Đầu Năm Dê Nói Chuyện Cướp

hoiGiong


Đầu Năm Dê Nói Chuyện Cướp

. Đinh Tấn Lực
Dân cướp lộc – đảng cướp tất” – ĐTL
Hình ảnh lên ngôi đẫm máu đầu năm là lễ hội Chém Lợn ở làng Ném Thượng, Bắc Ninh.
Cao hơn một bậc, ở mức tàn bạo giữa con người với con người chứ không chỉ với con lợn, hẳn phải là hình ảnh nổi loạn và nổi bật đầy màu đỏ quang vinh tụ cả vào lễ hội Đền Gióng ở Sóc Sơn, thuộc Thủ Đô Vì Hoà Bình.
Khách du xuân ngoạn đền đã xung phong hỗn chiến đánh cướp những chùm “hoa tre” kết vào thân chuối (giả làm gậy tre như truyền thuyết cậu Gióng nhổ tre làm gậy đánh giặc). Và gọi đó là truyền thống cướp lộc.
Hoá ra, cướp lộc là phóng tay thu hoạch bất cứ cái gì của công làm của riêng?
Không cần lễ hội gì, khách đón xuân vẫn từng anh dũng cướp hoa giữa chợ những dịp đón Tết. Mấy năm trước, nhiều chợ hoa đã thành chợ rác ngay sau dịp đưa Táo về trời. Còn những đường hoa thì biến thành những đường mòn Trường Sơn giữa phố.
Nhiều người vẫn chưa quên chuyện xe chở bia bị lật, biến bia chai thành bia lộc.
Là một trong những quốc nạn, với lượng tin ngày càng khó đếm xuể, và là một trong những trọng tâm đưa tin “chủ đề” của dàn báo chính quy.
Đến mức cơ quan “hữu trách” bật ra công văn chính thức kêu gọi du khách phải tự bảo vệ tài sản của họ khi ngoạn cảnh phố phường.
Thủ Đô Vì Hoà Bình còn vang danh thế giới về những sư đoàn xe máy cướp đường cắt ngang rẽ tắt, bất kể xuôi chiều hay ngược chiều, bất kể đèn xanh hay đèn đỏ.
Lộc đường ở đây biến thành bánh mì và nước lọc cho một lực lượng hùng hậu nhất thành phố. Tất nhiên là bọn cướp đường phải thua bọn cướp cạn và ông thần cướp mạng.
Đây cũng là một thứ lễ hội nức tiếng đông tây kim cổ, với nhiều vạn quan/dân, có năm lên đến hơn 6 vạn người, dẫm đạp tranh nhau cướp ấn, cũng được coi là lộc vinh thân.
Lộc được cướp từ đền, và từ những kẻ vừa mới cướp xong. Thu hoạch nhiều lộc ăn theo nhất trong lễ hội này là bọn móc túi, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp.
Đừng ai vội nghĩ tới Ngục Trung Nhật Ký xa xưa. Thời nay, ngay cả hạng GS trăm tuổi vẫn cướp thơ của các thi bá làm của mình. Không phải một lần. Cũng không chỉ để mua danh hay mua vui, mà có khi còn là mua dương tuổi gậy nữa.
Lộc già năm dê là đây chăng?
Sản phẩm đại trà này là độc quyền sản xuất của lực lượng “hữu trách”. Hầu hết các án mạng có tiếng nổ từ súng công an tất nhiên đều là do cướp cò. May là lãnh đạo ngành này chuyên tâm lo xây biệt thự lưng đèo thay vì mua súng mới cho thuộc cấp.
Cẩm nang căn bản của bọn cướp này là quyển “Luật Là Tao!”. Được quán triệt và tận tình áp dụng từ cấp tổng bí thư xuống tới CA phường. Còn trên hiến pháp thì được đánh số 4 cho cả nước xanh mặt.
Đây là công tác tận thu của cải của người nghèo. Từ bàn ghế, thúng mủng, quang gánh… cho tới cái cân, nải chuối… Và được coi là Lộc vỉa hè.
Vào những ngày tưởng niệm chiến sĩ bảo vệ Hoàng Sa/Biên Giới/Trường Sa, thường được nhân dân tự nguyện kính viếng trước tượng đài Lý Thái Tổ vào mỗi đầu năm, cũng thường được nhà nước huy động côn đồ (CA/dân phòng/lưu manh) đến giật hoa phá bĩnh. Có khi là lấy đá ra cưa gây bụi mù, hoặc tổ chức nhảy đầm lộ thiên và lộ nhiều thứ khác, để ngăn chận lòng thành của nhân dân.
Có điều chắn chắn không phải động cơ cướp lễ đài gần Bờ Hồ là để được Lộc vừng!
Một sản phẩm đại trà và độc quyền khác của bộ côn đồ CHXHCNVN là cướp băng tang trên các vòng hoa phúng. Nhiều phần đây là nhằm mục tiệu Lộc xộc.
CHXHCNVN là quốc gia duy nhất trên thế giới có giai cấp Dân Oan, những người bị cướp đất, chiếm một phần trăm không nhỏ của dân số nông nghiệp xứ ta. Những địa danh nổi tiếng ra thế giới về “nhiều trận đánh đẹp” là Cống Rộc, Văn Giang, Dương Nội, Mỹ Đức, Ứng Hoà, Thái Bình…
Bà Lê Hiền Đức nhận xét về cảnh cưỡng chế Văn Giang: “Chỉ có súc vật mới không thấy động lòng”. Trong lúc nông dân cắt máu ăn thề quyết tâm giữ đất.
Đảng không chỉ đẻ ra bộ ăn cướp tên là CA. Chính nó cũng đã từng cướp công của nhân dân và của cả thuộc hạ. “Khoán Hộ” trở thành “đổi mới” chỉ là một điển hình. Xương máu nhân dân, với hàng triệu bia mộ dọc Trường Sơn và trên khắp nước là một bằng chứng khác, to hơn.
Đầu têu của mọi thứ bi kịch cướp bóc kể trên là từ đâu?
Người ta chỉ có thể quay về cốt lõi của CNXH: đấu tranh giai cấp – cướp chính quyền.
Điều này đã được long trọng chứng nhận trong hằng hà văn kiện đảng.
Đợt đầu ăn Lộc Liên Xô. Đợt giữa vét Lộc Đất Nước. Đợt cuối là đám nhá Lộc Trung Quốc đây chăng?
nguchinhTQ2
Chỉ độc một thứ CƯỚP mà không một lãnh đạo nào dám chạm tới, thậm chí không dám nêu tên, là khi giặc Cướp biển/Cướp đảo/Cướp tàu/Cướp lưới/Cướp cá của ngư dân ta, từ bao năm nay cho tới ngày cận Tết vừa qua.
Hay đó cũng là thứ chủ trương truyền thống đốn chuối làm gậy tre Thánh Gióng, như trong đời thường lấy tre làm cốt bê tông?
Chiến lược quốc phòng là ở chỗ này chăng?
27/02/2015 – Chào mừng ngày thầy thuốc. Ngóng đợi những thầy thuốc chính trị-xã hội cùng ra tay trị bệnh Cướp VN.
Blogger Đinh Tấn Lực

“Người Ta” Là Ai, Ở Đâu, Tên Gì, Mấy Đứa?

dichuc

“Người Ta” Là Ai, Ở Đâu, Tên Gì, Mấy Đứa?

. Đinh Tấn Lực

Cuối năm, có kẻ phát hiện ra nồi bánh chưng ngon nhất VN được chụm bằng củi chẻ từ kèo/cột/rui/mè… của hội trường Ba Đình.
Chưa biết đúng sai. Chỉ có thể nói leo: Và trong lúc trông bánh, những câu chuyện rôm rả nhất, hẳn phải là chuyện “người ta”?
Hãy bắt đầu bằng hai câu danh ngôn của cố chủ tịch và đương kim phó chủ tịch nước, nói về “người ta”:
*
Khoan bàn về chuyện “mục thước” là “ăn của dân không từ một cái gì”, trong suốt nửa thế kỷ 1965-2015.
Hãy coi thử khúc giữa của nó còn những thứ “người ta” nào khác?
  • “Nhiều lần tôi nói rồi, người ta nghĩ thế này nhưng người ta nói thế khác…” – Nguyễn Phú Trọng (Mỗi người một hướng, làm sao con đò sang sông, 10/01/2013)
  • “Minh bạch, rõ ràng, muốn thế phải bằng quy chế, luật pháp, quy định, trước hết là con người ta trong sáng, công tâm. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, nói thật” –Nguyễn Phú Trọng (Cần làm rõ có hay không việc chạy chức, chạy quyền, 29/01/2015).
  • “Chúng ta không ngăn và cũng không cấm được đâu các đồng chí, quan trọng nhất là đưa thông tin đúng, chính xác kịp thời để người ta có lòng tin đúng, ai nói thì nói trên mạng nhưng đây là thông tin chính thống của Chính phủ” – Nguyễn Tấn Dũng (Không thể ngăn cấm thông tin trên mạng, 15/01/2015).
  • “Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không lẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được” – Trương Tấn Sang (Tiếp xúc cử tri Sài Gòn, tháng 5-2011).
  • “Bởi vì trong thực tế có những vụ việc người ta ‘chạy’ dữ lắm, người ta ỷ thế, ỷ quyền, ỷ tiền, ỷ bạc mà ‘chạy’ để thoát tội và gây ra tội lỗi mới” – Trương Tấn Sang (Trả lời phỏng vấn của TTXVN về nạn tham nhũng, 03/02/2015).
  • Người ta có thể trù úm một người, một nhóm ngườinhưng không thể trù úm cả dân tộc này” – Trương Tấn Sang (Sợ trù úm khi tố cáo tham nhũng thì đất nước này ra sao? 17/10/2012).
  • “Xin nói thật là làm thủ trưởng thì nó khác, cho ai nói thì nói, không cho nói thì thôi, người ta nói mình nghe thì nghe mà không nghe thì quên” – Nguyễn Sinh Hùng (Tôi không ngồi nhầm vai – 07/8/2011).
  • Người ta có thẻ nhà báo rồi tại sao lại cần phải giấy giới thiệu?” – Nguyễn Sinh Hùng (Lề luật vào dự các phiên toà, 22/12/2014).
  • Nếu người ta căn cứ 312 văn bản này để mà tổ chức thực hiện thì gay go rồi. Mà nếu không tổ chức thi hành thì lại là vi phạm pháp luật” – Nguyễn Sinh Hùng (Hậu quả 312 văn bản sai luật, 11/6/2014).
  • “Nhiều khi đang biểu quyết cùng một dự án luật, nhưng số lượng đại biểu tham gia biểu quyết thay đổi liên tục: lúc thì 480, lúc bốn trăm bảy mấy, lúc cao hơn năm người, lúc tụt xuống ba người… Có nghĩa là người ta biểu quyết hộ người khác nên lúc bấm nút, lúc thì quên” – Nguyễn Thị Kim Ngân (Nhiều đại biểu vào QH để hỏi mồi và vỗ tay, 25/7/2015).
  • “Trong hoàn cảnh hiện nay, muốn đồng thuận, nhất trí,không phải ‘ép người ta mà được’, không phải chúng ta cứ ‘khư khư áp đặt’mà được” – Đinh Thế Huynh (Hội Nghị báo cáo viên miền Bắc, các cơ quan đảng uỷ trực thuộc TW, 16/8/2012).
  • “Việc luân chuyển theo yêu cầu của hội nghị TƯ 4 đã được làm bài bản, không phải theo cách cũ làm ào ạt khiến người ta nghĩ là chạy được” – Tô Huy Rứa (Tôi cũng trăn trở, 29/01/2015).
  • “Còn nếu không chuẩn bị, cứ để anh trẻ này làm phó phòng, ra bỏ phiếu chung với ông giám đốc thì ai người ta bỏ phiếu cho anh phó phòng” – Tô Huy Rứa (Bố trí các chức danh lãnh đạo, 21/8/2014).
  • Nhà người ta trị giá 10 tỉ mà ông nhân viên tín dụng định giá lên đến 50-70 tỉ, rồi lãnh đạo ngồi ở nhà không nắm được giá trị thật cứ gật gù ký…” – Nguyễn Bá Thanh (Báo cáo láo quen rồi, 20/3/2013).
  • “Muốn phát triển mạnh để đuổi kịp và vượt người ta thì chủ tịch xã phải có tầm chủ tịch huyện, chủ tịch huyện phải có tầm chủ tịch tỉnh” – Vũ Đức Đam (Chuyện chưa biết về PTT trẻ nhất, 13/11/2013).
  • “Mỗi khi có tệ nạn mới phát sinh, người ta lại đổ tội cho giáo dục” – Phạm Vũ Luận (Làm bộ trưởng giáo dục khó hay dễ, 01/12/2014).
  • “Chúng ta không thể vì một hiện tượng cá lẻ mà suy rộng ra một nền khoa học vô dụng…Công bằng mà nói chúng ta cũng đã có rất nhiều sáng tạo, nghiên cứu khoa học được ứng dụng thành công. Đơn cử như Việt Nam là 1 trong 4 nước trên thế giới làm được vắc-xin Rota. Điều này không phải nước nào cũng làm được. Đây là những nghiên cứu khoa học được đánh giá cao nhưng lại không được nhắc tới nhiều bởi lẽ người ta cho rằng đó thuộc trách nhiệm của nhà khoa học. Trong khi đó những sáng chế của người dân bình thường lại được được nhiều người đánh giá cao cũng là chuyện dễ hiểu” – Nguyễn Quân (Bộ trưởng KH-CN nói về Hai Lúa chế tạo xe bọc thép, 10/12/2014).
  • “Cách đặt câu hỏi, nội dung thăm dò chung quá, đại khái quá, chỉ cho người ta hài lòng, không hài lòng hoặc rất hài lòng” – Vũ Mão (Vì sao người dân chưa hài lòng, 24/8/2014)
  • Người ta đang ốm đau không nên nói nọ nói kia” – Phạm Thế Duyệt (Người ta đang ốm, 09/01/2015).
  • Đó là chuyện của người ta. Không có chuyện giải trình gì cả. Mình là dân biểu, họ cứ nhầm lẫn…” – Đỗ Văn Đương(trả lời phỏng vấn của TNO về việc Liên đoàn Luật sư phản đối nhận định của đương sự là luật sư chỉ bào chữa cho người có tiền, 01/11/2014).
  • “Tôi cho rằng người ta vẫn cứ im lặng để người ta hiểu như rằng đây cũng coi nó như một bức thư nặc danh vậy” – Phạm Quý Thọ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trả lời phỏng vấn của BBC Việt ngữ về trang CDQL)
*
Với ngần ấy những danh ngôn nội bộ vừa tạm liệt kê, người nghe sẽ tức khắc nhận ra ngay cái thứ “người ta” đó là ai.
Không chỉ trong đảng, mà cả người ngoài đảng; không chỉ người trong nước mà cả người ngoài nước; không chỉ người VN, mà cả người nước ngoài (như Carl Thayer)… cũng đều thấy cái thứ “người ta” đó là ai:
Không phải đảng viên CSVN, không phải đảng viên cao cấp của CSVN, thì cách nào mà “người ta” có thể mở ra đặc lệ hay ngoại lệ cho dăm ba chóp bu giữ ghế?
Thế, vì sao đảng viên nói về đảng viên mà phải xa gần bóng gió?
Có phải vì tất cả đều cần tránh va chạm thẳng mặt, giữa cá nhân với cá nhân; giữa cá nhân với nhóm lợi ích; hay giữa nhóm lợi ích với nhóm lợi ích?
Hoặc giả, đơn giản chỉ vì nỗi ám ảnh rằng tai hoạ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, có khi không chỉ 1 lần/1 người, như kinh nghiệm năm con ngựa này có 2 đám ma to đùng làm gương rèn cán: Phạm Quý Ngọ (18/02/2014) & Nguyễn Bá Thanh (13/2/2015)?
Không xa gần bóng gió để mà được thử các loại độc dược tân kỳ à?
*
Mà không chỉ một dạng “người ta” hiền lành nhưng dễ chết đó. Phiên bản của những xa xôi bóng gió ấy còn là những “họ”, những “một số người”, những “một số hiện tượng”, những “bộ phận không nhỏ”…
  • “Tôi nghĩ rằng đa số anh em là như vậy nhưng có một bộ phận mà đảng nói là không nhỏ…, bây giờ không biết nằm ở đâu. Dân hỏi mãi, đảng hỏi mãi nhưng không trả lời được. Từ Trung ương đến cơ sở đều lúng túng chỗ này” –Trương Tấn Sang (Một bộ phận không nhỏ không biết nằm đâu, 15/10/2014).
Thế, cái tập thể có nhiều bộ phận không nhỏ mà không ưa nhau đó làm gì?
Cái gì? Làm giàu à? Thiệt sao? Cách nào?
  • “Chúng tôi theo dõi mới biết là tham nhũng ngày càng tinh vi. Tham nhũng không phải đứng một người riêng lẻ mà nó dây mơ rễ má, hình thành những nhóm nữa, xâu chuỗi bao che, bảo vệ nhau” – Trương Tấn Sang (Đề phòng người chống tham nhũng bị tấn công ngược, 03/12/2014).
Có trễ quá không, cái chuyện đề phòng người tố tham nhũng (hay tiến hành điều tra chống tham nhũng) bị tấn công ngược, bằng cả chất độc phóng xạ ARS?
Mục tiêu là những đồng chí vô hình (hoặc không cần mô tả), và vô danh (không cần nêu tên, hoặc chỉ cần một ẩn số X thay cho cái ẩn danh mà ai cũng hiểu). Động cơ là chiếc ghế. Phương thức là trồi đạp chiếm chỗ. Phương tiện xưa là tuyên giáo, nay là FB.
Công việc chính thức và công khai là lên án mông lung, kiểu ném đá qua tường, trúng ai nấy chịu (bởi, đứa nào tay chẳng nhúng chàm), mà không cần hay chẳng dám gom trách nhiệm làm rõ từng vụ việc.
Khi ném ra cái từ “người ta”, là tác giả đã ném cả cái trách nhiệm bôi nhọ/ngáng chân/giật chỏ kia lên bàn kẻ khác, tất yếu không phải là “ta” hay “chúng ta”.
Cái từ “người ta” màu nhiệm này còn có thêm một đặc tính quý phái khác là can đảm/dũng cảm/không né tránh/dám nhìn thẳng nói thật …tới một sự cố nào đó, được lên báo, mà lại đủ “khôn ngoan” để có chỗ đứng bên này lằn mức an toàn, là không một ai cần làm gì cả.
Như vậy, có cần lắm không cái chuyện đề phòng bị tấn công ngược vừa nói đó, một khi đảng viên xách mé những đồng chí đối thủ bằng cái từ “người ta” vô hình/vô danh/vô can/vô trách nhiệm và vô hình chung trở thành vô dụng kia?
Khó quá. Làm sao Phạm Quý Ngọ và Nguyễn Bá Thanh có thể trả lời hay giải thích thêm cái từ “người ta” hiền lành mà đầy hiểm nghèo/trắc trở… này cho rốt ráo?
*
Ở tầm quốc gia, cái từ “người ta” trớ trêu/trí trá ấy còn là cái hiểm hoạ gây tác hại kinh hoàng hơn nữa…
Sau hơn nửa thế kỷ người dân bị tước đoạt mọi thứ quyền làm người, quyền công dân, quyền có quan điểm cá nhân… để rộng chỗ cho cái tâm lý vô can và vô dụng “người ta” đó ăn sâu vào đầu óc mọi người.
Như thể không có lũ “người ta” ấy là không thể có đất nước này.
Từ ấy, đất nước đã trở thành đất nước của bọn “người ta” kể trên.
Từ ấy, chuyện đất nước là chuyện của “người ta” tuỳ nghi định đoạt.
Từ ấy, đất nước được rao bán/đổi chác tuỳ ý “người ta” định giá.
Từ ấy, bất kỳ ai có nhã ý góp sức giải quyết vấn nạn của đất nước thì lập tức sẽ bị bè lũ “người ta” trả thù đến nơi đến chốn, kể cả tra tấn đến chết, bỏ tù rục xương, gia đình bị cô lập kinh tế lẫn giao tiếp xã hội…
Từ ấy, với quyền trả thù và phương tiện trả thù trong tay, dần dà cái đất nước của lũ “người ta” kia thu gọn vào bộ phận lãnh đạo, cả bên hành chính lẫn bên đảng đều gọi là trung ương.
Rồi đất nước của cái lãnh đạo trung ương “người ta” kia thu hẹp thêm một cấp nữa, vào tay bộ chính trị.
Ở giữa cái lõi bộ chính trị “người ta” đó, đất nước bị treo căng xác giữa bốn cái cọc đầu têu có tên là tứ trụ.
Bấy giờ, ở đỉnh điểm tối cao đó, chuyện giải quyết vấn nạn của đất nước là hoàn toàn thuộc về …thế hệ kế tiếp.
Kể cả chuyện Hoàng Sa-Trường Sa, mỏ khoáng và ngư trường của ta trên Biển Đông. Kể cả chuyện biên giới, thác Bản Giốc, rừng đầu nguồn, Bôxít Tây Nguyên, resort trên đỉnh đèo Hải Vân… Kể cả chuyện nợ công gần ngang bằng tổng sản lượng quốc gia. Kể cả chuyện các sư đoàn công nhân TQ trên đất Việt. Kể cả chuyện dự phóng về một VN phủ tràn phóng xạ hạch nhân…
Mà không, bấy giờ nào còn đất Việt, nào còn VN!
Hoá ra, cái “mực thước cho người ta bắt chước” trong tờ di chúc nguệch ngoạc chết tiệt kia đã đưa cả dân tộc đến bờ diệt vong.
Bởi, ngay cả cái “người ta” nọ cũng đã mang một nghĩa bành trướng thành “NGƯỜI TA” khác.
Hoạ chăng, bấy giờ, cái còn lại chỉ là một Khu vực Hành chính An Nam của “NGƯỜI TA” ?

16/02/2015 – Kỷ niệm 226 năm vua Quang Trung cùng quân sĩ ăn Tết Kỷ Dậu trước khi tiến quân vào Thăng Long.
Blogger Đinh Tấn Lực

Mừng Cái Giống Gì?


hoibaoxuantoanquoc
Mừng Cái Giống Gì?
. Đinh Tấn Lực
Đức tài như lãnh đạo – Sạch sẽ như công an - Tự do như báo chí – Hạnh phúc như nhân dân – Khắc ước là khắc được – Xin ước thêm một điều – Khỏe mạnh như đất nước”.
– Vũ Cận (tác giả tiểu luận Chủ Nghĩa Chống Cộng Từ Bên Trong).
Nhiệt liệt Mừng Đảng – Mừng Xuân, giống như Ước Nguyện (đầu năm) của cựu Tổng Biên Tập báo Vjetnamio Antauenmarsas (VN Tiến Bước, quốc tế ngữ Esperanto), kiêm cố thi sĩ (giấm ớt) Vũ Cận, từ đầu thập niên cuối của thế kỷ trước, xem ra vẫn còn phù hợp (nếu không bị phù mỏ) đến tận hôm nay.
Kể cũng khó thiệt. Bức ảnh Hội Báo Xuân Toàn Quốc bên trên tự nó đã lột tả trần truồng nét thê thảm của một mùa Tết lẽ ra phải tưng bừng hết cỡ. Từ thời của TBT Vũ Cận 1950 đến thời TBT Kim Quốc Hoa 2015, đã xấp xỉ hai phần ba thế kỷ, mà nhân dân ta vẫn chưa kiếm được một lý cớ gì khả dĩ để mừng Xuân …cho đã nư.
Hổng lẽ cụng ly trống không để mừng vật giá liên tục gây hoảng loạn? Giá dầu thế giới có tụt giảm mấy, giá xăng xứ ta vẫn bị tăng thuế hầu gỡ nợ (kêu bằng “bù lỗ” đến lủng túi).
Hổng lẽ mừng rơn mẽ đinh ốc đầu tiên cho Samsung; hay, hổng lẽ mừng sản phẩm nước cốt ruồi Number One đang lên tầm “ngang ngửa” với các món Cola nhập khẩu?
Hổng lẽ mừng rơn ta có một thẩm phán toà phúc thẩm TAND Tối Cao lý luận biện hộ cho chủ hãng nước ruồi rằng “hàng trăm hàng ngàn chai khác trong lô cùng xuất xưởng đó không có con ruồi nào!”?
Hổng lẽ mừng người chăn nuôi đổ bỏ sữa tươi? Hổng lẽ mừngheo ăn cà chua trừ cám? Hổng lẽ mừng bò ăn dưa hấu thay rơm?
Hổng lẽ mừng ngư dân Hoàng Sa/Trường Sa bị tàu giặc đâm chìm, hoặc đã chạy vại vay đủ tiền chuộc tàu/chuộc lưới/chuộc người?
Hổng lẽ mừng nông dân mọi miền được lất lây du lịch bụi ở thủ đô vì hoà bình, năm này qua năm khác, để chờ nhà nước nhận đơn khiếu kiện? Và được ngủ dưới bạt nilông có chan nước mắm? Hổng lẽ mừng thêm vì trẻ con dân oan được CA xiết cổ bằng dây thừng?
Hổng lẽ mừng công nhân thoát chết bởi các bữa ăn nhà bàn; hay thoát hiểm bởi các cây gậy của CA giao thông?
Hổng lẽ mừng các vòng hoa tang bị giật mất dải băng phúng viếng?
Hổng lẽ mừng hai bloggers được tại ngoại trước Tết, trong khiba người khác đang chuẩn bị lãnh án bỏ túi để vào tù, như hàng trăm nạn nhân trước đây của các điều luật nhang khói 79/88/258?
Hổng lẽ mừng 26 chủ tài khoản triệu phú VN của nhà băngHSBC Thuỵ Sĩ bị lộ?
Hổng lẽ mừng rơn tình hình tham nhũng nước ta suốt 3 năm qua liên tục ổn định?
Hổng lẽ mừng Đồ Sang tự tay vẽ thư pháp tặng trường đại học một chữ Trĩ?
Hổng lẽ mừng binh bộ thượng thơ dẫn đầu hơn chục tướng lãnh sang Bắc Kinh dâng biểu xin hàng? Rồi tuyên bố TQ xây dựng cơ quan quân sự Trường Sa là chuyện bình thường? Lại bảo ban rằng “bôi nhọ, gây chia rẽ lãnh đạo là hết sức nguy hiểm”? Sau đó còn nhấn mạnh “Ghét TQ là nguy hiểm cho dân tộc”?
Hổng lẽ mừng quan tổng thanh tra chánh phủ vun vén nhiều đất đai/biệt thự, đến lúc bị phanh phui thì chịu kỷ luật cảnh cáo? Còn TBT tờ báo đăng bài chống tham nhũng vụ đó thì bịbắt giam và khởi tố?
Hổng lẽ mừng rơn bởi trung ương đảng bỏ phiếu tín nhiệmquan tể tướng mấy từng trời cao hơn cả tổng bí thơ lẫn chủ tịch nước?
Hổng lẽ mừng rơn cái thành quả Đông Tây Y kết hợp điều trị bạo bệnh nhiễm xạ (có tổ chức) cho một cựu lãnh chúa, chuyển đổi từ “ăn hết 1 tô cháo” sang “có chỉ dấu hôn mê” mà chẳng ai thấy ảnh?
Hổng lẽ mừng rơn được tin trên báo cho hay sếp lớn cục đường sắt tự ý siêu thăng sau khi có tin thứ trưởng bộ GT nhập kho?
Hổng lẽ mừng rơn vì trong số 944.425 lượt kê khai tài sản của đảng viên, chỉ duy nhất một trường hợp có chỉ dấu không trung thực?
Hổng lẽ mừng rơn khi nghe Nợ công vượt ngưỡngTài nguyên cạn kiệt?
Hổng lẽ mừng rơn vì có kẻ tuyên bố: “Ở Việt Nam không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài đảng CSVN, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách cam go để đưa dân tộc đến bến bờ vinh quang”?
Hổng lẽ mừng rơn vì cũng chính kẻ đó tuyên bố “tham nhũng như ngứa ghẻ”, rồi rộng lòng tha chuột để giữ bình? Tức là một chính sách khuyến chuột “to hổng chết, vừa sanh nhiều, nhỏ mau lớn”?
Hổng lẽ mừng rơn vì kết quả 137.984 cuộc thanh tra đã phát hiện ra tới 33 vụ có chỉ dấu tham nhũng vặt?
Hổng lẽ mừng rơn khi thấy, chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, trang mạng CDQL đánh gục hầu hết kẻ thù nội bộ của quan tể tướng? Đánh gục luôn cả hệ báo đài chánh quy của đảng, đến mức quan thượng thư phải giả đò giận dỗi, và đích thân tể tướng phải ra lệnh ngăn chận mọi phương thức trả đũa, kể cả biện pháp khuyến khích cá mập cắn cáp quang.
Hổng lẽ mừng rơn theo lũ bộ hạ của tể tướng đang liên hoan chuẩn bị theo chân chủ tướng mà leo cao chui sâu? Và sẵn sàng báo thù mọi đối thủ trong chăn từng ủ mưu làm nhục thủ tướng từ hội nghị lần 6-7 trước đây?
Hổng lẽ mừng rỡ chia vui với mấy trăm gia tộc đang phất lộc trước tia sáng cuối đường hầm khoá 11 mở ra tầng thượng khoá 12? Trong khi dân oan cả nước vẫn dắt díu dập dìu khắp 36 phố phường Hà Nội?
Hổng lẽ nâng cốc chung vui với lãnh đạo trước kỳ nghỉ giải lao của quan thầy: Rằng cũng được mấy tuần thảnh thơi, “cái gì cắm rồi thì thôi, không cắm cái mới”. Rằng “đương nhiên bên nào mà tiến hành xây dựng thì đó cũng là một căn cứ quân sự cả (sân bay/pháo đài/vùng nhận dạng phòng không)”. Rằng công nhân TQ trên đất liền bớt hung hăng, riêng ở Vũng Áng chỉ tương đương với hai sư đoàn. Rằng phụ nữ ta qua Tàu ngày càng tấp nập
Hổng lẽ mừng rơn, khi thấy những bloggers ra sức báo động Bắc Thuộc Lần Cuối liên tục bị bắt, bị ra toà, bị lãnh án…? Và sau đó trở thành con tin của nhà nước trong những phương án trao đổi quyền lợi với đối tác kinh tế chính trị ngoại giao?
Hổng lẽ, túm lại để mừng, theo kiểu phó tể tướng, là …chỉ khi nào trẻ em rưng rưng hát quốc ca Trung Quốc thì đất nước mới giàu mạnh?
Vậy thì, quả tình khó thiệt!
Hoạ chăng, chỉ có thể mừng nhau ở những cột cây số từng chặng đường nhìn lại…
*
Trước tiên là nỗi vui lớn Truyền Thông Đảng Vỡ Trận.
Đó là đoạn đường thập giá cam go, từ Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, với Điếu Cày, Uyên Vũ, Thiên Sầu và Tạ Phong Tần của thời Yahoo!360 (mà 2 trong các sáng lập viên đó đã ngồi tù, không được báo tin mẹ qua đời hay không được chào người thân khi nhận lệnh tống xuất)… cho tới Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Văn Đoàn Độc Lập, Hội Nhà Báo Độc Lập & Việt Nam Thời Báo… ngày nay.
Đó là một chiến thắng yên ả mà oai hùng của đội ngũ dân báo nghiệp dư đánh bại dàn ký giả thư lại có thẻ rụt rè như gà mắc tóc của đảng. Chính xác là đánh bại dàn ban bệ tuyên giáo, với số lượng ngày càng đông các nhà báo có thẻ “chính quy” lại tích cực viết blog “phi quy ước” để chuyên chở hết cả những suy nghĩ không được đăng trên báo đảng.
Màn sắt đã rơi. Tường lửa cũng sập. Facebook đi tin nhanh như cao bồi Lucky Luke rút súng nhanh hơn cái bóng của hắn. Triết lý Mác-Lê nhoè nhoẹt trước Triết Lý Đường Phố.
Nói có sách, mách có Smartphones. Hình ảnh/âm thanh đủ ráo. Các phóng sự Youtube vài phút coi đã hơn VTV và đủ làm chùn tay công an. Các câu nói ngây ngô ngờ nghệch của lãnh đạo (tô điểm bức tranh đảng mông lung/mê muội) được truyền tai nhanh đến mức nhà nước tháo gỡ bài không kịp. Các tuồng diễu công an trả lại của rơi nhặt được, hay, ngay cả chuyến hồi hương úp mở của tay lãnh chúa miền Trung… cũng không thoát được các nụ cười đểu trong làng dân báo.
Vũ Bằng, tác giả của “40 Năm Nói Láo”, nếu còn sống và có cơ hội chơi Facebook, e rằng khó cất dẹp nỗi hưng phấn từng giờ từng phút, mà ắt phải cắm cúi cặm cụi viết một quyển khác, thật hơn, hay hơn, phổ biến rộng hơn…
Nhìn chung, người ta có thể kết luận rằng Đệ Tứ Quyền đã thuộc về dân, bất chấp lề luật có cho tư nhân làm báo hay không.
Truyền Thông Đảng Vỡ Trận đã đành. Nó còn vỡ mặt một khi quan tể tướng vả bộp vào giữa mặt đảng bó tay với lời trần tình nhìn nhận: “Không thể ngăn cấm thông tin trên mạng xã hội”. Rõ là hiệu năng của mạng CDQL cho phép quan tể tướng tuyên bố mọi lời trịch thượng tuỳ thích.
*
Kế tiếp là niềm vui lớn về hoạt động Xã Hội Dân Sự Bùng Phát.
Các hội ra đời không cần đếm xỉa gì tới MTTQ. Tự thân MTTQ cũng đã đắm chìm toàn diện trong những toan tính đấu đá cho lợi quyền của từng thành viên của chính nó.
IDS vỗ mặt chánh phủ xong tự hoà nhập vào các nhóm hoạt động tự nguyện. Cùng ký tên ủng hộ các chương trình lợi ích chung, rõ nhất là Góp Ý Đổi Mới Hiến Pháp. Rồi hô biến thành Diễn Đàn Dân Sự, bên cạnh rất nhiều nhóm hoạt động dân sự ở nhiều cấp độ và nhiều lãnh vực khác nhau.
Đi thẳng vào nền tảng quần chúng là khẩu hiệu Quyền Con Người (bàn tay xoè hình con chim xanh hoà bình), và 30 điều của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền… Ắt là cũng sẽ có lúc quan tể tướng phải trần tình rằng “không thể ngăn chận”. Song song là những ngấm ngầm hay manh nha phát động sinh hoạt đảng phái, cùng những góp ý thao dượt sinh hoạt dân chủ đa nguyên.
Gần gụi và cảm động nhất là những hoạt động âm thầm trợ giúp bà con có nhu cầu thiết thực: Bữa Cơm Có Thịt, Trường Lớp Tình Thương, Quà Trung Thu Cho Trẻ Em Miền Núi, Học Bổng Bước Đầu Vào Đại Học, Tủ Sách Nông Thôn, Bầu Bí Tương Thân, Cứu Lấy Dân Oan, Bữa Cơm Dân Oan… Tất cả đã đến tận tay người dân, bằng tình thương, bằng mồ hôi nước mắt, và nếu có sự nhận thức nào đó từ người nhận, thì hẳn phải là một thông điệp: đảng & chánh phủ này chỉ tổ lo làm giàu cho chính họ, chỉ có người dân (cả dân thường, dân oan lẫn cựu TNLT) chúng ta mới thương nhau và tận tình giúp đỡ cho nhau…
*
Lớn nhất là niềm vui Đông Đảo Bà Con Đã Vượt Qua Nỗi Sợ.
Đó cũng là những bước dài sải rộng qua cái bóng sợ hãi của từng người…
Từ khẩu hiệu vẽ tường “HS-TS-VN” cho đến chiến dịch phơi ảnh “Tôi Không Thích ĐCSVN”.
Từ bài nhạc tình cảm “Bạn Thân” đến câu hỏi hóc búa “Anh Là Ai?” & “VN Tôi Đâu?”.
Từ các sinh viên Phương Uyên-Đinh Nguyên Kha với tờ bích chương viết bằng máu “Tàu khựa cút khỏi Biển Đông”, và “Đi chết đi ĐCSVN”… cho tới anh du sinh rapper Nah Sơn với bài nhạc nghĩ thẳng nói thật “DMCS”.
Từ phong trào #toikhongthich đến #DMCS, kèm theo cái ảnh Zombie thông não/mở mắt trừng trừng thách đố đảng.
Từ cái cớ chống Bắc Kinh kẻ cả/hung hăng/bành trướng… chuyển thẳng sang chống Ba Đình hèn mọn/ngu dốt/tham lam.
Từ huy chương/hình Hồ/ảnh Giáp/cờ đỏ… đi đầu các cuộc biểu tình tuần hành mấy năm trước cho đến các biểu ngữ/băng rôn rộng khổ in đậm những yêu sách trọng điểm gần đây. Tức là không cần loại “bùa kách mệnh” thối rữa hết thời đó nữa. Và, công khai tuyên bố ra khỏi đảng.
Từ nhân sinh quan “makeno” trước đây, cho đến mối quan tâm về các phiên toà xử án Lê Quốc Quân, Tạ Phong Tần, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Hồ Đức Hòa, Đặng Xuân Diệu, Paulus Lê Sơn, Nguyễn Văn Duyệt, Hồ Văn Oanh, Nguyễn Đình Cường, Nguyễn Xuân Anh, Thái Văn Dung, Trần Minh Nhật, Nông Hùng Anh, Nguyễn Văn Oai, Hồ Thị Bích Khương, Đinh Nguyên Kha, Bùi Hằng, Lê Thị Phương Anh… người Việt Nam trong nước và trên khắp thế giới đều nhận ra cái hèn và nỗi bí cộng thêm sự thô thiển lẫn tàn ác của dàn lãnh đạo Ba Đình (đến mức khép tội hai xe máy đi hàng ba), chuyển thành sự sợ hãi của chính những kẻ cầm đầu chế độ hung tàn này (có chứng cứ cụ thể bằng hình ảnh/âm thanh).
Từ sự dửng dưng (hay “phải có tội thế nào nó mới bắt chứ!”) nhiều năm trước, cho đến tấm tình xót xa và thái độ chia sẻ với các nạn nhân Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Basam Nguyễn Hữu Vinh, GS Hồng Lê Thọ… và khập khiễng với cả bước chân của Bọ Lập, lúc bước vào lẫn lúc ra tại ngoại hôm nay.
Đáng ngẫm nhất là sự chuyển đổi từ sự thúc thủ “mặc kệ chuyện đời” đến chỗ không coi việc phụng sự xã hội là “chuyện bao đồng”/”vác ngà voi”. Những ngộ nhận về “cái xấu của chính trị” bớt dần, nhường chỗ cho ý thức tích cực sống chung với nó, bởi “chính trị không chừa ai”.
Không chỉ Vượt Qua Nỗi Sợ. Người ta còn thản nhiên bày tỏ sự khinh bỉ khi gọi lãnh đạo Ba Đình bằng loại đại từ thằng/bọn/lũ/chúng… là những thứ mà chế độ đã nhồi sọ và ép buộc nhân dân khi nói về nguỵ quân nguỵ quyền trước đây.
*
Cả ba điều vui thích vừa kể, gộp lại, hiển hiện ra thành một bức tranh có nhiều mảng màu ít nhiều gì cũng tươi hơn các thứ “hổng lẽ” xám xịt mà dài sọc bên trên…
Không khó để người Việt khắp nơi nhìn ra lòng yêu nước, tính nhân bản, các quyền con người và nhiều thành tựu kinh tế của dân ta dưới chế độ VNCH từ 40 năm trước, dù đang trong giai đoạn chiến tranh bấy giờ. Và cùng đi đến nhận thức sâu hơn về giá trị của sinh hoạt dân chủ đa nguyên đa đảng trong tiến trình xây dựng, bảo vệ và canh tân đất nước. Chưa bao giờ “Ngụy quân”, “Ngụy quyền” lại đáng phục và đáng kính tới vậy.
Chính vì vậy mà, với cuộc cách mạng truyền thông hôm nay, người dân, bất kể là Nam hay Bắc, đều nhắc nhau chung một loạt ba biến cố đầu năm: Hoàng Sa 1974, Biên Giới 1979, và Trường Sa 1988; cùng nhau tưởng nhớ chung những người con nước Việt đã xả thân để bảo vệ quê hương. Lãnh đạo Ba Đình đang lo âu về hiện tuợng này hơn bao giờ hết.
Rõ ràng dân tộc đang thuyết phục được nhau và đang tiến những bước lớn cả về nhận thức lẫn hành động kết đoàn, bất kể những trò hù dọa, bạo hành, bưng bít, và phá hoại của dàn lãnh đạo (có đầy hình và chữ trên CDQL), thông qua công cụ báo đài và côn an.
MUNGDANGquytien
Hoá ra là vẫn còn may. Người ta không cần giấm ớt như cố Tổng biên tập Vũ Cận khi xưa mong ước “Khoẻ mạnh như đất nước”. Chính chúng ta sẽ làm cho đất nước khoẻ mạnh.
Đã không sợ đảng – Sẽ đách ngại Xuân.
Và tự tạo cho nhau những điều thật sự đáng mừng:
Mừng Hy Vọng Gần Kề – Mừng Dân Tộc Một Mối – Mừng Xuân Chẳng Lỗi Thề.
.
12/02/2015 – Mừng được tin Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do phục hoạt.
Blogger Đinh Tấn Lực, chép tặng Điếu Cày.