“Trong xử lí tham nhũng, đừng để... mất tất”
(Dân trí) - “Mục đích chính trong xử lý tham nhũng là thu hồi lại tài sản. Nếu đưa ra hình phạt hình sự thật nặng mà không tạo điều kiện cho người ta khắc phục sai phạm thì đồng nghĩa với việc mình mất tất”, Tổng Thanh tra Chính phủ, Trần Văn Truyền trả lời phỏng vấn....
Dân Trí: ông đánh giá thế nào về việc xử mức án treo quá nhiều trong các vụ án tham nhũng (37%) và điều này có mâu thuẫn với quyết tâm chống tham nhũng?
Trần Văn Truyền: Nguyên tắc luật của ta là vi phạm đến đâu xử đến đó, mức độ nghiêm trọng của tội phạm đến đâu, đưa ra hình phạt tương ứng đến đó. Vừa qua ta xử phần lớn các đối tượng là người ở cấp thực hành, trong đó có nhiều cán bộ ở cấp phường xã, quản lý dự án cụ thể nên mức độ của vi phạm rất nhỏ.
Trong xử lý tham nhũng, mục đích chính là làm sao thu hồi lại tài sản đã bị chiếm đoạt. Nếu đưa ra hình phạt hình sự thật nặng mà không tạo điều kiện cho người ta khắc phục sai phạm thì đồng nghĩa với việc mình mất tất.
Khi người ta nhận ra lỗi lầm và chấp nhận nộp lại, ta cũng có thể xem đó là một yếu tố để có thể cân nhắc…
Dân Trí: Là người đứng đầu cơ quan chủ trì, tham mưu cho Chính phủ trong đề án quà biếu, quà tặng nộp lại, ông đánh giá thế nào về việc có hơn 200 cán bộ nộp lại quà biếu với tổng số tiền là hơn 60 triệu đồng? Con số này phản ánh điều gì?
Trần Văn Truyền: Ở góc độ trợ giúp cho Chính phủ quản lý việc này, tôi cũng xem kết quả trên là một bước tiến bộ, bởi trước đây rất khó tập hợp được con số. Nay tập hợp được thì tôi cũng nghĩ, một là địa phương đã quan tâm, hai là những người liên quan đến lĩnh vực này cũng đã thấy rõ trách nhiệm phải báo cáo, nộp lại quà tặng.
Con số này có thể chưa đúng với thực tế nhưng dù sao đi nữa cũng đã thấy một điều là có sự chuyển biến ý thức của một bộ phận cán bộ công chức là phải nộp lại quà tặng... Sau này ta tiếp tục xem xét để có biện pháp thúc đẩy, đánh giá thêm.
P.Thảo (ghi)http://dantri.com.vn/c20/s20-357933/trong-xu-li-tham-nhung-dung-de-mat-tat.htm