Mùa Đất Khóc (6)

Mùa Đất Khóc (6)

Đăng bởi vudongha on Tháng Hai 15, 2010


Tự do bị cướp mất sẽ có ngày lấy lại, Nhân quyền bị giết chết sẽ có lúc hồi sinh. Dân chủ bị bóp nghẹt sẽ có lúc phục hồi. Nhân bản bị chà đạp cũng sẽ một ngày đứng thẳng.Trí tuệ bị thui chột cũng có ngày nở hoa. Tất cả nằm trong tầm tay và ý chí tranh đấu của đại khối dân tộc đối với thiểu số độc tài cùng dòng máu.

Nhưng mất đi một phần lãnh thổ cho ngoại bang thì biết bao giờ mới lấy lại ?

Nếu 100 năm sau, khi nhìn vào bản đồ đất nước, thấy Ải Nam Quan, Trường Sa, Hoàng Sa không còn thuộc về lãnh thổ của mình, những thế hệ mai sau sẽ không chỉ nguyền rủa tập đoàn thống trị hiện tại mà còn nguyền rủa cả thế hệ chúng ta, nếu chúng ta không làm gì cả trước sự mất mát của giang sơn.

*

Muốn lấy lại những gì đã mất thì phải biết những gì đã mất, đang mất và sẽ mất. Đất nước không chỉ mất đi mấy trăm kí lô mét vuông lãnh thổ, mấy nghìn kí lô mét vuông lãnh hải. Đất nước đang đứng trước hiểm họa mất đi độc lập chính trị, tự chủ kinh tế. Dân tộc có nguy cơ mất đi tinh thần phản kháng oai hùng của tiền nhân và sống với niềm tự hào dân tộc hão.

Muốn lấy lại những gì đã mất thì phải lấy lại quyền làm chủ vận mệnh của chính mình và của đất nước cho mọi người dân. Đất sẽ tiếp tục bị xâm lăng, khai thác, tàn phá; biển sẽ tiếp tục bị tranh giành, thao túng, cướp đoạt, nếu nhà Việt Nam vẫn còn bị một thiểu số dành quyền làm chủ, độc tôn quyết định vận mạng tổ quốc, nhưng sẵn sàng dâng hiến gia sản tổ tiên để củng cố địa vị cá nhân và guồng máy thống trị.

*

Vấn nạn của đất nước ngày hôm nay là nguy cơ mỗi con người chỉ lo sợ mất miếng ăn, manh áo, công ăn việc làm hơn là âu lo giang sơn tổ quốc mất đi một vùng biên giới mịt mù, một vùng biển xa xăm. Điều bất hạnh cho một dân tộc sẽ xảy đến nếu tầm nhìn của đại khối chỉ là sự hài lòng với những nhỏ nhoi riêng tư có được mà không biết rằng cuộc đời mình đã bị tước đoạt muôn vàn thứ và coi những mất mát chung không phải là mất mát của riêng mình; không nhận thức rằng sự mất mát chung của dân tộc sẽ tiếp tục dẫn đến mất mát cho từng cá nhân, từng gia đình.

Đất nước ngày nay giống như hình ảnh của sa mạc khô cằn thiếu vắng sự sống. Ở đó, hằng nhiều thế kỷ trôi, đã bao nhiêu người chết khô chết khát. Ở đó, trong tuyệt vọng giữa biên giới tử sinh, đã bao nhiêu người mong đợi một cơn mưa rào. Ở đó, đã có bao nhiêu người không bao giờ nghĩ họ có thể nhìn lại được những ngọn chồi xanh đâm mầm nẩy lộc. Ở đó, họ đã không bao giờ biết được ẩn dấu dưới đó là một gia tài nguyên liệu giàu có, nuôi sống cả một dân tộc, con cháu họ trong tương lai. Đất nước mình cũng thế. Dưới những khô cằn sỏi đá vẫn còn đó một gia tài hơn 4000 năm. Luân lưu ẩn náu trong từng giòng máu, từng hơi thở của mỗi con người là hạt mầm Đại Việt. Những hạt mầm đang ở giữa biên giới tử sinh. Chỉ cần một cơn mưa là bừng sống dậy.

***

Bao năm qua, đã bao nhiêu lần ta đối diện với nỗi niềm cô đơn trên con đường này ? 10 năm. 20 năm. 30 năm. Một đời người. Oan khiên nào đã trói chúng ta vào định mệnh của đất nước? Mùi rơm, hương đất, cơn mưa? Điều gì đã níu chặt ta lạ lùng dai dẳng? Một đời người. Một thế kỷ. Một lịch sử hơn bốn nghìn năm. Tại sao chúng ta vẫn miệt mài đi tiếp con đường này ?

Em vẫn không sợ sự ghẻ lạnh cô đơn
Bởi mình khởi đi từ những ngày cô đơn nhất
Bởi giữa hung tàn trong lòng đất nước

Vẫn có người đứng thẳng rất cô đơn *

Câu trả lời nằm ở đó. Dưới bầu trời hung hãn, trong trấn áp bủa vây, trước đe dọa ngục tù: vẫn có những người đứng thẳng rất cô đơn. Thì tại sao không? ở mỗi chúng ta?

Câu trả lời nằm ở: những hạt mưa đã rơi trên đất vỡ. Tiếp nối những hạt mưa trước. Mở mùa cho những hạt sau. Hạt mưa Lê Thị Công Nhân. Phạm Thanh Nghiên. Trần Khải Thanh Thủy. Hạt mưa Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung… Những anh thư, anh hùng của thế kỷ 21, bằng gian nan và lao tù, đã đem mưa ngàn tưới mát những hạt mầm đang khô rốc trong nắng hạn.

Câu trả lời nằm ở: con đường hôm nay không phải chỉ cho cuộc đời hiện tại mà cho thế hệ mai sau. Thế hệ chúng ta có thể cúi đầu yên ngủ với thân phận số không của mình. Nhưng sao đành để thế hệ mai sau tiếp tục cuộc hành trình của mây tan biến vào hư không ?

Các bạn đã đứng lên. Để đem mây ngàn trở về sông núi cũ. Đem ý chí xây dựng lại núi hùng sông tráng. Đem khát vọng xua đi bóng mây đen trên vòm trời tổ quốc đến cho nhiều người. Các bạn đang ươm mầm để một ngày cây xanh đổ bóng mát hiền cho thế hệ đàn em. Bây giờ, với các bạn, là những đêm nhìn mây trắng bay từ góc tối nhà tù. Mai sau sẽ là những ngày nhìn trời xanh trong biếc với những cơn mưa rào tưới mát cỏ xanh.

Chúng ta vẫn luôn có một bầu trời thật nhiều mây
Và ngọn đồi sau nhà không còn quanh năm cỏ cháy
Trái hạnh phúc khi dễ dàng hái lấy
Con sẽ không hái cho riêng con mà cho cả cuộc đời *

Xin gởi đến

— những cánh chim chọn đường gió bão,
— những người đứng thẳng rất cô đơn trong bóng tối ngục tù,
— những con người không hái trái ngọt cho riêng mình mà cho cả cuộc đời

niềm tin và lời cảm ơn chân thành.


(*) Thơ Hương Giang

http://vudongha.wordpress.com/2010/02/15/mua-d%E1%BA%A5t-khoc-6/

Hà Sĩ Phu - CÂU ĐỐI GÓP VUI NGÀY TẾT

CÂU ĐỐI GÓP VUI NGÀY TẾT
Hà Sĩ Phu
Thịt mỡ dưa hành thì chưa tết nào thiếu, chỉ phần “Câu đối đỏ” thì năm nay mới lại thấy dồi dào, cũng một phần nhờ công của “Trần Nhương chấm com” ! Hoan nghênh những câu đối vui, chữ nghĩa lắt léo, như một thú chơi ngày Tết. Nhưng những lúc vui người Việt mình thường thắp nén nhang nghĩ đến tổ tiên, nghĩ đến gia tổ, quốc tổ để mà tạ ơn, để chia sẻ nỗi buồn vui ấm lạnh. Bởi thế, nếu câu đối không có chút lòng ưu thời mẫn thế, không màng tới giang sơn, thế sự, chỉ phong hoa tuyết nguyệt tào lao, làm anh thợ chữ , thì thiển nghĩ mình chẳng xấu hổ với tiền nhân lắm sao?
Trong cuộc vui đã thấy xuất hiện nhiều “đối sĩ” đáng nể . Được biết có một bạn trẻ là Giáp Văn Dương, từ Anh quốc có câu thách đối đơn giản mà hay. Thách đối rằng:
ĐÔNG Hải phong ba, SỬU qua DẦN tới,
quyết lập thế quần NGƯU đả HỔ !.
Một chàng trai đang độ thanh xuân, làm khoa học tự nhiên mà có thú làm câu đối, có vị chữ Nho, có trò chơi chữ, lại đề cập đến vấn đề bảo vệ đất nước đang rất “nhạy cảm” , lại kêu gọi đoàn kết chống ngoại xâm, giữ gìn biển đảo, giữa lúc lòng người đang rất ly tán, thì lứa già chúng tôi chẳng đáng xem đó mà học hay sao?.
Một công dân nước NAM, sống dưới trời TÂY, nghĩ đến biển ĐÔNG của nước nhà mà không khỏi đề phòng phía BẮC. Đủ cả 4 phương và kim cổ trong câu Mời đối.
Cảm được tâm tình người xuất đối, tôi xin có 3 vế đối lại lời mời cho đủ mùi NAM BẮC ĐÔNG TÂY.
Vế xuất của Giáp Văn Dương:
- ĐÔNG Hải phong ba, SỬU qua DẦN tới,
quyết lập thế quần NGƯU đả HỔ !.
3 vế đối của Hà Sĩ Phu:
- TÂY Nguyên hùng vỹ, GỖ quý RỪNG thiêng,
chớ quên lời hợp MỘC thành LÂM !
(Ghép hai chữ MỘC thành chữ LÂM)
- NAM Bang tỉnh ngộ: DẦN khôn SỬU khổ,
đừng sa vòng lưỡng HỔ phân NGƯU!
- BẮC Phương biển lận, TA lui, NGƯỜI lấn,
phải ngăn trò ích KỶ hại NHÂN!
Xin được lấy câu chuyện nhỏ về câu đối này để góp vui ngày Tết con Hổ.

Cung chúc tân xuân
HSP ( ngày 30 tết Canh Dần)

* Nguồn bài viết: http://trannhuong.com/news_detail/3842/C%C3%82U-%C4%90%E1%BB%90I-G%C3%93P-VUI-NG%C3%80Y-T%E1%BA%BET
* Tranh Xuân của Vũ Thái Hòa, sao trích từ blog Trang The Ridiculous

Hà Văn Thịnh – Bàn về kiểm duyệt thông tin

13/02/2010

Bàn về kiểm duyệt thông tin

Hà Văn Thịnh – Đại học Khoa học Huế


“Không ai có thể “hốt” NGÀY MAI của dân tộc Việt Nam”, câu nói đó của bạn Hà Văn Thịnh trong bài viết dưới đây là một lời khẳng định tuyệt đối đúng không chỉ với trang mạng Bauxite Việt Nam, trước hết là tuyệt đối đúng với tương lai vững chắc của dân tộc chúng ta – một dân tộc đã từng được thử lửa trong chiều dài hàng nghìn năm chống đô hộ phương Bắc mà La Thành, trong bài viết Bauxite phép thử của tinh thần quốc gia Việt đăng trên trang mạng Talawas ngày 7-5-2009 và đăng lại trên BVN ít ngày sau đó, đã đề cập tới.

Nhân bạn Hà Văn Thịnh nêu tấm gương dùng internet bày tỏ quan điểm yêu nước của hai vị tướng Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh, người viết mấy lời này cũng xin được nói lời cám ơn chân tình đến hai ông, là hai trong không ít bậc lão thành cách mạng cũng như đông đảo bạn bè khắp bốn phương đã liên tục thăm hỏi với tấm lòng âu lo cho tôi trong suốt những ngày tôi bận rộn ở cơ quan an ninh từ 13-1-2010 đến 3-2-2010. Đặc biệt, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, ông Kim Sơn và ông Nguyễn Văn Bé đã gọi điện hoặc đến gặp trực tiếp, căn dặn tôi hãy giữ vững khí tiết đến giọt máu cuối cùng để giữ vững một trang mạng vốn đã đi vào lòng dân vì nói lên tiếng nói xây dựng một đất nước phát triển bền vững và đúng hướng, trong đó nhân dân được hưởng niềm hạnh phúc của lý tưởng dân chủ và công bằng.



Hôm nay, tôi đã trở lại cuộc sống đời thường vẫn với tấm lòng trinh bạch và phẩm chất vẹn nguyên của một công dân yêu nước, xin qua đây gửi đến bạn bè cùng độc giả yêu quý lời tri ân sâu sắc, sau nữa là lời chúc mừng một năm con hổ dồi dào sức hổ - cho dù số phận Bauxite Việt Nam ra sao thì giữa giờ phút giao thoa năm cũ năm mới thiêng liêng này vẫn chưa thể nói với quý bạn lời thông báo cuối cùng.


Nguyễn Huệ Chi


Ban biên tập Bauxite Việt Nam vừa đưa ra một đề tài thật hay: Bàn về sự kiểm duyệt – hay còn gọi là, “nền văn hóa đà điểu rúc đầu vào trong cát”, nhân việc Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh dùng internet để bày tỏ quan điểm. Tự nhiên, nhớ đến những bài học lịch sử rồi suy ra rằng chuyện bịt miệng dân là điều không thể; trừ phi…, những kẻ ngu dốt đến cùng cực mới không hiểu điều đó.

Một người bạn (tạm coi là bạn) có chức vụ khá cao khuyên tôi rằng đừng viết cho Bauxite Việt Nam nữa vì “sắp hốt rồi”. Tôi ngỡ ngàng. Chí ít, những điều tôi viết hay những điều mà người Bauxite đã và đang, sẽ nói đều là vì sự tiến bộ của đất nước, vì sự mạnh giàu của dân tộc, vì sự tươi sáng của ngày mai. Vậy, tại sao lại “hốt”? Không ai có thể “hốt” Ngày Mai của dân tộc Việt Nam! Cho dẫu cách trình bày của tôi hay của những người khác có điều gì đó không thỏa đáng lắm về mặt ngôn từ thì về cơ bản, cái mục đích tốt là rõ ràng. Đất Nước như là mối tình đầu tiên và duy nhất của một con người. Đó là “mối tình” đích thực không thể sẻ chia. Càng nhiều sai lầm do “đất nước gây ra” (thực chất là do những người nắm quyền điều hành) thì nỗi đau càng nhiều. Ai chẳng biết bởi yêu nhiều nên đau đớn cũng nhiều! Ngòi bút của những nỗi đau từ trái tim và sự “ích kỷ” không cùng ấy, ai có thể kiểm duyệt? Tức nước vỡ bờ là nguyên tắc của mọi thời đại. Sự ngu xuẩn có thể lộng hành, bịt miệng sự thật trong chốc lát của thời gian nhưng cuối cùng cũng không thể đảo ngược được. Đó là chân lý vĩnh hằng.

Socrates (triết gia Hy Lạp, 469-399 tr. CN) cho rằng “Sự thật còn quan trọng hơn cả sự sống”. Chính vì quan niệm như thế mà ông đã bị buộc phải uống thuốc độc bởi lý do nói đúng, nói nhiều về cái đúng (!). Trước khi chết, Socrates đã nói với học trò rằng hãy mua một con gà trống to và béo để biếu và cảm ơn người đã chế thuốc độc vì đã tạo ra thứ thuốc khiến ông chết mà không đau đớn gì nhiều lắm. Thì ra, vì sự thật, con người có thể cảm ơn cả cái chết, nếu đó là điều cần thiết.

Hán Vũ Đế (trị vì từ 141-87 tr.CN) là một vị vua được ca ngợi nhiều trong sử sách nhưng lại rất sợ những điều nói thật. Một trong các nỗi sợ ấy được hiện thực hóa bằng cách ra lệnh thiến Tư Mã Thiên (145-90 tr.CN) bởi vì Tư Mã đã nói đúng rằng Lý Lăng không có tội trong chuyện bại trận trước Hung Nô. Thế nhưng, Hán Vũ Đế cho rằng nói như thế là ngầm chê bai Lý Quảng Lợi (anh vợ của Hán Vũ Đế). Xem ra, chê bai vua hoặc người nhà của vua dốt nát, nhút nhát là điều không thể chấp nhận trong bất kỳ thời đại nào của toàn bộ lịch sử phương Đông.

Một trong những điều “siêu giỏi” của Adolf Hitler là đã thành lập “Ban Văn hóa Tư tưởng” trực thuộc Bộ Tuyên truyền của chế độ NAZI (Nationalsozialismus = National Socialism = Chủ nghĩa xã hội quốc gia). Đó là cái ban kiểm soát tư tưởng, ý kiến đầu tiên được thành lập trong toàn bộ tiến trình lịch sử của loài người. Cái ban đó đứng trên luật pháp và bất chấp luật pháp. Lý do giản dị lắm: Ban đó nói sai tức là sai, nói đúng, hiển nhiên là đúng. Còn vì sao đúng hay sai thì không cần bàn. Nếu có bàn thì tất nhiên là sai. Khỏi phải nói sự nghiệt ngã khủng khiếp mà Hitler đã đem đến cho người Đức nói riêng, cả châu Âu nói chung. Tất cả mọi sự phản biện đều phải câm lặng. Dĩ nhiên, điều ngu xuẩn mà Hitler muốn cưỡng đoạt lịch sử không thể kéo dài. Đế chế được coi là hùng mạnh đó phải sụp đổ. Lý do càng giản dị hơn nữa: Không thể bịt miệng được sự thật. Sự dối trá – được uyển ngữ hóa bằng cụm từ “tuyên truyền” trở thành con dao hai lưỡi – đã là đúng và tốt đẹp thì không cần tuyên truyền. Hữu xạ tự nhiên hương là điều người xưa nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo) của ta hoàn toàn khác với Ban Văn hóa Tư tưởng của Hitler. Đó là điều chắc chắn. Chắc chắn hơn nữa là mới đây, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Hưởng khẳng định rằng từ trước tới nay chưa có ai bị nhà nước bắt vì bất đồng chính kiến (Vietnamnet, 10.2.2010). Càng tin tưởng thêm khi Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên (vị anh hùng của đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại) và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh (nguyên Chính ủy Quân khu IV miền Bắc trước 1975 và là cựu Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh giai đoạn 1974 -1989) cho rằng bày tỏ ý kiến khác chiều là điều cần thiết.

Một đất nước có “độc lập, tự do, hạnh phúc” cho phép người dân tin tưởng tuyệt đối rằng mình có thể tự do (có quyền) nói ra những điều mình nghĩ và, nếu sai, Nhà nước sẽ góp ý, bổ sung là chuyện bình thường. Chính vì lẽ đó, chúng ta có quyền tin tưởng rằng sự kiểm duyệt ghê gớm nào đó chỉ là sự hù dọa của “một số”, “một bộ phận” cá nhân mà thôi. Một số đó chỉ là con sâu làm rầu nồi canh vì bản chất của chế độ ta hiện nay là của dân, do dân, vì dân (câu nói nguyên văn của Abraham Lincohn tháng 9.1863: of the people, by the people, for the people).

Huế, 29 Tết, 12.2.2010
HVT

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Kiểm Duyệt - Vì Sao?


Lời BBT BauxiteVN ngày 11-02-2010


Hôm nay BVN gửi bạn một bài viết ký tên hai tác giả đáng nể, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh.

Về nội dung bài viết này, thật khỏi cần phải góp ý! Chính vì thế mà đọc xong, xin các bạn hãy cùng chia sẻ với BBT một ý nghĩ yêu đời sau: giả sử như, dưới danh nghĩa "thận trọng" "tránh sơ suất", "tránh bị lợi dụng", có ai đó núp dưới danh nghĩa "biên tập" để định kiểm duyệt bài viết của hai nhân cách lớn như Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh, bạn sẽ nghĩ sao? Bạn có thấy tức cười không?

Trong một xã hội dân chủ, không tồn tại chế độ kiểm duyệt các ấn phẩm. Ai ai cũng "thống nhất ý kiến" về điều đó. Chỉ chưa thống nhất cái ý nghĩa "vì sao?" của vấn đề. Thật vậy, vì sao trong một xã hội dân chủ, lại không nên và không thể tồn tại chế độ kiểm duyệt?

Đầu tiên, rất dễ nhận ra, đó là xã hội đã có sự thay đổi về mặt bằng văn hóa và giáo dục. Trước khi có nền dân chủ, loài người có nền chuyên chính của quý tộc. Sự chênh lệch về văn hóa và giáo dục giữa quý tộc và bình dân là một trời một vực, một bên có học và một bên thất học. Sự nghiệp công nghiệp hóa chuẩn bị cho loài người rũ bỏ chế độ quý tộc trị để chuyển sang nền dân trị. Cũng nền công nghiệp hóa đó trong nhiều thế kỷ đã nâng cao dần mặt bằng dân trí của con người. Từ đó, đời sống dân chủ hóa (trong đó có sự xóa bỏ chế độ kiểm duyệt) là sự phát triển hết sức tự nhiên của xã hội con người.

Nhưng khi đã qua thể chế dân chủ rồi, vẫn còn có những thế lực muốn duy trì mãi mãi sự ngu dân trong một nền dân trị. Bọn này chỉ bao gồm trong hai hạng người: một là lớp cùng dân lưu manh nắm chính quyền, và hai là bọn trí thức nửa mùa chia sẻ chính quyền với bọn cùng dân đó. Vì nhiều lý do, để tạo sự "ổn định" cho bọn chúng, hai tầng lớp này phải một cốt một đồng duy trì chế độ kiểm duyệt tư tưởng bằng mọi nhẽ. Sự kiểm duyệt báo chí và các sản phẩm của tự do biểu đạt là dễ hiểu!

Bọn người độc ác này chỉ nhầm có một điều: loài người đang bước vào thời đại của thông tin mạng, một công cụ bù đắp cho mọi tước đoạt quyền dân chủ. Ta hãy nghĩ coi, vì lý do nào mà hai vị tướng Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh đều dùng internet để biểu đạt ý tưởng của mình? Và giả sử như ý tưởng của hai vị bị cắt xén phục vụ cho một ý đồ nào đó, thì hai vị có chịu bó tay không, hay là ngay tức khắc hai vị lại có ngay diễn đàn khác thay thế?

Thời đại mới đấy! Kết luận thật hiển nhiên: hãy sống cho đúng với nhịp bước của Thời đại. Vào cái lúc mà các em bé ba bốn tuổi cũng dùng được máy tính cá nhân nhoay nhoáy, mọi chú đà điểu rúc đầu vào cát đều tỏ ra kém khôn ngoan.

Hãy noi theo các em bé bằng cách chạy đua với các em bé! Nếu để tuột mất các em bé ba bốn tuổi kia, chúng sẽ "tự diễn biến" cho mà coi! Khi đó, rút được đầu từ cát bỏng ra và điên cuồng ngắm bắn loạn xạ, e rằng đã hơi bị muộn!

Lý trí muôn năm!

Bauxite Việt Nam

Trịnh Khả Nguyên – Hai bài thơ


Hai bài thơ


. Trịnh Khả Nguyên


Tôi yêu


Tôi yêu đất nước Việt Nam

Từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau,

Từ núi rừng Tây Nguyên đến vùng hải đảo.

Tôi kính trọng tiền nhân bao đời

đã mở mang và giữ gìn Tổ quốc.

Tôi yêu hết thảy mọi người dân nước Việt

từ miền xuôi lên miền ngược.

Tôi biết chắc rằng:

Lịch sử dân tộc nầy cũng như bao dân khác,

Hết triều nầy đến nhà nọ nối nhau,

Dù anh hùng, danh nhân, kẻ trước người sau,

Đều từ dân ra, là Con của Dân Việt.

Cho nên:

Chẳng có một “triều” nào ở trên dân tộc,

Chẳng có một “nhà” nào ban ơn cho dân tộc của tôi.

Tôi yêu đất nước tôi, có sông dài biển rộng,

Tôi kính dân tộc nầy, có lịch sử vẻ vang.

Nhưng càng yêu hơn,

Vì dân tôi đã trải qua bao nỗi gian nan,

Đời cha hy sinh cho Độc Lập – Tự do

Mà đời con vẫn còn… mơ ước



Có thể – Không thể


Ở đây bạn có thể Ăn:

ăn sướng, ăn gian, ăn tham, ăn nhậu, ăn chơi đú đởn…

Ở đây bạn có thể Chơi:

chơi bời, chơi ngông, chơi mát trời Đà Lạt…

Ở đây bạn có thể Làm:

làm giàu, làm đĩ, làm ngơ như đui như điếc…

Cứ ăn, cứ uống, cứ chơi, cứ làm tình,

cứ đi tiểu, đi cầu tự nhiên,

nhưng cứ cúi đầu và cứ lặng thinh

như con gì người ta nuôi

để ăn thịt, để kéo xe, để làm cảnh.

Bạn không thể như thế nầy thế khác.


© 2010 Trịnh Khả Nguyên

© 2010 talawas

http://www.talawas.org/?p=16069

Nguyễn Hoàng Văn – “Sống chung”, như một lời nguyền

“Sống chung”,

như một lời nguyền


. Nguyễn Hoàng Văn


Cơ hồ hai chữ “sống chung” không còn là nó nữa, như một động từ bình thường. Nó đã vượt qua chính nó rất nhiều để trở thành một nhân sinh quan, một văn hoá rồi bám riết chúng ta, ám ảnh chúng ta như một lời nguyền.

Chỉ cần đánh hai chữ ấy lên trang mạng Google rồi thêm vào chữ “với” chúng ta sẽ tìm thấy cả ngàn bài báo bắt đầu như thế để mở đầu cho những câu chuyện hay hiện thực ngang trái và bẽ bàng, cay đắng và bi phẫn hay, theo cách nói thời thượng nhất, là “đầy bức xúc”. Môi trường bị ô nhiễm trầm trọng, kêu gào mãi mà vẫn thế, thôi thì “sống chung với ô nhiễm”. Ra đường có bộ mặt rình mồi của viên cảnh sát giao thông, dắt con đến trường xin nhập học có đôi mắt cú vọ của những nhà giáo dục, đến các trụ sở nhà nước làm ăn mày thì có bộ mặt câng câng cửa quyền của các loại cán bộ hay thư lại, mỗi nơi mỗi kiểu nhưng kiểu nào cũng vậy, tất cả đều lăm lăm với một “cứu cánh” duy nhất là vòi tiền, vạch mặt mãi mà vẫn thế thì thôi đành vậy, xem như định mệnh đã an bài: “sống chung với tiêu cực”.[1] Cứ thế, bên cạnh những “khói / bụi / rác / tiếng ồn / ung thư / lũ chồng / thủy điện / dự án treo / quan liêu / tiêu cực / tham nhũng” của hầu như toàn xã hội khá là tuyệt vọng, khung cảnh còn khởi sắc thêm với “sống chung với tin đồn” khá là nhảm nhí của các kiều nữ với đôi chân rõ dài cặp ngực rõ bự và những phát ngôn xanh rờn như cố chứng tỏ rằng bộ óc đi kèm cũng rõ dài và rõ bự tương ứng, khá là ồn ào và nhảm nhí.

Và bây giờ, sau thứ “sống chung với tin đồn” ồn ào nhảm nhí chúng ta còn có thêm “sống chung với kiểm duyệt”, có phần ồn ào nhưng không nhảm nhí chút nào. [2]

Khi thái độ “sống chung với” đầy cam chịu đã thẩm thấu vào mọi ngóc ngách và cấp độ của đời sống vật chất hay tinh thần như thế thì nó không còn đơn giản và… hồn nhiên như một quyết định riêng lẻ nữa. Với một quyết định riêng lẻ thì đó là một thái độ sống riêng, một chọn lựa riêng, trong một hoàn cảnh riêng. Khi mà thái độ ấy lặp đi lặp lại ở hầu như mọi lĩnh vực thì nó đã là một nhân sinh quan. Khi mà nhân sinh quan ấy được cả cộng đồng đồng lòng chia sẻ thì nó đã là một… văn hoá.

Kể ra thì chuyện “sống chung với kiểm duyệt” mới gây ồn ào cũng chẳng mới mẻ gì. Trừ những ngoại lệ chói chang như Nhân Văn – Giai Phẩm thì cái sự “sống chung” này khởi sự đã lâu, đã có hơn nửa thế kỷ, đã giày vò hành hạ bao nhiêu thế hệ và đã – một cách nhỏ giọt, rỉ ra rỉ rích – kể đi kể lại nhiều lần. [3] Sự ồn ào mới đây có rộ lên thì, có lẽ, cũng chỉ rộ lên từ hiện tượng truyền nhiễm ngược khi nhân sinh quan “đành vậy” của những cây bút bất đắc chí bên trong hệ thống kiểm duyệt lây lan sang những cây bút tự nguyện từ bên ngoài hệ thống. Cũng chính vì sự ồn ào về hiện tượng truyền nhiễm ngược này mà, có lẽ, lần đầu tiên, nhân sinh quan cam chịu này mới được biện giải thành lời, như là một thứ tuyên ngôn:

Vậy mà khi sách ra, vẫn có những sửa đổi, cắt bỏ sau thỏa thuận cuối cùng, thậm chí loại cả bài (trường hợp Lý Đợi). Đó thật là điều đáng tiếc. Có thể có nhiều lí do, nhưng suy cho cùng, nguyên nhân sâu xa vẫn là sự ngự trị của chế độ kiểm duyệt ngặt nghèo, áp lực của nó luôn đè nặng lên tất cả những người làm công tác biên tập. Đó là một thực tế, thực tế ở một nước mà tất cả các nhà xuất bản đều là của Nhà nước, thuộc quyền quản lí của Nhà nước, cái thực tế ấy ta phải tạm chấp nhận sống chung với nó như người dân ở một số vùng cao phải sống chung với lũ vậy. [4]

Hẳn nhiên, người dân vùng cao phải sống chung với “lũ” bởi “lũ” là phần số, là định mệnh của họ. Họ cất tiếng khóc chào đời ở đó, xương cốt tổ tiên của họ chôn vùi ở đó, cái nhau đã nuôi dưỡng họ ngày còn là bào thai trong bụng mẹ đã hoà nhập vào mạch đất đó: còn gắn bó với mạch đất đó thì họ còn phải chấp nhận sống chung với lũ. Như thế, nếu phải “sống chung với kiểm duyệt” như là phải “sống chung với lũ” thì tác giả, nhà thơ kiêm dịch giả Dương Tường, đã xem thứ mà ông phải “sống chung với” này như là một phần số, một định mệnh không thể nào thoát nổi. Khi phần số ấy giày vò người cầm bút từ năm này sang năm khác, giày vò suốt cả cuộc đời, không tài nào trút bỏ, không tài nào thoát nổi thì cũng có nghĩa là là nó đã đeo bám họ như một thứ lời nguyền. Vấn đề là, trên góc độ rộng lớn của cả một cộng đồng, những “lời nguyền” như thế đã tác động như thế nào đến nếp nghĩ, đến cách ứng xử của con người.

Như thế thì chúng ta phải ngược trở lại với lời nguyền đầu tiên. Cái lời nguyền nguyên thủy đã được nhà thơ kiêm dịch giả nêu ra như một thứ đòn kê, một thân tằm gánh chịu trăm dâu, lời nguyền đã làm nên truyền thuyết Sơn Tinh – Thuỷ Tinh.

Đầu tiên là đám cưới hụt của Thuỷ Tinh. Vì đi trễ, chậm chân hơn nên con gái của vua Hùng thứ 18 về tay thần núi Sơn Tinh, vị thủy thần này đã đùng đùng nổi giận và đều đều dâng nước mỗi năm để trả thù, cái mối thù dữ dội của kẻ đã chấp nhận luật chơi nhưng trơ trẽn đòi làm lại luật chơi ngay sau khi thua cuộc. Như thế thì ông thần nước này là một ông thần xấu tính. Ông thần này xấu vì tổ tiên chúng ta lúc ấy còn ở trên núi, còn nương tựa vào thần núi và hậu quả là kẻ ở trận tuyến bên kia phải không được tốt, phải là một kẻ xấu chơi. Nhưng càng ngày, trong tiến trình phát triển, càng rời bỏ vùng núi chật hẹp để di dân xuống đồng bằng rộng lớn và phải càng cam chịu “sống chung với lũ” nhiều hơn, tổ tiên chúng ta càng phải học cách “chơi” với các loại thuỷ thần nhiều hơn. Cứ thế, cho đến khi thành Cổ Loa dựng lên ở châu thổ sông Hồng, thần rùa Kim Quy đã đường đường thay thế vai trò của thần núi Sơn Tinh bằng cách ra tay giúp đỡ An Dương Vương xây thành và chế tạo vũ khí.

Như thế, chỉ riêng việc “sống chung với lũ” thôi thì ở hai môi trường khác nhau tổ tiên chúng ta đã hình thành nên hai thứ thế giới quan khác nhau. Còn ở trên núi cao, còn tựa vào núi để chống chọi với lũ lụt, thần núi là thứ thần “của ta” trong khi thần nước bị xem là đối thủ. Nhưng khi dời xuống đồng bằng thì những ông thần đến từ sóng nước đã trở thành đồng minh và thậm chí là một thứ đồng minh cơ mật và trọng yếu vào hàng bậc nhất qua hai lần trao vũ khí. Hết nỏ thần cho An Dương Vương thì đến gươm báu cho Lê Lợi và thủy thần đã từ vị trí đối thủ chuyển mình thành một đồng minh thiết yếu trong các cuộc đấu tranh chống lại âm mưu thôn tính của láng giềng phương Bắc.

Mà láng giềng này cũng là một thứ lời nguyền. Nếu lãnh tụ Porfiario Diáz của Mexico một thời từng than thở là “Poor Mexico, so far from God, so close to The United States” thì, cơ hồ, người Việt Nam nào cũng có thể thốt lên một câu tương tự cho tổ quốc của mình. [5] Nếu “Trời” được xem là biểu tượng của công lý tự nhiên trong tín ngưỡng dân gian thì Trời ở đâu đó xa quá, trong khi đó thì gã láng giềng phương Bắc ấy xấu chơi lại ở gần chúng ta quá.

Nghĩa là bên cạnh việc “sống chung với” những “ô nhiễm / tiêu cực / kiểm duyệt” thì chúng ta còn phải “sống chung với phương Bắc”. Và nếu thế hệ hiện tại phải “sống chung với kiểm duyệt” trong từng chữ viết thì, trong cuộc “sống chung” với láng giềng này, họ cũng phải chấp nhận thêm một tầng kiểm duyệt. Hai năm trước, khi những người Việt yêu nước thể hiện cách “sống chung” của mình bằng các vụ biểu tình liên quan đến chủ quyền biển đảo, hệ thống toàn trị chẳng đã “kiểm duyệt” họ một cách thô bạo qua những biện pháp trấn áp thô bạo là gì?

Họ bị trấn áp thô bạo bởi đó không phải là cách “sống chung” mẫu mực mà hệ thống chính trị đó mong muốn.

Tháng Giêng năm 2005, khi tàu vũ trang phương Bắc tàn sát và bắt cóc các ngư dân Việt Nam ngay trên vùng biển Việt Nam, các nhà toàn trị ấy đã “sống chung” bằng cách bịt tai bịt mắt, không nhắc nhở gì đến sự kiện đẫm máu này. Thậm chí, ngay trong thời gian ấy, và ngay tại thủ đô, họ đã thể hiện cách “sống chung” mẫu mực của mình bằng cách “vui mừng” dự tiệc do chính phương Bắc chiêu đãi, “vui mừng” khẳng định tình hữu nghị với phương Bắc ngay trong bữa tiệc. [6] Đầu tháng Chạp năm 2009, những nhà toàn trị ấy lại tiếp tục “sống chung” bằng cách giả đui và giả điếc như thế. Không mảy may đề cập gì đến việc hải quân Trung Quốc cướp tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi đã đành, những cái loa chính thống nhất của hệ thống đã không ngượng miệng nói đến lòng “nhân đạo” của một nhà ngoại giao Trung Quốc, trị giá chưa bằng một phần mười tài sản đã bị cướp. [7]

Như thế có nghĩa là, cho dù có xấu chơi cách mấy đi nữa thì, với hệ thống toàn trị, những láng giềng phương Bắc phải được xem như là những đồng minh dễ chơi và thân thiện. Nếu phải tiếp tục “sống chung với kiểm duyệt” ươn hèn này thì liệu, trong mai hậu, thế giới quan của chúng ta, những nhận thức của chúng ta về đất nước, về dân tộc, về hiện thực, về công lý sẽ bị méo mó như thế nào nữa?

Theo nguyên lý tiến hoá “Survival of the fittest” thì những thế hệ sống sót trong mai hậu phải là thế hệ thích nghi với mấy thứ mà họ phải “sống với” ấy nhất. Mà để thích nghi với kiểu “sống với” ấy thì họ phải biết đui và biết điếc để, từ những hành động tàn bạo với đồng bào của mình, có thể nhìn ra được “tình hữu nghị” hay “lòng nhân đạo” của thủ phạm hay đồng phạm đã gây nên tội ác đó.

Tương tự, nếu phải tiếp tục “sống chung với khói / bụi / mùi thối / tiếng ồn / tiêu cực / tham nhũng” thì, trong mai hậu, nhân cách và thể trạng của thế hệ tương lai cũng phải biến dạng để thích nghi với đời sống ấy nhất. Hẳn nhiên, kẻ thích nghi với bộ máy tham nhũng và quan liêu nhất phải là những kẻ giỏi luồn lọt nhất, nghĩa là dễ dàng bán rẻ nhân phẩm nhất. Và, hẳn nhiên, những kẻ thích nghi với tình trạng ô nhiễm và độc hại nhất phải là những kẻ có đặc điểm thể chất gần gũi với các loài sinh vật quen sống trong môi trưòng xú uế như sâu bọ, giun dế nhất: từ làn da đến lỗ mũi, lỗ tai, buồng phổi, con mắt và quả tim, tất cả phải biến dạng để thích nghi.

Nghĩa là một sự thoái hoá để con người Việt Nam thụt lùi, trở nên gần với giống thú hay, thậm chí, tệ hơn là sâu bọ hay dòi bọ.

Trong bài viết xem như là tuyên ngôn của những cây bút chấp nhận “sống chung với kiểm duyệt”, nhà thơ kiêm dịch giả Dương Tường kêu gọi:

“Bình tĩnh và khách quan nhìn lại, tình hình bây giờ đã khác xa thời chúng tôi. Tin tôi đi, thế hệ chúng tôi đã sống những ngày tăm tối hơn nhiều, quay trái quay phải đều đụng tabou!”

Nhưng đời sống không chỉ có chuyện “kiểm duyệt văn chương” và nỗ lực đăng cho được dăm ba một bài thơ, xuất bản cho được dăm ba tập thơ, tập truyện hay cuốn tiểu thuyết. Chúng ta phải đặt cách ứng xử “sống chung với” trên một bình diện rộng hơn, như là “nhân sinh quan” của một dân tộc đang trên đà thoái hoá. Thứ nhân sinh quan cam chịu cái xấu và cái ác, cho phép cái xấu và cái ác tồn tại, cố gắng cách thích nghi với cái xấu xấu và cái ác để rồi trở thành một phần của nó hay là đồng minh của nó.

Và chúng ta không thể chỉ nhìn lại rồi so sánh chỉ để được… yên tâm. Sự phát triển và sinh tồn của một dân tộc phải được đánh giá trên cái nhìn đồng đại chứ không phải là lịch đại và do đó chúng ta phải nhìn ra ngoài, nhìn sang láng giềng và nghĩ tới tương lai.

Mà, cứ nghĩ đến tương lai thì khó mà giữ được bình tĩnh. Cứ tiếp tục cái nhân sinh quan hay văn hoá “sống chung với” này thì, một ngày nào đó, có lẽ khuôn mặt của chúng ta cũng ngơ ngơ ngác ngác y hệt những nô lệ trong các lò gạch lậu Trung Quốc ngơ ngác trước ánh mặt trời, những người Trung Quốc bị chính đồng bào của mình dí vào kiếp sống tối tăm, tối tăm đến nỗi khi được giải thoát vào tháng Sáu năm 2007 họ đã mang những hình thể hao hao như loài khỉ và, về tâm trí, có kẻ thậm chí không nhớ nổi mình là ai. [8]

Và cũng như họ, rồi thế hệ sống sót trong mai hậu sẽ không nhớ nổi mình là ai, như những nhà toàn trị hôm nay không cần biết mình là ai, không cần biết hiện thực là gì, đơn giản xem kẻ hiếp đáp đồng bào mình là kẻ “lạ” và đơn giản nhìn láng giềng của mình qua khẩu hiệu nhàm tai “hữu nghị 16 chữ vàng”.

Cứ tiếp tục cái triết lý “sống chung” này mãi thì, e là, một ngày nào đó chúng ta sẽ trở thành một thứ sâu ruồi hay dòi bọ của nhân loại…

Sydney 19.12.2009

Nguyễn Hoàng Văn

Nguồn: http://www.talawas.org/?p=16034

----------------------------

Chú thích – Tham khảo

[1] Có lẽ trước mặt chính quyền thì trên 80 triệu người Việt đã trở thành trên 80 triệu kẻ ăn mày. Lý do là trong sinh hoạt đời sống, trong chuyện làm ăn, học hành, đi lại v.v..; bất cứ chuyện gì liên quan đến luật pháp, thủ tục hành chánh thì họ phải làm “Đơn xin…” Buồn cười là những lá đơn mang tính chất “hành khất” này thường kết thúc bằng những câu như “Trong khi chờ đợi sự chấp thuận của qúy vị lãnh đạo (cơ quan), tôi xin bày tỏ nơi đây tấm lòng thành kính và biết ơn sâu xa”. Khi chính quyền bắt dân chúng phải làm “đơn xin” và tự nguyện “biết ơn” như thế, có nghĩa là họ đã xem dân chúng như là người ăn mày. Có lẽ thủ tục cải cách hành chánh và xây dựng xã hội dân sự có ý nghĩa và mang tính đột phá nhất của Việt Nam phải bắt đầu từ việc này: chính quyền phải tiên liệu mọi nhu cầu pháp lý và hành chánh của người dân để soạn thảo sẵn các hình thức đơn từ (form). Người dân vừa khỏi mất thì giờ viết đơn và các viên chức hữu trách mất cơ hội để cửa quyền vì mọi thứ đã có hướng dẫn, quy định rõ ràng.

[2] Dương Tường, “Sống chung với kiểm duyệt”, talawas 16.1.2009. Xem và các bài liên quan trên talawas: ‘Thơ đến từ đâu’: Biên tập hay kiểm duyệt?”, Thận Nhiên, 13.12.2009, “Lý Đợi trả lời phỏng vấn của talawas: Thơ phải đến từ sự tự do mà chúng ta đang tìm kiếm” 10.12.2009, “Quan điểm của tôi về việc xuất bản tác phẩm”, Hoàng Ngọc-Tuấn, 5.12.2009, “’Thơ đến từ đâu’, và một số câu hỏi dành cho anh Nguyễn Đức Tùng”, Nguyễn Tôn Hiệt, 4.12.2009

[3] Nguyễn Hưng Quốc. “Chế độ kiểm duyệt sách báo tại Việt Nam”, talawas 14/12/2009

[4] Dương Tường, bài đã dẫn

[5] José de la Cruz Porfirio Díaz Mori (1830 –, 1915), Tổng thống Mexico từ 1876 đến 1880 và 1884 đến 1911. Sau chết trong cảnh lưu vong tại Pháp.

[6] Ngày 8.1.2005 tàu vũ trang Trung Quốc bắn chết 9 ngư dân và bắt sống 8 ngư dân tại vùng biển ngoài khơi Thanh Hoá.

- Mãi đến ngày 13.01.2005, nguyên phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Dũng mới lên tiếng: “Việt Nam đã yêu cầu phía Trung Quốc có các biện pháp tích cực nhằm ngăn chặn và chấm dứt ngay những hành động sai trái trên, cho điều tra và xử lý nghiêm những kẻ bắn chết người.”

- Ngày 14.1.2005, báo Thanh Niên ở Sài Gòn mới “mạnh dạn” đưa tin: ngư dân Trung Quốc tấn công. Suốt giai đoạn này những tờ báo “chính thống” Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân hoàn toàn dửng dưng.

- Theo Thông tấn xã Việt Nam thì tối 14.1.2005 Đại sứ Trung Quốc Tề Kiến Quốc tổ chức tiệc chiêu đãi mừng kỷ niệm lần thứ 55 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc (18.1.1950.18.1.2005). Nguyên Ngoại trưởng Nguyễn Dy Niên và phó chủ tịch quốc hội Trương Quang Được đến dự.

- Theo Bộ Ngoại giao thì tại đây Nguyễn Dy Niên đã “bày tỏ vui mừng dự kỷ niệm trọng thể” và “khẳng định trước sau như một, Việt Nam coi trọng quan hệ với Trung Quốc; Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẽ làm hết sức mình vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện với Ðảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc anh em theo phương châm “16 chữ” và tinh thần “bốn tốt” mà lãnh đạo cấp cao hai Ðảng, hai nước đã xác định, nhằm xây dựng mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc ngày càng bền vững và đơm hoa, kết trái.”

- Ngày 15.1.2005 Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức họp báo và cho biết lực lượng tuần duyên của mình đã bắn chết “vài kẻ cướp có vũ khí và bắt sống tám kẻ khác” vì những người này định cướp thuyền đánh cá của người Trung Quốc.

- Ngày 15.01.2005, website của báo Nhân Dân chạy hàng tít lớn: “Mở rộng quan hệ hợp tác Quốc hội Việt Nam-Trung Quốc”, đưa tin phái đoàn quốc hội Trung Quốc sang Việt Nam dự hội nghị Diễn Đàn Nghị Viện Á Châu. Thái Bình Dương lần thứ 13 (APFF.13). Trong buổi tiếp đoàn, do Phó Chủ tịch Cố Tú Liên dẫn đầu, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã bày tỏ “mong muốn mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp Việt Nam và Trung Quốc” và “góp phần làm phong phú thêm mối quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện và tăng cường thêm sự tin cậy lẫn nhau giữa hai nước.”

Xem các trang web:

http://www.mofa.gov.vn/vi/cn_vakv/ca_tbd/nr040818094447/ns050117132458?b_start:int=0

http://www.greenspun.com/bboard/q-and-a-fetch-msg.tcl?msg_id=00Ckd1

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2005/01/050113_chinavietfishing.shtml

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/01/050113_chinavietfishemen.shtml

[7] Trong hai ngày 7 và 8.12..2009 hải quân Trung Quốc bắt ba tàu của ngư dân Việt Nam, vào Hoàng Sa, dàn cảnh quay phim mang thuốc nổ và sau đó tịch thu hai tàu mới, dồn tổng cộng 43 ngư dân lên tàu cũ cho về.

- Ngày 13.12.2009 một số tờ báo tại Việt Nam đưa tin về hành động cướp bóc của Trung Quốc với ngư dân Việt Nam thì báo Nhân Dân và Công An Nhân Dân lại ỉm đi. Thay vào đó là tình hữu nghị và tình hữu nghị và thương Việt – Trung.

- Thí dụ trên báo Bộ Công An là hai bản tin:

1/ “Việt Nam – Trung Quốc: Thúc đẩy hợp tác ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu”.

2/ “Trung Quốc hỗ trợ đồng bào vùng lũ tỉnh Quảng Trị 10.000 USD”.

Bản tin thứ nhất liên quan đến cuộc hội thảo ở Hạ Môn. Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do Tô Huy Rứa dẫn đầu, đến để “Trao đổi kinh nghiệm bảo vệ xã hội chủ nghĩa.

Báo Công An Nhân Dân ngày 13/12/09, xem:

http://www.cand.com.vn/vi-vn/thoisu/2009/12/123737.cand

[8] Xem:

http://vietbao.vn/The-gioi/Trung-Quoc-379-no-le-lo-gach-duoc-cuu-thoat/20706681/159/

© 2010 Nguyễn Hoàng Văn

© 2010 talawas

Hà Văn Thịnh - Cho tôi hôn bàn chân em lạnh ngắt



Cho tôi hôn bàn chân em lạnh ngắt*…

. Hà Văn Thịnh

Kính tặng Ng. quý yêu


Ngắm ảnh em tôi chợt nghĩ rằng
Tôi chẳng thể bằng cái móng chân
Không hề được sửa tô**
Của người con gái nặng chưa đầy bốn chục ki lô…

Ngày em một mình thân cô, thế cô
Cũng là ngày cơ quan
Tôi “làm việc”.
Tôi thành kẻ mù loà câm điếc
Khiếp sợ doạ đe.

Trái tim tôi cứ vật vã trăm bề
Đúng và sai. Dùng, hay bẻ cong ngọn bút?
Để gia đình, dòng họ thôi day dứt
Để tôi được chiều chiều uống bia?…

Tôi không khóc nhưng nước mắt đầm đìa
Nghĩ. Sao cuộc đời khổ thế?
Tôi vạch mặt những con sâu
Trong vô số những nồi canh rau
Mà người dân phải nhai, phải nuốt
Giả nguỵ, lộng hành, chụp giựt…
Sao người cứ bảo tôi sai?

Tại sao chúng vẽ bậy, nói dai
Việt Nam xâm lược***,
Lý Thuỵ bán đứng Phan Sào Nam với đầy mưu chước****
Pano quân đội ta lấy hình quân Trung Quốc…
Vẫn thong dong xe sớm tối đón đưa về?
Ví căng phồng tiền cướp bóc hả hê
Còn em, đau đớn ê chề?

Tôi huyễn hoặc chính mình bằng cách ru mê
Đi giữa hai lề phải trái
Như bao kẻ yêu quê hương bằng nước dãi
“Anh đi giữa hàng quân”*****
Chẳng chết bao giờ!

Tôi ngồi nhìn những viên thuốc vừa mua
Nhưng lại sợ nên không dám uống
Cứ tự trách mình mục ruỗng
Và, cầu xin
Em tha thứ, em ơi!

Lời nguyện cầu bèo bọt trên môi
Bởi tôi thấy mắt em cười giễu cợt
Tự do lặng câm là điều dễ ợt
Silence est l’or(!)?
Bài học tiếng Pháp thuở học trò.

Cuộc đời tôi như một giấc ngu mơ
Đêm nối đêm ngập tràn ác mộng
Thương em, nghìn thu ngoài đời gió lộng
Một ngày của em
Bằng cả năm
Tôi sống vật vờ…

Sao em “cô đơn đến thế”?
Sao trí thức là tôi giống loài cua bể?
Đi thoảng qua chập chờn, kể lể
Rồi. Im. Giương mắt lặng câm nhìn?

Nhìn nhưng chẳng thấy niềm tin
Cứ nói cười, giả lả
Cứ tung hô những điều dối trá
Tung hô dốt nát giảm rồi

Tung hô cuộc đời khi nước mắt cứ rơi
Tung hô mình “khôn”, em dại…
Chẳng thèm biết em là trẻ, gái
“Còn một giọt máu tươi còn đập mãi,
Không phải cho em, cho lẽ phải trên đời
Cho quê hương em yêu dấu tuyệt vời”*
Dám lặn lội thân cò
Tìm quạnh vắng chốn xa xôi…!

Tôi ngồi rên bằng cách xếp chữ thành “thơ” ôi(!)
Muốn quỳ xuống để cầu xin em
Điều rất thật:
Xin được hôn bàn chân em lạnh ngắt
Xin được nâng bàn tay em nắm chặt
Ôi bàn tay như chiếc lá còn xanh*…
Và,
Thấy rõ cái hèn manh
Nhục tủi của chính mình!
Huế, 3-2.2010.


* Thơ hoặc ý thơ Tố Hữu
** (Móng chân không tô, chứ không phải thằng N.T. Tô nào đó/
Cái tên mà người quê tôi hay đặt cho loài chó)
*** Ma chiến hữu. “Năm 1979 Việt Nam xâm lược Trung Quốc”. NXB Văn học, Hà Nội, 2. 2008
**** Thành ngữ - Điển tích – Danh nhân - Tự điển, NXB Văn học, Hà Nội, 2008
***** Lời của một bài hát.



Ghi chú: Bài có sử dụng câu, từ của nhiều người khác…

http://www.danluan.org/node/4117

Mùa oan đầu tiên


Mùa oan đầu tiên


Rồi dặt dìu, tù nhân ôm án tù

Mùa tù đầy mùa oan nay đã về

Mùa xuân cay đắng ấy đang đến đầu tiên

Với án sai bất công, người đang hét than bất công

Một trưa nắng khan cho bao tâm hồn.


Rồi dặt dìu tù nhân không lối về

Người mẹ nhìn, trời cao hay đất dầy

Mùa xuân u tối ấy đang đến đầu tiên

Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh

Niềm đau phút giây như đang long lanh.


ôi giờ phút thương quê hương làm sao trong xuân tang đầu tiên.

ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời tang tóc.

Từ đây người biết quê người

Từ đây người biết thương người

Từ đây người biết than người .


Giờ dặt dìu tù nhân ôm nỗi hận

Mùa bình thường, mùa thương nay đã về.

Mùa tan mơ ước ấy xưa có tiệt đâu

Với án oan bất công, người đang khóc than như không

Một vận nước thôi hôm nay lông bông.


-Hoabattu-

(xin phép cố nhạc sỹ Văn Cao ...)

http://www.facebook.com/dinhtanluc#/notes.php?id=1453333750

Vũ Đông Hà - MẹeM



MẹeM

. Vũ Đông Hà


Thuở ấy,

Mẹ thiếu nữ 18
Mẹ đi lấp hố bom
Mẹ Trường Sơn tải đạn

Mẹ đào hầm địa đạo

Mẹ sinh bắc tử nam.

Ngày ấy,
Mẹ tuổi con gái chưa chồng
ôm mơ ước những đứa con khôn lớn
được sống đời con người
Không như đời mẹ.

Đêm nay,
Con của Mẹ 18
Ngồi bán mực nướng ở quán bia Xiêm Rệp
Lẽo đẽo trước tiệm uốn tóc làng Việt Nam mời khách mua dâm
Mặc váy ngắn đứng bán trầu trong những lồng kính đèn màu Taoyuan
Co mình nằm dưới người đàn ông không răng ở con hẻm Chung Li.

Đêm nay,
Những đứa con của Mẹ
tuổi con gái không chồng
ôm mơ ước những đứa con đừng bao giờ có
Để không như đời Mẹ bây giờ.

Đêm nay,
Có đứa con của Mẹ già đi một tuổi
Nằm yên trò chuyện với thằn lằn
Miên man kể về ước mơ cho bầy con của những bà Mẹ đang còn năm, sáu tuổi.

Đêm nay,
Có Mẹ già đi mười tuổi
Buổi sáng buổi trưa buổi chiều buổi tối
gian nhà cứ mãi rộng rinh thêm.


http://vudongha.wordpress.com/2010/02/01/m%E1%BA%B9em/#more-378

Nguyễn Việt Chiến - Thời đất nước gian lao



Thời đất nước gian lao


. Nguyễn Việt Chiến

Chúng đã ngủ cả rồi

những con hươu bị bóng đêm săn đuổi

chúng đang gác cặp sừng lên vầng trăng cuối tháng

rồi nằm mơ về một cánh rừng

không có thuốc đạn và súng săn

Họ đã ngủ cả rồi

những người lính bị chiến tranh săn đuổi

họ nằm mơ gặp lại bầy hươu

gác sừng lên người bạn vô danh

trên cánh rừng đã chết

Chỉ còn lại vầng trăng và giấc ngủ

chỉ còn lại dấu vết cuối cùng của bầy hươu bị săn đuổi

chỉ còn lại câu thơ thầm lặng

về những người đã ra đi

Chỉ còn lại những gì không còn lại

bởi người đau đớn nhất sau chiến tranh

không ai khác ngoài mẹ của chúng ta

những đứa con không trở về

hoà bình dưới mưa phùn

được đắp bằng cỏ non và nước mắt

*

Đêm đêm

những người con ngỡ đã đi thật xa

đang lặng lẽ trở về

họ lẫn vào gió vào sương đêm

không cần an ủi

họ chẳng ồn ào như lời ca sôi sục ngày ra đi

Họ còn nguyên tuổi trẻ

những người lính chưa tiêu phí một xu mơ ước

chưa tiêu hoài một đồng thanh xuân

Họ trở về tìm lại

trang sách học trò đêm đêm còn thao thức

trên cánh đồng tiếng Việt ngàn năm

Mẹ lại thấy chúng con về

như cánh cò tuổi thơ lưu lạc

đã bao ngày phải xa rời thôn ổ yêu thương

chúng con trở về tìm lại

giọt nước mắt xót xa và đắng cay của mẹ

Một bên là núi sông ngăn cách

còn bên kia là bóng đêm chiến tranh

vẫn biết đạn bom không có mắt

vẫn biết hận thù không thể phân biệt nổi

đâu là hoa sen và đâu là bùn tối

nhưng các anh vẫn phải ra đi

Các anh phải ra đi

lời ru chùa Tây Phương

những La Hán mặt buồn

người thợ mộc xứ Đoài

lấy thân xác hom hem của mình làm mẫu vẽ

ba mươi sáu dẻo xường sườn

réo rắt tấu lên bản đàn tam thập lục

người gẩy đàn thì đau đớn

mà bản nhạc viết cho đàn lại reo vui

*

Mẹ đã sống dưới mưa phùn ảm đạm

những ngày dài nghèo đói quắt quay

Mẹ thiếu sữa sinh đứa con thiếu tháng

Tổ quốc xanh xao Tổ quốc hao gầy

Mẹ có mặt trong dòng người nhẫn nại

lặng lẽ xếp hàng từ mờ sớm tới đêm hôm

Mẹ lần hồi thời cơm tem gạo phiếu

nuôi lớn những người con

rồi gửi tới chiến trường

Mẹ đã khóc lúc rời ga Hàng Cỏ

những đoàn tàu hun hút tuổi hai mươi

một thế hệ hồn nhiên không biết chết

chưa từng yêu khi gục ngã cuối trời

Mẹ ở lại với sông Hồng tần tảo

áo phù sa lam lũ tháng ngày

câu quan họ cất trong bồ thóc cũ

sông Cầu trôi như một tiếng thở dài…

*

Tàu xuyên đêm

tiếng gió xé bánh xe lăn quần quật

đêm nay họ trở lại một thời gian lao

đường vào Nam hun hút những chuyến tàu

máu rất đỏ tuổi hai mươi nằm lại

câu hát bảo:

tuổi hai mươi những người đi trẻ mãi

câu thơ bảo:

đất nước hình cánh võng mẹ ru ta

Và ở hai đầu đêm võng mắc dọc rừng già

trăng cũng sốt rét rừng như ta sốt

trăng mất máu như bạn ta thủa trước

dọc cánh rừng na-pan

Sông Thạch Hãn

nước mùa này còn ấm

và các anh trong suốt

những người hy sinh thời gian lao

Mây Quảng Trị

mùa này vẫn một mầu huệ trắng

trên Cổ Thành

như ngày các anh ngã xuống

những người hy sinh thời gian lao

Và mưa gió Trường Sơn

mùa này vẫn tắm gội

những người con nằm lại

thời đất nước gian lao

Những cánh rừng cuối thu ngủ dưới mưa phùn

đất nước tôi những người nằm trong đất

chất phác như bùn hồn nhiên như cỏ

buồn đau không còn thở than

Những ngọn sóng đất đai lưu giữ mọi thăng trầm

người chép sử ngàn năm là bùn đất

kiên trì và nhẫn nại

máu của người là mực viết thời gian.

Nguyễn Việt Chiến

"Chúng tôi không khuất phục" - Chào mừng TALAWAS trở lại


talawas đã hoạt động trở lại

01/02/2010 | 12:01 sáng

...Tự do ngôn luận là tài sản vô giá của chúng ta, những người chỉ sở hữu tiếng nói độc lập của mình như phương tiện duy nhất để dấn thân cho những biến đổi xã hội tích cực tại Việt Nam và trên thế giới. Càng bị phá hoại và tấn công, niềm tin và ý thức của chúng ta vào lý tưởng và tình yêu ấy, vào hy vọng và tài sản vô giá ấy, càng lớn mạnh. Các cuộc đánh phá mới của những kẻ giấu mặt và các thế lực sai khiến họ chắc chắn sẽ diễn ra, với cường độ ngày càng cao. Có thể hoạt động của talawas sẽ lại gặp một số trở ngại, nhưng sức đề kháng của chúng tôi cũng sẽ ngày càng cao. Trong cuộc chạy đua không cân sức này, talawas có thể sẽ bị tê liệt một giờ hay nhiều giờ, một ngày hay nhiều ngày, một tuần hay nhiều tuần, thậm chí một tháng hay nhiều tháng, nhưng những kẻ tấn công không thể ngăn cản chúng tôi sẽ trở lại hoạt động trong thời gian sớm nhất có thể. Đất đai trên mạng mênh mông và lòng người rộng vô cùng. Sẽ không có một lực lượng nào, dù hùng hậu và bất chấp luật pháp đến đâu, có khả năng bỏ bom cho cho các diễn đàn mạng độc lập trở lại thời tiền-internet...

http://www.talawas.org/?p=15624