Hàm Nguyên Soái

Hàm Nguyên Soái

. Đinh Tấn Lực


Đề nghị của TS Cù Huy Hà Vũ về việc phong hàm Nguyên Soái cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp quả thật đã khuấy động dư luận cả nước.

Nếu thống kê được thì ắt hẳn đề nghị đó đã làm nức lòng chí ít là nhiều triệu dân quân người Việt.

Kể sao cho hết những người từng kinh qua, hoặc có cha anh trong gia đình từng kinh qua một giai đoạn hào hùng của dân tộc Việt Nam quyết đổi máu lấy độc lập. Đó là những người làm nên lịch sử.

Kể sao cho hết những thế hệ sau đó được học về chiến công oanh liệt của dân tộc Việt Nam ở chiến trường Điện Biên quyết định cho cả cuộc chiến giành lại độc lập. Đó là những người thuộc làu lịch sử.

Công cuộc (và cả công lao) kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi bờ cõi là của toàn dân ta. Của những thanh niên chẳng tiếc thân mình miễn giữ được nước. Của những ông cha tự châm lửa đốt nhà/đốn vườn tiểu thổ kháng chiến, chẳng tiếc gia tài miễn gữ được nước. Của chính những bà mẹ rứt ruột đưa con vào chiến trường, chẳng tiếc tình mẹ/thân con miễn giữ được nước. Của hàng trăm ngàn dân công hậu cần tải đạn/tải súng/tải gạo/tải thương… chẳng tiếc công sức và cả máu xương miễn giữ được nước.

Không ai là không thấy điều đó.

Cũng không ai không thấy tài điều binh thần kỳ của Võ Đại Tướng trong suốt những năm dài kháng chiến gian khổ của nhân dân cả nước, mà nếu không có thì chắc gì đã có ngày 7-5-1954 quân đội thực dân Pháp buông súng đầu hàng?

Rõ ràng, không ai xứng đáng hơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp để nhận hàm Nguyên Soái. Từ bấy, chứ không đợi đến dịp sinh nhật bách tuế thượng thọ của ông.

Rõ ràng, đề nghị của TS Cù Huy Hà Vũ đã khơi đúng niềm hãnh diện và mong mỏi của hàng (chục) triệu người Việt Nam.

Thế nhưng, điều đề nghị đầy tình thừa lý đó (dường như) đã va phải một vài lấn cấn.

Có người nêu ra hàng trăm chứng cứ khó cãi để luận rằng cách ứng xử của đảng và nhà nước CHXHCNVN, từ nửa thế kỷ nay, đối với Võ Đại Tướng là một mẫu mực của tinh thần nằm dưới cả điều mà nhân dân bình dị mô tả là … “ăn ấy đái bát”. Bởi cách hành xử đó khơi gợi ra nhiều kiểu luận bàn bôi tro trát trấu vào mặt tiền căn nhà 25 Hoàng Diệu. Đã nhiều thập kỷ trôi qua trong mối tương quan mất dạy đó, và cả đảng lẫn nhà nước CHXHCNVN vẫn cho đó là điều …bình thường. Có khi còn cho là cần thiết nữa, để bảo vệ mọi sai trái của lãnh đạo/guồng máy/băng đảng/chế độ.

Lại có người nêu ra nguy cơ là việc phong hàm này sẽ tạo ra tiền lệ cho hàng chục Nguyên Soái (bất xứng) khác mọc ra như nấm sau mưa kể từ nay.

Riêng Lực tôi có đôi điều thiển nghĩ (dù có thể trái tai nhưng cũng) xin được thưa với TS Cù Huy Hà Vũ:

  1. Về mặt ngữ nghĩa thì cả từ “hàm” lẫn từ “nguyên soái”, đều ít nhiều đâu đó phảng phất tính chất thực dân/phong kiến.
    Thời Tây đô hộ, không ít người giàu có đã bỏ tiền ra để mua một chức hàm, lớn là cỡ tri phủ (ngang chức tỉnh trưởng nhưng không có quyền điều hành), nhỏ là tri huyện (ngang chức quận trưởng không quyền), nhỏ nữa là các chức lặt vặt do Tây đặt ra…
    Còn vào thời nhà Nguyễn trở về trước thì ấn kiếm Nguyên Soái chỉ do nhà Vua tuyên trao cho vị tướng tổng chỉ huy trước khi các đội quân ngũ sắc kỳ xuất trận (có vẻ thiên về chức vụ hơn là phẩm trật quan chức trong triều).
    Quân đội các nước chấm dứt nền phong kiến sớm sủa thường gọi cấp bậc cao nhất của sĩ quan quân đội là Thống Tướng (5 sao – và đó là cấp bậc trong binh ngũ chứ không phải chức vụ trong quân đội). Hình như quân đội miền nam VN ngày trước có một Thống tướng duy nhất là ông Lê Văn Tỵ, dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm (có thể phải dò lại bộ quân sử miền Nam để biết chắc).

  2. Quan trọng hơn, về mặt giá trị, thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ lâu hội đủ (nhiều phần là còn thừa cả) điều kiện để được vinh thăng cấp bậc cao nhất của quân đội, dù ta có gọi đó là hàm Nguyên soái hay bậc Thống tướng.
    Vấn đề là ai hội đủ điều kiện để trao hàm hay phong cấp cho ông?

    * TBT Nông Đức Mạnh chăng?
    Đó là một tổng thư ký của đảng, thế thì bên đảng có nên/có phép tròng chéo trao hàm cho bên quân đội chăng?
    Chưa kể là bản thân người trao chẳng xứng tầm với người nhận, bởi chưa từng kinh qua những chiến trường tầm cỡ Điện Biên, dù chỉ phục vụ ở cấp thấp.
    Chưa kể đến con trai Mạnh là Nông Quốc Tuấn chẳng giữ nổi tư cách một lãnh đạo cấp tỉnh. Gần nhất là đã (hành xử như 1 tay playboy tỉnh lẻ) ung dung nhậu thịt bò tót do đầu bếp điều từ Hà Nội điều về Bắc Giang, trong lúc hàng vạn người dân Bắc Giang đã bao vây UBND tỉnh đòi hỏi công lý cho một công dân bị công an đập chết vì lý do không đội mũ bảo hiểm khi lái xe máy.
    Chưa kể đến cháu nội Mạnh là Nông Đức Hải còn đang được dư luận cả nước rọi đèn vào các nghi vấn chung quanh vụ án mạng (tình địch) trên xe Lexus ở Hà Nội vào ngày lễ tình yêu 14-2-2009.
    Mạnh sẽ nhân danh vì tương lai bọn trẻ đó mà gắn sao cho tướng Giáp chăng?

    * CTN Nguyễn Minh Triết chăng?
    Đối với các quốc gia theo thể chế cộng hòa đích thực thì vị trí (Tổng thống kiêm Tổng tư lệnh Quân đội) này có vẻ là thích hợp nhất. Nhưng đối với nhân dân Việt Nam thì không chắc là Triết tránh được những cái bỉu môi khinh bỉ.
    Lý do là bởi những câu phát ngôn loạn xạ có tính phóng uế của Triết gần đây đã thực sự hiển thị một thứ trình bất xứng chỉ tổ làm nhục quốc thể (rõ nhất là chiêu dụ doanh nhân Hoa Kỳ hãy vào VN đầu tư vì đất nước này có rất nhiều gái đẹp).
    Lý do còn là cả quá trình hoạt động của Triết, không rõ thời ở bưng chiến đấu thế nào, chứ khi về thành thì nổi danh suốt một thập kỷ 1978-1988 về tài bán bãi vượt biên rồi bắt tàu thu vàng lần nữa.
    Một kẻ đáng khinh như thế thì liệu có chút tư cách nào để phong cấp cho người hùng Điện Biên 100 tuổi?

    * TT Nguyễn Tấn Dũng chăng?
    Sẽ có người vặn ngay là vào thời tướng Giáp điều binh/vận pháo ở Điện Biên thì Dũng ta bắn bi/đánh đáo ở đâu?
    Rồi lại không ít người sẽ hỏi thăm về lời hứa điều nghiên các kiến nghị ngưng khai thác Bauxite ở Tây Nguyên của tướng Giáp, Dũng ta đã ân cần thu nhận rồi vất vào đâu mà tới nay vẫn không có một câu trả lời chính thức nào cả? Trong khi dư luận vẫn xầm xì về con số 150 triệu USD là cái giá của 3 chữ “chủ trương lớn”.
    Chắc chắn là Dũng chẳng có chút tí ti xứng đáng nào để gắn thêm sao cho tướng Giáp.

    * Bộ trưởng QP Phùng Quang Thanh chăng?
    Thanh cùng cấp nhưng kém thâm niên rất xa đối với tướng Giáp, tất nhiên không có tư cách gì để phong hàm cho bậc đàn anh ngang hàng tiến bối như tướng Giáp.

    * Còn ai nữa?
    Bốn tay vừa kể mà không vừa tầm thì cả dàn ủy viên BCT lẫn TW (nói túm gọn là toàn đảng và nhà nước CHXHCNVN) đều không thể có/còn một ai xứng đáng gánh vác việc phong hàm cho một người hùng thời đại có hàng (chục) triệu fan ngưỡng mộ.

Cho nên, Lực tôi xin được đề nghị ngược lại với TS Cù Huy Hà Vũ là chỉ cần vạch mặt bọn “ăn ấy đái bát” đến chừng đó là vừa đủ, một khi ta đã biết chắc rằng họ đang ở thế bị động cùng cực: Không phong hàm cho Tướng Giáp thì rõ là một lũ vô ân bội nghĩa. Còn phong hàm cho tướng Giáp thì ai làm? Mà nhỡ tướng Giáp vất trả cả sao vàng/cả thẻ đảng vào mặt, ngay giữa buổi lễ, thì chẳng hóa ra là một chuyện động trời cho cả thế giới à?

Mặt khác, lấy góc ánh sáng chan hòa hơn mà nói, thì vấn đề là không cần đến cái mức “chính thức hóa” bằng một quyết định, một văn bản, một buổi lễ trao tặng như thế. Đảng và nhà nước có tặng thêm sao mà lãnh đạo cứ hành xử vô học và vô hậu với tướng Giáp như mấy thập kỷ qua thì liệu có vinh hạnh gì?

Vấn đề là nhân dân Việt Nam từ rất lâu đã biết rất rõ là (chì duy nhất) Đại tướng Võ Nguyên Giáp xứng đáng với cấp bậc Nguyên soái/Thống tướng, và cũng đã từ lâu ứng xử với người hùng Điện Biên theo phong cách đó. Nhân dân đã khắc hình ảnh tướng Giáp vào tâm khảm như một Nguyên Soái thì mới chắc chắn đó là Nguyên soái.

Trong tinh thần đó, tướng Giáp đã là Nguyên soái của dân ta và sử ta từ 1954 lận.

Quyết định của đảng và nhà nước vào dịp này sẽ chẳng là cái đinh gì sất!

27-8-2010

Blogger Đinh Tấn Lực.