Có Nên Cứu Lực Lượng Chữa Cháy?



DungQuat bynight - Trí Tín

Có Nên Cứu Lực Lượng Chữa Cháy?

. Đinh Tấn Lực

Hỡi những người mẹ già hằng đêm sao khóc?
Hỡi chúng ta hôm nay đang nghe gì không?

Trịnh Công Sơn
Vừa tròn mười năm trước, tháng 3/2002, lâm ngư trường Trần Văn Thời và hai khu rừng tràm sinh thái U Minh Thượng /U Minh Hạ cùng biến thành “điểm nóng” và cùng khiến cả nước lên cơn sốt suốt mươi tuần lễ. Khói cháy rừng từ vùng đất mũi mù mịt đến mức che khuất cả đám tang ở Hà Nội của Văn Tiến Dũng, một nhân chứng sống từng dự phần điều quân chống lại cuộc chiến giáo trừng của bọn bá quyền bành trướng, khi đương sự đột xuất chuyển sang từ trần tại bệnh viện 108 ngày 17/3/2002.
Qua ngày 19/3/2002, các lâm ngư trường Sông Trẹm, U Minh 2 và Vồ Dơi đã thành vựa than đước. Giặc lửa thừa thế ba mặt tiến công sang lâm ngư trường U Minh 3 và Trại tù K1. Tù lao cải được nhà nước huy động bung ra “tay không chống thần hỏa”. Gọi là một công đôi việc!
Cũng vào tháng 3/2002 (chẵn chòi mười năm tình cũ), Chủ tịch Nguyễn Văn An thông báo một số quyết định khống của quốc hội Ba Đình về “những vấn đề lớn của đất nước” (và đều thuộc diện Bí Mật Quốc Gia):
© Đứng đầu là “Thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”;
© Khoảng giữa là đóng dấu phê chuẩn quyết định rất hồn nhiên của mười mấy “trên”, về các dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng, xây dựng Nhà máy khí điện đạm ở Bà Rịa-Vũng Tàu, xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La;
© Đứng cuối và quan trọng ở tầm dự án cấp khủng gọi là dấu ấn để đời của lãnh đạo thời bấy: xây dựng Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất.
Hai tuần sau đó, 300 ha rừng phòng hộ đầu nguồn tứ giác Long Xuyên tại khu vực kinh KH9 cũng đột xuất bốc khói/thành tro. Bộ trưởng bộ Nông nghiệp Lê Huy Ngọ bấy giờ lệnh rằng “bằng mọi giá, phải giữ lấy khu rừng nguyên sinh còn sót lại ở U Minh Thượng”.
Chiến lược cũ là có lũ chống lũ, có cháy chống cháy, có dịch chống dịch.
Chiến lược mới là bỏ rừng già, cứu lấy rừng non.
Tiếc là trời không chìu lòng người.
Cho nên, chiến lược mới tiếp theo đó là bỏ luôn rừng non, cứu lấy lực lượng chữa cháy.
Chiến lược Cứu Lấy Lực Lượng Chữa Cháy đang được xài lại hôm nay, cho dự án khủng Dung Quất.
*
Tôi kính cẩn cúi đầu
Vái mấy ngài chăn trâu

Thần đồng thơ Trần Đăng Khoa
Từ buổi giao thừa của thế kỷ 21, vẫn chính vị Bộ trưởng khả kính Lê Huy Ngọ đề xuất đề án “Thúc đẩy tiêu thụ nông sản hàng hóa để phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu nông thôn”. Cốt lõi hiệu năng kinh tế của nó là một bước tiến từ “làm để ăn” đến “làm dôi ra để bán”.
Đề án này đã phần nào mở đường rộng dần cho nông dân ta mạnh dạn làm ăn. Nhưng chưa kịp làm đủ ăn thì đề án bị cải biên. Chủ trương của “trên” bấy giờ là phải chuyển đổi từ “cùng làm ra để đủ ăn” sang “tự vét vào để chóng thành trọc phú”.
Dự án khủng Dung Quất (ngay sau Đường Tải 500Kv) là thí điểm cấp quốc gia của chủ trương đó. Vì sao Dung Quất? Người ta nêu ra một số điểm lý giải như sau:
© Quảng Ngãi là sinh quán của lãnh đạo cực cao ngang hàng nguyên thủ bấy giờ;
© Lãnh đạo có nhu cầu để lại dấu ấn cực to cho nhân dân địa phương nhớ đời;
© Lãnh đạo có nhu cầu cân bằng lợi lộc vùng miền (giành dự án theo nguyên tắc chia ghế);
© Dự án Dung Quất thuộc hàng nhiều tỷ đô la Mỹ;
© Dự án Dung Quất có rất nhiều khả năng tự đội giá vượt ngưỡng hàng chục tỷ mỹ kim;
© Dự án Dung Quất lại còn thừa khả năng tự phình nở thành khu kinh tế Dung Quất rồi phình nở lần nữa thành Đặc khu Kinh tế dẫn đầu miền Trung;
© Các dự án ăn theo chung quanh Dung Quất đều thuộc loại đa dạng, màu mỡ và …rộng mở;
© Cơ hội huy động vốn ở trong và ngoài nước rất cao, đặc biệt là khi thành hình cảng biển và thành phố công nghiệp nặng (cấp đô thị hiện đại) Dung Quất;
© Dung Quất là con đẻ của lãnh đạo, do đó, có thể sử dụng giải pháp bán trái phiếu cứu nguy mọi lúc, khi cần, hay khi được …mô tả là cần.
© Lãnh đạo có nhiều ưu thế vô đối và quyền hạn vô cực so với các đại gia Nguyễn Văn Mười Hai/Tăng Minh Phụng/Liên Khui Thìn trước đó hay cả Năm Cam về sau này;
© Lãnh đạo còn có nhu cầu chứng tỏ uy quyền luôn luôn đứng trên trí tuệ, phải có uy quyền mới có trí tuệ, và kiến nghị của trí thức không đời nào cao hơn sọt rác…
Có người còn (nhập nhằng/phản động)cho rằng tất cả các điều trên đều đúng.
Song, phải thừa nhận, đúng nhất là điểm cuối. Lãnh đạo đảng đã tin chắc, cũng đã nhiều phen công chứng rằng quyền lực chỉ nằm trên nòng súng, và một khi cơ bẩm đã bật đạn lên nòng, cò mổ sắp đập đuôi kim hỏa, thì mọi bộ phận trên người của bất kỳ kẻ nào đứng trước nòng súng cũng đều phải …teo, kể cả óc não/tư duy/tầm nhìn và lắm khi (hay thường khi), cả nhân cách. Trí thức VN đã bị dí vào hoàn cảnh đó, mỗi khi thấy cần phải lên tiếng phản biện (dưới dạng ngoan hiền là góp ý/kiến nghị, hay tưng tửng kiểu chém treo ngành, hoặc nghiêm túc là “này, nghe đây…”).
Dung Quất không hẳn là lần phản biện đầu tiên; cũng không phải mọi phản biện chỉ tập trung:
© về vị trí địa dư và hạ tầng cơ sở địa phương bất cập/bất tiện/bất xứng cho cả việc vận chuyển dầu thô đầu vào và sản phẩm đầu ra;
© về tính phi kinh tế của toàn bộ dự án khi giá thành cao hơn sản phẩm nhập khẩu;
© về vốn đầu tư cao, không thỏa mãn hiệu quả kinh tế và tiềm ẩn khó khăn trong việc thu xếp tài chính;
© về những hệ quả liên đới đến môi trường;
© về sinh hoạt/tâm tư quần chúng địa phương…
Và cũng không phải các phản biện chỉ kéo dài đôi ba tháng là sóng êm gió lặng… Mà thực tế là suốt 20 năm, tính từ những phác thảo ban đầu hồi 1990s của thế kỷ trước, xuyên qua các dự thảo Nghi Sơn (Thanh Hóa), thành Tuy Hạ (Long Thành/Đồng Nai), Long Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu), Đầm Môn (Vân Phong-Khánh Hòa), Hòn La (Quảng Bình), và Dung Quất (Quảng Ngãi).
Thế nhưng, trí tuệ ở đỉnh đầu ruồi bao giờ cũng nắm nhiều lợi thế (bất đồng/bất chấp/bất kể/bất lương/bất trắc) hơn trí tuệ phân tích/định lượng/cân nhắc/lọc lựa hoàn toàn khoa học (phi chính trị) và đầy nhiệt tình của trí thức cùng các viện nghiên cứu VN; hay hoàn toàn dựa trên khả năng sinh lời, của các chuyên gia dầu khí và kinh tế nước ngoài (Total của Pháp, Broken Hill của Úc, lẫn Zarubezhneft của Nga).
Ngược lại, loại trí tuệ mã tấu/đạn đồng nói trên còn thể hiện cả ưu điểm sở trường/sở cầu/sở kiến/sở nguyện/sở thích/sở đắc là “biến nguy cơ chung thành lợi ích riêng”. Và chính đây mới đích thực là động cơ tạo ra lực đẩy nhanh/đẩy mạnh tiến trình gọi thầu, cùng lúc, mở rộng cửa sân sau các biệt thự dát vàng ở Hà Nội.
Cho nên, Dung Quất vẫn là “quyết tâm lớn” của lãnh đạo, được quốc hội đóng dấu đỏ thành “chủ trương lớn” (cũng của lãnh đạo). Nghĩa là, Dung Quất vẫn là …Dung Quất.
*
“Một chân mây xa
sinh bao triết thuyết
Những gì ta biết
đến từ hư không
Nẻo đường ta bước
đi tới vô cùng…”.
Hoàng Cầm
Cơ phận dây chuyền trao/nhận gói thầu thiết kế nhà máy lọc dầu Dung Quất, theo tiết lộ của một cố vấn kinh tế (xin dấu tên) ở Hà Nội, đã được bôi trơn bằng một cặp táp phong bì đợt đầu lên đến 20 triệu USD, không chỉ xoay vòng chia chác giữa Phạm Quang Dự/Nguyễn Xuân Nhậm/Ðinh Văn Ngà, mà loang rộng hàng ngang ra dàn tỉnh ủy (UBND Quảng Ngãi lấy lại vốn vận động), và hàng dọc lên cấp bộ trưởng (Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông – Vận tải, Xây dựng, Tài chính, Khoa học – Công Nghệ & Môi trường, Quốc phòng, Công nghiệp, Văn phòng Chính phủ), rồi tới thủ tướng, đương nhiên không thể thiếu chủ tịch nước gốc địa chất/quê Quảng Ngãi, và cũng không thể né phần lại quả cho tay tổng bí thư đầu đảng bấy giờ. Dù lớn nhỏ, tất cả đều có phần, và mọi việc trôi chảy là nhờ các phần được phân bố “hợp lý hợp tình”.
Rất tiếc rằng đó vẫn chưa phải là con đường vận hành (đầy chông gai) của các Cty sau khi nhận thầu. Người ta chưa quên cảng cá Cà Mau, rộng 42.000m2, vay vốn xây dựng 27 tỷ đồng từ WB, được khánh thành từ tháng 3/2001, rồi tự biến tướng thành chợ ba khía bán lẻ cho địa phương, vì không có tàu nào có khả năng cặp cảng. Dung Quất là bản sao phóng ảnh mười năm sau của cảng cá Cà Mau.
Thời đó, Phó chủ tịch Thị trường chứng khoán Vũ Bằng đã nhanh nhẩu nhìn nhận: “Giữa kế hoạch và thực tiễn vẫn là một khoảng cách khá xa”. Cụm từ khá xa vẫn nặng tính ngoại giao/phải đạo. Thực tế là rất xa. Dung Quất, có quyết tâm chính trị cao đến mấy, cũng nằm ở tầm xa nhất nước.
Lý do mà nhà nuớc liệt kê ra, hầu hết đều là lỗi của (nói leo theo nhà văn Phạm Thị Hoài là) …thằng khách quan. Chỉ riêng trong vòng hạn chế nội bộ, thủ tướng thời nhiệm là Phan Văn Khải đã thú nhận trong hội nghị quan chức toàn ngành Tài Chính ngày 26/6/2003 rằng: “Tình trạng thất thoát ngân sách còn rất lớn, không có gì thay đổi so với các năm trước… Có nơi kiểm tra thấy mức chi tăng tới gấp 5-7 lần mức tiêu chuẩn cho hành chánh”. Dung Quất là trọng điểm bòn rút ngân sách có hệ thống ngay từ trước khi mẻ bê tông đầu tiên được cho vào máy trộn tại đây.
Mặt khác, ngay chính Phan Văn Khải cũng không ngại lên lớp và lên án dàn cán bộ điều hành các xí nghiệp nhà nước đã “Thiết lập sổ sách chi thu gian dối, một mặt rút rỉa tiền của nhà nước đầu tư, mặt khác, đội giá sản phẩm lên cao, khiến cạnh tranh không nổi với các hàng hóa tương tự của các nước khác”. Dung Quất có giá thành sản phẩm đầu ra cao hơn xăng dầu nhập khẩu là vì vậy.
Trên Tạp Chí Cộng Sản tháng 4-2002, Trung tướng Trần Xuân Trường, tác giả bài xã luận “Đôi điều về cuộc đấu tranh tư tưởng-lý luận” đã thẳng thắn và công khai nhìn nhận: “Biểu hiện ra trên bề mặt các hiện tượng (xây dựng XHCN ở đây) những nghịch lý khó cắt nghĩa theo tư duy lô-gích thông thường”. Dung Quất là một hiện tượng không thể cắt nghĩa theo tư duy lô-gích của những người sinh hoạt lành mạnh.
Chỉ quen chăn nhẵn rận như Trần Xuân Trường hay Trần Đức Lương thời đó, cùng Nguyễn Tấn Dũng thời này (là kẻ cắt băng khánh thành), mới họa may có thể hiểu được lý do tại sao công trình trọng điểm quốc gia có số vốn lớn nhất từ xưa đến nay là Dung Quất đã:
© Phải mất 44 tháng xây dựng, tính từ lúc động thổ, sau nhiều năm tháng mô mìn và nhiều đợt ngừng nghỉ vì phải chuyển đổi từ dạng thức quốc doanh sang liên doanh rồi tự đầu tư, hoặc vì “những vấn đề phức tạp nảy sinh” giữa các nhà thầu;
© Được bộ Tài chính rót thêm 300 triệu USD (Vnexpress – 30/1/2007)
© Phải đội vốn đầu tư, từ 1,5 tỷ USD (bao gồm cả phí tài chính, trên luận chứng nguyên thủy) vượt quá mức 3 tỷ USD (không bao gồm phí tài chính, trên thực tế);
© Phải mất tổng cộng 13 năm tính từ nghị quyết kỳ họp thứ 2 khóa X (tháng 12/1997) của quốc hội đóng dấu đỏ cho dự án số 1, nhà máy lọc dầu này mới gọi là hoàn thành. Trong đó, lý do đáng xấu hổ nhất cho vị chủ tịch nước gốc địa chất/quê Quảng Ngãi là bởi “công tác khảo sát địa chất công trình còn sơ sài, thiếu sót”;
© Bị chậm tiến độ xây dựng 9 năm so với Nghị quyết số 07/1997/QH10 và Quyết định số 514/TTg; chậm 7 tháng so với tiến độ đã cam kết trong hợp đồng EPC;
© Phải cúi mặt: “Bàn giao nhà máy Dung Quất: Hẹn, hẹn nữa, hẹn mãi…” (VietnamNet);
© Chưa thể vận hành ổn định vì “còn 100 điểm tồn tại kỹ thuật của nhà máy vẫn chưa được xử lý triệt để” (Vnexpress, 25/2/2010);
© Được 8 ngân hàng rót thêm 200 triệu USD để điều hành nhà máy (Vnexpress);
© Sau cùng, phải nhận bàn giao trong tình trạng vận hành “còn nhiều trục trặc nhất định” (lời tự thú của Đinh La Thăng), do bởi “tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước” (UBKHCNMT báo cáo trước Quốc Hội ngày 18/10/2010);
© Chính thức đi vào hoạt động trong khi vẫn còn 7 điểm tồn tại và 34 lỗi kỹ thuật được đánh giá là nhỏ (VietnamNet);
© Phải bó tay khi nhà thầu Technip đã cuốn gói, ngay khi các gói thầu 1, 2, 3 và 4 chưa hoàn toàn nghiệm thu đúng tiêu chuẩn theo hợp đồng, rồi chỉ để lại vỏn vẹn 2 nhân viên kỹ thuật trên toàn bộ nhà máy (Đinh La Thăng);
© Phải huy động nhân viên VN tự tiến hành cục bộ quy trình nạp dầu thô đầu vào;
© Phải chấp nhận lùi thời điểm bàn giao một số kho chứa, tiêu biểu là kho nổi FSO-5, vì lý lo rò rỉ;
© Phải quyết định tiếp tục cho chạy máy, trong tình trạng không ổn định các van, “đến kỳ bảo dưỡng thì sẽ cho tiến hành sửa chữa, thay thế”, và tạo ra các khoảng trống đình động, có lần lên tới 62 ngày, gọi là để bảo dưỡng.
© Phải tạm dừng máy nhiều lần (ít nhất là 3 lần dài hạn), vì các sự cố mất điện, hỏng van, và “chủ động dừng để tổng kiểm tra thiết bị” hoặc “thay thiết bị phù hợp hơn”;
© Phải lắp đặt hơn 300 cột phát hiện chống đột nhập bằng tia hồng ngoại, camera, cổng kiểm soát ra vào bằng thẻ từ, huy động chó nghiệp vụ, tăng cường an ninh để bảo vệ …an ninh trong quá trình bảo dưỡng tổng thể lần đầu;
© Phải ký các hợp đồng trị giá 25 triệu USD với 5 đối tác gồm 3 nhà thầu trong và ngoài nước mỗi lần tham gia bảo dưỡng tổng thể nhà máy;
© Phải xử lý 5 trọng điểm kỹ thuật và 20 điểm kỹ thuật cần phải cải thiện, ngay sau lần bảo dưỡng đầu tiên (hơn 2 tháng), trước khi khởi động lại;
© Phải dựa vào hay chiếu theo quan điểm của “trên” để hướng dẫn dư luận rằng các sự cố xảy ra gây tình trạng đình động là rất bình thường khi vận hành, bởi vì đây “công trình dầu khí qui mô lớn đầu tiên của Việt Nam có công nghệ hiện đại, phức tạp”;
© Khiến đại biểu QH do dự khi bấm nút hoàn tất công trình Dung Quất, bởi nhiều sự kiện, “từ việc chậm tiến độ thi công, tăng tổng mức đầu tư, độ chính xác của dự toán công trình, hiệu quả kinh tế và đặc biệt là trách nhiệm giám sát của Quốc hội” (Nguyễn Thị Bạch Mai);
© Được đánh giá: Chê không nỡ/Khen cũng dở (Vinacorp);
© Phải nhập dầu thô đầu vào, vì nguồn chính trong luận chứng kinh tế là mỏ dầu Bạch Hổ sắp cạn, hệ quả là có khả năng bị lỗ vài trăm nghìn USD mỗi ngày (Phan Châu Thành);
© Được thiết kế chế biến dầu ngọt, nhưng khi đi vào hoạt động phải sử dụng cả dầu chua, với lượng lưu huỳnh cao hơn, sinh nguy cơ mòn máy hỏng van cao hơn nhiều lần dự toán;
© Phải chấp nhận cho Cty Petec tổ chức một mạng lưới tiêu thụ sản phẩm với sản lượng từ 6 – 6,5 triệu tấn/năm, cho dù đã biết tình trạng “anh hùng lao động sắp phá sản” của Petec vì lý do thiểu năng chuyên môn và kém quản lý (Đinh La Thăng);
© Phải tồn kho có lúc lên tới 750.000m3 sản phẩm xăng A92/A95/diesel , vì thiếu đại lý tiêu thụ đầu ra, trong lúc doanh nghiệp bên ngoài phải chi ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu về tiêu thụ (9 tháng đầu năm 2010, cả nước chi 4,87 tỉ USD nhập xăng dầu, kể cả lượng xăng dầu nhập khẩu từ …Trung quốc);
© Bị tồn đọng hàng triệu m3 xăng dầu, khí đốt “Made in Vietnam” trong kho. Chỉ riêng sản phẩm khí, lượng hàng tồn lên tới 2 triệu m3 (thông tin của PVN giao ban trực tuyến tại bộ Công thương ngày 04/10/2010);
© Bị đầy các bể chứa, hàng không bán được, nhưng không thể ép đối tác trong nước hủy hợp đồng mua xăng dầu nước ngoài (Vnexpress, 06/10/2010);
© Phải chịu mức giá thành cao hơn giá xăng dầu nhập khẩu vì “thời tiết tại khu vực Quảng Ngãi bất lợi, thường xuyên có mưa lớn, cảng biển lại nhỏ rất khó khăn khi doanh nghiệp vào lấy hàng, thời gian chờ đợi lâu. Điều này khiến các mặt hàng xăng dầu mua tại Dung Quất về đến kho bãi và bán ra thị trường bị đội giá lên cao” (Nguyễn Quang Kiên);
© Phải vận động ngay chính Vietnam Airlines, vốn là “người nhà”, cần chịu khó sử dụng xăng Jet A-1 do Dung Quất sản xuất. Tính tới thời điểm tháng 4/2011 Vietnam Airlines vẫn chưa được phép mua vì các nhà sản xuất động cơ phản lực chưa phê chuẩn chất lượng xăng A-1;
© Bị chính phó tổng giám đốc Petrolimex Nguyễn Quang Kiên nhìn nhận rất tiêu cực: “Việc tiêu thụ sản phẩm Dung Quất đem lại những thiệt hại nhất định cho Petrolimex…(nghĩa là) chấp nhận rủi ro và thua lỗ”;
© Bị các đối tác ký hợp đồng tiêu thụ một cách khiên cưỡng và chê giá mua đắt chẳng kém xăng nhập;
© Bị coi là nguyên nhân chính của tình trạng điện thiếu/xăng thừa;
© Phải giải quyết sự cố tắc đường tàu vận chuyển dầu, vì lượng tàu đánh cá của ngư dân địa phương;
© Phải huy động thêm vốn bằng ngân sách 1 tỷ USD nợ trái phiếu bán ra nước ngoài;
© Phải trả tiền bảo hiểm hàng tháng cho giá trị bồi thường lên tới 3 tỷ USD;
© Phải điều đình việc bồi thường thiệt hại cho dân sống quanh nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất vì đã xả chất thải ra ruộng;
© Bị nhân dân quanh vùng khiếu kiện về việc nhà máy tiếp tục thải trực tiếp khí độc sulfur dioxide ra không khí, dù đã hứa chấm dứt nhiều lần trước đó;
© Khiến nhân dân rà lại các phản biện từ 10 năm trước: “Xây xong nhà máy lọc dầu rồi mới thấy bất cập về cảng, tàu to không vào được. Người ta mua từ Singapore cùng giá như vậy, cước vận chuyển như vậy, nhưng nếu chở tàu 20.000 tấn sẽ rẻ hơn mua ở Dung Quất mà chỉ chở được 5.000 tấn” (Nguyễn Đình Xuân);
© Khiến đại biểu QH nghi ngờ: “Tổng mức đầu tư của dự án hơn 3 tỷ USD, bỏ rẻ lãi suất vay trong và ngoài nước là 7%, mỗi năm riêng tiền lãi đã lên tới 210 triệu USD. Tính thêm phần khấu hao 150 triệu USD, vị chi mỗi năm nhà máy phải làm ra trên 360 triệu đôla mới có lãi. Liệu chúng ta có thể làm được như vậy không?” (Nguyễn Đình Xuân);
© Bị lỗ trắng trên 3000 tỷ đồng VN trong năm 2011 (Phan Châu Thành);
© Bị vạch trần cách báo cáo láo trước Quốc Hội: “Với khoản đầu tư lên đến 3 tỷ đô-la, giả thử nhà nước không bù lỗ lãi suất mà tính sòng phẳng bằng lãi suất phát hành trái phiếu quốc tế chừng 7%/năm thì tiền lãi phải trả chừng 210 triệu đô-la (còn lấy lãi suất bù lỗ là 3,6% thì tiền lãi hàng năm cũng chừng 108 triệu đô-la). Như vậy lợi nhuận gộp của Dung Quất làm ra có thể chưa đủ để trả lãi hoặc trả lãi xong cũng chưa đủ để khấu hao, trả lương nhân viên, chi phí… Lấy đâu ra các con số nói tổng thu nộp ngân sách khoảng 27,8 tỷ đô-la” (Nguyễn Vạn Phú);
© Vẫn còn nguy cơ tiếp tục lỗ trắng trong năm nay và những năm kế tiếp (căn cứ vào chỉ tiêu doanh thu suýt soát 2011);
© Phải che dấu lầm lỗi cho nhau và không một ai chịu trách nhiệm sai phạm;
© Bất đắc dĩ phải chọn giải pháp rao bán 49% cổ phần, tiếng là để “mở rộng doanh nghiệp”, song thực chất là một cách tống táng lỗ lã.
Gút lại, bài học Dung Quất khá đắt: Lãnh đạo đảng và nhà nước đã tiêu phí ba tỷ đô la của dân và 13 năm để chứng thực các phản biện (từng bị cho là phản động) đang hiển hiện ra từng điểm một trước mắt. Và có thể còn hồn nhiên tiêu phí thêm nhiều tỷ đô la nữa để học lại bài học Dung Quất này, trong các công trình kế tiếp.
*
Cá không ăn muối cá ươnCon cãi cha mẹ trăm đường con hư
Ca dao
Comment của một độc giả trên báo Vnexpress như sau:
Năm 1995, tập đoàn Total SA của Pháp đã chấm dứt thương lượng đầu tư với lý do rằng chính phủ đòi phải đặt nhà máy tại miền trung, (tức là) cách xa những cơ sở hạ tầng dầu mỏ trong nước.
Năm 1997, Ngân hàng Thế giới nói dự án này sẽ “không làm gì cho nền kinh tế” và năm sau Quỹ Tiền tệ Quốc tế nói rằng giá trị của dự án này “đáng ngờ”.
Năm 1998, mặc dù đã ký hợp đồng tham gia, tập đoàn Zarubezhneft (Nga) cho rằng vịnh Dung Quất là “một địa điểm rất xấu”, và đến năm 2002 đã rời bỏ dự án.
Năm 2003, Liên Hiệp Quốc đã nhắc đến dự án này khi nói rằng Việt Nam nên tránh xa những “đầu tư có thu nhập thấp”.
Điều này nhắc nhớ là trước đó nữa, khoảng giữa thập niên 1980s, ngay từ những dự tính ban đầu thiết lập một nhà máy lọc dầu ở thành Tuy Hạ, Long Thành, Đồng Nai: Không biết bao nhiêu phản biện của trí thức và nhân dân trong nước muốn đánh thức lãnh đạo đảng và nhà nước này giảm bớt cường độ dần cho đến mức triệt tiêu cái món duy ý chí, gọi cho đẹp là “quyết tâm chính trị”, trong các dự án kinh tế tầm quốc gia.
Cái đuôi định hướng XHCN không đời nào đi trước cái đầu kinh tế thị trường được, nếu nó không là một quái vật tự gắn đuôi lên trán.
Kế tiếp ngay sau vụ Vinashin, AgriBank, Jetstar Pacific tiêu tốn hàng chụ tỷ đô la… sự cố Dung Quất bồi thêm một tiếng chuông báo trước hàng loạt đám tang Tống Táng Lỗ Lã các “chủ trương lớn”, “công trình trọng điểm” và “dự án cấp quốc gia” sẽ diễu hành khắp VN bằng đoàn xe khủng treo đầy vòng cườm của lãnh đạo.
Bên cạnh đó sẽ là hàng loạt chiến dịch chữa cháy dư luận, không loại trừ những cách chữa cháy bằng sản phẩm Jet A-1.
Ngay trước mắt là các vụ cháy xe trên đường phố. Xa hơn chút nữa là mối lo nín thở của cả thế giới đang dõi mắt nhìn về kho bùn đỏ hàng trăm triệu mét khối đang treo lơ lửng trên Tây Nguyên. Kế đó là các nhà máy điện hạt nhân, đang hình thành cũng bằng các “quyết tâm chính trị cao độ” và sắp được đặt móng ngay trên những “phản biện bị coi là phản động” của nhân dân cả nước.
Trước chập chùng hiểm họa giết dân đó, có kẻ kêu gọi hãy cứu lấy lực lượng chữa cháy của đảng.
Bạn nghĩ thế nào, và chọn lấy cho mình cách giải quyết nào?
20-3-2012
Blogger Đinh Tấn Lực

Cái Âm Ai Cấm Ai Cầm Cấm Ai?



Cái Âm Ai Cấm Ai Cầm Cấm Ai?

. Đinh Tấn Lực

Hỏi thế là hỏi khó.

Thời buổi này, kêu bằng kỹ thuật số, cho nên, cái gì chưa rõ thì tra gú-gờ, nghe chửa!

Bèn bậm môi nghiến lợi thử một phát “gú-gờ-chấm-cấm-làm”. Trang mạng gú-gờ của hàng tiến sĩ búa liềm rỗ mặt này phọt ra một đống những 19 kết quả, trong vòng …82 năm. Vận tốc ngang bằng Phạm Tuân mang dép lốp chạy bộ trên đường băng, ngỡ chừng sắp hết hạn vé quá giang, mà cứ lu loa như thử tàu vũ trụ là của chính mình.

Rà chuột vô từng cái coi 19 điều cấm này nó kêu đừng làm những chuyện gì. Mới tá hỏa. May. Ngồi cà phê bệt. Chứ ngồi ghế đẩu quán cuốc lủi thì đã ngã ngửa té giếng mất tăm rồi.

Phải đọc đi đọc lại, nghiến ngấu/nghiền ngẫm/nghiêng tai/nghiêm mật/nghiệm thu, theo kiểu con ong đã rõ đường đi lối về các hội nghị quán triệt, mới kịp vỗ đùi (mình), như có kẻ lần đầu đọc Lê-nin mà thấy sáng lòa con đường bán nước hiến dân, “ngộ” ra rằng văn kiện QĐ115 biến thể thành QĐ47 bao gồm 19 điều cấm này là …của ai, nhằm gửi …cho ai.

*

Một cách tổng quát (và chỉ cần biết bấm ngón tay đếm số), người đọc có thể nhận xét ngay tại chỗ:
© Điều đầu tiên, quyết định 115 ghi rõ cấm làm những việc mà “pháp luật không cho phép công dân, cán bộ, công chức làm”. Tức là cấm tuốt cả 3 giai cấp (cả trong lẫn ngoài công dân cả nước) cùng lúc?
© Cụ thể hơn, toàn bộ 18 điểm còn lại “quyết định” chứa những điều cấm (nguyên văn) làm “trái quy định của pháp luật” (11 lần) và làm trái “pháp luật của nhà nước” (4 lần).
© Hóa ra, nhờ Quyết định 115 và Quy định 47 mà thế giới phải ngưỡng phục VN ta là nước duy nhất trên hành tinh này có nhiều loại pháp luật, (như thực đơn quán phở có) loại thường và loại đặc biệt (của nhà nước)?
© Hóa ra, cũng chỉ VN ta mới có đầy đủ cùng lúc một rừng luật đầu nguồn chỉ áp dụng ở phía cuối nguồn, và quan trọng hơn nữa, là có cả những quy định cụ thể cấm công dân làm những việc trái luật!
© Hóa ra, những việc khác, dù trái quy định của pháp luật (chung chung) hay pháp luật của nhà nước, mà “quyết định” không đánh vần ghi chép cụ thể ra đây thì …cứ vô tư/tự nhiên/tùy hỉ/tự coi như …khách trú?
© Hóa ra, từ một góc nhìn cận cảnh và đúng theo nguyên tắc chuyên chính, pháp luật là để áp dụng cho mọi thường dân, còn đảng viên vốn là siêu công dân, chỉ cần tuân thủ các quyết định của “trên” là vừa đủ?
© Nói cho rõ, quyết định 115 hay quy định 47 này đều thuộc loại “văn bản trên hiến pháp”? Nghĩa là văn bản tối cao, bởi vì do chính bộ chính trị làm ra?
*
Thọc sâu vào chi tiết, những “quyết định cốt lõi” trong bản văn cho phép người đọc ghi nhận/thu hoạch/đúc kết được một số “chứng cứ không thể tranh cải” về nguồn gốc của nó viết bởi ai , viết vì ai, và viết cho ai:

Điều 18: Chủ ý xách mé về cơ ngơi khu Nhà Thờ Họ ở Kiên Giang, được xếp vào hàng hoành tráng nhất VN, và to đẹp gấp vạn lần đền thờ anh hùng Nhật Tảo Nguyễn Trung Trực của đất Kiên Giang.

Điều 17: Ngay cả Tổng thống Mỹ George W. Bush, trong dịp ghé VN tham dự hội nghị APEC, cũng nhắc khéo trường hợp Nguyễn Thanh Phượng kết hôn cùng một công dân Mỹ.

Điều 16: Là một dấu hỏi to đùng về ngân sách tài trợ du học của Nguyễn Thanh Nghị (đại học George Washington, Mỹ), Nguyễn Thanh Phượng (International University – Geneva, Thụy Sĩ) và Nguyễn Minh Triết (đại học Queen Mary, Anh).

Điều 12: Gián tiếp điểm mặt kẻ nhận quà “lại quả”150 triệu USD nhằm đặc cách dành gói thầu “chủ trương lớn” khai thác bauxite ở Tây Nguyên cho TQ.

Điều 11 (cũ lẫn mới) và Điều 8 (mới): Cốt yếu nhắc người đọc đừng quên các trường hợp Nguyễn Thanh Nghị, mới vào ghế ủy viên dự khuyết BCH/TW, nhậm chức thứ trưởng bộ Xây dựng; Nguyễn Thanh Phượng, lúc 27 tuổi đã là vào ghế chủ tịch Quỹ đầu tư Bản Việt; Nguyễn Minh Triết, vừa tốt nghiệp là được cơ cấu vào ghế Trung ương Đoàn TNCS-HCM.

Điều 10: Lặp lại lần nữa các trường hợp Nguyễn Thanh Nghị/Nguyễn Thanh Phượng/Nguyễn Minh Triết “được bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, đi học, đi nước ngoài”.

Điều 10: Nhắm vào quy trình ăn chia và bao che cho Lương Ngọc Anh, Tổng Giám đốc công ty TNHH Phát triển Công nghệ CFTD, về vụ nhận hối lộ “lại quả” lên đến 10 triệu đô Úc để tạo điều kiện giành thầu dự án in tiền polymer cho Cty Securency của Úc.

Điều 10: Nhắm vào trường hợp chính phủ bao che cho Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Đức Thúy, liên hệ đến số tiền hoa hồng (dưới dạng học bổng cho con trai là Lê Đức Minh) để giúp Cty Securency giành được hợp đồng in tiền polymer cho VN.

Điều 10: Một cách điểm lại trường hợp bao che giảm tội từ án chung thân xuống 20 năm cho Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên giám đốc ban quản lý dự án xa lộ Đông Tây, trong vụ nhận hối lộ của PCI để chia gói thầu từ tiền viện trợ phát triển ODA của Nhật Bản.

Điều 10: Xóa tội cho thường vụ tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Hữu Khai trong vụ kê khống giá mua tàu Hải Âu, cả vụ rút ruột công trình xây dựng công viên An Hòa và bệnh viện Bình An, Kiên Giang.

Điều 10: Bao che cho bí thư Kiên Giang Trương Quốc Tuấn quy hoạch đất tỉnh để kinh doanh địa ốc, và tự cấp học bổng 700 triệu cho con du học.
Vân…vân…

*

Tuy nhiên, những điều vi phạm kể trên, cho dù ở mức kinh thiên động địa đối với thường dân cả nước, thì vẫn không đáng làm bộ chính trị bận tâm. Bởi vì đó chỉ là những chuyện thường ngày, cả đảng nói chung và bộ chính trị nói riêng, không ai là không phạm.

Mười chín điều cấm chỉ được long trọng nhấn mạnh trong các hội nghị quán triệt (thuộc hàng vĩ đại nhất xưa giờ) không bởi những cái gai đạo đức trong mắt, mà bởi những mũi lê ganh tỵ trong lòng:

Từ nhỏ tới lớn là cây xăng Cầu Quay của mẹ Dũng; là đoàn taxi Gia Thảo/Phương Trinh/Hoàn Mỹ của Tư Thắng, em Dũng.

Là Nguyễn Thanh Phương là Chủ tịch Hội đồng quản trị của VCCS, Giám đốc đầu tư của quỹ Vietnam Holding (thị trường chứng khoán London), Giám đốc tài chính của Công ty Liên doanh Holcim (Thụy Sĩ – VN), và là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Quản lý Quỹ Bản Việt. Tức là đương nhiên trở thành chiếc phểu hứng trọn nguồn tiền đầu tư từ tư nhân người nước ngoài.

Là cái phương án đưa Nguyễn Thanh Nghị về làm chủ tịch UBND Hải Phòng trước khi lên bí thư Tỉnh Ủy xứ giang hồ đất Cảng và leo vào Bộ Chính Trị. Kế hoạch đó thất bại mới đành chuyển qua ngả thứ trưởng bộ Xây Dựng.

Là một hệ thống chằng chịt các Tổng Công Ty (tập đoàn kinh tế) tập trung về mỗi mình phủ thủ tướng toàn quyền điều hành chi thu kết toán: 1-Tập đoàn Dệt May; 2- Tập đoàn Điện Lực Việt Nam; 3- Tập đoàn Dầu Khí Quốc gia Việt Nam; 4- Tập đoàn Công nghiệp Than (Khoáng sản Việt Nam); 5- Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; 6- Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; 7- Tập đoàn Xăng Dầu Quốc gia Việt Nam; 8- Tập đoàn Công nghiệp Hoá chất Việt Nam; 9- Tổng công ty Giấy Việt Nam; 10-Tập đoàn Thuốc lá Việt Nam; 11- Tổng công ty Sông Đà; 12- Tập đoàn Thép Việt Nam; 13- Tổng công ty Hàng Không Việt Nam; 14- Tổng công ty Công nghiệp Xi-măng Việt Nam; 15- Tổng công ty Lương thực miền Bắc (đang có kế hoạch sáp nhập Tổng công ty Lương thực miền Nam làm một); 16- Tổng công ty Lương thực miền Nam; 17- Tổng công ty Cà phê Việt Nam; 18- Tổng công ty Đường Sắt Việt Nam; 19- Tập đoàn Hàng Hải Việt Nam; 20- Tập đoàn Viễn Thông Quân Đội Viettel… 

Tức là từ thời lập đảng tới giờ, chưa có một thủ tướng nào lộng quyền thao túng kinh tế và tài nguyên cả nước cho bằng Nguyễn Tấn Dũng. Cũng không ngoa mà bảo rằng chưa có một đảng viên nào giàu ngang bằng, đừng nói là giàu hơn Nguyễn Tấn Dũng. 

Không một ai biết được chính xác Nguyễn Tấn Dũng đã thâu tóm bao nhiêu phần trăm tổng sản lượng quốc gia về cho gia đình và thân tộc.

Càng lắm tiền thì càng nhiều quyền. Thành ngữ các nước vẫn bảo “kẻ nào chi tiền, thằng đó ra lệnh”. Các chức vụ tổng bí thư đảng và chủ tịch nước không khác mấy tấm tranh cổ động dùng cho việc trang trí đường phố mùa lễ hội. Quyền uy của Nguyễn Tấn Dũng gần như ăn trùm toàn đảng. Đến mức cái cóc gì cũng dí mũi vào, với các tít giật gân trên báo đài là “thủ tướng vào cuộc”. 

Và thường là thất bại. Vinashin là một bàn thua trắng tay. Ngân Hàng Nông Nghiệp là một cái phủi tay khác. Cả hai cộng lại tương đương với số tiền ky cóp của hết thảy lao động xuất khẩu gửi về trang trải nợ nần trong năm năm.
Dù vậy, không một ai gánh chịu trách nhiệm. Bầu đoàn của Nguyễn Tấn Dũng lại càng hưng phấn gia tăng nỗi đam mê phá sản các Tổng Cty hay các Tập đoàn Kinh tế. Bởi đó là giải pháp hữu hiệu nhất để tự tạo lấy giải độc đắc cá cặp trước khi hạ cánh an toàn. Phần trả nợ thế giới đã có toàn dân VN anh hùng chu tất.

Hệ quả là bộ hạ/đàn em của Nguyễn Tấn Dũng lại càng khắng khít/ton hót hắn nhiều hơn. Chính phủ ăn đứt đảng ở đó.

Hệ quả cấp hai là Nguyễn Tấn Dũng mặc nhiên trở thành đầu đảng của bọn kiêu binh mà phía đảng, dù không thuộc sử Việt bằng sử Tàu, cũng lõm bõm nhớ đến thời chúa Trịnh lộng hành đối với vua Lê hơn 200 năm trước ngay tại Bắc Hà này.

Nói chung là …phải đạp phanh, trước khi cỗ xe lao xuống vực.

19 điều cấm được phủi bụi trong các hội nghị quán triệt, về diện là để nhắc nhớ cho tất cả đảng viên một số quy định cực nhàm và nhảm, nhưng về điểm thì là để trưng ra cho toàn thể đảng viên có thể mở mắt cùng thấy như nhau về một nguy cơ khuynh loát quyền lực và độc quyền vơ vét ở VN (nhưng đừng vội so với Putin ở Nga – bởi gia đình của Putin chưa chắc đã nắm hết kinh tế cả nước như gia đình 3D).

Cận cảnh thấy được trước mắt là Nguyễn Tấn Dũng thu tóm và chi phối nhân sự cả hệ thống tỉnh ủy (vốn thuộc đảng chứ không thuộc chính phủ), và sử dụng một số tướng công an lên tiếng lăm le “bình định bốn cõi”, trước khi tự khoác long bào như một Đặng Tiểu Bình của khu tự trị An Nam.

Đó là lý do mà Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang cùng câm như thóc về vụ Tiên Lãng. Tầm vóc của Tiên Lãng chỉ là cái móng tay so với tình hình Trịnh Sâm đã quật ngã Lê Duy Kỳ thường xuyên đo ván từ nhiệm kỳ trước tới nay. Tiên Lãng, nhìn ở góc thanh trừng, chỉ là một ván cờ thế giữa cung vua và phủ chúa.

Nhân dân ta có cần một phép thử không? Hãy điềm chỉ cho phe đảng (Nguyễn Phú Trọng) về những kiêu binh địa phương (tầm như bí thư tỉnh ủy Hải Phòng) vi phạm 19 điều cấm này, để xem thử phe đảng xử lý ra sao, ắt rõ. Ngược lại, có khi chính Nguyễn Tấn Dũng bắt bí phe đảng để tước dần vây cánh của Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang, bằng chính 19 điều cấm này, diễn dịch theo cách riêng của Dũng, kêu bằng loại trừ những con sâu rọm của bầy sâu đảng. Cho chừa.

Chỉ cần thế, gút lại, rõ ràng, Quy Định 47-QĐ/TW, ngày 01-11-2011 của BCH/TW (khóa XI), biến thể của Quyết định số 115 – QĐ/TW, ngày 07-12-2007 của Bộ Chính trị (khoá X), vả được long trọng nhắc nhở và nhấn mạnh thành trọng điểm của các cuộc hội nghị quán triệt gần đây, chính là 19 Thông Điệp Nhắn Gửi Gia Đình Nguyễn Tấn Dũng. Người gửi là Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang.

Nội dung cốt lõi của nó, dài dòng là Cấm một mình cầm chuôi chính trị để mài lưỡi kinh tế mà thẻo hết thịt da đất nước chẳng chừa ai. Còn ngắn gọn chỉ ba từ: “Đủ Rồi, Dũng”.

Thanks a lot, gú-gờ-chấm-3D.

10-03-2012Nhân dịp kỷ niệm 24 năm vụ việc phạm phòng dẫn đến tử vong của cố thủ tướng Phạm Hùng (10/3/1988); đồng thời, kỷ niệm 44 năm ngày vào đảng của đương kim thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (10/3/1968); và chuẩn bị kỷ niệm sinh nhật đại gia Nguyễn Thanh Phượng (20/3/1980).

Blogger Đinh Tấn Lực

Dung Nhan Của Đảng & Diện Mạo Kẻ Thù (III)


Dung Nhan Của Đảng & Diện Mạo Kẻ Thù (III)

. Đinh Tấn Lực

Đảng và nhà nước này, tương tự như mọi đảng và nhà nước (vẫn nhân danh/núp bóng chủ nghĩa) cộng sản còn sót lại trên thế giới, nhất định đều cần phải có chí ít một loại Kẻ Thù.

Nhu cầu phỉnh/lòe/lừa/mị nhân dân bao giờ cũng là vừa cơ bản, vừa cụ thể, vừa cấp bách, lại vừa lâu dài.

Kẻ Thù của đảng và nhà nước này vẫn còn nhiều, nhưng nhất định chẳng phải là bọn bá quyền bành trướng hung tàn hiểm độc thời 1979-1980.

Những bia chiến thắng bị phá cho mất dấu tích, những cuộc dâng hương/dâng hoa tưởng niệm và trình diễn văn nghệ giúp vui dưới chân các đài liệt sĩ bên kia biên giới… đã chứng thực điều đó.

Những cà lăm/ấp úng “chứng cứ không tranh cãi” của bộ ngoại giao về vấn đề biển đảo, những ôm hôn thắm thiết, những cúi rạp người bắt tay bằng hai tay, cả chiếc cà vạt cũng cà lăm/cà lặp cho đồng điệu/đồng màu với “quốc khách”, và lệnh bắt giam người hỏi thăm “Việt Nam Tôi Đâu?”, hoặc lệnh cấm chiếu phim Mộ Gió… đã hồn nhiên chứng thực điều đó.

Những biện pháp đàn áp thô bạo các cuộc biểu tình chống hiểm họa Bắc thuộc, những trò bắt nguội/bắt cóc/bắt chẹt/bắt nạt/bắt nọn/bắt địa/bắt tội/bắt ép/bắt buộc/chồng án/triệu tập/khám nhà/”phục hồi nhân phẩm”… hay vất mắm tôm/chất thải vào nhà, và cả bung gót đạp mặt người biểu tình… đã tận tình chứng thực điều đó.

Chẳng những không là kẻ thù, nó, bọn bá quyền bành trướng hung tàn hiểm độc đó, còn là bạn, thậm chí là thầy, với những lời bảo ban/răn dạy (cứ như tam cang ngũ thường của Khổng Tử) rất đáng ghi tâm khắc cốt và truyền thừa cho nhau trong mỗi dịp rèn quân chỉnh cán: “Trong những lần trao đổi với chúng ta, bạn thường nhấn mạnh không để bị ‘Tây hóa’, ‘tha hóa’, ‘thoái hóa’…”. Khổng, và cả đám đệ tử lưu manh của Khổng, chỉ không dám đụng đến cái quyền lợi cốt lõi của hệ tư tưởng ‘lưu manh hóa’!

Rõ ràng, tầm đó, đã ở bậc (tam thế) Sư Biểu, thì không thể nào là Kẻ Thù.

Vậy thì, Kẻ Thù của đảng và nhà nước này là đứa nào? Mặt mũi nó tròn méo ra sao?

Câu hỏi tưởng đâu khó, chẳng dè câu trả lời nó rành rành ra đó, trên mặt báo, trên màn ảnh tivi/màn hình vi tính, và được khuếch đại rõ đậm/rõ to ngay trong các hội nghị TW.

Nghe/nhìn lướt qua, người ta có thể tạm phân loại đám Kẻ Thù này, chí ít, theo bốn hạng mục:

  1. Loại không thấy đâu nhưng nhất định phải tuyệt diệt;
  2. Loại ngờ ngờ ra đó mà không diệt nổi;
  3. Loại ngờ ngờ ra đó mà chỉ có thể chém gió bằng lời cải chính;
  4. Loại đầy đường kín ngõ và thuộc về giai cấp dễ dập nhất.

*

Bọn Phản Đế

Bọn này thuộc loại A, chẳng biết mặt mày ra sao, nhưng nhất định phải tuyệt diệt.

Bọn này thuộc hạng mục phản đế, là bởi vì chúng, chẳng những đã dám chỉ trỏ/hô hoán hoàng đế ở truồng, mà còn đưa cả video clip hoàng đế ở truồng lên mạng.

Bọn này không có (và không cần) chứng minh nhân dân, danh tính chỉ trần xì 4 từ (mà kẻ yếu bóng vía chẳng nên nghe): Thế Lực Thù Địch. Dù vậy, đảng và nhà nước này vẫn chịu khó nhắc đi nhắc lại thường xuyên, cho đảng viên cả đảng cùng thót …tim (vì biết lãnh đạo sợ thật). Mới nhất là lần nhắc lại (với cường độ nhấn mạnh tăng vọt như chỉ số lạm phát) trong hội nghị quán triệt cái nghị quyết 4 thổ tả/chết tiệt mấy hôm trước đây, qua tài năng ký họa thần sầu của đương kim tổng bí thư đảng:

Bốn là, sự chống phá điên cuồng và quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động. Âm mưu cơ bản, lâu dài của chúng là xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, xoá bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Để thực hiện được âm mưu cơ bản đó, các thế lực thù địch đã áp dụng lần lượt hết chiến lược này đến chiến lược khác, hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, rất kiên trì, kiên quyết, xảo quyệt. “Diễn biến hòa bình” là một chiến lược nằm trong hệ thống chiến lược phản cách mạng của chủ nghĩa đế quốc, là “thủ đoạn hòa bình để giành thắng lợi”. Nhiều chuyên gia và chính khách phương Tây còn gọi đây là phương pháp “chuyển hóa hòa bình”, “biến đổi hòa bình”, “cách mạng hòa bình” và gần đây là “cách mạng nhung”, “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”…

Bọn này, thực ra, chẳng mới. Chúng đã được các tay tổng bí tiền nhiệm tốc họa bằng chì than/mực tàu/ chì màu/phấn màu/sáp màu/màu nước/sơn dầu… tính ngược từ thời Trần Dân Tiên. Nghĩa là từ trước cả thời Nguyễn Sáng hoàn tất bức kiệt tác Kết Nạp Đảng.

Có một dạo trước đây bọn chiếu phim hoàng đế ở truồng này được gắn liền với mỹ từ khủng bố. Gần đây, từ khủng bố không còn ăn khách nữa, nên chúng được long trọng tuyên dương là bạn thiết với thứ kỹ thuật gấp vạn lần nguy hiểm là đấu tranh bất bạo động (cha đẻ của cách mạng hoa/màu).

Tội danh chính xác nhất của chúng là chủ trương lật đổ nhà nước XHCN.

Tức là một loại kẻ thù hung hiểm không chân dung, đang chực chờ giải trừ một thứ nhà nước chưa lọt lòng/không khai sinh, mà hiện chỉ lung linh trong đầu lãnh đạo xứ này như cái bóng trăng trên mặt ao tháng tám.

Không tuyệt diệt được bọn này thì có khác nào trứng để đầu gậy, làm sao còn đảng còn mình?

Còn nếu tuyên bố sắp tuyệt diệt chúng thì lấy đâu ra cái để lừa/dọa/mị dân và cả quần chúng đảng để làm lý cớ giữ điều 4 hiến pháp?

Khó xử thật! Nhưng, cứ hẵng cực lực lên án rồi treo đó, như một thứ khẩu hiệu trường kỳ siêu lợi nhuận và xuyên triều đại vậy!

Cứ hẵng đòi tuyệt diệt bằng mọi giá và tự nâng khống giá biểu để lấy tiền xây nhà thờ họ và lập vườn rau sạch một thể.

*

Bọn Phản Đảng

Bọn này, loại B, thì rõ là đông/vui/hao hết ý.

Bọn này được xếp vào hạng mục phản đảng, là bởi vì …đảng cần chúng như thế. Cho các lễ hội tế thần tăng thêm phần an toàn và trọng thị.

Chúng bao gồm các cậu đánh máy (ngang ngược); các cô/cậu chọn ảnh (bộ đội “bạn” dưới cờ ta); bọn đục bia chiến thắng dọc biên giới 6 tỉnh cực Bắc; bọn dâng đặt vòng hoa kính viếng liệt sĩ “bạn” một cách thiếu kín đáo; bọn sửa ngày thành lập tỉnh (cho trùng khớp với quốc khánh “bạn”); bọn du lịch tham quan Tử Cấm Thành và Trung Nam Hải nhân ngày kỷ niệm cuộc chiến Giáo Trừng; bọn quay phim “cận cảnh” bắt gái mại dâm; bọn làm luật từ đường phố tới nhà thương; bọn giải phóng mặt bằng, bằng đạn thật; bọn hiệu trưởng mua dâm rồi dâng gái tơ cho bộ sậu các quan đầu tỉnh; bọn cường hào cát cứ tùy tiện xử lý việc nước sao cho có lợi việc nhà; bọn máu lạnh đánh gãy cổ dân hay nhậu xỉn rút súng ngắn bắn dân gãy cổ; bọn ra quân quăng lưới bắt xe; bọn bịt miệng dân giữa tòa hay đạp mặt dân trước dàn máy ảnh; bọn huy động quân đội phá nhà dân để thu hồi đầm tôm…

Những người này tự cho họ là đại diện cho Đảng bởi họ chính là bí thư hay các đảng ủy viên quan trọng của đảng bộ; tự cho là đại diện cho Chính quyền nhân dân, khi họ là chủ tịch hay các phó chủ tịch, trưởng thôn; tự xem là đại diện của pháp luật khi họ là chủ tịch hay các thành viên của Hội đồng nhân dân xã. Những người này đã triệt để sử dụng các thiết chế hiện hành đang bị quan liêu hóa để hợp thức hóa những quyết định của họ…. Với cơ chế ‘Đảng lãnh đạo’ được hiểu một cách thô thiển theo kiểu đảng viên phải nắm mọi chức vụ cho nên sự kiểm tra cũng bị những người nhân danh Đảng thao túng”. Báo cáo của nhóm nghiên cứu gồm 10 tiến sĩ và phó tiến sĩ thuộc Viện Xã Hội Học về vấn đề nông dân nổi dậy ở Thái Bình (1997) đã đúc kết hàng loạt nguyên nhân gây ra (nguyên văn) “một cuộc khủng hoảng chính trị xã hội thực sự” tại Việt Nam.

Nhìn chung, đó là bọn ăn cơm dân để phục vụ đảng mà giết dân và làm bỉ mặt đảng trước mắt nhìn của thế giới thời a còng.

Tuy nhiên, hiệu năng bôi nhọ của bọn vừa kể này quyết chẳng là cái đinh gì so với lãnh đạo của chúng. Cỡ như bọn “quản lý là quản có lý”; bọn gằn giọng hỏi dân “xuống đường biểu tình Trường Sa Hoàng Sa của VN như thế là lợi hay hại??? lợi hay hại???”; bọn “xây đường cao tốc cho bà mẹ đi làm, trẻ em đi học”; bọn “rau muống xào Thượng Hải”; bọn “rất đáng viết sách”; bọn “phá nhà hay không phá nhà nó là không thành vấn đề”; bọn họp báo tuyên bố các cựu lãnh đạo “về hùa với thằng Vươn”; bọn bồi bút/nịnh thần (Nguyễn Văn Minh/Mạch Quang Thắng);…

Trên cùng, có lẽ phải trao vương miện cùng lúc cho bọn Vinasink; bọn kinh tế gia “đẽo chân cho vừa giày”; bọn cà lăm/nhai lại Quy định 55 (1999), Quy định 115 (2007), Quyết định 45 và 47 (2011); bọn TC2/vương triều Vũ Chính và cái đuôi của bọn bá quyền bành trướng… Gộp chung là bọn chủ chốt đầu xỏ của tiến trình diễn biến nội bộ.

Phản đảng là từ chính xác. Không thể gọi đó là đám phản tặc, bởi không thể xác nhận đảng = tặc (cướp đêm lẫn ngày). Cũng không thể gọi chúng là bọn phản loạn, chỉ vì không muốn tiết lộ bí mật đảng = loạn (báo động tình trạng hỗn mang).

Có người bảo rằng so sánh BCT với 14 tô đậu hủ là cường điệu, là …oan ức, và có phần húy kỵ nữa. Quả thật, BCT biết tất, nhưng không cách nào trị nổi bọn phản đảng này, vì nhiều lý do. Đứng đầu là lý do nội tại: Bọn đầu đảng không thể vung đao tự thiến.

Và chỉ có thể tế thần dăm ba đứa, gọi là Rút Củi Khỏi Lò.

Còn nhìn ngược, tình hình rõ ràng đã vượt ngưỡng Kiêu Binh, đang vuột tay quá độ qua công đoạn …Âm Binh Vật Phù Thủy.

*

Bọn Phản Đề

Bọn này, hạng mục C, bao gồm hết cả các tay chuyên nghiệp phản biện, phản ánh, phản ứng, phản đối, phản xạ… ngờ ngờ chạy đầy đường, và đã từng giật sập bức tường ngăn đôi thành phố Bá Linh rồi mở cửa biên giới Đông/Tây châu Âu.

Chúng thường có những danh xưng gọn nhẹ như RSF, IA, HRW, RFE, RFA, RFI, cùng các loại dự luật H.R.xxxx… Còn báo chí trong nước thì vẫn túm đầu bỏ rọ chúng thành bọn thông tấn nước ngoài (AFP, Antara, AP, Itar-Tass, Ria-Novosti, Kyodo, Notimex, Prensa Latina, Reuters, Yonhap, TNA, Bernama, KPL, APS, MAP, AKP, AsiaNet… và cả NANAP lẫn OANA); bọn sắp hạng tự do ngôn luận; bọn đo lường minh bạch và các tổ chức thống kê thế giới (WB, WEF, ADB, BF, EIU, GI, BF, EIU, Effective Measure…); bọn sắp hạng rủi ro đầu tư tài chính (PERC…); bọn liệt kê loài PFP (ác thú của tự do báo chí); bọn Tổ chức Chống Xử án Tùy tiện (của Liên Hiệp Quốc)… và cả bọn Mi-ăng-ma trở cờ.

Chúng nói gì à?

Bạn sẽ không thể đi xa trong việc giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế, nếu bạn không bắt đầu cùng một lúc giải quyết những nền tảng mang tính thể chế có tác động tới tăng trưởng… Phát triển sẽ đến khi các giới hạn chính trị được gỡ bỏ”. Daron Acemoglu – Giáo sư viện đại học hàng đầu ở Mỹ, Massachusetts Institute of Technology, trả lời phỏng vấn báo The Region tháng 7, 2011

Đại khái vẫn những lời lịch thiệp và lịch lãm (vẫn thường làm nên lịch sử).

Nhưng rõ ràng đây là bọn lắm tiền nhiều của, đã chuyên nghiệp cả quản trị tài chính cấp quốc gia lẫn ngành truyền thông đại chúng, lại còn là những quán quân về phương tiện thông tin hiện đại. Đã có thời chúng từng giúp cho Liên Xô cũ toàn bộ Kế hoạch Cải tổ Kinh Tế 500 ngày, rồi chạy truyền đơn trên màn ảnh truyền hình trong phòng khách từng gia đình, kêu gọi nhân dân Đông Âu hãy tự làm chủ lấy tương lai của chính mình, ngay giữa hồi sôi động một trận bóng giải túc cầu Âu Châu vào khoảng gần cuối thập kỷ 80s của thế kỷ trước.

Cũng không phải là ngẫu nhiên mà bọn chúng đã từ bỏ tờ rơi và làn sóng ngắn, để trở thành đội quân tiền phong của mũi nhọn internet.

Cho nên, cũng không phải ngẫu nhiên mà tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới xếp VN vào danh sách 10 chế độ “kẻ thù của internet”.

Rõ ràng, loại kẻ thù phản đề này danh chính ngôn thuận xuất hiện ngờ ngờ mọi nơi khắp chốn. Nhìn mà căm gan, nghe mà tím ruột. Thế nhưng đảng và nhà nước này chỉ có thể triệt để …lu loa cải chính.

*

Bọn Phản Động

Đám kẻ thù hạng D này phải nói là đông nhất, gần gạnh nhất, và …lãnh án cùng lãnh đạn nhiều nhất.

Về mặt tội danh, đó là bọn phản bác, phản biện, phản lực, phản kích, phản kháng, phản công…

Về mặt phân loại, cho dù bọn này có cùng chung giai cấp nhân dân, song thực sự gồm lắm thành phần: dân oan, dân cày, dân đầm, dân công, dân thường, dân luật, cả dân luận và dân làm báo…, thậm chí, cả “công dân danh dự” và “công dân đặc biệt” nữa.

Về danh tính, người ta có thể tạm liệt kê bề nổi của tảng băng bao gồm Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long, Điếu Cày, Cù Huy Hà Vũ, Vi Đức Hồi, Trần Quốc Hiền, Bùi Minh Hằng, Phạm Minh Hoàng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Quốc Quân, Lê Trần Luật, Huỳnh Văn Đông, Phan Thanh Hải, Paulus Lê Sơn, Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa, Hồ Văn Oanh, Nguyễn Văn Duyệt, Nguyễn Văn Oai, Nguyễn Xuân Anh, Nông Hùng Anh, Thái Văn Dung, Trần Minh Nhật, Lê Nguyên Sang, Nguyễn Bắc Truyển, Huỳnh Nguyên Đạo, Trần Thị Lệ Hồng, Nguyễn Bá Đăng, Thích Quảng Độ, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Hồng Quang, Nguyễn Công Chính, Phạm Ngọc Thạch, Dương Kim Khải, Trần Thị Thúy, Nguyễn Thành Tâm, Phạm Văn Thông, Nguyễn Chí Thành, Cao Văn Tình, Phạm Thị Hoa, Nguyễn Đan Quế, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Xuân Tụ, Nguyễn Kiến Giang, Nguyễn Thanh Giang, Lữ Phương, Trần Khuê, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự, Nguyễn Quang A, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Xuân Diện, Nguyên Ngọc, Hoàng Tiến, Nguyễn Thị Dương Hà, Việt Khang, Tạ Phong Tần, Trần Khải Thanh Thủy, Phạm Thanh Nghiên, Phạm Văn Trội, Trương Quốc Huy, Vũ Hoàng Hải, Lư Văn Bảy, Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Hữu Tính, Nguyễn Kim Nhàn, Ngô Quỳnh, Phạm Quế Dương, Lê Nguyên Sang, Nguyên Phong, Trần Anh Kim, Lê Hiền Đức, Tô Hải, Nguyễn Minh Cần, Dương Thu Hương, Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý…

Còn phần chìm của tảng băng thì không thể nào hình dung ra nổi đất nước này có bao nhiêu triệu anh em nhà họ Đoàn.

Túm gọn, loại Kẻ Thù đông nhất và từng được vinh danh là anh hùng là uy dũng nhất, chính là nhân dân.

Đây là loại Kẻ Thù mà đảng và nhà nước này đã dày công Trả Thù (cá nhân hay tập thể/lén lút hoặc công khai) suốt từ thời chưa giành được chính quyền tới nay. Điếu Cày và Cù Huy Hà Vũ là 2 trường hợp gần nhất và dễ nhớ nhất. 33 năm tù cho các bạn Định, Thức, Trung, Long cũng là một tiêu biểu không dễ gì quên của đòn thù thời đại.

Hãy nghe lạidòng âm thanh bế mạc của phiên tòa ngày 2 tháng 8, 2011 giữa lòng thủ đô Hà Nội:

Tôi, Cù Huy Hà Vũ, khẳng định trong những bài viết, trả lời của tôi đều nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm các thuộc tính: Pháp quyền, của dân, do dân, vì dân, mọi quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, quyền lực Nhà nước là thống nhất vì chỉ có một chủ nhân là nhân dân, thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp như Điều 2 Hiến pháp định nghĩa.

Tôi hoàn toàn vô tội.

Do đó, nếu Tòa án kết án tôi với lý do các bài viết, trả lời phỏng vấn của tôi có nội dung đòi xóa bỏ điều 4 Hiến pháp quy định sự lãnh đạo của Đảng; đòi đa nguyên đa Đảng; đòi từ bỏ chủ nghĩa xã hội gắn liền với chủ nghĩa Mác Lê Nin; về việc khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng… không gì khác hơn là sự trả thù, đàn áp của Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước hết, đối với tôi”.

Quy trình trả thù đó chưa chấm dứt hôm nay, thậm chí, cả trong tương lai, cho tới khi nào nhân dân cùng sát cánh tước quyền Trả Thù của đảng và nhà nước này.

Khó ai đoán được điều gì xảy ra kế tiếp vụ cưỡng chế Cống Rộc, một khi bốn loại kẻ thù phản đế, phản đảng, phản đề và phản động kể trên tự tạo lấy điều kiện liên hoàn tung hứng với nhau.

Dù vậy, chừng như những đóa hoa cải đầu tiên đã báo hiệu cho một cánh đồng vàng rực đến tận chân trời dưới ánh bình minh.

05-03-2012 – Ghi nhớ ngày Winston Churchill đẻ ra từ “bức màn sắt” 5/3/1946.

Blogger Đinh Tấn Lực