Canh Hẹ Trên Trời vs. Điền Đan Dưới Đất


Canh Hẹ Trên Trời vs. Điền Đan Dưới Đất

. Đinh Tấn Lực



Facebooker Bill Gates (4.469.193 likes) vừa mới đăng bức ảnh trên, và vô tình làm dậy sóng cộng đồng mạng (VN), cả sóng thanh lẫn sóng tục, cả đàng hoàng lẫn vô giáo dục. Chỉ trong vòng 8 giờ đồng hồ, tính tới lúc ghi ảnh màn hình lại đây, bức ảnh đã có 3.723 phó bản chia sẻ, 22.156 cú bấm likes, 2.908 comments và còn đang tăng nhanh.

Nội dung mà Bill Gates chia sẻ không có gì ghê gớm. Chỉ là một nhận xét về nhu cầu năng lượng của VN gia tăng 14% mỗi năm. Kèm theo một dấu chấm hỏi là làm cách nào nhà nước VN giải quyết nhu cầu đó với một lưới điện canh hẹ rối bời như trong bức hình.

Nội dung nguyên thỉ là từ một bài báo có tựa đề “Điện lực VN: Một gánh nặng” trên tờ The Economist, báo giấy, số ra ngày 31/8/2013. Gốc gác bức hình canh hẹ trên trời cũng là từ bài báo đó.

Facebooker  Cứ Nguyễn, tức nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ, xem ảnh, tức cảnh sinh tình chằng chịt:
Chúng ta là một thứ dây nhợ chằng chịt 
Được cấu tạo bởi một xã hội chằng chịt
Được hình thành [bởi] một chế độ chằng chịt
Được cai trị bởi những cái đầu mù mịt…”.
Facebooker  kiêm nhà thơ Văn Công Mỹ đề xuất thêm mấy từ còm dí dỏm:
Chúng ta là một thứ dây nhợ chằng chịt
Được cấu tạo bởi một xã hội nhăng nhít
Được hình thành [bởi] một chế độ xôi thịt
Được cai trị bởi những cái đầu mù mịt…”.
Độ rối chằng chịt ở đây, rõ ràng không hẳn chỉ là mớ dây điện giăng mắc phủ kín bầu trời đô thị VN. Nó là biểu trưng của một quốc gia (nhăng nhít) được vận hành bằng dàn lãnh đạo (gồm những cái đầu mù mịt) thông qua một số nhóm lợi ích (xôi thịt) đang thuê bao bảo vệ là công an, dân phòng, côn đồ và điềm chỉ viên (quấn nhau chằng chịt).

Riêng điều đó thì chắc là Bill Gates mù mờ, hoặc, ít ra, giả tảng mù mờ. Không khác gì chàng đã từng giả tảng mù mờ về chuyện sinh viên VN được đội cò giáo dục đại học đầy học hàm học vị tại đây “hướng dẫn” làm sao để có cơ hội gặp mặt và níu tay chàng năm nào ở VN.

Kể cũng khó lòng mà Bill nắm được các số liệu mới luân lưu trên mạng gần đây là cứ trong sáu người lao động VN đã có một người làm việc cho an ninh hay cộng tác với an ninh (Carl Thayer ước lượng cả thảy lực lượng này lên đến gần 7 triệu người).

Hoặc, không chắc Bill có cơ hội đọc được số liệu so sánh của nhà báo Bùi Tín trong một bài viết mới đây:
"Trong 30 năm chiến tranh cả Bộ Công an chỉ có 3 sĩ quan cấp tướng và 7 đại tá, mà nay riêng Bộ này đã có 13 Tổng cục, 38 Cục và Vụ, hơn 160 tướng, 360 đại tá và thượng tá, cả một đạo kiêu binh được thăng cấp và tăng lương nhanh nhất, chỉ để bảo vệ đảng là chủ yếu, không coi dân ra gì..."
Thế là, hóa ra, cả tờ Economist lừng lẫy lẫn Bill đại thụ, đều …chém phải gió.

Chỉ vì nhu cầu năng lượng có tăng mấy cũng chẳng có chi đáng ngại: Nó không bảo vệ đảng, cũng không giúp được gì cho mối lo mất đảng. Vả, mất nước còn chẳng đáng lo, lo gì mất điện (là chuyện xảy ra hàng ngày ở huyện)?

Karl Marx bảo: “Hạ tầng cơ sở quyết định Thượng tầng kiến trúc”. Bill là người tài cao hiểu rộng, và là một doanh nhân hạng khủng, thế nào cũng biết. Bill chỉ có thể chưa kịp biết là: Sau khi Đệ tam Quốc tế tan hàng rã đám, thì ở các nước bám càng bị gãy răng văng lợi này, khẳng định của Marx được chêm thêm đôi chữ: “Hạ tầng cơ sở bạo lực quyết định sự tồn tại của Thượng tầng kiến trúc”.

Do vậy, hãy quên đi điện lực/năng lượng/giáo dục/y tế/lao động/tài chính/giao thông… các thứ . Ngân sách quốc gia, tức tiền thuế của dân, thậm chí cả viện trợ ODA, chỉ rót vào ngành an ninh, sau khi đã trám đầy nhiều két sắt trung ương và các trương mục Thụy Sĩ.

Bởi, điện lực/năng lượng/giáo dục/y tế/lao động/tài chính/giao thông các thứ… chỉ có giá trị ngang hàng với phong bì và chung chi là hết mức. Dân có ngu nhiều đời vì sách giáo khoa, hay có chết hàng loạt vì tiêm vắc-xin, cũng chỉ là chuyện muỗi. Cái mà nhà nước này cần củng cố phải là thứ trụ cột chống bão cho chế độ. Nghiệm ra thì chỉ có an ninh/dân phòng/côn đồ/điềm chỉ là thứ hạ tầng cơ sở đáng để nâng niu.

Bằng cách nào?

Một, gia tăng nỗ lực rót quyền và rót tiền từ thượng tầng bạo lực vào các tiết mục ưu đãi đặc cách: Thăng cấp, tăng lương, thêm phụ cấp, cho phép mở rộng địa bàn, bảo kê và khuyến khích bảo kê thông thoáng ở mọi cấp, thậm chí miễn phí tiền trường cho con em của CA… nói chung là nuôi dưỡng và phát triển lòng trung thành. Đổi lại là CA có cả quyền bắt dân quỳ gối xem đến tàn cuộc nhậu.

Hai, gia tăng sự hỗ trợ của đệ tứ quyền lực hệ chính quy: Báo đài được đặt hàng nhiều hơn và nhặt hơn để bẻ cong mọi sự kiện hầu đánh bóng hoạt động của an ninh. Điển hình gần nhất là trong thời gian kỷ lục đôi ba ngày đã có hàng loạt hơn 40 bài báo (cả chữ lẫn hình/cả TW lẫn địa phương) thi đua ca tụng sự tráo trở/lật lọng bản cam kết thả người bị bắt trái phép ở giáo phận Mỹ Yên.

Ba, gia tăng sự cộng tác của hệ ăn chia là ngành tư pháp: Sử dụng liên tục các bản án bỏ túi vi hiến và vi luật, thậm chí, sử dụng cả những thủ thuật hạ cấp để khép tội người ngay, án chồng án, giam nuôi án, thậm chí đánh tù nhân què cẳng (Paulus Lê Sơn), với hy vọng răn đe và làm chậm lại phong trào nhân dân phản đối chính sách hèn/ác của đảng và nhà nước.

Bốn, gia tăng sự cộng tác của hệ ăn theo là các ngành “nguyên & cựu”, thông qua hệ sổ hưu và những món tiền còm theo suất. Nhằm rỉ tai bà con hàng xóm như những chiếc loa phường lưu động; hoặc, tuyên truyền cô lập các đối tượng trong sổ đen của an ninh; hoặc, kéo nhau đến quậy phá/quấy rối nơi làm việc của nạn nhân (Viện Hán Nôm, chẳng hạn); thậm chí, làm nhân chứng cho các cuộc khám nhà tịch thu vi tính/di động/máy ảnh của nạn nhân…

Năm, tổ chức rềnh rang có quay phim/chụp ảnh/đăng báo/truyền hình các cuộc thực tập quy mô cực kỳ tốn kém tại các địa bàn trọng yếu, dưới tên gọi “chống khủng bố/chống biểu tình bạo loạn…”. Nhằm hù dọa số đông thầm lặng đang ủng hộ những người biểu tình tuần hành giữ đạo/giữ đất/giữ nước… hay đòi công lý/công bằng/tự do/dân chủ.

Sáu, ở cấp chính phủ, là thường xuyên ban hành những lệnh cấm, dưới dạng nghị định/quyết định/sắc lệnh/thông tư hướng dẫn: Làm nền tảng cho mọi nhũng nhiễu/bạo hành/cửa quyền… giúp hạ tầng cơ sở CA huơ gậy/nghe lén/cắt mạng/cúp điện thoại/xét hộ khẩu/ném chất thải/tung hơi cay/múa dùi cui/đập vỡ sọ/vụt gãy cổ/thậm chí nổ súng trực tiếp vào dân.

Tất cả, chỉ nhằm mục tiêu nắm sẵn trong tay một lực lượng vũ trang có đủ tiêu chuẩn máu lạnh để giết dân.

Dưới đường phố: Giải tán biểu tình bằng phương pháp cắt đoạn, đánh tan, hốt nóng, bắt nguội. Nếu cần thì đàn áp bằng bạo lực/quặt tay/đạp mặt/xiết cổ/quăng xe/bắt người về đồn hoặc về trại phục hồi nhân phẩm/đánh đập/tra khảo.

Trên mạng ảo: Phân hóa các nhóm đồng tâm hiệp lực, cũng thông qua phương pháp tương tự: Ly gián, bằng các lý cớ dựng chuyện đâm thọc/giả giọng cực đoan/gài bẫy tiền/đặt bẫy tình/xoay hướng nhóm/tạo bất đồng/gây hiềm khích/khen lên mây/chê xuống vực/thả tỵ hiềm/chêm khoảng cách/tách trong-ngoài/chia Nam-Bắc/trách cứng-mềm/chẻ nhỏ nhóm… Công đoạn chót là cô lập/gửi giấy mời/triệu tập/đón lỏng/bắt nguội/tạm giam quá hạn/khởi tố/áp án (đơn cử trường hợp Đinh Nhật Uy).

Tại Hội nghị công tác tuyên giáo toàn quốc ngày 09-12-2012, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi khoe rằng: 
Đã tổ chức đội ngũ 900 thành viên trên toàn thành phố nhằm phát huy sức mạnh của đội ngũ tuyên truyền miệng. Trong khi đó, báo chí thủ đô thực hiện ý kiến chỉ đạo về những vụ việc nhạy cảm; thành lập các tổ phóng viên bấm nút, phản ứng nhanh... Tổ chức ‘nhóm chuyên gia’ đấu tranh trực diện trên mạng Internet, tham gia bút chiến trên Internet. Đến nay, đã xây dựng được 19 trang tin điện tử, hơn 400 tài khoản trên mạng”.
Có nghĩa là riêng địa phận thủ đô tự hào đã đào tạo/chu cấp cho non nghìn “Điền Đan thời @”, tên tộc là dư luận viên (DLV). Các thành phố khác cũng dễ nào chịu thua. Mai Mộng Tưởng, Phó ban tuyên giáo của Đà Nẵng, tiết lộ đã nuôi quân DLV từ năm 2010… Hội nghị Tổng kết công tác tuyên truyền miệng năm 2012  nêu con số gần 80 nghìn “tuyên truyền viên miệng” đã được đưa vào hoạt động làm DLV. Chưa kể một sư đoàn tin tặc chuyên nghiệp phục vụ cho an ninh dưới tên gọi công an mạng (CAM) mà Vũ Hải Triều đã từng long trọng tuyên dương thành tích trong Đại hội Nhà văn mấy năm trước. Và cả bọn chuyên lãnh lương, ăn nhậu, rồi nghĩ ra trò mới hại người.

Một số không ít những nhân vật đấu tranh cho dân chủ ở đây đã kinh qua các trò ly gián của mớ côn đồ trên mạng mang nhãn Điền Đan. Một số rất ít bị sập bẫy. Một số ít đã bị mất mật khẩu/trương mục email, blog hay FB về tay tin tặc. Phần lớn đã dùng lý luận/chính nghĩa để hô biến đám DLV. Một số khác chịu khó lật mặt nạ từng tên, cả CAM trước đây và DLV gần đây (ví dụ trường hợp Phêrô Huỳnh Nguyễn Minh Toàn, chẳng hạn).

Nhờ đâu mà các anh chị em Blogger/Facebooker đứng vững và vượt qua sức tấn công biển người (và hạ đẳng) của CAM&DLV trong thời gian qua?

Một, tấm tình gắn bó với nhau và biết là đang đứng cùng với chính nghĩa đấu tranh. Nghĩa là “Cho dù có thế nào chúng tôi vẫn tin nhau hơn là tin bọn côn đồ đâm thọc”.

Hai, thẳng thắn trò chuyện nhằm giải tỏa ngộ nhận, nếu có. Nhất quyết không đặt vấn đề hoặc gây áp lực với đồng đội bằng những dữ kiện của CA (hay nghi ngờ là của bọn đâm thọc).

Ba, kiểm chứng các dữ kiện qua nhiều nguồn khác nhau trước khi kết luận theo hướng mà bọn DLV nhắm đến (và tạo ra một hình ảnh biểu kiến là nhiều người nghĩ vậy).

Bốn, biết chắc rằng chính mình cùng đồng đội mình sát cánh nhau chỉ vì đã đặt dân tộc và lý tưởng tự do dân chủ cho VN lên trên hết, lên trên cả tập thể nhóm hay phong trào/tổ chức/đảng phái… và đó chính là lý do khiến an ninh phải dụng công ly gián làm phân hóa nhóm.

Năm, biết chắc là khi phong trào càng lớn thì sức phản công của nhà nước càng mạnh. Ngược lại, khi lệnh cấm hay lệnh bắt của nhà nước càng nhiều thì sự bất lực của nó càng lộ rõ: Hết Vở!

Trong bối cảnh đó, các thứ tuyên truyền theo kiểu Không thể ‘tam quyền phân lập’…” (Bùi Văn Học – ANTPĐN), hayGiữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng là trách nhiệm và nghĩa vụ của chúng ta” (Lê Mạnh Thắng -  ANTĐ), chỉ càng tô đậm thêm bức tranh Vỡ Trận.

Và chắc chắn sẽ làm cho cả Bill Gates lẫn cựu Thủ tướng Anh quốc Tony Blair đang lăm le đóng vai trò cố vấn cho Chính phủ VN về kinh tế hẳn thêm phần nhức đầu.

Họ sẽ không hỏi làm cách nào VN có thể giải quyết những vấn nạn kinh tế chằng chịt đó trong một thể chế công an trị.

Họ sẽ tự hỏi tại sao lại phải thò chân vào cái hố phốt đậm đặc bốc mùi này!

*

Bill chỉ dùng lại bức ảnh chằng chịt trên báo Economist.

VN có hàng trăm tác phẩm dây điện chằng chịt hơn thế nhiều.

Hãy thử ngắm một bức trên trang nhà của một Facebooker quen thuộc và thử ngẫm xem bạn thấy gì qua đó?




Đừng nghĩ tới lá cờ đỏ làm nền, hay tờ quảng cáo sửa Ti-Vi trên tường.

Có phải là những dây lạp xường này sẽ bị cắt khúc trước khi chiên hay nướng?

Chúng ta, những tay dân báo, bất kỳ là blogger hay facebooker, có tự coi nhóm mình là những dây lạp xường đó không, hay chúng ta đã bện vào nhau thành một sợi thừng đang thắt hình thòng lọng dành cho cái chế độ công an trị chết tiệt này?

10-09-2013 – Kỷ niệm 58 năm tròn ngày khai sinh cái bộ phận có tên là MTTQ.
Blogger  Đinh Tấn Lực

·         Chú thích nhỏ: Điền Đan (田單) là tướng nước Tề thời Chiến Quốc, từng được coi là bậc thầy dùng kế ly gián.