Nếu Nhà Nước Mỹ Có Ban Tuyên Giáo TW
. Đinh Tấn Lực
Nhân đọc bài xã luận đá tảng “It’s time to get tough on China and President Xi” trên tờ Hoa Thịnh Đốn Bưu Báo ra ngày 23/9/2015, cả bản chính lẫn bản chuyển ngữ lưu loát của Dịch giả nổi tiếng Phạm Nguyên Trường, “Đã đến lúc phải có thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc và Tập Cận Bình”, người đọc sẽ không khỏi liên tưởng đến một cơ quan không ăn nhậu gì tới chuyện này: Ban Tuyên Giáo Trung Ương của nước CHXHCNVN.
Ngày 23 tây tháng 9 ở VN có gì lạ? Ai bảo đó là một ngày như mọi ngày, đích thị sẽ là kẻ tự vỗ ngực như chẳng hề biết thời tiết và lịch sử.
23 tháng 9 là ngày Thu Phân ở Bắc bán cầu, nhưng chẳng có gì quan trọng. Tức là vớ vẩn không thua gì chuyện liệt kê 23 tháng 9 Ngày Quốc Khánh Saudi Ả Rập; ngày Yom Kippur linh thiêng của người Do Thái; tròn 13 năm ngày khai trương giao diện trình duyệt Mozilla FireFox, dưới tên gọi Phoenix 0.1; hay tệ hơn nữa, là ngày quốc tế Tự Hào Lưỡng Tính Luyến Ái!
Điều đáng nói và thật sự cần nói hơn vạn lần, 23/9/2015 là dịp kỷ niệm 70 năm ngày Nam Bộ Kháng Chiến. Thế mà cả nước VN chỉ có duy nhất mỗi tờ Pháp Luật VN là nhắc tới. Như thử cả trên vạn rưỡi nhà báo có thẻ đang bì bõm lội sình trong phố mà quên tuốt tuột những hy sinh lót nền cho con đường ngoằn ngoèo tiến lên tư bản đỏ chủ nghĩa ngày nay.
Khiến ban Tuyên Giáo TW phải điên tiết lên mà gửi công văn mắng nhiếc TBT các báo, rồi hạ giọng khuyến dụ các báo chịu khó “viết gì đi” về công lao của Trần Văn Giàu thống nhất các lực lượng chống Pháp dưới cây dù Việt Minh. Về tuyên bố của Uỷ ban Hành chính Lâm thời Nam bộ là “bộ phận phía Nam” của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Về Jean Cedile nhảy dù xuống gần Biên Hòa bị dân bắt giao cho Nhật rồi được thả và âm mưu thành lập “Nam Kỳ Tự Trị”. Về vụ nổ súng từ Câu lạc bộ người Pháp vào đoàn người tuần hành đang đi ngang qua nhà thờ Đức Bà. Về tội lỗi của Đệ Tứ Quốc Tế phá hoại Đệ Tam Quốc Tế. Về lực lượng vũ trang của tướng Pháp Leclerc cùng tướng Anh Douglas Gracey. Về cuộc đi đêm của tay sĩ quan OSS Mỹ Peter Dewey gặp gỡ những Trần Văn Giàu, Dương Bạch Mai, Phạm Văn Bạch, Nguyễn Văn Tạo, Phạm Ngọc Thạch… Về lời phát biểu “lịch sử” của Trần Văn Giàu: “Hiện nay, việc cực kỳ khó khăn là kiểm soát được các bè phái chính trị khác nhau, vì không phải tất cả thân Việt Minh, mà tất cả đều chống Pháp”. Về 14000 tù binh Pháp được trang bị vũ khí tăng cường cho quân Anh. Và về cuộc tấn công đẫm máu của liên quân Anh-Pháp vào bộ não của Uỷ ban Hành chính Lâm thời Nam bộ đặt tại Tòa Thị Chính Sài Gòn vào buổi sáng ngày 23/9/1945 v.v…
Thế mà tuyệt nhiên, không một báo nào, ngoài tờ Pháp Luật, tuyên truyền cho những ngày tháng bi hùng ấy, đến độ phải để Tuyên Giáo TW nhắc nhở là cần “tăng cường thông tin” về một điểm mốc của cuộc chiến thần thánh trắng xương ngập máu đó.
Tương tự như nỗ lực chỉ đạo nhắc nhở và khuyến dụ của Tuyên Giáo TW một tuần trước, cũng về nhu cầu “tăng cường thông tin” nhắm vào các cuộc họp đảng bộ địa phương, gọi là Đại Hội Đảng Bộ Cấp Tỉnh, trong quy trình chuẩn bị tập trung vào Đại hội Đại biểu Toàn quốc nhiệm kỳ 12 sắp tới. Có vẻ cấp tỉnh làm ăn luộm thuộm khắp nơi hay sao đó, mà Tuyên Giáo TW phải khổ nhọc căn dặn thêm, đến mức tiêu hành muối tỏi, rằng, mọi địa phương phải dồn sức ém các thông tin tiêu cực trong các đại hội đảng bộ khắp nơi.
Chắc chắn không chủ ý, nhưng nhiều phần lời dặn dò này hé lộ ra nhiều cảnh đấu đá lộ liễu giữa các ứng viên đang đạp nhầu nhau để ngoi lên trong dịp đại hội toàn quốc. Điểm khéo (quen thuộc) của chỉ đạo từ Tuyên Giáo TW là yêu cầu địa phương phải báo cáo tức khắc mọi tiêu cực vừa mới phát hiện cho Uỷ ban Kiểm tra TW, hay Ban Tổ chức TW vào cuộc ngay mà …ngăn ngừa mọi sự lợi dụng của các thế lực thù địch!
Cũng phải thừa nhận tầm nhìn xa của Tuyên Giáo TW, thông qua những chỉ đạo sít sao cho gần hai vạn nhà báo có thẻ đang phục vụ non 800 báo chữ lẫn báo hình trong nước, rằng việc gì được làm, việc gì không được làm, trong dịp Quốc Khánh Đài Loan vào ngày Song Thập 10 tháng 10 sắp tới. Yêu cầu chung là không tuyên truyền cho địch làm mất lòng bạn, và tuyệt đối không cử phái viên theo dõi/viết bài/làm phóng sự về sự kiện Đài Bắc rất dễ mích lòng này!
*
Với sự khổ công dày sức đó của Tuyên Giáo TW Hà Nội, người ta có thể sinh ra thắc mắc: Nếu nhà nước Mỹ cũng có Ban Tuyên Giáo TW thì sao?
Liên hệ tới bài báo trên tờ Washington Post nói trên, chắc không ai nghi ngờ rằng có xác suất rất cao, nhiều phần là rất gần với mức tuyệt đối, là bài xã luận này sẽ không thể có mặt trên mạng quá 30 giây. Tất nhiên, nếu là báo giấy thì khổ công cả nước phải đi thu hồi ngay buổi sáng 23 tây. Lý do?
Không thể nào ký giả của nước chủ nhà có thể công khai gây mích lòng sâu sắc bằng nhận định về vị quốc khách có hàng tỷ dân trong tay kia, rằng, nghi thức chào đón trọng thị của Mỹ là “thành tích chủ yếu” cần có của Tập Cận Bình, khi mà đương sự “vẫn đang chiến đấu nhằm củng cố quyền lực ở Bắc Kinh và chứng tỏ rằng ông có khả năng khống chế bộ máy quan liêu đầy tham nhũng và nền kinh tế đang trì trệ”.
Không thể nào ký giả có thể hay có quyền nhắn nhủ hay nhắc nhở tổng thống Mỹ “…Phải thuyết phục ông Tập xem xét lại các chính sách gây hấn mà ông đang tiến hành, từ những vụ gián điệp trên mạng nhằm vào cơ quan của và công ty của Mỹ, đến việc xây dựng các sân bay quân sự ở Biển Đông”.
Không thể nào ký giả có thể hay có quyền nhận định sát sườn rằng: “Tương tự như Vladimir Putin ở Ukraina, ông Tập có cách tiếp cận vô liêm sỉ là phủ nhận, nói rằng chế độ của ông không chịu trách nhiệm về những hoạt động (gián điệp tin học) đó, mặc dù có rất nhiều bằng chứng ngược lại”.
Lại càng không thể nào các nhà báo, cho dẫu là bình luận gia của Washington Post, là có thể hay có quyền đề nghị cho tổng thống một giải pháp trừng phạt quốc khách, rằng: “Tình hình ở Biển Đông là nguyên nhân thậm chí còn đáng lo hơn. Với việc tiến hành xây dựng các đường băng trên những hòn đảo nhỏ mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, Bắc Kinh đã chuẩn bị nền tảng cho việc sử dụng vũ lực nhằm khẳng định tuyên bố thiếu căn cứ của nước này đối với những vùng biển mà nhiều nước, trong đó có Nhật Bản và Philippines, coi là lãnh thổ mình. Vì những lời phản đối bằng miệng và những lời kêu gọi đàm phán của Mỹ đã không ngăn chặn được hành động của Trung Quốc; phải xem xét những biện pháp khác, trong đó có trừng phạt”.
Chưa nói tới Tuyên Giáo TW, chỉ cần nghe tới đây là cỡ tay thầy cúng quốc doanh Thích Chân Quang cũng đủ để phê là “hỗn”, là “dạy khôn” , là trứng với rận, thậm chí, mất dạy hơn chút nữa, là con cái với cha mẹ (bọn nó)…
*
May quá, cơ chế chính quyền Hoa Kỳ, cả tam quyền Lập-Hành-Tư, và cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ, đều không có chút nào cái ý niệm Tuyên Giáo vô học đó.
Có thể nhờ vậy chăng, mà qua cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung này, độc giả nhìn ra một điều hiển nhiên nhưng so với ta là cực kỳ hiếm quý:
Tầm nhìn & trình độ của nhiều ký giả Mỹ có thể xác định được qua những bài viết có vẻ như dự đoán điều gì có thể xảy ra hoặc không xảy ra giữa 2 nguyên thủ, dựa trên hàng loạt chứng cứ xâu chuỗi trước đây… Họ còn nhẹ nhàng “gợi ý” cho giới chức cao cấp nhất của chính quyền Mỹ một số lựa chọn ứng xử có giá trị như điểm nhấn của những cố vấn ngoại giao & nội an.Xem ra, ký giả là ngành nghề mà họ yêu thích, bởi ở tầm này, họ thừa sức tham chính và điều hành một sở, một bộ hay một cơ quan ngang bộ ở Mỹ, hoặc điều hành một tiểu bang, tức là ngang bằng hoặc to hơn cả VN (tính theo GDP).(ĐTL còm bên dưới status giới thiệu bài dịch của FBker Pham Nguyen Truong, 25/9/2015)
“MAY cho Obama KHÔNG CÓ Tuyên Giáo”, là một góc nhìn nhân vị, và là điều kiện phát triển tối đa mọi nguồn trí lực của quốc gia, để cả nước đứng đầu thế giới.
Ngược lại, cũng” MAY cho bộ tứ Ba đình, VỚI giàn Tuyên Giáo TW” nọ, là một góc nhìn (tiêu hành muối tỏi) khác. Ở đó, cái bối cảnh bi tráng của một Nam Bộ Kháng Chiến đã chìm sâu mất tăm bên dưới khung cảnh một đám lâu la cướp cạn ngày nay ung dung cưỡi ngựa xua chó săn (với móng vuốt sắc như ngòi bút) lăng xăng chạy lùa đàn cừu xếp hàng cho trật tự, để làm lãnh đạo đứng đầu một quốc gia xếp cuối hành tinh.
25/9/2015 – Tròn 91 năm Tháp Lôi Phong tại Hàng Châu bị sụp đổ.
Blogger Đinh Tấn Lực