Cuộc Triệt Thoái Chiến Lược 2012



Cuộc Triệt Thoái Chiến Lược 2012

. Đinh Tấn Lực

Bá cáo thất lạc một đôi giày cao gót màu hồng, mũi hở lỗ nhỏ, da thật, hàng hiệu, số 37, có đệm mút silicon Combo bảo vệ gót, bị đánh rơi trên tuyến đường từ 34 Láng Hạ đến Câu lạc bộ ‘Đi lên bằng đôi chân của chính mình’, đối diện chếch vườn hoa Mai Xuân Thưởng. Ai nhặt được xin vui lòng đem đến câu lạc bộ hoàn trả, sẽ hậu tạ”.

Bản bá cáo không ký tên khổ chủ, nhưng do các bản tin dồn dập trên trang nhất các tờ báo thừa xã luận và dư lá cải mấy hôm nay, cư dân Hà Nội đoán non đoán già ra nhiều chuyện...
Hóa ra là có người bị sút giày trên đường tháo thân, mà các báo không chịu nói rõ ngọn nguồn.
Cho tới nay chưa nghe một ai nhắn tin tìm thấy và hoàn trả đôi giày da hàng hiệu đó, nhưng ngẫm sâu hơn, người ta đã tìm thấy một niềm vui nho nhỏ khác, là báo chí trong lề/ngoài sạp đã chọn cách thông tin dữ kiện vừa đủ cho người đọc tự luận rồi rỉ tai nhau những tình tiết mắm muối, cho tới khi bản tin thành món kho quẹt. Như Rứa, bạn Son sẽ không có cớ để hành tỏi gì được.
Còn dân mạng thì gú gờ chấm tiên lãng rầm rập. Các bản tin bật ra bôm bốp hàng nghìn bức ảnh người đẹp bát nhang, nói theo nhà thơ Khế Ngọt, đang điệu đàng cat walktrong bộ váy ngắn sắc hồng và đôi giày cao gót cùng màu trên đường kinh lý kiểm tra về tiến độ thi công và chất lượng của một công trình hoành tráng đang xây cất ngổn ngang gạch đá.



Những bản tin đó chỉ mới cách đây tròm trèm hai tháng, đánh dấu những ngày “xôn xao khai ghế” của vị nữ chủ tịch HĐQT một công ty tầm vóc và nức tiếng trong ngành xây dựng. Báo chí đã hết lời ca tụng rằng nàng chỉ mới 24 tuổi, từng tốt nghiệp cử nhân Thông tin Đối ngoại từ Học viện Báo chí & Tuyên truyền, và từng tham gia nghiên cứu khoa học cấp trường đạt loại khá với đề tài “Thông tin đối ngoại trong đấu tranh diễn biến hòa bình ở Việt Nam hiện nay”. Tức là loại đề tài thang máy đã từng đưa bố nàng vào Bộ chính trị. Rồi quày ngược lại, đưa nàng lên chức sếp lớn HĐQT ở độ tuổi trẻ nhất trong hàng chủ tịch, lập thành tích kỷ lục cả nước, bằng chính đôi chân của mình từng mang đôi giày thất lạc nói trên. Nàng họ Tô, tên chính thức trong khai sinh là Linh Hương, không hề giống như tên gọi chiết tự nôm na ngoài đời như nhà thơ Khế Ngọt ưu ái trao tặng.
Còn thời sự mấy ngày nay thì rộn ràng đi tin Tô công nương đã lập thêm kỷ lục thứ nhì là trở thành người thôi chức chủ tịch HĐQT và cả chức thành viên HĐQT Vinaconex, chỉ sau già 2 tháng tại vị.
Thường thì thiên hạ vẫn tưng bừng khai trương và âm thầm đóng cửa. Trường hợp nàng Tô thời đại có khác. Chỉ cần suýt soát 69 ngày là đã có thể ăn mừng liên tiếp từ xôn xao khai ghế đến đến rôm rả tuột sàn.
Mà không phải chỉ mình nàng Tô độc diễn.
Công nương Nguyễn Thanh Phượng cũng vừa chính thức thôi giữ chức đại diện pháp luật của Ngân Hàng Bản Việt, sau 6 tháng ngồi ghế chủ tịch HĐQT. Sự cố này cũng được báo chí loan tải trang trọng trên những trang nhất.
Tên tuổi của những người thay thế các công nương phủi đít hay mất giày này cũng được trình làng trịnh trọng, như những nhấn mạnh cần thiết trong thời buổi nhiễu nhương thế sự nhiều phe chỉ tay qua lại đến mức chóng mặt hiện nay.
Trên trang mạng chính thống của đảng CSVN đã có bài nhận định bằng một gam màu không mấy sáng: “…Củng cố, chấn chỉnh và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là nhiệm vụ cấp bách của ngành Ngân hàng để cùng với tái cấu trúc đầu tư, trọng tâm là đầu tư công và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước…”.
Liền theo đó là những bản tin bom tấn không thể che dấu như thời màn sắt màn tre, nghe cứ như tình hình Liên Xô thời cuối thập niên 1980s, về tổng số nợ công; về Vinashin và Vinalines vỡ nợ; về EVN cần 180.000 tỷ đồng cứu trợ; về Vingroup với 300 triệu USD trái  phiếu chuyển đổi quốc tế; về cục trưởng hàng hải đi tàu ngầm; về biện pháp đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng mua nợ xấu rồi sau đó rút tiền ra khỏi các tuyến lưu thông; về các quả bóng địa ốc đang lần lượt nổ tung; về việc thu hồi nghị quyết 11 từng bóp chẹt cuống họng liên ngân hàng; về lượng đầu tư FDI giảm mạnh; về hàng chục vạn doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản hay đã chết mà chưa khai tử; về dự định in thêm tiền độn gói kích cầu cứu nguy kinh tế; về lượng ngoại tệ dự trữ cạn đáy; về tình hình thu gom vàng miếng trong túi dân; về lời bàn đồng loạt rút tiền tiết kiệm; về hoạt động của Cty mua nợ xấu DATC; về sự vắng mặt của thống đốc Bình trong phiên họp QH vừa qua; về một hệ thống ngân hàng đang lần lượt gãy từng cột trụ khiến các nhóm lợi ích náo động v.v…
Cho nên không thể trách vì sao độc giả/thính giả báo/đài đã phải tự suy ra các sự kiện “rôm rả tuột sàn” của các chủ tịch trẻ nói trên, hay chiến thuật “ôm bình hơi” của Nông Đức Tuấn và Nguyễn Thanh Nghị… là một kiểu động thái bảo hiểm được nâng tầm lên hàng đối sách giữ gìn gia sản trước các nguy cơ khó tránh đã thấy trước. Ngay cả công tử Nông Quốc Tuấn cũng được bố trí cho rút chân ra khỏi điểm nóng Bắc Giang. Nghĩa là nhộn nhịp tìm cho ra những bãi đáp ít mô mìn nhất. Có tin còn cho biết đó là nội dung chính của những buổi họp kín trong gia đình nữa. Đặc biệt là phải sớm giải quyết rốt ráo trước khi nghị quyết 4 làm vệ sinh đảng bắt đầu đi vào hoạt động ở khu vực rất gần lỗ đen vũ trụ.
Thảm thay! Tất cả đã trám chỗ cho những bản tin hay xã luận lẽ ra phải loan báo đại trà về một lũ giặc vẫn ngang nhiên vi phạm công ước về luật biển của LHQ, vẫn tiếp tục trâng tráo ra lệnh cấm biển ta, giết ngư dân ta, tuần tra biển ta và “sẵn sàng chiến đấu”, nâng cấp và đặt cơ quan quân sự ở Tam Sa, thậm chí, gọi thầu khai thác thềm lục địa của ta v.v…
Trong lúc đó, quốc hội đã thông qua Luật Biển, mà tuyên giáo cùng lũ con cháu Trọng Thủy ở trung ương quyết không cho một báo nào đăng tải nội dung. Hoặc giấu biến nguồn tin Cty TEPCO của Nhật tự ý hủy bỏ kế hoạch xuất khẩu điện hạt nhân sang Việt Nam…
Cùng lúc đó, trong cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, tổng Trọng, tác giả nghị quyết  quét đảng số 4, kiêm đại biểu quyền lực tối cao QH, đã trả lời những bức xúc dồn dập của người dân bằng hai câu cực sáo: “Hết sức sốt ruột”, nhưng, “…Phải có cái nhìn khách quan, biện chứng để không mất phương hướng…”. Rồi nhẹ nhàng cảm ơn và …biến, như đã từng lặng lẽ biến khỏi Cuba và & Brazil tháng trước.
Cũng cùng lúc đó, chủ tịch Sang, kiêm đại biểu QH, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri ở Sài Gòn, đã “răng trả răng mắt trả mắt” với đối thủ ngang tầm trong BCT bằng những thông điệp nặng ký. Chẳng hạn như, phát biểu về sự kiện nổi cộm là Dương Chí Dũng lặn sâu và lặn lâu, như sau: “Ở đây cũng cần xem thấu đáo có phải do không biết các sai phạm trước đó hay do bao che nhau”, được coi là tương đương với ngón tay chỉ mặt bầy sâu.
Ráp vào một sự kiện thời sự khác là trang mạng “Quan làm báo” hoạt động thoải mái với số lượt người đọc gia tăng chóng mặt, chỉ bởi chủ trương lật ngửa các quân bài, đặc biệt là quân bài thủ Dũng và các quan thái giám Bình/Huệ/Vinh/Thăng/Hưởng… quyền thế ngất trời/bốc đồng dậy đất quẩn quanh, bằng nội dung chuyện dài cung đình nhiều tập phong phú có phần vượt  tờ báo chui “Người Sài Gòn” thời trước.
Động lượng phản pháo giữa triều ắt hẳn không dừng ở đây hay ở mức độ này. Khó ai biết được là những vụ án cộm của thời Năm Cam, Thác Ném, PMU, Securency, Vinashin, Vinalines v.v... sẽ có cơ được lật lại để phơi nắng công luận hay không. Người ta chỉ có thể sơ kết các vụ việc Hoàng Yến đổi Thanh Phượng cộng Linh Hương, cùng một loạt chỉ thị triệt thoái chiến lược khắp nơi. Và sẵn sàng thưởng ngoạn những chiêu thức ngoạn mục hơn nhiều đang được lên khung giữa các phường rối nước trên sân khấu Thủy Đình Hà Nội.
Chưa kể là những lễ hội đàn trai tế thần sắp diễn. Những kẻ được/bị thay vào vị trí của các công nương, kể cả bí thư mới Bắc Giang, đều đang thấp thỏm trước mùi nhang khói. Bởi, đã có lọng che cỡ Linh Hương hay Thanh Phượng còn chạy rớt giày, thì sá gì mấy cái ô đang rách? Chỉ ngoại trừ trường hợp họ được Dương Chí Dũng truyền nghề. Hoặc dám cả gan “trạng chết chúa cũng băng hà” mà tung ra hàng trăm điều bí mật khác. Gì thì gì, đó cũng là những hệ quả của một tương lai thấy trước. Trong khi tình hình cả nước đã kiệt quệ đến mức khó còn chỗ xà xẻo cho xứng với những án tù “đổ vỏ” khó né.
Những hệ quả cá nhân đó, thật ra cũng chẳng là cái đinh gì, so với sự dao động tinh thần ở mức đại trà trong hàng ngũ đảng viên, về hoạt cảnh triệt thoái trong cuốn phim Vỡ Trận hồi hai đang trên đường ra rạp, cùng chiều với hướng tháo chạy của một hệ thống tham nhũng đang cố bảo toàn gia sản. Câu hỏi lớn của từng người là có nên trả thẻ đảng, ngay bây giờ, như Linh Hương tháo giày không ?
Đôi giày hàng hiệu màu hồng nọ, trong tương lai, biết đâu sẽ được đấu giá để được trưng bày trong một viện bảo tàng nào đó, đánh dấu những ngày cuối của một hệ thống tội ác có tổ chức, có lãnh đạo, đang tan rã vì các nhóm lợi ích bất đồng?

30-06-2012 – Hưởng ứng cuộc biểu tình ủng hộ Luật Biển của Việt Nam ngày mai.
Blogger Đinh Tấn Lực

Công Nghiệp Nặng Thời Đại: Mài Lưỡi Gỗ




Công Nghiệp Nặng Thời Đại: Mài Lưỡi Gỗ

. Đinh Tấn Lực

thằng cuội ngồi gốc cây đa
giận mình dối chú lừa cha thua người
mà mang tiếng xấu đời đời
trong khi thầy nó bao người hoan hô

thơ Nguyễn Hữu Nhật

Lê Doãn Hợp nhất định là một danh nhân. Bởi đã tuôn rất nhiều danh ngôn.
Chưa ai quên định nghĩa “Quản lý là quản có lý”. Hay định danh “Giáo trí – Cuộc cách mạng đầu tiên để nâng cao dân trí”. Hay định hướng “Làm kinh tế bằng văn hóa” (các bộ trưởng đều thành doanh gia bán bằng/ghế/giấy phép). Hay, định tính cho bộ máy công quyền là “Chậm, Chờ, Chán, Chạy”. Hay, định vị bản lĩnh chính mình là “Tâm, Trí, Tín, Tình”. Hay, định lượng tự thân: “Lương là của vợ – Nhà là của con – Sức khỏe là của mình”. Hay, định giá “Cán bộ thì cần có 4 chịu và 4 biết: Chịu học, chịu đọc, chịu nghe, chịu đi;  Biết viết, biết nói, biết làm, biết điều”. Hay, định thức thời đại: “Phụ nữ Việt Nam có hai thiên chức quan trọng nhất là làm Vợ và làm Mẹ”. Hay định luật Báo Chí Có Lề buộc báo chí phải chấp hành luật giao thông trên  con lộ truyền thông… với định suất 10 chữ “Trung thực, Nhanh nhạy, Dũng cảm, Sáng tạo, Hướng thiện”.
Từ phát biểu lúc nhậm chức bộ trưởng 4T: “Tôi hạn chế việc đứng ngoài báo chí để quản lý báo chí”, với “Quyết tâm làm Bộ Thông tin và Truyền thông sáng giá”.
Cho tới phát biểu nhân ngày phục viên: “Tôi vinh dự được Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương cho thôi chức danh Bộ trưởng khi tín nhiệm trong đội ngũ cán bộ chủ chốt của toàn Ngành Thông tin và Truyền thông dành cho tôi đang ở đỉnh cao (93%)”.
Gần nhất là khẳng định báo chí “không có vùng cấm nào, chỉ có báo chí ngại không vào mà thành vùng cấm”.
Đây là một phê bình sâu sát về 2 chữ Dũng Cảm trong định suất 10 chữ nói trên. Tiếc quá, với ngần đó phát biểu, danh nhân Lê Doãn Hợp lẽ ra không nên lấy làm vinh dự quay về vui thú điền viên mà phải vào BCT thay vì Tô Huy Rứa.
Bởi, cứ theo đó, thì không còn nghi ngờ gì nữa, là ngoài những tay có thẻ Hội nhà báo mà dám chơi blog và facebook, thì hơn vạn rưỡi nhà báo còn lại đều …thiếu dũng cảm.
Như Tổng biên tập (Tuổi Trẻ) Kim Hạnh, chỉ vì đăng bản tin nói về bài thơ của Lý Thụy gửi người vợ Tàu là Tăng Tuyết Minh mà bị “trên” rút thẻ. Là thôi.
Như phóng viên Lan Anh (Tuổi Trẻ), điều tra và viết phóng sự Giá thuốc cao: người dân chịu đựng đến bao giờ?  để cố tìm nguyên nhân của hiện tượng giá thuốc tây “ở trên trời”, nhưng khi vừa chạm đến các đường dây “cũng trên trời”, thì lập tức bị truy tố về tội danh “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”. Là bị bắt. Và sau đó, bị xử lý biện pháp hành chính.
Như vụ án Năm Cam, báo chí lần từng nút thắt các đường dây chằng chịt từ Cao Duy Phước, Triệu Quốc Kế, Lê Thanh Đạo, Nguyễn Mạnh Trung, Võ Hoàng Thúy, Dương Minh Ngọc, Phạm Sỹ Chiến, Trần Mai Hạnh, lên tới cấp thứ trưởng UV/TWĐ là Bùi Quốc Huy… thì được lệnh “trên” bảo ngưng ngay ở “giai đoạn 1”. Là ngưng.
Như vụ án PMU18, hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến (Thanh Niên) và Nguyễn Văn Hải (Tuổi Trẻ) đã lãnh án tù vì thọc ngòi sâu sát vào quá trình điều tra lần dây động rừng. Sau đó,  các báo đã nhận được chỉ thị không được tiếp tục đăng về vụ việc. Là dừng. Báo Pháp Luật (thuộc Bộ Tư Pháp) và Báo Đại Đoàn Kết (thuộc Mặt trận Tổ quốc) rán thêm vài bài ém sẵn, đều bị kỷ luật cảnh cáo. Là dừng thật.
Như trường hợp nhà báo Đoan Trang, bị bắt với tội danh “vi phạm an ninh quốc gia”, căn cứ vào nội dung các bài viết đăng trên blog TrangRidiculous: Bài Ném đá hội nghị; bài Tóm lược hội thảo khai thác bauxite Tây Nguyên ; bài Phim hành động: Nhiệt liệt hưởng ứng cuộc thi toàn quốc viết về biển, đảo VN … Thế là Tổng biên tập nhận chỉ thị của “trên” bảo nhà báo có đầy đủ định suất 10 chữ kể trên phải rời VietnamNet.
Như vụ án nhà báo Hoàng Khương (Tuổi Trẻ) làm một phóng sự lẻ về nạn tham nhũng dày đặc trên các tuyến giao thông, và bị truy tố về tội “đưa và nhận hối lộ” trong quá trình tác nghiệp. Là ra tòa.
Vân vân…
“Ai đó đã nói về ‘chiến dịch’ đưa tin của báo chí trong và sau các vụ Tiên Lãng, Văn Giang như sau: ‘Một cuộc vật lộn để được nói sự thật’. Thực tế còn hơn thế nữa: Một cuộc vật lộn để được biết sự thật, để được viết sự thật, và để được khách quan (tất nhiên cũng chỉ dám mong ở mức độ tương đối)… Tệ hơn nữa là chuyện ấy lại diễn ra cùng với đây đó những mệnh lệnh (miệng) yêu cầu báo chí ‘hạn chế đưa tin’…” – TrangRidiculous.
Dường như độc giả chưa kịp đặt vấn đề Dũng Cảm đối với các nhà báo bút sắc, theo kiểu danh nhân Lê Doãn Hợp định nghĩa. Lý do là vì độc giả còn đang loay hoay với biết bao nỗi hoang mang về những điều khó tin khủng khiếp hơn:
Do đâu mà có tờ công văn Tối Mật lệnh cho: 1) Sở Thông tin và Truyền thông tiến hành xử phạt hành chính Blogger Nguyễn xuân Diện; 2) Viện khoa học xã hội Việt Nam chỉ đạo tiến hành kiểm điểm, có hình thức xử lý theo luật Viên Chức; 3) Bộ Thông Tin và Truyền Thông đóng blog cá nhân của Nguyễn Xuân Diện; 4) Bộ Công an  tấn công nghiệp vụ nhằm vô hiệu hóa, hạ thấp uy tín đối với Nguyễn Xuân Diện để xử lý về hình sự khi cần thiết ?
Do đâu mà báo chí (và cả QH) không được chạm tới các dữ kiện động trời Vinashine & Vinalines?
Do đâu mà những chiến hạm ngụy trang trên Biển Đông đâm chìm tàu cá ngư dân ta được toàn thể báo chí gọi đích danh trong đồng phục là… “tàu lạ”?
Do đâu mà mọi văn kiện/bản đồ về các hiệp ước biên giới hải đảo được ký kết từ 1999 đến nay vẫn chưa được công khai hóa trên báo đài cho công chúng nghe/đọc/tham khảo?
Do đâu mà những bản tin có liên hệ đến thiên triều đều lần lượt bị cấp tập gỡ xuống?
Do đâu mà Luật Biển được QH thông qua nhưng không được báo chí đăng tải đại trà?
Do đâu mà có đến ba ủy viên Bộ chính trị (Đinh Thế Huynh/Phùng Quang Thanh/Trần Đại Quang) đã đồng nhịp dõng dạc yêu cầu báo chí phải giữ đúng ‘định hướng chính trị’ nhân ngày nhà báo Việt Nam 21/6 năm nay?
Vân vân…
Các nhà báo nhà đài nghĩ sao, một khi nhìn rõ hầu hết những sự kiện kể trên xảy ra ngay trong thời danh nhân Lê Doãn Hợp còn tại chức và vừa mới vinh dự được thôi chức?
Các nhà báo nhà đài sẽ nghĩ thêm thế nào, một khi danh nhân Lê Doãn hợp còn cố trào ra thêm một danh ngôn khác, mới đây: “Một thiết chế chính trị mà báo chí đủ uy trước tiêu cực là thiết chế chính trị tuyệt vời”?
Những nhận định từ “không vùng cấm” đến “chưa tuyệt vời” này có liên hệ gì với nhau, ngoài cái lưỡi gỗ mới mài?
Trong lãnh vực công nghiệp nặng thời đại, nếu Google có công năng dịch thuật ra tiếng Nôm (na), thì nhiều phần cặp danh ngôn sóng đôi này của nguyên Bộ trưởng TT-TT Lê Doãn Hợp sẽ có chung (ẩn) nghĩa Thật (thà) là:
Bố khỉ nó deck đứa nào dám đào tới hố xí của đảng! Ặc! Ặc!
***
Mặc cho hàng trăm Youtube Clips còn đang hoạt động trên mạng…
Mặc cho hàng trăm, dễ là nhiều trăm bài tường thuật/nhận định/phân tích/tổng hợp về tình hình công an đánh dân đổ máu, gãy cổ què tay, đi viện cấp cứu… thậm chí bắn dân xuyên xương chậu,  thủng bụng, đứt ngón, thả cho về nhà chết, bỏ mạng ngay trong đồn công an rồi báo cáo tự tử âm thầm hay tự tử mà có để lại thư tuyệt mệnh hoan hô bác Hồ v.v…
Mặc, máy mài lưỡi gỗ vẫn chạy đều trong khu công nghiệp mài lưỡi gỗ. Át cả tiếng rên la:
Ủy viên BCT, Thượng tướng Bộ trưởng Bộ công an kiêm Đại biểu QH Trần Đại Quang vẫn trịnh trọng đằng hắng trước khi gằn giọng: “Công an không cưỡng chế giải phóng mặt bằng, chỉ bảo đảm an ninh trật tự cho các đợt cưỡng chế”.
Cũng vậy, đám thường phục và đầu gấu mang băng đỏ đánh dân tơi tả thì được mệnh danh là “giữ trật tự”.
Còn ngược lại, mỗi khi nông dân phải tự vệ trước đám thường phục và đầu gấu thì bị bắt ngay về tội “chống người thi hành công vụ”.
Há chẳng phải là máy mài lưỡi gỗ quá bén đó sao?
***
Chưa hết: Blogger Điếu Cày biểu tình chống TQ thì trở thành một trong những người VN đầu tiên và rất hiếm bị bắt tù về tội trốn thuế cho thuê nhà (400.534.062 đồng), đến khi mãn hạn tù thì bị chồng thêm án khác mà không cần ra tòa và cũng không một thân nhân nào được gặp. Trong lúc Cục trưởng Cục hàng hải Dương Chí Dũng “làm thất thoát” hàng nghìn tỷ đồng, “gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhà nước, có tính chất phức tạp, gây nhức nhối trong quần chúng nhân dân, làm ảnh hưởng đến uy tín của chính phủ Việt Nam” thì đã nhanh chóng đào thoát…
Bộ trưởng Bộ công an kiêm Đại biểu QH Trần Đại Quang tuyên bố: “Cơ quan cảnh sát điều tra cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm về công tác nghiệp vụ”.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng giữ chức cục trưởng Cục Hàng hải là đúng quy trình”.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng phân trần: “Khi ông Đinh La Thăng về bộ chúng tôi vẫn thấy ông Dương Chí Dũng bình thường, cho nên lúc bổ nhiệm chưa nghe mùi khét của cơm khê, chứ đã nghe thấy mùi khét thì ai làm”.
Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật QH Ngô Văn Minh nhận định: “Ông Dương Chí Dũng từ chỗ làm chủ tịch hội đồng thành viên (HĐTV) Vinalines sang làm cục trưởng Cục Hàng hải là thuyên chuyển cán bộ chứ không hẳn là đề bạt. Nghĩa là không phải lên chức”.
Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Trưởng đoàn thanh tra Hoàng Đức Vinh cho biết “Hoàn toàn không có bất cứ trao đổi nào” với hai bộ GTVT và Nội vụ về việc bổ nhiệm Dương Chí Dũng trong lúc đang thanh tra tại Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines).
Nghĩa là không một ai trách nhiệm.
Há chẳng phải là công nghiệp nặng chuyên mài lưỡi gỗ đang hoạt động trên cả tuyệt vời đó sao?
***
Đã có thời, người biểu tình ở Hà Nội trưng một biểu ngữ vô cùng bắt mắt. Đó là trang báo Thanh Niên phóng lớn đăng lời tuyên bố của Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II – Bộ Công an, kiêm Giám đốc Công an Hà Nội in đậm: “Không chủ trương trấn áp người biểu tình yêu nước”.
Ngày 2-8-2011, tại cuộc họp giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, trung tướng CA Nguyễn Đức Nhanh đã trả lời về sự việc một số người tập trung biểu tình tự phát phản đối Trung Quốc gây hấn tại biển Đông ngày 17-7-2011 đã bị lực lượng công an thành phố đàn áp thô bạo rằng: “Đây là những cuộc biểu tình yêu nước tự phát, cho nên các cấp và Công an Hà Nội không có chủ trương trấn áp, bắt giữ người biểu tình tự phát. Do phải bảo vệ các đại sứ quán và bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn TP, nên lực lượng Công an Hà Nội kiên trì vận động, giải thích, thuyết phục người biểu tình rời xa khu vực Đại sứ quán Trung Quốc. Lực lượng công an không bắt giữ người biểu tình, chỉ đưa một số người lên xe buýt về đồn công an để giải thích”.
Thế là rõ: Đại úy CA Phạm Hải Minh không có chủ trương đạp vào mặt người biểu tình đang bị 4 công an khác khiêng quăng lên xe buýt.
Tướng Nhanh nêu bật nỗi băn khoăn không rõ đoạn video clip đó “có bị cắt dán hay không”.
Như vậy chỉ còn vài xác suất có thể xảy ra: 1) Đồng chí nạn nhân tự hất mặt vào đế dép của CA, cứ bật ra thì lại hất mặt lần nữa vào đế dép của CA Minh, cả thảy 4 lần; 2) CA Minh đang bước xuống đường chùi dép thì gặp đúng ngay mặt nạn nhân, và chỉ chùi có đúng 4 lần, không hơn, không kém; 3) CA Minh đã kiên trì 4 lần vận động thuyết phục nạn nhân rằng trong nhiều trường hợp, yêu nước và dập mặt không xa nhau nhiều…
Tuần kế tiếp đó thì hầu hết những người biểu tình đều có dịp cùng hô khẩu hiệu trên xe buýt, được đưa về nhiều đồn CA khác nhau ở ngoại thành, chỉ vì CA muốn biết rõ từng người xem có phải đúng là nhân dân yêu nước không, hay là người nước ngoài yêu nước họ mà lại tụ tập ở thủ đô này…
Thế cũng rõ nốt: Công nghiệp nặng thời đại đang chạy hiệu quả và gần hết công suất.
***
Đập Sông Tranh 2 bị nứt!
Từ đầu tháng 3 năm 2012 khi nước phun ra như suối trên mặt hạ lưu đập, EVN ra sức trám bịt các miệng phun này. Hành động này không phải là sửa chữa đập mà là phá hoại đập. Bởi khi ra sức bịt miệng phun, có nghĩa là cố tình giữ nước lại trong thân đập. Nước đó sẽ làm hỏng bê tông thân đập! EVN khẳng định nước thấm qua khe nhiệt. Nghĩa là các tấm đồng dạng Ô-mê-ga, bịt khe nhiệt, được lắp đặt từ đỉnh đập đến đáy đập phía thượng lưu đã bị hỏng. Như vậy, mỗi tấm đồng bị hỏng (thủng, rách) dù chỉ 1 cm vuông thôi, thì hiện nay toàn bộ khe nhiệt đã chứa đầy nước rất nguy hiểm.
Sau khi Chính phủ chỉ đạo xả nước, EVN đang tiến hành bịt các vết nứt trên mặt thượng lưu của đập. Việc này là hoàn toàn cần thiết, nhưng chưa đủ. Điều đáng lo lắng hơn nhiều là EVN không nói đến việc tìm kiếm khe nứt, tìm kiếm khoảng trống trong thân đập, xử lý khe nứt khoảng trống, xử lý lượng nước nằm trong đó, kể cả xử lý lượng nước nằm trong khe nhiệt, cũng không thấy nói đến việc kiểm tra và xử lý nền đập.
Trích báo VietnamNet 7-5-2012.
Tiến sĩ Bùi Trung Dung, Phó cục trưởng Cục kiểm định chất lượng công trình xây dựng thuộc Hội đồng thường trực Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước – Bộ Xây dựng – sau khi đi kiểm tra, đã đưa ra một số nhận định ban đầu: “Đập vẫn đang vận hành an toàn đúng như thiết kế nhưng việc để nước thấm ra ngoài thân đập gây phản cảm và yêu cầu thủy điện Sông Tranh 2 đưa nước về lại để không gây phản cảm nữa”.
Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My thì ngạc nhiên: “Tại sao trước đây nước chảy ào ạt thì giới hữu trách khẳng định là 30 lít/giây, còn bây giờ nước ít chảy lại khẳng định là 75 lít/1giây?”.
Báo cáo với Đoàn giám sát của QH ngay tại hiện trường, đại diện EVN vẫn khẳng định “Đập Sông Tranh 2 an toàn, mặc dù nước vẫn tuôn chảy phía hạ lưu thân đập chính”.
Lại thêm một sự cố khó lý giải: Ai đã thuê “dân tự phát” ném đá, chận đánh các ký giả mon men đến chụp hình?
Tức là vừa đổ lỗi qua lại, vừa đá lỗi vòng quanh, lại vừa có biện pháp bịt miệng công chúng.
Chẳng phải là công nghiệp mài lưỡi gỗ đang “phủ sóng” khắp nơi đó sao?
***
Vẫn chưa hết chuyện Vinashin & Vinalines.
Theo VietnamNet, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố ở Hội nghị tổng kết 10 năm sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2001 – 2010 rằng: “Tôi nhận trách nhiệm chính trị với tư cách người đứng đầu Chính phủ, chứ tôi cũng không ra quyết định nào sai”.
Cũng theo tường thuật của VietNamNet, Nguyễn Tấn Dũng đã trần tình rằng “Chưa hề quyết định một trường hợp cán bộ nào” liên quan tới các lãnh đạo của tổng công ty và tập đoàn kinh tế nhà nước.
Câu hỏi nảy sinh từ đó là: Ai chịu trách nhiệm các quyết định sai về các tập đoàn khủng vỡ nợ nói trên? Ai buôn ghế mà không báo cáo cho thủ tướng? Ai bổ nhiệm các tổng giám đốc? Nguyễn Thanh Phượng, hay Nguyễn Xuân Phúc, hay Hoàng Trung Hải, hay là… cậu đánh máy?
Theo đúng quy luật của ngành công nghiệp nặng thời đại: Không ai cả.
***
Có nên bình bầu một giải vô địch lưỡi gỗ chăng?
Rất nhiều xác suất huy chương vàng quán quân lưỡi gỗ sẽ lọt vào tay đương kim Đại sứ VN tại Mỹ,   nguyên Thứ trưởng thường trực bộ Ngoại giao kiêm Trưởng đoàn đàm phán biên giới Lê Công Phụng, với tuyên bố: “Lẽ ra theo thực tiễn thì chúng ta chỉ được 1/3. Nhưng sau đàm phán, chúng ta và bạn đã thỏa thuận thác Bản Giốc được chia đôi, mỗi bên được 50%” (trả lời phỏng vấn của phóng viên VASC Orient ngày 28/01/2002). Và ta được bạn nhường cho phần tốt nữa!
Trong lần trả lời phỏng vấn của nhà báo Lý Kiến Trúc, Lê Công Phụng khẳng định: “Mục Nam Quan là cái ải để quan sát phía Nam cho nên Trung Quốc nó xây để quan sát phía Nam, chư hầu của nó trước đây”. Tức là không phải của VN. Rồi “tâm tình” thêm trước khi chia tay, rằng: “Bây giờ Trung Quốc ngày càng phát triển mạnh, mình không ngăn người ta đừng mạnh được, thì mình phải học cách sống được với người ta, bên cạnh một nước mạnh. Và cũng nói thật với các vị là có vấn đề gì phức tạp với Trung Quốc, thì mình đâu có yên được”.
Không một ai ngạc nhiên là nguồn sông chảy ngang thác Bản Giốc có tên là Qui-Thuận.
Cũng không một ai ngạc nhiên khi biết toàn bộ hệ thống máy mài lưỡi gỗ có đóng dấu/dán tem Made-in China.
Đặc biệt, cũng sẽ là chuyện bình thường, một khi toàn bộ 14 lưỡi gỗ bén nhất Hà Nội đồng loạt tuyên bố: Nhân kỷ niệm ngày giỗ Phục Ba Tướng Quân Mã Viện, nhân dân tỉnh Việt Nam ta, sau hơn 2000 năm lưu lạc, nay lại sung sướng trở về nằm trong lòng mẹ Trung Quốc.
Lúc đó người dân VN sẽ tự đánh giá là dân tộc “Hạnh Phúc Đứng Đầu Thế Giới” chứ không phải xoàng xĩnh hạng nhì như hôm nay.
Há chẳng phải đó là thành quả phi thường của nền công nghiệp nặng thời đại đó sao?
***
Nguyễn Ngọc Tư có một tản văn rất dễ thương tựa là Mảnh Vá Cũ, viết về những người thợ dạo vá soong nồi, vá lu khạp, vá dép đứt, sửa bếp gas, và mài dao kéo. E rằng những con người đó đã tuyệt tích thời nay. Không thể nào cạnh tranh nổi với công nghiệp nặng thời đại: Mài lưỡi gỗ. Mỏng và sắc đến mức vô tư/vô duyên/vô khối/vô chừng/vô hồi/vô lối/vô ơn/vô tri/vô thức/vô cảm/vô can/vô hậu/vô đạo/vô sỉ/vô loài, và vô địch về môn… vô lại.

24-06-2012 – Kỷ niệm 24 năm Họa sĩ Bùi Xuân Phái tạ thế.
Blogger Đinh Tấn Lực

Đấu Tranh Công Khai & Bán Công Khai







Đấu Tranh Công Khai & Bán Công Khai
. Đinh Tấn Lực


Tám mươi năm trước, tháng 7/1936, ủy viên BCH Quốc Tế Cộng Sản Lê Hồng Phong triệu tập một buổi họp tại HongKong, triển khai Nghị quyết của Đại hội VII Quốc tế Cộng sản để thành lập Mặt trận Thống nhất Nhân dân Phản đế Đông Dương, khởi động một phong trào quần chúng công khai đấu tranh với thực dân Pháp, yêu sách đòi  tự do dân chủ và đời sống áo cơm, lấy tên là Phong Trào Đại Hội Đông Dương.

Đến tháng 9/1936, riêng Nam Kỳ thiết kế 600 ủy ban hành động của nhiều thành phần quần chúng. Kết quả vào cuối năm 1936 là 361 cuộc bãi công, quy mô nhất là cuộc đình công của ba vạn công nhân mỏ than Hồng Gai-Cảm Phả. Pháp phải trả tự do cho 1532 tù chính trị.

Đầu năm 1937, hai vạn công nhân Sài Gòn-Chợ Lớn biểu tình đón phái viên của Pháp sang thẩm định tình hình Đông Dương, với những khẩu hiệu: Hoan nghênh Mặt trận nhân dân Pháp; đòi tự do dân chủ, tự do lập hội, thi hành luật lao động, bỏ thuế thân, toàn xá chính trị phạm... Mặt khác, bên trong, là việc thành lập những Công hội, Nông hội, Đoàn thanh niên phản đế, Hội cứu tế bình dân… thậm chí, các Hội cấy lúa, Hội lợp nhà… để đoàn ngũ hóa hàng triệu người vào những mục tiêu phúc lợi cụ thể.

Tháng 3 năm 1938, Mặt Trận Phản Đế Đông Dương đổi tên thành Mặt Trận Dân Chủ Đông Dương, đẩy người ứng cử vào các Hội đồng thành phố, các Viện dân biểu Trung kỳ, Bắc kỳ. Cuộc biểu dương lực lượng quy mô đỉnh điểm là dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 01-05-1938, công khai quy tụ hai vạn rưỡi người. Song song là sự xuất hiện của các tờ báo Notre voix, Le Travail, Le Peuple, Tin tức, Nhành lúa, Dân chúng, Lao động, Mới… cùng các tác phẩm phản ảnh xã hội lầm than của Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Lan Khai v.v…

Tất nhiên, súng dài/súng ngắn/mã tấu/lưỡi lê có đầy, và cũng đã có một số cán bộ bị bắt tù, nhưng không phải là những cán bộ trụ từng được giữ kín. Dù vậy, tiến trình tập họp quần chúng trong những năm này được đảng CSVN trang trọng đánh giá là cuộc Tổng diễn tập thứ hai (sau cuộc tổng diễn tập Xô Viết-Nghệ Tĩnh 1930-1931), với đặc điểm phối hợp đấu tranh công khai và không công khai để đạt thắng lợi.

*

Cách nay 6 năm, 2006, một làn sóng đấu tranh trực diện và có tính xuyên phá đã hình thành ở Việt Nam một số tổ chức công khai hoạt động: Khối 8406, Đảng Thăng Tiến, Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam, Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam, Liên đảng Lạc Hồng, Công Đoàn Độc Lập Việt Nam, Hiệp Hội Đoàn Kết Công-Nông Việt Nam… 

Bối cảnh lúc đó là một Hà Nội đang đứng trước những thách đố của các quy chế CPC, cùng những điều kiện tổ chức APEC, hay điều kiện gia nhập BTA, WTO… nghĩa là không thể mạnh tay trước ống kính truyền hình quốc tế, và chấp nhận một bước lùi vào thế thủ trước áp lực thế giới. Ngược lại, đối với những nhân vật chủ trương dân chủ hóa Việt Nam bấy giờ thì đấu tranh công khai là một loại vỏ bọc/áo giáp cần thiết một khi có được sự quan tâm/biết đến/hỗ trợ từ phía dư luận quốc tế.

Thế nhưng thời khoảng thuận lợi đó không kéo dài. Sau đó là một chiến dịch đàn áp kinh hoàng từ phía đảng cầm quyền. Nghị định 31/CP ngưng hiệu lực, nhưng thay vào đó là những điều luật hình sự 79, 84 và 88 coi nhân dân như những tù nhân có thể bắt giam bất cứ lúc nào. Không một ai có thể liệt kê đầy đủ danh tính những người bị bắt, bị giam, ra tòa nhận án, hay giản đơn là bị hại trong thời gian này, kể cả những quan chức của bộ công an.

Chiến dịch đàn áp kinh hoàng đó kéo dài suốt nhiều năm liền, có thể nói là đến tận hôm nay, và những nạn nhân kế tiếp của nó tăng cao, rất đông, với những người thường được dư luận nhắc đến nhiều là các ông/bà Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long, Phạm Minh Hoàng, Cù Huy Hà Vũ, Phan Thanh Hải, Tạ Phong Tần, Bùi Minh Hằng, Việt Khang, Nguyễn Quốc Quân… cùng những thanh niên nam nữ và trí thức xuống đường phản đối hành động xâm lấn của TQ (2007-2011), và khá đông những bloggers (dù trong hay ngoài Câu lạc bộ Nhà Báo Tự Do) vẫn hằng đau đáu với vận mệnh dân tộc.

Người ta chưa nhất thiết đặt tiêu chuẩn anh hùng để đánh giá những nhà đấu tranh vừa nêu, nhưng hầu như mọi người đều nhận rõ ở những người dũng cảm đó một mẫu số chung là chấp nhận tù tội để nêu bật từng trọng điểm trong hàng loạt bài viết của họ cho cả nước cùng thấy ra như nhau:

Nguyên nhân tình trạng khủng hoảng toàn diện của VN là do đảng CSVN:

1.     Lấy chủ thuyết hoang đường và phá sản làm giải pháp;
2.     Đặt quyền lợi đảng lên trên quyền lợi đất nước và tương lai dân tộc;
3.     Đường lối ngoại giao hèn nhát là hệ quả tinh thần nô lệ các quan thầy;
4.     Chính sách nội trị có nền móng là hận thù và bạo lực;
5.     Kinh tế hoang dã, trục lợi, đục khoét tài nguyên và phá hủy môi trường;
6.     Giáo dục đào tạo một tầng lớp cán bộ dốt, gian, tham và vô trách nhiệm;
7.     Guồng máy cai trị cửa quyền, hành dân và khủng bố nhân dân;
8.     Đảng viên dùng đảng làm phương tiện tiến thân và thi đua làm giàu bằng tham nhũng;
9.     Gia tăng bất công và tê liệt hóa khả năng đóng góp của người dân.

Và, vận động áp lực nhiều phía để đòi hỏi đảng CSVN, từ thấp tới cao, buộc phải chấp nhận:

1.     Quyền tự do ngôn luận & ra báo tư nhân;
2.     Quyền tự do lập hội & hoạt động đảng phái;
3.     Quyền hành đạo & hoạt động giáo hội;
4.     Công đoàn độc lập & quyền đình công;
5.     Thả tù chính trị & quyền biểu tình;
6.     Kinh tế thị trường & quyền tư hữu đất đai, phương tiện sản xuất;
7.     Hủy bỏ điều 2 hiến pháp & giáo dục Mác-Lê;
8.     Hủy bỏ điều 4 hiến pháp & cơ chế đảng trong QH, tòa án, quân đội, công an;
9.     Tổ chức trưng cầu dân ý & tổng tuyển cử tự do.

Đó là những người tiên phuông trong giới quan tâm đã biến ý thức thành hành động và giúp cho quảng đại quần chúng cùng hành động.

Những sự kiện Thái Hà, Tam Tòa, Đồng Chiêm, Bắc Giang, Cồn Dầu, Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản…, và ngay cả tuyển tập “Thế Hệ F”, hay một hệ thống truyền thông vượt mặt chính quy mà nhà nước phải toàn tâm toàn lực be bờ, há chẳng phải là những kết quả đấu tranh bền bỉ suốt sáu năm qua đó sao?

Nhìn chung thì phía đối kháng đã đạt một số điều cần đạt trên tiến trình nới xiềng/nong xích.

Song, dường như vẫn còn thấp thoáng đâu đó một chút giằng vật giữa nỗi do dự của từng người và sự nung nấu kết hợp của số đông quan tâm từng tự chọn cho mình chỗ đứng đầu sóng ngọn gió.

Những ưu tư đó hoàn toàn là có cơ sở. Ngay cả khi mọi người đều thấy bảo toàn lực lượng không phải là mục tiêu đấu tranh. Quả thật, mục tiêu là đấu tranh hiệu quả để đạt những yêu sách từ lòng yêu nước, và điều kiện thiết yếu là đấu tranh công khai. Nhưng ngược lại, yếu tố bảo toàn lực lượng cũng không kém quan trọng, vì nó chính là điều kiện không thể thiếu để đấu tranh đường dài.

Vậy thì bài toán của chúng ta, phải chăng là liều lượng và phương cách đấu tranh công khai?

*

Đọc lại một đoạn có liên quan trong tập Từ Độc Tài đến Dân Chủ, người ta có thể phần nào ngạc nhiên khi thấy tác giả viết từ lâu, và không từng đến Việt Nam, nhưng có một số nhận định khá gần gũi với chúng ta: 

“Bí mật, ngụy trang, và lập mưu trong bóng tối tạo thêm vấn đề rất khó khăn cho những phong trào đấu tranh bất bạo động. Thường thì phía dân chủ khó giữ nổi các ý định hay kế hoạch khỏi những cặp mắt tình báo hay công an chính trị của chế độ.
Nhìn từ góc cạnh của phong trào thì bí mật không chỉ bắt nguồn từ sự sợ hãi mà còn làm góp phần gia tăng sự sợ hãi. Và chính sợ hãi sẽ làm suy giảm tinh thần kháng cự và làm giảm số người có thể tham gia vào hành động.
Bí mật, một khi bị lộ, sẽ góp phần tạo nên những ngờ vực và cáo buộc trong nội bộ phong trào (mà thường là oan uổng) về việc ai là nội gián cho đối phương. Bí mật cũng có thể ảnh hưởng trên khả năng duy trì chủ trương bất bạo động của phong trào. Ngược lại, sự công khai về chủ trương và đường lối không những tạo được ảnh hưởng ngược với các hậu quả nêu trên, mà còn góp phần tạo hình ảnh là phong trào đối kháng thực sự rất mạnh.
Vấn đề dĩ nhiên phức tạp hơn nhiều so với vài giòng vắn tắt này, và có những lãnh vực hệ trọng trong hoạt động đối kháng cần phải giữ bí mật. Quyết định có nên giữ mật một việc nào đó hay không cần phải được lượng giá với đầy đủ dữ kiện bởi những người hiểu rõ cả về sự vận hành của đấu tranh bất bạo động và những phương tiện dọ thám của bạo quyền trong từng trường hợp cá biệt.
Những việc như soạn thảo, in ấn và phổ biến các tài liệu chui, sử dụng đài phát thanh bất hợp pháp trong nội địa quốc gia, cũng như việc thu thập dữ kiện tình báo về các hoạt động của bạo quyền là loại việc đòi hỏi độ bảo mật cao.
Trong suốt tiến trình đấu tranh bất bạo động, việc duy trì tiêu chuẩn gắt gao trong hành động ở mọi giai đoạn là điều cần thiết. Trong số những tiêu chuẩn này, yếu tố không sợ hãi và duy trì kỷ luật bất bạo động là những điều kiện luôn luôn phải có. Ðiều quan trọng cần nhớ là phải có số đông dân chúng thì mới đủ áp lực để tạo thay đổi, nhưng số đông đó chỉ trở thành những người tham gia đáng trông cậy khi những tiêu chuẩn gắt gao được duy trì trong phong trào…”.
- Gene Sharp
*

Từ ba kinh nghiệm trên, chúng ta có thể rút tỉa được gì?

ü  Thứ nhất, Ý niệm đấu tranh công khai cần được khai triển, bởi người Việt Nam khắp nơi đã ra mặt tranh đấu với nhà cầm quyền cho từng thước đất, từng gánh rau, từng rá gạo… và nỗ lực đấu tranh công khai đó cần được nhân rộng/phối hợp/tung hứng/nhồi sóng/liên hoàn/đẩy mạnh/nâng tầm… bằng một Phong Trào (viết hoa) có danh xưng, có chủ trương, có kế hoạch phối hợp, có nhân sự thực hiện kế hoạch và có một hệ cán bộ tham mưu/chỉ huy liên tục trong mọi tình huống. Có thủ lĩnh lại càng là một điểm son nhưng không nhất thiết bắt buộc (ví dụ Otpor của Serbia hay các cuộc cách mạng hoa/màu gần đây).

ü  Thứ hai, Ý niệm đấu tranh công khai đó nên được công khai. Chủ trương trong sáng đó, công khai. Đường lối khả thi đó, công khai. Những lời kêu gọi chân tình đó, công khai. Nỗ lực kết hợp tạo số đông từ nhiều thành phần quần chúng đó, công khai. Nhưng, kế hoạch chiến lược và chiến thuật của phong trào cần được suy xét kỹ từng trường hợp trước khi công khai. Nhân sự lõi của phong trào cũng sẽ được giữ kín. Ngay cả dàn nhân sự trung tầng, được coi như bộ phận (hộp số) chuyển lực, cũng không không khai, ít ra là trong giai đoạn tranh tối tranh sáng của tiến trình xây lực quần chúng đang có nhiều thuận lợi này. Cho tới khi Ban Lãnh Đạo của Phong Trào đồng thuận về một thời điểm thích hợp nhất và có lợi nhất để tự công khai hóa, từng người hay toàn bộ, trung tầng hay cốt lõi, và thường là chỉ cận kề hoặc ngay trước thời thời điểm phối hợp toàn quốc, hoặc ít là phối hợp nhiều tỉnh thành lớn với nhau.

Liệu rằng những điều rút tỉa sơ khởi và cô đọng đó có giúp gì cho chúng ta chọn lựa phương cách xây lực phong trào và xây lực quần chúng, sao cho quân bình được cái thế khá lớn với cái lực chưa đủ rộng hiện giờ, đồng thời, cân bằng cái nhu cầu đấu tranh hiệu quả với nhu cầu bảo toàn lực lượng đang có được chút nào chăng?

17-06-2012 - nhân dịp kỷ niệm 93 năm bản Yêu Sách 8 Điều được gửi đến Hội Nghị Versailles.
Blogger Đinh Tấn Lực

Tổ Quốc Cũng Nhức Đầu



Tổ Quốc Cũng Nhức Đầu


Thương nghiệp cả nước than vãn chuyện tồn kho
Chỉ mỗi Paracetamol là hết sạch
Mà chẳng ai cần chất vấn vì sao
Bởi trả lời thay các thượng thư đã rần rật tin đài tin báo
Những chuyện cứ tưởng tào lao
Khiến đại chúng lao nhao
Mà gộp lại cứ là buốt óc

*

Con người mới gặt mùa vụ mới:
Tiểu học hái ngón
Lao công hái đề
Phổ thông hái phao
Bộ trưởng hái clips
Ký giả hái lửa
Phóng viên hái thụi
Cán bộ hái bằng
Quan chức hái đất
Cầu sập hái chữ
Huyện đường hái đá
Kiểm lâm hái sưa
Giao thông hái phí
Lái xe hái gậy
Xăng dầu hái giá
Xe máy hái tro
Dự án hái tiền
Quy hoạch hái đô
Mặt cầu hái lỗ
Xe khách hái sông
Nhà thương hái xác
Tiếp Dân hái đơn
Nhà băng hái nợ
Tư pháp hái án
Nhà tù hái người
Giáo khoa hái lỗi
Học sinh hái đòn
Hán Nôm hái nạng
Cụ bà hái sốc
Công an hái lệnh
Diễn viên hái ti
Văn nghệ hái xích
Đại gia hái đào
Người mẫu hái đao
Tuyên giáo hái mẹo
Mại dâm hái tin
Báo chí hái sịp
Ký giả hái bia
Độc giả hái nọc
Sông ngòi hái độc
Thực phẩm hái phân
Đập Tranh hái kẽ
Vĩnh Phúc hái lờ
Chợ Quảng hái than
Ba Vì hái sữa
Hà Tĩnh hái rác
Nghệ An hái đền
Bến Tre hái dừa
Đống Đa hái vữa
Phúc Thọ hái củi
Vũng Rô hái tôm
Cam Ranh hái mú
Ba miền hái khựa
Bắc Giang hái cổng
Tiên Lãng hái hoa
Văn Giang hái cuốc
Cái Răng hái da
Thủ đô hái kiện
Quốc phòng hái khách
Quân đội hái thư
Biển Đông hái lưỡi
Ngoại giao hái bô
Quốc doanh hái mộ
Chứng khoán hái sàn
Tập đoàn hái huyệt
Địa ốc hái bom
Tham nhũng hái lộc
Đầu tư hái mơ
Tài chính hái vực
Kinh tế hái dép
Quốc hội hái phôn
Chính phủ hái nhiệt
Trung ương hái khe
Đất nước hái bùn

*

Dù thiếu nia, ngoại tệ dự trữ cứ thư thả lọt sàng
Nợ công đổi quốc hiệu mới của ta thành Chúa Chổm
Thay quốc huy thành chiếc mũ cối lật ngửa
Tiền đồng không đổi được tiền nước khác bên ngoài  nước Việt
Đến khi trượt giá ngó trước sau chẳng thấy cái phanh đâu
Chỉ số lạm phát vụt sáng như pháo hoa tỏa hình Lê Duẩn
Đĩa cơm bụi ngang bữa cơm phần năm ngoái
Cốc trà chanh vương vãi vị buồn
Bó rau muống vượt giá rừng thượng nguồn
Ngay lúc các quả đấm thép tự biến thành bong bóng
Hàng chục vạn tỷ đồng lấp lánh bồng bềnh như bọt xà bông
Ba hồn chín vía Vinashin nhớn nhác
Rồi Vinalines Vinacủchuối… cùng các thứ tập đoàn đồng nát
Hụ còi cho hàng chục vạn doanh nghiệp khác ngoéo tay
Lãnh đạo chóp đã thực hiện đúng quy trình phủi đít
Còn lãnh đạo nhỡ thì thợ lặn Lý Sơn phải gọi bằng thầy
Thất nghiệp chui thấu cáy thất nghiệp có bề dày
Cả nước đổ xô ra đường chạy vạy
Cảnh sát giao thông huơ tay oằn gậy
Mà mụ phí cứ sòn sòn vào xưởng đẻ như ngây
Nhanh hơn cả Securency in tiền giấy
Cho kịp tiến trình bộ giao thông xây mới văn phòng
Dung Quất Sông Đà và các Cty con gọi nhau ơi ới
Cộm cán hắt hơi cũng ra nước ngoài chữa bệnh
Quên mũ quên ô lần lượt bám đuôi nhau
Gửi cục nợ lại cho lũ nhà băng ăn bòn vón máu
Nạn nhân sau cùng bao giờ cũng là con cháu của nhân dân
Cả đám gửi tiền còm lẫn đám vay lắt nhắt
Vai chung cật đấu làm phao cứu sinh cho bầy sâu
Thông qua lãnh đạo vang danh “tầm nhìn đít trâu” (1)
Cùng gói kích cầu và phương án tái cấu
Với muôn ngàn hợp đồng ma cùng kiểm toán vỏ trấu
Phí bôi trơn giật giải hoàn cầu
Từng khiến ODA Nhật Bản rồi Đan Mạch dậm chân kêu trời không thấu
Gú gờ cả buổi không xâu được lấy nửa niềm tin
Trừ có mỗi bức ảnh Mai Văn Ninh

*

Bầu sữa thuế ngày càng cạn kiệt
Mà ngư dân thì phơi thuyền trên bãi
Biển của ta đã thành ao nhà của nó
Hải giám nó nhiều lần cắt cáp tàu ta
Ngư chính nó lăm lăm đâm chìm tàu ta
Hay cướp lưới cướp neo cướp cá
Cướp cả tàu ta rồi đòi tiền chuộc
Vậy mà dàn loa nhà hết pin cả giuộc
Lưỡi gỗ ngậm lạp xường
Hóa thành bài giao hưởng cà lặp cà lăm
Mỗi điệu mòn “không thể tranh cãi”
Trong lúc cái đĩa rè dây cót
Ra rả điệp khúc diễn biến hòa bình
Thúc kèn tập trung lực lượng chìm nổi
Bẻ cổ quặt tay đạp mặt thanh niên
Nhốt phụ nữ vào trại Thanh Hà
Rồi triệu tập trí thức xuống đường
Còn nông dân mất trắng ruộng vườn
Về tay lũ cướp đất đi Lexus
Đang xây cung điện và hoa viên ngự uyển

*

Nghề nuôi treo chuồng
Sói biển treo ghe
Dân ruộng treo cày
Phóng viên treo bút
Nhà nhà treo niêu
Dân mạng treo status
Bom tấn treo mành
Lý luận treo dê
Báo đài treo chó
Tuyên giáo treo mỏ
Bốn tê treo váy
Quấn sịp treo đảng
Tổng bí ngỡ ngàng
Tư tưởng trực tràng
Cuba loạng quạng
Ba Tây đuổi ngang
Quân hồi vô phèng
Chính phủ lem nhem
Tể tướng lèm bèm
Thượng thư leng keng
Thẻ đỏ tim đen (2)
Đèn cù đảng ủy
Trui hèn luyện ác
Quốc tổ nhức xương
Tổ quốc nhức đầu
Dân căm tận tủy
Quần chúng vô úy tâm đồng
Nới xiềng nong xích một lòng trước sau
Kết đoàn xây lực bên nhau
Cho ngày cách mạng hoa/màu Việt Nam


12-06-2012 – nhân ngày quốc khánh Philippines
Blogger Đinh Tấn Lực

(1)  Chữ của Đào Tuấn
(2)  Chữ của Bùi Minh Quốc