Trông Người – Xét Mình
. Đinh Tấn Lực
Tiếp theo bài trước: Tài Trí của Thanh Thiếu Niên OCLP Hong Kong
(Với một hiệu đính dòng cuối: Carie Lam không đi Bắc Kinh, mà đi Quảng Châu. CY Leong không đi cùng).
So sánh những tương ứng
(về điều kiện đấu tranh) giữa Hong Kong & VN:
Đó đây trên mạng đã có một số bài viết (và khá nhiều đoạn status ngắn trên Facebook) so sánh hiện tượng Hong Kong với hiện trạng Việt Nam. Đặc biệt là vào lúc quan chức Hà Nội rộn ràng với dự án pháo hoa đầy chất béo. Tình cảm đặt vào những bài viết, theo đó, cũng phân bố không đều giữa hai đường biên hy vọng và thất vọng.
Phần này có lẽ chỉ gắng đề cập cô đọng tới những điểm tương ứng căn bản giữa Hongkong & VN, về điều kiện đấu tranh (ở mức khách quan tương đối), và tất nhiên, giống như bài dẫn nói trên, cũng rất cần nhiều ý kiến bổ túc.
Giống nhau:
- Đối thủ tàn ác – Tính từ gốc, thì CY Leong chỉ là đối thủ trung chuyển của Hongkongers. Bắc Kinh mới thật sự là đối tượng chính của yêu sách đòi hỏi thực thi cho đúng lời giao ước “một quốc gia hai thể chế”. Bắc Kinh, với tham vọng bành trướng trong đầu và cây gậy bạo lực trong tay, chỉ muốn ăn trùm và biến Hongkong thành một thứ sân sau của lãnh đạo. Bắc Kinh là bậc thầy của Hà Nội, lại cùng một giuộc độc tài còn sót lại từ cái cỗ máy xay cộng sản ruỗng mục, nên cái quyết tâm giữ ghế và cây dùi cui bạo lực của đôi bên không khác nhau mấy. Cả hai đã từng thản nhiên hy sinh hàng triệu người dân của họ để cướp quyền và giữ quyền. Hongkongers và người Việt Nam đều là nạn nhân của sự tàn ác vô đối của hai hệ thống tội ác có tổ chức đó.
- Có cùng ý chí thoát cộng – Hongkongers, một khi nhất quyết bảo vệ nền dân chủ xưa giờ của họ trước định hướng nhuộm đỏ của Bắc Kinh, cũng gần như đồng nghĩa với ý thức thoát cộng. Tức là phải vượt qua mọi rào cản từng nhân danh một thứ chủ nghĩa không ai chọn để ngăn chận sức phát triển đất nước. Nhu cầu (và khát vọng) này của người VN còn cao hơn gấp bội, một khi Hoàng Trường Sa, biển Đông, thác đồi biên giới, đất rừng đầu nguồn, đặc khu chế xuất, thực phẩm/gia dụng, và cả nền thương mại oặt ẹo của VN đã và đang bị Trung cộng xâm thực gần trọn, bằng dã tâm chiếm đoạt hàng mấy nghìn năm nay, và nhờ có một dàn thái thú chư hầu (cúi đầu cong lưng sẵn) ngay tại Hà Nội. Muốn thoát Hán, VN cũng phải thoát cộng, ngay trên đất nước này.
- Đã nong xích khá rộng – 17 năm qua, Hongkongers tự khẳng định là không phải, không muốn, và không để trở thành Chinese. Họ cố gắng duy trì/bảo vệ một số sinh hoạt dân chủ còn sót lại từ chính quyền Anh quốc, và từng ngày đòi hỏi thêm những quyền làm người. Một trong những bích chương cốt lõi trong lần chiếm đóng trung tâm này rất đáng để suy ngẫm: “Người dân không phải là tài sản” (hay vốn quý, của bất kỳ ai). Bên cạnh nhân quyền là dân quyền. Họ tranh đấu cho quyền tự quyết, chí ít (hay bắt đầu) là ở khâu chọn người đại diện điều hành chính quyền. Người VN không khác. Một khi các thứ màn sắt màn tre đã sập, sự thật được phơi bày từng mảng ra ánh sáng, dân Việt cũng đã tự nong xích liên tục trong hai thập niên qua (lắm khi bằng những giá cực đắt) để có thể có được một số mặt nổi sinh hoạt xã hội dân sự (cho dù còn non trẻ) hiện giờ, mà 10 năm trước đây không thể mơ.
- Có lớp người trẻ – Hongkong có những lãnh đạo trẻ tuyệt vời: Alex Chao của Liên Hội Sinh Viên Hongkong; Joshua Wong của phong trào Scholarism. Họ là những người tài, lại được sự khuyến khích, tạo thêm điều kiện phát huy các tài năng sẵn có, từ những người đi trước (và đang đi cùng), để trở thành những ngọn cờ đầu của phong trào tuổi trẻ Hongkong. VN ta cũng không thiếu những người trẻ có tài (với mức độ dũng cảm trong hoàn cảnh nghiệt ngã VN có khi còn vượt hẳn) hai bạn trẻ Hongkong vừa nói. Chúng ta đã từng rung động và hãnh diện khi nghe nhắc đến các bạn Paulus Lê Sơn, Nông Hùng Anh, Nguyễn Văn Oai, Nguyễn Phương Uyên, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Trần Minh Nhật, Nguyễn Tiến Trung, Lê Quốc Quân, Hồ Văn Oanh, Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Đình Cương, Nguyễn Xuân Anh, Hồ Đức Hoà, Đặng Xuân Diệu… Và có khi đang tự nhắc chính mình rằng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để phát hiện & phát triển thêm người trẻ, tạo điều kiện hoạt động nhiều hơn nữa cho người trẻ, thay vì so bì những thanh niên đường phố VN với Joshua Wong và tự chuốc lấy thất vọng.
Khác nhau: (hoặc những yếu tố VN chưa đạt được)
1. Cơ chế đảng – Với 17 năm cầm quyền Hongkong trong tinh thần biểu diễn phần nào sự tôn trọng lời giao ước “một quốc gia hai thể chế”, Bắc Kinh chưa thật sự giương hết nanh vuốt lên con người và mảnh đất Hongkong. Cơ chế đảng, thông qua hệ thống đảng bộ (từ phường khóm lên đến đặc khu hành chánh HKSAR) chưa đủ chặt để thành một guồng máy kềm kẹp như Bắc Kinh mong muốn. Hongkong có cảnh sát riêng nhưng không có quân đội riêng.
Trong lúc ở VN, hệ thống đảng cực kỳ kiên cố trong quá trình xiết chặt mọi ngõ ngách sinh hoạt xã hội suốt 84 năm qua. Ở đây, 3 ngành lập pháp/hành pháp/tư pháp đều sinh hoạt đồng nhất theo khuôn đảng bộ và các nghị quyết. Ở đây, chính phủ và quốc hội chỉ là tổ chức ngoại vi của đảng. Ở đây, quân đội không thực sự giữ chức năng quốc phòng, mà gần như một thứ trừ bị sẵn sàng cho bộ phận công an trong nhiệm vụ đàn áp nhân dân để lãnh đạo đảng níu giữ quyền lực cai trị.
Vậy thì, nên chăng, yêu sách trước mắt của người Việt Nam là tách rời hệ thống đảng ra khỏi công an/quân đội?
2. Thể chế cai trị – Hong Kong còn giữ được một phần thể chế Pháp trị do người Anh để lại. Tức là người dân còn dựa vào những ràng buộc pháp lý khiến nhà cầm quyền không thể tuỳ tiện khạc nhổ lên luật pháp. Trên sơ đồ tổ chức, bộ phận Tư Pháp ngang hàng nhưng độc lập với hai bộ phận còn lại là Hành Chính & Tài Chính. Trong ngành Tư pháp còn có một Uỷ ban Độc lập Chống Tham Nhũng. Luật lệ Hongkong ít nhiều vẫn còn đủ sức mạnh để gìn giữ tối đa cán cân công lý, giúp cho người dân Hongkong khai thác được yếu tố pháp lý mà mạnh dạn đấu tranh.
Ngược lại, ở VN là một thể chế côn đồ công an trị. Ở đây, theo Carl Thayer, cứ 6 người VN đã có 1 người làm việc cho bộ phận an ninh. Truyền thống “toàn quyền sinh sát” của bộ phận an ninh, từ những chặng đầu của “đường kách mệnh” (“Luật là tao”) vẫn còn kéo dài suốt 8 thập niên tới ngày nay (“Tự do cái CC”). Cung cách trị an vẫn còn là thủ tiêu/bắt cóc/gây tai nạn/hành hung/ép ghe/chèn xe/đạp mặt/quặt tay/kẹp cổ/bức cung/cáo trạng… thậm chí, canh cửa/khoá trái bên ngoài/ném chất thải/gạch đá vào nhà dân. Còn để biểu diễn luật pháp thì vẫn một số hình thức ti tiện hạ đẳng để vu cáo nhân dân. Nói chung là những biện pháp trả thù chí chết để gây sợ hãi. Chính cái thể chế côn đồ công an trị này đã phần nào khiến cho số đông, dù biết rằng đó là phản ứng cùng đường của nhà nước, hay dù thấy việc phải làm, cần làm, nhưng vẫn còn dè dặt giữ tính thầm lặng. Cao hơn một bậc, người ta chỉ có thể kể đến những phản đối (chủ động và cả thụ động) của số đông thầm lặng này (biểu hiện qua cuộc Triển lãm Cải Cách Ruộng Đất, hay gần nhất là cuốn phim Sống Cùng Lịch Sử). Số đông này không thể kéo dài vị trí thầm lặng. Muốn thay đổi xã hội, số đông này cần có một số điều kiện tối thiểu để phản ứng công khai và mạnh dạn hơn (ngay cả cư dân mạng online thành offline).
Có phải VN ta đang rất cần một hiệp hội luật sư độc lập, hoạt động song song với một vài tổ chức phi chính phủ trên lãnh vực pháp lý, vừa cung cấp cho người dân kiến thức luật pháp cơ bản để tránh bị bắt nạt, vừa làm giảm thiểu (hay chùn tay) những công an vi luật?
3. Trách nhiệm công dân vs. Trách nhiệm “kẻ sĩ” – Nếp sống văn minh của người Hongkong khá cao so với người Hoa Lục, nhờ được hưởng một thế kỷ hấp thụ nếp sinh hoạt của người Anh. Nền giáo dục của Hongkong cũng khá vững chắc và tương đối cập nhật với thế giới bên ngoài. Lợi tức đầu người, theo Wiki, tương đối cao trong khu vực châu Á và một số quốc gia khác. Ý thức về quyền lợi và trách nhiệm công dân khá quân bình. Qua đó, người sinh viên xuống đường với tư cách một công dân. Vị giáo sư đại học xuống đường cũng với tư cách một công dân. Thậm chí, ngay cả vị doanh nhân tỷ phú truyền thông xuống đường cũng chỉ với tư cách công dân. Tất cả ngang bằng nhau ở đó. Động lực xuống đường không hẳn là (và cũng không cần là) lòng yêu nước. Không cần cả cờ xí. Không cần cả khiên chắn anh hùng. Đó chỉ thuần là động lực thôi thúc bởi sự đòi hỏi thiết thực những quyền đương nhiên mà con người phải có.
Trong lúc ở VN, một số truyền thống hủ nho vẫn còn được đảng và nhà nước ở đây tận tình nuôi dưỡng và cật lực phát huy, thông qua vài ba hình ảnh tô hồng chuốt lục cho thành thần tượng các thứ. Bằng cái tương quan mất dạy: đảng là cha mẹ, dân là con cái. Bằng thói quen ơn đảng, ơn chính phủ. Bằng thông lệ xin-cho. Bằng thói quen ví von con kiến-củ khoai. Thậm chí, bằng cả cái xác ướp cho tuyên giáo rỉa dần thành khẩu hiệu. Truyền thống bỉ ổi đó, cộng thêm chính sách giáo dục ngu dân và bưng bít thông tin trong gần một thế kỷ, ít nhiều đã thôi miên một khối lượng dân Việt (không phân biệt nông thôn hay thành thị) chấp nhận một thứ não trạng tự kỷ thấp bé/hèn mọn, thậm chí chỉ là thân phận con giun cái kiến.
Ở tầm thấp tự kỷ đó, người ta thấy việc thay đổi xã hội là đội đá vá trời; thấy mình đơn độc trước những quả núi ngáng chân dân tộc; thấy không dễ gì vươn lên hay vùng lên mà không nguy hại đến bản thân hay gia đình; và sau cùng, thấy ra dường như đây là trách nhiệm của những… ai khác, dễ quy nhất, đó là trách nhiệm của… “kẻ sĩ”. Hãy chờ xem sao cái đã. Có khi, chờ xem các “kẻ sĩ” kia có chờ nhau không đã. Trong lúc đảng và nhà nước tha hồ bôi đen/nhận chìm những “kẻ sĩ”.
Thói quen thần tượng còn khiến cho người ta đặt ra khá nhiều tiêu chuẩn cho những “minh chủ” tương lai. Phần lớn đều không giống như tiêu chuẩn về khả năng như các thanh niên Hongkong đã liệt kê ở bài dẫn trước. Người ta chờ đợi nhiều hơn thế, và thấp thoáng đâu đó cái tiêu chuẩn rất riêng, là phải đúng ý mình. Thiếu minh chủ đã khó làm. Thiếu minh chủ hợp ý lại càng khó làm gấp bội?
Phải chăng, cái gút tháo gỡ ở đây, về phía người dân, bao gồm mọi thành phần/mọi lứa tuổi, chính là một ý thức công dân, một trách nhiệm công dân, trước một xã hội cần được thay đổi cho tốt hơn, trước khi nó rơi tận đáy diệt vong?
4. Vốn dân chủ – Có lẽ đây mới là yếu tố cần thiết nhất mà VN ta chưa đạt được.
Bề dày sinh hoạt dân chủ của Hongkong có từ khá lâu. Trong lần sinh viên Bắc Kinh biểu tình đầy ắp Quảng trường Thiên An Môn, Hongkong đã hình thành Liên Minh Hỗ Trợ những Phong Trào Yêu Nước tại Trung Hoa, vào ngày 21/5/1989, tức là 2 tuần trước biến cố Tứ Lục, và 8 năm trước khi Hongkong đến hạn giao lại cho Trung cộng. Liên Minh này đã đưa thành viên vào đại lục để hỗ trợ sinh viên Bắc Kinh, trong biểu tình và sau biểu tình. Họ đón nhận sinh viên Bắc Kinh chạy về Hongkong sau trận đàn áp đẫm máu phi nhân ngày 4/6/1989, vận động cho một số tỵ nạn ở nước thứ ba, và một số lớn tỵ nạn chính trị ngay tại Hongkong.
Đến năm 2002, cùng với một số tổ chức khác, Liên Minh này đã thành lập Mặt trận Dân quyền và Nhân quyền. với 2 đích nhắm:
Bên trong là thống nhất tiếng nói và sức mạnh của 48 tổ chức xã hội;
Bên ngoài là bảo vệ nền dân chủ của Hongkong trong hệ thống “Một Quốc Gia Hai Thể Chế”
Ngay trong 2 năm đầu thành lập, Mặt trận Dân quyền và Nhân quyền đã huy động nửa triệu người tham gia biểu tình đòi huỷ bỏ đạo luật số 23 “triệt phản động vì an ninh quốc gia”, và đã góp phần buộc Đặc khu trưởng Đổng Kiến Hoa bấy giờ phải từ chức (2005).
Hàng năm, Mặt trận Dân quyền và Nhân quyền vẫn tổ chức những cuộc xuống đường vào ngày 1 tháng 7: Có khoảng 400.000 người tham gia vào năm 2012, và 430.000 người vào năm 2013.
Trong cuộc Cách mạng Dù 2014, những thành phần mặt nổi được công khai cho đến nay bao gồm:
- Occupy Central with Love and Peace: thành phần trí thức, tôn giáo. Đứng đầu là GS Benny Tai Yui-ting, PGS Chan Kin-man và Mục sư Chu Yiu-ming.
- Scholarism: học sinh trung học, với số thành viên chủ lực gồm 300 người. Đứng đầu là Joshua Wong.
- Liên hội Sinh viên Hongkong: một mạng lưới rộng khắp 7 trường đại học lớn với thành phần sinh viên. (Đánh số 18 trong 48 tổ chức xã hội dân sự của Mặt trận Dân quyền và Nhân quyền). Người đứng đầu hiện nay là Alex Chao.
Như thế, thành phần tiềm ẩn hỗ trợ bên trong có đến những 45 đoàn thể. Mỗi đoàn thể có một mạng lưới nhân sự riêng biệt không nhỏ. Tuy nhiên, không một tổ chức nào tranh giành ảnh hưởng chi phối hai nhóm sinh viên học sinh. Ngay cả ông Benny Tai Yiu-ting, trả lời phỏng vấn của tờ Spiegel, cũng đã cho biết là ảnh hưởng của ông rất hạn chế, đối với các sinh viên học sinh, và đối với kết cục của cuộc biểu tình.
Họ tôn trọng tuổi trẻ.
Tuổi trẻ ấy xứng đáng được tôn trọng, với một bản lãnh ứng xử tuyệt vời:
“Hong Kong là một xứ của tự do ngôn luận. Chính quyền không cần phải cung cấp một giải pháp tức thời – Nó có thể là đề nghị từng bước để giải quyết vấn đề. Chính quyền HKSAR cần phải duyệt xét tình hình từ quan điểm của người dân và sau đó tiếp cận Bắc Kinh” – Alex Chow, Tổng thư ký Hội Sinh Viên Hongkong.
Với bề dày dân chủ vừa nói, và với sự hỗ trợ tích cực của ngần đó tổ chức hợp nhất được tiếng nói và sức mạnh, thanh thiếu niên Hongkong có đủ điều kiện để huy động số đông xuống đường “làm lịch sử”.
VN ta chưa hội đủ những điều kiện như trên, song cũng đang trên một tiến trình khá thuận lợi: Khởi đầu là sự xuất hiện của Khối 8406. Tiếp theo là rất nhiều đoàn thể/đảng phái/tổ chức xã hội dân sự hoạt động minh danh mà không cần sự đồng ý hay không của Mặt Trận Tổ Quốc.
Có lẽ mỗi người quan tâm đến tình hình Hongkong đều tự ghi nhận được một số điểm để áp dụng bây giờ và sau này. Tất nhiên không thể thiếu bài học liên hợp tiếng nói/sở trường thành sức mạnh chung, và cùng đề ra một mục tiêu dễ được nhiều tổ chức đồng thuận, cùng những công tác chẻ nhỏ, dễ làm cho quần chúng, cả ngắn ngày lẫn dài ngày.
13/10/2014 – Mừng sinh nhật Nguyễn Phương Uyên & Joshua Wong.
Blogger Đinh Tấn Lực