Rửa Chân Cho Đỡ Nhục Mặt?

Rửa Chân Cho Đỡ Nhục Mặt?

. Đinh Tấn Lực

Qua bài viết “Năm nay là năm của các anh”, tác giả Mẹ Nấm đã dày công liệt kê và đúc kết hoành tráng những “thành tựu và cống hiến” tận tụy suốt năm của CA. Theo đó, bộ phận CA nước nhà quả xứng đáng được trao giải Cúc Cung 2010.

Ăn theo Mẹ Nấm, nhiều người bàn tán xôn xao, kết nối với cả dọc hội nghị 12-13-14… cuối năm, làm nền cho 1 đại hội toàn đảng nhất định là đông-vui-hao vào đầu năm tới. Đặc biệt là những lời bình về câu khẩu hiệu “còn đảng-còn mình”, với một dấu chấm hỏi treo ngành: Bao Lâu?

Cũng chẳng ai quên góc đấu tranh đánh sập mạng (ảo), một hoạt động CA sôi nổi không kém bình diện đấu tranh đánh dập mạng (dân), với hai nạn nhân te tưa gần nhất đang tựa vào nhau mà đứng là Đàn Chim Việt và Dân Làm Báo.

Thử Google cụm từ trong nháy “trang mạng bị đánh sập”, Google bật lại 4.150 kết quả, với đa phần dẫn/chứa tên tướng CA “Vũ Hải Triều”. Lại thử truy tìm cụm tên vừa dẫn, Google búng tay nhả ra 88.600 kết quả, với không ít những liên hệ tới lời khoe thành tích đánh sập các trang mạng thông tin.

Google không đùa. Nó cũng chẳng tư thù riêng ai. Nó chỉ truy tìm giúp trong vòng trên dưới thời gian cần thiết cho một cái nháy mắt, để cho ta hàng vạn kết quả liên hệ đến cụm từ mà ta cần tìm hiểu.

Google không hề kết luận rằng Vũ Hải Triều chủ mưu hay đích thân ra tay đánh sập 300 trang mạng, đồng thời ăn cắp mật khẩu của hàng trăm trương mục email khác. Nó chỉ liệt kê ra hàng vạn bài viết có liên quan đến cả tên tuổi/chức vụ của Vũ Hải Triều lẫn chuỗi vụ việc các trang mạng thông tin bị phá hoại do Triều hãnh diện khoe khoang, ngay trong đại hội Hội nhà văn VN kỳ 8. Chuyện nối kết/đúc kết/tổng kết… là chuyện của người đọc.

Google nhất quyết không buộc ai phải suy đoán tất cả những gì xảy ra đằng trước chuỗi động thái phá hoại đê tiện đó; mục tiêu của chúng là gì; hay những gì có thể xảy ra tiếp theo sau những bản báo cáo thành tích khủng bố vừa kể. Các việc suy luận này cũng hoàn toàn là của người đọc.

Vậy thì, người đọc thấy gì/nghĩ gì/hiểu gì?

Phải chăng đó là hệ lụy kéo dài của một chuỗi lắm điều đáng phiền:

Đáng phiền một: Những trang mạng bị đánh sập (hoặc bị đánh dật dờ/ngất ngư nhiều lần và vẫn còn đang bị quấy nhiễu ngay vào giờ phút này), đều là những trang mạng thông tin có lượt truy cập (cho dù là khách quan đến đâu đi nữa, cũng) đã khiến cả dàn tuyên giáo TW và bộ 4T độn thổ không hết nhục. Cả một hệ thống “chính quy” trên dưới 700 báo đài (đều là “Cơ quan Ngôn luận của…” cái gì đó), từng tùy nghi sử dụng nhân/vật/tài lực của quốc gia năm này qua năm khác, mà không đọ nổi con số lẻ trong lượng truy cập của các trang “nghiệp dư” (và đáng phiền hơn hết là nó) không dính/không của/không thuộc một đoàn thể/tổ chức/đảng phái nào (như BVN, anh3Sam, Dân Luận, X-càphê, Đàn Chim Việt, Talawas, DanLamBao… chẳng hạn).

Kết Một, ở đây, chính là: Phải hắc, phải dDoS, phải khiến cho nó vất vả tái tạo hay dọn nhà… để rửa mối nhục chính quy ế hàng (Năm nay là năm của các anh!).

Đáng phiền hai: Khán giả truyền hình (chẳng hề bảo nhau, nhưng hầu hết đều) tắt máy trước giờ tin tức/xã luận bắt đầu. Hệ báo in giấy, nếu không nhờ các cơ quan đặt mua (cho nhân viên đọc, hay cho có, hay cho nhiều việc linh tinh khác) thì hiện chẳng còn cách nào giúp cho các sạp báo tồn tại. Hệ báo mạng quốc doanh đã triển khai hết công suất các tiết mục tươi mát/lộ hàng/tình yêu giới tính… mà chẳng câu nổi khách. Lại còn phải liên tục đối phó với tình trạng đăng bài vài giờ là gỡ xuống… Trong lúc các trang web/blog (dù chẳng hề là cơ quan ngôn luận của bất kỳ đoàn thể nào) lại càng ngày càng phong phú loại tin nóng sốt khắp nước, cập nhật hàng giờ, có cả hình ảnh/âm thanh/video quay sát sườn, quan trọng hàng đầu là loại tin tức không thể tìm đâu ra trên dàn báo đài 4T. Cho thấy là công dân làm báo nhanh hơn/thật hơn/đầy đủ hơn/đáp ứng sự chờ đợi của độc giả nhiều hơn.

Kết Hai, ở đây, chính là: Phải hắc, phải dDoS, phải khiến cho nó vất vả tái tạo hay dọn nhà… để rửa mối nhục chính quy bại liệt (Năm nay là năm của các anh!).

Đáng phiền ba: Tính từ đận nước nhà thống nhất với đường ray Xuyên Việt và đoàn tàu Bắc-Nam 72 tiếng khởi động hồi 1975 của thế kỷ trước, tới nay, những 35 năm sau, dường như tình hình thống nhất lòng người mới thật sự hình thành, thông qua những dữ kiện mà người ta biết chắc là không bị bóp méo; thông qua những so sánh giữa các dữ kiện đó với thực tiễn sờ mó được; thông qua những mặt nạ rụng rơi theo các bức màn sắt/màn tre; thông qua những lời bình luận sắc sảo nhiều chiều từng bị nhà nước dán nhãn là phản biện ngang hàng phản động v.v… Tất cả quy về một mối là sức mạnh của Sự Thật (chỉ tìm thấy trên những trang mạng ngoài luồng).

Kết Ba, ở đây, chính là: Phải hắc, phải dDoS, phải khiến cho nó vất vả tái tạo hay dọn nhà… để rửa mối nhục chính quy dối trá bị lột trần (Năm nay là năm của các anh!).

Chí ít đó là 3 thứ đáng phiền xỏ xâu kết chuỗi làm thành cái chính sách rửa chân cho đỡ nhục mặt cả nền báo chí 4T nước nhà.

Hệ quả nối dài từ đó cũng có thể tạm lược như sau:

Hệ quả một: Phản ánh ngay trên màn hình hiển thị là một nhà nước mù lòa, thiểu trí, khiếm năng. Không đủ sức điều hành cho ra hồn một hệ thống tuyên truyền có đầy đủ nhân lực/phương tiện/ngân sách… chí ít là có thể cạnh tranh trong sáng, chính thống và chính thức với hệ thông tin ngoài luồng. Cũng chẳng có khả năng đối thoại/tranh luận/phản biện để chứng minh chỗ đứng của lẽ phải. Ngược lại, biện pháp duy nhất có thể thực hiện là bịt miệng nhân chứng, bằng tay trước tòa, hay bằng hắc-kơ, bằng tường lửa, bằng dDoS…

Kết Bốn, ở đây, chính là: Nhục cấp hai (đích thực Năm nay là năm của các anh!).

Hệ quả hai: Đối sách “ngoi lên bằng cách đạp kẻ khác xuống” đó càng là thứ hạ đẳng, khi phải huy động CA bao sân khủng bố. Từ sân trường, hè phố, đồn bót, nhà thổ, camera phone… cho tới giấy triệu tập, dây lưng thắt cổ, ảnh đã qua PS chỉnh sửa, và cả màn hình máy tính. Các biển báo “Sinh Tử Lệnh” chỉ làm được mỗi chuyện là xác nhận/chứng nhận/rao nhận với cả thế giới rằng đây là một chế độ công an trị. Đối sách mượn tay/thuê mướn/mạo danh xã hội đen này đã được nâng cấp lên hàng Chính Sách, ngày càng tỏ ra cần thiết và quan trọng như thời cuối thập niên 80s ở Đông Âu.

Kết Năm, ở đây, chính là: Dù ngay sát chân tường,“Tao” vẫn nắm trong tay toàn quyền khủng bố (đích thực Năm nay là năm của các anh).

Hệ quả ba: Nhà nước đẩy dân vào thế đối đầu không cần chọn lựa. Vượt tường lửa là một thực tập bước đầu. Dân hết sợ CA và sẵn sàng bao vây trụ sở tỉnh ủy nếu cần. Nhà nước đã huấn luyện cấp tốc cho nhân dân phương thức thao dượt các thế trận đấu tranh bất bạo động. Mặt khác, nhà nước đã định hướng giúp dân níu nhau mà đứng thẳng. Dưới phố là Thái Hà và Thái Nguyên. Trên mạng là Đàn Chim Việt và Dân Làm Báo. Các vụ việc hắc mạng lúc đầu có vẻ tạo ra một số bực mình cho chủ các trang mạng không trực thuộc một tổ chức nào, nhưng dần dà trở thành một loại game-online, trong đó, nhà nước phí sức/phí tiền mà chỉ đạt được mỗi cái cười ruồi của các chủ trang. Hoặc cùng lắm là dăm ba bản kể công khủng bố của chính cái bộ phận có nhiệm vụ hàng đầu là giữ gìn trật tự. Nhiều căn nhà tạm mọc lên. Nhiều xóm nhà mới hình thành. Lại thêm hằng hà những dãy nhà kho trữ bài phòng khi nhập game. Quan trọng hơn, và mang tính sinh tử thực thụ, là một câu hỏi phát sinh ngay từ giới cầm bút có thẻ nhà văn/nhà báo: “Giật Sập Thêm 1 Trang, Giãy Được Thêm Bao Nả?”.

Kết Sáu, ở đây, chính là: Tầm nhìn của nhà nước không xa quá chóp mũi, còn của CA thì không qua khỏi tròng kính cận. Nó không dám chọn lựa các tổ chức đối trọng, mà đã dồn sức nâng cả Đàn Chim Việt cùng Dân Làm Báo lên hàng đối thủ ngang tầm rồi ra đòn dưới rốn (đích thực Năm nay là năm của các anh!).

Trong đấu tranh bất bạo động, đây là loại phản ứng tặng không cho đối thủ một thứ small victory – chiến thắng nhỏ.

Triều này, nhớ đừng tạo quá nhiều cơ hội cho các chiến thắng nhỏ đó tích tụ lại/chồng chất lên nhau trong năm 2011, hỉ?


23-12-2010. Nhân đọc bài của ĐCV tạm gửi đăng trên DânLàmBáo.

Blogger Đinh Tấn Lực