Ôm Vuột Chân, Chỉ Được Mỗi Vết Giày


Tranh: Igor Samarow - Nguồn: Dân Luận
Tranh: Igor Samarow – Nguồn: Dân Luận

Ôm Vuột Chân, Chỉ Được Mỗi Vết Giày

. Đinh Tấn Lực


Chuyến này ngó như thử anh Tư chuẩn bị khá kỹ, do bởi chính mình thỉnh cầu hội kiến trước thời hạn hứa hẹn.
Tức là, chịu khó thu nhận ý kiến của Mát-xcơva, thăm dò thái độ của Tân Đề Li và Gia-các-ta, quan trọng nhất là ý kiến chỉ đạo sát nút của Bắc Kinh, rồi mới đi Mỹ.
Coi truyền hình nội địa về vở diễn, lắm người đâm ra ngộ nhận tầm xa rằng đây là chuyến công du “chiến lược”, ít ra là ở tầm xây dựng lòng tin chiến lược cụ thể và tận nơi (cho kẻ chủ xướng “tư tưởng thời đại” này), hoặc tệ hơn nữa, là ký thương ước nhập khẩu vũ khí chiến lược, cho sôi nổi/xôm tụ trong cuộc chạy đua …nội bộ. Mà, trên thực tế, không kể hai thông dịch viên nuốt chữ tới phát ách, cũng chẳng ai khác biết chắc là trong buổi họp kín đó, anh Tư có chuyển tải được điều gì cụ thể về “lòng tin chiến lược” đó không, hay là chẳng có cơ hội đề cập, một khi chủ nhà xoành xoạch chuyển sang những chủ đề có sẵn trong nghị trình của họ?
Tới chừng coi truyền hình tư bản, người ta mới té sấp té ngửa ra là chẳng có “chiến lược” gì ráo.
Rốt cục chẳng có vụ mua bán khí tài gì cả. Mà cái này đoán được. Ngoại trừ lúc lâm vào những khúc ngoặt lịch sử (cần vẽ lại bản đồ thế giới chẳng hạn), còn thì đời nào Mỹ chịu bán vũ khí chiến lược cho những đối tác tầm sàn lại đang là đối tác chiến lược tầm đỉnh của …vua hàng nhái là nước Tàu?
Rốt cục chẳng có việc ký kết một văn kiện nào về quốc phòng hay an ninh khu vực. Tất cả chỉ là loại nước bọt khá dễ bốc hơi.
Rốt cục chẳng có cái chứng chỉ đối tác chiến lược nào với Mỹ. Chỉ là thứ “đối tác toàn diện”. Ôi, sao cái từ “toàn diện” nó mang tính ngoại giao nước bọt đậm đặc là vậy?
Rốt cục cái “phái đoàn tôn giáo” và “phái đoàn công an” tùy tùng của anh Tư, giữ trọng trách giải độc nhân quyền, đành phải chịu khó đi mua sắm trong thời gian thất nghiệp ở Mỹ.
Rốt cục cũng chẳng có cái bắt tay TPP. Ngài Obama kính mến kia chỉ nhẹ nhàng buông thỏng một câu “sẽ xem xét”, như một thứ án treo. Lại còn ỡm ờ về lời nhờ cậy của anh Tư về việc công nhận cái nền “kinh tế thị trường” của VN. Kể cũng khó, bởi nếu công nhận điều đó tức là tự động cắt bỏ cái đuôi định hướng thổ tả đang ở tầm kim chỉ nam này nọ, trong khi nó chính là sân chơi (và két sắt) của lãnh đạo Hà nội. Cho nên chủ nhà đánh vòng, mà buộc lòng anh Tư vẫn phải cười tươi, còn là tươi nhất trong bộ tứ Khải/Triết/Dũng/Sang từng qua Mỹ, chiếu theo lời nhận xét không cần dấu diếm tính “chỉ tang mạ hòe” của bạn Nguyễn Khanh RFA.
Cái ấn tượng còn lại ở những người theo dõi sự kiện “chiến lược” này là gì?
Có lẽ tạm thời …phải đếm số!
*

Một 

Là thái độ coi thường (nói cho có tí vẻ ngoại giao là thái độ đánh giá thấp) của Oa-Sinh-Tơn, đối với phái đoàn nguyên thủ của Hà Nội. Điều này thì …cả Văn Vĩ hay Gary Davis cũng đều thấy, và nhiều người bực lắm rồi.
Bởi, một chính khách mang danh nguyên thủ như anh Tư mà chỉ được cấp đại sứ “welcome”, không trống kèn quân nhạc, không lính bồng súng chào, không thảm đỏ, không vòng hoa… Đến lúc khui sâm-banh thì chỉ được cụng ly với cấp ngoại trưởng, trong một bữa ăn trưa đơn giản tại phòng tiếp tân của Bộ Ngoại giao, ngày 24-7-2013. Đã không có dạ tiệc ở Nhà Trắng thì chớ, đàng này, phần dạ tiệc ngay buổi tối hội kiến “thượng đỉnh” 25-7-2013 , do ngài Obama chủ xị ở Nhà Trắng, là buổi tiệc Iftar để dành riêng cho nghi thức chay tịnh mùa Ramadan của những người theo đạo Hồi!
Vậy thì còn ra cái thể thống gì nữa? Thể thống ở đây chẳng phải chỉ là tư thế của anh Tư không thôi. Bởi vì, ngoài một mớ đảng viên thiểu trí thừa tham của CSVN, thì có ai coi anh Tư ra gì đâu, nói chi tới tư cách cá nhân hay tư thế đại diện quốc gia? Mà ngay cả đảng viên cũng vậy, từ trước cả đận anh Tư không dám nêu thẳng tên đối thủ, mà phải mập mờ X kia X nọ, thì họ đã coi anh Tư ra cái cóc gì đâu?
Thể thống ở đây chính là sự niềm nỡ tối thiểu nào đó phải có của một nguyên thủ đối với một nguyên thủ, kể cả khi kẻ đó tự xưng là nguyên thủ. Mà không có chút nghi thức ngoại giao niềm nỡ tối thiểu nào kỳ này, tức là, hoặc, tự Mỹ nó đểu; hoặc, Mỹ cả nể ý kiến của những đại diện Việt kiều đã họp với Nhà Trắng trước đó mấy ngày, rồi hành xử đúng mực/đúng tầm/đúng người/đúng việc như vậy; hoặc, “mình phải thế nào thì người ta mới mời mình (kiểu đó) chứ!”.
So với các chuyến trước thì có vẻ người tiền nhiệm của anh Tư được đón tiếp có phần nào tử tế hơn, cho dù không ai muốn nhắc chuyện Hà Nội phóng thích LS Lê Quốc Quân vài ngày trước khi phái đoàn Nguyễn Minh Triết qua Mỹ.
Gì thì gì, những người từng ưu tư về quốc thể cũng …bớt áy náy. Bởi, một khi Mỹ không đối xử với anh Tư như một nguyên thủ, tức đại diện quốc gia, thì kể ra, có muốn cũng khó để quy kết là họ coi thường quốc thể VN. Rõ ràng là họ chỉ coi thường tư thế tự phong của “đối tác”.
*

Hai

Có nhiều dòng nghĩ khác nhau về món quà anh Tư chuyển đến ngài Obama kính mến nọ.
Có người cho rằng đó là một thông điệp muộn màng từ cái đầu nô lệ đang vái tứ phương của thời 1946. Thời đó, trong lúc bị bế tắc đàm phán, và quyền lực cai trị bị đe dọa bởi một cuộc đảo chánh quân sự, tác giả bức thư đã nhiệt liệt khẩn cầu tổng thống Mỹ: “…Hãy can thiệp khẩn cấp và hỗ trợ cho nền độc lập của chúng tôi”. Qua đó, rõ là cái quyền lực cai trị non trẻ vừa cướp được đang nhâng nhâng nhân danh độc lập. Cũng có nghĩa là đàn anh Liên Xô bấy giờ đang bận hay bấn chuyện nội bộ gì đó của họ (vào giai đoạn chiến tranh lạnh tượng hình), nên không chìa tay ra được. Đành quay sang Mỹ, cho dù điều đó không chứng tỏ rằng tác giả bức thư am tường quan hệ Pháp-Mỹ ngay sau thế chiến thứ hai.
Sáu mươi bảy năm sau, việc cầu cạnh lặp lại lần nữa, cũng chỉ vì những chiếc ngai vua tập thể đã long ngàm rã mộng. Và tác giả thông điệp này cũng không chứng tỏ được mức am tường về xu hướng dân chủ hóa toàn cầu của một chính quyền vẫn còn đứng hàng đầu thế giới, cho dù vẫn chỉ đạo hàng ngày cách viết những bài xã luận cơ bắp trên báo ND và QĐND. Đã không biết cách ngã giá, lại khư khư không muốn ngã giá.
Lại gặp phải một tay hùng biện vào hàng nhất nhì nước Mỹ. Lắm người diễu cợt rằng chính anh Tư giỏi hơn người tiền nhiệm, ở chỗ làm được cái việc phân hóa chính trường nước Mỹ, cái mà tay tiền nhiệm kia chỉ chém gió. Song, những người hiểu rõ các mối quan hệ bên trong chính trường Mỹ lại bảo rằng ngài Obama kính mến kia là một cao thủ lăng ba vi bộ ở câu trả lời: “Hồ Chí Minh thực sự có cảm hứng nhờ Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp Hoa Kỳ, và (nhờ) những lời nói của Thomas Jefferson”.
Tức là, vừa đánh vòng việc từ chối lời cầu cạnh (tất nhiên có điều kiện mà chưa thỏa); vừa “tát yêu” rằng bác của mấy chú ăn cắp quen tay (mà chúng tôi cũng chẳng cần khép tội 258 lợi dụng quyền dân chủ);  lại vừa để cho phe hữu bên đó ồn ào lên tiếng giúp, dù chói tai, nhưng cuối cùng vẫn là hỗ trợ cho cái lắc đầu.
Lại còn “vặn họng” đối tác là mấy chú cứ ra rã chửi Mỹ, từ thời “chống Mỹ cứu nước”, qua trận động đất Đông Âu-Liên Xô, tới cả thời 9-11 và chiến tranh Iraq/A Phú Hãn/Palestine, kéo dài tới những cuộc cách mạng hoa/màu gần đây… Thế nhưng 67 năm qua, phải thừa nhận là các chú mặt dày vô địch, khi hết nước thì cũng sẵn sàng quay đầu về cầu cạnh cái “thế lực thù địch” số một thế giới: “Hồ Chí Minh đã nói ông muốn hợp tác với Hoa Kỳ. Và Chủ tịch Sang bày tỏ rằng: ngay cả nếu 67 năm đã trôi qua, thì cũng là điều tốt khi chúng ta còn đang có tiến bộ (tới cái đích hợp tác ấy)”.
Tiếc thay, ông còn cắt nghĩa thêm: “Chúng ta vẫn còn những bất đồng…”.
Thế là trắng tay, mà còn phải cố sức cười tươi cúi nhìn đôi bàn tay trắng, bận về.
*

Ba

Cũng phải thừa nhận thêm, rằng, tay nào cố vấn cho anh Tư phát ngôn lời cảm ơn TT Obama và nước Mỹ đã cưu mang và hỗ trợ những người Việt Nam tỵ nạn này để họ (thành công vẻ vang và) trở thành công dân Mỹ, quả là một thế lực thù địch đáng gờm từ bên trong.
Hắn phải biết rất rõ nguồn gốc của những đợt di tản/thuyền nhân… đó là từ đâu mà ra. Hắn phải biết là những đoàn người tỵ nạn CS đó đã bỏ phiếu bằng chân và bằng cả sinh mạng để thoát khỏi cái nhà tù nghiệt ngã CHXHCNVN. Hắn phải biết chính nhà nước khuyến khích cho đảng viên bán bãi lấy vàng rồi bắn ghe/giết người để cướp thêm vàng (Nguyễn Minh Triết là một trong những hung thần đó ở khu vực Sông Bé). Hắn biết rõ là chính quyền Mỹ nắm vững cái ngỏ ngách tham tàn đó của lãnh đạo Hà Nội. Quan trọng nhất là hắn cũng biết rất rõ anh Tư thiếu thông minh đủ để phát ngôn những lời phản cảm và phi nhân đó.
Chẳng lẽ ngài Obama kính mến kia buột miệng hỏi ngược: Thế thì đối với hàng triệu thuyền nhân không đến được một bến bờ nào thì ngài chủ tịch Tư sẽ cảm ơn ai?
Khổ thân anh Tư lọt bẫy đám đàn em chuyên ngành khủng bố mềm.
Càng khổ thân anh Tư hơn nữa là ngay vào lúc hăng say với một phát ngôn những tưởng sẽ trở thành danh ngôn đó, thì một  đàn em khủng bố mềm khác lại hùng hổ ném chất thải vào mặt lãnh đạo đang công du, bằng câu tuyên bố rằng những Việt kiều ở Mỹ (hội nhập thành công và đóng góp vào nền kinh tế đứng đầu thế giới của Mỹ, trong đó có nhiều triệu phú) đi biểu tình đòi hỏi lãnh đạo Hà Nội tôn trọng nhân quyền, là họ: “chỉ vì đồng tiền, chỉ vì mưu cầu cuộc sống, chỉ vì muốn có 1 chút thu nhập thêm…”. Hắn ở cấp thứ trưởng ngoại giao và thuộc hàng tổng lãnh sự VN ở nước lớn chứ không phải hàng cắc ké/cò mồi.
Rõ là giới quan tâm không tránh khỏi hoang mang: “Âm binh vật Phù thủy” ngay ở bên ngoài lãnh thổ VN và trước mặt những ân nhân đang khẩn cầu cứu độ kia đó chăng?
Bởi vậy, khi đọc Bản Tuyên Bố Chung ở đoạn: “Hai vị chủ tịch nhất trí là cần tăng cường quan hệ giáo dục, văn hóa, và người với người giữa Hoa Kỳ và Việt Nam”, người đọc không kềm được cảm giác tức thì/tại chỗ là: Nỗ lực tăng cường giáo dục, văn hóa, giữa người với người này, trước tiên phải được áp dụng tức khắc cho dàn lãnh đạo ở Hà Nội.
*

Bốn

Dàn lãnh đạo ở Hà Nội có chung một đồng điểm rất đặc thù là cực khoái tiết mục lip-dance, tạm dịch là …múa mỏ.
Anh Tư đã để lại Mỹ ít ra là hai bài múa:
Bài thứ nhất là câu tuyên bố đứng bục của anh Tư: “Là một thành viên của Liên Hiệp Quốc, Philippines có toàn quyền theo đuổi vụ kiện như họ muốn”. Nhưng từ chối bình luận khi được hỏi về khả năng liên kết giữa Việt Nam với Philippines trong nỗ lực đưa ra trọng tài quốc tế để xét xử các tranh chấp biển đảovới TQ, dựa trên Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, như chính quyền Phi đã khởi động từ đầu năm nay.
Tức là chỉ phán những điều cả thế giới biết rõ, và tắt đài để dấu kín cái hèn tự thân.
Bài thứ nhì là lúc sắp rời Mỹ, vào sáng ngày 26-7-2013, anh Tư ghé qua trụ sở Liên Hợp Quốc, đã lên lớp ngài Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, rằng: “VNmong muốn LHQ phát huy tốt vai trò to lớn trong việc duy trì hòa bình, ổn định trên thế giới cũng như trong khu vực, thúc đẩy đối thoại, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển chung của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển”.
Lẽ nào ông Ban, trong trách vụ Tổng thư ký LHQ, lại không biết điều đó? Chẳng phải đó là nội dung khoản 1/điều 1/chương 1,  được ghi rõ ngay những dòng đầu trong  bản Hiến chương Liên Hợp Quốc hay sao?
Vậy thì, nguyên thủ của một đảng cầm quyền cả nước, đâu phải có chức năng chính là để ba hoa những điều ai cũng biết hầu đừng ai bảo mình mắc …chứng câm? Hoặc giả, đây chỉ là trò mèo chơi gác kèo: Tổng Lú đã múa nhuyễn và múa dai ở Cuba chuyến trước, thì Chủ tịch Tư phải múa bảnh hơn ở Niu-Oóc chuyến này?
Cũng ngay tối 26-7-2013 đó, ở VN, đài VTV1 trân trọng đi tin “Bế giảng lớp Cán Bộ Nguồn” trước khi loan báo tin tức về sự kiện nổi cộm là anh Tư hội kiến với ngài Obama quyền lực ăn trùm thế giới. Đâu lý nào VTV1 đánh giá chuyến đi Mỹ sát cạnh và trung thực đến mức đau đớn ấy?
*

Tạm Gút

Cuộc hội kiến của anh Tư với chủ nhân Nhà Trắng đương nhiệm chỉ vỏn vẹn 45 phút, được linh động phụ trội thêm 30 phút, chỉ đi đến những điều não lòng cho người cầu cạnh. Túm lại thì đó là hình ảnh của một anh chàng ôm vuột chân đối tác, chỉ còn lại trên người trọn vẹn một vết giày.
Nguyên nhân?
Mỹ chủ trương thúc đẩy dân chủ hóa mọi nơi chứ không hề muốn bán bảo hiểm cho một nhà nước độc tài độc đảng chuyên dựa hơi thiên hạ để tiếp tục đày dân hay giết dân mình.
Trong lúc đó, Ngoại trưởng tân nhiệm của Mỹ, John Kerry, trong buổi tiếp tân tại Bộ Ngoại giao, lại dí dỏm so sánh đối chiếu tiểu sử bản thân với “quốc khách”, từ 1966, 1969, 1984… cho tới nay, thông qua những nét tương đồng, tuy thân mật nhưng không kém phần trịch thượng, như thử hắn mới là đồng vai đối tác với anh Tư.
Điều đó càng được minh họa rõ nét tại sao Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Sheer, trực thuộc quyền điều động của Ngoại trưởng John Kerry, phải lãnh “trọng trách” đón anh Tư tại phi trường và cũng là người giới thiệu hai chủ tịch tại Nhà trắng.
Còn về lời mời chân thành của anh Tư, về một chuyến viếng thăm VN của ngài Obama kính mến nọ, thì nhận lại được một câu trả lời bất định. Ông ấy nhận lời và bảo rằng sẽ cố thực hiện chuyến viếng thăm vếng đó trước khi rời Nhà Trắng vào năm 2016.
Ông ấy còn nhấn mạnh thêm đâu đó: “Hoa Kỳ tiếp tục tin tưởng tất cả chúng ta đều phải tôn trọng những vấn đề như tự do phát biểu, tự do tôn giáo, tự do hội họp”.
Phải chăng đó là những điều kiện giản đơn được gói ghém thành một thông điệp có thắt nơ?

28-07-2013 – Kỷ niệm 18 năm CHXHCNVN gia nhập và trở thành thành viên thứ bảy của ASEAN
Blogger Đinh Tấn Lực

Đi Sứ Cho Tàu


nguyen-do


Đi Sứ Cho Tàu

. Đinh Tấn Lực

Cực thiệt anh Tư hả?
Mả cha thằng X. Trong Hội nghị Sangri-La quý phái vừa rồi, nó linh tinh nhiều chuyện ăn cơm hớt. Nó uống champagne Mumm Napa DVX Brut mà thuổng ý Mao Đài thành diễn văn dẫn nhập. Tức là lẹ tay cướp công rao truyền giùm cho đức Hoàng Đế, rằng “TQ, Hoa Kỳ nên củng cố  lòng tin chiến lưc, tương kính quyền lợi cốt lõi chung”. Nghĩa là chỉ giỏi cái chuyện cúc cung Thiên triều, bằng nước bọt.
Khiến anh phải khăn gói qua Mỹ, gặp tận mặt/bắt tận tay ngài Obama kính mến, với hy vọng là phần nào chiếm lại ưu thế chư hầu tận tụy trong ánh mắt đại vương họ Tập.
Nhưng có dễ đâu, anh Tư hả?
Chẳng qua là ngài Obama dự trù ghé VN một phát (cho biết Lộc Hà và Trại Giam số 6?), trong chuyến công du tham dự East Asia Summit – Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào cuối tháng 11 năm nay tổ chức tại Brunei. Cho nên mới có quả “mời lơi” ngang hàng “triệu tập” này.
Nhưng có phải cũng tại vậy mà Nhà Trắng chơi khăm anh? Chứ có đâu xuống máy bay mà không ai đón hay choàng hoa? Rồi còn dự trù đưa anh Ngoại trưởng quèn ra chiêu đãi phái đoàn ta, dù biết rất rõ là trong đó có anh? Không lý gì Nhà Trắng nó coi thường nguyên thủ VN ngày nay cũng chẳng khác gì lần đón tiếp kẻ tiền nhiệm của anh sáu năm trước?
Người Việt, cả trong lẫn ngoài nước, không coi anh và tùy tùng của anh có chút tư cách nào đại diện cho Việt Nam thì điều đó còn lý giải được, bởi nó hợp lẽ. Chứ đằng này, giữa hai quốc gia mà họ đối xử lạnh như đá cục/lạt như nước ốc kiểu đó thì …khó coi quá!
Rõ ràng là Nhà Trắng vẫn lăm lăm trong tay cây gậy (CPC) với củ cà rốt (TPP). Chẳng ai muốn bảo anh hay đảng của anh mang kiếp ngựa thồ thèm cà rốt màu xanh đô, song, rõ là họ có coi cái tầm đối tác mà anh, kêu bằng đang cực nhọc/khổ thân vác chuông đó, có ra cái …cóc gì đâu? Mình có thế nào nó mới đối xử tàn tệ như vậy! Rõ là nó …cóc cần chứ còn gì nữa? Bộ không giống như kỳ anh ghé Ấn Độ mấy tháng trước đó sao?
Dạ, nhục chứ anh Tư!
Đường đường là một chủ tịch nước CHXHCNVN anh hùng một thuở, lại phải làm con thoi, kêu bằng thay gối Thiên triều, để qua lạy Ấn rồi lạy Mỹ, năn nỉ bọn nó tạm thời thông cảm cho cái lưỡi chữ U của đức Hoàng Đế, thì cho dẫu mặt dày tới đâu mà cũng không thấy nhục thì thấy cái …gì?
Dạ, cũng bực lắm chứ anh Tư!
Thằng X chỉ chỉ phun một mớ nước miếng, cho dẫu có xùi bọt mép chút đỉnh, vẫn dễ coi, khỏe thân và nổi tiếng hơn anh nhiều! Nó chỉ rống họng khơi khơi giữa chợ, cóc ai tin cũng kệ thây họ, thiên hạ bụm miệng cười rần cũng kệ thây họ. Còn anh phải nhọc công vác cái nụ cười móm rọm trên cái khuôn mặt lồi lõm ổ trâu như đường lên Háng Đồng mà đi vái tứ phương, cho Vua Cả. Không bực sao được?
Còn dân thì sao à?
Ừ, dân cũng bực, càng bực, nhưng là bởi tiền thuế của họ bị xài phí phạm hoang đàng cho mớ kinh phí đi mây về gió kinh hoàng của những phái đoàn công du làm mọi cho Tàu (và nhân cơ hội đánh quả mua hàng nước ngoài). Mà dân họ biết tỏng ráo. Họ biết thằng X răm rắp minh họa giùm cái ý siêu phàm của đại đế trong Hội Nghị Sangri-La. Họ cũng biết anh làm bộ/ra vẻ như một tay đu dây nghiệp dư, song chẳng có dây nào để đu, mà dẫu có thì cũng chẳng ai cho đu. Khổ thân, anh chỉ cho đại đế mượn cặp đầu gối bắt đầu cọt kẹt của anh. Cho nên, mấy “phái đoàn” thương mại hay tôn giáo tùy tùng theo anh đều hóa thành mớ đồ trang điểm.
Anh tính mang theo 4 đại diện quốc doanh của Tin Lành, Phật giáo và Công giáo kiểu đó là làm hoa mắt Nhà Trắng với điện Capitol của họ, để họ quên béng cái CPC, là được sao?
Coi bộ khó, anh Tư à!
Thời này lừa dân còn chật vật, sao lại tính chuyện lừa Mỹ? Bộ anh tính là họ không biết chút gì về tình hình đàn áp dã man các tôn giáo Cao Đài/Hòa Hảo/Phật giáo/Tin Lành/Công giáo ở đây đó sao? Bộ anh tưởng họ không giữ hồ sơ Các thanh niên Công giáo/Tin lành ở Vinh và Trà Vinh đó sao? Bộ anh nghĩ là họ không biết tới LS Lê Quốc Quân từng tu nghiệp ở New York đó sao? Bộ anh vẫn đinh ninh là họ không theo dõi những cuộc tuyệt thực non tháng của LS Cù Huy Hà Vũ và hơn tháng của Blogger Điếu Cày đó sao?
Họ còn biết tỏng về cái quan hệ 16 vàng/4 tương/4 tốt nó quan trọng ngần nào đối với đảng của anh nói chung và đối với mấy cái ghế của bọn anh nói riêng. Họ biết rõ bọn anh đã bị bó chân như phụ nữ Tàu thời xưa, bằng những thứ sinh tử phù đặc Hán. Họ còn biết tường tận băng đảng BCT của anh xưa giờ vẫn chủ trương thà mất nước hơn mất đảng/thà mất dân hơn mất ghế, mà chỗ dựa duy nhất là Trung Nam Hải. Từ đó, họ biết tỏng là bọn anh cóc có thực tâm gì để tạo “quan hệ bình thường”, khoan nói là “quan hệ chiến lược” với họ, ngày nào mà bọn anh còn hạ quyết tâm giết dân để cõng Tàu.
Thành ra, họ có coi những phẩm vật dưới dạng cái độn con thoi mà anh dụng tâm cống Mỹ lần này có là cái …cóc gì đâu?
Chốt lại ra sao à?
Người ta hiểu cái nỗi khổ đi sứ cho Tàu của anh, nhưng …cóc ai thông cảm nổi, anh Tư à!
Dẹp cái trò lừa lọc vô luân và vô ích đó đi anh Tư! Hãy đứng thẳng người coi anh Tư! Rồi hiên ngang bước ra khỏi cái bóng râm Tàu cộng.
Hãy đón đầu thằng X và giành lấy chút cảm tình của dân, bằng những quyết định sáng suốt, đầy vẻ nhân bản và nằm trong thẩm quyền của anh, để bước đầu thả ngay những con người VN tràn đầy niềm tin cao thượng, yêu thương tự do, đồng bào và đất nước, mà hiện đang ngồi tù vì những lý do cả thế giới đều biết là …bá vơ, trước khi Nhà Trắng đặt vấn đề.
Vậy đi! Tạm coi bước đầu là vậy đi, anh Tư hả!

23-7-2013 –  Kỷ niệm 25 năm ngày đại tướng Ne Win, chủ tịch thứ nhất của Đảng Kế hoạch Xã hội chủ nghĩa Burma, từ chức sau các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ, và kỷ niệm 12 năm ngày Indonesia có nữ tổng thống đầu tiên.
Blogger Đinh Tấn Lực

Tay Sai Đẻ Quan Thầy


4S

Tay Sai Đẻ Quan Thầy
. Đinh Tấn Lực

Dân bàn quốc hoa. Quan gây quốc họa”.
(Lê Nan – tiên sư Lê Nin)

Dạo này chú Tư (CT) bận suốt.
Vừa mới nghe tin CT khấu kiến thiên triều xong, quần chúng chưa kịp lấy lại nhịp tim và hạ huyết áp, thì lại nghe loa thái giám khắp nơi oang oang là CT được Obama “cầu kiến”!
Khiến người người cứ ngỡ đang đọc lại Người Vái Tứ Phương của cụ Doãn Quốc Sĩ.
Vái từ BCT qua hai đận TW, ra tới Cuốc hội. Chẳng “xí-nhê” gì.
Nay lại vái từ phương Cực Bắc qua miền Viễn Tây bên kia trái đất. Chỉ để nuôi hy vọng vào một phép màu cầu đảo?
-¥€$-
Cận Chiến Giành Bảo Tiêu
Ngay sau phát biểu nhậm chức, chiều 25/7/2011, CT đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo: - Theo quan điểm của Chủ tịch nước, Việt Nam cần làm gì để vừa giữ vững chủ quyền biển đảo vừa giữ được vị thế của Việt Nam bên cạnh một nước lớn?
“ Như tôi đã phát biểu trước Quốc hội chiều nay, vấn đề chủ quyền biển đảo với bất cứ quốc gia nào cũng thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Nước to, nhỏ cũng đều có nhận thức như vậy.
Để giữ vững chủ quyền biển đảo, theo tôi có 3 cơ sở quan trọng: luật pháp, lịch sử, và chiếm hữu-khai thác thực tế. Trong vấn đề luật pháp có luật quốc tế và quốc nội. Công ước luật biển năm 1982 là thành quả đấu tranh lâu dài của loài người, đặc biệt là các nước nhỏ. Do đó, chúng ta phải dựa vào công ước luật biển, dựa vào sức mạnh của tập thể, của cộng đồng, để bảo vệ chủ quyền biển đảo, vùng đặc quyền kinh tế.
Ngoài ra, trên cơ sở công ước luật biển 1982 chúng ta phải luật hóa bằng luật quốc nội, chiếm hữu biển đảo về mặt pháp lý, thực địa. Cơ sở lịch sử, pháp lý và chiếm hữu khai thác về thực tế là 3 mặt của vấn đề để xác lập chủ quyền biển đảo”.
Nghe mà nức lòng. Chỉ không nức lâu.
Tại buổi tiếp xúc với cử tri quận 4 Sài Gòn, vào ngày 18/10/2012, người ta thấy CT đã bắt đầu nhẹ giọng xuống tông Rề:
Đảng và Nhà nước Việt Nam không lùi bước trong vấn đề biển Đông.Việc gìn giữ hòa bình trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, từ ý thức đến hành động đều hết sức đầy đủ. Nhưng đồng thời, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia vẫn tiến hành thường xuyên không có gì thay đổi”…
Rồi còn chịu khó vung tay phân trần thêm:
Điều đó chứng minh rất rõ ý chí lãnh đạo hiện nay. Như vậy có nhu nhược không? Chuyện đó đâu phải Bộ Ngoại giao làm mà dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ. Và các đại biểu Quốc hội đã thực hiện điều này”.
Chín tháng sau đó, vào ngày 11/7/2013,quan Đặc mệnh Toàn quyền Khổng Huyễn Hựu họp báo ngay tại Thủ đô Hà Nội, long trọng thông báo kết quả chuyến khấu tấu của CT hồi cuối tháng 6, như sau:
Vấn đề trên biển là vấn đề duy nhất còn tồn tại trong quan hệ hai nước. Lập trường hai bên là khác nhau và có bất đồng. Nhưng trong chuyến thăm lần này, hai bên đã thống nhất được những biện pháp xử lý thỏa đáng những vấn đề nảy sinh, tránh để cho vấn đề trên biển ảnh hưởng đến sự phát triển quan hệ của hai nước”.
Bản Tuyên bố chung của cuộc khấu kiến này (do thiên triều soạn sẵn và ký tại Bắc Kinh) đã trang trọng áp đặt (hay bị xoa đầu) qua những nhấn mạnh cốt lõi:
Hai bên đã nhìn lại quá trình phát triển quan hệ Việt-Trung, nhất trí cho rằng tình hữu nghị Việt-Trung là tài sản chung quý báu của nhân dân hai nước, khẳng định sẽ tuân theo các nhận thức chung quan trọng mà Lãnh đạo hai nước đã đạt được trong những năm qua về phát triển quan hệ hữu nghị Việt-Trung, tiếp tục kiên trì phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, không ngừng tăng cường tin cậy chiến lược, làm sâu sắc thêm hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực, xử lý thỏa đáng các vấn đề còn tồn tại, tăng cường điều phối và phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực, thúc đẩy quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài” (đoạn 2).
Hai bên cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc cùng là hai nước đang phát triển, có lập trường tương tự và gần nhau trong nhiều vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm” (đoạn 6).
Trong thời gian chuyến thăm, hai bên đã ký ‘Chương trình hành động giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc về việc triển khai quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc’, ‘Thỏa thuận hợp tác biên phòng giữa Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam – Trung Quốc’…” (đoạn 7).
Hai bên hài lòng trước những kết quả đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nhất trí cho rằng chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển” (đoạn 8).
Rõ là còn lắm thứ quan trọng hơn cả biên cương/lãnh thổ/biển đảo của tổ tiên/nòi giống.
Mấy cái ghế ngồi là thuộc ưu tiên hàng đầu trong những thứ đó.
Trên căn bản vương-hầu ấy, những biện pháp xử lý thỏa đáng trên Biển Đông vẫn nằm gọn trong đôi tay rắn như chão thừng của hạm đội Hải Giám. Có nghĩa là ngay trong lúc lãnh đạo hai đảng cùng nâng cốc chúc mừng nhau thì ngư dân Việt Nam vẫn tiếp tục …ôm đầu máu. Thậm chí còn bị đám giặc leo lên mui tàu chặt trụ cờ ném xuống biển.
Người ta cứ tưởng CT có đầu óc và con tim hơn hẳn đồng chí X.
Người ta đã bị cơn bão phũ phàng phủ chụp: Cả hai chỉ tranh nhau một mớ quyền. Thậm chí, cả giuộc thậm thụt cống sứ thiên triều để được bảo tiêu cho một mớ quyền nội địa. Lễ vật triều cống là tất tật mọi thứ, từ quốc thể cho tới chủ quyền quốc gia; từ quốc thổ cho tới vận mệnh của đất nước; từ quốc thái cho tới lợi ích cốt lõi của dân tộc… Bằng cả quốc thư, chính thức và công khai.
Tức, chẳng phải chỉ CT với đồng chí X.
Không lâu trước đó là những Lú/Nông/Phiêu. Như một truyền thống: a) Tất cả các Đại hội Đại biểu Toàn đảng đều được chứng thị đường lối và nhân sự bởi đại diện thiên triều (ngồi hàng ghế danh dự); b) Tất cả các tân Tổng bí đều đích thân sang Trung Nam Hải khấu tấu ngay sau khi nhậm chức.
Trước đó nữa là những Mười/Linh, trong Hội Nghị Thành Đô vang lừng lịch sử cà cuống chống xâm lăng.
Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc và Quốc Tế III mồ êm mả đẹp ngay trên cái nôi cách mạng của nó, nguyên tắc đối ngoại chính yếu của Hà Nội có thể gom vào duy nhất một từ: Thần Phục. Giảng rộng ra, ở mức tập thể, là:Thà mất nước hơn mất đảng.
Đến thời chập chờn Vỡ Trận, trong tình thế hiểm nghèo của báo đài chết đứng, khiến tư tưởng bốc hơi và nội bộ tan tác chia lìa, nguyên tắc Thần Phục đó được cải tạo xuống mức cá nhân: Thà mất nước hơn mất ghế, kể cả khi mất ghế vào tay đồng chí.
-¥€$-
Đơn Xin Làm Nô Lệ
Những tờ đơn xin làm nô lệ, vào thời Trần Ích Tắc/Lê Chiêu Thống, từng được viết bằng tiếng Hán cho thiên triều dễ đọc. Tới thời Nguyễn mạt thì được nắn nót bằng tiếng Tây, gửi Monsieu le President de la Republique,  xin được nhập học vào Trường Thuộc địa (École Coloniale), chuyên đào tạo các nhân viên hành chánh cho chính quyền thực dân, với hy vọng “giúp ích cho Pháp”. Viết trong niềm phấn khích khi đọc Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê-nin.  Viết bằng cả nước mắt, ngay tại Mát-xcơ-va đúng vào dịp Lê-nin vừa mới chuyển sang từ trần. Viết Báo cáo về tình hình Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, với tư cách ủy viên Ban Phương Đông, phụ trách Cục Phương Nam của Đệ tam Quốc tế. Viết thành sách Đường Kách Mệnh, tập hợp bài giảng tại các lớp huấn luyện chính trị của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Viết kế hoạch khởi nghĩa Xô Viết Nghệ Tĩnh, bằng máu của hàng vạn nông dân. Viết báo cáo cho Đại hội lần thứ 7 Đệ Tam Quốc tế, trong vai trò quan sát viên của ban thư ký Dalburo với tên Linov. Viết bằng ngón tay trỏ vào bức ảnh trên vách của “ba ông kia kìa”. Viết thành “tư tưởng” rằng mọi tư tưởng đã có Mao tiên sinh nói hết rồi. Viết bằng công hàm 1958. Viết bằng thơ “thương mình thương một thương ông thương mười”. Viết “Đề cương cách mạng Miền Nam” bằng máu của nhiều triệu thanh niên Việt. Viết theo lệnh “chống Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng”. Viết thành khẩu hiệu “chống nạn diệt chủng của đồng chí Pol Pot”, dẫn tới nỗ lực huy động thanh niên chống đỡ “cuộc chiến giáo trừng”.  Rồi không lâu sau đó, viết khẩu hiệu “hữu nghị” giăng đầy cột điện. Viết bằng ngọn đuốc thế vận 2008 trọng thị và an toàn chạy ngang thành phố mang tên xác ướp. Viết thành “Chủ trương lớn” trên nóc nhà Đông Dương. Viết theo chỉ thị “không được làm nóng vấn đề biển đảo” và “không được kỷ niệm tuyên dương liệt sĩ Gạc Ma”. Viết thành lệnh không được ghi rõ quốc tịch tàu giặc. Viết bằng pháo hoa rực lễ mừng 60 năm quốc khánh thiên triều…
Gần đây, những tờ đơn xin làm nô lệ này được cẩn thận viết bằng đầu gối. Nhằm mục tiêu tranh nhau nâng cấp sự cầu cạnh cá nhân. Rõ nhất là những văn thư từ Hà Nội nô nức bay sang Bắc Kinh “nồng nhiệt chúc mừng” trong dịp Tập Cận Bình nhậm chức tân tổng bí. Và lần lượt sau đó là những chuyến công du triều kiến giật giành ảnh hưởng.
Thế là những mánh khóe ngáng cẳng/lên gối/thúc chỏ lẫn nhau đã được ồ ạt xuất khẩu.
CT không là ngoại lệ, sau rất nhiều nỗ lực “nội địa” đương đầu/kình chống với đồng chí X.
Lời tuyên bố dựa vào sức mạnh của tập thể, của cộng đồng để giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông cũng nhanh chóng biến thành thực tếdựa vào sức mạnh bảo tiêu của thiên triều để giải quyết vấn đề tranh chấp lẫn nhau. Đó là ưu tiên mới, nhiều phần là ưu tiên duy nhất hiện nay, nên không cần được thừa nhận là ưu tiên cao nhất.
Đi tìm chỗ đỡ đầu bên ngoài để đối đầu bên trong chính là xu thế chính trị Tay Sai thời đại ở thủ đô anh hùng từng được UNESCO công nhận là Thành Phố Vì Hòa Bình. Và đây mới chính thực là Xưởng Đẻ Quan Thầy.
Tình cảnh đó từ đâu ra?
Không ai không biết rằng Bắc Kinh luôn sẵn sàng dang tay đón nhận mọi lời cầu cạnh, từ mọi phe của Hà Nội. Bởi, cộng thêm những sinh tử phù (tiền và gái) phụ trội, thì Bảo Tiêu là phương cách vững chắc/lâu bền nhất để khuynh đảo dàn lãnh đạo hiện nay và tương lai của một quốc gia từng có lần nức tiếng “anh hùng” mà Bắc Kinh vẫn hằng lăm le biến thành một khu tự trị mới. Bảo đảm sẽ không một đứa nào dám tự ý rời khỏi vòng tay bảo hộ đầy quyền năng của Trung Nam Hải. Chỉ riêng chuyện tiền nong, cứ bấm chuột vào đường link của OffshoreLeaks, người ta sẽ tròn mắt và há hốc ra nhìn mối quan hệ hữu cơ giữa các sân sau chủ quản của lãnh đạo Tàu-Việt.
Bản  báo cáo tháng Sáu của CT, nếu không bằng chữ thì bằng lời, có lẽ không thể thiếu một đoạn mè nheo về tình hình khuynh đảo cực đỉnh của đồng chí X, đến mức BCT, TW 6 và TW 7 bó tay; đã thế, BCT ở đây còn bị áp đảo thêm nữa bằng hai phiếu mới cáu của X, là Nguyễn Thiện Nhân và Nguyễn Thị Kim Ngân.
Trong bối cảnh đó, liệu là người ta có thể chờ đợi gì ở chuyến công du Hoa Kỳ mươi ngày tới của CT?
  1. Giữ trọn vai trò con thoi cho Bắc Kinh để làm dịu bớt sức căng của Mỹ ở Biển Đông?
  2. Đánh đổi một vài con tin/lời hứa nào đó để Hoa Kỳ nhẹ tay về điều kiện nhân quyền gắn với TPP để gia tăng “uy tín” cá nhân, mà không bị Bắc Kinh buộc làm bản tự kiểm?
  3. Lén đệ thêm đơn xin làm nô lệ chỗ khác mà quan thầy Bắc Kinh, nếu có biết ra, vẫn không nổi trận lôi đình?…
Đối với đại khối người Việt Nam, rõ ràng đó không phải là những chờ đợi, cho dù nhất thời.
Và cũng chẳng mấy ai tin là CT thành công. E rằng đó là thứ nỗ lực “cầu vẫn cầu song khó đảo”.
Ngược lại, điều chờ đợi chính là những phiên tòa xử tội phản quốc của thứ lãnh đạo chuyên nộp đơn xin làm nô lệ đó đây, với món thế chấp là vận mệnh của cả dân tộc.

16-07-2013 – Kỷ niệm 33 năm khánh thành Đài Thông Tin Vệ Tinh Mặt Đất Hoa Sen (Giảng Võ) để trực tiếp ghi nhận được hình ảnh màu của chương trình phát sóng hàng ngày ở Matxcơva.
Blogger Đinh Tấn Lực