt nghiệp trường đại học danh giá của Mỹ là Stanford University ở bang California. Bà đã nổi tiếng trong làng báo TQ qua nhiều loạt bài điều tra không khoan nhượng về nạn tham nhũng trong giới đảng viên các cấp của TQ; về các vụ lừa đảo lớn của các tập đoàn kinh tế TQ; về một nền công nghiệp hồn nhiên gây nguy hại ô nhiễm môi trường cực độ; về nạn cường hào ác bá khai thác/chiếm đoạt đất đai khắp các địa phương; hoặc về khả năng cứu hộ thiên tai quá kém của nhà nước, đặc biệt là trong vụ động đất vừa qua tại Tứ Xuyên…
Riêng trong thiên phóng sự về nạn ô nhiễm trên sông Tùng Hoa vào năm 2005, tác giả Hồ Thư Lập đã liệt kê ra 4 “bài học” cho đảng và nhà nước CSTQ: 1) sự cố nguy hại ở cấp quốc tế chứ không chỉ tỉnh hạt Cát Lâm và Hắc Long Giang; 2) chính phủ lẽ ra đã phải minh bạch tin tức để bảo vệ nhân dân Cáp Nhĩ Tân; 3) phải chấn chỉnh cách điều hành guồng máy nhà nước; 4) quy hoạch phát triển đô thị phải dự kiến nhiều nguồn nước sạch khác nhau cho dân. Bài báo đã khiến cho Phó thị trưởng Cát Lâm là Vương Vĩ tự sát; Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường nhà nước là Giải Chấn Hoa từ nhiệm; và ba quan chức lãnh đạo cao cấp của Cty Dầu khí nhà nước bị kỷ luật.
Bà Hồ Thư Lập được tạp chí Foreign Policy của Mỹ tuyên dương là “một trong số 100 trí thức có ảnh hưởng lớn nhất thế giới”. Tạp chí The New Yorker đã từng có bài viết riêng về sự nghiệp/thành tựu của bà. Đài RFI của Pháp mô tả bà là “một nhà báo đam mê với nghiệp vụ hơn là một người có óc nổi loạn chống chế độ”. Còn theo hãng thông tấn Bloomberg và báo Time-CNN thì giới truyền thông Hoa Lục đã mệnh danh bà là “người phụ nữ nguy hiểm nhất TQ”, dựa trên căn bản đánh giá (vẫn do đài RFI ghi nhận): “Nỗi ám ảnh lớn của bà là một nền báo chí Trung Quốc có chất lượng”.
Hồi đầu năm nay, báo Tài Kinh đã được chính phủ chỉ thị cho thu hồi số báo đăng bài phóng sự điều tra tham nhũng của đài Truyền hình Trung ương CCTV. Tòa soạn Tài Kinh chấp hành lệnh này, nhưng mấy ngày sau lại cho đăng tải bài phóng sự đó trên trang báo trực tuyến, đồng thời, tán phát số báo đã thu hồi cho các đại biểu quốc hội TQ.
Đến giữa tháng 7-2009, đảng CSTQ ra chỉ thị “chỉnh đốn” tờ Tài Kinh: a) Phải giảm thiểu/thay đổi phong cách viết/đăng các phóng sự “nóng/tế nhị/vượt ngưỡng”! b) Chỉ được viết/đăng tin/bài trong lĩnh vực kinh tế/tài chính và chỉ được đăng các “nhận định tích cực”.
Cơ quan chủ quản của Tài Kinh hạ lệnh kiểm duyệt mọi bài báo trước khi lên khuôn. Bà Hồ Thư Lập đã phản kháng lệnh đó, nhưng tờ báo vẫn phải cắt bỏ ít nhất 3 bài phóng sự điều tra, bao gồm cả thiên phóng sự về cuộc đàn áp sắc dân Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương (hệ quả là một đặc phái viên của Tài Kinh đã bị trục xuất khỏi thủ phủ Urumqi).
Nhận định về chính sách quản lý Internet của chính phủ Trung Quốc, và cũng để trả lời ngay khi chính quyền TQ khởi dụng phần mềm Green Dam để kiểm soát/ngăn chận việc lướt mạng trên toàn cõi Hoa Lục, bài báo của bà Tổng biên tập Hồ Thư Lập trên tờ Tài Kinh viết rằng nó “thiếu tính chính danh vì không cân bằng được các quyền lợi của nhà nước với quyền lợi công chúng”.
Gần giữa tháng 10-2009, Chủ nhiệm Ngô Truyền Huy, Tổng biên tập Hồ Thư Lập, gần 70 nhân viên tòa soạn, cùng với 147 trên tổng số 174 phóng viên của tờ Tài Kinh, đã ký tên đồng loạt từ chức để phản đối chính sách bưng bít/tô hồng thông tin của nhà nước.
Sự kiện này gây chấn động không chỉ trong nội địa TQ, hay chỉ trong làng báo TQ, bởi đây là lần đầu tiên, đảng và nhà nước CSTQ phải đối diện với một phản kháng tập thể, một hình thái đấu tranh bất bạo động ở tầm vóc đó.
Những thông điệp của thái độ dứt khoát tập thể này là gì?
Một là, không chấp nhận nô lệ cho cường quyền để viết tin/bài biện giải hay tô hồng chuốc lục cho các luận điệu gian trá.
Hai là, không chấp nhận đánh mất danh dự/nhân phẩm/lương tri để viết sai sự thật hoặc theo lệnh đặt hàng của đảng và nhà nước.
Ba là, chứng tỏ không phải chỉ có lề phải mới là con đường duy nhất để tiến thân hay bảo vệ được miếng ăn.
Bốn là, chứng nghiệm sự thanh thản tâm hồn một khi góp được tiếng nói vào việc ngăn chận tội ác có tổ chức.
Năm là, hướng dẫn quần chúng nhân dân mục tiêu và cách thức phản đối sự độc tài và độc ác chứ không chỉ ưu ái/chờ đợi tự do suông.
Các phóng viên từ chức của báo Tài Kinh hy vọng rằng bà Hồ Thư Lập sẽ khởi lập một tạp chí khác. Họ bảo: “Bất luận là tạp chí gì, bởi chúng tôi chỉ muốn theo gót bà ta. Chỉ vậy thôi!”.
Không chỉ các phóng viên Tài Kinh. Báo Le Monde ở Pháp viết về bà Hồ Thư Lập như “biểu tượng của một nền báo chí tự do tại TQ”. Trên thực tế, bà đã vượt qua cả ngưỡng biểu tượng để trở thành một gương sáng về đấu tranh, một đích nhắm về lý tưởng của nhiều ký giả/phóng viên khác, không thuộc tòa soạn Tài Kinh. Há chẳng phải chính bà là một ngòi dẫn đấu tranh bất bạo động đó sao?
Trong số 198 phương thức đấu tranh bất bạo động mà TS Gene Sharp cô đọng lại trong quyển cẩm nang Từ Độc Tài Tới Dân Chủ, động thái/tấm gương từ nhiệm tập thể của bà Hồ Thư Lập và các phóng viên báo Tài Kinh có thể được xếp vào nhiều hạng mục khác nhau, nhưng gần gũi nhất vẫn là các phương thức: 113-Đình công tự ngưng việc; 120-Rút lại lòng trung thành đối với nhà nước; 197-Làm việc nhưng không cộng tác; và trên tất cả là động thái biểu tỏ dẫn đường tới số 63-Xã hội bất phục tùng.
Trước đó và tương tự, Hội đồngViện Nghiên cứu Chiến lược IDS ở VN đã bày tỏ thái độ dứt khoát bằng tuyên bố tự giải thể ngày 14-9-2009 vừa qua. Lý do chính là nhằm phản đối quyết định 97. Mục tiêu gần là thể hiện hình thái đấu tranh phản đối tập thể. Mục tiêu xa là quảng bá, vận động cho các nơi khác cùng thực hiện các phương cách đấu tranh bất bạo động.
Vào buổi hoàng hôn của những chế độ cường quyền, bạo lực thường được sử dụng tối đa, cả dạng chìm lẫn nổi, gọi là để giữ “ổn định chính trị”. Trong bối cảnh khắc nghiệt đó, mọi biểu tỏ trí tuệ đều cần đi kèm với tinh thần đại dũng trước những cái giá phải trả sửa soạn theo sau.
Đã có ở TQ một Hồ Thư Lập và ban biên tập Tài Kinh đứng thẳng lưng/viết thẳng nét cho một nền báo chí trung thực và có chất lượng hơn.
Đã có ở VN một IDS quyết giữ phẩm giá người trí thức, nhất định không cúi đầu trước cường quyền vì lợi lộc riêng tư.
Cũng đã có ở VN một Nguyễn Hoàng Linh viết phóng sự điều tra về vụ nhà nước mua tàu phế thải của Ukraina; một Lan Anh trình làng vụ bảng giá y dược và Bộ y tế; một Trung Bảo và chủ nhiệm Nguyễn Trung Dân của báo Du Lịch về vụ Hoàng Trường Sa; một Osin Huy Đức, một TrangRidisculous, hay một Người Buôn Gió về nhiều lãnh vực… Và còn rất nhiều người khác nữa, cả bên trong lẫn bên ngoài luồng báo chí chính quy. Nếu nhại chữ dùng của báo Le Monde, thì đó là những con người vô úy tiên phong muốn “đẩy lùi lằn ranh của vùng cấm địa” đến khoảng trống minh bạch/trong sáng.
Xem ra, trí tuệ và ngòi bút đang liên kết nhịp nhàng các phương thức đấu tranh bất bạo động để làm riêng một ấn bản “Từ độc tài tới dân chủ, ở Việt Nam”.

08-12-2009 Đón mừng ngày Quốc Tế Nhân Quyền 2009.
Blogger Đinh Tấn Lực