Nguyễn Hoàng Văn – “Sống chung”, như một lời nguyền

“Sống chung”,

như một lời nguyền


. Nguyễn Hoàng Văn


Cơ hồ hai chữ “sống chung” không còn là nó nữa, như một động từ bình thường. Nó đã vượt qua chính nó rất nhiều để trở thành một nhân sinh quan, một văn hoá rồi bám riết chúng ta, ám ảnh chúng ta như một lời nguyền.

Chỉ cần đánh hai chữ ấy lên trang mạng Google rồi thêm vào chữ “với” chúng ta sẽ tìm thấy cả ngàn bài báo bắt đầu như thế để mở đầu cho những câu chuyện hay hiện thực ngang trái và bẽ bàng, cay đắng và bi phẫn hay, theo cách nói thời thượng nhất, là “đầy bức xúc”. Môi trường bị ô nhiễm trầm trọng, kêu gào mãi mà vẫn thế, thôi thì “sống chung với ô nhiễm”. Ra đường có bộ mặt rình mồi của viên cảnh sát giao thông, dắt con đến trường xin nhập học có đôi mắt cú vọ của những nhà giáo dục, đến các trụ sở nhà nước làm ăn mày thì có bộ mặt câng câng cửa quyền của các loại cán bộ hay thư lại, mỗi nơi mỗi kiểu nhưng kiểu nào cũng vậy, tất cả đều lăm lăm với một “cứu cánh” duy nhất là vòi tiền, vạch mặt mãi mà vẫn thế thì thôi đành vậy, xem như định mệnh đã an bài: “sống chung với tiêu cực”.[1] Cứ thế, bên cạnh những “khói / bụi / rác / tiếng ồn / ung thư / lũ chồng / thủy điện / dự án treo / quan liêu / tiêu cực / tham nhũng” của hầu như toàn xã hội khá là tuyệt vọng, khung cảnh còn khởi sắc thêm với “sống chung với tin đồn” khá là nhảm nhí của các kiều nữ với đôi chân rõ dài cặp ngực rõ bự và những phát ngôn xanh rờn như cố chứng tỏ rằng bộ óc đi kèm cũng rõ dài và rõ bự tương ứng, khá là ồn ào và nhảm nhí.

Và bây giờ, sau thứ “sống chung với tin đồn” ồn ào nhảm nhí chúng ta còn có thêm “sống chung với kiểm duyệt”, có phần ồn ào nhưng không nhảm nhí chút nào. [2]

Khi thái độ “sống chung với” đầy cam chịu đã thẩm thấu vào mọi ngóc ngách và cấp độ của đời sống vật chất hay tinh thần như thế thì nó không còn đơn giản và… hồn nhiên như một quyết định riêng lẻ nữa. Với một quyết định riêng lẻ thì đó là một thái độ sống riêng, một chọn lựa riêng, trong một hoàn cảnh riêng. Khi mà thái độ ấy lặp đi lặp lại ở hầu như mọi lĩnh vực thì nó đã là một nhân sinh quan. Khi mà nhân sinh quan ấy được cả cộng đồng đồng lòng chia sẻ thì nó đã là một… văn hoá.

Kể ra thì chuyện “sống chung với kiểm duyệt” mới gây ồn ào cũng chẳng mới mẻ gì. Trừ những ngoại lệ chói chang như Nhân Văn – Giai Phẩm thì cái sự “sống chung” này khởi sự đã lâu, đã có hơn nửa thế kỷ, đã giày vò hành hạ bao nhiêu thế hệ và đã – một cách nhỏ giọt, rỉ ra rỉ rích – kể đi kể lại nhiều lần. [3] Sự ồn ào mới đây có rộ lên thì, có lẽ, cũng chỉ rộ lên từ hiện tượng truyền nhiễm ngược khi nhân sinh quan “đành vậy” của những cây bút bất đắc chí bên trong hệ thống kiểm duyệt lây lan sang những cây bút tự nguyện từ bên ngoài hệ thống. Cũng chính vì sự ồn ào về hiện tượng truyền nhiễm ngược này mà, có lẽ, lần đầu tiên, nhân sinh quan cam chịu này mới được biện giải thành lời, như là một thứ tuyên ngôn:

Vậy mà khi sách ra, vẫn có những sửa đổi, cắt bỏ sau thỏa thuận cuối cùng, thậm chí loại cả bài (trường hợp Lý Đợi). Đó thật là điều đáng tiếc. Có thể có nhiều lí do, nhưng suy cho cùng, nguyên nhân sâu xa vẫn là sự ngự trị của chế độ kiểm duyệt ngặt nghèo, áp lực của nó luôn đè nặng lên tất cả những người làm công tác biên tập. Đó là một thực tế, thực tế ở một nước mà tất cả các nhà xuất bản đều là của Nhà nước, thuộc quyền quản lí của Nhà nước, cái thực tế ấy ta phải tạm chấp nhận sống chung với nó như người dân ở một số vùng cao phải sống chung với lũ vậy. [4]

Hẳn nhiên, người dân vùng cao phải sống chung với “lũ” bởi “lũ” là phần số, là định mệnh của họ. Họ cất tiếng khóc chào đời ở đó, xương cốt tổ tiên của họ chôn vùi ở đó, cái nhau đã nuôi dưỡng họ ngày còn là bào thai trong bụng mẹ đã hoà nhập vào mạch đất đó: còn gắn bó với mạch đất đó thì họ còn phải chấp nhận sống chung với lũ. Như thế, nếu phải “sống chung với kiểm duyệt” như là phải “sống chung với lũ” thì tác giả, nhà thơ kiêm dịch giả Dương Tường, đã xem thứ mà ông phải “sống chung với” này như là một phần số, một định mệnh không thể nào thoát nổi. Khi phần số ấy giày vò người cầm bút từ năm này sang năm khác, giày vò suốt cả cuộc đời, không tài nào trút bỏ, không tài nào thoát nổi thì cũng có nghĩa là là nó đã đeo bám họ như một thứ lời nguyền. Vấn đề là, trên góc độ rộng lớn của cả một cộng đồng, những “lời nguyền” như thế đã tác động như thế nào đến nếp nghĩ, đến cách ứng xử của con người.

Như thế thì chúng ta phải ngược trở lại với lời nguyền đầu tiên. Cái lời nguyền nguyên thủy đã được nhà thơ kiêm dịch giả nêu ra như một thứ đòn kê, một thân tằm gánh chịu trăm dâu, lời nguyền đã làm nên truyền thuyết Sơn Tinh – Thuỷ Tinh.

Đầu tiên là đám cưới hụt của Thuỷ Tinh. Vì đi trễ, chậm chân hơn nên con gái của vua Hùng thứ 18 về tay thần núi Sơn Tinh, vị thủy thần này đã đùng đùng nổi giận và đều đều dâng nước mỗi năm để trả thù, cái mối thù dữ dội của kẻ đã chấp nhận luật chơi nhưng trơ trẽn đòi làm lại luật chơi ngay sau khi thua cuộc. Như thế thì ông thần nước này là một ông thần xấu tính. Ông thần này xấu vì tổ tiên chúng ta lúc ấy còn ở trên núi, còn nương tựa vào thần núi và hậu quả là kẻ ở trận tuyến bên kia phải không được tốt, phải là một kẻ xấu chơi. Nhưng càng ngày, trong tiến trình phát triển, càng rời bỏ vùng núi chật hẹp để di dân xuống đồng bằng rộng lớn và phải càng cam chịu “sống chung với lũ” nhiều hơn, tổ tiên chúng ta càng phải học cách “chơi” với các loại thuỷ thần nhiều hơn. Cứ thế, cho đến khi thành Cổ Loa dựng lên ở châu thổ sông Hồng, thần rùa Kim Quy đã đường đường thay thế vai trò của thần núi Sơn Tinh bằng cách ra tay giúp đỡ An Dương Vương xây thành và chế tạo vũ khí.

Như thế, chỉ riêng việc “sống chung với lũ” thôi thì ở hai môi trường khác nhau tổ tiên chúng ta đã hình thành nên hai thứ thế giới quan khác nhau. Còn ở trên núi cao, còn tựa vào núi để chống chọi với lũ lụt, thần núi là thứ thần “của ta” trong khi thần nước bị xem là đối thủ. Nhưng khi dời xuống đồng bằng thì những ông thần đến từ sóng nước đã trở thành đồng minh và thậm chí là một thứ đồng minh cơ mật và trọng yếu vào hàng bậc nhất qua hai lần trao vũ khí. Hết nỏ thần cho An Dương Vương thì đến gươm báu cho Lê Lợi và thủy thần đã từ vị trí đối thủ chuyển mình thành một đồng minh thiết yếu trong các cuộc đấu tranh chống lại âm mưu thôn tính của láng giềng phương Bắc.

Mà láng giềng này cũng là một thứ lời nguyền. Nếu lãnh tụ Porfiario Diáz của Mexico một thời từng than thở là “Poor Mexico, so far from God, so close to The United States” thì, cơ hồ, người Việt Nam nào cũng có thể thốt lên một câu tương tự cho tổ quốc của mình. [5] Nếu “Trời” được xem là biểu tượng của công lý tự nhiên trong tín ngưỡng dân gian thì Trời ở đâu đó xa quá, trong khi đó thì gã láng giềng phương Bắc ấy xấu chơi lại ở gần chúng ta quá.

Nghĩa là bên cạnh việc “sống chung với” những “ô nhiễm / tiêu cực / kiểm duyệt” thì chúng ta còn phải “sống chung với phương Bắc”. Và nếu thế hệ hiện tại phải “sống chung với kiểm duyệt” trong từng chữ viết thì, trong cuộc “sống chung” với láng giềng này, họ cũng phải chấp nhận thêm một tầng kiểm duyệt. Hai năm trước, khi những người Việt yêu nước thể hiện cách “sống chung” của mình bằng các vụ biểu tình liên quan đến chủ quyền biển đảo, hệ thống toàn trị chẳng đã “kiểm duyệt” họ một cách thô bạo qua những biện pháp trấn áp thô bạo là gì?

Họ bị trấn áp thô bạo bởi đó không phải là cách “sống chung” mẫu mực mà hệ thống chính trị đó mong muốn.

Tháng Giêng năm 2005, khi tàu vũ trang phương Bắc tàn sát và bắt cóc các ngư dân Việt Nam ngay trên vùng biển Việt Nam, các nhà toàn trị ấy đã “sống chung” bằng cách bịt tai bịt mắt, không nhắc nhở gì đến sự kiện đẫm máu này. Thậm chí, ngay trong thời gian ấy, và ngay tại thủ đô, họ đã thể hiện cách “sống chung” mẫu mực của mình bằng cách “vui mừng” dự tiệc do chính phương Bắc chiêu đãi, “vui mừng” khẳng định tình hữu nghị với phương Bắc ngay trong bữa tiệc. [6] Đầu tháng Chạp năm 2009, những nhà toàn trị ấy lại tiếp tục “sống chung” bằng cách giả đui và giả điếc như thế. Không mảy may đề cập gì đến việc hải quân Trung Quốc cướp tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi đã đành, những cái loa chính thống nhất của hệ thống đã không ngượng miệng nói đến lòng “nhân đạo” của một nhà ngoại giao Trung Quốc, trị giá chưa bằng một phần mười tài sản đã bị cướp. [7]

Như thế có nghĩa là, cho dù có xấu chơi cách mấy đi nữa thì, với hệ thống toàn trị, những láng giềng phương Bắc phải được xem như là những đồng minh dễ chơi và thân thiện. Nếu phải tiếp tục “sống chung với kiểm duyệt” ươn hèn này thì liệu, trong mai hậu, thế giới quan của chúng ta, những nhận thức của chúng ta về đất nước, về dân tộc, về hiện thực, về công lý sẽ bị méo mó như thế nào nữa?

Theo nguyên lý tiến hoá “Survival of the fittest” thì những thế hệ sống sót trong mai hậu phải là thế hệ thích nghi với mấy thứ mà họ phải “sống với” ấy nhất. Mà để thích nghi với kiểu “sống với” ấy thì họ phải biết đui và biết điếc để, từ những hành động tàn bạo với đồng bào của mình, có thể nhìn ra được “tình hữu nghị” hay “lòng nhân đạo” của thủ phạm hay đồng phạm đã gây nên tội ác đó.

Tương tự, nếu phải tiếp tục “sống chung với khói / bụi / mùi thối / tiếng ồn / tiêu cực / tham nhũng” thì, trong mai hậu, nhân cách và thể trạng của thế hệ tương lai cũng phải biến dạng để thích nghi với đời sống ấy nhất. Hẳn nhiên, kẻ thích nghi với bộ máy tham nhũng và quan liêu nhất phải là những kẻ giỏi luồn lọt nhất, nghĩa là dễ dàng bán rẻ nhân phẩm nhất. Và, hẳn nhiên, những kẻ thích nghi với tình trạng ô nhiễm và độc hại nhất phải là những kẻ có đặc điểm thể chất gần gũi với các loài sinh vật quen sống trong môi trưòng xú uế như sâu bọ, giun dế nhất: từ làn da đến lỗ mũi, lỗ tai, buồng phổi, con mắt và quả tim, tất cả phải biến dạng để thích nghi.

Nghĩa là một sự thoái hoá để con người Việt Nam thụt lùi, trở nên gần với giống thú hay, thậm chí, tệ hơn là sâu bọ hay dòi bọ.

Trong bài viết xem như là tuyên ngôn của những cây bút chấp nhận “sống chung với kiểm duyệt”, nhà thơ kiêm dịch giả Dương Tường kêu gọi:

“Bình tĩnh và khách quan nhìn lại, tình hình bây giờ đã khác xa thời chúng tôi. Tin tôi đi, thế hệ chúng tôi đã sống những ngày tăm tối hơn nhiều, quay trái quay phải đều đụng tabou!”

Nhưng đời sống không chỉ có chuyện “kiểm duyệt văn chương” và nỗ lực đăng cho được dăm ba một bài thơ, xuất bản cho được dăm ba tập thơ, tập truyện hay cuốn tiểu thuyết. Chúng ta phải đặt cách ứng xử “sống chung với” trên một bình diện rộng hơn, như là “nhân sinh quan” của một dân tộc đang trên đà thoái hoá. Thứ nhân sinh quan cam chịu cái xấu và cái ác, cho phép cái xấu và cái ác tồn tại, cố gắng cách thích nghi với cái xấu xấu và cái ác để rồi trở thành một phần của nó hay là đồng minh của nó.

Và chúng ta không thể chỉ nhìn lại rồi so sánh chỉ để được… yên tâm. Sự phát triển và sinh tồn của một dân tộc phải được đánh giá trên cái nhìn đồng đại chứ không phải là lịch đại và do đó chúng ta phải nhìn ra ngoài, nhìn sang láng giềng và nghĩ tới tương lai.

Mà, cứ nghĩ đến tương lai thì khó mà giữ được bình tĩnh. Cứ tiếp tục cái nhân sinh quan hay văn hoá “sống chung với” này thì, một ngày nào đó, có lẽ khuôn mặt của chúng ta cũng ngơ ngơ ngác ngác y hệt những nô lệ trong các lò gạch lậu Trung Quốc ngơ ngác trước ánh mặt trời, những người Trung Quốc bị chính đồng bào của mình dí vào kiếp sống tối tăm, tối tăm đến nỗi khi được giải thoát vào tháng Sáu năm 2007 họ đã mang những hình thể hao hao như loài khỉ và, về tâm trí, có kẻ thậm chí không nhớ nổi mình là ai. [8]

Và cũng như họ, rồi thế hệ sống sót trong mai hậu sẽ không nhớ nổi mình là ai, như những nhà toàn trị hôm nay không cần biết mình là ai, không cần biết hiện thực là gì, đơn giản xem kẻ hiếp đáp đồng bào mình là kẻ “lạ” và đơn giản nhìn láng giềng của mình qua khẩu hiệu nhàm tai “hữu nghị 16 chữ vàng”.

Cứ tiếp tục cái triết lý “sống chung” này mãi thì, e là, một ngày nào đó chúng ta sẽ trở thành một thứ sâu ruồi hay dòi bọ của nhân loại…

Sydney 19.12.2009

Nguyễn Hoàng Văn

Nguồn: http://www.talawas.org/?p=16034

----------------------------

Chú thích – Tham khảo

[1] Có lẽ trước mặt chính quyền thì trên 80 triệu người Việt đã trở thành trên 80 triệu kẻ ăn mày. Lý do là trong sinh hoạt đời sống, trong chuyện làm ăn, học hành, đi lại v.v..; bất cứ chuyện gì liên quan đến luật pháp, thủ tục hành chánh thì họ phải làm “Đơn xin…” Buồn cười là những lá đơn mang tính chất “hành khất” này thường kết thúc bằng những câu như “Trong khi chờ đợi sự chấp thuận của qúy vị lãnh đạo (cơ quan), tôi xin bày tỏ nơi đây tấm lòng thành kính và biết ơn sâu xa”. Khi chính quyền bắt dân chúng phải làm “đơn xin” và tự nguyện “biết ơn” như thế, có nghĩa là họ đã xem dân chúng như là người ăn mày. Có lẽ thủ tục cải cách hành chánh và xây dựng xã hội dân sự có ý nghĩa và mang tính đột phá nhất của Việt Nam phải bắt đầu từ việc này: chính quyền phải tiên liệu mọi nhu cầu pháp lý và hành chánh của người dân để soạn thảo sẵn các hình thức đơn từ (form). Người dân vừa khỏi mất thì giờ viết đơn và các viên chức hữu trách mất cơ hội để cửa quyền vì mọi thứ đã có hướng dẫn, quy định rõ ràng.

[2] Dương Tường, “Sống chung với kiểm duyệt”, talawas 16.1.2009. Xem và các bài liên quan trên talawas: ‘Thơ đến từ đâu’: Biên tập hay kiểm duyệt?”, Thận Nhiên, 13.12.2009, “Lý Đợi trả lời phỏng vấn của talawas: Thơ phải đến từ sự tự do mà chúng ta đang tìm kiếm” 10.12.2009, “Quan điểm của tôi về việc xuất bản tác phẩm”, Hoàng Ngọc-Tuấn, 5.12.2009, “’Thơ đến từ đâu’, và một số câu hỏi dành cho anh Nguyễn Đức Tùng”, Nguyễn Tôn Hiệt, 4.12.2009

[3] Nguyễn Hưng Quốc. “Chế độ kiểm duyệt sách báo tại Việt Nam”, talawas 14/12/2009

[4] Dương Tường, bài đã dẫn

[5] José de la Cruz Porfirio Díaz Mori (1830 –, 1915), Tổng thống Mexico từ 1876 đến 1880 và 1884 đến 1911. Sau chết trong cảnh lưu vong tại Pháp.

[6] Ngày 8.1.2005 tàu vũ trang Trung Quốc bắn chết 9 ngư dân và bắt sống 8 ngư dân tại vùng biển ngoài khơi Thanh Hoá.

- Mãi đến ngày 13.01.2005, nguyên phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Dũng mới lên tiếng: “Việt Nam đã yêu cầu phía Trung Quốc có các biện pháp tích cực nhằm ngăn chặn và chấm dứt ngay những hành động sai trái trên, cho điều tra và xử lý nghiêm những kẻ bắn chết người.”

- Ngày 14.1.2005, báo Thanh Niên ở Sài Gòn mới “mạnh dạn” đưa tin: ngư dân Trung Quốc tấn công. Suốt giai đoạn này những tờ báo “chính thống” Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân hoàn toàn dửng dưng.

- Theo Thông tấn xã Việt Nam thì tối 14.1.2005 Đại sứ Trung Quốc Tề Kiến Quốc tổ chức tiệc chiêu đãi mừng kỷ niệm lần thứ 55 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc (18.1.1950.18.1.2005). Nguyên Ngoại trưởng Nguyễn Dy Niên và phó chủ tịch quốc hội Trương Quang Được đến dự.

- Theo Bộ Ngoại giao thì tại đây Nguyễn Dy Niên đã “bày tỏ vui mừng dự kỷ niệm trọng thể” và “khẳng định trước sau như một, Việt Nam coi trọng quan hệ với Trung Quốc; Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẽ làm hết sức mình vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện với Ðảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc anh em theo phương châm “16 chữ” và tinh thần “bốn tốt” mà lãnh đạo cấp cao hai Ðảng, hai nước đã xác định, nhằm xây dựng mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc ngày càng bền vững và đơm hoa, kết trái.”

- Ngày 15.1.2005 Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức họp báo và cho biết lực lượng tuần duyên của mình đã bắn chết “vài kẻ cướp có vũ khí và bắt sống tám kẻ khác” vì những người này định cướp thuyền đánh cá của người Trung Quốc.

- Ngày 15.01.2005, website của báo Nhân Dân chạy hàng tít lớn: “Mở rộng quan hệ hợp tác Quốc hội Việt Nam-Trung Quốc”, đưa tin phái đoàn quốc hội Trung Quốc sang Việt Nam dự hội nghị Diễn Đàn Nghị Viện Á Châu. Thái Bình Dương lần thứ 13 (APFF.13). Trong buổi tiếp đoàn, do Phó Chủ tịch Cố Tú Liên dẫn đầu, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã bày tỏ “mong muốn mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp Việt Nam và Trung Quốc” và “góp phần làm phong phú thêm mối quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện và tăng cường thêm sự tin cậy lẫn nhau giữa hai nước.”

Xem các trang web:

http://www.mofa.gov.vn/vi/cn_vakv/ca_tbd/nr040818094447/ns050117132458?b_start:int=0

http://www.greenspun.com/bboard/q-and-a-fetch-msg.tcl?msg_id=00Ckd1

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2005/01/050113_chinavietfishing.shtml

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/01/050113_chinavietfishemen.shtml

[7] Trong hai ngày 7 và 8.12..2009 hải quân Trung Quốc bắt ba tàu của ngư dân Việt Nam, vào Hoàng Sa, dàn cảnh quay phim mang thuốc nổ và sau đó tịch thu hai tàu mới, dồn tổng cộng 43 ngư dân lên tàu cũ cho về.

- Ngày 13.12.2009 một số tờ báo tại Việt Nam đưa tin về hành động cướp bóc của Trung Quốc với ngư dân Việt Nam thì báo Nhân Dân và Công An Nhân Dân lại ỉm đi. Thay vào đó là tình hữu nghị và tình hữu nghị và thương Việt – Trung.

- Thí dụ trên báo Bộ Công An là hai bản tin:

1/ “Việt Nam – Trung Quốc: Thúc đẩy hợp tác ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu”.

2/ “Trung Quốc hỗ trợ đồng bào vùng lũ tỉnh Quảng Trị 10.000 USD”.

Bản tin thứ nhất liên quan đến cuộc hội thảo ở Hạ Môn. Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do Tô Huy Rứa dẫn đầu, đến để “Trao đổi kinh nghiệm bảo vệ xã hội chủ nghĩa.

Báo Công An Nhân Dân ngày 13/12/09, xem:

http://www.cand.com.vn/vi-vn/thoisu/2009/12/123737.cand

[8] Xem:

http://vietbao.vn/The-gioi/Trung-Quoc-379-no-le-lo-gach-duoc-cuu-thoat/20706681/159/

© 2010 Nguyễn Hoàng Văn

© 2010 talawas