Hà Sĩ Phu - Ý kiến nhỏ nhân ngày lễ lớn (về lý luận và thực tiễn)
. Hà Sĩ Phu
1/ Xin nhắc lại mấy nhận thức cơ bản
Cũng những ngày này 22 năm trước (1988) tôi khởi sự cầm bút viết những suy tư của mình về xã hội. Với thói quen “tư duy trừu tượng”, một cách lô gích và hệ thống, của khoa học tự nhiên, tôi tìm đến cội nguồn của mọi vấn nạn xã hội Việt nam (để tự giải đáp cho mình) không mấy khó khăn, mà tôi biết chắc rằng mình chẳng tài cán gì, bất cứ ai trung thành với tư duy khoa học cũng đều đi đến kết luận tương tự.
Kết luận ấy là Việt Nam đã du nhập vào đất nước mình cái gọi là “chủ nghĩa Xã hội khoa học” nhưng thực chất vẫn chưa ra khỏi quỹ đạo của những “chủ nghĩa Xã hội không tưởng” phản khoa học, tuy phản khoa học nhưng lại đáp ứng trúng những nhu cầu trước mắt và tâm lý của đám đông. Vì thế chủ nghĩa ấy đã thu hút được số đông, khơi dậy được tiềm năng ái quốc của dân tộc để đạt mục đích giành chính quyền.
Nhưng khi Đảng Cộng sản đã thành đảng cầm quyền duy nhất điều hành xã hội thì những nguyên lý phản khoa học, cực đoan và phản dân chủ của lý thuyết không tưởng mới bắt đầu phát huy tác dụng vừa kìm hãm vừa tàn phá của nó đối với con người và xã hội. Giai đoạn hào quang của ảo tưởng không thể kéo dài mà mau chóng chuyển sang thoái trào rồi khủng hoảng, đến mức Đảng phải hô hào “đổi mới hay là chết”. Bản chất của vấn đề là ta đã dùng một phương tiện chống lại mục đích, muốn vượt lên phía trước thật nhanh nhưng không ngờ ngày càng tiến về phía sau, nghĩa là đi ngược chiều tiến hóa, ngược chiều so với nhân loại tự nhiên. Đã đi ngược chiều thì, về lý thuyết, muốn đổi mới cũng rất đơn giản, chỉ “đằng sau quay” là xong, là hòa nhập vào dòng chảy tự nhiên của nhân loại. Một đảng có tuệ tâm - tuệ nhãn và dũng khí vượt qua thường tình, tự lột xác mình như vậy chẳng những sẽ tiếp tục dẫn đường mà còn là của báu muôn đời cho dân tộc.
Nhưng dân tộc mình chưa có diễm phúc ấy, thực tế phức tạp hơn nhiều, bởi những gì mà chủ nghĩa ảo tưởng kia đã tạo ra trong mấy chục năm đã trở thành sức ỳ, chống lại cuộc “đằng sau quay” này. Trở ngại thứ nhất là tầng lớp quan liêu mà chế độ phong kiến trá hình đã sinh ra và nuôi dưỡng bằng tất cả đặc quyền đặc lợi mà không có cơ chế hãm. Cơ chế hãm bằng những giáo huấn, những “đạo đức Bác Hồ”... của nền Đức trị (hay Nhân trị) thì hoàn toàn bất lực trước sức hút mãnh liệt của lòng tham không đáy, giữa một kỷ nguyên mà con người đã dày dạn, đã quá khôn và đầy kỹ thuật. Những “con sâu” thừa biết những đạo đức mà họ vẫn đem rao giảng chỉ là giả tạo, họ chỉ nói chứ chẳng dại gì làm theo. Một bí thư Tỉnh uỷ, là “gương sáng theo đạo đức Hồ Chí Minh”, rồi còn là anh hùng vũ trang mà chỉ xứng đáng ăn cái tát của một nữ tiếp viên đã nói lên rất nhiều. Trở ngại thứ hai thuộc về cực đối diện tức Nhân dân: khi con người buộc phải chấp nhận những phi lý mà họ không thể kháng cự thì họ đành thích nghi, lúc đầu là thụ động rồi thành chủ động, thế là bị tha hóa về phẩm chất, cái tốt phải “từ nay xin chừa”, cái xấu mặc nhiên trở thành bình thường và còn lên ngôi. Một xã hội mà rường cột bất chính thì Nhân tính bị giam lại và Thú tính được thả ra để hoành hành. Cả một dân tộc bị tha hoá.
Không chấp nhận “đằng sau quay” là cốt để đám người đi đầu vẫn là đi đầu, vẫn tuyên bố đi đúng hướng nhưng kỳ thực là đi đường vòng để dần quay trở lại. Con đường vòng chưa hề có tiền lệ này chính là nguyên nhân mọi bí ẩn, mọi rắc rối, mọi đau đớn..., đó là môi trường để những kẻ cơ hội đạp lên đầu dân chúng mà vượt lên trong một cuộc “cạnh tranh sinh tồn” không bằng tài năng và cống hiến, mà bằng sự liên kết của mánh khóe gian xảo với quyền lực được định chế. Con đường vòng này nhân loại chưa hề đi, nó chẳng thuộc cơ chế tự nhiên (mà ta gọi là chủ nghĩa Tư bản), cũng chẳng còn gì là chủ nghĩa Mác-Lê, nên kẻ nắm quyền lực mặc sức “sáng tạo, biến tấu”, độc quyền “diễn biến”, lúc thế này lúc thế khác, dân không biết đâu là chuẩn mà thích nghi, cứ bị đẩy đi đẩy lại như quả bóng. Con đường vòng này chính là nét “đậm đà bản sắc châu Á” tinh quái mà các nước Cộng sản châu Âu khó lòng học được.
Tuy vậy, con đường vòng khôn lỏi ấy có một mâu thuẫn không thể giải quyết. Về Kinh tế thì cần tiến nhanh cho kịp thế giới, vừa để thoát khỏi khủng hoảng vừa để tầng lớp quan chức và thương nhân tư bản hóa thật nhanh thành “tư bản đỏ”. Về Chính trị lại muốn duy trì thứ Chính trị Mác-Lê độc quyền để kiềm chế mọi tiến bộ chính trị, nhằm bảo kê cho quá trình độc quyền tư bản hóa của tư bản đỏ nói trên.
Thể chế như một cơ thể bị xé đôi, nửa Kinh tế thị trường muốn chạy lên phía trước, nửa “định hướng XHCN” cố lưu lại phía sau. Nửa Kinh tế là Kinh tế trí thức, nửa Chính trị Mác Lê thì phản trí thức. Đây là trường hợp phân thân của một cơ thể được ghép bởi hai nửa dị hợp, như người đi hai chân trên hai băng chuyền ngược chiều nhau. Đây là quá trình làm xiếc vô cùng vất vả đầy bất trắc. Kinh tế có thể thoát khỏi khủng hoảng nhưng Nhân cách con người sẽ lâm vào một cuộc tổng khủng hoảng kéo dài mà tính cách chủ đạo là dối trá. Nạn nhân khốn khổ trước hết của sự phân thân này là ngành giáo dục: đã hòa nhập với thế giới (tư bản) đương đại mà vẫn phải đào tạo cái gọi là “con người mới XHCN” thì nghệ sĩ xiếc bậc thày cũng không làm được.
Trên quỹ đạo đường vòng thiên biến vạn hóa ấy, quần chúng bị mất phương hướng vì không có những “chuẩn” đáng tin cậy, dân bị dẫn dắt, bị khống chế, bị phân ly, không còn sức mạnh của một xã hội dân sự lành mạnh. Đó là thời cơ vàng để kẻ ngoại xâm triển khai những kịch bản đã phục sẵn từ lâu. Yếu tố ngoại lai này đẩy nhanh những mâu thuẫn xã hội, đẩy nhanh sự tha hóa, đẩy nhanh mối liên kết nội xâm với ngoại xâm để hủy hoại tính cách dân tộc, nhưng đồng thời cũng là “cú húych” đánh thức xã hội dân sự , đánh thức tiềm lực của xã hội và Nhân tính trong mỗi con người. Cuộc phân hoá thiện-ác, chính-tà trong xã hội nhất định sẽ khốc liệt nếu dân tộc ấy không chịu diệt vong.
Mấy điều sơ lược kể trên, theo thiển nghĩ của tôi, chỉ là nhận thức để người trí thức tự thắp sáng trong lòng trên con đường dài, trước hết để sống có ý thức (như cá nhân tôi đã tự thắp sáng cho mình), chứ không phải để đem hết ngay vào thực tiễn, xã hội xô bồ vốn chuyển động theo quyền lợi chứ không theo nhận thức khoa học như cácnhà trí thức mong muốn.
Tôi chỉ bộc lộ nhận thức vốn có ấy của tôi [1], bây giờ chắc không bị cấm ngặt như trước nữa, còn về con đường vận động cụ thể của thực tiễn, những “đường đi nước bước” nên thế nào thì đó là lĩnh vực cần tài năng của những nhà hoạt động chính trị-xã hội, xin không đề cập ở đây.
Tuy vậy thực tiễn trước mắt, với những thông tin hàng ngày hết sức phong phú, phức tạp nhiều chiều cũng gây cho tôi một vài cảm nghĩ mà tôi muốn chia sẻ dưới đây.
2/ Hiện thực tự vạch đường ra
(hay cảm tưởng về 3 tấm ảnh Tình yêu)
Trong khi Tư duy trừu tượng diễn ra nơi bán cầu đại não, tiếp cận thẳng tới chân lý, có năng lực chỉ ra chân lý rất sớm (song chỉ thuyết phục được những người quen duy lý), thì Thực tiễn lại đi tới chân lý một cách vòng vèo, chậm chạp, nhưng trực quan, đầy mãnh lực và thuyết phục được số đông. Những mảnh của thực tế tổng hợp lại cũng dường như tự vạch ra những quan hệ nhân quả, cũng giải thích lẫn nhau, và cuối cùng cũng tự vạch đường ra...Nếu tư duy là dạng “nén” của chân lý thì hiện thực là dạng “giải nén” vậy. Trong lịch sử, bọn bạo chúa thường cấm cản những tư duy tiên tiến nhưng đều vô ích, chỉ có tác dụng “câu giờ” nhất thời, bởi trước sau gì hiện thực tự nó cũng lên tiếng nói.
Nhiều hiện tượng tiêu cực trước đây vẫn được bao che bằng ngụy biện rằng đó là những hiện tượng cá biệt. Nhưng nét đặc biệt của tình hình mấy năm gần đây là những “cá biệt” ấy cứ xảy ra dồn dập để bộc lộ tính phổ biến của nó. Chẳng thế mà trên báo chí đã xuất hiện những cụm từ: cả nước làm xiếc, cả nước đu giây, cả nước nói dối..., rồi là hội chứng vĩ cuồng, hội chứng ghét cán bộ, văn hóa mặt dày..., nào là một dân tộc nói dối, một xã hội dối trá, một xã hội vô cảm ..., chính phủ thì đề án nào cũng bị chê cười... vân vân và vân vân... Hiện tượng đã là phổ biến thì gắn với bản chất, đương nhiên, là bản chất thì ta phải suy nghĩ nghiêm túc, không thể ngụy biện vài câu rồi à uôm cho qua.
Ví dụ như hàng loạt thông tin về công an đánh chết người vô tội, đánh đập dân oan, công an đánh bắt sinh viên đòi chủ quyền lãnh thổ tổ quốc, công an đứng về phía chủ công ty, chủ kinh doanh để chống lại công nhân đòi quyền, chống lại nông dân đòi đất, trên biển thì lính Trung quốc bắn giết ngư dân ta, trên đất liền thì công an ta có đánh chết người dân vô cớ cũng không bị trừng trị thích đáng, công an bao che cho kẻ có chức quyền và tiền bạc trong nhiều vụ án nghiêm trọng, “nhiều đứa đảng viên phải gọi là thằng”[2]... Người chủ trì một trang Web chỉ để góp ý, phản biện, để xây dựng và bảo vệ đất nước là Gs Nguyễn Huệ Chi lại thành đối tượng phải làm việc với công an để bị ép phải ngưng trang web? Tại sao một khẩu hiệu đáng phải trân trọng “Hoàng Sa- Trường Sa là của Việt Nam” lại phải viết tắt, phải tranh thủ viết ban đêm vì sợ công an, tại sao một cháu gái muốn thức tỉnh tinh thần bảo vệ đất nước bằng cách chỉ biểu tình ngồi trong nhà một mình mà vẫn bị tù tội? Vì sao lời yêu nước thiết tha của khai quốc công thần Võ Nguyên Giáp không có một gam trọng lượng nào đối với đảng và bộ máy cầm quyền hiện nay, người nói cứ nói người làm cứ làm?.....
Bấy nhiêu hiện tượng, đủ mọi lĩnh vực khác nhau mà như có mối liên hệ mật thiết. Đến một lúc đủ chín, những mẩu sự thực ấy sẽ sâu chuỗi với nhau, tự giải thích lẫn nhau, làm sáng tỏ ngọn nguồn, chẳng cần những nhà lý luận vốn hay dài dòng. Tôi tự thấy còn “lý luận” dài dòng nữa thì thật vô duyên.
Chỉ xin viện ra đây 3 tấm ảnh về TÌNH YÊU để chúng tự đối thoại với nhau, xem có giúp được gì cho nhận thức? Có thể 3 tấm hình “câm” này sẽ nói lên tất cả, “Thiên vô ngôn”, thực tiễn vốn vô ngôn mà thay ta nói hết mọi điều!
Có thể lắm, TÌNH YÊU quyết định hết thảy, vấn đề là ai yêu ai, yêu cái gì mà thôi.
HSP 30-8-2010
_________________________________
[1] Các tiểu luận đã lưu trong www.hasiphu.com (nhưng trang web này đang bị tin tặc cài mã độc). Độc giả Dân Luận có thể tham khảo một phần các bài viết này trong Thư Viện: Hồ sơ Hà Sĩ Phu
Nguồn: http://danluan.org/node/6273