Xin hãy cân nhắc khi sử dụng từ
Báo Công An TP.HCM số 1766 ra ngày 21/03/2009 có bài viết “Những cách thức làm ăn bê bối của VPLS Pháp Quyền” do luật sư Lê Trần Luật (Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận) làm trưởng văn phòng, bài viết trên là một trong loạt bài mà nhóm phóng viên Báo Công An TP.HCM đăng về hoạt động của VPLS này.
Tôi là luật sư của Đoàn Luật sư TP.HCM, khi đặt bút viết về bài báo này, tôi xin được dùng tư cách là một công dân thành phố, một bạn đọc thường xuyên của Báo Công An TP.HCM để được nói lên vài ý kiến của cá nhân tôi về một số từ mà nhóm phóng viên của Báo Công An TP.HCM đã sử dụng trong bài viết trên.
1- Ông Lê Trần Luật là công dân của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, mọi hành vi vi phạm của ông nếu đủ chứng cứ sẽ có pháp luật phân xử, nhưng bên cạnh đó với tư cách là một công dân, trước khi bị tòa án tuyên bố có tội hay không thì ông vẫn là một công dân được pháp luật bảo vệ.
2- Ông Lê Trần Luật đã và đang là một luật sư, được quản lý về mặt hành chính bởi Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận, Sở Tư pháp Ninh Thuận, Giấy Chứng nhận hành nghề luật sư của ông do Bộ Tư pháp cấp. Trước khi các cơ quan này lên tiếng kết luận về vi phạm trong lĩnh vực hành nghề luật sư thì ông vẫn đang là một luật sư có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Do đó, xin hãy khoan vội dùng những từ ngữ như: GIAN DỐI- THỦ ĐOẠN LỪA BỊP- CHÂY LỲ LẤP LIẾM- NHẶT NHẠNH NHỮNG ĐỒNG TIỀN MÀ KHÁCH HÀNG BỐ THÍ ĐỂ NHÉT VÀO TÚI RIÊNG- BÊ BỐI- LEM NHEM- GIẬT GẤU VÁ VAI... Theo cạn ý của tôi quan hệ giữa luật sư Lê Trần Luật và khách hàng là quan hệ dân sự, nếu có vi phạm thì khách hàng có quyền khởi kiện tại tòa án để đòi bồi thường thiệt hại (nếu có). Thậm chí nếu luật sư Lê Trần Luật có vi phạm nặng nề hơn thì các cơ quan chức năng có quyền khởi tố bắt giam ông như mọi công dân khác. Nên đứng về phía nghề nghiệp, luật sư Lê Trần Luật vẫn còn đang chờ kết luận của Hội đồng Kỷ luật Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận, sao lại vội sử dụng những từ ngữ như trên đối với một công dân nói chung và một luật sư nói riêng.
Tôi là bạn đọc rất thường xuyên của Báo Công An, do đặc điểm của ngành nên quí báo thường có rất nhiều tin độc đáo, hấp dẫn nên đã có lượng độc giả rất phong phú về số lượng và thành phần. Qua bài viết này tôi rất mong được dùng thành ý của mình đóng góp cho quí Báo ngày càng xứng tầm với niềm tin mà bạn đọc mong đợi. Vì tôi biết cho dù một công dân vi phạm pháp luật và bị đưa ra trước vành móng ngựa, Hội đồng xét xử vẫn rất cân nhắc sử dụng từ ngữ để thẩm vấn họ nhằm tôn trọng danh dự và nhân phẩm của một công dân trước khi bị tòa tuyên có tội hay không có tội, huống chi...
Luật sư Đoàn Thị Lan
http://hcmcbar.org/?option=com_contentlist&task=detail&cat=4&type=2&id=193