Google yêu dấu
. Đinh Tấn Lực
Google yêu dấu,
Để lột tả những cái vượt sức lột tả, tiếng Tây bồi tàu ở Bến Nhà Rồng hồi đó hồn nhiên kêu bằng “phí ni lỗ đía” (fini/l’eau/dire), tức là (một cách thông ngôn trực tiếp và từng chữ của cụm từ) “hết/nước/nói”. Vậy mà bọn Tây vẫn cho lên tàu, mới lạ!
Yêu em thì đã đành rồi. Song le, cần gì phải thổi ếch thành bò? Thiệt tình, mấy tay nhạc vàng nhà mình quả là cắc cớ …hết nước nói. Chứ không thì ông Vũ Thành An đã chẳng vò đầu bứt tai: “Triệu người quen có mấy người thân?”. Còn ông Hoàng Thi Thơ thì chắc cũng đã chẳng phải ỡm ờ bỡn cợt: “Hỏi vì sao thế giới đông người ta chỉ thấy riêng em?”.
Lấy giọng giang hồ (cơm sôi) của Tưởng Năng Tiến, ắt hẳn phải là “Hỏi chi khó vậy, mấy cha?”. Còn đánh giá theo tiêu chí (Z28) của Vũ Đông Hà thì quả đó là mấy cái dấu hỏi “Kực Kì Kăng!”.
Nói thiệt: Biết chết liền!
Họa may chỉ có suy già đoán non: Google ơi, người ta yêu em vì tình cũng nhiều, vì nghĩa không ít, song, chắc bắp hơn cả có lẽ là bởi …không có em thì khối kẻ bó tay. Chính xác là nhiều tỷ người bó tay. Rồi bó chân/bó cẳng/bó gối/bó giò/bó mồm/bó miệng/bó tròn/bó rọ… Mà ở đâu không biết, chứ còn dưới ánh sáng (bó buộc) thần kỳ của chủ nghĩa xã hội cao tốc (váy) này thì lắm khi còn phải bó bột hay bó mo/bó chiếu nữa. Không tin cứ hỏi mấy tay chấp hành trong Hội nhà văn ta vừa mới nhậu xong cái đại hội (khu vực phía bắc) ngoài bãi Đồ Sơn, khắc rõ.
Mà thiệt! Nói có bóng đèn (và quý ông Đinh Hùng với Phạm Đình Chương) làm chứng: “chưa gặp (mặt) em, (nhưng) anh vẫn nghĩ rằng” không một ai dễ thương hơn em trên cái cõi trần ai khoai củ/mưng mủ lâu lành này. Em khách quan. Em thông minh. Em chăm chỉ. Em nhớ dai. Em lanh trí. Em nhẫn nại. Em kiên trì. Em lịch sự. Em rành mạch. Em hỏi đâu đáp đó. Em dân chủ, công bằng và văn minh bậc nhất… Túm lại, em chính là mẫu người (trên cả) lý tưởng để làm …Trưởng khoa chép sử, cho cả nước. Ca dao thời đại đã chẳng có câu “Dân ta phải biết sử ta – Cái gì chưa rõ thì tra Google” đó sao?
Bà Hoài Talawas cứ hay xách mé/khóe cạnh cái “thằng khách quan”. Đảm bảo là sẽ có hàng tỷ người trên mặt đất này sẽ nín thở/run tay/trang trọng/nắn nót viết tên Google (rất mực thiêng liêng/trìu mến), nếu một mai có kẻ gan hùm mật gấu nào đó dám làm một cú thăm dò thiên hạ xem ai khách quan bậc nhất.
Người ta có thể cai thuốc, bỏ rượu, hay ly dị nhau hà rầm (thậm chí cả nhượng rừng/hiến đảo), nhưng chắc là chẳng mấy ai đã từng lên mạng mà lại ngu si (toàn phần) tới nỗi muốn xa em, chưa nói là mất em. Đời vắng em rồi, tra với ai? Chẳng phải đã có người đề nghị hình phạt mới nhất để thay cho án tử hình ở thế kỷ 21 này là chung thân cấm tiệt không được Google đó sao? Mới hay, cái nghiện đâu cần phải chung chăn cùng gối/má nối vai kề! Mới hay, đã lỗi thời dường nào cái câu “lia thia quen chậu/vợ chồng ghiền hơi”?
Vậy thì, chính em, Nguyễn Thị Google, chứ chẳng phải “thằng” nào sất, rất xứng đáng nhận lãnh huy hiệu (viết hoa) Người Em Gái Khách Quan (rất dễ ghiền và đáng nghiện).
Ông bà mình vẫn phán cái nết đánh chết cái đẹp. Ai bảo sao cũng chịu! Anh vẫn cứ nhìn nhận/bình bầu/vinh danh/xiển dương nét duyên dáng đáng yêu hàng đầu (và đáng giá bạc triệu) của em chính là cái nết …nhanh nhẩu với lắm lời. Chỉ cần gõ vài phím, rồi nhấn nút enter, là em bật xòe/bung vãi ra ngay hàng vạn (lắm lúc là hàng chục vạn) lời đáp, (có khi) còn dày hơn cả các bộ hồ sơ đồ sộ xuyên quốc gia PMU, PCI, Polymer gộp lại (3 trong 1).
Cứ thử đi! Thử gõ ba chữ “Lê Công Định” coi có phải là (trong nháy mắt) ta sẽ có ngay một trong hàng chục vạn đáp án rằng hôm nay, 13 tháng 6, chính là ngày đánh dấu một năm tròn con người tận tình và tận tụy yêu nước đó bị bắt hay không nào? Đọc lướt từng trang mà cứ rưng rức nhớ “Tố của Hoàng xưa”: Men khói đêm nay sầu dựng mộ, (Google tháng sáu, ghi mười …ba).
*
Google yêu dấu,
Không có em (còn ai với ai), thiên hạ sẽ chẳng mấy người nhớ hết những loạt bài tâm huyết của Luật sư Lê Công Định.
Từ những dòng bổi hổi bồi hồi “Bàn về chính danh trong thể chế pháp trị” cho tới “Đạo quân vương”.
Từ nhu cầu “Khai dân trí” cho tới chuyện cấp bách “Cần một quyết tâm chính trị”.
Từ nhận định sát sườn “Đã đến lúc nên đặt hàng soạn thảo luật” cho tới đòi hỏi tức thời phải “Trả lại hào khí Diên Hồng” và “Quyết không khiếp nhược”.
Từ “Đọc sử để nhìn nhận hôm nay”, làm sáng cái nhìn về “Tầm vóc thuyền trưởng – Tầm vóc dân tộc”, rồi nảy sinh ra nhu cầu “Tranh luận với thủ tướng”, cho rõ “Tại sao không nên sợ đa nguyên”, để định vị lại “Chuẩn mực văn minh cần được tôn trọng”.
Từ so sánh nhức xương “Phải chăng người ta nhạo báng công lý” cho tới nghi án “Họ đã phạm tội gì?”, đính kèm theo những yêu cầu bức xúc cần được giải trình của nhân dân cả nước: “Thế nào là chống nhà nước CHXHCNVN?”, hoặc “Yêu nước có phải là tội phạm hay không?”…
Để rồi, chính tác giả bị trả thù, phải vào tù để nghiền ngẫm thêm một công án lạ:
Việt Nam ta do đâu đã mất tròn thế kỷ để đau đớn banh thây chuyển đổi từ nỗi nhục bị đô hộ sang nỗi nhục bị khinh thường?
*
Google yêu dấu,
Không có em (lạnh giá đường vui), sẽ chẳng ai đếm nổi hằng hà sa số các câu nói để đời của đoàn hài thế kỷ, cũng chính là những kẻ đã bắt giam hằng hà sa số những sĩ phu và anh thư VN nhiệt tình yêu nước, nhiệt tình gióng tiếng cho nhận thức cùng khát vọng của nhân dân cả nước, trong đó có cả Luật sư hàng đầu Lê Công Định. Có khi phải xếp loại và đóng thành (toàn) tập các thứ danh ngôn (chỉ nội trong vòng mấy năm nay) đã khiến bà con ta cười chao biển Đông, cười rung đất nước:
Nào là chuyện về thằng đánh máy quên từ “ngang ngược”. Chuyện thức/ngủ canh chừng hòa bình thế giới. “Quản lý là quản có lý!”. Chuyện làm người ai lại chẳng tham? “Mỗi chiến thắng của Nga đều là chiến thắng của chính VN!”. Chuyện chạy chức chạy quyền người ta có nói với ai đâu mà biết được? Chuyện nhân dân bây giờ trông chờ chính quyền quá đỗi. Chuyện xả đập Phú Yên thành (bè) lũ lịch sử là hợp lý. Chuyện 2 vạn tiến sĩ. Chuyện 54 dân tộc. Chuyện đo vú lái xe. Chuyện IQ cao ngất. Chuyện tụt quần trước tòa. Chuyện thậm ghét giả dối. Chuyện bãi hoang chim ỉa…
Nào là chuyện không để tài nguyên đắp chiếu. Chuyện 50 năm sau ai ký nấy lo. Chuyện QH chưa họp nhưng chắc chắn là sẽ hoàn toàn ủng hộ các chủ trương lớn. Chuyện lỗ lãi chỉ là dự đoán. Chuyện con cháu tài giỏi hơn sẽ trả nợ. Chuyện nhà nước đã phân công người phát ngôn cả rồi. Chuyện sửa đổi hiến pháp sẽ được QH thực hiện sau khi có chỉ thị của BCH /TW. Chuyện Tần Thủy Hoàng nếu không quyết liệt thì làm sao có được vạn lý trường thành?…
Nào là chuyện chỉ thị đừng làm nóng biển Đông. Nào là tuyên bố “Nguyện” đời đời gìn vàng giữ chữ. Hoặc, “Trên biển Đông, tình hình hoạt động của ta là hết sức bình thường”. Chuyện “anh em cùng cha cùng mẹ mà còn tranh chấp đất đai” thì huống gì… Cho nên “không được làm phức tạp thêm tình hình”. Không được làm chia rẽ quan hệ TQ-VN!…
Đã có kẻ đề xuất ý kiến nên chôn cất nhiều thứ bây giờ để 1000 năm sau, nếu vẫn còn đó VN, con cháu ta đào lên coi cho biết ông bà của chúng thời này sống ra sao. Ngó bộ thừa. Và nhảm. Ngoại trừ trường hợp TW vừa mới sáng tạo thêm cái định hướng/chủ trương lớn nữa là làm cho hậu duệ 1000 năm sau nhăn mặt như khỉ/đứt ruột vì cười.
Phí ni lỗ đía – Hết nước nói:
Hiện tại dân ta đã sống quá nhục với tấm hộ chiếu CHXHCNVN, đừng bắt trẻ con Việt Nam sau này phải nhìn nhận một ê-kíp lãnh đạo trước đây của nó từng là giống đười ươi.
*
Google yêu dấu,
Không có em (đường cũ tiêu điều), sẽ chẳng một ai hình dung ra nổi căn bệnh á khẩu cấp tính của nhà nước ta. Ông Nguyễn Hưng Quốc đã từng luận bàn đâu đó rằng tên chữ của bệnh này là “hàm thinh”, tức là ngậm kín để giữ âm thanh lại, mà dân ta nói trại đi thành “làm thinh”. Mấy phùa rồi, cả dàn bộ/thứ trưởng lần lượt ra trước diễn đàn QH, long trọng xỉa răng rồi ngậm tăm. Luồng tin chính thống cả nước bấy lâu nay đã tịt. Báo in bỗng dưng thành giấy gói hàng. Báo mạng chưa kịp vuốt/cắt/dán là đã bị gỡ xuống. Liên tục. Mọi thứ. Không một giải trình. Không một giải pháp. Ngay cả chuyện ngư dân bị cấm đánh cá, bị đánh đập, cướp lưới, lấy cá, bắt giam, đòi tiền chuộc… cũng không ai dám xác định quốc tịch bọn hải tặc, dù cả nước đều biết lai lịch đuôi sam bọn chúng. Coi bộ căn bệnh hàm thinh cấp tính nói trên đang chuyển thành mãn tính.
Hệ quả là nguồn thông tin dồn dập trên mạng và các báo đài ngoại quốc đã tự nới rộng, chiếm dần không gian truyền thông chính quy. Tình hình tụt dần từ bức màn sắt thành tấm phên tre rồi cháy ngún thành tường lửa. Cốt lõi của chủ trương ngu dân để trị bằng bưng bít thông tin đã bỗng dưng muốn nát. Mọi chính sách ngăn chống đã trở thành các biện pháp chắp vá đó đây…
Cảm ơn Google,
May mà có em (má đỏ môi hồng). Em đã chịu thương chịu khó giữ giúp các bản lưu kêu bằng “cached”, cả chữ lẫn hình (tĩnh lẫn động). Nhờ vậy mà nhân loại (bất luận chỉ số IQ cao/thấp ra sao) đều chiêm ngưỡng được hầu hết văn bản và hình ảnh của một thời Nhất đội nhì trời, Tem phiếu hộ khẩu, Ngăn sông cấm chợ, Bán bãi vượt biên, Đày tù cải tạo, Truy diệt tư thương, Bài học giáo trừng, Cấm vận kinh tế, Liệt sĩ Gạc Ma, Giải phóng mặt bằng… Gần nhất là các bức ảnh bịt mồm giữa tòa, ép xe giữa đường, bắt cóc giữa chợ… hay các video clips biểu diễn kungfu dùi cui khắp nước, điển hình là ở Mê Linh và Nghi Sơn mới đây.
May mà có em (đời còn dễ thương), để 1000 năm sau, nếu còn đó VN, con cháu ta sẽ biết tới dung mạo nàng CAM vẫu từng vênh mặt báo cáo đánh sập những 300 trang mạng và hộp thư điện tử, từng nghe lén đọc trộm, và từng khiến nhiều người đi tù vì tội danh cực hài, trốn thuế cho thuê nhà chẳng hạn…
Rõ ràng, đối sách của nhà nước trước thế tụt xe dốc ngược (mà phanh không xơi) này là khủng bố, thứ thiệt, made-in-china, bằng những chiêu thức bẩn thỉu nhất có thể có. Định hướng mới: Câm họng bên ngoài – Vung gậy bên trong. Dù vậy, giới phản biện vẫn lừng lững lấn lướt. Đại khối thầm lặng đã ra tay hành động. Truyền đơn đã rơi vãi. Vách tường khắp nơi ngày càng đầy những dòng chữ nồng nàn tình nước HS-TS-VN, như một phong trào.
Tình hình mới: Vô chính phủ. Nhà nước lùi dần vào thế chống đỡ thụ động và dơ dáy.
Cái hiện trạng mà nhà nước muốn trì kéo không đứng yên trên thực tế. Nó đang rơi gia tốc.
*
Google yêu dấu,
Anh vẫn biết (em ngồi kia tóc ngắn, mà mùa thu dài lắm ở chung quanh), hiện có hàng tỷ người đơn phương yêu em (như yêu tuổi ngây thơ). Trong đó, không ít người, kể cả anh, vẫn mong được bên em (và hát khúc mong chờ), nên đã manh nha một gối quỳ (rất Tây) để hỏi em một câu cực ngắn (cũng rất Tây): “Will you mary me?”, (hết măng rồi) Em có lấy anh không?
Anh cũng biết, ở số tỷ, chí ít là vài trăm triệu, thì câu hỏi đó đã tự nó thuộc dạng no-reply-message, khỏi hồi âm.
Cho nên, em không nhất thiết trả lời. Và nếu em nói “không” với mọi kiểu buộc ràng, hãy vững tin là anh vẫn hiểu:
“Không có gì quý hơn độc lập tự do”, Em nhễ?
Chúc em luôn vui khỏe.
Tái bút: Cho anh gửi lời thăm và cảm ơn chị bạn Dorothy Chou vừa mới tặng quà cho dân Việt mình, ngay trước ngày đánh dấu Tròn năm Lê Công Định bị bắt.
13-6-2010.
Blogger Đinh Tấn Lực