Tiền Đi Đâu Về Đâu?


money

Tiền Đi Đâu Về Đâu?

. Đinh Tấn Lực

Xa thật là xa… Xưa thật là xưa… Chuyện kể rằng:
Có một bộ lạc sợ lạc đến nỗi cóp luôn cả một cái định hướng dài như đuôi khủng long đỏ vào tập Sử Yếu Chính Trị Tân Biên. Rốt cục, nhờ vào đoạn biên giới coi như đã xóa với các bộ lạc lân cận: “Bên đây biên giới là nhà / Bên kia biên giới cũng là quê hương”, thì, ai cũng rõ làm thế quái nào mà bộ (chính trị) này lạc được?
Đó cũng là bộ lạc có nhiều tù trưởng nhất thế giới, bởi mỗi người dân đều có quyền thay phiên nhau vào tù và có thể được chỉ định làm tù trưởng (dự khuyết hoặc chính thức) vài ba nhiệm kỳ, gọi là vé, mỗi vé được định sẵn bình quân khoảng ba năm, có thể được tái bản bất kỳ lúc nào, kêu bằng “vé chồng vé”, miễn từ và miễn phí.
Giai cấp lãnh đạo xứ này vẫn luôn tự hào rằng đây là xứ thiên đường, chỉ cần thêm nửa gang tay nữa là ngang bằng khúc trên thằng Cao Ly. Trước khi ghé chân vào Hội đồng Làm người của Liên hiệp Bộ lạc, xứ thiên đường này lại được xếp hàng hạnh phúc thứ nhì trên thế giới, vì vậy, nick mới của bộ lạc này là …Nhị Thiên Đường.
GE DIGITAL CAMERA
(bìa sách Tỉnh Mộng – Hồ Biểu Chánh –
nxb Nhị Thiên Đường 1938)
Bộ quân sử cận đại thế giới chép rằng: Đứng đầu thế giới về tài nghệ “thí quân làm thí điểm”, đến mức quốc ca có ghi là “Đường vinh quang xây xác dân mình”… thì chỉ duy nhất một bộ lạc ở bán đảo Ấn-Trung, có tên La-tinh là Hungano. Phiên âm ra tiếng bản địa là Hung Nô, bởi đậm đà bản sắc vừa hung vừa nô.
Phần “Hung” thì cả loài người đều phải khấu đầu tán thán: Không ở đâu có Điện Biên dưới đất, Điện Biên trên không, và cả Điện Biên trên mạng. Phần “Nô” cũng không kém: Chưa có xứ nào có nhiều loại giai cấp quang vinh trộn lẫn Nông nô, Lao nô, Văn nô, Ca nô, Ma kê nô, Gia nô,… được cai quản tài tình bởi giai cấp Nặc nô.
Trong đó, giai cấp Gia nô lại được chia làm nhiều hạng mục: Lý luận gia, sử gia, chính trị gia, tư tưởng gia, kinh tế gia, chiến lược gia, đại gia, phê bình gia, chuyên gia, thiếu gia, tiểu thuyết gia, thể tháo gia, vật lý gia, hóa học gia, phi hành gia, bình luận gia, nhiếp ảnh gia, doanh gia, luật gia, nhạc gia, thông gia… (chỉ mỗi quốc gia là không đáng kể).
Vẫn thuộc giai cấp Gia nô, nhưng dưới trình gia, thì gọi là nhà: Nhà kách mệnh, nhà quân sự, nhà cầm quyền, nhà giáo dục, nhà toán học, nhà thông thái, nhà công thương, nhà ngoại cảm, nhà đại biểu, nhà văn hóa, nhà hùng biện, nhà biên kịch, nhà ngoại giao, nhà sản xuất, nhà tiên tri, nhà tu, nhà giáo, nhà thơ, nhà báo, nhà đài…
Tất nhiên, trên hết của mọi thứ nhà hoặc gia, và đứng riêng một cõi, là Hoàng Gia, nền tảng cơ bản của giai cấp Nặc nô, từng có công hãn mã là đã sánh vai tiền nhân anh hùng dựng nước, chấm dứt giai đoạn Phong Kiến truyền thống, kết thúc thời địa chủ bóc lột bần nông, và thống nhất lãnh thổ bản địa, để nâng cấp và hệ thống hóa dân tộc từ hàng Gia nô nửa nước lên hàng Quốc nô…
Bằng cách nào? Bằng cách phóng tay thiết lập một đế chế hoàn toàn mới, với chủ thuyết mới và con người mới. Bằng cách chận đứng mọi toan tính riêng lẻ trong tư duy và sáng tác. Bằng cách tuyên bố đất đai cha ông nghìn đời để lại có ghi tên lãnh đạo trên bằng khoán. Bằng cách cơ cấu tài nguyên cả nước vào những cơ quan cực giỏi quyền Anh, kêu bằng những quả đấm thép.
Bằng cách thay đổi định hướng phân bố đặc lợi sang đặc quyền. Theo đó, hệ tem phiếu đã trở thành lịch sử. Nhà nước không ban ơn suông một cách ngu muội như thời còn nhận quà của bầu bạn quốc tế. Nay, nhà nước chỉ đấu thầu việc ban ơn thông qua lãnh địa giao khoán và thu ngược tiền tô về trung ương. Còn quy trình thu vốn lấy lời cấp thấp là khả năng sáng tạo của địa phương.
“Không thủy điện nào không có quy hoạch” (Hoàng Trung Hải).
“Không thủy điện nào không có quy hoạch” (Hoàng Trung Hải).

Nạn nhân đầu tiên và sau cùng, muôn đời và không đáng kể, chỉ là nhân dân. Đó là nhiệm vụ cao cả của nhân dân đối với một tập thể đã có công hãn mã nói trên. Đó là nghĩa vụ! Nhân dân hoàn toàn có mọi vinh dự nuôi đảng và nhà nước. Mà đã có gì gọi là nhiều, một khi công sức làm ra của cải của mỗi tá dân là đủ vỗ béo một cán bộ chăn dân bằng khẩu hiệu?
Ở chiều ngược lại, cán bộ mọi cấp cũng hoàn toàn có vinh dự được tùy thích tiêu tiền dân. Bởi nhân dân đã chẳng bầu ra QH, rồi QH chỉ định những thành viên thích hợp nhất của đảng vào các vị trí tiêu tiền dân đó sao? Ý niệm “tiêu tiền dân như tiêu bạc giả” của một nhà thơ chân thật không còn chỗ đứng thời này. Ý niệm mới cần phải quán triệt là của một phó thừa tướng trẻ nhất nội các:
“Các anh phải coi tiền của nhà nước như tiền của nhà mình…” (Vũ Đức Đam).
“Các anh phải coi tiền của nhà nước như tiền của nhà mình…” (Vũ Đức Đam).
Thế thì, ngoài lương, ngoài bổng, ngoài “thu nhập sáng tạo”, ngoài “bồi dưỡng”… mọi cán bộ đều có nghĩa vụ tương ứng và xứng đáng với tiền thuế của dân là đẻ ra dự án, đẻ ra hội nghị, đẻ ra ban bệ xét duyệt, đẻ ra công du, đẻ ra quy hoạch, đẻ ra bằng cấp, đẻ ra quy chế thăng thưởng và trừng phạt… đẻ ra cả cách PR cho lãnh đạo bằng bóng đá:
(Một khi phó thừa tướng bao sân, ngay cả tay danh thủ Đà Nẵng cũng co vòi…)
(một khi phó thừa tướng bao sân,
ngay cả tay danh thủ Đà Nẵng cũng co vòi…)
Với kinh nghiệm đẻ đái đầy đường đó, phải ghi nhận tính chất thần kỳ hơn cả của trung ương là phương pháp giao phối hữu hiệu tiền thuế toàn dân với các món tiền viện trợ. Sao cho nợ công ngày càng mắn/sòn ra nhiều lứa. Sao cho nhà nước độc quyền mua bán vàng. Sao cho ngân hàng trở thành xưởng đẻ. Sao cho nợ xấu trở thành vũ khí. Sao cho lãnh đạo ngày càng tâm trạng:
“Cầm vốn nhà nước tâm trạng lắm!” (Vũ Văn Ninh)
“Cầm vốn nhà nước tâm trạng lắm!” (Vũ Văn Ninh)

Còn, ngư dân thì đánh cá ở ao hồ sông lạch cũng chẳng sao. Nông dân có thất thu thì có phải là do lãnh đạo muốn thế đâu? Công nhân có bị ức hiếp là do lỗi của họ không bầu đúng người vào công đoàn!… Nhà nước chỉ lo thu thuế vượt chỉ tiêu ngân sách. Mà vẫn được tiếng thương dân chưa được no ấm/vui khỏe/tiến bộ như nhân dân lân quốc, chỉ vì họ không còn đủ tiền…
“Bệnh nhân nào cũng là bệnh nhân, không có bệnh nhân thì không có bác sỹ. Bệnh nhân bảo hiểm y tế càng phải thương họ hơn vì họ không có tiền” (Nguyễn Thị Kim Tiến).
“Bệnh nhân nào cũng là bệnh nhân,
không có bệnh nhân thì không có bác sỹ.
Bệnh nhân bảo hiểm y tế càng phải thương họ hơn
vì họ không có tiền” (Nguyễn Thị Kim Tiến).

Tóm lại là mọi sự đều đúng quy trình: Nhân dân đóng tiền cho đảng và nhà nước tiêu tiền. Tất nhiên, ngân sách càng to thì guồng máy càng trơn. Bởi thế, một phần không nhỏ ngân sách sẽ được sử dụng hiệu quả để củng cố cái cơ chế chủ hụi giao phó nhiệm vụ cho mọi cán bộ trung thành. Ngày nào cơ chế đó còn vững mạnh, ngày đó mọi hiện tượng tan chảy của các quả đấm thép đều là bình thường…
“Gần suốt cuộc đời tôi theo đảng, tôi không chạy, xin hay thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì đảng giao” (Nguyễn Tấn Dũng).
“Gần suốt cuộc đời tôi theo đảng,
tôi không chạy, xin hay thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì đảng giao” (Nguyễn Tấn Dũng).

Kết luận chính thức, công khai và sau cùng: Tiền chẳng mất đi đâu. Nó đã được chi trả sòng phẳng cho các hãng rác quốc tế đăng bài ca tụng tay chủ xị bộ lạc. Nó đã được đánh đổi xứng đáng bằng những đồ biểu thống kê, và những món nợ còng lưng nhân dân xuyên thế hệ.

26-12-2013 – Kỷ niệm tròn 22 năm Đoàn Chủ Tịch Xô Viết Tối Cao nhómhọp và tuyên bố khai tử Liên Bang Xô Viết.
Blogger Đinh Tấn Lực

Kiều Nữ Molisa Tạo Dáng Selfie


phunu02-than

Kiều Nữ Molisa Tạo Dáng Selfie

. Đinh Tấn Lực

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có cái tên tây nghe ra cực kỳ đậm tính phụ nữ: Molisa (Ministry of Labour – Invalids & Social Affairs).
Tuy nhiên, đừng vì cái tên mang dáng vẻ tóc vàng mắt xanh đó mà vội nghi oan rằng đây là một loại cơ quan buôn dưa lê. Nó có chức năng được ghi rõ bằng nghị định số 106/2012/NĐ-CP hẳn hoi (nguyên văn, cả lỗi văn phạm chấm phết):
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực; Việc làm, dạy nghề, lao động, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp), an toàn lao động, người có công, bảo trợ xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội (sau đây gọi chung là lĩnh vực lao động, người có công và xã hội) trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ”.
Trong năm 2013, Molisa có quá nhiều hoạt động ứng phó cực tài, đến mức phải đưa ra công luận
Bình chọn các sự kiện nổi bật ngành Lao động – Thương binh và Xã hội năm 2013, trong đó có nhiều thành quả nổi cộm ngang ngửa nhau:
Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế;
Bộ luật Lao động sửa đổi chính thức có hiệu lực với sự ra đời và đi vào hoạt động của Hội đồng Tiền lương Quốc gia;
Thí điểm đưa điều dưỡng viên VN sang học tập và làm việc tại CHLB Đức và Nhật Bản;
Bổ sung Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;
Các chương trình “Em không phải bỏ học” và “Cùng em đến trường” và “Quỹ sữa vươn cao VN” tiếp tục đạt hiệu quả cao;
Chưa kể hoạt động tích cực của Ngân Hàng Chính Sách Xã Hội, được mệnh danh là Điểm Tựa Của Người Nghèo, đã góp phần giúp đỡ gần ba triệu hộ thoát nghèo, tức là tương đương với tổng số đảng viên chứ không hề chỉ một bộ phận nhỏ hay không nhỏ.
Bởi thế, thực tiễn đúc rút được cho thấy Molisa là một hệ thống có khả năng quản lý và đào tạo những đường dây quản lý nội bộ chặt chẽ, có tầm nhìn tương lai, và có chương trình giảm nghèo cực hiệu quả cho cán bộ công nhân viên chức.
PTHChuyen
ảnh hội nghị Diễn Đàn Giảm Nghèo Bền Vững nội bộ
Thời sự điển hình gần nhất là Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh Hà Giang cùng phán quyết với nhau rằng đã nhất trí không khởi tố hình sự các đối tượng ăn chặn hơn 181 triệu đồng hỗ trợ trẻ tàn tật là “vì… đại cục, vì cái to lớn hơn“.
Trước đó vài tháng, một vụ việc tương tự, có lẽ cũng không nằm ngoài đại cục, đã xảy ra ở Nghệ An: UBND xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An: Ăn chặn tiền trợ cấp cứu trợ người tàn tật, cô đơn.
Còn, bất kỳ nơi nào có lũ lụt trên đất nước này, thì đều có phó sản xà xẻo tiền/quà cứu trợ. Có nạn nhân bức xúc đến mức tự tử và để lại thư tuyệt mệnh tố cáo quy trình ăn chặn.
Cũng không nơi nào có thương binh mà không có vấn đề tiền nong trợ giúp thương binh. Thậm chí, đã có những mánh khóe vượt khỏi sức tưởng tượng của người bình thường trong quy trình ăn chặn các loại “tiền chính sách”, kể cả tiền trợ giúp người già hay người bị tâm thần, và tiền trợ giúp mai táng, bằng cách khai tử người sống!
Ngay cả nguy cơ vỡ quỹ lương hưu cũng chỉ là loại thách thức tạm thời và càng làm tăng tốc quy trình giảm nghèo nội bộ: Quỹ lương hưu của Việt Nam sẽ bắt đầu thâm hụt từ năm 2020 và sẽ hoàn toàn cạn kiệt, không có khả năng chi trả vào năm 2029.
Thế mới rõ cái đại cục của Molisa là rất lớn. Và không thể không bao sân phụ nữ.
phunu04-than
Nhưng đừng vội tin những kẻ ăn theo nhìn không quá đầu đũa, bảo rằng nhất là một khi bộ trưởng cũng thuộc phái nữ!
Hãy phóng tầm nhìn bao la hơn chút, để thấy rằng các quốc gia phát triển, kể cả Mỹ/Đức/Nhật/Hàn, chỉ mới biết tới luật bảo vệ lao động chung chung, chỉ nhắm mục tiêu “Số Không Tai Nạn Lao Động” (Zero-accident Campaign), mà chẳng hề có mảng nào đặc biệt bảo vệ lao động phụ nữ. Thế thì làm sao có được một đời sống hạnh phúc thứ nhì thế giới như ta, vang danh năm châu bốn bể về một xã hội công bằng – dân chủ – văn minh?
Rất may mà Ngoại trưởng John Kerry vừa sang thăm VN đúng lúc Molisa ban hành Thông Tư 26 về 77 việc cấm lao động phụ nữ. Lại cũng vừa đúng lúc CHXHCNVN mới được bầu vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ với số phiếu cao nhất.
Nội dung của thông tư 26 có gì đáng ngẫm và có nhiều hy vọng ngài John Kerry tiếp thu tốt để mang về Mỹ làm sạch hệ thống lao động bóc lột phụ nữ bên đó?
Thông tư 26/2013/TT-BLĐTBXH thể hiện rất rõ quan điểm bảo vệ lao động nữ, xuyên qua danh mục 77 loại công việc không được sử dụng lao động phụ nữ.
phunu11
Tất nhiên, bản danh mục này không nhằm liệt kê ra những công việc mà nam giới phải làm đến chết cũng chẳng sao. Lãnh đạo đảng thuộc giai cấp công nhân, ắt hoàn toàn không có ý đồ giết dân dã man như vậy!
Cũng chẳng phải là bản danh mục so đo với các loại công việc (hoặc là quá dơ bẩn hoặc là quá nặng nhọc) mà nhân dân các nước ngoài không ai làm, chỉ dành riêng cho dàn lao động xuất khẩu của ta, bất kể giới tính, bất kể đã phải cầm nhà ký quỹ lao động xuất khẩu 3000USD (đi Mã) hay 100triệu đồng (đi Hàn).
Lại càng không phải là bản liệt kê nhằm làm nổi bật sự cho phép gia tăng tình hình buôn bán phụ nữ xuyên biên giới (tận Nga Xô cũ), hay được công khai rao bán trên mạng (eBay)…
Và cho dù điều cấm số 74 có đề cập đến loại hình công việc buộc người đọc phải tập trung suy nghĩ, song, nhất định bản liệt kê này không phải là để ngăn chận, làm giảm, hay làm chậm quy trình  khuyến khích thêm phụ nữ VN, vốn đang thi đua ráo riết, để trở thành những cô dâu có thiên chức gieo trồng nòi Việt trên toàn thế giới.
Trong tương lai gần, bản danh mục này sẽ được cập nhật/bổ sung thêm, chí ít ở những điểm cốt lõi sau đây:
Giảm đến mức tối thiểu việc ngăn chận/giật hàng/câu lưu giới phụ nữ hàng rong;
Các biện pháp xả lũ phải tránh không làm chết phụ nữ;
Các dòng sông không được nhận chìm các bé gái học sinh đội cặp sách lội nước đến trường;
Các hội phụ nữ di dời trụ sở lên chỗ cao để tránh các trận mưa ngập phố;
Khơi dòng cho bùn đỏ Tây Nguyên nếu có lỡ tràn cũng phải biết xoay dòng chảy để không làm chết phụ nữ;
Tăng cường các khóa tập huấn quy mô về mọi thể loại nghệ thuật thể thao múa cột;
Các nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận lỡ có sự cố gì cũng phải bảo đảm không làm chết phụ nữ;
Tất cả những đặc điểm nêu trên đều nhằm làm rõ sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo cả nước về một bộ phận dân số chiếm nửa nước. Khẩu hiệu mới của lãnh đạo hoàn toàn phù hợp với thời đại nhân quyền là: “Phụ Nữ Ưu Tiên – Chân Dài Trên Hết”!
Ngoài tính sâu sắc, đó còn là sự biểu hiện thành quả tích cực của phương pháp đi tắt đón đầu: Không chỉ bỏ qua tính nhập nhằng bảo vệ lao động chung chung (bằng nâng cao tay nghề, bảo đảm sức khỏe cùng mức sống, và áp dụng tối đa biện pháp an toàn lao động); lãnh đạo giai cấp công nhân ở đây còn đặc biệt bảo vệ ngay quyền không làm việc của phụ nữ, nhân danh phái yếu, tức là một định hướng bảo vệ nhân quyền đậm đà bản sắc Việt Nam.
Kiều nữ Molisa nhất quyết không làm dáng cầu siêu cho những nạn nhân đã chết vì mọi kiểu giao thông. Molisa chỉ muốn ngăn chận những cái chết của phụ nữ trước khi nó xảy ra. Đó mới là tầm nhìn toàn cảnh về đại cục.
Nếu Quốc Hội đã có người đánh giá: “Cơ quan điều tra Việt Nam được coi là một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới”…  thì nên chăng, Quốc Hội sớm có những xiển dương để đời, hoặc vận động ngay cả ngài John Kerry (vừa thu hoạch xong chuyến viếng thăm VN) phát biểu, đại loại: “Molisa Việt Nam là một trong những bộ phận tận tâm tận lực với phụ nữ thuộc hàng bậc nhất hoàn cầu”?
phunu10-cuuvan
20-12-2013 – Kỷ niệm 53 năm ngày đẻ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.
Blogger Đinh Tấn Lực

Ở Lại Đảng Thì Được Gì?


XDdang

Chương Trình
Bồi Dưỡng Kiến Thức Về Xây Dựng Đảng

Chuyên Đề 1: Ở Lại Đảng Thì Được Gì?

Ngày hôm qua, 9-12-2013, Lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã khai giảng tại Hà Nội. 43 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI đã nhiệt liệt tham gia lớp thứ nhất.
Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tham dự và phát biểu chỉ đạo.
Mục đích của lớp học là nghiên cứu các chuyên đề lý luận, cập nhật những thông tin mới, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho các Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, góp phần trực tiếp vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đẩy mạnh công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ, đồng chí Lê Hồng Anh chỉ rõ, đất nước ta bước vào thời kỳ mới trong bối cảnh thế giới thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường… Trước mắt là nhịp độ công khai ra đảng và nhịp độ bình luận những bài viết phản động của bọn thế lực thù địch, cả trên blog, web, và chủ yếu là trên Facebook, thậm chí trên cả đường phố, công viên, café, trà đá… Tiêu biểu là những bài  “Chuyện dài ra đảng”, “Thời điểm chín muồi để ra đảng!”, “Tâm thư người ra đảng”…
Cho nên, chương trình lớp bồi dưỡng được thiết kế thành tám chuyên đề có nội dung là những vấn đề lý luận và thực tiễn cốt yếu hiện nay của Đảng và Nhà nước, thì trong đó, chuyên đề một có tầm quan trọng sâu sắc hàng đầu là “Ở lại đảng thì được gì?
Tức là, phải làm mọi cách, và bằng mọi giá, để giữ đảng viên, bởi việc mồi chài đảng viên trong thời buổi này không phải là một nỗ lực nhỏ gọn. Chí ít là đừng để tình trạng mở mồm ra là cực lực xâm phạm đến mẫu thân của đảng đang nhanh chóng lan truyền từ giới đảng viên lão thành xuống tới giới đảng viên trẻ và đang có xu thế trở thành truyền thống hiện đại.

*

Làm cách nào?
Trên thực tế, biện pháp mắm tôm có nhiều xác suất cao sẽ là giải pháp đường dài. Vừa phát triển kinh tế thôn quê, vừa bao vây văn minh thành thị.
Trên mặt lý luận chủ động, ta phải vạch rõ đâu là những mối lợi mọi người cần nâng cao đảng tính:
  • Một là, được đảng tin dùng: Được gật gù thông qua quy trình đóng dấu các văn bản dưới nghị quyết, kể cả Hiến Pháp. Ví dụ tiêu biểu và gần gạnh nhất là cuộc họp QH bấm nút vừa qua.
  • Hai là được lên chức:  Càng sai càng dễ lên chức nhanh. Phải chứng minh cho đối tượng thấy rõ trường hợp tiêu biểu của đồng chí Nguyễn Hữu Ca sau vụ Tiên Lãng Hải Phòng.
  • Ba là được lên báo: Ngay cả ngủ gục cũng có hình trên báo. Ví dụ rất nhiều, trong mọi cuộc họp ở mọi cấp. Có thể lấy ảnh ngay trong lớp bồi dưỡng này làm điển hình tiêu biểu.
  • Bốn là được lên đài: Tức là một cách làm phong phú hóa các vở hài mà giới văn nghệ sĩ ưu tú bên nhà đài không có khả năng sáng tạo đủ để khán giả vui cười thư giản sau giờ lao động.
  • Năm là lên mặt: Đây là một trong những phần thưởng lớn nhất cho đức tính kiêu hãnh mà không cần phải viết sách nói về cuộc đời hoạt động của mình. Hãy lấy ví dụ của đồng chí Tổng Lú phát biểu ở Phú Thọ thì ngay cả giới khiếm thị cũng phải thấy ngay là xây dựng đảng cho tốt thì sẽ có rất nhiều đàn em. Khi đó chúng ta có thể thoải mái dạy lính như dạy dân.
  • Sáu là lên đê: Tức là được làm phông nền cho một thiểu số khác đạp nhầu mà trồi lên làm rạng danh cả đảng. Ví dụ có rất nhiều, tha hồ chọn trong quyển Bên Thắng Cược, ví dụ điển hình nhất là cụ Võ Trạng vừa mới được điều về xây mồ ngăn bão dữ ở Quảng Bình.
  • Bảy là được đề bạt một giai cấp hậu duệ kế thừa tiên tiến: Gồm những thanh thiếu niên phấn đấu xa nhà du học các nước và từng tốt nghiệp ưu hạng về môn xé sách và giật cặp chạy mất dép.
  • Tám là được giữ quyển sổ hưu toàn vẹn: Như thí sinh giữ phao/lãnh đạo giữ chỗ/cave giữ váy…
  • Chín là được tha hồ góp ý cho đảng sản xuất những quả đấm thép các kiểu: Đây là niềm hãnh tiến toàn quốc, thay cho tất cả những công trình nghiên cứu khoa học quốc tế mà giới trí thức cả đảng nhiệt liệt khinh bỉ không thèm tham gia.
  • Mười là chia sẻ niềm hãnh diện có quyền cải tổ Liên Hiệp Quốc: Nhờ vào vị thế là thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ; nhờ vào sáng kiến Nhân Quyền Mắm Tôm; và nhờ vào thành tích có đảng viên từng được UNESCO vinh danh là Doanh nhân Văn hóa Thế giới.
Sơ khởi là mười cái lợi tạm liệt kê bên trên, được coi như là 10 phương hướng thực hiện quy trình nối tiếp truyền thống văn hóa đảng. Những mối lợi khác sẽ được cả lớp nay lẫn các lớp kế tiếp thi đua bổ sung/đúc rút/triển khai nay mai.
Sau cùng, trên mặt lý luận phản biện, cần phải làm  cho đối tượng mất ăn mất ngủ khi nghĩ đến/tính toán/cân đo cả 10 điều lợi sơ khởi vừa kể, so với cái lợi vô cùng mơ hồ của quyết định ra đảng:

Ra khỏi đảng chỉ được duy nhất có mỗi chuyện làm người!


10-12-2013 – Kỷ niệm 65 năm ra đời Bản TNQTNQ.
Blogger Đinh Tấn Lực tường thuật tại chỗ.

Dự Thảo Làm Mới Bản TNQTNQ


universal-declaration-of-human-rights

Dự Thảo Làm Mới

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Xét rằng, Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (TNQTNQ) hiện hành ra đời đã quá lâu, từ cuối thế chiến thứ hai của thế kỷ trước, kinh qua cả cuộc chiến tranh lạnh với kết thúc nhung lụa làm thay đổi bản đồ thế giới, xem ra nay không còn theo kịp tình hình thời đại trong cuộc chiến tranh mát mẻ giữa các cực mới ló dạng của quyền lực đô và quyền lực mềm, và trong bối cảnh tiến bộ tin học vũ bão hiện giờ;
Xét rằng, Bản TNQTNQ không đáp ứng được sự khác biệt cơ bản về quyền con người, do bởi sự khác biệt văn hóa và lịch sử của từng dân tộc, từng quốc gia, đặc biệt là giữa những quốc gia có nhiều ngàn năm văn hiến với những quốc gia tân lập vài ba thế kỷ, chưa đủ bề dày cách mạng dựng nước và giữ nước;
Xét rằng, CHXHCNVN đã trúng cử Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hợp Quốcvới số phiếu cao nhất; đã được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị khẳng định là nghiêm túc thực hiện cam kết quyền con người; đã tưng bừng tổ chức hội thảo tăng cường mạng lưới về quyền con người; đã được Cơ chế Kiểm điểm Định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 2 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhìn nhận là bảo đảm quyền con người ngày càng tốt hơn; đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế: Công ước Genève về bảo hộ nạn nhân chiến tranh, đối xử nhân đạo với tù nhân chiến tranh – Công ước về xóa bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc – Công ước về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội – Công ước về các quyền dân sự chính trị – Công ước về quyền trẻ em – Công ước Genève về bảo hộ nạn nhân trong các cuộc xung đột quốc tế – Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội ác diệt chủng – Công ước về ngăn chặn và trừng trị tội ác Apartheid – Công ước số 5 về tuổi tối thiểu của trẻ em được tham gia lao động công nghiệp – Công ước số 6 về làm việc ban đêm của trẻ em trong công nghiệp – Công ước số 14 về quy định nghỉ hằng tuần cho lao động công nghiệp…; đã long trọng ký “Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá khác”; đã nhiệt liệt ủng hộ lời kêu gọi chống bạo lực đối với phụ nữ; đã từng được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng nhấn mạnh là luôn luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng;  đã chính thức được Đại hội đồng lần thứ 19 các quốc gia thành viên Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới bỏ phiếu tín nhiệm là một trong 21 thành viên của Ủy ban Di sản thế giới(nhiệm kỳ 2013 – 2017); và đáng nói nhất là đang được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cam kết tiếp tục cùng nỗ lực hợp tác đểViệt Nam giữ vững vị trí tiên phong trên thế giới về tiến trình cải tổ Liên hợp quốc…;
Xét rằng, với tổng kết thực tiễn mênh mông thành tích tham gia và ở vị trí tiên phong cải tổ LHQ vừa kể, đặc biệt là theo quy trình Sửa Đổi Hiến Pháp 1992 đạt mức thắng lợi long trời lở đất suốt mấy tháng vừa qua, CHXHCNVN có đầy đủ tư cách xứng đáng không thể tranh cải để đề nghị làm mới Bản TNQTNQ 2014, với kết quả có thể thấy trước và đảm bảo là sẽ nghìn lần hay hơn bản tuyên ngôn hiện thời, bởi đáp ứng được nguyện vọng, thế giới quan, cùng sự lựa chọn đúng đắn của nhân loại về công trình xây dựng một xã hội toàn cầu vì hòa bình, thịnh vượng, tiên tiến, công bình, và văn minh.

*

Nội dung đầy tính nhân văn của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 2014 sẽ đặt trọng tâm trên những ý niệm cơ bản sau đây:
1. Ý niệm Tuyệt đối Bình đẳng:
MỌI NGƯỜI SINH RA ĐỀU CÓ QUYỀN BÌNH ĐẲNG TRONG GIAI CẤP CỦA HỌ.
Ở mức cao nhất là những người đang phải gánh vác trách nhiệm điều hành đất nước rất nặng nề. Họ có quyền bình đẳng trong việc sử dụng tài nguyên quốc gia, định hướng tiến lùi cho dân tộc, và sử dụng mọi phương tiện quốc gia cho những nhu cầu mà giai cấp cai quản đất nước nhận định là hợp lý và ích lợi nhất theo nguyên tắc mọi người vì mình.
Còn đại khối dân chúng thuộc giai cấp hoàn toàn được hưởng kết quả của thành phần điều hành đất nước nêu trên. Khối dân chúng này có quyền tuyệt đối bình đẳng về mọi nghĩa vụ. Họ có quyền đóng góp cho đất nước theo sự điều động hợp tình hợp lý vừa nói của giai cấp điều hành đất nước.
2.     Ý niệm Tôn trọng Khác biệt:
NHÂN QUYỀN PHƯƠNG ĐÔNG KHÁC XA PHƯƠNG TÂY VÀ CẢ HAI PHẢI BIẾT TÔN TRỌNG LẪN NHAU.
Thực tế không cho phép chúng ta tự bịt mắt mình và đánh đồng mọi loại nhân quyền trên khắp thế giới. Nhân quyền quan trọng đối với nước giàu là to lớn bao nhiêu thì  còn quan trọng nhiều hơn nữa đối với những nước chưa giàu hay đang giàu lên; đó là chưa kể các nước XHCN luôn đề cao nhân quyền trong phạm vi pháp luật. Do đó, các quốc gia trong LHQ bắt buộc phải tôn trọng sự khác biệt của nhau, nên phải để từng chính phủ hay đảng cầm quyền định nghĩa và tùy nghi thực thi nhân quyền ở quốc gia sở tại.
3.     Ý niệm Tương lân Hỗ trợ:
PHƯƠNG TIỆN THỰC HIỆN NHÂN QUYỀN CẦN ĐƯỢC CHIA SẺ ĐỒNG ĐỀU CHO MỌI NƯỚC.
Mọi dân tộc trong cộng đồng thế giới phải đại đoàn kết, biết tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển trong một mặt trận liên hợp thống nhất đảm bảo trật tự toàn cầu; có nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, bởi một chính đảng duy nhất và trong sạch lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiệt tình với các nước khác trên thế giới, đặc biệt là sự hợp tác viện trợ không hoàn lại, để các nước chưa kịp giàu có đủ điều kiện thực thi tốt những dự án nhân quyền sâu sắc, phức tạp, đầy khó khăn và cực kỳ tốn kém.
Mở rộng ra, ý niệm này không chỉ dừng lại ở mực xóa đói giảm nghèo trong từng quốc gia, mà còn nhắm mục tiêu thu ngắn khoảng cách chênh lệch giàu nghèo đang là những hố sâu đáng ngượng giữa các quốc gia trên mặt địa cầu.
4.     Ý niệm Văn hóa Đa dạng:
PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, XÂY DỰNG CON NGƯỜI MỚI VỪA LÀ MỤC TIÊU VỪA LÀ ĐỘNG LỰC CỦA CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI LIÊN HỢP QUỐC.
Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển. LHQ cần xây dựng một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; coi chủ nghĩa thế giới liên hiệp đại đồng là vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trên toàn thế giới, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại, phấn đấu xây dựng một thế giới văn minh, lành mạnh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao.
5.     Ý niệm Đồng thuận Quốc tế:
MỌI DÂN TỘC ĐỀU CẦN VÀ CÓ ĐIỀU KIỆN XÂY DỰNG SỰ ĐỒNG THUẬN QUỐC TẾ THAY VÌ ĐỐI ĐẦU.
Xã hội loài người là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn thế giới, khác hẳn về chất so với các xã hội bộ lạc manh mún cạnh tranh sống còn để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân, phe nhóm, hay quốc gia.
Do đó, LHQ có nhiệm vụ bảo đảm các điều kiện để từng chính đảng cầm quyền hay chính phủ là chủ thể của quyền lực chính trị, thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm hại lợi ích của nhân loại. Đồng thời, tất cả phải cùng xác định đại đoàn kết toàn cầu là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cải tổ LHQ; không ngừng thúc đẩy sự bình đẳng và đoàn kết giữa các dân tộc…

*

Dựa trên những ý niệm cơ bản và tinh thần quốc tế nói trên, các quyền làm người trong Bản TNQTNQ hiện thời sẽ được cập nhật, điều chỉnh, thay thế hay bổ sung bằng những khung quyền thích ứng sơ đẳng như được liệt kê dưới đây:
  • Quyền được sống trong hòa bình bằng mọi giá: Khi có nước ngoài cần thêm lãnh thổ, lãnh hải hay cần nới rộng không phận vì những nhu cầu cốt lõi của nước họ, thì người dân nước bạn, đặc biệt là giai cấp đang gồng gánh trách nhiệm điều hành đất nước, phải có quyền trao tặng một phần, hay toàn phần chủ quyền cho nước đó trong tinh thần “láng giềng hữu nghị & ổn định lâu dài”. Quyền được sống và được cai quản hiển nhiên là cao nhất, lại phù hợp với ý niệm đồng thuận thay cho đối đầu nói trên.
  • Quyền khai thác chung: Khi có một hay nhiều nước khác nêu vấn đề tranh chấp lãnh thổ hay lãnh hải, thì người dân nước bạn, đặc biệt là giai cấp đang gồng gánh trách nhiệm điều hành đất nước, phải chứng tỏ tinh thần sớm tối có nhau là “hợp tác toàn diện & ổn định lâu dài”, có quyền quyết định đồng ý một phần hay toàn phần, để cùng khai thác chung và hưởng lợi riêng.
  • Quyền làm nguội: Khi nhân dân trong nước tỏ ra thiếu hiểu biết và đầy cảm tính trong các cuộc tụ tập phản đối các hành động gây hấn hay xâm lăng mềm lẫn cứng của nước khác, thì giai cấp đang gồng gánh trách nhiệm điều hành đất nước phải chứng tỏ tinh thần của chữ Nhẫn là “ổn định lâu dài & hướng tới tương lai”, có quyền tuyên truyền giải thích và cả quyền tập trung phục hồi nhân phẩm, cải tạo lao động, thậm chí phóng tay trừng trị, trong mục tiêu không làm nóng lên mọi xung đột đang giải quyết bằng ngoại giao mềm mỏng.
  • Quyền tự nguyện đền ơn chính phủ: Khi chính phủ hay đảng cầm quyền vô tình làm chảy tan những quả đấm thép, làm vỡ nợ công, hay kiệt quệ ngân sách, thì nhân dân tuyệt đối có quyền thắt lưng buộc bụng và lao động phụ trội, kể cả lao động xuất khẩu, để trả nợ nước, có thể kéo dài nhiều thế hệ, coi như một cách đền ơn chính phủ hoặc đảng cầm quyền đã tận tình chăm sóc đời sống cho mọi người dân trong nước, cả thời chiến lẫn thời bình.
  • Quyền im lặng tuyệt đối: Không một ai phải phô bày các suy nghĩ của mình, dù bằng lời nói, chữ viết, hay bất kỳ phương tiện nào khác. Mọi chính phủ hay đảng cầm quyền trên toàn thế giới phải tuyệt đối tôn trọng và giúp mọi người thực thi quyền này.
  • Quyền sống vô thần và không theo một hệ thống đạo đức, luân lý nào: Không một ai được kích động tiếng nói lương tâm của người khác. Mọi chính phủ hay đảng cầm quyền phải xem việc khơi gợi lương tâm đó là một dạng khủng  bố tinh thần, lương tri và tình cảm người khác. Đồng thời, phải tận lực giúp đỡ người dân sống theo các giá trị vật chất và luôn tập trung vào tiêu chí “làm giàu là vinh quang”.
  • Quyền được định giá nhân phẩm: Trong nền kinh tế thị trường, nhân phẩm sẽ được định giá theo luật cung cầu, nên có thể cao thấp hay chênh lệch khác nhau tùy từng nước và tùy theo nhan sắc thể hình. Mọi công dân trên thế giới đều có quyền tự định giá nhân phẩm cho mình mà không cần chờ những tổ chức buôn người, hay phải theo một bảng giá cố định của bất kỳ nước nào.
  • Quyền sống vô cảm, phục vụ duy nhất cho chính mình: Quyền này phải được hiểu rộng là không chỉ vô cảm với người chung quanh, mà còn được quyền vô cảm với toàn xã hội và quyền từ khước mọi quan điểm về tình hình đất nước, đặc biệt là từ khước mọi viễn kiến về các thế hệ tương lai vốn không dính gì đến hiện tại.
  • Quyền để đầu óc nghỉ ngơi không phải đi tìm thông tin: Tạo hóa sinh ra bộ óc con người tự nó đã có đủ mọi thứ cần thiết. Cố tình nhồi nhét, nong rộng đầu óc là hành động ngược với tiến trình phát triển tự nhiên. Mọi người sinh ra đều có quyền từ chối thông tin. Mọi chính phủ hay đảng cầm quyền có nhiệm vụ giúp đỡ bằng mọi cách cho nhân dân sở tại thức thi quyền này, kể cả việc dựng tường lửa, phá sóng, hay tăng giá 3G.
  • Quyền đòi hỏi nhà nước đổi mới công tác tôn giáo: Đổi mới công tác tôn giáo, trước hết, cần đổi mới nhận thức, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Do đó, nhân dân mọi quốc gia đều có quyền kiến nghị yêu cầu nhà nước liên tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, sao cho tốt đời đẹp đạo.
  • Quyền kiến nghị yêu cầu nhà nước tăng cường sự lãnh đạo: Một khi chính phủ hay đảng cầm quyền quá bận việc thường nhật mà sao lãng vệc chỉ đạo sít sao mọi ngóc ngách sinh hoạt xã hội, thì người dân nước đó có toàn quyền yêu cầu nhà nước phải tập trung tăng cường lãnh đạo trong những lãnh vực liên hệ. Điều này còn được coi là một nghĩa vụ thường trực của công dân. Cụ thể là công dân của mọi quốc gia đều có quyền đề xuất thành lập những phòng tiếp dân xuống tới cấp huyện hay xã.
  • Quyền có được quan hệ lao động tốt hơn: Tức là phải khuyến khích hoạt động chăm sóc công nhân của các công đoàn, theo đúng tinh thần Rosa Luxemburg, bất kể là công đoàn là của chủ xí nghiệp hay do công nhân bầu ra theo đề bạt của chủ nhân. Vì lý do chủ nhân xí nghiệp cũng là những công dân có đầy đủ quyền làm người, do đó, luật lao động phải được thông qua bởi hiệp hội chủ nhân, đồng thời, mọi cuộc đình công đều phải được sự đồng thuận rốt ráo giữa công đoàn và chủ nhân xí nghiệp. Thêm nữa, mọi người đều có quyền yêu cầu nhà nước xây dựng cho các nhà máy điện hạt nhân để có đủ điện sử dụng, hay xây dựng đường sắt cao tốc để tiện lợi cho trẻ em đi học, người lớn đi làm.
  • Quyền nông dân có đất: Nông dân thiếu đất không khác gì đảng thiếu cương lĩnh. Do đó, mọi nông dân trên mặt địa cầu đều có quyền ngang nhau về việc sử dụng đất trong một thời hạn nhất định. Chỉ trừ trường hợp nhà nước sở tại của từng nước nhìn ra nhu cầu quy hoạch sân gôn, rì-sọt, cao ốc chung cư… thì mới được thu hồi đất, trong tinh thần bảo đảm không để nổ đạn hoa cải hay đạn Colt. Mọi nhà nước có bổn phận chu toàn nghĩa vụ đảm bảo tối đa quyền lợi cho người có đất bị thu hồi, tiến tới việc hình thành một bộ luật thu hồi đất áp dụng trên toàn thế giới.
  • Quyền phát huy vai trò của báo chí trong việc ngăn chận tác động xấu của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan: Công dân thuộc mọi quốc gia đều có quyền đòi hỏi giới báo chí khuyến khích mọi người chăm trồng cây xanh ngăn lũ, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe, đồng thời, báo chí phải thực hiện tốt chức năng thông tin về tai họa biến đổi khí hậu sinh ra hạn hán, bão tố, lũ lụt… bất kể là trong khi hay sau khi nó xảy ra. Tất nhiên phải ngoại trừ những trường hợp xả lũ để cứu đập đúng quy trình.
  • Quyền bình đẳng giới trong truyền thông: Mọi nhà báo nhà đài đều được coi là bình đẳng, không phân biệt nam-nữ trong công tác, chức vụ, lương bổng hay mức bồi dưỡng, theo đúng tinh thần các buổi hội thảo quốc tế mà Việt Nam từng tổ chức hay tham dự. Mọi người đều có quyền ngang nhau trong việc kêu gọi tăng cường mọi nỗ lực để loại bỏ tận gốc tất cả các biểu hiện phân biệt đối xử đối với phụ nữ, đặc biệt là nạn bạo lực. Đồng thời, mọi công dân trên thế giới đều có quyền kiến nghị nhà nước sở tại tổ chức những Hội Nhà Báo để quản lý chặt chẽ tất cả nhân sự có chức năng truyền thông trong luồng chính thống, làm nền cho một Hội Nhà Báo Thế Giới.
  • Quyền tham gia các chiến dịch bài trừ thông tin xấu: Mọi người đều có quyền ngang nhau về thông tin và được thông tin. Tuy nhiên, các loại thông tin không phù hợp với chính sách quốc gia, nhất là trong thời đại bùng nổ các mạng liên kết xã hội, đều được coi là thông tin ngoài luồng và cần được triệt để giới hạn. Do đó, mọi công dân trên thế giới đều có quyền tham gia những chiến dịch bài trừ thông tin xấu, đặc biệt khuyến khích tham dự những chiến dịch tầm cao mà VN từng mệnh danh là Điện Biên Phủ Trên Mạng.
  • Quyền tham gia các trại sáng tác: Trong lĩnh vực sáng tác văn học nghệ thuật, mọi công dân trên thế giới đều có quyền đề nghị nhà nước tổ chức để có thể tham gia các trại sáng tác thường xuyên, tại bản xứ hay kết hợp với các chuyến du lịch nước ngoài, hầu có thể phát huy tài năng sáng tác đúng theo xu thế phát triển của nhà nước bản xứ. Ngoài ra, mọi người đều có quyền kiến nghị nhà nước sở tại tổ chức những Hội Nhà Văn để được chăm sóc nghiêm nhặt về đời sống tinh thần của từng người. Từ đó xây dựng một Hội Nhà Văn Thế Giới
  • Quyền tham gia phát triển chiến lược và chính sách quốc gia bảo vệ tác quyền: Trong thời đại tin học bùng nổ, và cả trước đó, đã có rất nhiều cá nhân đạo văn, đạo thơ, góp nhặt công sức sáng tác của người khác làm tư tưởng riêng của mình, gây tổn hại cho những tác giả chính chủ. Mọi công dân trên thế giới đều có quyền đưa ra công luận những trường hợp đạo văn, đạo thơ kiểm chứng được, hầu nâng cao ý thức bảo vệ tác quyền. Chỉ ngoại trừ một vài trường hợp thật cá biệt, có thể nguy hiểm đến tính mạng do bởi sự trả thù của những cá nhân hay tập thể quyền thế khác thì không nên.
  • Quyền bình đẳng của những người khuyết tật: Mọi công dân trên thế giới, kể cả cư dân trên mạng, đều có quyền ngang nhau về mọi mặt, không phân biệt khuyết tật thể lực, tinh thần hay tâm lý, kể cả những người bị chứng hoại não, liệt kháng đầu óc hay lười tư duy, chực chờ người khác suy nghĩ giúp rồi hành xử theo chỉ đạo. Mọi sự kỳ thị đều phải được nghiêm trị để thế giới là một nơi an toàn cho nhân loại.
  • Quyền an toàn giao thông: Tất cả nhân loại trên mặt đất đều có quyền được an toàn khi tham gia giao thông, ngoại trừ cầu sập, phà chìm, hay máy bay đáp một bánh… LHQ cần khuyến khích tuyệt đại đa số nhân dân các nước phát huy phong trào an toàn giao thông trên toàn thế giới, bằng cách đi bộ, đi xe đạp, hoặc du dây cáp qua sông, vừa an toàn, vừa tiết kiệm nhiên liệu, vừa giảm thiểu nạn ô nhiễm không khí, lại vừa tạo điều kiện để nhà nước sắm công xa sang trọng, làm rạng danh đất nước.
  • Quyền an toàn y tế: Loài người tồn tại đến ngày nay là nhờ biết dùng thuốc, tất nhiên không chỉ thuốc lá hay thuốc phiện. Do đó, y tế là bộ phận quan trọng nhất của mỗi quốc gia để chăm sóc cho việc bảo tồn nòi giống. Mọi công dân đều có quyền ngang nhau về việc phòng bệnh, thông qua các loại chủng ngừa; và trị bệnh, thông qua hệ thống nhà thương giường đôi, giường ba, tối đa là giường bốn người, với những bác sĩ lương y như từ mẫu.
  • Quyền an toàn giáo dục: Mọi công dân trên thế giới đều có quyền ngang nhau về việc thụ hưởng một nền giáo dục phải đạo, tức là tiên học lễ (cho hậu, rồi) hậu học văn. Học sinh các nước đều có quyền được trang bị kiến thức tổng quát, với hệ thống sách giáo khoa tiên tiến giảng rộng mọi từ, kể cả từ “thùng giác”, hay làm toán với những ngón tay bị chém đứt.  Qua đó, học sinh được kiểm tra bằng hệ thống PISA để xếp hạng trình độ giáo dục của mọi quốc gia trên toàn thế giới.
  • Quyền thoát khỏi cảnh nghèo: Mọi công dân trên thế giới đều có quyền ngang nhau về công cuộc làm giàu, bất kể là dân đen hay quan chức. Chiến dịch 531 của CHXHCNVN là một thành quả vượt bực nổi danh trên toàn thế giới về nỗ lực xóa đói giảm nghèo, trước tiên là cho giai cấp điều hành quốc gia, vì đó là mặt tiền của đất nước.
  • Quyền phòng chống tham nhũng: Công dân thuộc mọi quốc gia đều có quyền ngang nhau về phòng chống tham nhũng. Ngược lại, chính phủ hay đảng cầm quyền của mọi quốc gia đều có bổn phận cam kết tận tâm phòng chống tham nhũng, nhưng vì cũng là những thành viên có đầy đủ quyền con người, nên không nhất thiết phải từ chức theo lời hứa, mà chỉ cần xử lý hành chánh hoặc chuyển đổi sang một chức vụ khác cao hơn. Như thế, các cấp điều hành quốc gia đều được trang bị đầy đủ kinh nghiệm để gầy dựng một phong trào tự giác phòng chống tham nhũng, rửa tiền, chuyển ma túy bằng đường hàng không… trên toàn thế giới.
  • Quyền kiến nghị nhà nước nâng cao tính chiến đấu của các bộ phận giữ gìn ổn định xã hội: Bao gồm mọi cơ quan an ninh, công an, cảnh sát, quân đội, cục thống kê, vụ dư luận… đặc biệt là nâng cao tính chiến đấu của nhà báo nhà đài. Sao cho hình ảnh đất nước mọi nơi đều tươi đẹp và mọi công dân đều am hiểu nguy cơ của sự mất ổn định do sự tụ tập đông người.
  • Quyền vạch mặt bọn phản động hay khủng bố: Khi chính sách sai sót của đảng cầm quyền bị đưa ra ánh sáng công luận thì nhân dân sở tại, đặc biệt là bộ phận không nhỏ an ninh, công an… có đầy đủ quyền vạch mặt chỉ tên những ai chỉ trích chính phủ, vì đàng sau sự chỉ trích đó hoàn toàn là những âm mưu lật đổ nhà nước, gây rối loạn sự ổn định chính trị xã hội của cả nước. Điều này phải được hiểu rộng ra là một nghĩa vụ chứ không chỉ là quyền.
  • Quyền an toàn thân thể, đặc biệt cho công an và an ninh, dù mặc sắc phục hay không. Vì sự an toàn của lực lượng dân phòng, công an, an ninh ảnh hưởng đến sự an toàn của cả xã hội nên phải được tuyệt đối bảo vệ.

*

Trên đây chỉ là một khung sườn sơ thảo. CHXHCNVN tình nguyện đề xuất bộ phận đầy kinh nghiệm trong quy trình sửa đổi hiến pháp VN vừa qua cùng nhau cật lực triển khai một bản dự thảo đầy đủ chi tiết hơn cho Bản TNQTNQ 2014.
Để chốt lại, toàn bộ lãnh đạo VN ngày nay đều một lòng thiết tha với con đường tiến lên hàng đầu của nhân loại. Chắc chắn nhân loại sẽ còn tiến xa hơn ngày nay rất nhiều một khi thế giới tuyệt đối tin tưởng vào khả năng điều hành của dàn lãnh đạo Hà Nội đương nhiệm, trong vị trí là thành viên mới nhất của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, và tích cực ủng hộ cho bản dự thảo TNQTNQ 2014 ra đời đúng thời hạn.
Trong trường hợp cần thiết, CHXHCNVN sẽ tận tình giúp đỡ mọi quốc gia, bất kể bạn-thù, về những kinh nghiệm mênh mông mà VN đã rút tỉa được trong tám thập niên qua. Chúng tôi có những diễn giả từng diễn thuyết sôi nổi hùng hồn tại Cuba gần đây, từng khiến ông Ô-ba-ma kinh ngạc, và đặc biệt từng khiến Thủ tướng Giăng Mắc Ê-rô của Pháp quốc phải bò lăn ra bái phục…
Chúng tôi sẽ không ngần ngại đến bất cứ nước nào để truyền bá thêm tư tưởng cải tổ LHQ.
05-12-2013 –  Chuẩn bị chào mừng sinh nhật Bản TNQTNQ 1948.
Blogger Đinh Tấn Lực sao y bản chánh.