Vũ Đông Hà - Trại Súc Vật 2010

Trại Súc Vật 2010


. Vũ Đông Hà



Sáng hôm nay không khí của trại súc vật Cô Đồn vừa yên ắng vừa nặng nề. Chung quanh nhà chứa của trại, những con chó đã có mặt gầm gừ canh gác từ lúc tờ mờ sáng. Ba con gà thức giấc sớm, mới mon men ngồi bệt gần nhà chứa, uống cà phê, thì đã bị chụp cổ về chuồng chó. Hơn năm tháng qua, đám vịt ở chuồng bên phải đã cùng với lũ chó chộn rộn chạy rong khắp trại để dẻo mồm tuyên truyền việc bắt giữ bốn con ngựa chiến sĩ về tội âm mưu đòi lật đổ các lãnh đạo lợn. Mấy tháng trước đó, nhiều ngựa khác cũng đã bị tống giam vì lên tiếng chống lại việc đám lợn Khựa từ trại giáp giới phía bắc ngang nhiên cướp giật miếng đất có thác nước đẹp nhất và một phần cái hồ nhiều cá ở phía đông của trại. Cầm đầu những đợt trấn áp này là chó trung tướng Ba Đình và chó thiếu tướng Hồng Kông. Đám gà lắm chuyện ở dãy chuồng bên trái cứ rì rầm Kông thật sự là gốc cẩu Khựa, đến từ trại súc vật ráp ranh.

Hôm nay là ngày xử bốn con ngựa chiến sĩ.

Trong gian nhà chứa, bốn con chó lớn mắt rằn ri gân máu lầm lì đứng gác ở cửa ra vào. Lũ lợn dáng vẻ trịnh trọng đang đủng đỉnh tiến vào vị trí ngồi. Trong đàn lợn này, có con là cán bộ cao cấp của trại, có đứa ở trong chi bộ đảng cùng địa phương với bốn ngựa bị cáo. Tất cả đều là đảng viên đảng Lộng Cợn. Giữa những hàng ghế, lác đác mấy con vịt chuồng bên phải đang rộn ràng chuẩn bị giấy bút. Khuất phía sau là bầy chuột đang xem xét lại những đường truyền âm thanh. Phía trước là bốn con chó khác mặt quần áo và đội nón màu xanh ô liu đứng nghiêm như đồng. Đám thân mã của bốn ngựa bị cáo và quan khách chọn lọc từ những nông trại khác thì được phối trí đi chân không qua phòng bên cạnh.

Đến giờ khai mạc, con chó đồng phục màu ô liu sủa ầm một tiếng, đàn vịt lạp cạp và chủ tọa phiên tòa lợn Lục oai vệ bước ra. Lợn Lục với những chiếc răng nanh thấp thoáng nhưng đã tập được dáng vẽ phúc đức, đảo cặp mắt đầy nét hiền từ qua lại khắp phòng để tăng thêm phần trịnh trọng. Trước ngày chiến thắng mùa xuân, lợn Lục nhiệt tình phục vụ trong đơn vị ném phân thuộc lợn đoàn ba linh năm. Sau bẩy nhăm, lợn Lục hăng hái tham gia công tác đập nước. Hai năm sau, lợn Lục chuyển sang ngành đấu tố, không cần học hành, chẳng phải bằng cấp. Lợn Lục nổi tiếng là tay sát thủ với 17 án tử hình đã ban phát. Từ ném phân qua đập nước đến đấu tố, lợn Lục đã ủn ỉn trèo lên được cái ghế phó chánh chuồng hình sự. Theo sau lợn Lục là lợn Đánh và lợn Kiểng xum xoe đóng tuồng kiểm soát viên.

Phiên tòa im phăng phắc khi bốn ngựa bị cáo được bốn con chó điều ra đứng trước vòng móng lợn. Từ trái sang phải gồm: ngựa Kiên Định, ngựa Tỉnh Thức, ngựa Tận Trung và ngựa Phục Long. Sau khi thấy tất cả đã an vị và sẵn sàng lắng nghe, lợn Lục thổi phù phù vào mi cờ rô và bắt đầu phát ngôn:

“Thưa các đồng chí, tôi tin rằng tất cả các đồng chí đều tin tưởng một cách sâu sắc và đánh giá cao độ nền pháp lý công bằng, dân chủ, văn minh do đảng ta lãnh đạo. Dựa vào các chuẩn mực quốc tế về quyền súc vật, đạo đức cầm thú, việc xét xử sẽ được tiến hành công bằng, minh bạch nhưng không thoát ly khỏi sự chỉ đạo sáng suốt của đảng. Các đồng chí phải dứt khoát nhớ rằng bất kỳ lúc nào, từ khi các đồng chí súc dân mở mắt lao động cho đến giờ các đồng chí lãnh đạo nhắm mắt lên giường, những thế lực thù địch vẫn luôn luôn rình rập để tìm mọi cách phá hoại thành quả cách mạng của lãnh đạo ta. Chỉ một bước sai lầm là kẻ thù sẽ tấn công ngay. Vì thế, các đồng chí phải tin tưởng tuyệt đối vào kết quả khảo cung vô tư và chứng cớ phạm tội nghiêm trọng của các bị can do các đồng chí công an đệ trình là hoàn toàn chính xác. Trại của chúng ta đang trong thời kỳ quá độ, vết thương chiến tranh vẫn chưa lành lặn, nhưng đã đạt được nhiều thành quả cực lớn dưới sự lãnh đạo tràn đầy sáng tạo của đảng. Thế mà bốn bị cáo ngày hôm nay, do những tuyên truyền của các thế lực thù địch, với những ý đồ cá nhân cực kỳ phản động, đã theo đuổi những ý tưởng phá hoại, âm mưu diễn tiến hòa bình và kích động lật đổ chính quyền súc dân…”

Đồng chí lợn Lục phát biểu dài dòng nhưng ý ít. Phiên tòa vừa mới mở đầu xem như đã kết luận. Phần còn lại chỉ để đám vịt dựng phim. Lũ vịt khác thì ngồi bệt lên ghế đánh vần lại bản tường thuật đã được các đồng chí chó trao tận chân từ đêm trước. Bốn ngựa bị can cũng được phát biểu nhưng đa phần những trình bày đầy lí lẽ đều bị lợn Lục chận ngang hay đám chuột cắn nhiễu đường truyền. Có đôi lúc ồn ào một tí thì những con chó mắt gân đỏ đã sủa ầm. Đám thân mã và quan khách phòng bên cạnh ngơ ngác nhưng cũng đoán biết sự tình. Bốn con chó canh cửa suốt buổi lầm lì quan sát hoặc bám theo những kẻ đi vào chuồng xí. Chưa hết ngày và không cần thêm một bữa nữa như dự trù, lợn Lục tuyên bố kết quả bản án: Thức Tỉnh 16 năm tù, quản chế 5 năm tại chuồng. Tận Trung 7 năm tù, quản thúc 3 năm tại chuồng; Kiên Định và Phục Long 5 năm tù và quản thúc 3 năm tại chuồng.

*

Đã hơn một tuần trôi qua. Sinh hoạt của trại trên bề mặt vẫn đều đặn trôi. Những con gà ở chuồng bên phải rầm rì hơn nhưng cũng cảnh giác hơn. Có vài con trầm ngâm ra mặt và bớt bép xép. Có vài con bức xúc, liều mạng bay lên nóc nhà và đẻ xuống cho trứng vỡ chơi. Cũng có nhiều con gà mới, lâu ngày không gáy, thấp thỏm xà vào nhập bọn lên án đám lợn và chó.

Lũ chó thì được phân công gia tăng xách cổ thêm vài con ngựa về chuồng chó và mai phục khắp các tàu ngựa. Nhiều con được bố trí nhảy tỏm vào thùng hắc ín, gắn đầy lông gà lên người, cục ta cục tác trà trộn vào các chuồng gà bên trái để nghe ngóng hay sủa điều hay ho về lãnh đạo Lộng cợn Cô đồn hoặc nhân danh súc dân để văng tục về ngựa chiến sĩ.

Những con ngựa bây giờ mỗi lần lên đồi ăn cỏ, xuống ao uống nước đều lủi thủi một mình. Trước đây đám bò hay mon men đến chào hỏi, ngay cả bọn cừu cũng thích lân la. Bây giờ thì biến tất. Trước những cặp mắt đầy gân máu rình rập của đám chó, con nào cũng hãi dù trong lòng thương và phục đám ngựa. Mấy anh chị ngựa cũng tránh không tụ tập thành đàn, cần nhắn gì nhau thì nhờ mấy chú sóc đưa tin.

Riêng đám lừa thì khó đoán được tâm trạng. Trước đây chúng là đám tiên phong trong nghĩa vụ giải phóng trại Cô Đồn. Bây giờ, lũ lợn nắm quyền đã mời chúng về vườn sau khi ân cần tống cho mỗi đứa một cái huân chương Chiến Thắng.

Còn lại là đám cừu, đông nhất trại và được đám lợn tấn phong là chủ súc của trại từ những ngày khởi nghĩa. Những chủ súc ông này mỗi ngày ngoan ngoãn xếp hàng cho đầy tớ lợn xách ra cạo lông đem bán làm giàu. Nhiều khi lông liếc mới mọc lại lún phún cũng bị đè ra cạo tất. Dao có cắt lậm đến đổ máu chúng cũng cúi đầu im lặng. Nhiều con còn bị đẩy qua các ngoại trại để đám ngoại súc lột da hoặc làm vợ cho lũ dê già ngoại giống. Vậy chứ có ai nói vào nói ra thì lũ cừu nổi xung rống lên “dù gì cũng khá hơn mùa thu năm ấy !!!”. Lũ vịt chuồng trái hùa theo “không có lãnh đạo lợn thì đói rã họng !!!”. Cũng có các cô cậu cừu không nói năng gì, chỉ quay đuôi bỏ đi và lẩm bẩm tụng “khôn thì sống dại thì chết, khôn thì sống dại thì chết…”.

Sau ba ngày ăn cỗ và uống rượu vang, lũ lợn ủn ỉn kéo nhau về đại sảnh triều đình họp kín. Đám lợn ngoại giao đập bàn, đá ghế chưởi xoành xoạch vào mặt đám lợn công an đã đổ phân cho chúng hốt, phải miệng gỗ phân bua với các ngoại trại. Đám lợn xanh hùa theo hưởng ứng. Đám lợn công an vung mồm chưởi lại. Không tròng đầu đám ngựa này, lũ cừu trụi lông sẽ chạy theo chúng, các đồng chí trại bắc sẽ phật lòng, và nhất là có một số đồng chí lợn xanh đang tính kế nhảy chuồng với chúng. Đám lợn đỏ nhảy xổm lên bàn vỗ chân phụ họa. Hội nghị chấm dứt trong sự nhất trí sau khi lợn Hoàng đế tuyên bố: lợn bắc lợn tây, lợn đỏ lợn xanh, lợn nào cũng là lợn. Phải bảo vệ vựa cám triều đình !!!.

Có điều bất thường là đám vịt ở chuồng bên phải lần này ít càm cạp hơn những lần đấu tố khác của lợn Lục. Lũ gà nhiều chuyện ở chuồng bên trái đang rị mọ tìm hiểu nguyên do.

***

Mùa xuân. Mất đến ba ngày không ngủ, lừa Công Thần mới lụm khụm chống gậy xuôi về bờ suối cũ nơi chôn xác các đồng chí lừa cách đây đã mấy mươi năm. Lặng im nằm trên đất lạnh, lừa nghe tiếng xung trận của tuổi thanh xuân vọng về. Toàn trại ngày ấy bừng bừng một bản đại hùng ca và hơn bốn nghìn trang lịch sử hào hùng đã được góp lại một cách kỳ diệu trong hai chữ Tiến Lên. Tiến lên đáp lời sông núi. Tiến lên vì độc lập, tự do, hạnh phúc. Bỏ lại sau lưng mẹ già và em thơ, Lừa và lớp lớp các đồng chí khác đã cất bước lên đường. Không một đắn đo. Không mảy may sợ hãi. Chỉ một tâm hồn sạch như tờ giấy trắng và trái tim nóng bỏng. Từng đoàn, từng đoàn. Vài con cáo dẫn đầu. Đám lừa lừng lững nối đuôi. Những con vịt lệt bệt theo sau, khua chiêng gỏ trống gióng lên khúc hát đại đồng và bài ca vô sản. Sau chót là một rừng cừu trụi lông say máu, hồ hởi lao theo cơn lên đồng vĩ đại. Chỉ những con chó dại là vô trật tự, sùng sục tứ tung, hùng hổ cắn cổ những con lần khần.

Một cơn gió lạnh thổi qua làm lừa rùng mình và nhớ đến ngày trở về quê cũ, một năm sau ngày chiến thắng đầu tiên. Lừa không còn gặp lại lừa gái đã xuôi nam bên kia con rạch. Còn lại là những nấm mồ vội vã của những con lừa giàu có và tốt bụng trước đây vừa mới bị cắt cổ đồng loạt. Mảnh đất hoang tàn chỉ toàn màu đỏ và mưa. Một chiếc lá rơi xuống chỗ nằm. Lừa nghe tiếng thở cuối cùng của lừa đồng chí trước khi chết trên tay lừa trong một đêm sau tết sáu bẩy; đôi mắt vẫn mở trừng như nhắn nhủ lừa phải tiếp tục tiến bước vì sự nghiệp vinh quang của toàn súc dân.

Năm tháng trôi qua, những con lừa gầy ốm thời tiêu khổ kháng chiến nay đã béo tròn. Những khuôn mặt xanh xao, hốc hác của những ngày địa đạo nay đã hồng hào phúng phính nọng mỡ. Nhiều con lừa ngày xưa đã biến thành những con lợn căng nọng vú. Những đêm trằn trọc, lừa muốn làm một điều gì đó. Dù sao lừa cũng là một công thần với bao nhiêu công trạng, thành tích. Có đêm, sau khi đám lợn Khựa cướp đất giật hồ của trại, lừa đã đi đến quyết định. Phải làm thôi! Xương máu của tiền súc và bao đồng chí đã đổ ra để bảo vệ và xây dựng. Không thể được ! Nhưng sáng ra, khi vừa nghe lũ chó râm rang sủa, đám vịt liên tu cạp cạp và mụ lừa cùng ba đứa lừa gái phấn son sửa soạn rời chuồng thì lừa lại lủi thủi chui vào ổ rơm trùm chăn ngủ tiếp.

Ngồi dậy, lừa soi bóng mình dưới lòng suối chập chờn theo ánh trăng. Lừa không biết mình có phải là thằng lừa từ lúc lọt lòng mẹ lừa không nữa. Hay là nó là đứa bao năm qua đã đi lừa đồng loại. Hoặc là bao năm qua nó đã bị lừa. Tự lừa? đi lừa? bị lừa? Những ngày cuối đời nó không còn biết nó là ai. Nó chỉ biết rõ rằng tự nó không thể cho nó là ai cả. Chỉ có hành động của nó mới định rõ nó là ai.

***

Trời đã gần sáng. Những con cừu đang say sưa trong giấc ngũ mê muội. Con lừa già nua vẫn nằm trằn trọc với câu hỏi mình là ai. Chợt có tiếng ngựa hý vọng về. Bốn tiếng vọng nhỏ nhưng như mũi tên xuyên thủng màn đêm. Từ khắp phía nông trại, những tiếng hý khác trổi lên phụ họa. Tiếng hý mang gió đi và làm nghiêng ngả hàng cây. Đám cừu thức giấc ùa ra đứng dưới ánh trăng. Nhìn những thân hình trụi lông của mình và của nhau, nhìn số đông đang đứng thành rừng, đám cừu ngẫng mặt nhìn trăng và đồng họa theo tiếng hý. Con lừa già ngồi bật dậy, mở cửa và chống gậy đi về phía mặt trời sắp mọc.

Lừa đã có câu trả lời: lừa muốn là ngựa.

Vũ Đông Hà – http://vudongha.wordpress.com

*

Ý: George Owell. Chuyện: ai cũng biết.

"Chúng ta không thể cúi đầu"



“50 mươi năm trôi qua (kể từ 14/9/1958) nhưng chúng ta không thể quên. Vì một phần thân thể của đất mẹ vẫn còn bị cắt đứt. Chúng ta không thể cúi đầu. Vì danh dự và tự hào dân tộc vẫn là một vết nhục chưa được xóa nhòa. Chúng ta không thể im lặng. Vì im lặng là đồng ý với hành động bán nước. Chúng ta không thể buông xuôi. Vì mọi sự thờ ơ và buông xuôi sẽ dẫn đến những hành động bán nước tiếp diễn trong tương lai”.

Anh thư Phạm Thanh Nghiên

Cầm Quyền Du Đảng Hay Du Đảng Cầm Quyền? . Đinh Tấn Lực



Cầm Quyền Du Đảng

Hay

Du Đảng Cầm Quyền?

. Đinh Tấn Lực

Nhà cầm quyền CSVN hiện chỉ cầm búa cầm liềm theo kiểu cầm chừng: Chủ nghĩa bây giờ là cầm khoán bẻ măng. Chính sách là cầm cố đất nước. Định hướng là cầm cái/cầm con mọi nguồn viện trợ. Quan chức thì cầm cốc mua vui. Khẩu hiệu đạo đức là cầm lòng. Kẻ thù là sĩ phu cầm bút. Đối nội là cầm tù phản biện. Đối ngoại là cầm dao đằng lưỡi. Tư tưởng là uốn gối cầm bô. Kinh tế là khấu đầu cầm bị. Văn hóa nhắm mắt cầm loa. Thông tin bịt mồm cầm kéo. Tuyên giáo nhắc tuồng cầm canh. Công thương khum lưng cầm khách. Công an khóa xích cầm chân. Tư pháp cầm đèn chạy án. Báo đài khép nép cầm ca. Giáo dục huơ roi cầm tiền. Y tế miên man cầm giá. Hành chánh xum xoe cầm dù. Dân phòng lăm le cầm súng. Tại chức nhi nhô cầm bằng. Cấp ủy loay hoay cầm đũa. Đảng viên tí toáy cầm nhầm. Chất xám tất bật cầm máu. Mặt Trận đắm đuối cầm chầu. Phong bì thoải mái cầm cương. Đầu tư tuột dốc cầm chắc. Quốc Hội không dám cầm còi. Tham nhũng ung dung cầm lái. Đất nước lệt bệt cầm cờ…

Sứ mệnh lịch sử bây giờ là cầm cự: Lãnh đạo níu ghế cầm đô. Nhân dân lũ lượt cầm đồ. Công nhân hút gió cầm cữ. Nông dân chạy gạo cầm hơi. Ngư dân cầm mạng chuộc tàu. Tiểu thương cầm vợ đợ con. Trí thức rán cầm nước mắt. Trung ương vẫn ngỡ cầm đầu. Trên dưới tranh quyền cầm trịch. Cả giuộc lắm phen cầm cập. Nhìn giặc đoạt ải/chiếm đất/cướp đảo mà chẳng dám cầm quân. Thấy dân đòi đất/đòi nhà/đòi chỗ tu hành thì giả dạng du côn cầm gạch/cầm đá/cầm cây/cầm gậy…

Một nhà cầm quyền như Rứa đáng gọi là gì? Nghe chừng phảng phất đâu đây thoảng chút hoang mang: cầm độc hay cầm thú?

- Toàn Đảng Chống Toàn Dân -

Câu trả lời cho câu hỏi nêu trên hoàn toàn thuộc về nhân dân. Dù chưa rõ và chắc, qua một cuộc trưng cầu dân ý vẫn biết là khó sớm có, song chẳng ai là chưa đoán ra được, căn cứ vào những sự kiện đã từng xảy ra đó đây, từ Thái Hà tới Tam Tòa, Bát Nhã, và mới vừa lặp lại, cả trên đồi Đồng Chiêm, cả trên mạng BauxiteVN, lẫn trên bục chánh thẩm khắp nước.

Cứ Google Image các từ khóa đó là lập tức hình ảnh máu me nhầy nhụa hiển thị đến không kịp bấm chuột sang trang.

Du đảng là gì, nếu không phải là tổ chức cho dân phòng/xã hội đen lấy cớ dẹp xe máy dựng trước nhà để gây ẩu đả có thương tích; là chỉnh sửa hình ảnh của thủ phạm từ nhiều năm trước để vu oan/bắt bớ nạn nhân?

Du đảng là gì, nếu không phải là tổ chức thuê bao xã hội đen trà trộn vào đám đông giáo dân/phật tử đang cầu nguyện để phá rối/lăng mạ; là chiếm đất giáo đường làm công viên; là giật sập nhà nguyện/đập phá chùa chiền/huy động hàng ngàn công an cùng chó nghiệp vụ giật sập thánh giá lúc 2 giờ sáng…?

Du đảng là gì, nếu không phải là là chỉa dàn loa phường từ bốn hướng vào nhà thờ ra rả chửi rủa Chánh xứ họ đạo; là ủi đất/đắp mô/lấp ngõ để giáo dân không qua lại được; là hành hung/đả thương cả người thu hình các thương binh bị đánh và chụp ảnh các mô đất điển hình của chính sách gây ùn tắc giao thông/ngăn sông cấm chợ?

Du đảng là gì, nếu không phải là “tổ chức chu đáo, bỏ nhiều công sức và tiền bạc” thuê bao tin tặc (cả tin tặc “lạ”) để xâm nhập/khống chế/truy sát các trang mạng phản biện; là ăn cắp mật khẩu để chiếm đoạt các trương mục email và mạo danh tung thư lũng đoạn?

Du đảng là gì, nếu không phải là tổ chức nghe lén điện thoại/đọc lén điện thư; là xông vào nhà dân lục soát, chộp ổ cứng vi tính về khám; là gọi dân lên đồn không được, mới trưng ra trát tòa; là buộc dân phải thành khẩn khai báo “tội yêu nước” vì đã vạch trần các âm mưu phá hoại đất nước và bán nước cầu vinh?

Du đảng là gì, nếu không phải là bao vây/cô lập tòa án bằng trùng lớp nhiều thứ lực lượng cơ động/giao thông/PCCC/bảo vệ/dân phòng; là tổ chức thay đổi chiếu khán của ủy viên Hội đồng Thẩn phán Quốc tế, ngăn cản các đoàn ngoại giao, ngăn cản luật sư của Hiệp hội Luật gia Quốc tế (IBA- mà nạn nhân là một thành viên), ngăn cản phóng viên của các tờ báo quốc tế, và chận đường nhân dân đến theo dõi/dự thính phiên tòa áp án người phản biện; là huy động thuê bao hàng xóm nạn nhân vào lấp kín phòng xử trong lúc thân nhân/bằng hữu của nạn nhân phải đứng ngoài mưa; là phá nhiễu âm thanh các đoạn phát biểu của nạn nhân trước vành móng ngựa; là cấm phóng viên chụp ảnh/thu âm làm phóng sự phiên xử; là tịch thu cả điện thoại di động của những người bước vào phòng xử; là cấm tiệt báo chí tường thuật/trích đăng/bình luận phần đối thoại/tranh luận trước tòa của các nạn nhân? là chỉ cần 15 phút nghị án cho một tội danh có thể lên mức tử hình; thậm chí, là bắt giữ/hạch sách/thẩm vấn người dân ngồi uống càphê ở quán nước trước tòa?...

- Cùng Tắc Biến, Biến Tắc Tị -

Các thắc mắc hợp hiến hay vi hiến, pháp quyền hay bạo quyền… đều không còn là vấn đề, một khi đảng và nhà nước đã mất hết/mất trọn/mất ráo mọi quyền lực chính thống của một chính quyền. Đến mức phải chọn lấy các hành xử ti tiện nhất là hình sự hóa mọi lời lẽ phản biện và sử dụng/giả danh du đảng để phân định Đúng/Sai.

Liên Xô và các chế độ Đông Âu cũ đều từng trải và từng thuộc vào bậc thầy của các cách hành xử đê tiện đẫm máu và nước mắt đó trước khi kết thúc.

Các cuộc cách mạng màu (thời hậu chiến tranh lạnh) cũng có chung điểm khởi từ sự chối từ lẫn ý muốn chấm dứt cung cách cai trị du đãng hèn hạ và đê tiện của các chế độ độc tài bản đaị: “Hết thời rồi” tại Serbia năm 2000. “Hoa hồng” tại Georgia năm 2003. “Màu cam” tại Ukraina năm 2004. “Uất kim hương” tại Kirzistan năm 2005. “Màu xanh” tại Lebanon năm 2006…

Hiện tượng “Hết Thời Rồi” đang rần rật tự diễn biến trong lòng chế độ Việt Nam.

Cũng không còn là vấn đề ở đây nữa, về mọi hoang mang cầm quyền hay cầm thú.

Vấn đề là thời điểm của một cuộc cách mạng trắng (áo trắng và khăn tang trắng). Biết đâu đó cũng là dịp đánh đấu hoành tráng của đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long?

21/01/2010

Blogger Đinh Tấn Lực

Hỏi đảng: Sao mày u tối thế?


Hỏi toà nhà đá

. Hoàng Hưng

Nuốt bao nhiêu tiếng khóc tiếng rên la
Sao mày lặng câm thế?

Hút bao nhiêu hơi thở hổn hển
Sao mày lạnh lẽo thế?

Giam hãm biết bao nhiêu cuộc đời
Sao mày cứng rắn thế?

Ủ bao nhiêu hy vọng
Sao mày u tối thế?

Con nhân sư thế kỷ hai mươi
Không bao giờ trả lời

Không ai có thể xô ngã anh bằng một hay nhiều vết bẩn giữa vành móng ngựa


Đôi chân sợ hãi, tôi chọn bước ra

. Trần Tiến Dũng


Kiêu hãnh trong bộ điệu con gà trống trên mô đất của mình
Những gì anh đã gáy là nỗi buồn của anh,
trong mùa lễ hội anh chọn lựa
Không cần cầm viết
chạm cái mỏ vào ánh nắng buổi sáng
Có thể viết gì, thi sĩ!
Xứ sở chỉ còn màu nắng đầu ngày là không bị bôi bẩn
Ngửa cổ gáy vào đó nỗi buồn kiêu hãnh
ngẩng mặt làm thi sĩ của chính mình
Bụi cỏ vừa nở xanh
là nguy cơ anh bị giết ngay lúc ấy
Bụi cỏ vừa nở xanh không đưa được nỗi buồn anh đi về đất
Bụi cỏ vừa nở xanh dựng đứng trước mặt anh ngọn núi
Thơ anh không thể vượt qua, kẻ độc tài không thể vượt qua
Ở lại cho một cuộc thách thức bằng tiếng nói
Ở lại để chấp nhận dòng máu xanh tuôn chảy
Cái chết từ từ dưới cái lưỡi đỏ cứa cổ
Nỗi buồn của anh dưới lưỡi dao ấn nhẹ tay

Không ai có thể xô ngã anh
bằng một hay nhiều vết bẩn giữa vành móng ngựa

Thi sĩ! Anh gáy cho tới chết
nỗi buồn là lễ hội.


Tôi yêu những mùa lễ hội của tôi
Tôi đến đó thì thầm với tôi bằng giọng của người mẹ.
“Nếu phải hóa trang hãy tô đậm bằng sự thật
Con có gì khi hát với bà con nếu máu không nóng hổi
Con có gì khi bắt kịp má trong mùa mưa sẽ tới, lúc những hạt mầm vừa giụi mắt
Con có gì để kể lại, từ lúc má con ta lưu lạc
Con có gì khi nhìn vào nước mắt của má trên mi mắt con
Không ánh sáng của ý thức nói thật, điều đó thiệt tệ hơn cái chết
Tâm hồn trung thực không chạm vào nhau, sự sống này làm sao có tiếng hét để xé mình ra, để thấy mình là người.

Con dự hội đi, chọn cho mình một trò chơi, nơi con thuộc về
những người bị thua sạch

Ý thức chống độc tài bị thua sạch là lúc có thể biết
còn lại những gì chưa bị ăn cắp và đánh tráo.”


Ngày mùa đông phải rời căn nhà mình
Ngơ ngác từng nhóm người Việt biểu tình tìm mảnh đất sống đã mất
U uất những cư dân blog đưa tiếng Việt đi tìm sự minh bạch để lòng yêu nước còn phản ứng,
để tỏ thật hư hai quần đảo trong số phận biển Đông.

Ngày mùa đông phải rời căn nhà mình
Nói chuyện với con gà bình minh
với người đã khuất không chịu rời hoàng hôn
Thi sĩ, anh không sinh ra để làm người can đảm
Ngày mùa đông phải rời căn nhà mình
Tôi lại thấy một con gà, trong nghĩa địa của loài gà với những dúm lông xác xơ cầu cứu ánh sáng, tiếng gáy rè cầu cứu gió bão, với nỗi sợ cầu cứu cái sợ
Nỗi sợ cầu cứu cái sợ!
Rời nhà mình chỉ là một cách che giấu nỗi sợ

Thi sĩ! Ngôn ngữ anh đi vào nỗi sợ chế độ độc tài để ý thức về cái sợ

Kéo lê sự sợ hãi dai dẳng này để bùng nổ cái sợ
Thi sĩ, anh không phải là người can đảm
Chọn hố thẳm hiểm ác bước ra một lần
để biết mình có hay không thể vượt qua.

Những Mảnh Đời Kẻ Khác - The Lives of Others

Mời các cán bộ/công an đã xét nhà/đang triệu tập/sắp làm việc với GS Nguyễn Huệ Chi cùng xem qua một phim truyện có thật ở Đông Đức:

Những Mảnh Đời Kẻ Khác - The Lives of Others

Phim truyện đoạt

7 giải thưởng LOLA

3 giải thưởng điện ảnh Âu châu !!!

(Phụ Đề Chữ Việt)

Tuấn Khanh: "Ai mang chung niềm đau, khi nước Việt nghẹn ngào?"






Tuấn Khanh


Bản Du Ca Dành Cho Ngư Dân VN



*
đêm nay gió lên rồi, mà đường về xa lắm em ơi,
biển xanh nay nghe tù tội, phận người theo con sóng trôi.
chim ơi bay phía chân trời, gửi lời này đến quê tôi,

quê tôi xa xôi vời vợi, nước mắt rơi thành lời.

*
ngửa mặt lên trời, như xác ngư dân trôi ngoài biển khơi,
trôi theo con sóng vỗ, trôi theo phận nước tôi.

tiếng thở than nào, trên áo tang đẫm máu,

có tiếng ai về sau, hay linh hồn nghẹn ngào?

*
đêm nay gió lên rồi, đời người buồn lắm em ơi,
biết đâu tương lai mà đợi, từng ngày nhìn con sóng trôi.

ai đang chống con thuyền, vật vờ phía khơi xa,

trôi theo con sóng vỗ, trôi theo phận nước tôi.

*
ngửa mặt lên trời, như xác ngư dân trôi ngoài biển khơi,
trôi theo con sóng đỏ, trôi theo phận nước tôi.

biết về nơi nào, khi biển xanh nhuốm máu,

ai mang chung niềm đau, khi nước Việt nghẹn ngào?

Cục Gân Gà Đầu Năm Hữu Nghị

Tôn Quốc Tường


Cục Gân Gà

Đầu Năm Hữu Nghị

. Đinh Tấn Lực

“Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân Dân
Đất Nước của Nhân Dân…”.
(Nguyễn Khoa Điềm)

Bộ phim Lý Sang-Phong Ba Chốn Cung Đình ( 이산 - 정조대왕 ) của đạo diễn Lee Byeong-Hun (trình chiếu trên HTV3 lúc 21h mỗi đêm từ thứ hai đến thứ năm hàng tuần) diễn lại cuộc đời đầy sóng gió của hoàng thái tôn Lý Sang từ thuở ấu thời cho đến lúc trở thành vị minh quân Jeong-Jo (1752–1800) trong triều đại Joseon minh trị của Triều Tiên (tức trong khoảng cùng thời với vua Quang Trung của VN).

Bộ phim lôi cuốn khán giả không chỉ vì các ý tưởng đi trước thời đại nhằm canh tân (cả triều đình, đất nước, lẫn chính sách đối ngoại với Thanh triều) của vị hoàng đế trẻ tuổi Jeong-Jo trong một giai đoạn lịch sử bi tráng cận đại thay da đổi thịt của xứ này; mà còn bởi từng lời đối thoại/phản biện của các nhân vật hắc/bạch/thiện/ác/chính/tà/bảo thủ/cải cách/quý tộc/sĩ phu/trí thức… Trong đó, quả đáng ngẫm biết bao, ngay trong thời điểm kỷ niệm trọng thị 60 năm quan hệ Việt-Trung này, lời nhắn nhủ xuyên thời đại của Hong Kuk-Young – một tay mưu sĩ/khai nghiệp/công thần của Lý Sang: “Đi với hổ thì vào rừng xanh. Còn theo chó thì chỉ có thể vào nhà xí”.

*

Chào Đón Tân Niên – Ưu Tiên Trung Quốc?

Mở màn cho Năm Hữu Nghị 2010 “Thiên tuế Ta-Lục tuần Tàu”, Tôn Quốc Tường, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam, trong buổi họp báo sáng ngày 6/1/2010 ở Hà Nội, đã uốn nắn/chỉ đạo/khuyến cáo VN cần tạm gác lại vấn đề khúc mắc sau cùng trong quan hệ giữa hai nước là vụ tranh chấp Nam Hải (nguyên văn); mà chỉ nên dành ưu tiên cho hoạt động phát triển kinh tế xã hội, cụ thể là cùng khai thác tài nguyên biển đảo.

Tôn Quốc Tường đã chứng tỏ vị thế sứ thần đại hán tất yếu là phải bao trùm/khuất lấp/phủ kín cả quyền lực của lãnh đạo đảng và nhà nước ta, bằng lời huấn thị/bảo ban/đe nẹt rất mực thẳng thắn, như thể chữ triện đúc bằng nhôm ròng Nhân Cơ: “Hợp Tác Sẽ Phát Triển, Đấu Tranh Sẽ Thất Bại”!

Tôn Quốc Tường không cần đến chương trình phát thanh “Tiếng nói Vịnh Bắc Bộ” của tỉnh Quảng Tây vừa mới khai trương/phát sóng sau ngày quốc khánh Tàu vừa qua, bởi đã có hàng trăm báo/đài vốn là cơ quan ngôn luận/tiếng nói/diễn đàn của đảng bộ các thứ của ta cật lực giúp đỡ tán phát/tuyên truyền đến rộng rãi quần chúng nhân dân VN một kết luận tất yếu và (thông qua Ban tuyên giáo TW, cho nên) nhiều phần là duy nhất đúng, rằng: “…Lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhiều lần đạt được nhận thức chung hết sức quan trọng. Đó là không để cho vấn đề Nam Hải (nguyên văn) ảnh hưởng đến sự phát triển, ổn định lâu dài, bình thường của quan hệ hai nước”.

Tôn Quốc Tường đã khiến Bộ 4T, thậm chí cả chính phủ của ta lên ruột/xanh mặt/ướt tã/mất ngủ… và đã ngắn gọn xóa sạch hàng nghìn trang báo của ta đăng tin ngư dân VN bị “tàu lạ” uy hiếp/cướp lưới/gỡ neo/đoạt tàu/thu cá/đánh đập/bắt ký giấy vi phạm/đòi tiền chuộc… chỉ bằng một lời phán gang thép: “Không nên đưa tin những việc xấu như thế này!”.

Tôn Quốc Tường đã lên lớp tập huấn/nắn gân đại trà cán bộ các cấp của ta một quan điểm toàn cục/đại cục nhất quán cần thiết là: “cần tăng cường sự hiểu biết chính trị để đảm bảo sự phát triển lâu dài của quan hệ song phương!”.

Buổi họp báo khá ồn ã, nhờ một vài câu hỏi cò mồi đậm tính xum xoe/khúm núm/cúc cung đến mức đáng khinh không đáng nhớ, theo kiểu xin thái thú nhận định về những điểm nổi bật trong 60 năm quan hệ, hay khi nào thì lãnh đạo VN có thể ca múa Như có bác Hồ (Cẩm Đào) trong ngày vui đại yến v.v…. Ngoài ra, có 2 câu hỏi cực kỳ bức xúc mà một số nhà báo tâm huyết chỉ có thể thầm thì với nhau sau lúc tan hàng/giải tán:

1. Do đâu và từ bao giờ mà tay đại sứ của TQ có thể hồn nhiên quy hoạch/áp đặt cho lãnh đạo VN một giải pháp cưỡng chế bao gồm 2 nội dung cực kỳ bất công/bất lợi là tạm gác tranh chấp và cùng nhau khai thác?

2. Do đâu và từ bao giờ mà tay đại sứ của TQ có thể tự trang bị cái lề thói ứng xử (ngoại giao) đầu gấu/kẻ cả/trịch thượng/vương-hầu/cha-con/chủ-tớ đối với VN như thế?

*

Quả Ớt Đánh Lừa Cái Lưỡi?

Tôn Quốc Tường chỉ xấc láo phát ngôn, nhưng nhất định không thể và không phải là tác giả của đề nghị “gác tranh chấp-cùng khai thác”.

Đối với nhiều người, giải pháp “gác tranh chấp-cùng khai thác” được nghe lần đầu là từ bài tham luận của GS Ji Goxing (Đại học Jiaotong), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (của TQ) tại Thượng Hải – cũng là vị khách mời danh dự hàng đầu của buổi hội thảo quốc tế do Học viện Ngoại giao và Đoàn Luật Sư VN đồng đứng tên đăng ký tổ chức (tại Hà Nội hồi cuối tháng 11/2009 vừa qua) về chủ đề “Biển Nam Trung Hoa: Hợp Tác Vì Sự Ổn Định Và Phát Triển Khu Vực” (International Workshop on “The South China Sea: Cooperation for Regional Security and Development).

Trên thực tế, giải pháp “gác tranh chấp-cùng khai thác” này cũng không phải do GS Ji Goxing nghĩ ra. Mà nguyên thủy là do Đặng Tiểu Bình đề xướng trong hội nghị quốc tế hồi tháng 10/1982 tại Tokyo (chỉ hơn 3 năm sau trận chiến “giáo trừng”, trong giai đoạn Việt-Trung đại xung đột/bất cộng đái thiên). Có nghĩa rằng nó là sản phẩm đã được tính toán rốt ráo từ rất lâu rồi của Bộ chính trị Trung Nam Hải.

- Vì sao khai thác chung? -

Các thỏa thuận về khai thác chung, nhằm mục đích phát triển nguồn tài nguyên, thường được coi là giải pháp tạm thời nhằm giảm xung đột giữa các bên tranh chấp, cố gắng không tạo ra ảnh hưởng nào tới yêu sách về chủ quyền lãnh thổ cũng như các quyền chủ quyền và quyền tài phán của từng quốc gia liên hệ.

TQ đòi thực hiện thỏa thuận về khai thác chung là nhắm vào các lợi ích riêng có thể tạm lược kê như sau:

Một là, gia tăng tính chất “song phương” luôn tạo tính tối ưu cho TQ, đặc biệt là trước khi VN có vai trò quan trọng hơn trong khối ASEAN vào năm 2010 này.

Hai là, TQ đánh quả lừa cho dư luận lầm tưởng rằng giải pháp này phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, trong lúc Bắc Kinh gia công tìm kiếm thêm lợi thế khác về mặt pháp lý.

Ba là, phần lớn các khu vực mà TQ đề nghị khai thác chung đều nằm trên các thềm lục địa đang thuộc chủ quyền của nước khác, trong trường hợp này là của VN.

Bốn là, TQ vừa đề nghị khai thác chung, lại vừa củng cố tham vọng “Nam Hải hình lưỡi bò” chiếm trọn 3/4 Biển Đông cùng chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Năm là, lợi dụng/khai thác tối đa đề xuất “hợp tác cùng phát triển” trên biển Đông của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, nêu ra trong chuyến viếng thăm Thái Lan vào tháng 10/1993, tức là hai năm sau khi VN nối lại quan hệ môi-răng với TQ.

Sáu là, TQ chờ đợi những tiền lệ từng có sẽ xảy ra lần nữa, là: “cái tạm thời hiện nay có khả năng trở thành vĩnh viễn sau này”.

- Vì sao gác tranh chấp? -

Đề nghị khai thác chung tại khu vực biển Đông đang tranh chấp chỉ có thể được đưa vào hoạt động khi các bên thể hiện thiện chí và quyết tâm trong việc hợp tác, thông qua nỗ lực xây dựng lòng tin, nhất trí ngăn chận nguy cơ xung đột… Tuy nhiên, cho tới nay, những điều kiện cần thiết đó đều còn thiếu, đặc biệt là thiện chí và lòng tin.

TQ đã đặc phái 6 học giả ồ ạt tham dự cuộc hội thảo quốc tế “Biển Nam Trung Hoa: Hợp Tác Vì Sự Ổn Định Và Phát Triển Khu Vực” là nhằm thử nghiệm một cách tiếp cận mới và có tính áp đảo mạnh đối với VN trong bối cảnh:

- TQ là nước có lợi thế nhất về sức mạnh quân sự lẫn kinh tế đối với các nước đang tranh chấp, và là quốc gia có yêu sách giành phần lớn nhất (gần 80% của tổng diện tích 3 triệu rưỡi cây số vuông) trên biển Đông.

- Các quốc gia tranh chấp trên biển Đông chưa thực sự có đủ sự tin cậy lẫn nhau, trong lúc Bắc Kinh vẫn luôn có ưu thế “giềng mối quân-thần” đối với Hà Nội.

- Các sự kiện ngư dân VN bị nạn liên tục trên biển Đông chỉ là mặt nổi của tảng băng chủ quyền biển đảo mà TQ đã cưỡng chiếm và quyết giữ.

- TQ vừa muốn trấn an/xoa dịu tình hình sóng gió biển Đông trước dư luận quốc tế, lại vừa mạnh dạn phô trương thanh thế với lãnh đạo VN, thông qua một số sự kiện giải quyết bất đồng bằng sức mạnh quân sự được chuẩn bị bội phần chu đáo hơn thời 1979.

- TQ cần tách rời VN ra khỏi quần thể các nước Đông Nam Á đang có tranh chấp chủ quyền trên biển Đông để dễ “đấu tay đôi”, và dễ cho cả việc áp dụng tình cảm thầy-trò cùng nghĩa vụ cộng sản với lãnh đạo VN.

- TQ sẽ sẵn sàng sử dụng mọi phản ứng bạo lực/kinh tế/bẫy sập… (và cả những con bài tẩy ham hố/nhơ nhuốc của lãnh đạo VN) nhằm khẳng định xem ai là chủ “Biển Nam Trung Hoa”, cho đến khi lãnh đạo VN nghiêm chỉnh chấp hành giải pháp của TQ và tự nguyện dẹp yên dư luận quần chúng VN!

- Trong thời gian cần thiết để có thể kiếm thêm áp lực về Nguyên tắc ứng xử trên biển Đông và cả ưu thế hùng mạnh của đại hạm đội Nam Hải, TQ cần “giữ nguyên trạng” bằng giải pháp “gác tranh chấp”, bởi cầm chắc là VN không thể chạy đua vũ trang với TQ.

*

Đá Cuội Lăn Theo Gót Hài!

Đã từng có lắm người lầm tưởng rằng VN và TQ là hai nước chính yếu nắm giữ chìa khóa giải quyết vấn đề biển Đông.

Tôn Quốc Tường, với món quà Đầu Năm Hữu Nghị cực kỳ khó nuốt mà cũng không dễ nhả cho phía lãnh đạo VN, đã thực sự đơn phương xác quyết là VN không có vai trò/vị trí/quyết định gì trong vấn đề đó, xét trên căn bản quan hệ Việt-Trung bất xứng hiện giờ.

Cái lề thói ứng xử (ngoại giao) đầu gấu/kẻ cả/trịch thượng/vương-hầu/cha-con/chủ-tớ của sứ thần Bắc Kinh đối với VN như thế không phải tự nhiên trên trời rơi xuống. Tôn Quốc Tường, hay bất kỳ một đại sứ đặc mệnh toàn quyền nào khác của TQ tại Hà Nội cũng đều có thể có thái độ khinh mạn như thế. Bởi vì, không sẵn tay sai hẳn khó có quan thầy!, chính lãnh đạo đảng và nhà nước ta đã đưa đường/trải thảm/kéo ghế/bắc thang/mời mọc các quan thầy TQ tọa mông vào vị trí cha chú/trưởng thượng để có thể ứng xử xấc xược/trịch thượng với VN, thông qua một số diễn tiến khó quên:

- 1951: Hà Nội không hề dám mở mồm phản đối khi Chu Ân Lai trình bày bản hải đồ lưỡi bò, ngay trong cuộc họp hữu nghị đầu tiên giữa hai đảng/nhà nước.

- 1955: Hà Nội cho phép hồng quân TQ đánh đuổi tàn quân của Tưởng Giới Thạch rồi toàn quyền chiếm giữ đảo Bạch Long Vĩ của ta.

- 1956: Ung Văn Khiêm, Thứ trưởng Ngoại giao VN, trong buổi tiếp đón tham tá sứ thần TQ là Li Shimnin ngày 15/6/1956 tại Hà Nội, đã chính thức xác nhận rằng: “Dựa vào những tài liệu mà phía Việt Nam có trong tay, các đảo Tây Sa và Nam Sa, xét về mặt lịch sử, là thuộc về Trung Quốc”. Cũng trong buổi tiếp tân này, Lê Lộc , Xử lý thường vụ Giám đốc Phòng Á châu Sự vụ VN, đã bổ túc thêm cho rõ nghĩa: “Trên mặt lịch sử, các đảo Tây Sa và Nam Sa đã là đất đai của Trung Quốc từ đời Nhà Tống (960-1279)”.

- 1958: Công hàm của Thủ tướng nước VNDCCH Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng nước CHNDTH Chu Ân Lai đã “ghi nhận và tán thành” những yêu sách trên bản tuyên bố ngày 04/09/1958 về lãnh hải của TQ, trong đó, Bắc Kinh khẳng định “các đảo Bành Hổ, Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa, Nam Sa và các đảo khác là của Trung Quốc”.

- 1960: Các sách giáo khoa môn Ðịa lý dạy học sinh VN đã hồn nhiên viết rằng: “Các hòn đảo từ quần đảo Nam Sa, Tây Sa, qua Hải Nam, Ðài Loan, là một bức trường thành bảo vệ Trung Quốc”.

- 1972: Cục Bản đồ trực thuộc Phủ thủ tướng VNDCCH đã phổ biến một ấn bản họa đồ thế giới, trên đó tên đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN bị thay bằng tên đảo Tây Sa Nam Sa theo cách gọi của TQ.

- 1974: Hà Nội lặng im/đồng lõa/cổ vũ cho sự kiện hải quân TQ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, trong lúc hải quân của quân lực Việt Nam Cộng Hòa (mà Hà Nội coi là kẻ thù chính bấy giờ) đã một lòng hy sinh cố giữ đảo.

- 1977: Nguyên TT Phạm Văn Đồng xác nhận ý nghĩa bức công hàm 14/9/1958 rằng: “Lúc đó là thời kỳ chiến tranh nên tôi phải nói như thế!”.

- 1979-1991: Hà Nội tuyên truyền rộng rãi để giải thích việc huy động/hy sinh sức dân trước trận chiến “giáo trừng” của “bọn bá quyền bành trướng Bắc Kinh” bằng 3 bộ văn kiện: quyển “Sách Trắng 1979” của Bộ Ngoại giao VN, quyển “Phê phán chủ nghĩa bành trướng và bá quyền nước lớn của giới cầm quyền phản động Bắc Kinh” (Nxb Khoa Học Xã HộiHà Nội, 30/08/1979), và bộ sách “Sự Thật Về Quan Hệ Việt Nam-Trung Quốc Trong 30 Năm Qua” (Nxb Sự Thật, Hà Nội 10/1979). Nhưng đến năm 1991, khi cần quay lại tìm chỗ chống lưng ở Bắc Kinh thì Hà Nội liền chỉ thị cho chỉnh trang lại các sách giáo khoa môn Sử VN, và ra lệnh thu hồi các quyển/bộ sách đó, để tránh làm phật ý quan thầy. Cũng từ bấy tới nay, mọi Đại hội Toàn đảng của CSVN đều có Đại biểu cấp UV-TW, thậm chí cấp UV-BCT của TQ sang cố vấn/sắp xếp/chỉ đạo/phê chuẩn/tọa thị ở hàng ghế danh dự.

- 1992: Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm xác nhận trong cuộc họp báo ngày 03/12/1992: “Trung Quốc đã cung cấp cho Việt Nam sự giúp đỡ to lớn và quý giá… Những lời tuyên bố của các đồng chí lãnh đạo của chúng tôi (Phạm Văn Đồng/Ung Văn Khiêm…) lúc đó là cần thiết!”.

- 1999-2000: Lãnh đạo đảng và nhà nước âm thầm ký kết với TQ các hiệp định bất bình đẳng về biên giới và lãnh hải, bất cần/bất chấp ý kiến của nhân dân hay thậm chí của cơ quan nghiệp vụ đóng dấu là quốc hội; bất cần/bất chấp cả việc công bố các văn kiện/bản đồ liên hệ.

- 2005-2009: Hà Nội im lặng trước hàng chục sự kiện hải quân TQ ngăn chận/bắt giữ/đòi tiền chuộc/tịch thu ghe tàu/đánh đập/cướp bóc/thậm chí bắn chết ngư dân Thanh Hóa/Quảng Ngãi mưu sinh trên lãnh hải VN. Các bản tin tiếng Việt chỉ được viết mơ hồ là do “tàu lạ” đâm chìm. Ngoài ra, các hãng dầu khí BP, Exxon bị TQ đuổi ra khỏi vùng khai thác trên hải phận VN cũng đã diễn ra âm thầm trong bóng tối của truyền thông VN.

- 2007: Quốc vụ viện TQ ra quyết định ngày 02/12/2007 thành lập huyện lỵ hành chánh Tam Sa, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa. Hà Nội chỉ lập cập lên tiếng ở cấp rất thấp/không đáng kể là người phát ngôn Bộ Ngoại giao. Đồng thời, lại ồn ào lệnh cho nhà trường ra thông cáo chính thức cấm sinh viên tụ tập, và lệnh cho công an triệt để đàn áp các cuộc biểu tình tuần hành phản đối của sinh viên/thanh niên VN trước đại sứ quán và tổng lãnh sự quán TQ tại Hà Nội và Sài Gòn, tuyệt đối thực thi nghiêm chỉnh huấn thị/khuyến cáo của Bộ Ngoại giao TQ là: “Trung Quốc đang quan chú cao độ và hy vọng chính phủ VN có thái độ đầy trách nhiệm, làm những hành động thiết thực, ngăn chặn những diễn tiến, để tránh tổn hại quan hệ giữa hai nước”. Để hồi đáp, chính TT Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ thị cho cán bộ đảng viên cả nước dồn sức tổ chức cuộc rước đuốc thế vận 2008 hết mực trọng thị và an toàn bằng một thành Hồ rợp cờ TQ.

- 2009: Là cao điểm độ hèn của lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN, thông qua hàng chục sự kiện và những phát ngôn được bình bầu là cực kỳ ấn tượng trong năm. Đặc biệt là các hiển thị không thể nào nhục hơn được nữa trên trang báo điện tử chính thống của đảng CS và của bộ Công thương VN.

Tôn Quốc Tường đã củng cố vững chắc vị trí Thái Thú tại VN là nhờ vào các trụ đồng vững chắc nói trên do lãnh đạo CSVN trồng lấy. Một vài tay dân báo mê nhạc Trịnh đã mạn phép tác giả sửa lời một dòng nhạc để tặng mừng lãnh đạo ta: “Quyết tâm làm đá cuội, nguyện lăn theo gót hài…” Thái Thú.

*

Bùn Khô, Lông Ngỗng Bay Đầy

Với một bản đồ Nam Hải hình lưỡi bò (nhen nhúm hình thành từ giữa thế kỷ trước), rõ ràng là TQ nhất quán kiểu TQ mà tây phương vẫn thường mô tả là một vương quốc đứng giữa gầm trời chỉ có chư hầu chứ không có láng giềng. Đại diện cho nó, Tôn Quốc Tường rõ là xấc láo, nhưng chưa hẳn đáng căm bằng những kẻ bồi đắp cho nó mọi điều kiện để xấc láo.

Với một thái độ rón rén/khúm núm/cúi đầu/cong gối của lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN, cho dù Hiệp ước 1874 tuyên bố chấm dứt quan hệ mẫu quốc–chư hầu giữa TQ với VN, rõ ràng là giới cầm quyền đương thời của ta vẫn cố sức nhất quán theo kiểu CSVN: Tự nguyện gia công tiếp tục vị trí vai trò chư hầu, chỉ nhằm để báo ơn TQ trợ giúp họ cướp chính quyền và giữ rịt quyền. Rõ ràng lãnh đạo ta nhất thiết/nhất quán/nhất định/nhất trí thế chấp đất nước để tiếp tục cai trị và bòn rút nhân dân theo một chủ nghĩa phi nhân/lỗi thời/lạc hậu đã bị đào thải vào nhà xí khắp nơi trên thế giới.

Với một con tim nhân bản và tấm lòng nhiệt thành mơ ngày Việt Nam cất cánh, mỗi người trong chúng ta hẳn cũng đã nhất quán phân định rõ ràng đâu là chân tướng nội thù trước mặt, đâu là nguy cơ ngoại xâm sau lưng. Muốn giữ nguyên bờ cõi và tránh một giai đoạn Bắc thuộc khác, hãy cùng nhau góp sức trước tiên chấm dứt thời đại của những con bạc bịp đê hèn vừa sẵn sàng thế chấp đất nước vừa lén rắc lông ngỗng dẫn đường cho giặc.

Hoàng Sa và Trường Sa muôn đời là của Việt Nam!

9/1/2010 – Chào mừng ngày Truyền thống Học sinh – Sinh viên.

Blogger Đinh Tấn Lực

Những Mảnh Đời Kẻ Khác

Những Mảnh Đời Kẻ Khác
(The Lives of Others)
...
7 giải thưởng LOLA
3 giải thưởng điện ảnh Âu châu
Phụ Đề Chữ Việt

Link vào phim:
http://www.vimeo.com/8168038

Hà Văn Thịnh - Định mệnh

Hà Văn Thịnh - Định mệnh


Hà Văn Thịnh, Khoa Sử Đại học Khoa học Huế
Tặng Kami nhân ngày đầu năm đọc bài về chiến tranh của ông (bà).


Truyền thuyết kể
Gióng đánh giặc khi mới lên ba
Có dân tộc nào nhọc nhằn hơn thế?
Có nơi đâu
Lịch sử ngập chìm dâu bể
3.000 năm chưa hết giặc trước hiên nhà?

Định mệnh thét gào lịch sử bão giông
Ta giữ nước nhiều gấp bội phần
Thời gian dựng nước
Cho mãi đến hôm nay vẫn chưa thể nào có được
Bởi hạnh phúc
Cũng trông chừng sau, trước
“Nửa cái hôn phải tỉnh thức ngó quân thù”*

Lịch sử nhắc hoài câu chuyện Mẹ Âu Cơ
Sao ta phải lên rừng, xuống biển?
Kẻ cướp trên núi cao, dưới sóng ngầm hung hiểm
Bao năm thâm độc rình mò…

Chúng muốn ta quỳ - mỏi gối xin, cho
Để Hoàng Sa, Trường Sa máu cuộn cùng nước mắt
Để nỗi đau hóa lặng câm giữa hai hàm răng nghiến chặt
Để xa xót tủi hờn nhức mãi tâm can…

Không!
Lịch sử nói rằng sóng nước Bạch Đằng Giang
Rừng Chi Lăng, cửa Chương Dương, Hàm Tử…
Xác giặc chất chồng, bạo tàn mục rữa
Việt Nam ơi, không nhát sợ bao giờ!

Chúng nói rằng có cốt khư** người Trung Quốc ở Hoàng Sa
Sao không đến gò Đống Đa để bới thêm, nhiều lắm?
Thanh Triều ư? Bụi ác tàn ngàn dặm
Bão Tây Sơn quét sạch, một tuần!

Định mệnh nhắc ta rằng Đất Việt gian truân
Nhưng chữ S chẳng thể nào gục gãy
Người trước ngã, người sau đứng dậy
Cối Kê ư? “Hoan Diễn do tồn”.

Lịch sử dạy ta rằng đảo, sóng Biển Đông
Là máu thịt của giang sơn tổ quốc
Là một nửa của hồn thiêng Đất - Nước
Chẳng thể đem cho, đem bán vật vờ!

Ta hiểu cuộc đời không phải giấc mơ
Nên trang sách phải tựa mình bên giá súng
Định mệnh bắt đầu bằng linh danh Phù Đổng
Tuổi thơ giữ nước quên mình

Định mệnh cảnh báo rằng
Nhẹ dạ Mỵ Châu ơi
Một phút buông trôi
Ngàn năm không xóa nổi
“Tình” Ải Bắc
Là khôn lường gian dối
Lông ngỗng bay
Trắng bợt chữ “NGỜ”?

Định mệnh nhắc em rằng
Xin hãy đừng quên
Sống với nguy nan
Là bổn phận của muôn vàn con dân Việt
Đất nước hôm nay được sinh thành từ da diết:
Thà làm ma nước Nam!
Thà cả Trường Sơn cháy hết!
Chẳng cam tâm quỳ xuống, bao giờ(!)

* Thơ Chế Lan Viên
** Tàn tích xương người chết

Huế, 22.12.2009.

Sphinx chúc tết!

Sphinx chúc tết!

Năm này tớ chẳng chúc tết ai
Bởi xuân chưa đến, họa còn dài
Đếm thử bao nhiêu người bị bắt
Nhìn lại bạn bè, thiếu những ai...

Điếu Cày oan án đợi ngày ra
Thanh Nghiên năm mới nhớ mẹ già
Tiến Trung, Duy Thức và Công Định
Chờ đợi phiên tòa lũ quỷ ma...

Công Nhân thọ án vẫn chưa xong
Văn Đài cũng vậy, đội ách còng
Cha Lý dạo này sức khỏe yếu
Thân vẫn lao tù xứ bất công...

Pháp Quyền phòng luật đã tang hoang
Chủ nhân, gia quyến thấm bẽ bàng
Trần Luật bây giờ không giấy phép
Thái Hà kỳ án vẫn hoang mang...

Phiên tòa mới xử Trần Anh Kim
Năm năm, sáu tháng sống im lìm
Giam thân ở chốn tù cộng sản
Ý chí chắc còn thức bao đêm...

Thanh Thủy, nữ văn sĩ hiên ngang
Lỡ sa cạm bẫy bọn hung tàn
Trót gây thương tích 1 thằng ảo
Giờ đành phải chịu bị bắt giam...

Thái Hà năm mới lễ ra sao?
Loan Lý giáo dân đón tết nào?
Chuông tháp Tam Tòa còn có đổ?
Tăng nhân Bát Nhã có gầy hao?...

Mẹ Nấm Như Quỳnh chị của em
Tết rồi có phải vẫn nhá nhem
Những ngày J ấy còn luôn nhớ
Thôi hãy vui đi, kệ lũ hèn....

Buôn Gió đại ca ở chốn nào
Có còn góp Gió nhốt vào bao
Chờ hết mùng ba lại đem bán
Kệ lũ côn đồ chúng bám theo...

Đoan Trang này bạn của Sphinx ơi
Đầu năm xin nhắn gửi đôi lời
"Chân cứng đá mềm vì chính nghĩa
Khó khăn nhưng dạ sẽ thảnh thơi"...

Bây giờ nhìn chúng nó chúc nhau
Hà Nội khom lưng chúc bên Tàu
"Kính dâng anh cả 2 quần đảo
Biên giới tùy anh liệu trước sau"...

"Ngư dân là cái đám ngu si
Súng anh sẵn đạn cứ bắn đi
Thằng nào lên tiếng em bẻ cổ
Anh cứ thong dong, chớ lo gì"...

"Bùn đỏ bây giờ xử lý sao?
Mà thôi kệ nó có gì đâu,
Cứ thải ra đó cần chí tính
Anh đừng lo nghĩ kẻo đau đầu"...

"Quân đội em giờ đổi áo xanh
Panô hình lính mượn của anh
Tiếc là chúng nó đà phát hiện
Nên phải gỡ đi, dẫu chẳng đành"...

...

Thế đấy bạn à, nghĩ thử đi
Lãnh đạo hay là lũ phỉ chi
Hán nô giờ cướp quyền lãnh đạo
Tương lai nước Việt sẽ thành gì?!!!


http://www.facebook.com/home.php?filter=app_2347471856#/notes/deadman-sphinx/sphinx-chuc-tt/256229437227

Sea Free - Lòng Yêu Nước

http://www.facebook.com/notes.php?id=1788855422

Lòng Yêu Nước
. Sea Free
Có một dạo, tôi hồn nhiên tán tụng những thành tựu khoa học của thế giới văn minh.
Tôi say sưa ca ngợi tiến bộ xã hội ở các nước Âu-Mỹ.
Tôi không che giấu nỗi niềm khao khát đặt chân đến những miền đất được mệnh danh là xứ sở Tự Do ấy...
Không ngờ, có người bóng gió:
- Người Việt Nam phải biết yêu nước Việt Nam!

Tôi hơi bực mình nên đốp lại liền:
- Thế nào gọi là yêu nước?

Tịt. Không trả lời được! Chắc người nọ không trơ trẽ đến nỗi nêu lên định nghĩa rằng, yêu nước là PHẢI ca ngợi đất nước Việt Nam tươi đẹp giàu mạnh, nhân dân Việt Nam anh hùng...

Rồi một ngày tôi tỏ ý bất mãn vì sao người Việt học toán rất giỏi mà nền công nghiệp phần mềm í ẹ quá!
Lại phải nghe cái luận điệu tương tự ấy, lần này của một kẻ nhỏ tuổi hơn mình.

Tôi nhẹ nhàng hơn lần trước:
- Ồ vậy hả? Chú em chắc là người giàu lòng yêu nước chứ không đến nỗi như đám nhóc bây giờ thuộc phim sử Tàu hơn sử Việt. Anh ra trường lâu quá, không nhớ rõ nữa, chú mày thử kể sơ sơ các triều đại chính của Việt Nam từ xưa đến triều Nguyễn xem!

Ú ớ. Tôi thêm một câu hỏi phụ:
- Thế Lê Lợi là ở thời Tiền Lê hay Hậu Lê?

Tắc tị luôn. Tôi cười:
- Thế mà cũng dám lên lớp người ta về lòng yêu nước!
Tất nhiên là sau đó tôi cũng kể sơ lược từ Trưng, Triệu, Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Trịnh-Nguyễn... chứ không phải chơi trò "tay không bắt giặc" - đem chuyện mình không biết đi hỏi đố người khác!

Sở dĩ ngày khai bút đầu năm mới này lại đi kể những câu chuyện cũ mèm ấy là vì tôi nhận thấy rằng, việc lạm dụng hai chữ "yêu nước" ngày càng trở nên trầm trọng. Để bóp nghẹt tiếng nói đối lập, người ta sẵn sàng chụp cho người bất đồng chính kiến những cái mũ nặng khủng khiếp, nào là "phản quốc", nào là "lật đổ chính quyền nhân dân"...


LÒNG YÊU NƯỚC

Tại sao bạn yêu đất nước này?

Bạn đừng vội đọc tiếp, mà hãy thử trả lời câu hỏi trên theo cách đơn giản nhất. Có thể viết nhanh ra giấy bằng những cái gạch đầu dòng, hoặc gõ tốc ký vào Notepad, hay chỉ cần nghĩ thoáng qua trong đầu ý chính câu trả lời là được.

Tôi tin rằng mỗi người sẽ có một câu trả lời không giống nhau.
Theo một vài khảo sát nhanh trước đây, phần lớn nêu nguyên nhân: Việt Nam là đất nước giàu đẹp có rừng vàng biển bạc và dân tộc Việt Nam có truyền thống chống ngoại xâm anh hùng.
Có ý kiến nói đơn giản làm con người thì phải yêu đất nước mình thôi. Có người không lý giải nguyên do nhưng khẳng định ai cũng cần phải yêu nước hết.

Nhận thức khác nhau là điều bình thường, và tôi cũng có nhận thức của riêng mình. Xin nhấn mạnh rằng, đây là tôi muốn chia sẻ nhận thức cá nhân để bạn cùng tham khảo, chứ không hề có ý gọi nó là một định nghĩa thế nào là lòng yêu nước:

- Tôi yêu đất nước này vì bản thân tôi là một phần trong đó, vậy thôi.

Ông bà cha mẹ tổ tiên tôi đã sinh sống và lớn lên ở đây, từng miếng đất, thửa ruộng, dòng sông... đều có dự phần trong việc kiến tạo nên những tế bào của cơ thể tôi hiện tại.
Vì thế, xin đừng có ý nghĩ rằng yêu nước là một cái gì đó cao siêu vời vợi, hay yêu nước là đặc quyền chỉ dành riêng cho một nhóm người, một đảng phái nào đó... Yêu nước, trước hết đó là yêu chính bản thân bạn.

Sự thật là như vậy, xin thưa nhỏ (nói bằng tiếng Việt rất khẽ thôi nhé) với các bạn rằng: Việt Nam chưa phải là đất nước giàu đẹp nhất trên thế giới này đâu, và dân tộc Việt Nam cũng chưa hẳn là dân tộc anh hùng nhất trên quả địa cầu này!

Nhưng không phải vì thế mà chúng ta không yêu mến đất nước này, đúng không?


Làm sao thể hiện lòng yêu nước?

Một số người thường gán mặc nhiên lòng yêu nước với một hành động hy sinh anh dũng trên chiến trường.
Thật ra, lòng yêu nước được thể hiện bằng nhiều hình thức trên một phạm vi rất rộng. Không nhất thiết phải đổ máu hy sinh, cầm gươm ôm súng xông pha nơi chiến địa mới thể hiện được lòng yêu nước.

Tổ Quốc bao gồm phần lãnh thổ hữu hình, con người và tất cả những giá trị vô hình gắn liền trong suốt chiều dài lịch sử. Như thế, lòng yêu nước bao gồm cả yếu tố thời gian: quá khứ, hiện tại và tương lai.

Chúng ta đã yêu nước mãnh liệt bằng việc ca ngợi truyền thống chống ngoại xâm vẻ vang trong quá khứ!

Chúng đang yêu nước hối hả bằng cách ra sức làm giàu với biện minh "Dân giàu nước mạnh" ở hiện tại!

Vậy chúng ta thử hình dung đất nước này tương lai sẽ ra sao? Các thế hệ mai sau sẽ phải trả món vay nợ từ các ngân hàng khắp nơi trên thế giới là bao nhiêu? Môi trường sống đến lúc đó bị hủy hoại tới mức nào?

Trong thời buổi đạo đức xã hội suy đồi, nghề kinh doanh chức quyền mang lại mối lợi kếch xù, thì việc làm giàu cá nhân có bảo đảm cho đất nước hùng mạnh được hay không?

Xuyên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, chúng ta hãnh diện về truyền thống chống ngoại xâm vẻ vang của ông cha, đó là điều không cần bàn cãi. Thế nhưng, đã mấy ai chịu đặt câu hỏi phản biện cho mặt trái của lớp son kiêu hãnh ấy:

- Vì sao chúng bị xâm lăng, vì sao chúng ta bị đô hộ?

Vì thế nước yếu nên mới bị như vậy. Cái chu kỳ "bị đô hộ - giành độc lập - bị đô hộ - giành độc lập..." cứ tái diễn trong hơn 4000 năm lịch sử không đáng làm cho chúng kinh hãi hay sao???
Điều ấy chứng tỏ khiếm khuyết cố hữu của người Việt ta từ xưa đến nay là không chịu tận dụng cơ hội quý báu lúc thời bình để phát triển sức mạnh quốc gia.

Điều ấy đang được lặp lại suốt 35 năm qua!

Chúng ta đã ngủ quá say sưa trong giấc mộng anh hùng đã "chiến thắng vẻ vang hai đế quốc to"!
Giấc mơ ấy lại được tô hồng và đóng khung trong cái ảo giác của thiên đường Cộng sản Chủ nghĩa.
Cho đến khi bị Liên Xô và các nước Đông Âu dội cho mấy gáo nước lạnh vào những năm 1989-1991, chúng ta vẫn không chịu thức tỉnh. Đảng và Nhà nước ta tiếp tục đưa toàn dân ta ngủ nướng với một giấc mơ mới: "Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN"!!!

Tư bản đỏ Việt Nam thời nay đã làm giàu như thế nào?
Có phải dựa vào tài năng như tỷ phú Bill Gates hay không?
Bao giờ đất nước ta tiến lên CNXH? Hay thực chất đó chỉ là cái bình phong che chắn hành vi trục lợi của một nhóm người?

Chẳng lẽ không có ai thể hiện tinh thần yêu nước trong giai đoạn nguy cấp này hay sao?
Chắc chắn là có, nhưng làm thế nào để nhận ra họ không phải là điều dễ!


Ai là những người yêu nước hiện nay?

Vị tổng thống da màu đầu tiên của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thành công với chiến dịch tranh cử: Chúng ta cần thay đổi (Change We Need). Một quốc gia dẫn đầu thế giới trên nhiều lãnh vực lại ý thức sâu sắc vai trò của việc phải thay đổi, phải cải cách. Đơn giản là họ nhận thức được tốc độ phát triển kinh hồn của xã hội trong kỷ nguyên tri thức.

Chúng ta cũng có người đã ý thức được điều ấy. Tuy nhiên, họ nhận ra mình chỉ là thiểu số. Họ bèn tập hợp nhau lại, thành từng nhóm, tuy tôn chỉ và hành động có chút khác biệt, nhưng tất cả đều chung một mục tiêu là đưa con thuyền Việt Nam chệch khỏi lộ trình hiện tại. Đó là lộ trình đi đến bờ vực của xã hội độc tài, phi nhân quyền.

Vậy họ đâu cả rồi, là những ai vậy?

Chua xót làm sao, những người nổi bật nhất trong số họ đang ở bên kia chấn song của nhà tù. Kẻ đã bị kết án, người sắp bị đem ra xét xử với tội danh "Âm mưu lật đổ chính quyền".

Những lời kêu gọi cải cách ôn hòa chỉ bằng con chữ và lời nói lại có thể đe dọa đến an ninh quốc gia hay sao? Điều ấy chứng tỏ nền an ninh quốc gia này được xây dựng trên căn cứ của bạo lực và không đặt điểm tựa vào lòng nhân.
Quy kết tội danh "lật đổ chính quyền" với vật chứng là ngòi bút, bàn phím hay chiếc microphone khác nào thừa nhận thể chế này là kẻ thù của lẽ phải, là hiện thân của bạo lực?

Không một ai muốn sống trong xã hội thiếu vắng lòng nhân và công lý đến như vậy!

Nếu được đứng vào vị trí của người biện hộ trước tòa, chúng ta có ngần ngại để chìa cánh tay khẳng khái về phía họ, và dõng dạc:

- Tôi tin rằng những vị đứng sau vành móng ngựa kia HOÀN TOÀN VÔ TỘI, họ là những NGƯỜI YÊU NƯỚC!