. Đinh Tấn Lực
“Trong một thời gian kéo dài chưa thể tiên liệu bao lâu, loại sản phẩm Made-in China có nhiều xác suất đứng đầu bảng hàng hóa nội địa Cung nhỏ hơn Cầu chính là ...còi hụ”. ĐTL
Trước tiên là còi hụ báo động nạn ô nhiễm không khí gia tăng
từ 30-45 lần mức độ an toàn cho phép.
Theo báo cáo của bà Zhou Rong, thuộc tổ chức Hòa Bình Xanh Lục
- Vận động cho Môi trường & Năng lượng, thì: “Toàn bộ duyên hải miền Đông TQ là khu vực bị ô nhiễm không khí nặng nề
hơn bất cứ nơi nào khác trên trái đất. TQ đang đốt gần phân nửa, và riêng miền
duyên hải phía Đông này đã đốt ¼ tổng lượng than đá của cả thế giới”.
Tờ New York Times gọi mức độ ô nhiễm đó là tình trạng “vượt
sức tưởng tượng”. Phóng viên Jason Lee của Reuters chộp một bức ảnh bắt mắt về
một người đàn ông đứng hút thuốc ngoài trời mà không thấy khói, bởi khói thuốc đã
lẩn vào không khí đậm đặc như khói. Reuters đăng thêm bức ảnh một phụ nữ đeo khẩu
trang đứng trước một lâu đài hậu cảnh khá gần nhưng không thể thấy rõ nét. Ký
giả Scott Suttherland của hãng thông tấn Geekquinox giật tít bài “Chất
lượng không khí Bắc Kinh đạt mức hậu tận thế“. Còn tay nghệ sĩ đối kháng
Ngãi Vị Vị thì đeo hẳn một mặt nạ chống hơi độc để xuống đường phản đối chính sách
phát triển gây ô nhiễm của nhà nước.
*
Thứ nhì là còi hụ báo động về những thành phố ma, theo đúng
chỉ tiêu và niềm hãnh diện của đảng: “Cứ
mỗi hai tháng là hoàn tất xây dựng một thành Rome”.
“Tất cả cho đầu tư” là khẩu hiệu khoái tai một thời. Cộng thêm
con số gia tăng hàng năm 8 triệu người (cả tay nghề lẫn tay ngang) tham gia vào
thị trường lao động vốn đã chật nêm, các dự án đầu tư lấn sang lãnh vực bất động
sản là điều tự nhiên, như bóng bay muôn đời hấp dẫn trẻ em.
Cả nước cứ thế tiến
nhanh tiến mạnh đến đỉnh điểm “đầu tư để ...đầu tư”.
Hệ quả?
Đứng đầu các thành phố ma vang danh đại lục là Trình
Cống, gần Côn Minh, thuộc tỉnh Vân Nam, với một sân vận động lớn, các thương xá
rỗng và 100.000 căn hộ không người ở. Với giấc mơ đứng nhất thế giới của dàn lãnh
đạo Trung Nam Hải, thành phố Trình Cống đã đạt danh hiệu thành phố ma lớn nhất
thế giới.
Danh hiệu Thương xá ma lớn nhất thế giới lọt vào tay The New
China Mall, thuộc thành phố Donguan, phía đông của thủ phủ Quảng Châu, tỉnh Quảng
Đông, với một sân đua xe trò chơi, bản nhái những thành phố nổi tiếng Amsterdam, Paris, Rome, Venice, Egypt, vùng
biển Caribbean, bang California, và một dòng kênh nhân tạo...
Thương xá này từng được quay phim tài liệu là Thương xá lớn nhất thế giới. Cuốn
phim được đề xuất trao giải Academy Award và được giới thiệu ở Liên hoan phim Sundance. Tuy
nhiên, thương xá này nổi tiếng hoàn vũ là nhờ đạt mức rỗng kỷ lục 99% diện tích,
bao gồm hơn 1500 gian hàng không người thuê từ thời khai trương 2005 đến nay. Tạp
chí Plaza có một “phóng sự ảnh” về trung tâm thương mãi này dưới nhan đề “The New South China – thương xá đỉnh chết dí”.
Công viên Giải trí Xứ Thần Tiên-Wonderland, thuộc thị trấn Chenzhuang, khoảng 30 Km về phía bắc của Bắc Kinh, với hàng hàng
lớp lớp thành lũy kiểu Trung cổ và những lâu đài bắt chước dáng vẻ vùng đất của
Walt Disney. Đây là dự án hiện thực từ giấc mộng TQ làm chủ một công viên giải
trí lớn nhất châu Á, nhưng cuối cùng lại tưng bừng đoạt lấy danh hiệu Công viên
Lâu đài ma lớn nhất thế giới.
Theo tạp chí constructionweekonline.com, khu đất công viên
được quy hoạch ngược lại thành đất nông nghiệp và là nơi đổ rác. Wonderland thành
Landfill.
Một thành phố ma nổi tiếng khác của TQ là Thames Town, thuộc
thị trấn Songjiang, gần Thượng Hải,
và từng được coi là một trong chín khu thị tứ của Thượng Hải mang phong cách một
thị trấn lịch sử của Anh quốc, rộng 1 triệu thước vuông, với kiến trúc và đặc
biệt là các bốt điện thoại công cộng, thánh đường Christ Church, các quán rượu
và tiệm cá chiên đúng theo mẫu Anh quốc. Song song với Thames Town là các khu
thị trấn khác là bản nhái của các kiểu kiến trúc Bắc Âu, Ý, Tây Ban Nha, Gia Nã
Đại, Hòa Lan và Đức.
Rất tiếc là
Thames Town của Thượng Hải không sống dai như các thành phố dọc sông
Thames. Tờ Business Insider của New York mô tả đây là một thành phố chết. Thật
sự nó chưa chết hẳn, mà còn thoi thóp thành nơi chụp ảnh cho các cặp tân uyên ương
con cái đại gia.
Ở quy mô lớn hơn, một đặc khu đô thị tài chánh có tên là
Yujiapu được gọi vốn đầu tư xây dựng ở Thiên Tân-Tianjin, với bản vẽ quy hoạch nhái theo đồ án trung tâm tài chính
quốc gia Manhattan của Mỹ, có thể vượt mặt Manhattan với Wall Street, và còn có
khả năng vượt mặt cả Thượng Hải, bởi nó sẽ bao gồm một cảng biển có mức bận rộn
tiếp đón thương thuyền đứng hàng thứ tư trên thế , với hàng chục nghìn cao ốc và
cả một đường sắt cao tốc nối liền Bắc Kinh, chưa kể những Cty đã có mặt tại chỗ
như Airbus, Toyota, Motorola...
Chỉ khó nỗi là các Cty đầu tư gạo cội quốc tế lo lắng về số
phận của nó không khác những thành phố ma gần đó, với hàng nghìn khu chung cư
chứa vài chục người. Một vài yếu điểm mà họ liệt kê trong lo lắng khi trả lời
phỏng vấn của Reuters là: a) tiền vốn vay từ trung ương; b) chỉ số tăng trưởng
của Thiên Tân trên đà sút giảm; c) sức cạnh tranh chính trị của Thượng Hải ở
ngay trung ương v.v...
*
Thứ ba là còi hụ báo động lưỡi bò liếm sạch Bắc Kinh.
Trận mưa ngày 21- 7-2012 đã biến Bắc Kinh thành một khu vực
nằm lọt bên trong đường 9 đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò. Cơ quan khí tượng bật
nút báo động màu da cam. Chỉ sau vài giờ, cơn mưa hung hiểm đã trút xuống Bắc
Kinh một lượng nước lên đến 177mm.
Tin nóng Tân Hoa Xã loan báo có 243 chuyến
bay bị hủy, 272 chuyến khác bị hoãn. Sau đó là thông báo có ít nhất 95 người chết và chưa rõ số mất tích... Nghe
không khác nội dung các bản tin VTV1 về các cơn mưa Hà Nội.
*
Thứ tư là còi hụ báo động về nguy cơ và tác hại của đại công
trình đập thủy điện Tam Hiệp.
Sông Dương Tử dài nhất châu Á và đứng hàng thứ ba thế giới.
Đập Tam Hiệp, chận nước sông Dương Tử ở khúc Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, là con đập
lớn nhất thế giới, đúng theo giấc mơ của Mao Trạch Đông từ năm 1958. Thời gian
thi công kéo dài từ 1993-2009. Tổng cộng 26 tổ máy có thể cung ứng 84,7TWh mỗi
năm, tương đương với 1/30 nhu cầu tiêu thụ điện cả nước.
Gần 2 triệu người bị di dời ra khỏi khu vực thi công. Khoảng
5 triệu người khác ở các vùng lân cận cũng cần di dời vì sự thay đổi môi trường
và không thể sống bằng nghề truyền thống. 13 thành phố, 140 huyện, 1350 làng bị
chìm dưới biển nước. 75 tỷ USD là ngân khoản đầu tư, nếu tính gộp cả các món
tham nhũng/thất thoát/tái định cư/tổn thất môi trường... phụ trội, người ta có
thể hình dung con số tương đương với GDP của Việt Nam lúc khánh thành con đập.
Đó là những lý do ban đầu khiến số phiếu chống và phiếu trắng
đã chiếm 1/3 tổng số đại biểu quyết định tiến hành dự án Tam Hiệp trong phiên họp
QH/TQ ngày 03-4-1992.
Những lý do nảy sinh khác (nghe quen quen) là đập Tam Hiệp đã:
- Nhấn chìm hàng nghìn di tích lịch sử và 1 khu sinh thái thuộc hàng kỳ quan thế giới;
- Khiến cho Tứ Xuyên ở thượng nguồn chịu thiệt, trong khi Hồ Bắc hưởng lợi một mình;
- Không có tác dụng ngăn chận lũ lụt, theo báo cáo của Probe International;
- Gây thảm họa lụt lội trong quá trình xây dựng;
- Phát sinh ra nạn tham nhũng trong việc tái định cư (một số quan chức bị bắt tháng 01-2000);
- Phát sinh nạn mua bán các gói thầu xây dựng (chủ tịch tập đoàn tư lợi);
- Phát sinh nạn mua bán các công việc và thụt két dự án (lãnh đạo bỏ trốn tháng 5-2000);
- Phát sinh nạn rút ruột công trình, bớt xén vật liệu, đánh tráo thiết bị... (sập cầu, 1999);
- Bị phát hiện nhiều vết nứt trước khi nghiệm thu (Chu Dung Cơ đòi hủy dự án);
- Được báo cáo tiềm ẩn các nguy cơ thảm họa như đập Bản Kiều 1975 (giết chết 20 vạn dân);
- Được làm đầy hồ nước chỉ 6 năm thay vì 10 năm trong kế hoạch, để vượt mặt thanh tra;
- Tích tụ rác và nước thải công nghiệp từ thượng nguồn;
- Cần một lực lượng vũ trang khổng lồ bảo vệ trước nguy cơ khủng bố (Đài Loan);
- Đã gây ra tình trạng sạt lở đất vì mực nước dao động 30m;
- Tăng thêm 300.000 người di tản, tốn thêm 12 tỷ USD gia cố bờ kè quanh đập năm 2009;
- Được phát hiện nằm ngay trên khe nứt/đường gãy địa chấn;
- Các vùng đất quanh đập đã báo cáo các cơn địa chấn xảy ra sau khi hồ đầy nước;
- Với trọng lượng của đập và hồ chứa 39 tỷ m3 nước có thể sinh ra địa chấn cảm ứng;
- Nếu bị vỡ vì động đất, sẽ không có phương án nào có thể ngăn chận sức tàn phá của 39 tỷ m3 nước, rất nhiều thành phố và hàng trăm triệu dân sẽ bị cuốn trôi...
*
Còn rất nhiều những tiếng còi hụ khác vang dội đất Trung Hoa
lục địa.
Với chỉ bốn tiếng còi
hụ tiêu biểu trên đây, không chỉ TQ, mà cả thế giới đang chứng kiến bài học đắt
giá về một đất nước phát triển lệch pha:
Một là, phát triển vì
mục tiêu chính trị:
- Tạo thành tích qua những công trình bề thế đứng đầu thế giới, để lấy tiếng, và để biện minh cho sự siêu việt của chế độ (như Liên Xô từng làm trước khi sụp đổ); bất kể các tai họa thấy trước sẽ đổ chụp lên hàng trăm triệu con người (đập Tam Hiệp); bất kể việc tạo dựng một hệ thống hạ tầng tương ứng (cống Bắc Kinh).
- Đẻ ra việc làm bằng mọi giá, để tạo thành tích và sự ổn định cho chế độ, dù những việc làm đó tạo ra nhừng sản phẩm vô ích (các thành phố ma).
- Vì không cần lưu tâm đến vấn đề môi sinh để giá thành sản xuất rẻ thì mới bán được và bán được nhiều, nhưng hệ quả là gia tăng quốc nạn ô nhiễm (khói phủ Bắc Kinh).
Hai là, phát triển vì
mục tiêu tư túi:
- Các tỉnh liên tục đẻ ra/tranh nhau dự án để xin tiền trung ương, dễ báo cáo chỉ số phát triển cao, và nhờ đó các quan chức đầu tỉnh giữ được ghế.
- Các dự án cũng được đẻ ra liên tục để các công ty sân sau của các quan chức đứng thầu.
- Qua đó, các quan chức cũng dễ sử dụng một phần lớn các khoản tiền trung ương cho nợ vào các đường dây làm ăn riêng.
- Bất kể hậu quả, các quan chức hô hào phát triển bằng mọi giá để mua bán công việc/chức tước/các gói thầu...
Ba là, phát triển bất
kể thảm họa môi sinh:
- Trong nhiều năm liền, Bắc Kinh coi những khuyến cáo của thế giới là chuyện “lo bò trắng răng”.
- Các “thiên tài” trong đảng từng tuyên truyền và tin rằng đã khoanh vùng và các ô nhiễm chỉ đứng yên trong các vùng đó. Nay 1/2 đất nước Tàu bị mưa axít hủy diệt hoa màu vì khói từ tỉnh này lan tỏa sang tỉnh khác, mà tình trạng Bắc Kinh và 30 thành phố chìm trong sương mù 24/24 là bằng chứng. Và nguy hiểm hơn nữa là 1/3 dân số nay không còn nguồn nước đủ sạch để sinh sống, họ chấp nhận dùng nước mà họ biết đang đưa đủ loại chất độc vào tích lũy trong người họ.
- Hiện tượng các “làng ung thư” (tức hầu như 100% số hộ trong làng đều có người trong nhà dính bệnh ung thư) không còn là chuyện lạ nữa.
Một số nhà phân tích đang bắt đầu so sánh sự điên rồ trong
cách phát triển tại TQ trong 30 năm qua với loại “Bước Tiến Nhảy Vọt” thời Mao Trạch Đông.
Thời đó, Mao tạo ra nhiều phí phạm (như nấu chảy hết mọi loại đồ gia dụng bằng kim khí để đóng góp cho kỹ nghệ) và làm nhiều triệu người chết đói.
Thời nay, lãnh đạo đảng CSTQ tạo ra phí phạm gấp ngàn lần (như xây những thành phố ma) và đang làm nhiều triệu người chết dần trong đau đớn, bệnh tật.
Thời đó, Mao tạo ra nhiều phí phạm (như nấu chảy hết mọi loại đồ gia dụng bằng kim khí để đóng góp cho kỹ nghệ) và làm nhiều triệu người chết đói.
Thời nay, lãnh đạo đảng CSTQ tạo ra phí phạm gấp ngàn lần (như xây những thành phố ma) và đang làm nhiều triệu người chết dần trong đau đớn, bệnh tật.
*
Nhìn lại Việt Nam, người ta thấy gì?
Tiêu biểu và gần gạnh nhất là ...Đập Sông Tranh 2.
Hãy thử duyệt lại tựa đề các bản tin có cụm từ “Sông Tranh 2”,
không ai ngạc nhiên về quy trình thực hiện của nó, nhân danh phát triển, nhưng
bao gồm cả 3 đặc tính vừa kể trên của Tàu: Vì mục tiêu chính trị; Vì mục tiêu tư
túi; và Bất kể thảm họa môi sinh & giết dân:
- Đập Sông Tranh 2 sẽ không vỡ, nên không có phương án di dân!
- Vụ đập thủy điện Sông Tranh 2: Phải có kịch bản ứng phó
- Đập Sông Tranh 2: Xử lý rò rỉ bằng keo chống thấm
- Vụ rò rỉ đập thủy điện Sông Tranh 2: Chưa ai nhận trách nhiệm
- Vụ thủy điện sông Tranh 2 gặp sự cố: Nhiều công trình liên quan cũng kém chất lượng
- Đập Sông Tranh 2: Cần xác định nguyên nhân trước khi khắc phục
- Chi 50 tỉ đồng “vá” đập Sông Tranh 2
- Đập Sông Tranh 2 gặp sự cố: Phải có phương án trong trường hợp xấu nhất
- Sự cố ở thủy điện Sông Tranh 2: Chưa thể yên tâm
- Thủy điện Sông Tranh 2: Dân lo ngay ngáy
- Tái định cư thủy điện sông Tranh 2: Người dân gặp nhiều khó khăn
- Quảng Nam: Yêu cầu thủy điện xả nước cứu lúa hè-thu
- Nhiều lo ngại về đập Sông Tranh 2
- Gấp rút “vá” đập thủy điện Sông Tranh 2
- Những người “vá đập” thủy điện Sông Tranh
- Lại xảy ra động đất ở Thủy điện Sông Tranh 2
- Dân thủy điện Sông Tranh xin trả lại nhà tái định cư
- Chỉ là phương án tình thế
- Sẽ hú còi để sơ tán 62.000 dân nếu vỡ đập Sông Tranh 2
Rõ ràng, từ lời tuyên bố khẳng định không cần phương án cứu dân đến giải pháp hú còi sơ tán nạn nhân ở hạ nguồn là một vùng trời nước bao la của đặc tính Trọng Chức Khinh Dân.
Đặc biệt, sau khi đọc qua các bản tin động đất thường xuyên ở
vùng Hiệp Đức-Tam Kỳ, hãy thử ghé mắt lướt qua đoạn kết ở bài báo sau cùng vừa
dẫn:
Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, cho rằng nếu động đất xảy ra gây vỡ đập Thủy điện Sông Tranh 2 thì đây là thảm họa “đồng nhất” cuồng quét một lần, chứ không giống như bão, lũ xảy ra từ từ, người dân còn cách phòng chống được. “Theo tôi, cần phải dự báo, dự lượng để đề phòng, cảnh báo đến người dân sớm hơn. Ngoài ra, chúng ta cần tính đến điểm sơ tán cụ thể, chi tiết; phải lắp đặt còi hú cho các huyện, xã, thôn, xóm và quy định cách hú còi cho người dân được biết”, ông Tuấn nói.
Rõ là lãnh đạo ta không chỉ nhập khẩu mô thức phát triển lệch
pha của Tàu, mà đã tự động nhập khẩu luôn cả một lượng lớn Còi Hụ Made-in
China.
21-01-2013 - Kỷ niệm 37 năm
ngày Supersonic Concorde chính thức bay chuyến đầu tiên, và 89 năm ngày thoát nạn
Vladimir Lenin.
Blogger Đinh Tấn Lực