Cục Gân Gà Đầu Năm Hữu Nghị

Tôn Quốc Tường


Cục Gân Gà

Đầu Năm Hữu Nghị

. Đinh Tấn Lực

“Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân Dân
Đất Nước của Nhân Dân…”.
(Nguyễn Khoa Điềm)

Bộ phim Lý Sang-Phong Ba Chốn Cung Đình ( 이산 - 정조대왕 ) của đạo diễn Lee Byeong-Hun (trình chiếu trên HTV3 lúc 21h mỗi đêm từ thứ hai đến thứ năm hàng tuần) diễn lại cuộc đời đầy sóng gió của hoàng thái tôn Lý Sang từ thuở ấu thời cho đến lúc trở thành vị minh quân Jeong-Jo (1752–1800) trong triều đại Joseon minh trị của Triều Tiên (tức trong khoảng cùng thời với vua Quang Trung của VN).

Bộ phim lôi cuốn khán giả không chỉ vì các ý tưởng đi trước thời đại nhằm canh tân (cả triều đình, đất nước, lẫn chính sách đối ngoại với Thanh triều) của vị hoàng đế trẻ tuổi Jeong-Jo trong một giai đoạn lịch sử bi tráng cận đại thay da đổi thịt của xứ này; mà còn bởi từng lời đối thoại/phản biện của các nhân vật hắc/bạch/thiện/ác/chính/tà/bảo thủ/cải cách/quý tộc/sĩ phu/trí thức… Trong đó, quả đáng ngẫm biết bao, ngay trong thời điểm kỷ niệm trọng thị 60 năm quan hệ Việt-Trung này, lời nhắn nhủ xuyên thời đại của Hong Kuk-Young – một tay mưu sĩ/khai nghiệp/công thần của Lý Sang: “Đi với hổ thì vào rừng xanh. Còn theo chó thì chỉ có thể vào nhà xí”.

*

Chào Đón Tân Niên – Ưu Tiên Trung Quốc?

Mở màn cho Năm Hữu Nghị 2010 “Thiên tuế Ta-Lục tuần Tàu”, Tôn Quốc Tường, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam, trong buổi họp báo sáng ngày 6/1/2010 ở Hà Nội, đã uốn nắn/chỉ đạo/khuyến cáo VN cần tạm gác lại vấn đề khúc mắc sau cùng trong quan hệ giữa hai nước là vụ tranh chấp Nam Hải (nguyên văn); mà chỉ nên dành ưu tiên cho hoạt động phát triển kinh tế xã hội, cụ thể là cùng khai thác tài nguyên biển đảo.

Tôn Quốc Tường đã chứng tỏ vị thế sứ thần đại hán tất yếu là phải bao trùm/khuất lấp/phủ kín cả quyền lực của lãnh đạo đảng và nhà nước ta, bằng lời huấn thị/bảo ban/đe nẹt rất mực thẳng thắn, như thể chữ triện đúc bằng nhôm ròng Nhân Cơ: “Hợp Tác Sẽ Phát Triển, Đấu Tranh Sẽ Thất Bại”!

Tôn Quốc Tường không cần đến chương trình phát thanh “Tiếng nói Vịnh Bắc Bộ” của tỉnh Quảng Tây vừa mới khai trương/phát sóng sau ngày quốc khánh Tàu vừa qua, bởi đã có hàng trăm báo/đài vốn là cơ quan ngôn luận/tiếng nói/diễn đàn của đảng bộ các thứ của ta cật lực giúp đỡ tán phát/tuyên truyền đến rộng rãi quần chúng nhân dân VN một kết luận tất yếu và (thông qua Ban tuyên giáo TW, cho nên) nhiều phần là duy nhất đúng, rằng: “…Lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhiều lần đạt được nhận thức chung hết sức quan trọng. Đó là không để cho vấn đề Nam Hải (nguyên văn) ảnh hưởng đến sự phát triển, ổn định lâu dài, bình thường của quan hệ hai nước”.

Tôn Quốc Tường đã khiến Bộ 4T, thậm chí cả chính phủ của ta lên ruột/xanh mặt/ướt tã/mất ngủ… và đã ngắn gọn xóa sạch hàng nghìn trang báo của ta đăng tin ngư dân VN bị “tàu lạ” uy hiếp/cướp lưới/gỡ neo/đoạt tàu/thu cá/đánh đập/bắt ký giấy vi phạm/đòi tiền chuộc… chỉ bằng một lời phán gang thép: “Không nên đưa tin những việc xấu như thế này!”.

Tôn Quốc Tường đã lên lớp tập huấn/nắn gân đại trà cán bộ các cấp của ta một quan điểm toàn cục/đại cục nhất quán cần thiết là: “cần tăng cường sự hiểu biết chính trị để đảm bảo sự phát triển lâu dài của quan hệ song phương!”.

Buổi họp báo khá ồn ã, nhờ một vài câu hỏi cò mồi đậm tính xum xoe/khúm núm/cúc cung đến mức đáng khinh không đáng nhớ, theo kiểu xin thái thú nhận định về những điểm nổi bật trong 60 năm quan hệ, hay khi nào thì lãnh đạo VN có thể ca múa Như có bác Hồ (Cẩm Đào) trong ngày vui đại yến v.v…. Ngoài ra, có 2 câu hỏi cực kỳ bức xúc mà một số nhà báo tâm huyết chỉ có thể thầm thì với nhau sau lúc tan hàng/giải tán:

1. Do đâu và từ bao giờ mà tay đại sứ của TQ có thể hồn nhiên quy hoạch/áp đặt cho lãnh đạo VN một giải pháp cưỡng chế bao gồm 2 nội dung cực kỳ bất công/bất lợi là tạm gác tranh chấp và cùng nhau khai thác?

2. Do đâu và từ bao giờ mà tay đại sứ của TQ có thể tự trang bị cái lề thói ứng xử (ngoại giao) đầu gấu/kẻ cả/trịch thượng/vương-hầu/cha-con/chủ-tớ đối với VN như thế?

*

Quả Ớt Đánh Lừa Cái Lưỡi?

Tôn Quốc Tường chỉ xấc láo phát ngôn, nhưng nhất định không thể và không phải là tác giả của đề nghị “gác tranh chấp-cùng khai thác”.

Đối với nhiều người, giải pháp “gác tranh chấp-cùng khai thác” được nghe lần đầu là từ bài tham luận của GS Ji Goxing (Đại học Jiaotong), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (của TQ) tại Thượng Hải – cũng là vị khách mời danh dự hàng đầu của buổi hội thảo quốc tế do Học viện Ngoại giao và Đoàn Luật Sư VN đồng đứng tên đăng ký tổ chức (tại Hà Nội hồi cuối tháng 11/2009 vừa qua) về chủ đề “Biển Nam Trung Hoa: Hợp Tác Vì Sự Ổn Định Và Phát Triển Khu Vực” (International Workshop on “The South China Sea: Cooperation for Regional Security and Development).

Trên thực tế, giải pháp “gác tranh chấp-cùng khai thác” này cũng không phải do GS Ji Goxing nghĩ ra. Mà nguyên thủy là do Đặng Tiểu Bình đề xướng trong hội nghị quốc tế hồi tháng 10/1982 tại Tokyo (chỉ hơn 3 năm sau trận chiến “giáo trừng”, trong giai đoạn Việt-Trung đại xung đột/bất cộng đái thiên). Có nghĩa rằng nó là sản phẩm đã được tính toán rốt ráo từ rất lâu rồi của Bộ chính trị Trung Nam Hải.

- Vì sao khai thác chung? -

Các thỏa thuận về khai thác chung, nhằm mục đích phát triển nguồn tài nguyên, thường được coi là giải pháp tạm thời nhằm giảm xung đột giữa các bên tranh chấp, cố gắng không tạo ra ảnh hưởng nào tới yêu sách về chủ quyền lãnh thổ cũng như các quyền chủ quyền và quyền tài phán của từng quốc gia liên hệ.

TQ đòi thực hiện thỏa thuận về khai thác chung là nhắm vào các lợi ích riêng có thể tạm lược kê như sau:

Một là, gia tăng tính chất “song phương” luôn tạo tính tối ưu cho TQ, đặc biệt là trước khi VN có vai trò quan trọng hơn trong khối ASEAN vào năm 2010 này.

Hai là, TQ đánh quả lừa cho dư luận lầm tưởng rằng giải pháp này phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, trong lúc Bắc Kinh gia công tìm kiếm thêm lợi thế khác về mặt pháp lý.

Ba là, phần lớn các khu vực mà TQ đề nghị khai thác chung đều nằm trên các thềm lục địa đang thuộc chủ quyền của nước khác, trong trường hợp này là của VN.

Bốn là, TQ vừa đề nghị khai thác chung, lại vừa củng cố tham vọng “Nam Hải hình lưỡi bò” chiếm trọn 3/4 Biển Đông cùng chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Năm là, lợi dụng/khai thác tối đa đề xuất “hợp tác cùng phát triển” trên biển Đông của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, nêu ra trong chuyến viếng thăm Thái Lan vào tháng 10/1993, tức là hai năm sau khi VN nối lại quan hệ môi-răng với TQ.

Sáu là, TQ chờ đợi những tiền lệ từng có sẽ xảy ra lần nữa, là: “cái tạm thời hiện nay có khả năng trở thành vĩnh viễn sau này”.

- Vì sao gác tranh chấp? -

Đề nghị khai thác chung tại khu vực biển Đông đang tranh chấp chỉ có thể được đưa vào hoạt động khi các bên thể hiện thiện chí và quyết tâm trong việc hợp tác, thông qua nỗ lực xây dựng lòng tin, nhất trí ngăn chận nguy cơ xung đột… Tuy nhiên, cho tới nay, những điều kiện cần thiết đó đều còn thiếu, đặc biệt là thiện chí và lòng tin.

TQ đã đặc phái 6 học giả ồ ạt tham dự cuộc hội thảo quốc tế “Biển Nam Trung Hoa: Hợp Tác Vì Sự Ổn Định Và Phát Triển Khu Vực” là nhằm thử nghiệm một cách tiếp cận mới và có tính áp đảo mạnh đối với VN trong bối cảnh:

- TQ là nước có lợi thế nhất về sức mạnh quân sự lẫn kinh tế đối với các nước đang tranh chấp, và là quốc gia có yêu sách giành phần lớn nhất (gần 80% của tổng diện tích 3 triệu rưỡi cây số vuông) trên biển Đông.

- Các quốc gia tranh chấp trên biển Đông chưa thực sự có đủ sự tin cậy lẫn nhau, trong lúc Bắc Kinh vẫn luôn có ưu thế “giềng mối quân-thần” đối với Hà Nội.

- Các sự kiện ngư dân VN bị nạn liên tục trên biển Đông chỉ là mặt nổi của tảng băng chủ quyền biển đảo mà TQ đã cưỡng chiếm và quyết giữ.

- TQ vừa muốn trấn an/xoa dịu tình hình sóng gió biển Đông trước dư luận quốc tế, lại vừa mạnh dạn phô trương thanh thế với lãnh đạo VN, thông qua một số sự kiện giải quyết bất đồng bằng sức mạnh quân sự được chuẩn bị bội phần chu đáo hơn thời 1979.

- TQ cần tách rời VN ra khỏi quần thể các nước Đông Nam Á đang có tranh chấp chủ quyền trên biển Đông để dễ “đấu tay đôi”, và dễ cho cả việc áp dụng tình cảm thầy-trò cùng nghĩa vụ cộng sản với lãnh đạo VN.

- TQ sẽ sẵn sàng sử dụng mọi phản ứng bạo lực/kinh tế/bẫy sập… (và cả những con bài tẩy ham hố/nhơ nhuốc của lãnh đạo VN) nhằm khẳng định xem ai là chủ “Biển Nam Trung Hoa”, cho đến khi lãnh đạo VN nghiêm chỉnh chấp hành giải pháp của TQ và tự nguyện dẹp yên dư luận quần chúng VN!

- Trong thời gian cần thiết để có thể kiếm thêm áp lực về Nguyên tắc ứng xử trên biển Đông và cả ưu thế hùng mạnh của đại hạm đội Nam Hải, TQ cần “giữ nguyên trạng” bằng giải pháp “gác tranh chấp”, bởi cầm chắc là VN không thể chạy đua vũ trang với TQ.

*

Đá Cuội Lăn Theo Gót Hài!

Đã từng có lắm người lầm tưởng rằng VN và TQ là hai nước chính yếu nắm giữ chìa khóa giải quyết vấn đề biển Đông.

Tôn Quốc Tường, với món quà Đầu Năm Hữu Nghị cực kỳ khó nuốt mà cũng không dễ nhả cho phía lãnh đạo VN, đã thực sự đơn phương xác quyết là VN không có vai trò/vị trí/quyết định gì trong vấn đề đó, xét trên căn bản quan hệ Việt-Trung bất xứng hiện giờ.

Cái lề thói ứng xử (ngoại giao) đầu gấu/kẻ cả/trịch thượng/vương-hầu/cha-con/chủ-tớ của sứ thần Bắc Kinh đối với VN như thế không phải tự nhiên trên trời rơi xuống. Tôn Quốc Tường, hay bất kỳ một đại sứ đặc mệnh toàn quyền nào khác của TQ tại Hà Nội cũng đều có thể có thái độ khinh mạn như thế. Bởi vì, không sẵn tay sai hẳn khó có quan thầy!, chính lãnh đạo đảng và nhà nước ta đã đưa đường/trải thảm/kéo ghế/bắc thang/mời mọc các quan thầy TQ tọa mông vào vị trí cha chú/trưởng thượng để có thể ứng xử xấc xược/trịch thượng với VN, thông qua một số diễn tiến khó quên:

- 1951: Hà Nội không hề dám mở mồm phản đối khi Chu Ân Lai trình bày bản hải đồ lưỡi bò, ngay trong cuộc họp hữu nghị đầu tiên giữa hai đảng/nhà nước.

- 1955: Hà Nội cho phép hồng quân TQ đánh đuổi tàn quân của Tưởng Giới Thạch rồi toàn quyền chiếm giữ đảo Bạch Long Vĩ của ta.

- 1956: Ung Văn Khiêm, Thứ trưởng Ngoại giao VN, trong buổi tiếp đón tham tá sứ thần TQ là Li Shimnin ngày 15/6/1956 tại Hà Nội, đã chính thức xác nhận rằng: “Dựa vào những tài liệu mà phía Việt Nam có trong tay, các đảo Tây Sa và Nam Sa, xét về mặt lịch sử, là thuộc về Trung Quốc”. Cũng trong buổi tiếp tân này, Lê Lộc , Xử lý thường vụ Giám đốc Phòng Á châu Sự vụ VN, đã bổ túc thêm cho rõ nghĩa: “Trên mặt lịch sử, các đảo Tây Sa và Nam Sa đã là đất đai của Trung Quốc từ đời Nhà Tống (960-1279)”.

- 1958: Công hàm của Thủ tướng nước VNDCCH Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng nước CHNDTH Chu Ân Lai đã “ghi nhận và tán thành” những yêu sách trên bản tuyên bố ngày 04/09/1958 về lãnh hải của TQ, trong đó, Bắc Kinh khẳng định “các đảo Bành Hổ, Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa, Nam Sa và các đảo khác là của Trung Quốc”.

- 1960: Các sách giáo khoa môn Ðịa lý dạy học sinh VN đã hồn nhiên viết rằng: “Các hòn đảo từ quần đảo Nam Sa, Tây Sa, qua Hải Nam, Ðài Loan, là một bức trường thành bảo vệ Trung Quốc”.

- 1972: Cục Bản đồ trực thuộc Phủ thủ tướng VNDCCH đã phổ biến một ấn bản họa đồ thế giới, trên đó tên đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN bị thay bằng tên đảo Tây Sa Nam Sa theo cách gọi của TQ.

- 1974: Hà Nội lặng im/đồng lõa/cổ vũ cho sự kiện hải quân TQ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, trong lúc hải quân của quân lực Việt Nam Cộng Hòa (mà Hà Nội coi là kẻ thù chính bấy giờ) đã một lòng hy sinh cố giữ đảo.

- 1977: Nguyên TT Phạm Văn Đồng xác nhận ý nghĩa bức công hàm 14/9/1958 rằng: “Lúc đó là thời kỳ chiến tranh nên tôi phải nói như thế!”.

- 1979-1991: Hà Nội tuyên truyền rộng rãi để giải thích việc huy động/hy sinh sức dân trước trận chiến “giáo trừng” của “bọn bá quyền bành trướng Bắc Kinh” bằng 3 bộ văn kiện: quyển “Sách Trắng 1979” của Bộ Ngoại giao VN, quyển “Phê phán chủ nghĩa bành trướng và bá quyền nước lớn của giới cầm quyền phản động Bắc Kinh” (Nxb Khoa Học Xã HộiHà Nội, 30/08/1979), và bộ sách “Sự Thật Về Quan Hệ Việt Nam-Trung Quốc Trong 30 Năm Qua” (Nxb Sự Thật, Hà Nội 10/1979). Nhưng đến năm 1991, khi cần quay lại tìm chỗ chống lưng ở Bắc Kinh thì Hà Nội liền chỉ thị cho chỉnh trang lại các sách giáo khoa môn Sử VN, và ra lệnh thu hồi các quyển/bộ sách đó, để tránh làm phật ý quan thầy. Cũng từ bấy tới nay, mọi Đại hội Toàn đảng của CSVN đều có Đại biểu cấp UV-TW, thậm chí cấp UV-BCT của TQ sang cố vấn/sắp xếp/chỉ đạo/phê chuẩn/tọa thị ở hàng ghế danh dự.

- 1992: Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm xác nhận trong cuộc họp báo ngày 03/12/1992: “Trung Quốc đã cung cấp cho Việt Nam sự giúp đỡ to lớn và quý giá… Những lời tuyên bố của các đồng chí lãnh đạo của chúng tôi (Phạm Văn Đồng/Ung Văn Khiêm…) lúc đó là cần thiết!”.

- 1999-2000: Lãnh đạo đảng và nhà nước âm thầm ký kết với TQ các hiệp định bất bình đẳng về biên giới và lãnh hải, bất cần/bất chấp ý kiến của nhân dân hay thậm chí của cơ quan nghiệp vụ đóng dấu là quốc hội; bất cần/bất chấp cả việc công bố các văn kiện/bản đồ liên hệ.

- 2005-2009: Hà Nội im lặng trước hàng chục sự kiện hải quân TQ ngăn chận/bắt giữ/đòi tiền chuộc/tịch thu ghe tàu/đánh đập/cướp bóc/thậm chí bắn chết ngư dân Thanh Hóa/Quảng Ngãi mưu sinh trên lãnh hải VN. Các bản tin tiếng Việt chỉ được viết mơ hồ là do “tàu lạ” đâm chìm. Ngoài ra, các hãng dầu khí BP, Exxon bị TQ đuổi ra khỏi vùng khai thác trên hải phận VN cũng đã diễn ra âm thầm trong bóng tối của truyền thông VN.

- 2007: Quốc vụ viện TQ ra quyết định ngày 02/12/2007 thành lập huyện lỵ hành chánh Tam Sa, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa. Hà Nội chỉ lập cập lên tiếng ở cấp rất thấp/không đáng kể là người phát ngôn Bộ Ngoại giao. Đồng thời, lại ồn ào lệnh cho nhà trường ra thông cáo chính thức cấm sinh viên tụ tập, và lệnh cho công an triệt để đàn áp các cuộc biểu tình tuần hành phản đối của sinh viên/thanh niên VN trước đại sứ quán và tổng lãnh sự quán TQ tại Hà Nội và Sài Gòn, tuyệt đối thực thi nghiêm chỉnh huấn thị/khuyến cáo của Bộ Ngoại giao TQ là: “Trung Quốc đang quan chú cao độ và hy vọng chính phủ VN có thái độ đầy trách nhiệm, làm những hành động thiết thực, ngăn chặn những diễn tiến, để tránh tổn hại quan hệ giữa hai nước”. Để hồi đáp, chính TT Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ thị cho cán bộ đảng viên cả nước dồn sức tổ chức cuộc rước đuốc thế vận 2008 hết mực trọng thị và an toàn bằng một thành Hồ rợp cờ TQ.

- 2009: Là cao điểm độ hèn của lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN, thông qua hàng chục sự kiện và những phát ngôn được bình bầu là cực kỳ ấn tượng trong năm. Đặc biệt là các hiển thị không thể nào nhục hơn được nữa trên trang báo điện tử chính thống của đảng CS và của bộ Công thương VN.

Tôn Quốc Tường đã củng cố vững chắc vị trí Thái Thú tại VN là nhờ vào các trụ đồng vững chắc nói trên do lãnh đạo CSVN trồng lấy. Một vài tay dân báo mê nhạc Trịnh đã mạn phép tác giả sửa lời một dòng nhạc để tặng mừng lãnh đạo ta: “Quyết tâm làm đá cuội, nguyện lăn theo gót hài…” Thái Thú.

*

Bùn Khô, Lông Ngỗng Bay Đầy

Với một bản đồ Nam Hải hình lưỡi bò (nhen nhúm hình thành từ giữa thế kỷ trước), rõ ràng là TQ nhất quán kiểu TQ mà tây phương vẫn thường mô tả là một vương quốc đứng giữa gầm trời chỉ có chư hầu chứ không có láng giềng. Đại diện cho nó, Tôn Quốc Tường rõ là xấc láo, nhưng chưa hẳn đáng căm bằng những kẻ bồi đắp cho nó mọi điều kiện để xấc láo.

Với một thái độ rón rén/khúm núm/cúi đầu/cong gối của lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN, cho dù Hiệp ước 1874 tuyên bố chấm dứt quan hệ mẫu quốc–chư hầu giữa TQ với VN, rõ ràng là giới cầm quyền đương thời của ta vẫn cố sức nhất quán theo kiểu CSVN: Tự nguyện gia công tiếp tục vị trí vai trò chư hầu, chỉ nhằm để báo ơn TQ trợ giúp họ cướp chính quyền và giữ rịt quyền. Rõ ràng lãnh đạo ta nhất thiết/nhất quán/nhất định/nhất trí thế chấp đất nước để tiếp tục cai trị và bòn rút nhân dân theo một chủ nghĩa phi nhân/lỗi thời/lạc hậu đã bị đào thải vào nhà xí khắp nơi trên thế giới.

Với một con tim nhân bản và tấm lòng nhiệt thành mơ ngày Việt Nam cất cánh, mỗi người trong chúng ta hẳn cũng đã nhất quán phân định rõ ràng đâu là chân tướng nội thù trước mặt, đâu là nguy cơ ngoại xâm sau lưng. Muốn giữ nguyên bờ cõi và tránh một giai đoạn Bắc thuộc khác, hãy cùng nhau góp sức trước tiên chấm dứt thời đại của những con bạc bịp đê hèn vừa sẵn sàng thế chấp đất nước vừa lén rắc lông ngỗng dẫn đường cho giặc.

Hoàng Sa và Trường Sa muôn đời là của Việt Nam!

9/1/2010 – Chào mừng ngày Truyền thống Học sinh – Sinh viên.

Blogger Đinh Tấn Lực