Canh Hẹ Trên Trời vs. Điền Đan Dưới Đất


Canh Hẹ Trên Trời vs. Điền Đan Dưới Đất

. Đinh Tấn Lực



Facebooker Bill Gates (4.469.193 likes) vừa mới đăng bức ảnh trên, và vô tình làm dậy sóng cộng đồng mạng (VN), cả sóng thanh lẫn sóng tục, cả đàng hoàng lẫn vô giáo dục. Chỉ trong vòng 8 giờ đồng hồ, tính tới lúc ghi ảnh màn hình lại đây, bức ảnh đã có 3.723 phó bản chia sẻ, 22.156 cú bấm likes, 2.908 comments và còn đang tăng nhanh.

Nội dung mà Bill Gates chia sẻ không có gì ghê gớm. Chỉ là một nhận xét về nhu cầu năng lượng của VN gia tăng 14% mỗi năm. Kèm theo một dấu chấm hỏi là làm cách nào nhà nước VN giải quyết nhu cầu đó với một lưới điện canh hẹ rối bời như trong bức hình.

Nội dung nguyên thỉ là từ một bài báo có tựa đề “Điện lực VN: Một gánh nặng” trên tờ The Economist, báo giấy, số ra ngày 31/8/2013. Gốc gác bức hình canh hẹ trên trời cũng là từ bài báo đó.

Facebooker  Cứ Nguyễn, tức nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ, xem ảnh, tức cảnh sinh tình chằng chịt:
Chúng ta là một thứ dây nhợ chằng chịt 
Được cấu tạo bởi một xã hội chằng chịt
Được hình thành [bởi] một chế độ chằng chịt
Được cai trị bởi những cái đầu mù mịt…”.
Facebooker  kiêm nhà thơ Văn Công Mỹ đề xuất thêm mấy từ còm dí dỏm:
Chúng ta là một thứ dây nhợ chằng chịt
Được cấu tạo bởi một xã hội nhăng nhít
Được hình thành [bởi] một chế độ xôi thịt
Được cai trị bởi những cái đầu mù mịt…”.
Độ rối chằng chịt ở đây, rõ ràng không hẳn chỉ là mớ dây điện giăng mắc phủ kín bầu trời đô thị VN. Nó là biểu trưng của một quốc gia (nhăng nhít) được vận hành bằng dàn lãnh đạo (gồm những cái đầu mù mịt) thông qua một số nhóm lợi ích (xôi thịt) đang thuê bao bảo vệ là công an, dân phòng, côn đồ và điềm chỉ viên (quấn nhau chằng chịt).

Riêng điều đó thì chắc là Bill Gates mù mờ, hoặc, ít ra, giả tảng mù mờ. Không khác gì chàng đã từng giả tảng mù mờ về chuyện sinh viên VN được đội cò giáo dục đại học đầy học hàm học vị tại đây “hướng dẫn” làm sao để có cơ hội gặp mặt và níu tay chàng năm nào ở VN.

Kể cũng khó lòng mà Bill nắm được các số liệu mới luân lưu trên mạng gần đây là cứ trong sáu người lao động VN đã có một người làm việc cho an ninh hay cộng tác với an ninh (Carl Thayer ước lượng cả thảy lực lượng này lên đến gần 7 triệu người).

Hoặc, không chắc Bill có cơ hội đọc được số liệu so sánh của nhà báo Bùi Tín trong một bài viết mới đây:
"Trong 30 năm chiến tranh cả Bộ Công an chỉ có 3 sĩ quan cấp tướng và 7 đại tá, mà nay riêng Bộ này đã có 13 Tổng cục, 38 Cục và Vụ, hơn 160 tướng, 360 đại tá và thượng tá, cả một đạo kiêu binh được thăng cấp và tăng lương nhanh nhất, chỉ để bảo vệ đảng là chủ yếu, không coi dân ra gì..."
Thế là, hóa ra, cả tờ Economist lừng lẫy lẫn Bill đại thụ, đều …chém phải gió.

Chỉ vì nhu cầu năng lượng có tăng mấy cũng chẳng có chi đáng ngại: Nó không bảo vệ đảng, cũng không giúp được gì cho mối lo mất đảng. Vả, mất nước còn chẳng đáng lo, lo gì mất điện (là chuyện xảy ra hàng ngày ở huyện)?

Karl Marx bảo: “Hạ tầng cơ sở quyết định Thượng tầng kiến trúc”. Bill là người tài cao hiểu rộng, và là một doanh nhân hạng khủng, thế nào cũng biết. Bill chỉ có thể chưa kịp biết là: Sau khi Đệ tam Quốc tế tan hàng rã đám, thì ở các nước bám càng bị gãy răng văng lợi này, khẳng định của Marx được chêm thêm đôi chữ: “Hạ tầng cơ sở bạo lực quyết định sự tồn tại của Thượng tầng kiến trúc”.

Do vậy, hãy quên đi điện lực/năng lượng/giáo dục/y tế/lao động/tài chính/giao thông… các thứ . Ngân sách quốc gia, tức tiền thuế của dân, thậm chí cả viện trợ ODA, chỉ rót vào ngành an ninh, sau khi đã trám đầy nhiều két sắt trung ương và các trương mục Thụy Sĩ.

Bởi, điện lực/năng lượng/giáo dục/y tế/lao động/tài chính/giao thông các thứ… chỉ có giá trị ngang hàng với phong bì và chung chi là hết mức. Dân có ngu nhiều đời vì sách giáo khoa, hay có chết hàng loạt vì tiêm vắc-xin, cũng chỉ là chuyện muỗi. Cái mà nhà nước này cần củng cố phải là thứ trụ cột chống bão cho chế độ. Nghiệm ra thì chỉ có an ninh/dân phòng/côn đồ/điềm chỉ là thứ hạ tầng cơ sở đáng để nâng niu.

Bằng cách nào?

Một, gia tăng nỗ lực rót quyền và rót tiền từ thượng tầng bạo lực vào các tiết mục ưu đãi đặc cách: Thăng cấp, tăng lương, thêm phụ cấp, cho phép mở rộng địa bàn, bảo kê và khuyến khích bảo kê thông thoáng ở mọi cấp, thậm chí miễn phí tiền trường cho con em của CA… nói chung là nuôi dưỡng và phát triển lòng trung thành. Đổi lại là CA có cả quyền bắt dân quỳ gối xem đến tàn cuộc nhậu.

Hai, gia tăng sự hỗ trợ của đệ tứ quyền lực hệ chính quy: Báo đài được đặt hàng nhiều hơn và nhặt hơn để bẻ cong mọi sự kiện hầu đánh bóng hoạt động của an ninh. Điển hình gần nhất là trong thời gian kỷ lục đôi ba ngày đã có hàng loạt hơn 40 bài báo (cả chữ lẫn hình/cả TW lẫn địa phương) thi đua ca tụng sự tráo trở/lật lọng bản cam kết thả người bị bắt trái phép ở giáo phận Mỹ Yên.

Ba, gia tăng sự cộng tác của hệ ăn chia là ngành tư pháp: Sử dụng liên tục các bản án bỏ túi vi hiến và vi luật, thậm chí, sử dụng cả những thủ thuật hạ cấp để khép tội người ngay, án chồng án, giam nuôi án, thậm chí đánh tù nhân què cẳng (Paulus Lê Sơn), với hy vọng răn đe và làm chậm lại phong trào nhân dân phản đối chính sách hèn/ác của đảng và nhà nước.

Bốn, gia tăng sự cộng tác của hệ ăn theo là các ngành “nguyên & cựu”, thông qua hệ sổ hưu và những món tiền còm theo suất. Nhằm rỉ tai bà con hàng xóm như những chiếc loa phường lưu động; hoặc, tuyên truyền cô lập các đối tượng trong sổ đen của an ninh; hoặc, kéo nhau đến quậy phá/quấy rối nơi làm việc của nạn nhân (Viện Hán Nôm, chẳng hạn); thậm chí, làm nhân chứng cho các cuộc khám nhà tịch thu vi tính/di động/máy ảnh của nạn nhân…

Năm, tổ chức rềnh rang có quay phim/chụp ảnh/đăng báo/truyền hình các cuộc thực tập quy mô cực kỳ tốn kém tại các địa bàn trọng yếu, dưới tên gọi “chống khủng bố/chống biểu tình bạo loạn…”. Nhằm hù dọa số đông thầm lặng đang ủng hộ những người biểu tình tuần hành giữ đạo/giữ đất/giữ nước… hay đòi công lý/công bằng/tự do/dân chủ.

Sáu, ở cấp chính phủ, là thường xuyên ban hành những lệnh cấm, dưới dạng nghị định/quyết định/sắc lệnh/thông tư hướng dẫn: Làm nền tảng cho mọi nhũng nhiễu/bạo hành/cửa quyền… giúp hạ tầng cơ sở CA huơ gậy/nghe lén/cắt mạng/cúp điện thoại/xét hộ khẩu/ném chất thải/tung hơi cay/múa dùi cui/đập vỡ sọ/vụt gãy cổ/thậm chí nổ súng trực tiếp vào dân.

Tất cả, chỉ nhằm mục tiêu nắm sẵn trong tay một lực lượng vũ trang có đủ tiêu chuẩn máu lạnh để giết dân.

Dưới đường phố: Giải tán biểu tình bằng phương pháp cắt đoạn, đánh tan, hốt nóng, bắt nguội. Nếu cần thì đàn áp bằng bạo lực/quặt tay/đạp mặt/xiết cổ/quăng xe/bắt người về đồn hoặc về trại phục hồi nhân phẩm/đánh đập/tra khảo.

Trên mạng ảo: Phân hóa các nhóm đồng tâm hiệp lực, cũng thông qua phương pháp tương tự: Ly gián, bằng các lý cớ dựng chuyện đâm thọc/giả giọng cực đoan/gài bẫy tiền/đặt bẫy tình/xoay hướng nhóm/tạo bất đồng/gây hiềm khích/khen lên mây/chê xuống vực/thả tỵ hiềm/chêm khoảng cách/tách trong-ngoài/chia Nam-Bắc/trách cứng-mềm/chẻ nhỏ nhóm… Công đoạn chót là cô lập/gửi giấy mời/triệu tập/đón lỏng/bắt nguội/tạm giam quá hạn/khởi tố/áp án (đơn cử trường hợp Đinh Nhật Uy).

Tại Hội nghị công tác tuyên giáo toàn quốc ngày 09-12-2012, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi khoe rằng: 
Đã tổ chức đội ngũ 900 thành viên trên toàn thành phố nhằm phát huy sức mạnh của đội ngũ tuyên truyền miệng. Trong khi đó, báo chí thủ đô thực hiện ý kiến chỉ đạo về những vụ việc nhạy cảm; thành lập các tổ phóng viên bấm nút, phản ứng nhanh... Tổ chức ‘nhóm chuyên gia’ đấu tranh trực diện trên mạng Internet, tham gia bút chiến trên Internet. Đến nay, đã xây dựng được 19 trang tin điện tử, hơn 400 tài khoản trên mạng”.
Có nghĩa là riêng địa phận thủ đô tự hào đã đào tạo/chu cấp cho non nghìn “Điền Đan thời @”, tên tộc là dư luận viên (DLV). Các thành phố khác cũng dễ nào chịu thua. Mai Mộng Tưởng, Phó ban tuyên giáo của Đà Nẵng, tiết lộ đã nuôi quân DLV từ năm 2010… Hội nghị Tổng kết công tác tuyên truyền miệng năm 2012  nêu con số gần 80 nghìn “tuyên truyền viên miệng” đã được đưa vào hoạt động làm DLV. Chưa kể một sư đoàn tin tặc chuyên nghiệp phục vụ cho an ninh dưới tên gọi công an mạng (CAM) mà Vũ Hải Triều đã từng long trọng tuyên dương thành tích trong Đại hội Nhà văn mấy năm trước. Và cả bọn chuyên lãnh lương, ăn nhậu, rồi nghĩ ra trò mới hại người.

Một số không ít những nhân vật đấu tranh cho dân chủ ở đây đã kinh qua các trò ly gián của mớ côn đồ trên mạng mang nhãn Điền Đan. Một số rất ít bị sập bẫy. Một số ít đã bị mất mật khẩu/trương mục email, blog hay FB về tay tin tặc. Phần lớn đã dùng lý luận/chính nghĩa để hô biến đám DLV. Một số khác chịu khó lật mặt nạ từng tên, cả CAM trước đây và DLV gần đây (ví dụ trường hợp Phêrô Huỳnh Nguyễn Minh Toàn, chẳng hạn).

Nhờ đâu mà các anh chị em Blogger/Facebooker đứng vững và vượt qua sức tấn công biển người (và hạ đẳng) của CAM&DLV trong thời gian qua?

Một, tấm tình gắn bó với nhau và biết là đang đứng cùng với chính nghĩa đấu tranh. Nghĩa là “Cho dù có thế nào chúng tôi vẫn tin nhau hơn là tin bọn côn đồ đâm thọc”.

Hai, thẳng thắn trò chuyện nhằm giải tỏa ngộ nhận, nếu có. Nhất quyết không đặt vấn đề hoặc gây áp lực với đồng đội bằng những dữ kiện của CA (hay nghi ngờ là của bọn đâm thọc).

Ba, kiểm chứng các dữ kiện qua nhiều nguồn khác nhau trước khi kết luận theo hướng mà bọn DLV nhắm đến (và tạo ra một hình ảnh biểu kiến là nhiều người nghĩ vậy).

Bốn, biết chắc rằng chính mình cùng đồng đội mình sát cánh nhau chỉ vì đã đặt dân tộc và lý tưởng tự do dân chủ cho VN lên trên hết, lên trên cả tập thể nhóm hay phong trào/tổ chức/đảng phái… và đó chính là lý do khiến an ninh phải dụng công ly gián làm phân hóa nhóm.

Năm, biết chắc là khi phong trào càng lớn thì sức phản công của nhà nước càng mạnh. Ngược lại, khi lệnh cấm hay lệnh bắt của nhà nước càng nhiều thì sự bất lực của nó càng lộ rõ: Hết Vở!

Trong bối cảnh đó, các thứ tuyên truyền theo kiểu Không thể ‘tam quyền phân lập’…” (Bùi Văn Học – ANTPĐN), hayGiữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng là trách nhiệm và nghĩa vụ của chúng ta” (Lê Mạnh Thắng -  ANTĐ), chỉ càng tô đậm thêm bức tranh Vỡ Trận.

Và chắc chắn sẽ làm cho cả Bill Gates lẫn cựu Thủ tướng Anh quốc Tony Blair đang lăm le đóng vai trò cố vấn cho Chính phủ VN về kinh tế hẳn thêm phần nhức đầu.

Họ sẽ không hỏi làm cách nào VN có thể giải quyết những vấn nạn kinh tế chằng chịt đó trong một thể chế công an trị.

Họ sẽ tự hỏi tại sao lại phải thò chân vào cái hố phốt đậm đặc bốc mùi này!

*

Bill chỉ dùng lại bức ảnh chằng chịt trên báo Economist.

VN có hàng trăm tác phẩm dây điện chằng chịt hơn thế nhiều.

Hãy thử ngắm một bức trên trang nhà của một Facebooker quen thuộc và thử ngẫm xem bạn thấy gì qua đó?




Đừng nghĩ tới lá cờ đỏ làm nền, hay tờ quảng cáo sửa Ti-Vi trên tường.

Có phải là những dây lạp xường này sẽ bị cắt khúc trước khi chiên hay nướng?

Chúng ta, những tay dân báo, bất kỳ là blogger hay facebooker, có tự coi nhóm mình là những dây lạp xường đó không, hay chúng ta đã bện vào nhau thành một sợi thừng đang thắt hình thòng lọng dành cho cái chế độ công an trị chết tiệt này?

10-09-2013 – Kỷ niệm 58 năm tròn ngày khai sinh cái bộ phận có tên là MTTQ.
Blogger  Đinh Tấn Lực

·         Chú thích nhỏ: Điền Đan (田單) là tướng nước Tề thời Chiến Quốc, từng được coi là bậc thầy dùng kế ly gián.



Kim Cương Và Đất Sét

Kim Cương Và Đất Sét
. Đinh Tấn Lực



Thư gửi bạn mình.

Bạn mình,

Đọc thư bạn, dù chỉ đôi ba dòng ngắn ngủi, có tài thánh cũng không nén được tiếng thở dài.

Ngậm ngùi, và bắt nhớ nhiều điều...

Có lần, có duyên được thưởng trà với vị GS cựu Khoa trưởng Kịch nghệ đại học Tamagawa, ở đoạn trồi gập khúc của một con suối khoáng nước nóng dưới chân núi Phú Sĩ. Câu chuyện đưa đẩy từ nghi thức và các trường phái trà đạo chuyển dần sang đề tài cá nhân và tập thể...

Ông ấy nói: “Chúng tôi rất ngưỡng mộ những người VN, cả những vị đồng nghiệp lẫn những sinh viên ở Tokyo, mà tôi từng quen biết... Mỗi người đều mang nặng trong lòng một nỗi đau VN. Mỗi người đều tài trí lấp lánh như những viên kim cương. Ở tầm cá nhân thì, so với ánh sáng lấp lánh đó, người Nhật chúng tôi thấy mình chỉ như ...đất sét. Chỉ được mỗi điều an ủi, là đất sét thì …dính được với nhau”.

Kịch tác gia có khác! Ông ấy phả chữ ra thành mây nâng bổng người nghe như Boeing rời phi đạo, đợi lên chín tầng mây, xong búng tay cho rơi tự do, như một phù thủy. Trà bột của Nhật vừa đặc vừa đắng, hòa với lời nhận xét của ông ấy nữa thì quả không còn gì đắng bằng, chẳng dám nghĩ tới vị đắng hơn. Cả những quả mứt mơ ướp hương trà cũng mất tiêu vị ngọt. Mà không cãi được. Chỉ biết ghim chặt câu chuyện vào lòng, như một bài học có khi phải học đi học lại suốt đời.

Mà cũng không chắc đó là bài học cho riêng mình. Bá nhơn bá tánh. Trăm người trăm họ, nhưng cũng có thể hiểu là trăm người trăm nết. Hai người bạn rất thân, thật ra chỉ thân nhau ở những điểm chung tích tụ với nhau nhiều hơn là với những bạn (ít thân) khác, còn lại thì cũng toàn là những dị biệt. Vợ chồng cũng không khác, mẫu số chung có nhiều mới cưới nhau, rồi tăng thêm mớ mẫu số chung mới toanh là con cái, vậy mà vẫn khác nhau, tới cuối đời vẫn còn ngạc nhiên về nhau. Huống gì những tập thể đông hơn hai người (như bạn thân, như vợ chồng, vừa nói)?

Vậy thì, có khi phải ngẫm lại, với tất cả công bằng có thể có: Điều gì đã khiến những cá nhân đầy khác biệt (lắm khi đến mức góc cạnh với nhau) đó có thể đứng chung với nhau thành một tập thể?

Trước tiên, đó phải là những người có tâm, chính xác là có cùng một tâm hướng (chứ chưa hẳn là chí hướng, bởi đồng tâm khác xa đồng chí). Nôm na, nó phát xuất từ những tấm lòng có chung điểm đau và điểm bật. Điểm đau thường kéo dài và làm thành cái gạch nối giữa những cá nhân. Còn điểm bật thì không đứng một chỗ. Ban đầu đó là sức bật của riêng mình, biến thành hành động nối liền ngay sau những suy nghĩ rất riêng. Sau đó, nó kết hợp với bạn bè chung quanh thành sức bật của đám đông. Từ đó, nó bắt đầu thay đổi. Nó biến dạng, tùy theo bối cảnh của “sự bật”. Cũng không hiếm những trường hợp sức bật đủ mạnh để đẩy một vài cá nhân phóng vút lên tận một quỹ đạo đầy hào quang nào đó, tự tạo, hay do nhiều người khác tạo ra... Tức là tự nới dây hay tự cho phép mình tách rời khỏi cái gạch nối của điểm đau chung. Một phần của bi kịch bắt đầu từ đây chăng?

Kế tới, đó là những người có tài, dù ít dù nhiều, nhưng đều được bạn bè chung quanh trân quý, bởi cái sở trường rất riêng đã làm giàu thêm cái khả năng chung của cả nhóm. Ngược lại, cái bối cảnh chung của môi trường hoạt động cũng phần nào làm thăng tiến cái sở trường riêng nhỏ nhoi của từng cá nhân, hay chí ít, giúp cho cái sở trường đó đạt được hiệu năng cao hơn, so với khi nó hoạt động đơn lẻ một mình (và đó là một trong những động lực lớn nhất của sự hợp đoàn). Cứ thế, nó dần dà khiến cho người ta dễ lầm tưởng rằng cái tài của riêng mình quả thực thăng hoa so với chính nó năm xưa, thậm chí, quả thực nổi trội hơn hẳn mọi người trong đám đông (và tự cho phép mình sinh tật một cách mặc định, lại nghĩ rằng mọi người phải coi đó là chuyện đương nhiên).

Mặt tích cực của sự thăng tiến là mức phát triển chung, của cả nhóm; nhưng bên cạnh đó, mặt kia, ít tích cực hơn, của nó, là khiến cho một vài cá nhân hoa mắt trước thành quả của chính mình, rồi tự rời vị trí tốt nhất ban đầu, có thể là hậu vệ/trung vệ... để tự đuổi bóng ở mọi góc sân, gọi là bao sân, quyết sút thủng khung thành địch thủ, một mình. Chính từ đó, lâu dần, quên mất, hoặc không còn rõ cái tập thể “quay quanh mình” là thái dương hệ hay cả dãy ngân hà... Thường, những cái rốn của vũ trụ nẻ ra từ chỗ này chăng?

Thành ra, cho dù chẳng hề mặn mà chút nào với truyện Kiều, người ta cũng vẫn nghe chừng dễ gật đầu với câu kết: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Biết thế, nhưng cũng biết cả chuyện kềm chế mặt tật của cái tài sao cho đừng làm mờ cái tâm... quả không phải là điều dễ làm, bởi, không một ai trong tập thể chúng ta là thánh.

Mà đã vậy thì chốt thế nào đây?

Tạm thế này xem sao:

Một, trong một tập thể, đã đành là mỗi người đều cần biết rõ việc mình làm là gì, làm thế nào, làm khi nào, làm với ai, ảnh hưởng tới ai... mà còn cần phải cùng thấy bức tranh chung của bối cảnh công việc, như nhau. Không ai thấy nó lớn hơn hay nhỏ hơn cái kích cỡ như nó đang là. Không ai thấy mình quan trọng hơn hay kém người khác, mà chỉ lo mỗi điều là làm sao cho khâu mình trách nhiệm sẽ nối ngay vào khâu trước mình, và làm sao cho dễ dàng hơn cái khâu kế tiếp sau mình. Khi đó, mỗi người sẽ thấy ra mình cần phát huy sở trường cho nhau, và đừng quên tìm cách gia giảm sở đoản của nhau (sao cho càng ít mích lòng càng hay, chứ không thể nào không va chạm, mà nếu chấp nhận được sự va chạm cần thiết trong tinh thần cầu tiến chung này thì số một!).

Hai, riêng từng người, thỉnh thoảng duyệt lại bản thân mình xem cái chữ “ngã” của mình có làm chậm bước đi chung của cả nhóm không? Bởi, trong bức tranh chung, những cánh hoa rực sắc thường vênh và thường quên mất khúc rễ dẫn nhựa nguyên và những chiếc lá hút nắng đổi nhựa nguyên thành nhựa luyện để nuôi hoa. (Đức Đạt Lai Lạt Ma ví von cái tôi đó như những ba lô đá của từng người, và ngài kêu gọi mọi người đừng tự chất thêm đá trên lưng. Buông xả là tốt nhất!). Ngược lại, mỗi người đều hoạt động để tự làm đầy cái lý tưởng khao khát của riêng mình, tức là, không một ai phải hoạt động để làm vừa lòng người khác trong nhóm, do đó, cũng đừng chờ đợi người khác phải mau mau buông xả những tảng đá của họ, cho vừa ý mình.

Ba, đừng muộn phiền vì bạn ta không chăm chú lo cái ba lô đá của chính họ hơn là chăm bẳm vào cái ba lô đá của người khác, nghĩa là bạn ta thích bắt lỗi hơn là tự sám hối. Mọi tính khí đều sẽ tự lộ ra, càng chăm chú đánh bóng hay dát bạc, sẽ càng lộ rõ hơn với vận tốc nhanh hơn. Bộ máy sinh hoạt của thiên nhiên và con người đều có những bộ lọc tự nhiên để loại dần hạng tính khí đó (chứ không thì con người không có được vị trí ngày nay trong các loài động vật). Cả trong những nhóm nhỏ, những tập hợp ít người, cho tới những chính đảng, những phong trào, những quốc gia, thậm chí, cả những liên bang hay liên quốc gia, đều thế. Có khi sự vận hành loại bỏ này kéo dài và gây thất vọng đó đây/nhiều ít, nhưng nhất định là nó sẽ sớm muộn gì cũng xảy ra, cần nhất là tự mình gạt bỏ những bực dọc làm phiền chính mình ngay từ bây giờ.

Bốn, quy trình hoạt động của các tập thể cũng chẳng đời nào “bất biến”. Nó sẽ tự phình nở, tách đôi/tách ba, rồi mỗi phần sẽ phình nở tiếp, có khi lại tái hợp, rồi lại tách lìa hay tự vật vã hoàn chỉnh... Như vậy thì mỗi cá nhân trong đó sẽ không hề đứng yên. Mỗi người sẽ có một số bạn, rồi sẽ rời một số bạn, rồi có thêm một số bạn khác... cứ thế, cứ thế. Điều làm mình dễ “xuống tinh thần” là vì mình quá yêu cái nhóm nguyên thỉ và chưa thật sự chuẩn bị tâm lý cho sự thay đổi vóc dáng hay tầm với của nó. Còn tình cảm và còn lương tri là còn thấy đau, đã đành là vậy. Song có lẽ chẳng nên để cái đau nhất thời đó làm mờ lương tri, dẫn tới những quyết định xa lìa tập thể hay tự thu rút ngược vào cái ốc vỏ trước khi chính mình tự nảy ra sức bật. Tập thể chỉ là phương tiện. Đích nhắm trong sáng (thường được gọi là lý tưởng) của mình muốn đạt, thông qua và cùng với tập thể đó, mới là cứu cánh. Mỗi chúng ta đều cần một phương tiện, vào mỗi lúc, để đạt được lý tưởng của chính mình.

Sau cùng, hy vọng đôi dòng viết vội này làm được cái việc cần thiết giờ này là một bờ vai tình thế.

Be Strong! Hãy mạnh mẽ lên! Bạn mình.



03-09-2013
Blogger Đinh Tấn Lực


Xưa Rồi… Dũng

Xưa Rồi… Dũng

. Đinh Tấn Lực - Phóng sự hình Mãi Võ Chợ Hàn


Chuyện này xảy ra lâu rồi.

Tức là mánh này xưa rồi.

Túng quá cứ xài đi xài lại.

Mòn nhẵn.

Năm 2010, VNexpress thực hiện cuộc bình chọn “Nhân vật của năm 2000”.
Ai vậy?




Đầu năm 2011, TTXVN dịch lại một bài viết trên báo Đức, tựa đề là  “Thủ tướng xuất sắc nhất của các nước Châu Á năm 2010”. Các báo khác ăn theo bản tin thông tấn quy mô này.



Các báo viết rằng bài ngợi ca TT được đăng trên “Nhật báo Firmenpress” bên Đức Quốc.

Cả nước Đức (và trên cả thế giới) không hề có tờ báo này.

Đức chỉ có trang mạng www.firmenpress.de của công ty quảng cáo LayerMedia Inc., chuyên ngành đánh bóng/PR và huấn luyện mánh lới đánh bóng/PR cho khách hàng.



Một trong những khách hàng có 2 bản thông cáo báo chí cậy đăng (có trả phí) liên hệ với “Nhân Vật Của Năm 2010” là RES-Resources, Ecology, Services GmbH, một công ty xử lý/tái chế rác phế thải, ngắn gọn là 1 công ty rác.



Bản thông cáo báo chí cậy đăng (có trả phí) thứ nhất chính là bài báo ca tụng “Nhân Vật Của Năm 2010” mà TTXVN đã “dịch” và phân phối cho dàn báo có môn bài trong nước nói trên.



Bản thông cáo báo chí cậy đăng (có trả phí) thứ nhì được Cty Rác RES đăng trên blog www.politikexpress.de (không có báo giấy & ban biên tập), rồi quay ngược về VN thành bài “Báo nước ngoài ca ngợi ‘Nhân vật của năm’ - Thủ tướng VN”.



Tất cả những thông cáo báo chí đó đều được viết bằng loại Đức ngữ theo cách xếp ý khá đặc thù của người Việt, xong dịch ra tiếng Đức, đăng lên các trang quảng cáo, rồi được “chuyển ngữ” lại bằng bản tiếng Việt có sẵn, thành một trò chơi xử lý rác phế thải, nhằm đánh lừa cả báo giới lẫn độc giả VN. Ở đây, tiến trình dịch và chuyển ngữ đó được thực hiện hai lần, để tạo cảm giác ngày càng được thiên hạ liên hoàn  “đánh giá cao”!

Tác giả Nguyễn Tôn Hiệt đã liệt kê tiến trình tung-hứng hoành tráng và lừa đảo nhơ nhuốc này giữa Cty Rác RES và TTXVN để dựng nên vở kịch Sơn Đông Thuốc Dán hồi đầu năm 2011.

Cũng trong năm 2011, báo chí trong biên chế ở VN đăng tài một bài cậy đăng đã “chuyển ngữ” khác, từ tờ báo The Korea Herald của Hàn Quốc.



Phương thức này được lặp lại vào năm 2012, cũng trên tờ The Korea Herald.



Và đặc biệt năm 2013, tới nay, có những hai bài ngợi ca cậy đăng trên tờ The Korea Herald: một bài ngay sau Hội Nghị SangriLa (tháng 6/2013), và bài thứ nhì (cuối tháng 8/2013).





Lee Moon-shik & Lee Min-ho, tác giả những bài báo đó trên tờ The Korea Herald là ai?

Cả hai đều không phải là phóng viên hay ký giả các cột báo xã hội/kinh tế/chính trị của tờ báo.

Cả hai là nhân viên của Kindmatic Co. Ltd., một công ty trách nhiệm hữu hạn chuyên tái xuất loại phôn di động quá đát (đã qua sử dụng) của Hoa lục và cho dân nghèo Hoa lục, cộng thêm các mặt hàng quần áo và dụng cụ chạy bằng điện.

Ngay trên trang mạng giới thiệu chính thức của Cty này đã để lỗi chính tả/typo tiếng Anh từ nhiều năm nay: “manufacturing” (chế tạo) được viết thành “manifacturing”.



Vì vậy, các bài cậy đăng của Lee Moon-shik & Lee Min-ho trên báo The Korea Herald thường được ghi chú ở dòng cuối cùng: “The writer is senior director of Kindmatic Co.Ltd. The opinions expressed in the article are his own”, tạm dịch thoát: “Tác giả là giám đốc thâm niên của Cty trách nhiệm hữu hạn Kindmatic. Ý kiến trình bày trong bài này là của riêng cá nhân tác giả”.



Điều đó cho thấy sự lặp lại con đường cầu vòng của tiến trình VN tự viết bài ca ngợi đồng chí “X” bằng tiếng Việt, dịch ra tiếng Anh, nhờ nhân viên hãng tái chế/tái xuất quần áo và điện thoại quá đát (và xài rồi) Kindmatic cậy đăng trên báo The Korea Herald, xong rồi viết thêm mấy dòng sa-pô lên bản tiếng Việt ban đầu, phân phối rộng khắp dàn báo đảng, đồng loạt tái chế một mặt hàng chính trị quá đát/quá đà/quá đỗi/quá đáng… và hồn nhiên dán nhãn là quá đỉnh.



Trong bài mới nhất này, “Vai trò quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”, chưa cần đọc những lời tự diễu, người ta đã thấy ra mấy chuyện vô lại/lố lăng:
-   
  • Con đường lừa đảo kiểu Trần Dân Tiên đã vào ngõ cụt trong thời đại @ này;
  • Cái tựa đề đó chẳng vẽ ra vai vế ở đâu, nhưng cho thấy tay này lắm trò đểu cáng;
  • Kịch tác gia nguyên sơ của trò tráo bài ba lá này hẳn chưa biết Google là ai;
  • Nếu cần tranh đua với đối thủ nội bộ cũng không nên nhai lại chiêu thức nhầu nát cũ.


Cùng lúc,
  • Dân nghèo đánh giá thực tiễn cái vai trò “quan trọng” hay “quyết định” đó qua “nhiệm kỳ” của dĩa cơm bụi 2500đồng/2007 – 15000đồng/2012;
  • Dân oan đánh giá vai trò đó qua các loại dự án quy hoạch treo và thả đã khiến họ trở thành một bộ phận không nhỏ của dân tộc đang sống trong công viên hay ngoài lề đường;
  • Dân ruộng đánh giá vai trò đó qua hàng trăm loại phí sau thuế, qua giá cả tăng vọt của thóc giống/phân bón… và trên giá thu mua gạo như phường trộm đạo cấp quốc gia;
  • Dân biển đánh giá vai trò đó qua hàng loạt tàu cá bị đâm chìm ngay tại ngư trường truyền thống và số tiền chuộc tàu/chuộc lưới/chuộc người.. và chứng câm của nhà nước.
  • Dân buôn đánh giá vai trò đó qua cơn khủng hoảng kinh tế thủng sàn chạm đáy của hệ thống ngân hàng/nợ công/nhập siêu/bong bóng bất động sản… còn đang thoi thóp
  • Dân thành đánh giá vai trò đó qua khung cảnh kinh hoàng bát nháo của trường học/bệnh viện/công sở/điện đóm/giá xăng dầu/tắc đường/tai nạn giao thông… và lũ lụt sau mưa.
  • Riêng giới dân báo đánh giá vai trò đó qua hàng loạt bản án bỏ túi khắp nước, khủng bố bằng côn đồ, cũng khắp nước, và cái nghị định 72/3Dũng bắt đầu có hiệu lực hôm nay, không khác gì nghị định 31/6Dân trước đây.

Nhìn chung là chỉ vì thiểu trí nhưng lại thừa tính khinh thường quần chúng (cả báo giới lẫn độc giả) mà Dũng ta đã tự đánh đồng với hạng lưu manh:

Con đường xưa em đi
Người ta kéo dây chì
Thế mà cứ lết đi…

Xưa rồi Dũng!

Có kiên trì mấy thì cũng chỉ để tô đậm thêm một chữ NGU, Dũng à!

Hãy nghe thiên hạ đang nguyền rủa cho các thứ quá đỉnh đó sớm quá độ thành quá cố/quá vãng.

Hãy bày thử đôi ba trò khác xem có đỡ lưu manh hơn không nào, bớ Dũng!


01/09/2013 – Ghi dấu ngày khởi đầu có hiệu lực cái nghị định chết tiệt mang số 72.
Blogger Đinh Tấn Lực