Nghìn Lời Của Ảnh
. Đinh Tấn Lực
40 năm sau khi bị ám sát, vị học giả uyên bác/lỗi lạc của VN là Phạm Quỳnh vẫn không hề có được một mục riêng trên Từ điển Văn học VN (1984, 2 quyển, dày hơn 1200 trang). Chỗ độc nhất có ghi tên ông (trang 121-123), trong đoạn viết về nhóm Nam Phong, đã cực lực bôi đen Phạm Quỳnh là một tay “bồi bút, phản động”.
Còn trong Từ điển Nhân vật Lịch sử VN (1997) ghi rằng: “Ngày 23-8-1945, Phạm bị các lực lượng yêu nước bắt ở Huế, rồi sau đó bị xử bắn ở l.Hiền Sĩ, t.Thừa Thiên, hưởng dương 53 tuổi” (trang 758-759).
Rõ là Phạm Quỳnh đã phải chết nhiều lần, trên cả mặt đất và mặt giấy, bởi một lực lượng (độc quyền) yêu nước. Đủ để sợ chưa? Con ruột của ông còn sợ vãi, huống chi ai!
Mới hay: Khủng bố là một phương pháp/cách thức/kỹ thuật và lắm lúc được nâng lên hàng nghệ thuật kết nối bạo lực cùng tâm lý: “Sát nhất nhân – vạn nhân cụ”, giết một người khiến cho cả vạn người sợ hãi.
Một mặt, kẻ có quyền sử dụng bạo lực sẽ dễ dàng nhào nặn tổ quốc với đảng làm một, nhì nhằng độc lập với chủ nghĩa làm một… rồi tiếm công nhân dân, trở thành vua tập thể, nhập cục tứ quyền (lập pháp-hành pháp-tư pháp-thông tin) làm một, rồi nhơn nhơn nhân danh dân tộc để thu vén tài sản riêng tư và giơ cao cái dùi cui mệnh danh là cây gậy chỉ huy dẫn đường cho cả nước chạy …thụt lùi.
Mặt khác, nếu khéo léo, nghệ thuật ra đòn khủng bố đa chiều/nhiều phương vị để gọi là “ổn định chính trị”, từ bập bùng ngọn đuốc đấu tố giữa sân đình, tới lấp loáng ánh mã tấu nửa khuya giữa sân nhà, tới chiếc bao tải cột túm thả sông, tới chiếc hố nông chôn người tập thể, tới rừng thiêng nước độc các trại tù cải tạo, tới các vụ chèn xe cho lao đầu xuống vực, tới từng loạt giấy triệu tập/khám nhà, tới túi phân tươi tưới đẫm cửa ra vào, tới chiếc bao cao su đã qua sử dụng… thậm chí, từ những bản án viết tay ghim trước ngực (thời chiến), tới những bản án bỏ túi giữa tòa hay án chồng lên án (thời bình) này… sẽ đào tạo có hiệu quả ra nhiều thế hệ khiếp nhược nhởn nhơ gọi là “sống”, trên cái quá khứ cứ ngỡ là hào hùng một đận.
Người ta lấm lét sợ nhà nước như sợ nhà đòn. Thậm chí, sợ kẻ lạ, sợ hàng xóm, sợ người thân, sợ bè bạn… và ở tầng nấc rất đỗi riêng tư, sợ cả chữ mình viết/cả lời mình nói/cả điều mình nghĩ/cả việc mình làm…
Y hệt như ngư dân sợ quân khủng bố đâm tàu gãy hông chìm lĩm ngoài khơi mà tự động quyết định cho ghe lên ụ, giã từ nghề cá để trồng rau (còn chủ quyền trên biển thì đã có nước bọt của phát ngôn viên nhà nước chứng thực!).
Y hệt như thường dân ra đường sợ quân khủng bố huơ dùi cui đập gãy cổ, hay bị bắn thủng đùi xuyên xương chậu, hay phải đâm đầu chạy thẳng xuống đáy sông sâu… về cái khoản quên đội mũ bảo hiểm mà không biết làm luật tại chỗ.
Y hệt như nhà có tang sợ quân khủng bố cướp quan tài, hay sợ vãi đến mức tự thắt cổ lên thành cửa sổ phòng điều tra bằng dây …cột giày.
Rõ ràng, “nghệ thuật” khủng bố nhân dân đã hun đúc nên một hàng ngũ “nghệ sĩ” giàu sụ, nhờ đã xiển dương bộ Tư Trị Thông Giám của Tư Mã Quang, suy tôn quân quyền tuyệt đối lên ngôi.
Qua đó, “nghệ thuật” khủng bố nhân dân đã tự nâng cấp lên tầng đánh nhòe Sự Thật, thu tóm tài nguyên, bịt kín mọi ngả đường tố cáo, sau khi đã hệ thống hóa một dãy ban bệ tham nhũng và chống tham nhũng nhầy nhụa trên cùng chiếc giường “lưu manh và ô nhục”.
Hệ quả của “nghệ thuật” khủng bố nhân dân? Dưới lá cờ đỏ máu, nhân dân không đẻ ra nhà nước. Dân lành chỉ có thể đẻ ra dân oan, mọi thời, khắp chốn. Còn nhà nước lo tập trung công sức vào 2 chức năng chính: Cướp đất của dân và bán nước cho giặc.
Quá trình từ khiếu kiện tới kiện là một nỗ lực xẻ dọc những dãy núi đơn từ nhấp nhô dày đặc như chiếc xương sống cong oằn Trường Sơn của dân ta. Cũng chính là cái nền sinh hoạt Xã Hội Dân Sự đang mấp mé hình thành ở đây.
Cao điểm là vụ kiện thủ tướng ra quyết định 167/2007/QĐ/TTg ngày 1/11/2007 là vi phạm 4 luật: môi trường, quốc phòng, bảo vệ di sản văn hóa và luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Người kiện là TS luật Cù Huy Hà Vũ. Ông thực thi Quyền Lên Tiếng, bằng Lời Trí Thức, ở Thế Công Dân, trên Nền Dân Sự. Nên được đông đảo người ủng hộ.
Người bị kiện, thủ tướng CHXHCNVN, dứt khoát không trả lời. Chỉ triệt để trả thù:
- Bắt giam người đứng đơn kiện, bằng lý cớ và phương thức hạ cấp ở mức phải nhờ sự trợ lực của 2 bao cao su đã qua sử dụng.
- Đưa ra tòa, bằng vũ lực vây hãm khu vực tòa án với tổng lực an ninh dùi cui khiên chắn có thể huy động được ở thủ đô và vùng phụ cận.
- Phiên tòa cấp tốc chạy tang, dài 3 tiếng rưỡi, chỉ đủ để đọc cáo trạng và tuyên án, không trưng chứng cứ, không dám tranh tụng.
Người bị kiện, thủ tướng CHXHCNVN, cùng đồng bọn khủng bố “sát nhất nhân – vạn nhân cụ”, đã mong mỏi kết quả của chiêu thức dụ hàng từng được ứng dụng trước đây, và chờ đợi hình ảnh của một “bị cáo” đồng ý nhận tội/xin khoan hồng.
Hình ảnh duy nhất mà TTXVN cho đăng trên toàn bộ hệ thông tin chính quy là một trí thức hiên ngang đĩnh đạc, mặt ngẩng cao đi giữa một rừng công an mặt mày dáo dác âu lo, rồi dõng dạc gióng tiếng giữa tòa, thách thức cả một guồng máy bạo lực trùng điệp.
Phiên tòa đã bỗng chốc trở thành cuộc xét xử cả một hệ thống khủng bố nhân dân. Với sự chứng giám của hàng nghìn người tại chỗ cùng hàng triệu người trên mạng.
Bức ảnh để đời này nhắc nhớ đến một tích xưa, từ những năm cuối thế kỷ 19:
Tán lý Quân vụ Phan Đình Phùng, một tiền bối đồng hương Hà Tĩnh với TS Cù Huy Hà Vũ, vị thủ lãnh cuộc khởi nghĩa Cần Vương quy mô nhất ở Hương Khê, đã từng phúc đáp lời dụ hàng của Hoàng Cao Khải như sau:
“Tôi đã quyết làm cái công việc của vua (Hàm Nghi) ủy thác, dân trông mong tới cùng, thì dầu cho sấm sét búa rìu, quyết cũng không lay chuyển và thay đổi chí hướng được”.
Công việc của TS Cù Huy Hà Vũ hôm nay, ngoài lương tâm của một công dân nặng lòng với nước, quả thật không do ai ủy thác, nhưng rõ ràng là được nhân dân trông mong tới cùng.
Cũng rõ ràng là ý chí đó không hề thay đổi, cho dù sấm sét/búa rìu thẳng tay giáng xuống cuộc sống của ông và gia đình ông.
Sát nhất nhân – vạn nhân cụ?
Người bị “giết” không sợ.
Vậy thì, nhìn lại bức ảnh, có cần phải hỏi, bấy giờ, nỗi sợ lọt thỏm vào đầu ai?
08-4-2011.
Blogger Đinh Tấn Lực