Đánh Đổ Máu Bạn Của TNLT, Được Gì?


TranMinhNhat00

Đánh Đổ Máu Bạn Của TNLT, Được Gì?

. Đinh Tấn Lực

Tù nhân Lương tâm Trần Minh Nhật mãn án, ra tù. Ngay vào mùa cả đản dồn sức ăn mừng “quốc khánh” thứ 70. Trùng khớp vào mùa Cô Hồn giữa tháng Bảy ta.
Vở diễn còn đang chờ tổng dượt. Vở doạ đã kéo màn nhiều bận.
Trước tiên, cô-hồn-các-đản tới nhà anh trai của bạn Nhật để doạ dẫm gia đình dưới vỏ dáng “kiểm tra hộ khẩu”, khiến chị dâu của bạn Nhật bị lên cơn co giật rồi bất tỉnh, phải nhập viện cấp cứu.
Đi đón bạn Nhật ra tù không chỉ là thân nhân hay bạn bè ở Vinh, mà còn gồm nhiều bạn hữu từ cả hai đầu Sài Gòn và Hà Nội. Không khí đón tù vui như hội. Hoa đón tù nhiều như tiệc cưới. Còn nước mắt với nụ cười thì nở rộ chẳng khác gì sen giữa Hạ.
Thế là cô-hồn-các-đản ở Lâm Hà vội vàng chuyển cảnh. Sáng ngày 28/8/2015, tất cả lật đật hoá trang thường phục, nhưng không dấu được những áo lót với vớ xanh cứt ngựa.
Một trong ba chuyến xe đưa bằng hữu của bạn Nhật vừa rời khỏi Lâm Hà vài cây số thì bị hàng chục côn đồ chặn lại. Nếu không từng biết mặt quen tên bọn cướp cạn địa phương này thì chưa chắc tài xế đã dừng xe.
Pha hành động của cuốn phim Trả Thù Thô Bạo này xảy ra ngay trên xe, và cả dưới đường, sau khi bọn cô-hồn-các-đản ở Lâm Hà lôi hành khách xuống xe để tiếp tục đánh đấm, giật phá tài sản của họ.
TMNhat04
Để được gì?
Một là, để chứng minh rằng mỗi địa phương có một triều đình riêng, một hệ vua riêng, coi chính phủ hay Trung Ương chỉ như “cái mặt CA”, và có thể thách Trung ương coi có dám động tay động chân gì cho há miệng mắc quai chăng, một khi chính Trung ương đang rầm rộ dịch chuyển sang chính sách đối nội bằng côn đồ.
Đây mới chính là cốt lõi của cái tuyên ngôn độc lập từng được đọc trên khán đài ngày cướp chính quyền 70 năm trước. Chỉ vỏn vẹn 70 năm mà nước ta xây dựng được tổng cộng 11112 triều đình cấp Phường/Thị trấn/Xã, chẳng phải là một kỷ lục rực rỡ đáng tự hào gấp vạn lần hơn cái nồi lẫu 3 tấn hay đòn bánh tét 21 thước kia hay sao?
Hai là, để làm nhoè bức ảnh đón tù rất đáng bực mình vì còn đang luân lưu nhiều vòng trái đất kia. Không thể nào như vậy được! Không thể nào các vì vua cấp xã này chịu đựng nổi cái hình ảnh tù chính trị về làng trong cảnh Trạng Nguyên vinh quy bái tổ. Lại là thứ tù chính trị mang tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền” nữa chứ!
Không thể có bất kỳ hình ảnh nào quang vinh hơn là một tập thể cô-hồn-các-đản đã từng gan góc hô hào chống ách nô lệ của Pháp, hay gan góc hô hào đứng về phía đồng minh chống phát xít bấy nay, như bản tuyên ngôn có nói tới từ 70 năm trước. Thế thì phải đánh nhoè nó thôi, bằng máu của nó!
Ba là, để cho những người nổi tiếng, ở cả hai đầu đất nước đến đây đón bạn ra tù, sẽ thấy bài học máu me lênh láng này, đi tiếp ngay sau những bài học thịt nhừ xương gãy của Chí Tuyến ngoài Hà Nội hay Quang Tuyến trong Sài Gòn, mà nhũn người ra…
Bởi, một khi giấy triệu tập không làm họ sợ; lập chốt canh trước nhà không làm họ sợ; đổ keo dán sắt vào khoá cổng không làm họ sợ; trại phục hồi nhân phẩm không làm họ sợ; cả tù ngục cũng không làm họ sợ… thì chẳng hoá ra là hệ triều đình khắp nước này đã …hết nước rồi sao?
Bốn là, để tiếp tay hỗ trợ cụ thể, như kiểu “hợp đồng tác chiến” với “trận đánh lớn” phân hoá nội bộ phe dân chủ đã được khởi động khá nhộn nhịp hơn tháng nay, bằng phương pháp “xát cá thối” vào những nhân vật gạo cội, từ Công Định trong Nam ra tới Mai Dũng ngoài Bắc. Cứ rỉ tai đầu này để gây tị hiềm hay ngờ vực ở đầu kia, thì có bao lâu mà cả làng chẳng phân loại chia phe đánh nhau loạn xạ?
Một khi mà tên tuổi/uy tín huy động quần chúng của những nhân vật đó, vốn là mối nguy tiềm tàng như tàu ngầm hạch nhân đối với tập thể côn-đồ-các-đản, mà lại có cơ trở thành những tảng băng nổi có thể đánh đắm con tàu Titanic từng được mệnh danh vô địch muôn năm không thể chìm, thì quả là… đã đến giờ ra tay thôi. Và còn gì nhạy cảm mà hữu hiệu hơn là hai ngọn dáo tiền & gái cho chiến dịch đó, hay gậy gộc cùng máu me cho chiến dịch này?
Năm là, tạo ra phép thử, xem giới ngoại giao từng bảo trợ cho giới dân chủ này sẽ làm gì nào? Đặt điều kiện áp lực trên những lời “cam kết” viện trợ ODA chăng? Gây thêm khó khăn trong tiến trình hội nhập cộng đồng kinh tế TPP chăng?…
Điều này nhắc nhớ nhiều người về cái đận WTO. Nào có khác gì? Ta cứ thả dăm ba người bắt lại chục người, và đánh đổ máu vài người khác, mà vẫn được nước bạn Campuchia ký tên đồng ý cho ta gia nhập vào WTO đó thôi! Phần chậm chân bất lợi à? Không đâu. Nhà nước chậm chân thì nhân dân uống nước đục chứ lãnh đạo thì vẫn XO pha Coke hàng ngày đấy!
Sáu là, tạo ra một phép thử khác cho người vô thần, về độ chắc của dàn giá búa liềm, xem, với những kết quả máu me trong mùa Vu Lan này, thì hệ luỵ Đảo Huyền, tức là treo ngược bố mẹ và cửu huyền thất tổ lên cái dãy giá búa liềm kia có thật xảy ra hay không?
Chắc là không. Chí ít là không thấy được. Cũng không thể nào cái dàn giá búa liềm đó sập được. Liên Sô với Đông Âu là chỗ nào vậy? Ở đây, bảy mươi năm rồi màu máu trên dãy giá đó vẫn còn tươi. Và sẽ còn tươi muôn năm, một khi mà hàng ngũ giới dân chủ còn đổ máu với đản và rỉ máu với nhau, như giờ.
Thật!

28/8/2015 – Tròn 52 tuổi bài diễn văn “Tôi có một giấc mơ” của TS Martin Luther King Jr. trước nhiều trăm ngàn người tuần hành tại Hoa Thịnh Đốn.
Blogger Đinh Tấn Lực

Anh ơi ời,


condoThanhLiet

Anh ơi ời,

Bạn bè hú nhau ơi ới để xem ảnh anh trên mạng.
Giờ này không khéo cả nửa thế giới cư dân mạng đã biết đến anh.
Sao lại thế anh? Ôi, cái bàn tay nhỏ nhắn kia từng đêm đêm làm em ngất ngây chằm chặp, thế quái nào đủ to mà che kín được cả khuôn mặt điển giai của anh cơ chứ?
Mà sao lại phải che giấu chứ? Anh thấy ngượng chăng? Anh thấy ngại có người nhìn mặt đấy chăng? Thế thì điều gì đã khiến anh phải ngượng/phải ngại cơ chứ? Trước khi đập phá nhà chú Dũng & chị Thảo thì anh có phải ngượng/ phải ngại thế đâu? Trước khi giả danh côn đồ thì anh nào đã bao giờ thấy ngượng/thấy ngại thế đâu?
Nếu anh ngại bố mẹ nhìn thấy bức ảnh này mà nhận ra thằng con đốn, thì có che mặt đến mấy cũng đã trần/đã trễ rồi anh à. Bố xem xong ra sân đốt thuốc, thở dài. Mẹ bỏ cơm, thút thít chán rồi rút vào buồng, như thể sợ hàng xóm ghé hỏi thăm. Bố nói giá mà nó bại liệt từ nhỏ mà ngồi nhà với bố mẹ còn đỡ nhục hơn vai u thịt bắp mà ngoản mà ngoan với lũ cường hào ác bá ngoài đường như giờ. Mẹ bảo có ai rứt ruột sinh con mà mong cho nó có ngày du côn/du đãng, phá làng/phá xóm? Lại nghe lời lũ con hoang kia mà đi phá nhằm chỗ tử tế như thế… thì thà đẻ ra quả trứng đem rán tóp mỡ còn hơn! Rồi mẹ đi thắp hương bàn thờ, như thể xin tạ lỗi với ông bà. Trời ơi, có bao giờ anh nghĩ tới chuyện mẹ phải tạ lỗi với các cụ vì đã lỡ đẻ ra anh không?
Phần em thì em tự phân vân, chẳng hiểu ma trêu quỷ ám gì mà khiến anh rồ đến thế.
Giả như anh từng được đào tạo tính dũng cảm bằng bài học bước chân trần qua bãi vụn miễng chai thì chẳng nói làm gì. Đàng này, thân cao thước sáu mà lại cúi đầu giả dạng côn đồ để “dũng cảm” đánh tét đầu/gãy sống mũi người lương thiện; hay hất đổ những mẹt thúng mũng của bà con hàng rong; hay cưa đá gây bụi mù phủ chân tượng đài vua Lý; hay giật giải băng kính viếng các đám tang, hay… Thôi nói không xuể, kể không hết những điều khiến mẹ cha và chính bản thân em cũng không thể nào chịu nhục được nhiều hơn nữa.
Em không thể nào lý giải được cái gì khiến cho anh biến thể từ một cậu học trò thông minh thành một tên vô lại hành hung đồng bào mình chỉ vì mấy đồng bạc bẩn và dăm chai bia mọn. Anh hoàn toàn có khả năng làm người làm ăn lương thiện kiếm ra nhiều tiền hơn thế gấp bội, và sống tự hào về mình với mọi người chung quanh gấp vạn lần hơn.
Em, dù rất thương bố mẹ và thương anh từ thuở học cùng lớp cấp hai, nhưng đã gạt lệ nhận ra rằng cũng không thể nào sống chung với anh và nỗi nhục này suốt đời mãi được.
Em cũng không muốn cái bào thai này với anh sẽ ra đời dưới sự phỉ nhổ của một nửa thế giới cư dân mạng đã xem ảnh, đặc biệt của bạn bè em, hay bạn bè nó sau này, về “thằng bố” tự hào sống đời cầm thú như anh hay như thằng Đản. Em sẽ rời cái “thủ đô vì hoà bình” của bọn côn đồ gậy gộc lên đời này. Em tự lo được cho bản thân và cho con bằng một nghề lương thiện. Em muốn dạy con làm người lương thiện trước khi nó được sinh ra.
Anh đừng tìm em, vô ích. Em không tin sẽ có ngày anh tự sám hối với bố mẹ và hứa hoàn lương, nhưng thâm tâm em thì vẫn mong như vậy, cho con, chứ không phải cho em.
Vĩnh biệt anh.
Em
(25/8/2015 – Đinh Tấn Lực sưu tầm)

Những Ngọn Cỏ Gió Đùa Suốt 70 Năm


GSVuMinhGiang

Những Ngọn Cỏ Gió Đùa Suốt 70 Năm

. Đinh Tấn Lực
Rường xôi cột trổ chưa nên mặt
Cao lớn làm chi bần hỡi bần?

(Bùi Hữu Nghĩa)
Bài phỏng vấn GS TSKH Nhà giáo Ưu tú Vũ Minh Giang (GS VMG) của BBC, “Đa đảng là mô hình, không là tiêu chí”, tuy ngắn gọn nhưng vẫn còn thừa một vài hạt sạn.
Tạm kể: GS VMG không phải là một trong những Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN đương nhiệm.
Ông nguyên là Phó GĐ kiêm Phó bí thư đảng uỷ Đại học QG Hà Nội, và đang là Chủ tịch Hội đồng KH-ĐT Đại học QG Hà Nội.
GS VMG, cùng PTT Vũ Đức Đam, đều có tên được đăng trên trang nhà “Hội đồng Dòng họ Vũ-Võ” do GS Vũ Khiêu thành lập.
Ông từng bị ít nhiều tai tiếng về hoạt động kinh doanh bằng dỏm hoặc liên kết với trường dỏm đào tạo ra hàng trăm bằng dỏm. Nhưng ngược lại, ông cũng từng được nức tiếng với một vài phát biểu cực duyên.
Tạm kể:
– “Một khi còn có tư tưởng hòa giải là ‘ban ơn’ thì không thể có hòa giải, hòa hợp dân tộc”.
– “Một chế độ mà sợ người dân hơn sợ giặc thì trước sau gì cũng bị diệt vong”.
– “Sắp bước vào đại hội đảng, mở ra thời kỳ mới của phát triển đất nước, chúng ta sẽ có nhiều chuyện phải làm, nhưng đây là lúc hơn bao giờ hết vấn đề đặt lợi ích của dân tộc lên hàng đầu cần được coi là một nguyên tắc cơ bản của đảng”.
Ngoại trừ ẩn ý đánh đồng dân tộc với đảng, hay sau 70 năm mới đặt vấn đề Dân Tộc xưa nay không ở hàng đầu, thì những phát biểu trên thật đáng hồ hởi từ miệng môi một “kẻ sĩ”, chưa nói là kẻ sĩ cùng họ với Vũ Đức Đam và Vũ Khiêu.
Đại loại hậu cảnh của GS VMG là thế!
*
Trong bài phỏng vấn vừa nói, BBC hỏi: “Liệu so với chính phủ đa đảng, đa thành phần chính trị của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông Hồ Chí Minh làm Chủ tịch ngay sau cách mạng tháng Tám, thì thể chế chính quyền độc đảng hiện tại ở Việt Nam là một sự thoái triển, hay tiến bộ?”.
Bằng một câu nói vo, GS VMG lại có thêm một danh ngôn để đời: “Tôi cho rằng câu chuyện đa đảng hay một đảng chỉ là mô hình chứ nó không phải là tiêu chí để nói tới cái đó là tiến bộ hay cấp tiến, hay là lạc hậu”.
Người đọc có thể thoáng thấy ngay một dấu chấm than ở đây: Đa đảng hay Một đảng có là mô hình hay tiêu chí thì còn cần bàn thêm, nhưng nhất định cái yếu tố vận hành quyết định sự tồn vong của một đất nước/một dân tộc đó không đơn giản như là (hay thậm chí không phải là) một “câu chuyện”!
Người đọc lại mất công tìm hiểu thêm:
Một, thế nào là mô hình (để đánh giá tiến bộ hay lạc hậu).
Theo Đại từ điển Tiếng Việt của Bộ GD-ĐT (nxbVHTT 1999) thì Mô hình: (1) Vật thu nhỏ một vật khác đã có trong thực tế; (2) Khuôn mẫu đã có sẵn, theo đó tạo ra cái tương tự; (3) Hình thức diễn đạt theo đặc trưng, khuôn mẫu nhất định trong một ngôn ngữ.
Hai, thế nào là tiêu chí? (để đánh giá tiến bộ hay lạc hậu?)
Vẫn theo quyển Đại từ điển Tiếng Việt vừa dẫn, thì Tiêu chí: Đặc trưng, dấu hiệu làm cơ sở, căn cứ để nhận biết, xếp loại các sự vật, các khái niệm.
Ráp lại, nhiều phần, ở câu trả lời (mà không trả lời gì cả) nói trên, GS VMG có ý cho rằng đa đảng hay độc đảng chỉ là những thứ khuôn mẫu về thể chế chính trị, nếu có thay đổi từ đa đảng thời 1945 đến độc đảng thời sau này, thì cũng chẳng dính dáng gì tới cái thước đo bước chân của nhà cai trị rằng đó là tiến hay lùi.
Xong, GS VMG soi sáng thêm: “Mà vấn đề là xuất phát từ thực tế cụ thể, hoàn cảnh lịch sử cụ thể, thì theo tôi lúc năm 1945,lúc đó còn nhiều đảng phái, thì thực tế là ở đấy theo tôi cũng chưa nhận thức đầy đủ được mặt tích cực của đa đảng đâu”.
Người đọc lại phải tìm hiểu thêm, xem, nếu vào năm 1945, lúc đó còn nhiều đảng phái, thì, từ bao giờ các đảng phái kia biến mất để chỉ còn lại đảng CSVN, và quan trọng hơn, các đảng phái không cộng sản kia biến mất cách nào?
À, đây rồi, nhà sử học kiêm Việt Nam học VMG hé mở cho độc giả một cánh cửa xác định của lịch sử: Các đảng phái không cộng sản kia bị triệt tiêu (mà ngôn ngữ đầy chất tự hào/tự mãn của đảng vẫn gọi là tận diệt).
Không phải dễ dàng gì, mà phải nói là thật khéo, để GS VMG mớm ý cho nhân dân rà lại trường hợp một Phan Bội Châu bị bán đứng cho mật thám Tây; một Khái Hưng bị trùm bao bố nhận sông; các ông Nguyễn Tường Tam & Vũ Hồng Khanh (Việt Quốc), Nguyễn Hải Thần (Việt Cách), phải vượt biên sang Tàu tỵ nạn và Trương Tử Anh (Đại Việt) mất tích… Wiki viết: Ngày 14/7/1946, “Lê Giản tìm Võ Nguyên Giáp và được Giáp chỉ thị tấn công tất cả các văn phòng của Việt Quốc ở Hà Nội và các tỉnh”…
Giải thích về chiến dịch tận diệt này, GS VMG nói gì? “Do hoàn cảnh lịch sử hết sức khắc nghiệt của Việt Nam, nó cần vô cùng một sự thống nhất. Trong bối cảnh đó, tính chất chính trị nhất nguyên nó phù hợp”.
Chỉ nói. GS VMG không chứng minh được cho độc giả thấy rằng hoàn cảnh lịch sử có phải là yếu tố then chốt để đánh giá sự chọn lựa tận diệt các đảng phái không cộng sản để “thống nhất” thành một chế độ độc đảng đó là “phù hợp”?
Ngược lại, điều giải thích đó khiến người đọc phải thắc mắc nó “phù hợp” với ai? Với đảng chăng?
Từ đó, độc giả có thể thông cảm cái động lực nói vo của tác giả là kẻ bảo vệ chế độ, nhưng khó lòng đồng ý với luận điểm mơ hồ về hoàn cảnh lịch sử đưa đến cái chiến dịch cực kỳ tàn ác kia.
Người đọc tiếc là bài báo quá ngắn, không khai triển thêm được quan điểm của GS VMG về Chính Phủ Trần Trọng Kim.
Và, ngoại trừ khi chịu khó đối chiếu với thực tế VN, người đọc cũng không thể tự có cái kết luận trả lời cho câu hỏi của BBC rằng từ đa đảng tới độc đảng là tiến hay lùi?
Người ta phải tìm đọc thêm một vài bài phỏng vấn hoặc bài viết khác của tác giả VMG.
Mới thấy rõ ra phần lớn những phát biểu của GS VMG phản ánh khá trung thực về con người (và tính đảng) của tác giả:
Thứ nhất, tác giả minh hoạ cho lời khẳng định của TBT Nguyễn Phú Trọng về “Nguyên tắc sống còn của đảng và CNXH” là không chấp nhận đa nguyên đa đảng. Đặc biệt là những luận điểm “nói lấy được” và mơ hồ không kém trong bài “Căn cứ đâu để lập chính đảng mới?”.
Thứ nhì, tác giả dồn sức tối đa để bảo vệ đảng cầm quyền cai trị và đưa đất nước vào thế khánh kiệt hiện nay, bằng một luận điểm khác là mặc dù nó rất cần chiếc chìa khoá kiểm soát quyền lực, nhưng trước sau nó vẫn phải là đảng duy nhất lãnh đạo guồng máy vận hành đất nước VN, không cần biết tiến hay lùi.
Thứ ba, tác giả đòi hỏi “Phải trả lại vị trí cho những anh hùng đã hy sinh… Tới đây, các sự kiện như Hoàng Sa, Trường Sa bị đánh chiếm, hay việc TQ đưa quân đánh VN năm 1979 cũng sẽ được đưa vào sách giáo khoa lịch sử. Nếu chúng ta không nói gì sẽ là mảnh đất màu mỡ cho xuyên tạc”. Tức là chỉ nhằm mục tiêu chống xuyên tạc (gây lúng túng tiến thoái lưỡng nan cho đảng) chứ không phải để chép sử cho đúng với sự thật lịch sử.
Thứ tư, tác giả không dám trả lời BBC rằng tiến hay lùi, chỉ vì vẫn muốn tiếp tục thần tượng kẻ đã phát động chiến dịch tận diệt các đảng phái không cộng sản nói trên: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là di sản quý báu của dân tộc. Người là một biểu tượng không dễ gì có được. Không phải dân tộc nào cũng có niềm vinh dự lớn lao ấy”.
Thứ năm, đi ngược hoàn toàn với phát biểu sử học là cần làm rõ trường hợp Hoàng Sa – Biên Giới – Trường Sa nói trên, tác giả lại không đồng ý với quan điểm cho rằng Ukraine từng bị Liên Xô xâm lược: “Sự hiện diện của quân đội nước này ở nước khác trên thế giới từ xưa đến nay cũng có nhiều nhưng không phải sự hiện diện nào cũng gắn với cái gọi là xâm lược”. Để tiện bề vu khoát rằng “Người VN có tình cảm với Lenin”.
*
Với ngần đó những dữ kiện vừa tạm liệt kê, người đọc sẽ đánh giá thế nào về con người GS VMG? Một não trạng bị đúc khuôn nô lệ chăng? Một con lừa có bằng tiến sĩ của nền giáo dục Liên Xô chăng? Một ngọn cỏ gió đùa vẫn thích được coi là chiếc phong vũ biểu chính trị cho VN chăng? Một trí thức tiêu biểu trong luồng chăng? Hay, tay này có thừa khả năng làm Tuyên Giáo hơn là thầy giáo?
Liệu là độc giả sẽ chờ đợi gì thêm ở GS VMG?
Có con số nào tròn hơn số zéro không?
tuyengiaoNguocXuoi
19/8/2015 – 70 năm thảm thê đầu ai có đảng.
Blogger Đinh Tấn Lực

Bò Trắng Răng: Chiến Tranh Lạnh Hay Đối Đầu Nóng?


Seatostamp

Bò Trắng Răng: Chiến Tranh Lạnh Hay Đối Đầu Nóng?

. Đinh Tấn Lực
Liệu căng thẳng trên Biển Đông có xác suất vượt qua lằn ranh của một cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Tàu cộng? VN ta đứng đâu và cần làm gì cho có lợi nhất, hay ít thiệt hại nhất, trong cuộc xung đột tăng nhiệt đó?” (ĐTL đóng gói nỗi lo của thiên hạ)
Cuộc thế chiến cực nóng ở gần giữa thế kỷ 20 đã đẻ ra bệ phóng cho 3 nước thua trận cất cánh. Nhật có Honda, Toyota, Sony, JR-Maglew… Đức có Mercedes, Porche, Transrapid. Ý có Pagani, Ferrari, Frecciarossa…
Cuộc chiến tranh lạnh ở nửa sau thế kỷ 20 đã để thẹo thảm khốc đến 40 năm chưa liền da cho VN.
Tư bản với Cộng sản đấu nhau, ta đổ máu. Hoa Kỳ với Liên Xô đấu nhau, ta đổ máu. Mỹ với Tàu đấu nhau, ta đổ máu. Bành Trướng với Be Bờ đấu nhau, ta đổ máu. Bắc-Nam ta đấu nhau, cả nước đổ máu. Liên Sô với Tàu cộng đấu nhau một trận diệt chủng dân tộc khác, ta lại tiếp tục đổ máu, trên đất Cam và cả trên biên giới Bắc, rồi cắn răng mà nuốt lệnh cấm vận 10 năm…
Những cuộc chiến “thần (đánh) thánh (vật)” đó đẻ ra một VN phất cờ chiến thắng loang loáng máu nhầy nhụa thịt, và tự động tụt dần xuống vực thế giới thứ ba. Tạo ra được chút sản phẩm đinh vít cũng đã là một niềm tự hào đẳng cấp quốc gia.
Chiến tranh lạnh chấm dứt với bản đồ thế giới được vẽ lại từ bức tường Bá Linh qua tới Hải Sâm Uy, giải phóng non một phần tư nhân loại ra khỏi ách búa liềm độc ác. Quốc tế cộng sản tan rã. XHCN teo tóp lại ở vài nước đếm được trên các ngón 1 bàn tay, trong đó, VN đứng ngay sau Tàu cộng. Chú em Cuba lẽo đẽo đàng sau VN thoắt cái đã “dinh tê”.
Nay, xem ra, Mỹ với Tàu đang lăm le đọ sức đa diện và đa cấp lần nữa, cả kinh tế lẫn quân sự và địa chính trị. Nhiều chỉ dấu leo thang cả hai phía.
VN, trong tình trạng trắng tay vay tiền ngân hàng bù vào ngân sách, dù không đỏ mắt đi tìm cũng buộc phải thấy trước mặt một ngả ba đường rộng mở.
Một bên, phía trái, từng lớn tiếng “Đánh Mỹ đến người VN cuối cùng”, từng coi “VN là côn đồ, cần dạy cho 1 bài học”, và từng chủ trương “Không để VN mạnh quá hay yếu quá, thì mới dễ khống chế”. Bù lại, VN cung kính coi đó là là thành trì cuối cùng của CNXH, thậm chí, là cái khiên chắn thiên triều để bảo vệ vị thế lãnh đạo độc tôn của đảng cai trị chư hầu, thông qua 16 chữ vàng và 4 tương/4 tốt. Nay, cái thứ lãnh đạo XHCNVN đó quá yếu, bởi cả tính hèn và tính tham cốt lõi, lại bởi cái thế lực thù địch (mở mắt thông não) vạn năng của internet, bên cạnh xác suất khủng hoảng kinh tế tài chính vĩ mô của cả hai, nên thiên triều không dễ khống chế nó như xưa.
Một bên, phía phải, từng là “thằng đế quốc sừng sỏ”, từng là “thằng sen đầm quốc tế”, từng là kẻ cựu thù không đội trời chung… Nay bỗng chốc biến thành “bạn bè” cùng ký một tuyên bố Tầm Nhìn Chung quan hệ đối tác trong một lần “hội kiến lịch sử”. VN bỗng chốc vui mừng vì được “nó” gỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương rồi còn tăng cường “hợp tác trong các vấn đề khu vực và đa phương”, kể cả việc tham gia cộng đồng TPP. Còn gia công thêm một phụ lục “Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng” mà không cần nói rõ nhu cầu quốc phòng cho ai. Nói cho vuông là “nó” hô biến thành cái phao cứu sinh “sen đầm xoay trục” trên Biển Đông.
Tình hình Biển Đông càng biến động “phức tạp”, cái ngả ba thoát hiểm kia càng rõ ra trên từng milimét.
Mớ kim chỉ nam tư tưởng quay mòng, sau cùng, tạm rung rung hướng về một phía. Dường như, đâu đó, cả bọn vội nắn nót kẽ thêm cái bảng “thoát trung” bên cạnh cái biển “thoát hiểm”, cho đủ nghĩa.
Chiến lược thần thánh mới, với bàn tay nhào nặn những thay đổi thần kỳ từ bên kia đại dương, đã ló dạng định hình bức tranh ba giòng thác mới toanh…
  1. Trực tiếp đối đầu: Nhật-Phi-Việt. Cho tới giờ, Tàu cộng chỉ gờm mỗi Nhật với Phi trên Biển Đông, cho dù có hay không có Mỹ đứng chắn sau lưng các bạn ấy. Nương theo tinh thần võ sĩ đạo của Nhật hay tính khí giang hồ đứng thẳng ngẩng đầu như Phi, lắm người hy vọng VN sẽ bỏ dần được cái đặc thù hèn, mà tự thân dấn bước giữ lấy biển đảo nước nhà.
  2. Khu vực trái đệm làm thương hiệu: ASEAN. Tất nhiên, không thể tính một vài nước “rụt rè” như Thái Lan, “ràng buộc ơn nghĩa” như Cambodia, hay mới vừa bước xuống lưng cọp như Miến Điện. Cũng tất nhiên, số còn lại sẽ trở thành một tập hợp biểu kiến, nếu chưa đủ lực hiệp thông thì cũng vừa đủ thế hội đồng để bĩ mặt Tàu cộng trên một số diễn đàn quốc tế.
  3. Lực lượng bảo hiểm trừ bị: Một liên minh phòng thủ tương tự như SEATO (South East Asia Treaty Organization – Liên Minh Phòng Thủ Đông Nam Á Châu). Đây không phải là một tổ chức mới thành hình. SEATO ra đời tại Manila ngay sau chuyến công du Á châu của Phó TT Mỹ Richard Nixon thời đó, vào tháng 9 năm 1954 (tức là khoảng 2 tháng sau Hiệp định Genève chém đứt đôi xương sống VN).
    Hình thái sinh hoạt của SEATO là một tổ chức liên minh quân sự đa quốc gia, phỏng theo sinh hoạt của Liên Minh Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương NATO. Có 8 quốc gia tham gia liên minh SEATO, gồm: Úc, Tân Tây Lan, Pakistan, Phi, Thái, Pháp, Anh & Mỹ. Nhằm mục tiêu trước mắt bấy giờ là ngăn chận làn sóng đỏ của Liên Sô & TQ tràn xuống Đông Nam Á. Có 2 quốc gia được SEATO tích cực bảo vệ thời đó là VNCH & Lào, cho tới khi miền Nam VN & Lào rơi vào vòng xiềng xích búa liềm năm 1975, đưa đến tình trạng tổ chức này giải thể, vào năm 1977.
    Trong mùa biển động hung hãn hiện tại, một số chuyên gia kinh tế-quân sự manh nha rút tỉa bài học của nửa thế kỷ trước và gợi ý cho một tiến trình phục hoạt một phiên bản SEATO trong tinh thần phòng thủ hoàn toàn mới, với nhiều quốc gia tham gia và thực sự góp sức, góp công lẫn góp của, vào mục tiêu chung ngăn chận ý đồ bành trướng bá quyền của nhà nước Tàu cộng trên Biển Đông, hay xa hơn, là chiếm hữu một khoảng lớn hải phận quốc tế làm ao nhà.
Tất nhiên, vị trí địa chính trị của VN vẫn không đời nào giảm mất đặc tính quan trọng, cả thời trước hay bây giờ, cả cộng hoà (non trẻ) hay cộng sản (ngấp nghé). Tức, vẫn là một trảng trống rất tốt để thiết lập một tiền đồn quốc tế. Bởi, không phải nơi nào cũng có một cảng nước sâu lý tưởng như Cam Ranh với đảo Bình Ba chắn sóng, hay một sân bay chiến lược Đà Nẵng với bán đảo Tiên Sa đệ nhất trục viễn thông. Điều kiện “thoát trung để thoát hiểm” lại càng ngời sáng, rõ ràng hơn bao giờ hết!
Giới quan tâm và nặng lòng với đất nước thấy ra điều đó, thấy cả một khối lưng chừng đang nghiêng về phía dân, mà tưởng chừng như đã thấy hết cả.
Không. Các vì vua nước này, từ góc cạnh của nhiều phe nhóm lợi ích khác nhau, còn thấy ra đôi điều khác nữa.
Một là TQ hết thời: 1) TQ không níu được Miến Điện; 2) TQ bị mất tiệt hình ảnh “một quốc gia trỗi dậy trong hòa bình”; 3) TQ không đẩy nổi Hunsen quấy rối khúc sườn Tây Nam VN; 4) TQ kỳ công xây đắp các đảo san hô Trường Sa nhưng không cầm chắc có đủ khả năng giữ chúng; 5) TQ không cản nổi hướng xoay trục của Mỹ về biển Đông; 6) TQ đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng kinh tế đến phải phá giá đồng Nguyên liên tục nên lỏng tay dần về sức mạnh bảo trợ chư hầu; 7) TQ không giữ nổi vùng biển lưỡi bò 9 đoạn trước hành động tuần tra của hải quân các nước Mỹ/Nhật/Ấn/Úc; 8) TQ không trao được thanh Thượng Phương bảo kiếm cho Nguyễn Bá Thanh để thanh lọc Ba Đình theo phương án A nhập hán; 9) TQ cũng không nuôi nổi con bài Phùng Quang Thanh để nắm trọn quân đội cho một cuộc đảo chính khi cần thiết theo phương án B thần phục; 10) TQ tạo ra một làn sóng hiệu ứng ngược ở VN về chính sách “đả hổ diệt ruồi” bên Tàu.
Hai là Mỹ gia cố sức chi phối: 1) Lãnh đạo Việt đầu tư con cái và tiền của sang Mỹ nhiều nhất; 2) Hàng loạt tàu chiến, chính khách & tướng lãnh Mỹ sang VN trước khi Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ; 3) Obama mặc cả lời phản đối của cả 2 đảng Dân Chủ & Cộng Hoà Mỹ để tiếp Nguyễn Phú Trọng tại phòng Bầu Dục (cho nó thành cuộc “hội kiến lịch sử”); 4) Obama nhận lời thăm viếng VN trước cuối năm nay; 5) Jill Biden, phu nhân Phó TT Mỹ Joe Biden thăm viếng VN và giao lưu đặc biệt với nội tướng của CTN VN Trương Tấn Sang; 6) Thủ tướng Anh, đồng minh cật ruột của Mỹ, chuyển một thông điệp cứng rắn về chống rửa tiền, ngay trên đường thăm viếng VN; 7) Chính phủ Úc tuyên bố kiểm soát gắt gao nạn rửa tiền ở Úc, tức là một cách nhắc nhở về kỹ thuật khoá đông tài sản lãnh đạo tuồn ra nước ngoài (như Miến Điện từng rút kinh nghiệm mới đây); 8) Đại sứ Mỹ Ted Osius trấn an Hà Nội là Mỹ “tôn trọng thể chế chính trị của VN”, và tyên bố “Quan hệ Việt-Mỹ chưa bao giờ tốt hơn hiện tại” ; 9) Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, rồi Đô đốc Tư lệnh lực lượng Coast Guard Hoa Kỳ, rồi Chánh thẩm Toà Án Tối Cao Liên Bang Hoa Kỳ lũ lượt thăm viếng VN; 10) Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel có một phát biểu được báo chí tranh nhau VN giật tít lớn: “Mỹ tuyên bố ‘không trung lập’ trong vấn đề biển Đông”.
Ba là áp suất đại hội đảng XII: 1) Tuyển lựa nhân sự về dự đại hội (để bỏ phiếu) là khâu quan trọng nhất của mọi phe nhóm lợi ích; 2) Truyền thông chính quy vỡ trận vì không thể làm vừa lòng mọi phe, lại không thể chạy kịp tin như truyền thông lề dân, mà đợi đèn thì tin đã thiu; 3) Ngay chính các phe nhóm cũng tận dụng phương tiện mạng xã hội bên lề dân để đấu đá chí tử với nhau, nổi bật trong thời gian qua là trang Chân dung Quyền lực; 4) Tin tức nhiễu loạn như sao xẹt tứ phía mà phía đảng và chính phủ lặng thinh; 5) Đại biểu QH thi đua phát biểu cực linh tinh, phản ảnh tình trạng ấu trĩ và không vững tin vào bất kỳ phe nào ngoài chính phủ; 6) Tình hình đảng uỷ các cấp đệ đơn từ nhiệm hàng loạt, cả trung ương lẫn địa phương, được cảm nhận như một cuộc tháo chạy bắt đầu; 7) Tình hình bội chi nguy kịch đến mức chính phủ đòi vay tiền ngân hàng nhà nước để bù vào ngân sách mà phía đảng không dám phản đối; 8) Cán bộ các cấp các ngành các nơi đều không giấu diếm nỗ lực “vét cú chót”; 9) Hội nghị Trù bị trước đại hội 12 hứa hẹn nhiều pha gay cấn ngoạn mục bất ngờ; 10) Tình hình đảng xâu xé sống mái: Mọi thủ đoạn lừa bịp/chuyên chính/trả thù đối với dân, nay được áp dụng thẳng cánh với nhau trong nội bộ đảng.
Bốn là cái nguyên trạng đã mất: 1) Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ, được coi là chuyến công du độc đáo và thành công; 2) Phùng Quang Thanh bị loại ra khỏi bàn cờ chính trị VN ngay trong việc tháp tùng chuyến đi đổi đời lãnh đạo đó; 3) Bộ tư lệnh Quân khu Thủ đô và Quân khu 7 bị thay đổi bất ngờ và đầy tính khuất tất trong việc tước quyền; 4) Trương Tấn Sang bất ngờ thăm viếng công khai các sư đoàn từng chiến đấu chống TQ ở mặt trận biên giới năm xưa; 5) Báo chí trong luồng được bật đèn xanh để gọi thẳng tên bọn cướp biển TQ thay vì núp sau từ “lạ”; 6) Lễ cầu siêu cho 64 liệt sĩ hy sinh trong trận thảm sát Gạc Ma được chính thức tổ chức công khai và long trọng tại chùa Vĩnh Nghiêm; 9) Đại sứ Mỹ Ted Osius tiết lộ là Mỹ-Việt dự kiến hợp tác sản xuất vũ khí; 10) Chẳng bao lâu sau chuyến đi Mỹ, Nguyễn Phú Trọng chuẩn bị công du Nhật Bản (là đồng minh chiến lược của Mỹ ở Thái Bình Dương), để có thêm một tầm nhìn chung với đối thủ của Tàu cộng ngay trong khu vực, có nghĩa rằng “thoát trung” thực sự là một “mệnh lệnh thời đại”.
Chí ít, rõ ràng, “thoát trung” là một xu thế không thể cưỡng.
Chỉ khác giữa vua chúa các nhóm lợi ích có thẻ đỏ với nhau là “thoát trung” để “thoát hiểm” rồi làm gì tiếp? Các nhóm lợi ích này phải lo chuyện sinh tử tự thân, tất nhiên sẽ không màng chi đến tình trạng đất nước thêm kiệt quệ, tính tình người thui chột, nội lực dân tộc tiêu tán, dễ rơi vào các tròng chi phối của ngoại bang. Một nhóm nổi trội, hay được chấm là nổi trội trong số đó, đang lăm le con đường xưa Putin, như một con nghê què quặt thoát Tàu để thành Nga.
Chỉ khác giữa vua chúa các nhóm lợi ích đó với đại khối quần chúng VN, chí ít là với giới quan tâm VN, ở mục tiêu “thoát trung” để tạo đà “dân chủ hoá đất nước”.
Dường như cả bức tranh ba giòng thác mới toanh nói trên cũng góp phần cổ võ cho lộ đồ tối ưu đó của VN.
Người VN, cả trong lẫn ngoài nước, cả trong lẫn ngoài đảng, cả trong lẫn ngoài quân đội, dân thường hay chiến binh và cựu chiến binh… nếu tận dụng được hết khả năng vận động và góp sức của chính mình vào cuộc chơi mới này, thì Mỹ-Nhật-Phi-Úc-Ấn, hoặc ASEAN, hoặc ngay cả cái phiên bản 21 của SEATO kia… cũng đều chỉ là phương tiện. Nó không là cứu cánh. Cứu cánh phải là một Việt Nam Cất Cánh.
Hoa Kỳ sử dụng cái quyền lực mềm của nó, thông qua lời tuyên bố “tôn trọng thể chế” kia, không nhằm để duy trì những cụm nấm độc XHCN quấy rối nhân loại, sau khi dày công tốn của sắp xếp lại Âu châu và dụ hàng được Cuba.
Hoá ra, lời trấn an đó cũng chỉ là một phương tiện.
Hoá ra, Mỹ mới là bậc thầy nghề nắn tượng.
15/8/2015 – Tròn 70 năm Nhật hoàng Hirohito tuyên bố Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh. Tròn 42 năm kết thúc 126.615 phi vụ trong suốt 8 năm chiến dịch oanh kích Arc Light trên chiến trường Đông Dương.
Blogger Đinh Tấn Lực.

Cái “Nguyên Trạng” Đâu Rồi?


point-of-no-return

Cái “Nguyên Trạng” Đâu Rồi?

. Đinh Tấn Lực
Qua khỏi một điểm nhất định nào đó là sẽ không còn đường quay ngược lại. Đó chính là điểm cần phải đạt đến” – Franz Kafka.
Chuỗi thời sự hậu Mỹ Du của ngài tổng bí đã nối liền quá nhiều điều đáng ngẫm…
12/7/2015 – Đại sứ Mỹ Ted Osius ghé thăm cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản ở Quận Cam, California. Đài BBC đi tựa bài tường thuật “Đại sứ Mỹ: ‘Việt Nam đang có những thay đổi’”. Bài viết còn dẫn thêm lời phát biểu của Ted: “Nếu không nắm lấy cơ hội này là không hoàn thành nhiệm vụ”.
19/7/2015 – Đệ nhị phu nhân Hoa Kỳ, Tiến sĩ Jill Biden, thăm viếng Việt Nam, gặp gỡ Phó CTN Nguyễn Thị Doan và phu nhân Mai Thị Hạnh của CTN Trương Tấn Sang. Nội dung mặt nổi trên truyền thông đại chúng giữa Jill với cánh nội tướng nhà nước VN là thuộc phạm trù … những tiến bộ trong quan hệ Việt Mỹ.
22/7/2015 – Hàng nghìn tăng ni phật tử tụ về chùa Vĩnh Nghiêm tham dự một buổi lễ cầu siêu bi hùng, công khai bày tỏ lòng tưởng nhớ ghi công 64 liệt sĩ hy sinh trong trận thảm sát Gạc Ma. BT/BQP/VN vắng mặt, thay vào đó là Thiếu tướng Lê Mã Lương phát biểu cảm tưởng. Hầu hết các báo đều được đi tin lẫn đăng video clip về trận Gạc Ma.
27/7/2015 – CTN Trương Tấn Sang, lần đầu tiên chính thức và mạnh dạn công khai có cuộc gặp gỡ thân mật các cựu chiến binh của hai sư đoàn 313 & 314, là những đơn vị từng anh dũng chiến đấu chống bọn giặc xâm lược bá quyền bành trướng dọc theo biên giới phía Bắc của Việt Nam, thuộc khu vực Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
27/7/2015 – Đại sứ Mỹ Ted Osius, trong buổi làm việc với Bộ QP VN, được Thứ trưởng QP Nguyễn Chí Vịnh, thay mặt BT/BQP/VN tiếp đón bên lề cuộc Hội thảo Quốc tế về Lực lượng Gìn giữ Hoà bình của LHQ. Trong dịp này, Ted tiết lộ rằng “Vào tháng 9/2015, nhiều khả năng hai bên sẽ thảo luận hợp tác sản xuất vũ khí”.
27/7/2015 – Đại sứ Mỹ Ted Osius, trong dịp này, tiết lộ thêm rằng cũng trong khoảng tháng 9 tới đây, Đô đốc Paul Zukunft, Tư lệnh lực lượng Duyên Phòng Hoa Kỳ, sẽ viếng thăm Việt Nam, theo đề nghị của BT/BQP Mỹ Ashton Carter trong chuyến viếng thăm một đơn vị cảnh sát biển VN tại Hải Phòng hồi đầu tháng 6 vừa qua.
28/7/2015 – Đài VOA đăng tin BT/BNG Hoa Kỳ John Kerry sẽ viếng thăm Hà Nội vào đầu tháng 8 tới đây, nhân chuyến công du các nước Ai Cập, Qatar, Singapore, Mã Lai. Tại Mã Lai, John sẽ họp với 10 thành viên của Hiệp hội ASEAN. Chủ đề chính là Biển Đông, và có nhiều xác suất là John sẽ lặp lại yêu cầu TQ chấm dứt nỗ lực xây đảo nhân tạo.
28/7/2015 – Đại sứ Mỹ Ted Osius, trong buổi họp báo công bố kết quả chuyến công du Mỹ Quốc của ngài tổng bí vừa qua, đã tiết lộ là rất thú vị khi nghe ngài tổng bí lặp lại 2 lần từ “bạn bè”, với hai vị nguyên thủ số 1 và số 2 của Mỹ, tức đã “Thể hiện sự tin cậy, tin tưởng lẫn nhau chứ không phải là một quan hệ đổi chác”.
28/7/2015 – Đại sứ Mỹ Ted Osius, cũng trong buổi họp báo này, tiết lộ thêm một tin tức rất đáng quan tâm khác nữa, ngoài việc thành hình trường đại học Fulbright tại VN, là, vị Chánh thẩm Toà Án Tối Cao Liên Bang Hoa Kỳ sẽ viếng thăm VN trong thời gian tới. Ted kết luận rằng “Quan hệ Việt-Mỹ chưa bao giờ tốt hơn hiện tại”.
29/7/2015 – Trong cuộc hội thảo tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington DC, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel có một phát biểu được báo chí tranh nhau VN giật tít lớn: “Mỹ tuyên bố ‘không trung lập’ trong vấn đề biển Đông”.
29/7/2015 – David Cameron, là vị Thủ tướng đầu tiên của Vương quốc Anh viếng thăm VN, trong hai ngày 29 và 30 tháng 7, cốt yếu là nhằm các hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên khiến dư luận quốc tế xôn xao là nguyên nhân nào và nhắm vào ai mà trước khi đến VN, David tuyên bố không nhân nhượng với tệ nạn rửa tiền ở Anh.
30/7/2015 – BT NG VN Phạm Bình Minh công du Nhật Bản, tham dự phiên họp của Uỷ ban Hợp tác Việt Nhật lần thứ 7, đồng thời, chuẩn bị thủ tục cho chuyến viếng thăm của ngài tổng bí. Trước đó, trong chuyến công du Nhật Bản hồi đầu tháng 7, Thủ tướng VN cũng đã bày tỏ ý nguyện của ngài tổng bí là được thăm Nhật.
31/7/2015 – Lễ kỷ niệm 20 năm bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ do Sứ quán VN tại Mỹ chủ trì đã diễn ra tại thủ đô Washington DC. Tường thuật buổi lễ long trọng này, các báo lại thi đua giật tít: “Mỹ luôn đứng cạnh VN để bảo vệ hoàn bình Biển Đông”.
*
Lộ Trình Quan Hệ Quốc tế của VN, với những dữ kiện vừa nêu nói lên điều gì?
Chí ít, người đọc sẽ ráp nối tin thời sự để tự rút tỉa một vài nhận định:
  1. CTN đã tỏ ra mạnh dạn tự ý từ bỏ thế trung tả để nghiêng về phía trung hữu, một khi thấy phía cực tả đã xảy ra lắm điều tơi tả. Chỉ không rõ ngài có dám mạnh dạn thả tù những người đã từng phản đối thái độ hung hãn của Tàu trước đây?
  2. Thủ tướng chính phủ vận động cho Tổng bí thư đảng công du là một điều xưa nay hiếm. Nhắm tới Nhật Bản ngay sau Hoa Kỳ, là hai nước cùng một trục đối đầu với Bắc Kinh trên vùng biển lưỡi bò, lại càng là một hiếm hoi gần trăm năm mới có một.
  3. Nếu điều đó xảy ra, liệu rằng Tổng bí thư Ba Đình có đến Đông Kinh với tư cách lãnh tụ của phe thân Bắc Kinh như trước giờ từng hành xử nữa không? Hay ngài tổng bí đã ngã lòng, chấp nhận suy thoái, sau khi bị cắt cánh trói chân?
  4. Phía Mỹ liên tục khai triển nhiều chiêu thức tiếp thị của các Cty bán bảo hiểm, lần này là bảo hiểm chính trị, đặc thù và cụ thể là không đụng chạm gì tới thể chế hiện hành của Hà Nội. Nếu thay đổi xảy ra là do tự thân nó thay đổi!
  5. Thủ tướng Anh Quốc lại vô tình hé lộ một khung sườn làm việc mà nhiều người cho rằng có liên quan đến công thức Miến Điện trước đây: Lời hăm doạ (cũng là điều kiện thuận thảo) về cách rửa tiền, tẩu tán tài sản… mà không chỉ ở Anh.
  6. Những lời mật ngọt vuốt ve đám con trời trong cơn cắn răng nghiến lợi tất nhiên không thể thiếu, nhưng tông điệu chiều chuộng sẽ thấp hơn, với nhịp độ thưa hơn. Cũng tất nhiên, nhân sự BQP/VN trách nhiệm khâu này vẫn là hợp lý hơn cả.
  7. Gút lại, giới quan tâm thời sự VN thấy ra một điều chắc nịch là cái “nguyên trạng” của VN đã biến dạng.Có khi là đã vỡ toang ở một điểm khó lòng quay lại đường xưa. Cuba có cách của Cuba. VN cũng có cách riêng của VN. Nhất định thế!
  8. Điều thay đổi ngoạn mục này tạo ra một tâm lý lạc quan cho nhiều người từng chờ đợi cơ hội Thoát Hán, nhưng ngược lại cũng gây ra nỗi lo lắng về một tương lai VN đắm chìm vào một chế độ độc tài không cộng sản chưa chắc tốt đẹp gì.
  9. Có phải rằng, nói theo giọng Ted, chưa bao giờ nhu cầu xây dựng một liên minh chính trị của người Việt Nam yêu tự do dân chủ để ngăn chận đường xoay của độc tài độc đảng là to lớn hơn và khẩn thiết hơn hiện tại?
01/8/2015 – Tròn 74 năm ngày sinh báo “Việt Nam Độc Lập”. Kỷ niệm 60 năm khánh thành đường sắt liên vận nối liền Bắc Việt với TQ và mong rằng không ai cần đếm thêm.
Blogger Đinh Tấn Lực