Vài điều từ "Quyền lực của không quyền lực"


Vài điều từ  "Quyền lực của không quyền lực" magnify

Blogger Ống Kính Cuộc Sống:

http://blog.360.yahoo.com/blog-VGUkRGkhc6de5WByO7Y3RJywDA9u8w--?cq=1&p=3023

Vài điều từ

"Quyền lực của không quyền lực"

“Hệ thống hậu toàn trị đụng chạm đến con người trong mỗi bước đi, nhưng nó làm thế với cái găng tay ý thức hệ. Chính vì điều này mà cuộc sống trong hệ thống mới thấm đẫm đạo đức giả tạo và những điều dối trá như thế: nhà nước của quan liêu thì lại được gọi là chính quyền nhân dân; người lao động bị nô dịch dưới cái tên giai cấp lao động; sự thoái hóa hoàn toàn của cá nhân thì được trình bày như là sự giải phóng tột bậc; bưng bít thông tin được gọi là cung cấp thông tin cho quần chúng, sử dụng quyền lực để giật dây thì được gọi là kiểm soát công cộng về quyền lực; lạm dụng quyền lực tùy tiện thì được gọi là tôn trọng luật pháp, đè nén văn hóa thì được gọi là phát triển văn hóa; sự mở rộng ảnh hưởng đế chế thì được trình bày như thể là giúp đỡ người bị áp bức; mất tự do ngôn luận trở thành hình thức cao nhất của tự do; các kì bầu cử lố bịch trở thành hình thức dân chủ cao nhất; cấm suy nghĩ độc lập thành thế giới quan khoa học nhất; chiếm đóng quân sự trở thành giúp đỡ anh em. Vì chế độ bị nhốt chặt trong những lời dối trá của nó, nó phải xuyên tạc tất cả. Nó xuyên tạc quá khứ. Nó bóp méo hiện thực và nó bịa đặt tương lai. Nó xuyên tạc thống kê. Nó giả đò như không nắm giữ các cơ quan an ninh có quyền lực vô hạn và đốn mạt. Nó vờ vĩnh tôn trọng các quyền con người. Nó giả đò như không kết án ai. Nó làm như không sợ bất kì điều gì. Nó giả vờ như không giả vờ gì cả.”

Đoạn trên đây trích trong phần IV của tiểu luận “Quyền lực của không quyền lực” (1978) của Václav Havel, tổng thống đầu tiên của nước Tiệp Khắc dân chủ. Trong “Quyền lực của không quyền lực”, Havel đã định nghĩa khái niệm “Hậu toàn trị” và gắn nó vào xã hội Đông Âu thời hậu Stalin. Đồng thời, ông cũng phân tích những khía cạnh căn bản khiến cho hệ thống hậu toàn trị này tồn tại rất ổn và bền vững – bất chấp thực tế là nó đang hủy diệt mọi quyền con người và khép người ta vào bộ máy vận hành đơn điệu, tàn nhẫn của nó.

Trong đoạn mà tôi trích dẫn ở trên, tôi đã tìm thấy những biểu hiện căn bản mà xã hội VN hiện nay đang áp dụng, đang tự đẩy mình vào cái gọi là “hậu toàn trị” bất chấp thời điểm lịch sử, giai đoạn lịch sử và mối quan hệ với quốc tế. Tôi không hiểu biết đủ nhiều để có thể thấu hiểu hoàn toàn những hỗn loạn đang diễn ra trong giai đoạn này của đất nước. Tuy nhiên, những gì mà tôi có thể thấy, cảm nhận và biết được quan sách vở, bạn bè và những người chứng kiến cho tôi cảm giác bức bối thực sự về cách hành xử của các lãnh đạo nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

Những mâu thuẫn cố hữu của Thiên Chúa Giáo với nhà nước đã bị đẩy lên cao dữ dội trong những ngày gần đây. Tôi có thể nghe được tiếng bạn bè tôi cầu nguyện, đọc những tin nhắn của họ và cảm nhận được sự bất an nơi họ. Tôi có thể cảm thấy sự phẫn nộ đang như một sợi dây cháy chậm, rất ít lửa nhưng lan rất nhanh. Trên từng khuôn mặt tôn giáo tôi quen biết, tôi cảm nhận được sự đổi thay – một đổi thay ghê gớm- còn hơn cả những ghét bỏ vốn đã thâm căn cố đế từ đời cha mẹ họ. Sự ghét bỏ ấy bây giờ là hiện thực.

Chính quyền và giới truyền thông đã chơi một đòn không đẹp: trích dẫn lời của cha Ngô Quang Kiệt và đặt nó vào một cảnh đủ để cả dân tộc trở thành kẻ đối địch của ông. Cách làm của VTV ngày hôm qua thực sự đã làm tôi sửng sốt: không một ai – kể cả những người nắm quyền lực của giới truyền thông – có quyền kết tội và đẩy một con người vào tình trạng khốn khổ bằng cách xuyên tạc phát biểu của họ. Ấy vậy mà mấy ngày nay, giới truyền thông đã làm thế. Chủ nghĩa dân tộc vốn là chiêu bài mạnh mà báo chí hay sử dụng mỗi khi muốn trục xuất, tiêu diệt hoặc đẩy một cá nhân nào về “phía bên kia”. Cách làm đó vốn đã từng được sử dụng rất nhiều trước kia khi nhà nước cảm thấy những cá nhân “nguy hiểm” đang đối thoại với bản chất của nó. Tuy nhiên, hiện tại không phải là “trước kia” hay “ngày xưa”, nó đã là một thế giới khác ngày hôm qua – dù rằng về cơ bản tôi nghĩ rằng vẫn còn giống như đúc hôm qua.

Việc giới truyền thông trở thành cái loa phát ngôn, “mạnh mẽ” đánh những cá nhân đối lập với chính quyền đã thực sự làm suy giảm lòng tin mà nhân dân dành cho họ. Dư luận có thể rất nhạy cảm, rất dễ bị kích động, rất “cả tin”. Nhưng dư luận không phải là “con nghiện” để báo chí cho mình cái quyền nhồi sọ họ với những thông tin “theo ý muốn” của người viết. Xã hội đã có những đổi thay đủ mạnh để từng cá nhân trong đám đông dư luận nhìn nhận vấn đề và cảm nhận vấn đề theo thông tin đa chiều mà họ tiếp nhận. Sự bưng bít không còn. Nhưng sự hiếp dâm thông tin thì còn nguyên vẹn!

Một điểm khác, tôi cũng nhận thấy đây là giai đoạn thực sự rất...kì lạ. Với 21 năm sống trên đời, tôi chưa thể so sánh thời điểm này với cái gì khác trong quá khứ. Nhưng cái mà tôi thấy là một cuộc đi ngược thời gian ngoạn mục của văn hóa. Hay còn gọi là : “đè nén văn hóa thì được gọi là phát triển văn hóa”

“Đánh” văn hóa trở thành một trò tung hứng của giới truyền thông. Thật lạ kì là ở giai đoạn mà người ta nghĩ rằng những cái gọi là “kiểm duyệt” đã thông thoáng và dễ chịu hơn giai đoạn trước kia thì cái gọng kìm ấy lại siết chặt lấy quyền hưởng thụ văn hóa của mọi người. Những hình ảnh “nóng” nghệ thuật của điện ảnh được ghép vào tội “vi phạm thuần phong mỹ tục”, những cuộc chơi công khai ít màu sắc trụy lạc lại bị gán tội “trụy lạc”, những phản ánh căn bản của cuộc sống lại một lần nữa bị gọi tên “nhạy cảm” và bị cắt xén, tiêu hủy, biến khỏi tầm với của công chúng. Có lẽ đè nén văn hóa là cách thức tốt nhất để biến con người trở thành những con cừu ngoan hòa mình vào dòng chảy của hệ thống, yên phận chấp nhận những “đảm bảo” mà hệ thống ban cho nó. Sự trắng trợn tước quyền được hưởng thụ văn hóa cứ như một kiểu công nhiên khoe khoang quyền lực và tỏ ra cho công chúng biết rằng: “chúng mày vẫn là những con cừu trong chuồng mà thôi.”

Thực sự là công chúng vẫn đang hết sức kiên nhẫn để đón đợi sự hào phóng của khâu kiểm duyệt. Trong thời gian nhàn rỗi chờ đợi đó, họ đọc văn học trên mạng, tiếp thu mọi tinh hoa văn hóa nhân loại bằng tiếng Anh và đủ thứ ngoại ngữ khác. Xã hội tự cởi trói mình bằng khao khát hướng tới quyền con người cơ bản nhất của mỗi cá nhân.

Những sự kiện xảy ra gần đây cứ như một quả bom nhắm thẳng vào sự hờn giận âm ỉ của từng con người về những được mất quá khứ, hiện tại của riêng họ. Trong bóng tối tinh thần đó, những động thái kì lạ - hay đúng hơn là “cứng rắn một cách quê mùa” của chính quyền đang đem lại những hiệu ứng cũng...kì dị không kém.

Mà hậu quả... khó ai có thể lường trước được!

Khải Đơn