Diễn Từ Của Đồng Chí Tổng Bí Thư



Diễn Từ Của Đồng Chí Tổng Bí Thư

Đón Tiếp Ngoại Trưởng Mỹ


Thưa các đồng chí và bà Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hiêu-la-ry Cờ-lin-tơn,
Thay mặt các đồng chí Ủy viên Bộ chính trị Đảng CSVN đang có mặt và không có mặt hôm nay, và nhân danh cá nhân là Tổng bí thư Toàn Đảng, tôi trân trọng gửi đến bà Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hiêu-la-ry Cờ-lin-tơn lời chào đoàn kết và thân ái. Chúc mối quan hệ tốt đẹp và đang trên đà khắng khít giữa hai Đảng, ậy, a-hèm, giữa hai nước chúng ta ngày càng phát triển, sớm đi vào gắn bó, mãi mãi giúp đỡ nhau để cùng vững bước trên con đường toàn cầu hóa, với sứ mệnh cao cả gìn giữ hòa bình thế giới, tôn trọng độc lập dân tộc cùng các vùng lãnh hải riêng tư, tôn trọng mọi hình thái dân chủ đặc thù của từng nước, và tôn trọng mọi sự khác biệt giữa các chủ nghĩa thần kỳ.
Trong không khí tin cậy, thắm tình bạn mới, quên mối cựu thù, tôi long trọng đánh giá cao vai trò tích cực của cá nhân Bà Bộ trưởng và phu quân – cựu Tổng thống Biêu Cờ-lin-tơn – trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Đồng thời, thẳng thắn trao đổi cùng bà Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hiêu-la-ry Cờ-lin-tơn một số ý kiến chung quanh vấn đề liên hệ hữu cơ giữa chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản và không loại trừ chủ nghĩa bành trướng.
Đây là một đề tài lý luận và thực tiễn rất cơ bản, quan trọng, nội dung rất rộng lớn, phong phú và phức tạp, có nhiều cách tiếp cận khác nhau, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu rất công phu, nghiêm túc, tổng kết thực tiễn một cách sâu sắc, khoa học. Tôi chỉ xin đề cập một số khía cạnh từ góc nhìn thực tiễn của Việt Nam để bà Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hiêu-la-ry Cờ-lin-tơn nắm vững ý nghĩa, rộng đường tham khảo, và cùng mạnh dạn trao đổi. Tức là cũng chỉ tập trung vào trả lời mấy câu hỏi: Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn và xây dựng con đường xã hội chủ nghĩa? Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong 25 năm qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì? Sau cùng là những phạm trù nào mà Việt Nam và Mỹ có thể hợp tác chặt chẽ hơn nữa để thực hiện sứ mệnh cao cả vừa mới nói trên.
- ¥€$ -
Trước tiên, để trả lời câu hỏi “Chủ nghĩa xã hội là gì?”, xin ngắn gọn thưa ngay:
Một là: Xã hội XHCN là một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Bằng chứng là ở VN, ngoài những cuộc tụ tập không được phép của nhà nước, thì xưa nay không hề có đình công hay biểu tình gì sất. Tức là nhân dân VN không hề biết bức xúc. Ngược lại, chúng tôi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ quan niệm phẩm giá con người nằm trên mặt con người. Như vậy, đạp vào mặt dân hoàn toàn không có nghĩa là chà đạp nhân phẩm hay dân phẩm. Và đó chính là sự khác biệt truyền thống giữa văn hóa Đông-Tây mà chúng tôi cần nhấn mạnh.
Hai là: Trong xã hội XHCN, sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Bằng chứng là VN được xếp hạng hạnh phúc thứ nhì trên toàn thế giới, cũng có nghĩa là nhân dân VN luôn luôn vui vẻ hy sinh trả nợ giúp cho tất cả những tập đoàn kinh tế không may bị thua lỗ và rất đáng tội nghiệp. Người VN chúng tôi có câu ca dao rất hay, có khi người Mỹ cần sớm tiếp thu cho sự ổn định của chính nước Mỹ, là: Nhiễu điều phủ lấy giá xăng – Làm dân phải biết cắn răng qua ngày…
Ba là: Xã hội XHCN là một xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, chứ không phải cạnh tranh thắng – thua vì lợi ích vị kỷ của cá nhân và các phe nhóm. Như vậy, phải hiểu rằng những cái gọi là thiếu thân thiện nội bộ giữa các đồng chí Ủy viên Lãnh đạo có mặt hay vắng mặt tại đây hôm nay… chỉ là lời ong tiếng ve của đám quần chúng thị phi vô công rỗi nghề và …vô trách nhiệm. Đặc biệt là những chuyện vô căn cứ, thiếu cơ sở, về những thứ “bánh ít/bánh quy” giữa đồng chí chủ tịch nước và đồng chí thủ tướng, đều là sản phẩm “hòn đất/hòn chì” của bọn quan làm báo/dân làm báo, tức là chỉ ngang hàng với đám qui-ki-lích bên quý quốc, không đáng tin cậy như dàn báo chính thống của nhà nước chúng tôi.
Bốn là: Trong xã hội XHCN, sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn và hủy hoại môi trường. Bằng chứng là chúng tôi vẫn còn đang tập trung nỗ lực tham khảo khắp thế giới xem nơi đâu có loại kỹ thuật siêu đẳng về trại tù chung thân cấm cố điện hạt nhân, sao cho nổ lò mà khói phóng xạ vẫn không thể sổ cùm tháo cổng được. Chứ như Chẹt-nô-bờn thì phải nói là các đồng chi KGB vẫn còn …sơ đẳng quá.
Năm là: Xã hội XHCN là một xã hội tự xây dựng một hệ thống chính trị tam quyền tập trung thống nhất chuyên chính mà mọi người vẫn nghe nói hay đọc thấy mỗi ngày rằng quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Bởi lẽ, nhân dân, ngoài răng với lựu đạn, thì còn cóc gì mà gọi là giàu có! Tóm gọn lại, theo đúng lý thuyết vừa dẫn thì rõ ràng đó là một xã hội dân chủ.
Và để khỏi phải mất thêm nhiều thì giờ quý báu của nhau, có lẽ chúng tôi chỉ cần trích lại ở đây một câu danh ngôn vượt thời gian và vượt cả không gian VN: “Dân chủ ở Việt Nam cao hơn gấp vạn lần dân chủ các nước tư bản”. Vâng, tác giả câu danh ngôn đó là bà Phó chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Thị Doan.
- ¥€$ -
Kế đến là câu hỏi: “Vì sao Việt Nam lựa chọn và xây dựng con đường xã hội chủ nghĩa?“. Phải phân định thật rõ ngay đây, rằng, khi bảo “Việt Nam lựa chọn”, có nghĩa là toàn bộ nhân dân Việt Nam đã được một đảng phái chính trị tối cao đại diện cho cả quá khứ, hiện tại và tương lai đời đời của họ lựa chọn giúp, theo đúng ý nghĩa và sứ mệnh cao cả từng được ghi chép hẳn hoi vào điều 4 hiến pháp, tức là, “du nô”, luật mẹ của các thứ luật con đã định sẵn tội danh cho mọi người. Còn ưu việt hơn cả Luật Trao Quyền, tên chính thức là “Luật Phòng Chống Tai Họa Của Nhân Dân & Đế Chế” năm 1933 của Hitler. Cần phải quán triệt rằng đó là lý do chính yếu của sự lựa chọn con đường XHCN. Bởi nếu không, thì hiến pháp VN sẽ thiếu hẳn cái điều chủ chốt cực kỳ quan trọng để gắn liền hiến pháp với chính cương vắn tắt lẫn dài dòng. Còn mọi thứ khác đều có thể được coi là phụ phẩm, giống như thịt vụn làm xúc xích bên quý quốc, thí dụ như nhân quyền và dân quyền, chẳng hạn. Nhân đây cũng xin mạnh dạn giới thiệu đến bà Ngoại trưởng một thành ngữ được đặt ngang hàng với nhân sinh quan, à không, phải nói chính xác là được đặt ngang hàng với định mệnh dân tộc Việt Nam anh hùng của chúng tôi là “Không Có Gì”. Chỉ cần nói ba từ thiêng liêng đó thôi là cả thế giới đều phải nhớ đến và cúi đầu khâm phục vị danh nhân cận đại của VN mà suýt chút nữa cơ quan UNESSCO đã long trọng đưa vào hàng danh nhân thế giới.
Hãy nhìn quanh để thấy rất rõ là: Các nước xã hội chủ nghĩa khác tại Châu Á vẫn tiếp tục con đường tiến lên phía trước. Nhiều đảng cánh tả, các phong trào nhân dân tiến bộ các nước tại các châu lục ngày càng giương cao khẩu hiệu đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội và xác định ngày càng rõ rằng đây là sự lựa chọn duy nhất đúng để vượt qua những bế tắc của mô hình phát triển đang khủng hoảng hiện nay. Đó là những bằng chứng đầy khích lệ về sức sống của chủ nghĩa xã hội. Và, vừa là bằng chứng, lại vừa là động lượng mạnh mẽ giúp lãnh đạo VN nhất định chọn và quyết tâm giữ con đường XHCN.
Như vậy, chúng tôi tin rằng bà Ngoại trưởng có thừa thông minh để hiểu rằng chúng tôi đã xây dựng xã hội XHCN ở VN như thế nào. Nói cách khác, bằng cách nào mà chúng tôi đã vô cùng hãnh diện đặt tên nước là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Đừng vội nhếch mép cười mỉa là chúng tôi đánh rơi từ Dân Chủ trong quốc hiệu trước (VNDCCH) để “côm ấp” với cái quốc hiệu xúc tích hiện tại. Chẳng có điều gì bị đánh rơi hết. Chỉ có thăng hoa Dân Chủ vạn lần hơn, như bà Phó Doan của chúng tôi từng khẳng định. Cũng đừng cười khẩy là sau cuộc chiến thần thánh đốt cháy Trường Sơn để để giành chính quyền toàn cõi một cách thần kỳ thế này mà VN không có được một tác phẩm văn chương vĩ đại xứng tầm để quảng bá đến toàn thế giới cách thức xây dựng XHCN trên toàn cõi xứ này, từ mũi Cà Mau đến gần ải Nam Quan.
Xin được hỏi ngược là bên Mỹ có Hội Nhà Văn và Hội Nhà Báo chính thống từng tổ chức hoành tráng các trại viết văn và đại hội hàng năm như VN chúng tôi không? Nếu không có thì có thể nhân dân Mỹ quốc khó lòng hiểu được những nỗ lực phi thường của giới cầm bút có thẻ của chúng tôi. Mong là bà không thuật lại điều này cho bất kỳ ai, bởi đây là một bí mật quốc gia của chúng tôi: Cả hai hội Nhà Văn & Nhà Báo VN đang thi đua tổng hợp tất cả những kỹ thuật thượng thừa từng làm nên phương thức xây dựng XHCN đặc thù đậm đà màu sắc VN từ các lực lượng danh trấn giang hồ Всероссийская чрезвычайная комиссия (gọi tắt là KGB), Mật vụ NAZI, Vệ binh Cách mạng Iran, Mật vụ Bắc Triều Tiên, và …thôi, không nên kể tên của lực lượng mật vụ sau cùng rất gần gạnh với chúng tôi, cứ tạm gọi là mật vụ “lạ” vậy nhé! Đấy, một khi mà chúng tôi có được thành phẩm sau cùng của cuộc chạy đua  giải Nobel văn chương này thì chắc chắn bà Ngoại trưởng sẽ là một trong những người đầu tiên nhận sách. Chỉ xin thưa trước là chúng tôi không chủ trương “i-búc” bằng kỹ thuật số, do đó, chúng tôi sẽ gửi bằng phương tiện bưu kiện phát nhanh có hồi báo.
- ¥€$ -
Tiếp theo đây là câu trả lời cho câu hỏi “Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong 25 năm qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì?”. Đó là niềm hãnh diện lớn nhất của chúng tôi, bởi lẽ, quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp, vì nó phải tạo sự biến đổi sâu sắc về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, lực lượng sản xuất rất thấp, lại trải qua mấy chục năm chiến tranh, hậu quả rất nặng nề; các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách phá hoại cho nên lại càng khó khăn, phức tạp, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước đi, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen nhau, có sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới. Nói bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, khai thác, bóc lột, quy hoạch, cưỡng chế; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà chúng tôi đã phấn đấu đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa Tư Bản Đỏ trên đường quá độ. Đương nhiên, việc kế thừa những thành tựu này phải trên quan điểm đồng đều có thể.
Nhờ vào đó, đặc biệt là nhờ quan điểm đồng đều có thể, mà hầu như chúng tôi không gặp phải bất kỳ vấn đề gì trong suốt 25 năm sang số đạp ga chiếc xe đổi mới. Một lý do khác nữa, là nhìn từ góc độ truyền thống đảng, cũng là một cách xiển dương văn hóa sửa sai trường kỳ, còn được coi là biểu hiện của đặc tính cầu thị, cầu tiến, cầu toàn mà không cầu tiêu, giống như đặc tính hòa mình, hòa giải, hòa hợp mà nhất quyết chẳng hòa tan của Trung ương Đảng chúng tôi, cho nên, mọi vấn đề đều sớm được triệt tiêu tận gốc trước khi nó tượng hình hay hiện hình. Quý quốc có câu nói cực hay là: “nô niêu sờ gút niêu”. Thì điều đó cũng là phương châm hoạt động của làng văn làng báo làng đài của chúng tôi: Không có tin trên báo/đài tức là xã hội ổn định, đếch có vấn đề gì.
- ¥€$ -
Sau cùng là “Những phạm trù nào mà Việt Nam và Mỹ có thể hợp tác chặt chẽ hơn nữa để thực hiện sứ mệnh cao cả” ở đoạn dẫn nhập bên trên.
Phải nói rằng cực kỳ sai lầm cho những ai nghĩ ngay đến phạm trù vũ khí. Chúng tôi thừa nhận là rất cần vũ khí hiện đại, nhưng chắc chắn là không cần ba hoa để mang họa bị vu khống là chạy đua vũ trang với láng giềng, đặc biệt là tay láng giềng ân nhân khổng lồ từng làm nên quá khứ của chúng tôi bằng lời hứa long trọng “sẽ chiến đấu đến người VN cuối cùng”, và từng thiết tha hướng dẫn chúng tôi những bài học giáo trừng rất đáng ghi tâm khắc cốt.
Vậy thì, những hợp tác thiết thực mà Mỹ và VN có thể tăng cường trong thời gian tới có thể bao gồm những gì?
Tôi mạnh dạn đề nghị một bản lộ đồ “4 Không + 2 Có”, như sau:
Một là: Cả hai bên KHÔNG tiến hành những Dự Luật Nhân Quyền về nhau. Quốc hội chúng ta có gì xài nấy, không ai xía chuyện tình cảm đời tư của ai.
Hai là: Cả hai bên KHÔNG cưỡng bức hay áp chế nhau vào quy chế CPC. Nói cách khác là kệ mịa nhau, chẳng mắc mớ gì mà gây rắc rối không cần thiết cho nhau.
Ba là: Cả hai bên KHÔNG đòi thăm tù nhân lương tâm hay đòi thả tù nhân chính trị của nhau. Tù ai nấy nhốt, chẳng cần phải báo cáo tình hình thăm nuôi hay liên hệ luật sư lôi thôi.
Bốn là: Cả hai bên KHÔNG đặt ra bất kỳ điều kiện gì một khi có lòng muốn viện trợ (nhân đạo/kinh tế/quân sự) cho nhau. Phải luôn luôn tâm niệm rằng của cho không bằng cách cho.
Năm là: Cả hai bên CÓ nghĩa vụ phải bảo vệ đại sứ quán và lãnh sự quán của nhau trước những cuộc biểu tình liên tục làm xấu hổ đảng cầm quyền và chính phủ liên hệ trước mặt bầu bạn quốc tế.
Sáu là: Cả hai bên CÓ quyền từ chối nhập khẩu từ phía bên kia bất kỳ những nguyên tắc, kỹ thuật, sách vở, phim ảnh liên quan đến Hạ bệ, Lật đổ, Đảo chính, hay Đấu tranh Bất bạo động.
Tất nhiên, khi nào nghĩ ra thêm những đề nghị thiết thân nào khác, chúng tôi sẽ bổ sung bằng văn bản.
- ¥€$ -
Trước khi dứt lời, hãy cho phép tôi được nhắc lãnh đạo quý quốc một vài điểm nhạy cảm, như sau:
Một là: Đừng bao giờ dạy dỗ chúng tôi cái nguyên tắc “Dân chủ và thịnh vượng luôn sóng đôi”, hay “cải cách chính trị và tăng trưởng đồng hành với nhau”. Điều đó, dưới con mắt của chính thể XHCN rạng ngời của VN hôm nay, nó không phải là hướng dẫn/khai sáng/đề nghị, mà chính là bộp tai/đá đít chúng tôi. Á à! “nô gút”, không nên, không nên!
Hai là: Đừng bao giờ mất công “Lo ngại về vấn đề nhân quyền, bao gồm cả việc giam giữ các nhân vật hoạt động, các luật sư và các blogger từng phát biểu ý kiến cách ôn hòa”, hoặc, “quan tâm về việc hạn chế tự do ngôn luận trên mạng, và phiên tòa sắp diễn ra để xử những sáng lập viên của Câu lạc bộ Nhà báo tự do”. Các bạn nói suông thì đã đành. Phần chúng tôi thì thường ra rất khi chịu nghe suông. Chúng ta hiểu nhau chỗ này chứ?
Ba là: Đừng bao giờ để tâm đến lời phát biểu lên gân của nguyên Tổng bí thư Phiêu Lê khơi gợi lại vết thương chiến bại duy nhất của Hoa Kỳ, lúc phu quân của bà Ngoại trưởng lần đầu tiên chân ướt chân ráo sang đây. Cũng đừng bận lòng chuyện “phân hóa chính phủ Obama” mà ngài nguyên Chủ tịch nước Triết Nguyễn đã phát biểu thành câu danh ngôn để đời của ổng. Nói vậy chứ mấy ổng không cố ý như vậy đâu. Người Việt Nam chúng tôi vẫn thích đùa đấy thôi, đó là truyền thống tự ti thành tự sướng từ thời Trạng Quỳnh lận. Vả, người ta vẫn bảo đừng nghe những gì cộng sản nói mà!
- ¥€$ -
Sau cùng, chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng, nhân dân Mỹ sáng tạo và năng động trong tiến trình xây dựng đất nước, nhất định sẽ đạt được những thành tựu to lớn, đưa nước Mỹ vượt qua những khó khăn ngặt nghèo trên con đường chông gai đầy thử thách và luôn khủng hoảng suy trầm của tư bản chủ nghĩa. Chúng tôi mong muốn, hai Đảng cầm quyền và hai nước chúng ta sẽ tiếp tục cùng sát cánh bên nhau vững bước trên con đường vì nền ổn định chính trị và kinh tế toàn cầu nói chung và sự an toàn đường biển thông thương giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương nói riêng.
Có thể tóm tắt chỉ trong 8 chữ: “Duy trì Hòa bình – Ổn định Khu vực”.
Đó cũng là niềm tin và tình cảm của chúng tôi gửi tới bà Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hiêu-la-ry Cờ-lin-tơn, cùng toàn thể lãnh đạo nước Mỹ, hiện giờ và cả sau tháng 11 năm nay.
12-07-2012 – Kỷ niệm tròn đúng 17 năm quan hệ Mỹ-Việt ở cấp đại sứ.
Blogger Đinh Tấn Lực lược ghi từ băng gốc ngày 10/7.