Giá mà tháng tư đừng đến


Giá mà tháng tư đừng đến

. Đinh Tấn Lực
Có bao nhiêu vô ích làm nên lịch sử
Lê Bi – 1990 – Tự thân
Năm nhuần, theo lịch tây, chỉ thêm mỗi ngày 29 cho tháng Hai. May thay! Bằng không, tính theo lịch ta, năm nhuần nhồi thêm nguyên cả tháng, mà như năm nay, đến những 2 tháng Tư. Chết dở, với biết bao hoài niệm!
Người ta thường nháy mắt pha trò: Bao giờ cho tới tháng Mười? Lại lắm kẻ nghiêm mặt hỏi: Bao giờ cho hết tháng Tư? Nghe thoáng cứ như thêm một vết dao cùn cứa thành sẹo mới, trong tim, hàng năm.
Mọi chữ “nếu” đều có cái giá của nó. Có cái có thể trả ngay bằng tiền tươi. Có cái được trả bằng tương lai (bị nhấn ngược vào quá khứ) của một dân tộc. Thành ra, mơ rằng “Nếu VN chẳng có 30 tháng Tư” thì không khác nào nằm mộng “Nếu Kampuchia chẳng có những cánh đồng sọ người”.
Song, cứ thử đi (chẳng thiệt đồng xu teng nào đâu mà ngại), hãy mường tượng thử một bối cảnh khác: “Nếu, sau khi ký Hiệp ĐịnhParis1973, VN ta ai về chăm lo nhà nấy, thì mặt mày đất nước bây giờ ra sao nhỉ?”.
*
Mỗi ngày tôi để lại một vạt lo toan, một niềm khắc khoải
Hoàng Trần Cương – Dấu vết tháng ngày
Trước tiên, hẳn rằng đã không có “triệu người vui và triệu người buồn”. Vui/buồn vẫn đó, vẫn vậy, như vốn hằng phải có, cả từ những điều nhỏ nhặt trong đời sống, nhưng nhất định là người Việt không chia phe vui/buồn, trên cùng một biến cố.
Trong suốt hai năm 73-75, đã không có thêm máu đổ xương rơi. Các nghĩa trang dọc Trường Sơn đỡ chật. Bức tượng đồng Thương Tiếc ở Biên Hòa vẫn còn nguyên. Một phần quân đội (cả hai bên) buông súng về quê cầm cuốc, hay vào khu chế xuất cầm chuột vi tính…
Dân số hai miền ắt đã chênh lệch hẳn, bởi chủ trương “gia đình hai con” tránh nhân mãn (nhân tiện, tránh cả ùn tắc giao thông) ở miền ngoài; và bởi miền trong “giàu của chẳng bằng giàu con”, lại chẳng bị “mất tích” gần hai triệu người ngoài biển khơi và hàng chục vạn khác trong rừng Kăm.
Gần nửa triệu nhân tài người Việt cũng đã chẳng phải thui thân chột phận nơi rừng sâu nước độc của các trại tù lao cải. Hoặc, hơn nửa triệu khác đã nghiến răng cắn lợi đóng góp nguồn vốn tri thức để giúp phát triển các đại công ty …nước ngoài.
Thanh niên VN đã chẳng bị xuất khẩu thành lao nô trả nợ chiến phí cho Liên Xô và các nước Đông Âu. Cũng chẳng bị Liên Xô xuất khẩu sang ngăn chận hiểm họa diệt vong dân tộc xứ Chùa Tháp, và tất nhiên, nhờ vậy, chẳng phải điều quân đón đỡ trận chiến “giáo trừng” của bọn bá quyền phương Bắc đến long trời lở đất suốt sáu tỉnh dọc biên. Biết đâu chừng đã tránh nốt được trận bão Gạc Ma.
Phân nửa thác Bản Giốc, nguyên ải Nam Quan, một phần lãnh thổ dọc biên cùng một phần Vịnh Bắc bộ có thể vẫn không khỏi trở thành miền đất “lạ”, nhưng ngược lại, giặc Bắc không có lý cớ và quyền lực gì để chiếm thêm mấy đảo thuộc cụm Trường Sa. Cũng chẳng biết chừng miền trong đã giải quyết êm đẹp việc thu hồi các đảo thuộc cụm Hoàng Sa.
Những cách biệt khác?
Dựa trên bản phóng chiếu vị trí và khả năng của miền Nam Việt Nam so với láng giềng trước 1975,  có thể nào người ta kể ra đại loại sự cách biệt trọng một số lãnh vực gần gạnh trước mắt của miền trong:
  • Các viện đại học Vạn Hạnh, La San, Hòa Hảo… sánh vai cùng cấp và ra sức cạnh tranh với viện đại học quốc gia.
  • Các giảng viên, giáo sư và giáo viên “biệt phái” kỳ tổng động viên trong Nam được giải ngũ, tu nghiệp và trả về trường cũ dạy tiếp.
  • Các kỹ sư, cán sự, chuyên viên “biệt phái” cũng được giải ngũ, tu nghiệp, trả về các ty/sở gốc tái thiết hạ tầng cơ sở kinh tế cấp tỉnh/thành/quận…
  • Các y/nha/dược sĩ từ các quân y viện được giải ngũ bớt về đời sống dân sự, hiệp lực đẩy mạnh chính sách y tế cộng đồng cho quảng đại quần chúng.
  • Học sinh cấp trung học, cao đẳng, đại học và hậu đại học đều không phải lo điểm Mác Lê cho kỳ tốt nghiệp.
  • Bệnh nhân ở các bệnh viện cũng chẳng phải học tập văn hóa phong bì trong lúc phải thực diễn đội hình cá hộp.
  • Báo chí không mất 700 tờ đăng cùng bài xã luận, hay cùng bản tin, ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm…
  • Sách in không nhất thiết phải đồng hướng tiến vươn lên Lỗ Tấn hoặc tuột xuống Sợi Xích.
  • Phim ảnh miệt trong có lẽ thích Hollywood hơn, và chẳng cần quanh quẩn tới thuộc lòng những Tam quốc diễn nghĩa  (三国演义 –  Sān Guó Yăn Yì ) 1994 tới Tam Quốc Chí 2010; hay Hồng lâu mộng (紅樓夢) 1987 tới Hồng lâu mộng 1996…
*
Mẹ em đây người dân công tải đạnMẹ em đây người nữ cứu thươngCha em đây giữa chiến trườngMặt đen khói đạn, chặn đường giặc lui
Tố Hữu – Em bé Triều Tiên

Dễ mường tượng (và có nhiều xác suất  xảy ra) nhất cho trường hợp mọi bên cùng tôn trọng Hiệp Định Paris 1973, cho dù chưa hẳn một giải pháp tối ưu, chính là mô thức Nam-Bắc Hàn.
Vẫn dựa trên bản phóng chiếu vị trí và khả năng của miền Nam Việt Nam so với Mã Lai/Thái Lan/Đài Loan/Nam Hàn trước 1975,  đặc biệt là dựa trên dữ kiện nghiên cứu công phu của cố GS Đặng Phong, trong suốt chiều dài 1975-2010, thì ngoài những cách biệt cơ bản nói trên, tình hình có thể còn thêm một số điểm có thể ghi nhận được từ miền trong:
Người Việt không gửi quà về cho thân nhân từ nước ngoài, mà gửi từ miền trong ra miền ngoài, xuyên qua một quốc gia trung lập nào đó. Dần dần hình thành một hệ thống chuyển ngân thông qua một cơ quan phi chính phủ và phi lợi nhuận ở Sài Gòn.
Vùng phi quân sự DMZ tại vĩ tuyến 17, nếu được Hà Nội đồng thuận, sẽ cùng thành lập một ký túc xá “Vãng Lai/Tao Ngộ” (nếu cần sẽ do Sài Gòn đài thọ kinh phí), nhằm giúp cho thân nhân hai miền được gặp gỡ thăm viếng và đỡ đần nhau chính thức/công khai, dưới sự giám sát của chính quyền cả hai phía.
Không bị phủ chụp bởi bóng râm Trung Nam Hải, và chẳng hề vướng víu “ơn nghĩa bầu bạn quốc tế” hỗ trợ “đánh Mỹ cho tới người VN cuối cùng”, miền trong không cần phải có những khu biệt lập của người TQ như miền ngoài. Ngay cả vùng Chợ Lớn cạnh Sài Gòn cũng chẳng bao giờ trở thành khu biệt lập gần như tự quản (thông qua hệ thống bang hội) như bây giờ.
Chương trình Cải cách điền địa (1955-1960) đổi sang Người cày có ruộng (1969-1971 – đệ nhị cộng hòa miền Nam bán công khố phiếu mua lại 1triệu rưỡi hecta ruộng của điền chủ rồi chia đều miễn phí cho 800.000 hộ tá điền, tức khoảng 5 triệu nông dân) đã hoàn tất từ 1971, thêm giống lúa Thần Nông IR3 được canh tác trên gần ba triệu hecta ruộng từ 1972, miền Nam mau chóng lấy lại danh hiệu Vựa lúa của Đông Nam Á.
Các đồn điền trồng cây kỹ nghệ (mía đường/thuốc lá/cà phê/cao su…) được phục hồi khả năng sản xuất và chế biến thành phẩm (hãng lốp xe Châu Bá-Michelin), cùng nhịp với công nghiệp nuôi trồng và biến chế thủy sản (hợp tác với New Zealand) có nhiều cơ hội chiếm lĩnh thị trường Âu Mỹ từ cuối thế kỷ 20.
Các kế hoạch thăm dò khai thác dầu hỏa của miền Nam suốt từ những năm 1963-1973 đã đi vào giai đoạn thu hoạch. VNCH cấp giấy phép cho sáu tổ hợp công ty dầu lửa được khai thác 13 địa điểm trong một khu vực 82.000 km² (mới chỉ là 16% của thềm lục địa). Tới tháng 10, 1974, hãng Mobil khoan mỏ Bạch Hổ, tại lô 04-TLD, tìm được dầu dưới độ sâu trên 2,7 km. Ước tính là vào cuối 1975, sẽ có ít nhất 20 giàn khoan. Vũng Tàu có nhiều xác suất có nhà máy lọc dầu đầu tiên của VN. Tất cả là của VN, không bị chi phối hay bị buộc phải hợp doanh bởi Cty Soviet nào.
Các khu kỹ nghệ Biên Hòa/Phong Dinh/Quảng Ngãi/SONADEZI… và các xí nghiệp đơn lẻ được hỗ trợ tín dụng từ Quốc Gia Doanh Tế Cuộc/Trung Tâm Khuếch Trương Kỹ Nghệ/Quỹ Tái Thiết Cơ Sở Sản Xuất, đồng thời, cũng là hướng giải quyết tỷ lệ thất nghiệp và nạn nhân chiến cuộc, nhờ đó thu ngắn giai đoạn gia công của công nghiệp VN để tiến lên cùng nhịp với Đài Loan, Nam Hàn từ những năm đầu thập niên 1980s.
Một số trọng điểm chọn lọc trong bản Kế hoạch kinh tế hậu chiến, do Kinh tế gia David Lilienthal dự thảo, được khai triển, kết hợp với các quỹ Viện trợ Phát triển (kỹ thuật/ngân hàng/quản trị), đặc biệt nhắm vào các lãnh vực viễn thông, tàu hỏa, nhiệt điện… sẽ làm nền giúp miền Nam cất cánh cùng thời với các tiểu hổ Á châu.
Những nhân tố nền tảng cộng hưởng vào tiến trình đó là nhờ miền Nam đã có sẵn: a) một nền sinh hoạt chính trị dân chủ, dù còn là non trẻ; b) động lực tư hữu và kinh nghiệm kinh tế thị trường đích thực; c) một nền báo chí khá tự do và tương đối đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả và đặc biệt là doanh gia; d) một hướng giáo dục nhân bản, trọng pháp và cầu tiến; e) một tình trạng tham nhũng còn có giới hạn (nhờ báo chí và luật pháp); g) sớm áp dụng các tiến bộ kỹ thuật Tây phương; h) sớm kinh qua mô hình kinh tế dịch vụ (chiếm hơn phân nửa GDP 1973; i) một hãng hàng không dân dụng đã có những đường bay quốc tế; k) một hệ thống đường bộ và đường thủy khá tốt; l) một hệ thống công đoàn độc lập hoạt động theo tiêu chuẩn Âu Mỹ; m) những hội và hiệp hội ngành nghề tự lập tự quản sinh hoạt có hiệu quả…
Mặt khác, miền Nam đã có sẵn 4 yếu tố quan trọng:
  1. Một dàn chuyên viên vi tính (bộ Giáo dục/bộ Tổng tham mưu/bộ Tư lệnh Hải quân) từ thời IBM mainframe S360-67 chạy bằng CPU IBM2030 trên OS/VS1 với hệ nhập dữ kiện đầu vào bằng thẻ đục lỗ (Herman Hollerith punch cards), đầu ra băng từ IBM 2401 (to bằng cái tủ lạnh), sử dụng hệ mẫu tự EBCDIC và các loại ngôn ngữ vi tính căn bản Assembler, Basic, Pascal, Fortran, RPG, Cobol, online CICS…;
  2.  Một đội ngũ hàng vạn sinh viên du học hàng năm nhiều ngành nghề ở các nước tân tiến (Âu/Mỹ) và cả chương trình Colombo (Australia/New Zealand). Với nhịp độ đó, nhân suốt chiều dài 39 năm gộp lại và đào tạo thêm trong nước, tỷ lệ chuyên viên kỹ thuật cao của VN không thể kém hơn Nam Hàn/Đài Loan… và có khi đuổi kịp Nhật Bản (như Nam Hàn đang đạt, nhân cơ hội 2 thập niên đình động của Nhật).
  3. Một hãng xe LaDalat-Citroën, đi vào hoạt động cùng thời với Hyundai Motor của Nam Hàn;
  4. Đôi khi ta thấy trong cùng một quốc gia có sự phối hợp giữa tài nguyên phong phú, một hệ thống hành chính có quyết tâm với những chính sách kinh tế hợp lý một dân tộc thông minh, khéo léo, và hết sức dẻo dai, với một khả năng cố gắng bền vững, một quyết tâm mãnh liệt và tha thiết bảo tồn tự do của mình… Khi có một kết hợp như vậy, như hiện đang có ở Việt Nam, thì chỉ cần một nguồn tài chính từ ngoài vào làm vai trò tác động, để nối kết tất cả những yếu tố này lại với nhau thì có thể có những kết quả thật là xuất sắc”.Đại sứ Martin – 1973 – trả lời phỏng vấn US News & World Report
Với ngần đó ưu thế, người ta không ngại ngoa ngữ khi bảo rằng danh sách các tiểu hổ châu Á vào cuối thế kỷ 20 hẳn phải có thêm VNCH.
Nghĩa là, Sài Gòn vẫn vang danh Hòn ngọc Viễn đông.
Nghĩa là, giờ này, cạnh tranh với Asus Zenbook hẳn đã có VietBook; với Acer Iconia Tab ắt có VietTab; với Samsung Galaxy Note ắt có VietNote; với Toyota Innova biết đâu đã có LaDalat Prenn v.v…
*
Không ai có thể sống an lành với một đất nước chia đôiWim Winders – 1986–Tác giả cuốn phim quay lén Những Đôi Cánh Ham Muốn
(về đời sống Đông Bá Linh, 3 năm trước khi bức tường ô nhục sụp đổ)
Cũng không khó mường tượng, nhưng chẳng ai dám nói biết rõ xác suất khả thi cao thấp ra sao, là trường hợp hai miền Việt Nam, sau vài thập niên chân thật gìn giữ những cam kết trong hiệp ước Paris 1973, đã thống nhất theo mô thức Đông Đức – Tây Đức.
Giả thiết Sài Gòn đạt được vị thế tiểu hổ châu Á như nói trên.
Giả thiết Hà Nội không cực đoan và hiếu chiến như Bình Nhưỡng.
Giả thiết Hà Nội bước cùng nhịp với Nam Vang/Vạn Tượng, và đi trước La Habana một bước.
Giả thiết tình hình miền ngoài có một số “đổi mới”, nghĩa là mọi thứ thực tiễn gần điểm chốt sẵn sàng (như hiện giờ), chỉ cần bỏ cái đuôi “định hướng XHCN”, thì xác suất  “Việt Nam thống nhất như nước Đức” đó phải được coi là khá cao.
Chao ôi! Phải biết vị thế của VN trong ASEAN bảnh nào có kém gì Đức trong EU.
Và đố có thằng hàng xóm “lạ” nào dám ho he càn rỡ!
*
Tiếc thay.
Thực tế ngược hẳn.
Nhà thơ Lê Bi, như được trích ở dòng đầu bài, hoàn toàn đúng, nhưng chưa đủ. Có những vô ích (chen lẫn vô học/vô hậu/vô lối và lắm thứ vô duyên khác nữa đã) làm nên lịch sử. Nó cào bằng miền Nam, cả kinh tế, chính trị, xã hội, lẫn tính/tình người, cho bằng miền Bắc muôn năm vung tay dậm chân hô hào tiến lên XHCN.
Tiếc thay.
Lịch sử không cho lật ngược trang, mà chỉ đòi/đợi những con người dám đứng lên/bước tới.
Bởi, đã 2012, đã quá trễ cho chuyến tàu thần long mãnh hổ bên mép Thái Bình Dương.
Chỉ mong là không một ai phải chép miệng/thở dài lần nữa vào những năm 2022 hay 2032, rằng, giá mà lãnh đạo Hà Nội tỉnh giấc, dám đặt tương lai đất nước và dân tộc lên trên chính mình hay những biệt thự dát vàng có vườn rau sạch hoặc những nhà thờ họ nguy nga… từ thời 2012…
Vì đã nghe ra từ xương máu muôn dân
Là thương cả bốn ngàn năm đang cùng bước tới
Những bước hài hòa từ một xuất xứ lương tâm

Lê Bi – 1982 – Sử mai
28-04-2012 – Kỷ niệm tròn 56 năm lễ hạ cờ Pháp lần cuối tại phủ Cao Ủy Sài Gòn trước khi rút hết quân đội thực dân về nước.
Blogger Đinh Tấn Lực

Im Lặng Sấm Sét


Im Lặng Sấm Sét



Văn Giang! Văn Giang!
âm thanh vỡ trong đêm
ì xèo vọng dội
như sỏi rơi  giếng cạn
như nứa nổ trưa hè
như lửa đuốc đốt niềm tin
*
Văn Giang! Văn Giang!
những nón sắt nhấp nhô chập choạng
những mặt nạ lưới sùm sụp
che khuất ánh mắt totem sói
những áo giáp bọc kín mớ tim đen
những khiên mộc chắn thân chùm gửi
những roi điện xoèn xoẹt
những dùi cui loang loáng
những đạn cay bật chốt
những họng súng lăm lăm
dàn đội hình sài lang
theo lệnh “tận cùng trên”
quyết
vắt đất ra máu
thay trời làm vua
*
Văn Giang! Văn Giang!
bên kia lằn ranh
là những mẹ anh hùng từng mất con
là những thương binh từng chôn ống chân
trên chiến trường Tây Nam
hay từng gửi một cánh tay/một con mắt
trong trận chiến gìn giữ Lạng Sơn/Cao Bằng
cũng có thể trong số đó
có cả thân nhân các liệt sĩ Gạc Ma
hiện là những nông dân tay trắng
thành đội ngũ dân oan
đang mất đất
vào tay thằng phù thủy giải phóng mặt bằng
có con là âm binh Bản Việt
mới bị làng dân báo phát hiện
cảnh trên bọc trong dâu với Vihaijico
tức chủ dự án ecopark
*
Văn Giang! Văn Giang!
tiếng rên đã tắt
tiếng thét đã vang
theo nhịp cán cuốc giộng nền đất
chen lẫn tiếng đạn chùm hoa cải
và tiếng cổng sắt Bắc Giang bị đạp sập
*
Văn Giang! Văn Giang!
những cuồng nộ tích lũy
xa là Bình Dương/Đồng Tháp/Tiền Giang
Cần Thơ/Bình Thuận/Bến Tre…
gần là Tiên Lãng
sát sườn là Đại Bái/Dương Nội/Từ Sơn
*
Văn Giang! Văn Giang!
những cuồng nộ nối liền
các điểm nóng khắp nước
ngư dân mong giữ thuyền
công nhân đòi tăng lương
nông dân đòi giữ đất
*
Văn Giang! Văn Giang!
những cuồng nộ dâng trào
từ núi đơn khiếu kiện cao hơn Cổng Trời
từ những ngày cơm vắt/nước lã
ngồi đồng
trước số 1 Ngô Thì Nhậm
trước 35 Ngô Quyền
trước dinh thự các quan trung ương
hay trước vườn hoa Mai Xuân Thưởng
Hà Nội
và có lúc lê la suốt 21 ngày liền
giữa 91 Nguyễn Đình Chiểu
với 194 Hoàng Văn Thụ
Sài Gòn
chỉ để tận thu
duy nhất sự im lặng
*
Văn Giang! Văn Giang!
đất đai xứ này là của cha ông để lại
cả ngàn đời
trước khi  có kẻ qua tận phòng hộ tịch Mác-xcơ-va
làm giấy khai sinh cho đảng
vậy hà cớ gì đảng dâng đất/biển/đảo cho ngoại bang
cùng lúc
biến đất thành vàng cây tư túi?
*
Văn Giang! Văn Giang!
nhân dân xứ này đang đợi câu trả lời dứt khoát
nếu không
mọi im lặng
sẽ được hoàn trả
cả vốn lẫn lời
bằng sấm sét.

26-4-2012 – kỷ niệm 50 năm ngày phát động cuộc vận động chống tham ô/lãng phí/quan liêu ở VN, và kỷ niệm 18 năm ông Nelson Madela thắng cử tổng thống Nam Phi sau một cuộc cách mạng “tẩy chay”.
Blogger Đinh Tấn Lực

Còn Chú Nó Khôn?


Còn Chú Nó Khôn?

. Đinh Tấn Lực
Điều mà chúng tôi biết, là chúng tôi đang tìm một nền kinh tế thị trường với bộ mặt nhân bản, chú tâm đến chuyện công bằng xã hội, văn hóa và phát triển về mặt nhân văn… Còn chuyện khi nào chúng tôi mới tìm đến đó được, tôi cũng không rõ”. Tôn Nữ Thị Ninh – nguyên Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của VN tại Liên hiệp Châu Âu (EU), Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ba Đình, Ủy viên TW Hội Liên hiệp Phụ nữ VN.
Cứ nghe miết chuyện thời sự rồi đâm ngờ cả giuộc thành ngữ người xưa để lại. Bởi trước giờ vẫn nghe mọi người bảo nó lú, rồi cứ đinh ninh còn chú nó khôn. Chẳng dè cả hai đều mình ngô đầu …ngố.
Giun Đất Đòi Phun Lửa Trời
Trong hệ thập can thập nhị chi, năm nay trúng đậm quả Nhâm Thìn. Lắm kẻ hì hục binh đường sinh thằng cu con. Lại có kẻ thậm thụt binh đường thăm thằng cu… ba.
Năm rồng có nhiều chuyện “lạ” (song vì chưa xác định được quốc tịch nên chưa thể khẳng định là 100% chuyện tàu). Rồng ta hiền hòa nghe nói là chỉ phun nước. Rồng tây dữ dằn (kêu bằng khủng long) thấy phì phò phun lửa trên phim. Chuyện “lạ” khúc này là ở chỗ giun đất, sau đận ngàn năm Thăng Long trùng khớp vào quốc khánh nước “lạ”, cũng ngo ngoe đòi phun lửa mửa khói.
Không tin à? Cứ đọc bài “diễn văn quan trọng” của đầu đảng Việt ở trường đảng Cu cao cấp bên Havana, thì rõ:
Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới…”.
Những thành tựu đổi mới tại Việt Nam đã chứng minh rằng phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế. Đó là sự ưu việt, là sức sống thực tiễn của chủ nghĩa xã hội!”.
Tiêu Chí Hiệu Trưởng Đương Thời
Úi dào. Vẫn cứ cái mững thằng đọc cắm đầu đọc, còn thằng nghe cúi đầu …cười. Vì sao vậy?
Thằng đọc quên phức là Cuba ngày nay không giống như năm nẵm. Tuần đầu tháng hai năm ngoái, 2011, Cuba thuê tàu Pháp Île de Batz thả cáp ngầm của hãng viễn thông Alcatel-Lucent, cũng của Pháp, nối vào mạng viễn thông của “bầu bạn” República Bolivariana de Venezuela (quốc gia nổi tiếng là có nhiều hoa hậu nhất nhì thế giới).
Đường cáp ngầm ALBA-1 dưới đáy biển nối liền thành phố cảng La Gaira (Venezuela) tới Siboney (Cuba), theo bản tin của Công đoàn Viễn thông Quốc tế, International Telecommunications Union, đã đẩy vọt khả năng nhập mạng internet của nhân dân đảo quốc XHCN này tăng lên gấp ba ngàn (3000) lần. Tất nhiên, Hugo Chavez cũng giúp cả công đoạn dựng tường lửa cho Fidel Castro lẫn Raúl Castro Ruz an tâm (đổi lại là Chavez được ưu tiên và an tâm chữa bệnh ở Havana, bất kỳ lúc nào và bất luận bao lâu).
Dù vậy, theo báo cáo của tổ chức Phóng viên không biên giới, đảng và nhà nước Cuba lo ngại giới bloggers mới keng của xứ này nhiều lần cao hơn tất cả những nhân vật bất đồng chính kiến của xứ này xưa nay gộp lại. Chỉ vì đám dân báo bloggers cập nhật tin tức nhanh nhạy hơn rất nhiều.
Tức là, họ biết rất rõ tình hình Việt Nam lụn bại thế nào, đầu xỏ tham/ngu thường nổ văng miễng ra sao, guồng máy đảng và nhà nước ở đây ăn hại/đái nát tròng chéo vào nhau và thi đua vơ vét tài nguyên của đất nước và nhân dân VN đến cỡ nào…
Nói cách khác, thằng đọc vẫn cắm đầu đọc mà cứ ngỡ đám học viên trường đảng Cu cao cấp, nói riêng, và dàn bloggers bên đó, nói chung, chưa từng nghe tới PMU-18, Nexus, Securency, Bauxite Tây Nguyên, quả đấm thép Vinashin, nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất, Jetstar Pacific, AgriBank, EVN, FPT, Viettel, và trong nay mai là điện hạt nhân v.v…
Cũng có thể tay đại sứ Vũ Công Công gì đó gửi báo cáo và nhận định (khả quan như thường lệ) về cho bọn chuyên cắm đầu đọc này là:
© Làm cóc gì mà tụi Cu biết nổi các vụ việc Tam Sa hoành tráng, rước đuốc thế vận 2008 trọng thị và an toàn, ngư phủ Hoàng-Trường Sa bán nhà chuộc lưới, vụ cắt cáp tàu các tàu thăm dò Bình Minh/Viking, vụ đường cao tốc thong dong đi học đi làm, vụ Điếu Cày thiếu thuế, Thái Hà địa chấn, Cồn Dầu sạt lở, Đồng Chiêm nổi gió, Làng Mai hoang lạnh, An Giang dậy sóng, Nguyệt Biều bồi đê, Bắc Giang sập cổng, Mường Nhé sấm giăng, Cống Rộc rực màu hoa cải…
© Làm cóc gì mà tụi Cu tin nổi đã có chuyện chính quyền VN (các cấp và khắp nơi) tự động rút ruột các ngân khoản viện trợ phát triển, tư túi các khoản tiền xóa đói giảm nghèo, ăn chận quỹ tấm lòng vàng cứu trợ nạn nhân bão lụt, xà xẻo cả tiền quà tết cho các mẹ anh hùng hay vợ liệt sĩ…
© Làm cóc gì mà tụi Cu đọc được bản tin 79.000 doanh nghiệp VN làm ăn thua lỗ dẫn tới phá sản trong năm 2011, và đó chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm… Trong lúc chỉ số hàng tồn kho tăng tốc, tính từ thấp (55%) tới cao (87%) là xi măng/thuốc lá/sắt thép/phân bón… chưa kể xăng dầu Dung Quất.
© Làm cóc gì mà tụi Cu nghe nói tới các tay luật gia VN (Lê Công Định/Cù Huy Hà Vũ) bị tể tướng xứ này trả thù tới bến về tội góp ý hay khởi kiện đứa đứng đầu chính phủ làm nhiều chuyện sai quấy, hay chuyện “phục hồi nhân phẩm” cho một nhân vật nữ dõng dạc gióng tiếng về nguy cơ bắc thuộc lần cuối ở đây…
© Làm cóc gì mà tụi Cu biết được các thứ thống kê ma mãnh và chỉ số tăng trưởng của VN là so với số không của chính nó vào thập niên trước, hoặc là so với số tận cùng lẻ của thiên hạ… trong lúc các thứ bong bóng địa ốc còn mỏng manh hơn cả loại made-in-china.
© Làm cóc gì mà tụi Cu nghe tin về Con Người Mới XHCN Việt Nam túm tóc lột áo dài ngay trước cửa trường, hay đại sứ Argentina bị móc túi trong hội chợ Festival Huế…
Cứ nhiều phen đinh ninh thế, rồi (theo quy luật Gớt-ben) sau nhiều lần bèn ngỡ thật như thế, nên mới xảy ra tình trạng có đứa qua đó huênh hoang về nhiệm vụ thức/ngủ canh giữ hòa bình thế giới. Rồi lại có đứa vung tay xài tiền thuế của dân vào chuyện đưa cả lũ bầu đoàn thê tử qua Cu để lên lớp dạy dỗ chúng như một thứ chư hầu cấp hai cho thiên triều Trung Nam Hải.
Hà Giang từng có Sầm Đức Xương đứng lớp. Nay VN ta lại có thêm một đối thủ tám lạng nửa cân như sao đang lên của khu vực Ba Đình. Đặc biệt là khả năng thăng tiến vượt bực của mấy tay đầu xỏ được mời hút thử xìgà Cuban chính gốc, nổi tiếng là se lá thuốc bằng tay, trên đùi trần trinh nữ. Hoặc giả, chính đó là lý do chính khiến mấy đứa đi Cu, cách này hay cách khác, đều lần lượt …lên đồng?
Cao Cẩu Cốt Lùng Tùng Xà
Hây dà! Không dễ gì cân phân giữa anh em xa với chú bác gần. Thằng Cu này chết dở, chẳng phải vì ở sát cạnh thằng tư bản dẫy chết, mà chính bởi cái tính chung thủy trước sau như nhất của nó đối với Mác-Lê chính thống… trong khi cả giuộc họ hàng nhà nó đã mở toang cửa nẻo để đồng thanh hô ¥€$ mà giang tay đón chào các loại bùa chú đặc trị con virus công điểm hợp tác xã cùng các thứ bệnh tà ma kinh tế kế hoạch tập trung.
Hà Nội, từ đận 1986, vin vào các nỗ lực xé rào của Vĩnh Phú và Long An, mà lên nghị quyết vơ lấy công đổi mới, rồi nay lên mặt xun xoe với thằng Cu, rằng đã vất bỏ hệ tem phiếu/công điểm, đã vượt qua hàng nhiều thập niên “thiếu đói/đói/đói gay gắt”, đã bỏ rơi giấc mơ “đổng/đạp/đài”, đã hết rồi thời xuất khẩu lao nô “trả nợ chiến phí”, đã “đi tắt/đón đầu” các hệ công nghiệp giày dép gia công, đã ồ ạt xuất khẩu lao động ô-sin và chuyên gia các ngành nghề mà dân bản xứ chê dơ hay chê nhọc…
Nói chung là đầu đảng Hà Nội, cũng từ đận chết ngất trên khán đài Quốc khánh thứ 40 của Đông Đức, nhanh nhẩu theo chân thằng hàng xóm cực đểu mà nay coi như bọn chú bác gần, đã vượt qua cái mà thằng Cu còn ôm giữ tới giờ.
Theo tài liệu đúc kết năm 2007 của bà Kanano Yamaoka (thuộc viện đại học Harvard, Mỹ), sau 2 năm sang Havana nghiên cứu về chủ đề So Sánh Hai Nước XHCN Còn Sót Lại: Cuba & Việt Nam, người ta đọc được một số ý tóm lược như sau:
© XHCN nhân danh bình đẳng nhưng thực tế đã cào bằng cho nhân dân nghèo như nhau;
© TQ mở cửa kinh tế từ năm 1979, VN bắt đầu theo chân đổi mới kinh tế từ năm 1986;
© Cuba, giống Bắc Hàn, cương quyết giương ngọn cờ Mác-Lê chính thống như lời tuyên bố “thà nhân dân ăn cỏ”của Fidel Castro, sau khi Liên Xô sụp đổ;
© Cuba & Việt Nam có nhược điểm chung là thiếu cải cách chính trị. Mọi chính sách kinh tế của Cuba đều nhằm mục tiêu chính trị (giá lao động rất cao là cũng vì vậy);
© Cuba từng nhận viện trợ ưu đãi dầu lửa của Venezuela và hàng gia dụng của Trung quốc;
© Lượng tiền của Việt kiều gửi về nước cao gấp 10 lần so với Cu kiều (con bò sữa VN béo hơn);
© Ngày nào Fidel còn sống hay còn quyền lực thì ngày đó khó lòng cho Cuba đổi mới theo hướng của TQ & VN. Bất hạnh thay, Raúl, nổi danh trong Buró Político, tức bộ chính trị Cuba, còn tỏ ra bảo thủ hơn cả Fidel lúc cuối đời (với tuyên bố “mô thức kinh tế XHCN không chạy việc nữa”).
Theo một tài liệu nghiên cứu khác của Mesa-Lago and Pérez-López (2005), Raúl Castro đã từng chỉ trích thậm tệ ý niệm kinh tế thị trường từ hồi tháng 3-2005.
Có phải vì thế mà Hà Nội cố gắng thuyết phục Havana bằng một bài giảng lê thê mà báo QĐND đã nâng …tầm lên thành một “diễn văn quan trọng”, cho dẫu cả bọn đều vò đầu bứt tai ú ớ như nhau: khi nào chúng tôi mới tìm đến đó được, tôi cũng không rõ?
Tất nhiên, một khi muốn nâng bóng kinh tế thì phải đạp lưới xã hội, cho nên thằng đứng bục đã phớt lờ mọi dữ liệu về giáo dục/y tế/lao động/thương binh v.v… (là các món hãnh tiến của Fidel Castro trong suốt nửa thế kỷ qua trên đất Cuba).
Đã vậy, đứa giảng bài, vốn là học trò và là cánh tay nối dài của Bắc Kinh, chỉ chuyên nghề thêm mắm dặm muối cho vừa tai người nghe, lại còn (quen thói) tiếm công và hãnh diện là cha đẻ của cụm từ “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, tức là còn cao hơn cả bậc thầy họ Đặng ở Bắc Kinh mới chỉ chạm ngưỡng “kinh tế thị trường đậm đà màu sắc Trung quốc”.
Cho nên, một câu hỏi khác bật ra tại đây là: Đàng sau cái “sứ mệnh” rao giảng về đổi mới kinh tế cho thằng Cu, có bao nhiêu phần trăm cái sứ mệnh này là một thứ phép thử ngang hàng phép “lạ”?
Nói theo cách nôm na bình dân, phải chăng Hà Nội đang nỗ lực mở trò xiếc rối cạn Thăng Long để bán thuốc dán Sơn Đông made-in-china, ngay giữa chợ Nico Lopez của Havana, đặc biệt, ngay vào lúc Havana đã thả tù chính trị, công nhận lễ Giáng Sinh và Phục Sinh…
Hóa ra Raúl có một chủ trương rất riêng, có thể gọi là khá cân đối giữa cải cách chính trị và đổi mới kinh tế.
Đứa Giục Miến – Thằng Kéo Cu
Cho nên, nghe chừng như Raúl không mặn mòi gì lắm cái bài giảng lên gân nhân lên mặt còn đầy thẹo kia. Cứ trông tấm ảnh bắt tay cực kỳ hời hợt và cái miệng cười điêu luyện của hắn thì rõ.
Kể cũng không mấy quá đáng khi có người xách mé là phe ta mua cái huân chương Hôxê-Mácti của thằng Cu bằng cái giá của 5000 tấn gạo và 400 nghìn USD tiền tươi (trích từ tiền thuế của dân Việt), gọi là để xây ngôi trường hữu nghị Việt-Cu ở thành phố La Habana.
Lại có người bảo rằng ở Hoa Kỳ, tội xả rác có thể bị phạt lên tới 1000 USD, còn ở cả châu Mỹ thì tội xả rác có thể bị phạt tới 5000 tấn gạo. Đấy là cách ví von về chuyện Sơn Đông mãi võ (trao sách và rao giảng về con đường trí trá cộng sản) nói trên đó chăng?
Trước đây có đứa từng hân hoan kể chuyện “phân hóa chính phủ ông Obama”. Thế giới đã một phen chết cười.
Nay lại thêm đứa thủ thỉ “đòi Hoa Kỳ chấm dứt ngay và không điều kiện chính sách bao vây cấm vận và các kế hoạch, hành động can thiệp, gây mất ổn định chống Cuba”. Úi dào! Nó mà từng đặt được chân tới Mỹ thì phải biết còn nổ tới đâu. Mới rõ trường đại học kịch nghệ chuyên khoa hài ở Hà Nội đã đào tạo không biết bao nhiêu là …thiên tài.
Chứ không thì hai bên đã chẳng khoèo tay cam kết ủng hộ nhau vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016.
Chứ không thì hai bên đã chẳng cần đồng ý phải nỗ lực “xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh”.
Chứ không thì Brazil đã chẳng sợ vãi, đến mức thu hồi thị thực visa VIP ngay trước khi chuyên cơ của phái đoàn Ba Đình chạm bánh xuống phi đạo xứ này theo lịch trình định sẵn, mà không hề ngại hệ lụy ngoại giao về sau.
Chứ không thì đã chẳng ai nhận ra cái kịch bản tréo ngoe của bộ chính trị Ba Đình:
© Quan tể tướng sang dạy Miến Điện cải cách chính trị. Nó làm thật và thế giới đang ngưỡng phục/hỗ trợ nó.
© Quan đầu đảng sang dạy Cuba cách thức đổi mới kinh tế, theo mô thức vá đập Sông Tranh 2 của Hà Nội, và bị nó cười vào mặt, còn bạn nó lật đật đóng cửa treo miễn tiếp bài.
Đừng bảo rằng đó là sắc màu tương phản giữa đảng với chính phủ của ta.
Nó chính thực chỉ là một lằn ranh có tên là dũng miến – trọng cu.
15-04-2012Kỷ niệm 100 năm đi vào lòng biển của một con tàu từng được tuyên bố là không bao giờ chìm.
Blogger Đinh Tấn Lực

Đại Quang Lấp Ánh Bình Minh


Đại Quang Lấp Ánh Bình Minh

. Đinh Tấn Lực

Sau 60 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Ngoại giao ngày nay có đội ngũ cán bộ công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng và Tổ quốc”. 19/08/2005 – Nguyễn Dy Niên, khai mạc lễ mít-tinh Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Ngoại giao.
Nhưng vẫn thường xuyên bị hiếp, bởi chưa đạt đỉnh “còn đảng – còn mình”.
Chuyện như đùa. Đọc tin cuối tháng 3 mà trong đầu cứ chập choạng ngỡ chừng đâu đây mùi cá hấp 01 tháng Tư: Bộ Công an (BCA) lại ngáng chân/lên gối/giật chỏ bộ Ngoại giao (BNG).
Đúng là công dã tràng.
Sau biến cố tan rã đệ tam quốc tế cộng sản, BNG-VN, từ đời cha Nguyễn Cơ Thạch tới đời con Phạm Bình Minh, đã dồn biết bao công lao vun vén cho thành hình cái khẩu hiệu “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước”, tất nhiên là phải kể cả Vatican.
Có thể tạm nhấn một số nỗ lực phấn son tôn giáo gần đây là:
© 28-11-2005: VN mời Hồng y Crescenzio Sepe, Bộ trưởng bộ Truyền giáo Vatican, đến thăm và làm việc với Giáo hội Công giáo VN.
© 25-01-2007: Đức Giáo hoàng Benedict XVI tiếp kiến Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng tại Vatican và đồng ý về việc nối lại quan hệ ngoại giao giữa Vatican với VN.
© 05-03-2007: Thứ trưởng bộ Ngoại giao Pietro Parolin của Vatican đã viếng thăm và làm việc với Hội đồng Giám mục VN.
© 16-02-2009: Thứ trưởng BNG Vatican Pietro Parolin và Thứ trưởng BNG-VN Nguyễn Quốc Cường đồng chủ trì cuộc họp vòng I nhóm Công tác Hỗn hợp VN-Vatican tại Hà Nội.
© 11-12-2009: Đức Giáo hoàng Benedict XVI tiếp kiến cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Vatican.
© 23-06-2010: Thứ trưởng BNG-VN Nguyễn Quốc Cường và Thứ trưởng BNG Vatican Ettore Balestrero đồng chủ trì cuộc họp vòng II nhóm Công tác Hỗn hợp VN-Vatican tại Vatican.
© 27-02-2012: Thứ trưởng BNG Vatican Ettore Balestrero và Thứ trưởng BNG-VN Bùi Thanh Sơn đồng chủ trì cuộc họp vòng III nhóm Công tác Hỗn hợp VN-Vatican tại Hà Nội.
Việt Nam luôn sẵn sàng tạo điều kiện cho các phái đoàn do Tòa thánh Vatican cử vào làm việc chính thức theo khuôn khổ thỏa thuận của hai bên”. 27/03/2012 – Lương Thanh Nghị khẳng định với phóng viên AFP thường trú tại Hà Nội.
Tuy nhiên, mọi việc không suôn sẻ cho bộ mặt nổi mà BNG-VN cố gắng xây đắp.
Ngày 09-09-2011, đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, đại diện Tòa Thánh Vatican không thường trú tại Việt Nam, trên lộ trình thăm viếng giáo phận Kontum, bị công an địa phương cấm ngủ qua đêm ở nhà thờ Pleichuet, chỉ vì nhà thờ này do các vị linh mục Dòng Chúa Cứu Thế chăm sóc.
Cũng trong năm 2011, Thượng tướng Công an Nguyễn Văn Hưởng, nguyên thứ trưởng BCA, được bổ nhiệm vào chức vụ Đặc phái viên tư vấn Thủ tướng về an ninh và tôn giáo.
Ngày 18-02-2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định số 212/QĐ-TTg bổ nhiệm Trung tướng Công an Phạm Dũng, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II, làm trưởng ban Tôn giáo Chính phủ.
Cả hai gọng kềm công an cùng xiết chặt. Thêm tay thủ tướng gốc công an nữa là ba:
Ở địa phương, công an rần rật “vào cuộc” và “ra tay” bắt nguội/bắt cóc/bắt chẹt/bắt giam người… khắp nơi. Từ Thái Hà đến Đồng Chiêm. Từ Làng Mai đến Nguyệt Biều. Từ Tây Nguyên đến Mường Nhé. Từ La Vang đến Cồn Dầu. Từ Cao Lãnh đến Kontum. Từ Tam Tòa đến Vinh…
Ngày 26-03-2012 (tức ngay hôm trước cuộc họp báo của Lương Thanh Nghị dẫn trên), Mục sư Nguyễn Công Chính, thuộc giáo hội Tin Lành Mennonite, bị tòa áp án 11 năm tù về tội danh gửi tài liệu đến các tổ chức chống chính phủ tại Việt Nam và nước ngoài. Trước đây, vào ngày 16-09-2006, MS Nguyễn Công Chính từng bị thiếu tá công an Võ Thị Hiền của PA38 Kontum lột truồng và nắn hạ bộ ngay tại trụ sở CA tỉnh, như một trò đùa.
Ngày 27-03-2012, công an VN đã thu hồi thị thực visa do sứ quán VN tại Ý cấp cho một phái đoàn sang VN thu thập dữ kiện chuẩn bị vinh phong Á thánh cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận. Và cũng tương tự như các sự cố khác, BCA-VN đã lấp liếm bằng những lý cớ loanh quanh thay vì những giải thích có tính thuyết phục, ví dụ như:
© Đó là phái đoàn của Rôma chứ không phải của Vatican. Không ai rõ điều nào của bộ luật VN quy định việc thu thập dữ kiện án phong chân phước phải là của Tòa thánh chứ không thể của bất cứ đoàn thể tôn giáo hay cá nhân nào khác.
© Phái đoàn này đã đăng ký thị thực vào VN bằng visa du lịch. Chỉ khó hiểu ở chỗ vì sao người Rôma không thể du lịch VN, hoặc vì sao du khách đến VN không được ghé nhà thờ…
Người ta chỉ có thể, bằng trực quan, hiểu ngay vấn đề thuộc diện ổn định chính trị chứ không hẳn là tôn giáo, nếu người ta biết đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận từng là Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công Lý và Hòa Bình (tương đương cấp bộ trưởng) của Vatican. Hoặc, biết thêm ngài là cháu của cố Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm. Và, trong bối cảnh mật vụ bao sân của một thể chế công an trị, thì chỉ cần viện dẫn ngần đó lý cớ là đủ để BCA bất chấp quốc thể, nói chung, sá chi bộ mặt của BNG hay các sứ quán ký thị thực chiếu khán, nói riêng.
Qua đó, người ta cũng đều hiểu như nhau cái tầm quy mô của quyết định nâng cấp một tướng công an vào chức vụ Trưởng ban Tôn giáo TW, cùng với một tướng công an khác vào chức vụ đặc phái viên của thủ tướng về an ninh và tôn giáo. Chỉ cái tên của cái ghế này không thôi cũng đủ cho thấy yếu tố an ninh, đặc biệt là trong lãnh vực tôn giáo, quan trọng dường nào.
Do vậy mà biết luôn các đòn phủ mặt của BCA đối với các bộ khác, nhất là BNG, tàn độc dường nào.
Không chỉ trong môi trường thật, tức là sờ mó được, mà cả trên mạng ảo.
Đơn cử 1 thí dụ: Trang mạng của Bộ trưởng Phạm Bình Minh (phambinhminh.net) được giới công an mạng thiết kế với 1 banner “Bắt Tay Bằng Tay Trái”, chẳng biết với chủ ý gì, tả khuynh hay thân cận lề trái? Và nếu độc giả nghịch ngợm rà chuột vào để lôi nó ra ngoài giao diện desktop, thì sẽ thấy tên của cái banner này là …”bo truong ngoai giao pham minh chinh.jpg”, mà chẳng thể hiểu Phạm Minh Chính là đứa nào! Mò sâu vào nội dung của trang này, người đọc còn lý thú khám phá ra những 229 bài viết về hoạt động của …Bộ trưởng CA Trần Đại Quang!
Ngược lại, trang mạng của Bộ trưởng Trần Đại Quang (trandaiquang.net) lại được thiết kế luôn cả tiểu mục “Đối Ngoại”, với số pageview cao gấp 10 lần trang mạng của Bộ trưởng Phạm Bình Minh. Đặc biệt là bản tin kỳ thú về vụ việc cả dàn tân đại sứ/lãnh sự lũ lượt đến ra mắt Nguyễn Chí Vịnh bên bộ Quốc phòng và trình diện Trần Đại Quang bên BCA.
Sách báo có ghi, ở Mỹ, trên thang kế nhiệm quyền lực, bộ trưởng ngoại giao là nhân vật thứ tư, chỉ sau tổng thống, phó tổng thống, và chủ tịch hạ viện. Các bộ trưởng quốc phòng hay nội an của xứ sở tư bản giãy chết này đều xếp hàng tít phía sau.
Phải chăng, vì bộ trưởng ngoại giao là người nắm vững nhất vị trí, ưu thế và đối sách của quốc gia trên bàn cờ thế giới, và cả nước chăm lo cho quyền lợi của dân tộc nhiều hơn chuyện sơn phết những chiếc ghế, tức là hoàn toàn ngược hẳn với VN:

Đại sứ quán và cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài là kênh tuyên truyền sâu rộng chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ra các nước và bạn bè quốc tế”. 29/08/2007 – Nguyễn Minh Triết, trong lễ trao quyết định bổ nhiệm 23 tân đại sứ VN tại các nước, gồm cả Lê Công Phụng tại Mỹ.
Thật khó lòng lý giải sao cho ra lẽ hà cớ gì mà BNG bị BCA chèn ép, xóa sổ công lao.
Người ta chỉ có thể nêu một số nhận xét:
  1. Bộ trưởng Phạm Bình Minh chưa phải là một ủy viên bộ chính trị;
  2. Bộ trưởng Phạm Bình Minh là con của đại công thần Nguyễn Cơ Thạch từng bị thất sủng từ nhiều triều trước vì đã tỏ ra thân Mỹ hơn Tàu;
  3. BNG chỉ có giá trị trâm cài lượt giắt cho dung nhan của chế độ.
  4. BNG bị giới hạn ở nhiệm vụ cây cảnh lễ tân, từ thời Lê Đức Thọ bay qua Paris (hồi đầu thập niên 1970s), công khai dẫm nát chân (và nát cả mặt) của Xuân Thủy, Nguyễn Thị Bình, và …Nguyễn Cơ Thạch.
  5. BNG chẳng là cái đinh gì trên dàn trục ngoại giao quỷ ám của lãnh đạo đảng. Ngay khi Đỗ Mười cùng Nguyễn Văn Linh lén đi đường bộ đến Thành Đô khấu kiến bọn bá quyền bành trướng, thì tầm bộ trưởng Ngoại giao như Nguyễn Cơ Thạch cũng chưa được phép vào phòng họp!
  6. BNG thay mặt bộ chính trị để trình diễn các phim hài, rồi tự gánh lấy hệ quả sau đó, xuyên qua các ứng xử ủng hộ phe lật đổ Gorbachev (Liên Xô cũ), Milosovic (Serbia), Saddam Hussein (Iraq), Fidel Catro (Cuba), Kim Jung Il (Bắc Triều Tiên), ủng hộ cả việc thành lập nhà nước Pa-lết-xtin, cực lực lên án quân đội I-xra-en, hay tẩy chay lễ trao giải Nobel Hòa Bình cho khôi nguyên Lưu Hiểu Ba…;
  7. BNG còn lãnh thêm một chức năng phụ trội nữa là dê tế thần dự khuyết trong tương lai cho lãnh đạo, như trường hợp Lê Công Phụng, Trưởng đoàn đàm phán của chính phủ về biên giới, lãnh thổ với TQ;
  8. BCA, trong vị thế quả đấm thép giữ gìn ổn định chính trị, đương nhiên thênh thang quyền lực hơn kênh nước bọt của BNG. Do vậy, BCA có toàn quyền quyết định và toàn quyền sử dụng phương tiện quốc gia để chẹt xe/dập cửa nát chân đại diện sứ quán Mỹ đến thăm LM Nguyễn Văn Lý, cấm cửa đại diện các sứ quán nước ngoài tham dự các phiên tòa áp án những nhân vật bất đồng chính kiến với lãnh đạo đảng, giật máy ảnh và đánh dập gáy phóng viên của thông tấn nước ngoài v.v…, đến mức được mệnh danh là tử thần mang hộ chiếu VN;
  9. Đã thế, đã bị đá đít lại còn bị bắt bưng bô: BNG phải thường xuyên lên phương án chữa cháy những khi dư luận quốc tế đàm tiếu về tình trạng lấn quyền/lạm quyền/tiếm quyền của BCA, bằng phương pháp sáng tạo của Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên Hồ Chí Minh: “biến đại sự thành tiểu sự – biến tiểu sự thành vô sự”.
*
Rõ là hoài công.
Ắt hẳn là Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã nhiều phen tự vấn:
Để làm gì, cả một đời ăn học (đến mức tốt nghiệp Fletcher School of Law and Diplomacy thuộc Đại học Tufts chính hiệu của Mỹ) mà lại lâm vào cảnh dở khóc dở cười với bọn côn đồ nhỏ lớn chỉ quen kiếm sống bằng gậy gộc?
Để làm gì, khi phải nối cả đời bố qua đến đời con trầy trật trong một hệ thống quyền lực tham ngu vô đối mà những người đi trước, và cả người đương thời, đã khốn nạn khốn kiếp với từng nỗi ê chề thất vọng?
Để làm gì, chẳng lẽ để cúi ngang tầm với hạng đại sứ mò sò Lê Văn Bàng, hạng lãnh sự sờ mông Nguyễn Tâm Chiến, hay hạng cúc cung bán nước Lê Công Phụng, nhiệt liệt góp phần vào sự nghiệp củng cố cái chế độ Đỉnh Cấp Lưu ManhCông An Đầu Gấu này?
04-04-2012 – kỷ niệm 86 năm ngày nhân dân xuống đường dự quốc tang cụ Phan Chu Trinh
Blogger Đinh Tấn Lực