Hải Yến & Cơn Bão Phạm Pháp Công Khai


HaiYen

Hải Yến & Cơn Bão Phạm Pháp Công Khai

. Đinh Tấn Lực

“Lộ ra những căn nhà tốc mái
Lộ ra những đời người trống trải
Lộ ra tàu thuyền chưa kịp trục vớt
Lộ ra cái màu bờn bợt da người
Rồi phải lộ ra thôi không thể gì dấu được
Nhưng tôi đã bật khóc
Khi lộ ra trẻ con
Những đứa trẻ đói ăn
Tóc quăn tiền sử
Ngây ngô và tư lự
Hồn nhiên và già nua
Những đứa trẻ không phải thời của chúng ta
Từ một thuở hồng hoang đi ngược lại
Hoàn toàn lộ thiên
Dưới những căn nhà đổ sập
Hoàn toàn lộ thiên
Dưới những ngôi trường mái tốc
Bão không làm ra những đứa trẻ ấy
Bão chỉ làm lộ ra”
(Đông Trình)
*
Với sức gió kinh khiếp của đất trời thịnh nộ, cơn bão khủng Haiyan đã định hướng nhắm đường đổ bộ vào miền Trung. Chưa chi đã có kẻ vượt mặt cơ quan khí tượng mà thêm mắm dặm muối cả miền hư cấu để giật tít là cơn bão lịch sử! Chỉ thiếu lời chào tạm biệt thường ngày của VTV: Chúc quý vị một mùa bão lũ lịch sử với nhiều niềm vui… Còn khán thính giả thì chỉ mong sao cho nàng Hải Yến quạu quọ cau có này sắp chạm đất liền là lập tức quày quả quảy mông đổi hướng trở ra biển cả, như phần lớn đường đi các cơn bão vùng Bắc bán cầu đánh võng từ Đông Nam vòng lên Đông Bắc, cho đỡ khổ dân đen lộ khố của một vùng đất vốn đã nghèo nhất nước.
Mấy ngày trước, cơn bão án oan (cũng tầm lịch sử) đã phủ chụp dư luận cả nước, cuốn trôi hết cả mớ cặn lòng tin còn sót đọng của người dân đối với quyển sổ hưu và đám nhà nước lưu manh này.
Chuỗi tin siêu bão pháp luật tăng cấp từng ngày, cao điểm là ngày 7-11-2013:
ND- Ngày 7-11, UBND thành phố Hà Nội tổ chức mít-tinh chào mừng ‘Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam 9-11’… Việc tổ chức ‘Ngày Pháp luật’ năm nay trở thành đợt sinh hoạt chính trị pháp lý sâu rộng, nhằm phát huy ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân Thủ đô. Nhân dịp này, UBND thành phố tổng kết Cuộc thi ‘Tìm hiểu Luật Xử lý vi phạm hành chính’ năm 2013. Cuộc thi có 212.727 bài dự thi. Ban Tổ chức trao giải nhất cho đội Công an thành phố Hà Nội”.
TTXVN- Ngày 7-11, tại trụ sở chính của Liên hợp quốc ở TP Niu Oóc (Mỹ), Ðại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực nước ta tại LHQ Lê Hoài Trung thay mặt Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ký ‘Công ước của LHQ về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá khác’…”.
“(Ngày 7-11)… So sánh với quốc tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, cơ quan điều tra Việt Nam là một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới, phá án rất nhanh”.
*
Ngay trong dịp tổ chức trọng thị và an toàn Ngày Pháp Luật 2013, với thành tích ký tên vào bản Công Ước LHQ Về Chống Tra Tấn, và với khả năng giật giải Giỏi Nhất Việt Nam (xử lý tốt) và Giỏi Nhất Thế Giới (phá án nhanh), nhà nước CHXHCNVN đã hồn nhiên đơn giản hủy bỏ bản án oan 10 năm tù cũ của công dân Nguyễn Thanh Chấn, do bởi sự sám hối và đích thân đầu thú của người tự nhận là hung thủ.
Mười năm trước, chính xác là ba nghìn sáu trăm tám mươi sáu cái thiên thu ngoài đời, ông Nguyễn Thanh Chấn bị  bắt khẩn cấp và bị kết án khẩn cấp về tội giết người, nhờ tài phá án nhanh của “cơ quan chức năng” (là CA Bắc Giang) đã kịp thời vào cuộc, cho dù là không một ai có thể trưng ra được một người chứng/vật chứng nào trong phiên tòa chớp nhoáng. Bản án hoàn toàn dựa trên cung chứng. Thành tích vang dội này, đặc biệt là điều tra viên đầy nghiệp vụ ép cung Đào Văn Biên, đã được tuyên dương rầm rộ bởi Bộ trưởng Bộ Công an (tại tờ trình số 1358/TTr-BCA-X11) và được Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương (tại tờ trình số 917/TTr-BTĐKT) đề nghị khen thưởng và sau đó được Thủ tướng cấp Bằng khen (tại Quyết định số 919/QĐ-TTg) vì đã lập thành tích xuất sắc “trong sự nghiệp bảo vệ chủ nghĩa xã hội”.
Ông Chấn bị thách án tử hình, song vì có “nhân thân tốt” (là con của liệt sĩ có bằng Tổ quốc ghi công), nên được ưu tiên giảm phát, nhằm đề cao tính nhân đạo của nhà nước đã khoan hồng hạ giá bản án tại tòa xuống mức… chung thân. Loại án dựa tuyền vào cung chứng đưa tới hệ quả thảm khốc là mạng người mong manh chực đứt hơi trên tài năng tra tấn lấy giấy khen của công an. Rõ là máu xương của thân phụ ông Chấn, dù đã anh dũng hy sinh cho một dàn lãnh đạo dập dìu thi đua dìm đất nước xuống hàng lụn bại để tự mình trở thành trọc phú, nhưng cũng không hoàn toàn vô ích, vì dẫu sao cũng đã góp phần cứu được người con khỏi án dựa cột cắc bùm tại chỗ. Nếu không thì đã chẳng có cuộc liên hoan trùng nhật với Ngày Pháp Luật năm nay nhằm ăn mừng thành tích Giỏi Nhất Thế Giới của cái cơ quan chức năng (tận lực bức cung cho ra tội và tra tấn đến khi nhận tội) cực kỳ vinh quang kia.
*
“Nhờ ơn đảng, nhờ ơn nhà nước mà … tôi được giải oan”. Lời phát biểu đầu tiên của ông Chấn ngay khi ra tù là thiết tha như thế. Một số người vội nghĩ đến cái Hội chứng Stockholm, còn gọi là hội chứng “Bị bắt giữ-Rồi kết thân”, là một hiện tượng tâm lý trong đó đám con tin thể hiện sự đồng cảm/cảm thông và có những cảm xúc tích cực đối với những kẻ bắt cóc họ, đôi khi lên cao đến điểm bảo vệ các mẹ mìn đó. Một số người không dấu nỗi bực dọc về cái sự thành khẩn biết ơn kẻ hành hạ mình một cách rất đỗi ngờ nghệch/ngốc nghếch như thế. Song, như đã từng nghe qua đâu đó một nhân sinh quan rất sến là …đời không đơn giản, cho nên, lại có nhiều người khác nhất định rằng…  muốn đểu hơn ông Chấn cũng khó lòng làm nổi!
Cứ cái kiểu tưng tửng ơn đảng/ơn nhà nước đó, ông Chấn đã lấy cái ngây ngô ra mà nhắc nhớ cho rất nhiều người về loại tác giả chuyên ngành tiểu thuyết hư cấu cuộc đời người khác bằng thực tiễn gông cùm tù ngục theo trường phái “kết oan được khen & giải oan được thưởng”.
Ông Chấn đã nhắc nhớ cho rất nhiều người về hàng triệu nạn nhân đã “cảm ơn đồng chí Stalin giúp tôi thấy cái tội tày đình của bản thân”, ngay sau những trận đánh đẹp các màn thẩm tra mớm cung và ép cung của KGB ở xứ bầu bạn quốc tế.
Ông Chấn đã nhắc nhớ cho rất nhiều người về lời cảm ơn của Phổ Nghi nói với Mao Trạch Đông, trong bữa cơm Tết Nhâm Dần 1962 tại Di Niên Đường của nhị vị “nguyên thủ khai quốc và hoàng đế cuối cùng”. Trong hồi ký sau này, Phổ Nghi đã viết: “Chúng tôi đã được ngồi ăn cơm, chụp ảnh với vị Chủ tịch vĩ đại của chúng ta. Đây là một ngày hạnh phúc và vinh dự nhất trong cuộc đời mà tôi sẽ không bao giờ quên. Đó cũng là bữa cơm tiếp cho tôi sức mạnh và sự cổ vũ để tôi tiếp tục sống”.
Ông Chấn đã nhắc nhớ cho rất nhiều người về hàng vạn nạn nhân đã “ơn đảng/ơn bác” vạch ra muôn vàn tội lỗi cả đời chưa từng nghĩ đến hay biết đến, giờ mới được nghe ra (đến sáng lòng) từ các đội cải cách cùng giai cấp bần nông, và được thấy ra (đến sáng mắt) dưới ánh đuốc bập bùng của những cuộc đấu tố đầu đình.
*
Ông Chấn và cơn bão án oan lịch sử đã để lộ ra một Hệ Thống Tư Pháp Sẵn Sàng Phạm Pháp:
Trước tiên là lời thú nhận của Trịnh Hồng Dương, nguyên Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa IX và khóa X, huân chương Độc lập hạng nhì, huân chương Lao động hạng nhất, huân chương Kháng chiến hạng ba, cùng một huân chương Công lý thượng hạng ngoại hạng để đời: “Luật của ta xử thế nào cũng được”. Xử sống là sống. Xử chết là chết. Thường là dở sống dở chết. Với tiến trình luận tội chính yếu là chỉ thị và không cần bất cứ yếu tố nào khác, kể cả lương tâm kẻ xử hay dư luận thế giới. Và như thế là “không có gì bất thường!”, theo lời bình của đại tá Nguyễn Văn Chức, Chánh Văn phòng kiêm nhiệm Phát ngôn viên của CA tỉnh Bắc Giang.
Luật của ta, từ ngả ba đầu đường kách mệnh, đã trở thành vũ khí trả thù của đảng nhắm vào bất cứ ai lọt vào tầm ngắm của đảng, thông qua những cặp mắt cú cùng bầu máu lạnh của lãnh đạo và những “người thi hành công vụ”.
Luật của ta, từ thuở “cách mạng thành công”, đã trở thành phương tiện gìn giữ ổn định xã hội hầu phục vụ cho sinh mệnh chính trị của lãnh đạo, và có chức năng chính là biến mọi công dân thành hình sự có tiền án.
Luật của ta, từ bấy tới nay, vẫn mang tính đại trà và linh động tùy chọn:
- “Nghi can” có thể bị bắt cóc tại nhà, tại sở, tại sân bay, tại khách sạn…; bị ép xe trên đường, bị ép xuồng trên sông…; bị xiết cổ/cặp hông/quặt tay/khiêng ngửa/xốc ngược/đạp mặt/chích thuốc/quăng xe/bịt mắt…
- “Nghi can” có thể bị “mất tích” bằng bao bố nhận sông hoặc nhiều hình thái khác; bị gậy quật gãy cổ ngay tại lề đường; bị đạn chỉ thiên thủng đùi xuyên xương chậu; bị súng cướp cò thủng bụng dưới; bị ngã xe vỡ sọ; bị tạt a-xít; bị chận xe nện đá vào đầu giữa lộ; hoặc bị đánh “cho mất khả năng đàn ông luôn”…
- “Nghi can” có thể tự ý kết liễu mạng sống của chính mình, ngay tại đồn công an, bằng thắt lưng, bằng áo xé, bằng cả dây cột giày…; hoặc tự đánh vào người cho nứt sọ/bể phổi/nát gan/gãy bẹ sườn/dập lá lách…  Trong nhiều trường hợp, việc khám nghiệm thi thể bởi pháp y là điều không cần thiết. Trong mọi trường hợp, nạn nhân đều được cơ quan chức năng tuyên bố đã chết đúng quy trình.
- “Nghi can” có thể ngắn gọn gật đầu cung khai đúng theo kịch bản mớm ý của các tác giả tiểu thuyết hình sự giỏi nhất nước, để sống sót; để ngẫm nghĩ về các định nghĩa mới của các con người mới, về các từ giải phóng mặt bằng/cưỡng chế thu hồi đất đai…; để nghe báo chí trong luồng ra tay diễn giải các kịch bản hình sự đính kèm theo những “đề nghị mức án thật nặng để giáo dục quần chúng”…; và để đợi ngày ra tòa.
- Trước ngày xử, nhiều gia đình “nghi can”, bấy giờ tự động biến thành “bị can”, chỉ được báo tin không đầy 24 giờ (như tại Mỹ Yên); có gia đình không hề hay biết (là do lỗi của nhân viên phát thư!). Ngay cả luật sư cũng không được thông báo, và chỉ được gặp thân chủ vài chục phút ngay trước giờ xử…
- Trong ngày xử “công khai”, phòng xử thường chật cứng công an chìm/nổi/“nhân dân tự phát”… chỉ chừa đủ chỗ cho một người thân của “nghi can” vào dự, hoặc hoàn toàn hết chỗ càng tốt. Tất nhiên, mọi phương tiện ghi âm/ghi hình đều bị cấm tiệt.
- Trong ngày xử “công khai”, các đòi hỏi của luật sư để đối chất về các luận cứ buộc tội và giá trị của các tang chứng v.v…  có được phát biểu hay không, hoặc dài ngắn ra sao, là hoàn toàn tùy thuộc vào tình trạng vui buồn tại chỗ của chánh án.
- Trong ngày xử “công khai”, không một nhân dân nào được phép lai vãng, không những trước sân tòa, mà cả khu vực quanh tòa. Tòa án trở thành một pháo đài đầy ngựa sắt/bảng cấm/dây chăng/xe buýt/vòi rồng… Tất nhiên, toàn bộ khu vực sẽ …bỗng nhiên mất sóng.
- Trong ngày xử “công khai”, khu vực quanh tòa sẽ đặc kín công an/băng đỏ/áo xanh/côn đồ… có khi lên đến số nghìn, gấp mươi lần số người thả bộ quanh tòa hóng chuyện hoặc đám đông cầm bảng “con/em/anh/chị/bạn tôi vô tội”, đương nhiên trở thành vùng bẫy để quát nạt, đánh đập, tịch thu máy ảnh/iPad/ iPhone và bắt thêm những “nghi can” khác, về tội công khai theo dõi phiên tòa, tức là coi như …công khai phản động.
*
Ông Chấn và cơn bão án oan lịch sử đã để lộ ra không chỉ cái tỷ lệ giải oan tròm trèm một phần chín mươi triệu. Nó để lộ cả cái định hướng quật ngã đối thủ từng ban giấy khen cho công an Bắc Giang về thành tích bắt oan nạn nhân cho đầy chỉ tiêu.
Chứ không thì kể cũng khó hiểu về thời điểm ra đầu thú của hung thủ (chưa biết thiệt giả), sau 10 năm lẩn trốn thành công và không có một chỉ dấu nào đe dọa là sẽ bị đưa ra ánh sáng ngoài đường hầm. Nhất là khi chính phủ đang chạy đua lập những thành tích khác để vào hội đồng nhân quyền LHQ, để gia nhập TPP, để mua vũ khí tối tân, hoặc chỉ đơn giản là chứng tỏ là “có một số cải tiến cụ thể thấy được về nhân quyền”!
*
Ông Chấn và cơn bão án oan lịch sử đã để lộ ra không chỉ các kỹ thuật bức cung của công an, xuống đến mức chi tiết vượt hẳn ra ngoài sức tưởng tượng có thể có của một bộ phận không nhỏ nhân dân. Có thể ra ngoài cả sức tưởng tượng của Hội Đồng NQ/LHQ, có khi là của cả các cựu nhân viên Nazi hay KGB còn sống tới nay.
Nó để lộ ra cả cái cán cân công lý có buộc sẵn một bên cái công trạng (con liệt sĩ được giảm án tử, kẻ “thi hành công vụ” giết người lãnh án treo…).
*          
Ông Chấn và cơn bão án oan lịch sử đã để lộ ra nỗi sợ hãi cao độ của triều đình, thông qua những trận đánh hợp lực của “ba bộ đồng tình bóp nát nhân dân”: Bộ chính trị, Bộ công an và Bộ tư pháp; thông qua mọi biện pháp sử dụng xuyên suốt quá trình áp dụng luật; thông qua phản ứng đối phó tùy tiện và đầy mâu thuẫn đối với nhân dân theo nhịp độ ngày càng nhặt…
Lý do? Nhân dân đã nắm rõ nguyên tắc sống còn của nhà cầm quyền: 1) Mọi chế độ độc tài càng hành xử thô bạo và tùy tiện thì càng rõ là họ rất yếu và rất mực lo sợ độ dài của những ngày tàn; và 2) Qua những chỉ dấu chín muồi đó, người dân càng biết đâu là những hành động hiệu quả và đâu là điểm cần dồn sức.
*
Ông Chấn và cơn bão án oan lịch sử đã để lộ ra những câu hỏi sinh tử khác:
- Liệu là còn bao nhiêu nghìn ông Chấn khác hiện ở trong tù và bao nhiêu vạn ông Chấn khác sắp vào tù?
- Còn hàng ngàn vụ án oan mới, đang diễn ra và sắp diễn ra, thì sao?
- Chừng nào mới hết những lời khai trước tòa thường khiến chánh án mắc bệnh điếc tai: “Người ta xui (nhận tội), chứ em không làm”.
- Chừng nào mới hết những trường hợp bị bắt tù 32 năm không ra tòa như cụ ông Tôn Thất Tần?
- Chừng nào mới hết tình cảnh công dân vào tù không bởi vi phạm điều luật nào, mà bởi sắc luật 003 do Hồ Chí Minh ký 2 năm trước khi chết, như trường hợp người tù xuyên thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu?
- Bao giờ thì những người lương thiện lãnh án tù vì lòng yêu nước được thả?
- Vợ con của những người tù oan phải chạy hàng nghìn cửa, đến lúc nào mới được ngó tới?
- Đặc biệt các nạn nhân đã, đang, và sẽ tiếp tục chết trong đồn công an thì ai sẽ giải oan cho họ?
- Sau những án oan chung thân và tử hình, liệu là lãnh đạo tối cao của đảng sẽ dùng những chiêu thức nào khác để lấy sinh mạng nhân dân ra mà đấu đá lẫn nhau?
- Đến khi nào người ta mới thôi nhắc nhở chủ tịch nước rằng “đừng quên anh là con nhà luật!”?
- Khi nào thì tới phiên bản thân mình hoặc người thân của mình nhận lãnh án oan?
- Khi nào mới dứt chuyện thiếu niên VN tự tử để tự minh oan với bạn bè/hàng xóm vì bị CA bắt giữ và làm nhục?
- Do đâu mà mỗi người dân Việt trở thành con tin của một hệ thống tội ác có tổ chức?
- Bằng cách nào giải quyết tình trạng công khai phạm pháp của bộ công an và bộ tư pháp để đánh đổi sinh mạng nhân dân lấy thành tích và giấy khen?
- Cách nào để tách rời ngành tư pháp ra khỏi lưới dây giật của lãnh đạo đảng, và giới luật sư không còn là những cây kiểng bonsai trang trí sân tòa?
- Cốt lõi án oan ở đâu và làm sao để chấm dứt tận gốc thảm họa “tập đoàn phạm pháp bỏ tù từng người lương thiện” này?
*
Ông Chấn và cơn bão án oan lịch sử đã để lộ ra một câu trả lời rốt ráo:
Không có cách nào khác ngoài việc dẹp bỏ chế độ độc tài hiện nay để xây dựng một thể chế pháp quyền do chính dân làm chủ.

11-11-2013 – Lạy tạ Ơn Trên: cơn bão Hải Yến đã đổi hướng quay ra biển rong chơi. Nhân dân đã có thể tập trung vào việc chống trả cơn bão con tin và tù oan còn lại ở Ba Đình kia.
Blogger Đinh Tấn Lực.