Từ Sổ Tay Nhân Quyền Tới Thế Trận Toàn Dân

Từ Sổ Tay Nhân Quyền

Tới Thế Trận Toàn Dân

. Đinh Tấn Lực


Tạp chí Nhân Quyền VN quả nặng tính tạp, nhẹ tính chí.

Thử lược duyệt những thực tiễn có đăng báo gần đây, khắc rõ:


Ghi Sổ Nhân Quyền

Các cơ quan công an đồng loạt giương khẩu hiệu “Công an nhân dân chỉ biết còn đảng còn mình”:

Ngày 4.5.2010, công an cơ động thành phố Đà Nẵng đã ra tay đánh dẹp tang lễ và cướp quan tài cụ bà dân oan Hồ Nhu, nhũ danh Đặng Thị Tân, ở Cồn Dầu. Chuỗi sự việc nghiêm trọng xảy ra tại Giáo xứ Cồn Dầu khiến 1 người bị thiệt mạng; 6 người bị bắt giam; nhiều người bị đánh đập tàn nhẫn, bị thẩm vấn gắt gao; 42 Giáo dân, trong đó có 15 phụ nữ, 1 cụ già 70 tuổi và 6 em nhỏ, đã phải rời bỏ quê hương đi lánh nạn tại Thái Lan. Đó là một hệ quả tiêu cực tất yếu từ những mưu toan đàn áp tôn giáo có hệ thống ở thành phố Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung.

Chuỗi sự kiện này đã đưa đến cuộc thăm viếng của một đại diện đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội thân hành đến Cồn Dầu gặp bà Hồng Anh để hỏi về cái chết oan khuất của chồng bà là ông Nguyễn Thành Năm. Trong khi đó, Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Frank Wolf đã lên tiếng về cái chết của ông Nguyễn Thành Năm tại buổi điều trần của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos ở Quốc hội Hoa Kỳ, ngày 18.8.2010. Công an địa phương vẫn đe dọa và cấm tiệt giáo dân Cồn Dầu có mọi liên hệ thông tin với giới truyền thông ngoài luồng hay ngoài nước.

Theo lời kể của các nhân chứng ở Cồn Dầu: “Anh Nguyễn Thành Năm bị công an địa phương kêu lên làm việc, bị đánh đập tra tấn rất tàn nhẫn rồi thả về nhà. Đến tối, khoảng 10 giờ đêm, công an lại tiếp tục đến nhà anh sách nhiễu. Thấy công an bất thần xông vào nhà, anh bỏ chạy ra ngoài đường để có hàng xóm chứng kiến, công an đuổi theo, bắt được, và buộc anh phải quỳ xuống, không cho đứng dậy. Vợ con anh Năm thấy thế cũng cùng quỳ xuống để xin tha mạng sống cho anh Năm, nhưng công an vẫn tiếp tục đánh đập. Sau cùng họ thả anh ra, và bảo rằng ngày mai phải lên sở công an làm việc tiếp. Anh Năm đau đớn cả đêm, đến sáng thì tử vong. Anh Năm chính là người đã từng bị công an đánh trọng thương vào ngày 4 tháng 5, trong đám tang cụ bà Đặng Thị Tân.

Trước đó, ngày 21.01.2010, công dân Nguyễn Quốc Bảo chết ở đồn công an quận Đống Đa, Hà Nội, đã được Viện Pháp Y Quân Đội kết luận nguyên nhân tử vong là do bị nhục hình.

Ngày 20.5.2010, Trung tâm giám định pháp y thành phố Đà Nẵng cho biết, đơn vị vừa có văn bản số 77/PY kết luận về trường hợp tử vong của công dân Võ Văn Khánh tại phòng thẩm tra của công an là do …treo cổ tự tử bằng dây cột giày.

Ngày 23.7.2010, công an Nguyễn Thế Nghiệp, huyện Tân Yên, Bắc Giang đã tra tấn đến tử vong công dân Nguyễn Văn Khương về tội đi xe máy không đội mũ an toàn.

Đêm 6.8.2010, hai công an Trương Đình Hoàng và Nguyễn Ngọc Hậu của tỉnh Thái Nguyên, mặc thường phục, đã chận xe máy của công dân Nguyễn Tuấn Hùng rồi nả đạn bắn thủng đùi xuyên xương chậu của công dân Hoàng Thị Trà (sinh viên khoa Toán Tin Đại học Sư phạm Thái Nguyên) ngồi phía sau, về tội không đội mũ an toàn.

Ngày 14.8.2010, công dân Trần Duy Hải được công an báo cáo là chết “do treo cổ tự sát trong phòng tạm giữ của công an huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang”.

Ngày 9.9.2010, công an xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã thẩm vấn đến tử vong công dân Trần Ngọc Đường ngay tại trụ sở công an xã. Sau đó, báo tin ông Đường đã tự tử chết trong tư thế ngồi co, hai tay chống vào trong tường nhà, đầu treo vào song cửa hội trường UBND xã, còn đầu thòng lọng treo vào cổ bằng sợi dây thắt lưng.

Công an Đà Nẵng cấm Phật tử vào chùa Giác Minh dự lễ Phật Đản, Vu Lan: Ngày 14 tháng bảy âm lịch, từ 7 giờ sáng, công an và dân phòng đã gác kín các ngõ đường, các hẽm vào chùa suốt đến 11giờ đêm và đã vào chùa kiểm tra hộ khẩu. Tất cả tăng ni trong chùa đều phải ra trình diện để lập biên bản. Vào đúng ngày Rằm, từ 3 giờ sáng, công an đã đổ quân đầy nghẹt hết các ngã đường, không cho bất kỳ một Phật tử nào vô chùa. Thậm chí có hai phật tử ở thành phố Đà Nẵng đã lọt vào bên trong cổng chùa thì bị công an chạy theo bắt rị lại giống như bắt cướp.

Thông tin của ông Scott Johnson, Cố vấn của tổ chức Sáng hội Người Miền Núi (trụ sở tại bang South Carolina – Hoa Kỳ): Từ ngày 22.8.2010, lực lượng công an địa phương đã bao vây 32 làng của người miền núi ở Tây Nguyên, và tìm cách ngăn chặn hoạt động của tổ chức Hội thánh tại gia của đồng bào. Các Hội thánh tại gia đang phát triển ở khu vực Tây Nguyên vì đồng bào thiểu số ở đây bị chính quyền ngăn cấm việc xây nhà nguyện. Họ phải làm lễ tại nhà nhưng vẫn bị chính quyền ngăn cản và điều động lực lượng công an đến bao vây. Scott nhấn mạnh rằng đồng bào thiểu số là những người không có vũ trang, và không có ý định làm bất cứ một việc gì không tốt. Họ chỉ mong muốn mỗi điều là được tự do và tôn trọng nhân quyền.

Cao Hồng Khuyến, nguyên Huyện ủy viên huyện Cầu Ngang (Trà Vinh), và vợ là Cao Thị Bé chiếm đoạt 130 m2 đất của bà Nguyễn Thị Ngân (84 tuổi) ở khu I, thị trấn Mỹ Long huyện Cầu Ngang, đã khiến bà cùng hai con, một mắc bệnh tâm thần, một trí nhớ không tốt, phải ra ở nhờ ngoài nghĩa địa. Sau hơn ba tháng sống tạm trong ngôi nhà mồ, sáng ngày 2.9.2010, người con trai lớn (63 tuổi) của bà Ngân đã qua đời. Đó là một kỷ niệm không thể quên của cụ Ngân, và của cả nhân dân địa phương, về ngày “quốc khánh” năm nay.

Ngày 9.9.2010, Công an huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận, gửi giấy triệu tập cho ông Lê Hồng Kỳ đến cơ quan “để làm rõ về việc giúp đỡ thương phế binh chế độ cũ và bổ túc hồ sơ xin cấp đất”. Nhưng khi ông Kỳ đến nơi thì vỡ lẽ ra là công an muốn tra khảo và gán ghép cho ông về tội danh “đánh cán bộ”.

Theo bản tin ngày 9.9.2010 của tổ chức Hành Động Bởi Giáo Dân Chống Tra Tấn (ACAT – Actions by Christians Against Torture): Ít là có 4 người đảng viên Việt Tân (Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng), đã bị bắt giữ vào tháng 7 và tháng 8.2010 chỉ vì đã bảo vệ các quyền căn bản của công dân. Họ bị giam giữ một cách độc đoán và có thể sẽ bị hành hạ hay bị tra tấn:

  • Giáo sư Phạm Minh Hoàng, 55 tuổi, giảng dạy môn toán tại Trường Đại Học Bách Khoa TP.HCM, bị bắt vào ngày 13.8.2010 tại Sài Gòn. Ông là người Pháp gốc Việt, đã ủng hộ những hoạt động chống khai thác quặng bôxít trên Cao Nguyên Miền Trung Việt Nam. Ông đã tham dự một cuộc mạn đàm tại Sài Gòn về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo lời vợ ông, công an cũng điều tra về những khóa học do ông giảng dạy về đề tài kỹ năng lãnh đạo. Ông cũng là chủ nhân một trang blog, với bút danh là Phan Kiến Quốc, đăng tải những bài viết phê bình các chính sách sai trái của nhà nước. Một trong những bài viết đầy nhiệt tình của ông có tựa đề là: Xóa Bỏ Hận Thù – Tại Sao Không? Gia đình ông không được thông báo nơi giam giữ cũng như lý do bắt giữ, mặc dù đã nhiều lần đòi hỏi. Cho đến ngày 6.9.2010, bà Phạm Minh Hoàng mới nhận được một tờ thông báo của công an cho biết chồng bà bị giam giữ về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
  • Mục sư Dương Kim Khải, 52 tuổi, thuộc Giáo Hội Tin Lành Mennonite Việt Nam, bị bắt ngày 10.8.2010 tại Sài Gòn. Trong quá khứ, ông đã nhiều lần bị giam vì những hoạt động tôn giáo, và từng bị ngược đãi trong tù.
  • Bà Trần Thị Thúy, 39 tuổi, hành nghề buôn bán, bị bắt ngày 10.9.2010 tại Đồng Tháp. Bà Thúy, theo đạo Phật giáo Hòa Hảo, là một dân oan và từng giúp cho nhiều dân oan khác đi khiếu kiện.
  • Ông Nguyễn Thành Tâm, 57 tuổi, nghề nông, là một tín đồ Tin Lành, bị bắt ngày 18.7.2010 tại Bến Tre.

Ngoại trừ GS Hoàng, cả ba người sau vừa kể đều đã bênh vực các nông dân bị cướp đất trong suốt 20 năm qua tại tỉnh Bến Tre và Đồng Tháp. Cả ba cũng bị ghép tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” chiếu theo điều 79 bộ Luật Hình Sự VN.

Tại tỉnh Bến Tre, trong cùng đợt bắt giữ ông Nguyễn Thành Tâm, công an đã tung ra một cuộc khủng bố nhắm vào nhiều dân oan khác. Họ bắt giữ ông Phạm Văn Thông ngày 18.7.2010, và triệu tập hỏi cung ông Nguyễn Văn Nông, bà Nguyễn Thị Ni, bà Nguyễn Thị Hằng, bà Phạm Thị Tạo, v.v… Trong số này, có người bị đánh đập tại chỗ, có người bị tra khảo bằng roi điện đến hỏng cả hai mắt và hai chân.

Ngày 6.9.2010, công an Hà Nội đã huy động lực lượng hàng trăm cảnh sát cơ động, dân phòng, các ban ngành… mang đầy đủ vũ khí súng ống, dùi cui điện, lá chắn, cùng với xe cứu hỏa, xe bít bùng… đến thôn Phùng Khoang để cưỡng chế, cướp đất của dân. Bà con thôn Phùng Khoang vô cùng bức xúc đã đến hiện trường đòi công lý, đòi quyền lợi và giữ 2 lều canh đất, thì bị công an bóp cổ, đánh đập dã man, rồi bắt 6 người đưa lên xe bịt kín không biết chở đi đâu. Mọi người kéo nhau đến UBND Huyện đòi thả người vô điều kiện, nhưng họ không thả mà vẫn tiếp tục đánh đập, bắt thêm một số người khác. Sau đó, họ dùng những thủ đoạn bỉ ổi đến từng nhà bắt người vào ban đêm, đưa đi đâu không ai biết.

Ngày 15.9.2010, dân oan tại nhiều địa phương khác nhau trong tỉnh Nghệ An đã tập trung kéo về thành phố Vinh để tố cáo những cán bộ tham nhũng. Một thương binh tham gia cuộc biểu tình này kể lại: “Dù trời mưa nhưng chúng tôi có băng rôn, biểu ngữ căng ra đi từ Bến Thủy đến dinh Tỉnh ủy. Tôi từ huyện Tân Kỳ, rồi có ngươì từ Nghĩa Đàn, rồi Anh Sơn, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nam Đàn, Nghi Lộc, thành phố Vinh. Điểm chung của những người tham gia là vì bị chính quyền dùng quyền lực để cướp đất. Cán bộ lợi dụng những việc như giải phóng mặt bằng, xây trường học, nói chung họ nói để phục vụ phúc lợi nhà nước, phúc lợi nhân dân… để cướp đất của dân, ví dụ ,một mét vuông đất đền 2500 đồng, bằng giá một gói mì tôm. Họ lấy đất của dân để bán lại làm giàu. Họ dùng công an mặc đồ thường thu hết băng rôn của dân. Tại dinh Tỉnh uỷ, họ dùng luật rừng, sử dụng dùi cui bắt cóc bà Hồ Thị Bích Khương đưa lên xe máy đi đâu mất, tôi không biết”.

Bà Trần Khải Thanh Thủy, 1 trong 6 người cầm bút Việt Nam đã được Tổ chức Quan trắc Nhân quyền trao giải Hellman-Hammett vào đầu năm nay, hiện đang bị hành hung có tổ chức tại nhà tù số 5 ở Lam Sơn, Thanh Hóa.

Bà Magdalena Sepulveda, Chuyên gia độc lập của LHQ về nhân quyền và đói nghèo, đã phát biểu trong cuộc họp báo tổ chức tại Hà Nội ngày 31.8. 2010 về người nghèo ở VN, ngoài vấn đề thu nhập ít, họ còn bị : “hạn chế tiếp cận nước sạch và vệ sinh, giáo dục, nhà ở; hạn chế trong việc tham gia vào đời sống xã hội, rất khó để tiếp cận với luật pháp”. Nhu cầu trước mắt là họ “phải được đảm bảo các quyền khác như quyền bày tỏ ý kiến, quyền được lập hội, tham gia vào việc đưa ra các quyết định chung”.

Một báo cáo gần đây của Tổ chức Quan trắc Nhân quyền đã nhận định rằng nhà nước VN đang cố tình tấn công vào những người viết blog độc lập. Theo hiệp hội Ký Giả Không Biên Giới, nhà nước VN hiện đang giam giữ/quản chế các bloggers/nhà báo cùng những người sử dụng internet bị quy vào tội chống chính quyền: Trần Khải Thanh Thủy, Trương Minh Đức, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Văn Túc, Ngô Quỳnh, Nguyễn Kim Nhàn, Phạm Văn Trội, Vũ Hùng, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung, Trần Quốc Hiền, Trương Quốc Huy, Điếu Cày Nguyễn Hoàng Hải, Phạm Thanh Nghiên, Lê Nguyên Sang, Nguyễn Bắc Truyển, Huỳnh Nguyên Đạo, Nguyễn Ngọc Quang, Nguyễn Hữu Phu, Trương Quốc Huy… Mới nhất là blogger Phan Kiến Quốc, tức GS Phạm Minh Hoàng.

Freedom House, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại New York đã xếp hạng tự do báo chí của Việt Nam trong năm 2009 ở mức 82 trên 100, có nghĩa là không có tự do báo chí.

Vào ngày 26.4.2010, thành ủy Hà nội đã ký quyết định về quản lý internet trong đó quy định các máy chủ của các quán cafénet phải cài đặt phần mềm quản lý internet kể từ năm 2011. Chuyên gia phân tích chính sách của Google, bà Dorothy Chou, đã bày tỏ mối lo ngại về các biện pháp mới này của VN. Theo bà, biện pháp này sẽ cho phép chính phủ VN phong tỏa việc truy cập vào các trang mạng và cùng lúc truy nã những người sử dụng.

«Việt Nam tấn công vào các quán cà phê Internet», đó là tựa đề một bài viết từ Hà Nội, được đăng trên nhật báo cánh tả Libération ở Pháp ngày 16.9.2010: Nhà cầm quyền đã triệt để cắt đường truyền của các cửa hàng internet sau 23 giờ.

Suốt hai tháng qua, các trang mạng điện tử và các blogs trên hệ thống internet thường xuyên bị phá hoại trong 1 chiến dịch mới của hệ thống công an mạng VN dưới quyền điều động của tướng công an Vũ Hải Triều: X-café, Dân Luận, TrangDenOnline, Talawas, Tiền Vệ, Đàn Chim Việt, Đối Thoại, Tiếng Nói Tự Do Dân Chủ, Thăng Tiến, Thông Luận, Hà Sĩ Phu, Đài Chân Trời Mới…, các trang blogs của AnhbaSG, Free Lê Công Định, TTX Vàng Anh v.v…

Trang nhà của cơ quan Thanh Tra Chính phủ và nhiều báo trong luồng đồng loạt đưa tin về quyết định cấm khiếu kiện tập thể: Theo quy trình xử lý đơn thư do Thanh tra Chính phủ vừa mới ban hành, từ ngày 11.10.2010 (tức là ngay sau đại lễ Ngàn năm Thăng Long), tất cả các loại đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến cơ quan hành chính nhà nước sẽ bị trả lại nếu đơn có họ tên, chữ ký của nhiều người. Những đơn được gửi đến nhiều cơ quan, gửi tới nhiều người và đã gửi đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết, cũng sẽ không được tiếp nhận.

Ngày 4.9.2010, ông Trần Ngọc Thành, một công dân Ba Lan gốc Việt Nam đến Mã Lai đã bị chính quyền Mã Lai, do áp lực trong khối ASEAN của Hà Nội, bắt giữ tại cửa khẩu và trục xuất khỏi Mã Lai 72 giờ sau đó. Ông là chủ tịch Ủy Ban Bảo vệ Người Lao động VN trong hai nhiệm kỳ liên tiếp, và từng có nhiều chuyến sang Mã Lai hoạt động trợ giúp bảo vệ công nhân VN xuất khẩu lao động tại đây.

Ngày 15.09.2010, nhiều hãng thông tấn quốc tế đi tin: Trong cuộc họp báo cùng ngày tại Hà Nội, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao VN Nguyễn Phương Nga tuyên bố “Việt Nam hoan nghênh việc Thái Lan không cho phép sử dụng lãnh thổ Thái Lan vào các hoạt động với mục đích chống phá Việt Nam”. Nội dung chính yếu của việc hoan nghênh này là Thái Lan, do áp lực ngoại giao của Hà Nội, đã ngăn chận không cho 2 nhà hoạt động nhân quyền ở Pháp được tới xứ Thái để tham dự cuộc họp báo về tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng tại VN. Theo phép tam đoạn luận cơ bản thì chốt lại: Nói về tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng tại VN chính là “Hoạt động với mục địch chống phá VN”.

Ông Vũ Minh Trí, cán bộ Tổng cục II, vừa bị lột đảng tịch cũng như hàm Trung tá, về tội quyết liệt tố cáo các hành động bất minh của Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục II và hiện đang giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Cách nay 6 tháng, Tiến sĩ Đỗ Xuân Thọ đã từng khiến dư luận xôn xao khi ông đề nghị “Loại bỏ chủ nghĩa Mác-Lê ra khỏi nền tảng tư tưởng của đảng và thay vào đó bằng chủ nghĩa Dân Tộc”. Mới đây, TS Đỗ Xuân Thọ loan báo sẽ đốt thẻ đảng nếu sau Đại hội lần thứ 11 mà đảng CSVN vẫn không từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lê. Ông vừa bị cúp lương, và bị an ninh hăm dọa sẽ triệu hồi con trai lớn của ông (hiện đang du học tại Đức) về nước, đồng thời, sẽ biến con trai út của ông thành một kẻ nghiện xì ke.

Rõ là khoa học ngày nay vẫn chưa xác định hết được các loài động vật có máu lạnh.


Định Vị Kẻ Thù

Lãnh đạo đảng CSVN, do bởi nhu cầu yên vị làm giàu thông qua chế độ độc tài toàn trị, nên luôn luôn cần có một kẻ thù để tuyên truyền ma mị đối với đại khối quần chúng về một vai trò/sứ mệnh gọi là giữ vững ổn định chính trị thời bình.

Các kẻ thù đế quốc cũ giờ đều trở thành những nhà tài trợ/đầu tư/chủ dự án, tất nhiên đều là những bầu sữa/huyết mạch mà Hà Nội cần rạp mình trân trọng chiêu đãi.

Hầu hết các đồng minh cũ của CSVN giờ đang trên đường phát triển sau đợt sóng dân chủ hóa toàn cầu hồi cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Chỉ riêng đàn anh Trung Quốc của giai đoạn bành trướng chủ nghĩa xuống miền Nam VN, bỗng chốc biến thành kẻ thù chí tử từ trận chiến giáo trừng 1979 và các trận đánh thảm khốc 1984-1988. Nhưng kể từ 1991 tới nay, TQ đã tự nâng cấp thành quan thầy, thông qua tâm thức chư hầu tay sai sẵn có của dàn lãnh đạo Hà Nội, cho dù TQ đã huy động vũ lực chiếm đất/biển/đảo của VN. Và mới đây lại được Thứ trưởng Quốc phòng VN Nguyễn Chí Vịnh ve vuốt thêm bằng lời cam kết ba không.

Về mặt xã hội, nhân dân VN là nguồn cung cấp ngân sách cho đảng CSVN chi tiêu tùy tiện, cả công lẫn tư; cung cấp dịch vụ/lao động/sản xuất cho guồng máy kinh tế cả nước xập xình; cung cấp cả khung thế chấp cho các món nợ khổng lồ và hoang phí của đảng và nhà nước. Nhưng nếu nhân dân phản đối các chính sách sai lầm/di hại của đảng và nhà nước, phản đối lãnh đạo các cấp cửa quyền/tham nhũng có hệ thống, hoặc nếu nhân dân dám gióng tiếng kêu oan, thì đích thị nhân dân là kẻ thù của đảng.

Một vị giáo sư kêu gọi xóa bỏ hận thù, một vị mục sư truyền đạo trong căn chuồng bò cũ nát, một bác nông dân vững lòng tin vào Chúa, một chị dân oan chỉ có tờ đơn khiếu kiện trên tay… nhất nhất đều trở thành những bị cáo về tội “hoạt động lật đổ chính quyền”.

Với thực trạng này, ông Hà Sĩ Phu đã phải bức xúc cùng cực thành lời:

  • “Hàng loạt thông tin về công an đánh chết người vô tội, đánh đập dân oan, công an đánh bắt sinh viên đòi chủ quyền lãnh thổ tổ quốc, công an đứng về phía chủ công ty, chủ kinh doanh để chống lại công nhân đòi quyền, chống lại nông dân đòi đất, trên biển thì lính Trung quốc bắn giết ngư dân ta, trên đất liền thì công an ta có đánh chết người dân vô cớ cũng không bị trừng trị thích đáng, công an bao che cho kẻ có chức quyền và tiền bạc trong nhiều vụ án nghiêm trọng, ‘nhiều đứa đảng viên phải gọi là thằng’… Người chủ trì một trang Web chỉ để góp ý, phản biện, để xây dựng và bảo vệ đất nước là Gs Nguyễn Huệ Chi lại thành đối tượng phải làm việc với công an để bị ép phải ngưng trang web? Tại sao một khẩu hiệu đáng phải trân trọng ‘Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam’ lại phải viết tắt, phải tranh thủ viết ban đêm vì sợ công an, tại sao một cháu gái muốn thức tỉnh tinh thần bảo vệ đất nước bằng cách chỉ biểu tình ngồi trong nhà một mình mà vẫn bị tù tội?…”.

Về mặt trí tuệ, kẻ thù của Hà Nội hiện giờ chính là những trí thức tâm huyết với tương lai của đất nước và dân tộc, không phân biệt ở trong hay ngoài đảng, không phân biệt tại chức hay phục viên, đã mạnh dạn phân tích/phản biện/kiến nghị… về các mặt lợi/hại của mọi chính sách/đường lối/dự án của đảng và nhà nước.

Về mặt truyền thông, kẻ thù của dàn lãnh đạo chủ trương bịt mồm/bưng bít/ngu dân chính là giới bloggers, bao gồm cả những người có thẻ nhà báo, đang khai dụng phương tiện internet để vượt phá mọi rào cản của Ban tuyên giáo TW hay Bộ 4T thông qua hoạt động tấn công lén lút của hệ thống công an mạng, hầu cung cấp sự thật cho người đọc, phần nào quân bình hóa đặc tính lọc lựa và lọc lừa của dàn báo đài chính quy của đảng.

Về mặt chính trị, kẻ thù của Bộ chính trị và TW đảng CSVN, từ 1930 đến nay và nhất thiết cần phải triệt hạ bằng mọi giá, chính là các đảng phái chính trị khác. Trước kia là Việt Quốc, Việt Cách, Đại Việt… Gần đây là Dân Chủ, Vì Dân, Thăng Tiến… và đặc biệt là Việt Tân, một đảng phái chủ trương đấu tranh ôn hòa bất bạo động để canh tân con người và đất nước VN, đã được CSVN thường xuyên ưu ái dán cho cái nhãn mác khủng bố cực hài.

Nghĩa là nhìn chung, thông qua các mặt xã hội, trí tuệ, thông tin và chính trị vừa nêu, toàn dân ta bỗng chốc trở thành thế lực thù địch của Hà Nội.


Trận Thế Toàn Dân

Nhân dân Việt Nam không tự vẽ ra cái lằn ranh đối nghịch vừa kể. Chính Hà Nội, với dàn lãnh đạo thiếu trí/thừa tham từng hình thành/ nuôi dưỡng/bảo kê một guồng máy tham nhũng, cộng thêm hệ thống công an tim đen/máu lạnh chỉ biết còn đảng còn mình nói trên, đã đẩy toàn dân VN ra khỏi tầm đối thoại để phải đứng vào thế đối đầu, với những đặc tính rất đáng quan tâm:

Càng ngày càng đông – với nhiều thành phần; nhiều tôn giáo; nhiều lớp tuổi; nhiều vị trí trong xã hội… Ngay cả đại khối thầm lặng thời trước, nay cũng đã mạnh dạn chọn thái độ. Thực tiễn thời sự gần đây, với mức độ phản biện/phản đối của dân gia tăng từ thời của những người viết sử Lê thị Công Nhân qua Lê Công Định tới Phạm Minh Hoàng… cả chữ viết trên màn hình internet cho tới nắm tay trên đường phố, đã chỉ rõ ra điều đó. Đặc biệt là sự có mặt đều khắp của phái nữ, nhiều nơi nhiều lúc là chủ lực của các cuộc đấu tranh đòi công lý và quyền làm người.

Càng ngày càng chặt – với nhiều đảng phái/tôn giáo cộng tác, hoạt động liên hoàn có phối hợp nhịp nhàng, có thông tin chính xác, có bài bản lớp lang, có mục tiêu rõ ràng, có chiến thắng gọn nhẹ được nâng cấp khắp nơi… Quan trọng nhất là có lòng dân, khi mà các bất đồng đã bị Hà Nội bất chấp để biến thành bất mãn, và chút tin cậy vào đảng còn sót lại cũng đã theo đó bốc hơi thành thái độ khinh bỉ/tẩy chay. Ở chiều ngược lại, quần chúng có chung một điểm động viên là lòng khao khát thấy những thay đổi tích cực hơn cho mọi người, cộng thêm hoài bão được đóng góp trí tuệ và công sức vào việc xây dựng (chưa nói cho đất nước hay dân tộc, mà là) cho chính mình và con cháu mình một tương lai tươi sáng, công bằng và đỡ nhục hơn hiện giờ. Thực tiễn nhồi sóng từ Thái Hà, Tam Tòa… cho tới Bắc Giang, Nghệ An… đã minh chứng điều đó.

Càng ngày càng lớn mạnh – với tinh thần vô úy vượt qua nỗi sợ cá nhân bởi đã hoạt động có tính tập thể; với sinh hoạt dân chủ đa nguyên ngay từ việc hoạch định công tác đấu tranh; với tiềm năng xây dựng sinh hoạt xã hội dân sự sánh đôi cùng công tác đấu tranh; với khả năng vận động sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt hải ngoại và áp lực của dư luận/doanh nghiệp/chính giới quốc tế; với kỹ thuật đấu tranh bất bạo động rút tỉa/chọn lọc/tập hợp kinh nghiệm thành công nhiều nơi, nhiều thời, của các cuộc cách mạng tháo gỡ độc tài trên toàn thế giới… Thực tiễn đối phó ngày càng khó xử/lúng túng/bị động/hoảng loạn của lãnh đạo CSVN (ngay cả lúc lặng im co rút, ngay cả lúc lén lút phản công, hay kể cả lúc hùng hổ vung tay bạo lực), đều đã hiển thị rõ ra điều đó.

Càng ngày càng phấn khởi – với mức độ sự thật được phủ sóng; với tình trạng rỗng dần của những trụ cột chống đỡ cho chế độ như chứng loãng xương; với nhịp độ dân kiện nhà nước nhặt dần; với tình trạng cá đối bằng đầu ở thượng tầng và tép riu chết thay ở cơ sở; với báo động thường xuyên về tình hình diễn biến từ bên trong; quan trọng nhất là ngày càng nhiều những Trung tá Vũ Minh Trí, những TS Đỗ Xuân Thọ… gióng tiếng cho lẽ phải và sự thật ngay từ thời tại chức. Thực tiễn nội dung cốt lõi các báo Nhân Dân, với loạt bài dài tập về nguyên nhân sụp đổ của Liên Xô, hoặc tiết mục trường kỳ chống diễn biến hòa bình trên tờ QĐND… đã hùa nhau tiết lộ điều đó.

Tóm lại, tình hình là chưa bao giờ lãnh đạo đảng CSVN bị đặt trước những thách thức trực diện và vây bủa trùng lớp như hôm nay. Nhỏ là những thách thức tranh luận về lòng yêu nước và các tội danh 79 & 88. Nhỡ là các thách thức minh bạch hóa thu chi ngân sách quốc gia và tài sản của lãnh đạo. Lớn là các thách thức thực hiện các diễn đàn đối thoại và một cuộc trưng cầu dân ý về thể chế chính trị tối ưu cho đất nước.

Có dám không?

Hay phải đợi nghiên cứu bức ảnh cánh cổng tỉnh ủy Bắc Giang mà mường tượng ra những điều kế tiếp?

18-9-2010 – Sau khi đọc bài Ai – Đảng Nào? của Mẹ Nấm.