Thầy Dạy các Nhà Báo Trẻ - Trần Ngọc Châu



Thầy Dạy các Nhà Báo Trẻ

. Trần Ngọc Châu

"Nhà báo là vọng gác trên con tàu đất nước. Anh là người nhìn xuyên qua sương mù và bão táp để báo động hiểm nguy phía trước… Anh đứng đó để canh chừng cho sự an toàn và hạnh phúc của những người đặt niềm tin vào anh”. Joseph Pulitzer, 1904.

[Ghi cho lần xuất bản này (2006): Vào năm 1991, nghe đồng nghiệp trẻ Thái Lan nói về trách nhiệm của báo chí trong việc bảo vệ môi trường, tôi vẫn cảm thấy lời cảnh báo đó còn… “xa xỉ” quá!]

*

* *

Nhân ngày nhà báo Việt Nam, viết về các đồng nghiệp nước ngoài đã có dịp gặp, e không đến nỗi thừa.

Ann Danaiya Usher, một trong những chủ biên của tờ The Nation - nhật báo tiếng Anh của Thái Lan có số lượng xuất bản 50.000 tờ/ngày – là một cô gái nhanh nhẹn, thông minh. Cô nói tiếng Anh giọng Mỹ lưu loát. Có thể nói trong số 15 chủ bút có mặt tại Bàn tròn các chủ bút châu Á tại Nam Triều Tiên lần này, cô Ann là người trẻ nhất và năng động nhất. Cô không nghiên cứu tài liệu, thì cũng nói điện thoại hoặc ngồi bên máy fax hay telex để đánh đi các tin tức của hội nghị. Trông cô rất bận rộn, một phần vì công việc, một phần có nhiều chàng trai phá rầy, hỏi han, làm quen, chuyện trò. Tôi để ý thấy phần lớn các nhà báo Nhật thường “chăm sóc” cô rất kỹ, thậm chí họ còn nhờ cô viết tin cho các hãng thông tín Nhật… Tôi tưởng họ đã quen nhau lâu nhưng sau này mới biết chỉ là những giây phút ban đầu! Tôi cũng rất muốn làm quen với cô đồng nghiệp trẻ tuổi nhưng thấy lúc nào cũng có người hoặc “công việc” vây lấy cô, nên đành chịu vậy… Rồi tình cờ, một buổi trưa trong cầu thang máy, tôi gặp cô một mình. Cô nhìn cái bảng tên trên túi áo tôi và buột miệng hỏi: “Ông từ đâu tới?”. “Việt Nam”. Cô “A…” lên khiến tôi cũng bị bất ngờ.

Trước khi về lại Việt Nam, tôi có dịp đến thăm Ann. Trong tòa soạn báo The Nation, các phóng viên và biên tập viên kê bàn sát bên nhau. Trên mỗi bàn đều có computer. Họ tiết kiệm từng mét vuông chứ không lãng phí diện tích như bên ta. Ann không có phòng làm việc riêng, nên cô tiếp tôi trong phòng họp của ban biên tập. Cô giới thiệu cho tôi cách tổ chức tờ The Nation, từ các chủ bút đến các phóng viên và biên tập viên. Cô nói tờ báo chỉ có chừng mười phóng viên ở khắp nơi trên thế giới. Còn lại các nhân viên làm việc trực tiếp tại tòa soạn. Phần lớn các trang đăng tin của các hãng thông tấn nước ngoài, nên không cần một số lượng lớn phóng viên lãnh lương của tờ báo.

Tôi hỏi: “Ai quyết định cho đăng các tin tức, bài vở?”. “Tôi”, cô nói, “mỗi phóng viên đều có quyền quyết định bài báo của mình, bởi vì nếu họ không quyết định được bài vở thì họ chẳng được tuyển làm phóng viên”.

Ann nói cô đã làm việc được bốn năm và nay là biên tập viên phụ trách các vấn đề môi trường. Cô hỏi tôi: “Ở Việt Nam báo chí có viết nhiều về môi trường không?”. “Không, đó không phải là vấn đề quan trọng đối với chúng tôi so với việc cứu vãn nền kinh tế”.

Cô tỏ vẻ không đồng ý với tôi và cho rằng môi trường sẽ tác động lâu dài đến kinh tế: “Rồi các ông sẽ trả giá đắt nếu không chú ý dần đến điều đó. Tôi hy vọng sẽ đi Việt Nam để viết về môi trường bên đó đang bị tàn phá vì những mục tiêu kinh tế. Ví dụ nạn phá rừng chẳng hạn. Không chỉ ơ Việt Nam mà ở cả Lào và Campuchia nữa. Thái Lan là một bài học và bây giờ môi trường sinh thái của Thái Lan không thể cứu vãn được. Nhà báo là gì nếu họ không luôn luôn là tiếng còi báo nguy? Lúc đầu tôi chọn bài viết về môi trường, nhiều người cho là tôi hơi… điên. Họ không để ý, cũng như ông vậy, nhưng bây giờ thì khác… Tôi đang viết về môi trường của Seoul đây. Dân Nam Triều Tiên lúc nào đó sẽ không còn một giọt nước uống”.

Hàng lông mi dài của cô chớp chớp xúc động. Tôi hỏi: “Ở đại học cô học môn gì?”. “Triết học phương Tây và tiếng… Hoa”. “Chắc cô thường xuyên đi viết bài ở nước ngoài?”. “Mỗi năm từ một tiới hai lần”. Nghe câu trả lời này, nghĩ đến các đồng nghiệp ở trong nước, tôi… buồn năm phút.

Tôi hỏi thêm: “Việc đào tạo bổ xung các nhà báo trẻ của The Nation như thế nào?”. Ann mỉm cười có vẻ bí mật. Cô kéo tờ báo trên bàn và viết lên đó ba chữ: Swim or silk (hoặc là tự vươn lên hoặc là sẽ bị đào thải).

Cô nói: “Ông đừng trích của tôi nhé! Nhưng thật vậy, ở đây không ai dạy ai, mỗi người phải có cách của mình. Nghề báo, đó là một nghề tự do và sáng tạo, do đó, không có một ông thầy đúng nghĩa. Chúng tôi tự hoàn thiện mình hoặc sẽ bị loại bỏ không thương tiếc. Nghề báo, đó là một nghề mạnh mẽ và khắc nghiệt. Bởi vì mỗi người đọc anh là một người thầy dạy. Đã nhiều thầy dạy như vậy mà anh không giỏi, thì chỉ có nước bỏ nghề…”.

Ann còn rất trẻ, chừng 26, 27 tuổi (vì lịch sự tôi không dám hỏi thẳng tuổi cô, chỉ đoán chừng thôi) và cô còn đi xa hơn trong nghề làm báo. Cô hứa: “Tôi sẽ đến Việt Nam vì ở Hà Nội đã có văn phòng của The Nation rồi. Và chắc chắn sẽ điều tra về môi trường Việt Việt Nam. Sự tàn phá môi trường ở đó đã đến mức không thể im lặng…”.

Bangkok, tháng 6-1991.

Trần Ngọc Châu

Nguồn: Vị Đắng Những Chuyến Đi Xa - Trần Ngọc Châu – nxb Trẻ 2006 – trang 33-36.