Kẻ Mưu Sát Văn Nghệ Thành Hồ


Pulitzer

Kẻ Mưu Sát Văn Nghệ Thành Hồ

. Đinh Tấn Lực
Một con én không làm nổi mùa Xuân, nhưng có thể giết chết một nền văn nghệ mùa Đông” – ĐTL
Nhà văn/Nhà báo không phải là nhà hàng hay nhà bếp.
Tuần báo Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh (tạm viết tắt là VNHCM), nơi tập họp của làng văn nhân nghệ sĩ thuộc Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ Thuật rực rỡ cả một miền Đất Nước Hồ Chí Minh, tất nhiên, không thể là báo lá cải, lá nho, hay bất cứ loại lá gì mà A-Dong và E-Va từng xài.
VNHCM không đăng tin chủ tịch xã nhờ người thi hộ. Chuyện này quá thường, ở cả cấp uỷ viên trung ương, cách cấp xã kia hàng chục cây số.
VNHCM không đăng tin tàu cá ta bị tàu giặc đâm chìm hay cướp cá. Chuyện này hà rầm như tiểu thuyết phơi-giơ-tông, viết đến mãn án tù à?
VNHCM không đăng tin côn đồ đánh người đến tét đầu, gãy xương mũi hay húp mắt. Nhất là những vụ ủ mưu phục kích gần các trại giam có đánh số.
VNHCM không đăng tin côn đồ cướp phôn để chiếm đoạt cả phôn lẫn các tài khoản cá nhân riêng tư Email/FB/Skype/Viber/Bank/Notes trong đó.
VNHCM không đăng tin đại uý nữ anh hùng lao động ăn tôm hùm 7 kilo. Nhà văn/nhà báo không phải nhà bàn/nhà ăn để luận chuyện gan lộn lên đầu.
VNHCM không đăng bài kỹ thuật đi ị trên tàu ngầm Kilo được nâng lên tầm nghệ thuật. Lý do: Loại hình nghệ thuật đó chưa đủ khắm như cái đang đăng.
Nói chung là các mẫu chuyện nạp vào thải ra có liên hệ đến từ “kilo” đó không thuộc phạm trù đong đếm để gỡ vốn có lời của cơ quan hàng xén VNHCM.
Cái mà VNHCM quan tâm, nghiên cứu, phê bình, trao đổi… phải cao hơn nhiều bậc. Nếu không phải phóng sự Sao Cởi Toàn Bộ Lộ Hàng, Chủ Tịch HCM Vĩ Nhân Của Thế Giới, Nang Thận, Trần Dân Tiên Là Ai, Gan Nhiễm Mỡ, Chút Đời Còn Lại v.v… thì chí ít cũng phải ở tầm Những Hội Nhóm, Diễn Đàn Mạo Danh Để Chống Phá Sự Bình Yên Của Đất Nước (Hồ Chí Minh), chẳng hạn.
Và, một khi chủ đề nằm ở tầm ban-công sân thượng này, thì cũng phải phân bố công tác cho cây bút có tay nghề Phây-búc tương xứng cầm chịch quy trình điều tra, cỡ như Võ Bích Nhạn, chứ không thể đùa được.
Có ai biết nhân thân nhà báo/nhà văn thượng thừa Võ Bích Nhạn? Không à? Vì sự kiện xảy ra ở Hà Nội mà bài báo lên khuôn ở tít trong Nam nên khó biết tác giả à? Thế, có ai biết tí gì về Vạn Bích Nhỏ? Có thể lắm! Mười ngàn bức tường be bé ấy mà!
Chẳng hoá ra chủ đề này là nhằm gia cố hệ tường lửa bằng hàng vạn tường nhọ nồi nho nhỏ kia đấy sao? Nếu đúng thế thì bài báo đăng trên mục Nghiên Cứu Phê Bình này quả là một kỳ tích báo chí chứ chẳng chơi. Bỡi lẽ…
Không có Nhạn thì đâu dễ gì độc giả cả nước đều biết như nhau về “những diễn đàn liên quan tới các nhà báo trẻ, diễn đàn liên quan tới bảo vệ cây xanh Hà Nội, diễn đàn liên quan tới các dự án lớn tại các địa phương…”, tức là những tập hợp sinh hoạt Xã Hội Dân Sự chen chúc đông như quân Nguyên hiện giờ, trên cái đất nước hoàn toàn ổn định từ tham nhũng/xà xẻo/rút ruột/lại quả… cho đến cướp/giết/hiếp/cởi… như VN ta?
Không có Nhạn thì làm sao quần chúng nhân dân quán triệt được rằng dư luận thế giới đã biết về VN ta rõ như bàn tay xoè trong nắng, từ các quả đấm thép thành bùn đỏ, cho tới những pô ảnh đẹp làm truyền thông “tố cáo ‘chính quyền đàn áp người yêu nước’…”. Dụng ý của Nhạn, ở đây, chắc chắn không phải là cách tố cáo, mà chính là cái bể nhận thức của dư luận quốc tế về 2 điểm chính: 1) Những người yêu nước ở VN vẫn nỗ lực vận động làm thay đổi xã hội cho tốt hơn; và 2) Chính quyền phóng tay đàn áp họ. Cả 2 điểm lớn này mà chỉ gom chung vào 1 dòng ngắn vỏn vẹn 9 từ như thế, thì thử hỏi, phi Nhạn có mấy ai làm xuể?
Không có Nhạn thì cũng khó ai biết nổi là chính quyền rực rỡ của ta đã lần lượt hân hoan tự nguyện rơi vào các cái bẫy của “những kẻ khiêu khích nữ cố tình mặc áo dài” giăng ra, thậm chí “còn cười tươi khi bị áp tải lên xe bus” của những tay “biểu tình viên chuyên nghiệp” nọ. Chẳng lý nào cứ hễ đọc Gene Sharp và áp dụng các kỹ thuật đấu tranh bất bạo động kia là tức khắc trở thành chuyên nghiệp? Công trạng phân tích và tổng hợp có ẩn ý này của Nhạn quả thật là một tuyệt chiêu để mọi người cùng tìm đọc quyển Từ Độc Tài Đến Dân Chủ, để ít nhiều chuyên nghiệp hoá chính mình, như Nhạn đã kín đáo gợi mở.
Không có Nhạn thì hẳn bà con ta cũng mù tịt về chuyện tập họp đòi người thành công nhiều lần, lần này do Nhạn kể trong bài Nghiên Cứu đã dẫn, ở trụ sở công an Long Biên. Kết luận ngắn của Nhạn, chỗ này, mới thật đáng giá đồng tiền bát gạo: “…Trình diễn cho công luận thấy, chúng đoàn kết với những người chống chính quyền Hà Nội ra sao, Công an Hà Nội đã bất lực với chúng như thế nào?”. Viết tài đến thế, khéo đến thế, về tình hình nhân dân chống chính quyền Hà Nội râm ran ròng rã; về khả năng côn an thủ đô bị vô hiệu hoá dễ dàng; và về một bằng khen cấp Ưu Tú/Nhân Dân dành cho “bọn phản động” như thế… thì quả thật thiên hạ thời nay hiếm. Ắt là các giảng viên ngành báo chí trong nước phải cho điểm 10 khúc này.
Không có Nhạn thì, quan trọng nhất khâu này trong toàn bài, chỉ 3 từ thôi: “chối đây đẩy”, là đủ cho thấy tác giả có mặt tại hiện trường trụ sở công an Long Biên, hoặc chí ít, được nghe CA Long Biên mô tả lại khung cảnh lấy cung những người yêu nước bị áp giải về đó. Ít ai có thể ngờ rằng chính tác giả bài báo trong Nam cố tình nhấn mạnh khâu “hé lộ quan hệ với CA” ngoài Bắc, bên dưới cái khiên che là tính từ “hèn mạt”, để nhấn sâu vanh vách vào chi tiết chối đây đẩy: “Em chỉ đi dạo chơi ngày lễ, không có biểu tình tuần hành gì… Có cô còn nói thẳng: Em có biết cây cối gì đâu, nguy hiểm thì các anh cứ chặt đi, để thế dễ gây chết người lắm…”. Tức là, nếu không phải Nhạn thì chỉ có CA mới có các chi tiết “thành khẩn hợp tác” đó, mặc dù khúc trên đã nhấn mạnh rằng đám nhân dân yêu nước này đã coi khinh “CA Hà Nội bất lực với chúng như thế nào?”. Chỉ 3 từ chối đây đẩy đó thôi mà tác giả đã huỵch toẹt ra cả một bức tranh CA hèn mạt Vừa bó tay-Vừa nói dóc, như rứa, thì tài nghệ này có lẽ đã vượt mặt nhà báo T.Lan trong quyển Vừa đi đường-Vừa kể chuyện. Có khi vượt mặt cả nhà báo Trần Dân Tiên huyền thoại từng hé lộ Những mẩu chuyện về đời hoạt động của HCM, cũng nên.
Không có Nhạn thì bảo đảm độc giả VNHCM và độc giả của hàng trăm tờ báo đăng lại bài nghiên cứu lẫy lừng này không thể nào biết tường rõ tận những tên tuổi/gốc gác/gia cảnh/bằng cấp/nghề nghiệp/khuynh hướng/quá trình hoạt động dân sự… của đám đông những người cần biết mà nhân dân chưa có cơ hội biết đến. Tài tình là chỗ đó. E rằng sau bài Nghiên cứu Phê bình này, quần chúng nhân dân biết rõ còn hơn cả biết lãnh đạo, về nhân thân những người từng kết đoàn/lập hội hoạt động “cho thế giới chứng kiến” toàn cảnh đảng và nhà nước xứ này đồng loạt …đuối. Từ đuối lý (thì bắt) tới đuối sức (thì cấm). Cả cấm tụ tập, cấm ký tên tập thể, cấm vào các sứ quán nước ngoài, cấm “vận động chính khách nọ kia”, cấm liên hệ hay “liên quan đến Việt Tân”… cho tới cấm xuất cảnh, tịch thu hộ chiếu.
Không có Nhạn thì có mấy ai biết đến nhóm Vì Một Hà Nội Xanh? Càng mấy ai biết đến nỗ lực làm thay đổi một Hà Nội đỏ trọc đến ngu ngơ tham ác như lãnh đạo nó đang là? Rõ là không có Nhạn thì người ta cứ tưởng chỉ có một Hà Nội mất dạy, há chẳng phải là một công khó bênh vực Hà Nội ngay đây sao?
Không có Nhạn thì kể cũng khó lòng thoải mái liệt kê trên dàn báo đảng những Nick Phây-búc, thậm chí, những danh xưng “nhiều vô kể” trước giờ chỉ thuộc về các “sổ bìa đen”: No-U, X-café, Dân Luận, Con Đường Việt Nam, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, VOICE, Khối 8406, Mạng Lưới Blogger VN, đảng Cộng Hoà v.v… và tất nhiên, không thể thiếu cái đinh Việt Tân.
Không có Nhạn thì hẳn cũng không mấy người nghe nói đến Tuyên bố 258, đến cuộc thi viết “Quyền Con Người & Tôi” hay “Bạn Hiểu Thế Nào Về Bình Đẳng”… Và muốn cho mọi người lục lọi tìm hiểu sâu hơn về những tổ chức hay về những hoạt động sôi nổi đông vui đó, liệu là có một bài Nghiên cứu Phê bình nào hiệu quả hơn bài viết công phu này của Nhạn? Liệu là còn phương pháp nào tinh vi hơn để bình thường hoá cả ý niệm lẫn cách vận động cho “đấu tranh dân chủ”, “đấu tranh nhân quyền”? Liệu là còn gợi ý nào thiết thực hơn lời khuyên chiến lược ở tầm cố vấn của một Nhạn Nhẹ Nhàng Nhún Nhảy: “Lợi dụng chống TQ để chống chính quyền”?
Ngần đó ẩn ý gói ghém trong một bài phân tích/tổng hợp ngắn, tưởng chừng là để “vạch trần”, không ngờ là để “ngợi ca” những nỗ lực mà nhà nước không mấy ưng/mấy thích. Tức là những hoạt động xuôi lòng dân mà nghịch ý đảng.
Võ Bích Nhạn đã chứng tỏ công lực thâm hậu thần sầu của một phóng viên có thể dàn dựng công phu một cuộc “mưu sát” êm ái tay tổng biên tập Tuần báo Văn Nghệ nói riêng, và một nền văn nghệ hồ chí minh, nói chung, chỉ bằng một bài báo ý tàng quỷ khốc.
Võ Bích Nhạn xứng đáng được đề cử giải báo chí danh giá quốc tế Pulitzer giữa nhiệm kỳ 2015-2016.
Ước gì, với tài năng thượng hạng ngoại hạng này, Võ Bích Nhạn chịu khó viết về sinh hoạt đại biểu QH ta thì …Tuyệt!
Thật!
26/6/2015 – Tròn 19 năm hệ thông tin di động Vinafone của Cty bưu chính viễn thông VN đi vào hoạt động. Tròn 70 năm ngày ký Hiến Chương thành lập Liên Hiệp Quốc tại San Francisco. Tròn 128 năm ngày ký Công Ước Constans giữa thực dân Pháp với Thanh triều, nhằm xác định đường biên giới giữa Bắc Kỳ và Đại Thanh.
Blogger Đinh Tấn Lực