Nhanh Như Chớp



Nhanh Như Chớp

. Đinh Tấn Lực

Cuộc biểu tình đầu tháng 8 tại Hà Nội xuất hiện một biểu ngữ mới lạ chưa từng thấy ở VN ta.

Đó là bản phóng lớn một bài báo in trên tờ Thanh Niên ngày 3/8/2011, với hàng tít cực kỳ bắt mắt: “Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh: Không chủ trương trấn áp người biểu tình yêu nước”.

Tính theo vị trí, tấm biểu ngữ đó góp mặt ở hàng đầu của đoàn biểu tình, được lắm người xiển dương như là cái thay thế các bức ảnh lộng kiếng trong những cuộc mít-tinh hoành tráng trước đây.

Về mặt hình thức, một bài báo phóng lớn nhấp nhô di động giữa đường phố quả là loại biểu ngữ khác thường/khêu gợi/lạ lẫm/sáng tạo nhất xưa giờ ở đây, và có thể là ở nhiều nơi khác nữa.

Xét về nội dung, nó là một khẳng định chắc nịch “3 trong 1”:

  • Một là sự xác quyết trên hệ truyền thông đại chúng, rằng, đây, đích thực là các cuộc biểu tình chứ chẳng phải “một số ít người tự phát tụ tập” như hàng trăm tờ báo đồng loạt giáo dục/cải tạo dư luận mấy tuần trước;
  • Hai là sự xác quyết bằng văn bản chính quy rằng các cuộc biểu tình (ôn hòa và trọng thị) này bắt nguồn từ động cơ trong sáng nhất (từ khi loài người được xã hội hóa) là lòng yêu nước;
  • Ba là, sự xác quyết của kẻ nắm giữ vai trò “chức trách” hàng đầu của thủ đô mở rộng (như một lời tuyên hứa long trọng) là không chủ trương trấn áp đối tượng của 2 xác quyết chắc bắp nói trên.

Còn, duyệt lại các thứ toàn tập, phải thừa nhận rằng khó tìm đâu ra một khẳng định “3 trong 1” ngắn gọn và tràn đầy ý nghĩa (giải trình/vỗ về/trấn an/tuyên truyền/định hướng tư duy hiệu nghiệm) như cụm từ vỏn vẹn 10 chữ mà báo Thanh Niên giật tít.

Nguyễn Đức Nhanh, qua cuộc họp báo “lịch sử” ngày 2/8/11, cũng đã bất ngờ giật giải quán quân xạ thủ “nhất tiễn xuyên sát tam tứ điêu”, một mũi tên bắn xỏ xâu 3-4 chim cùng lúc.

Vì sao?

Trước tiên, tay tướng CA nhà ta đã chớp thời cơ để dí dùi cui vào (giữa mặt) TTXVN và vào (giữa mồm) người phát ngôn bộ ngoại giao, về lời tuyên bố (tuy cà lăm song không kém phần lí nhí để trấn an bạn vàng của họ) rằng những tiếng hô đả đảo quân xâm lược vang dội đường phố kia không phải là âm thanh của những cuộc biểu tình chống hiểm họa ngoại xâm. Ngay cả khi những tuyên bố đó được trang trọng đăng lại trên báo CA là cơ quan ngôn luận của bộ phận/ngành nghề mà hắn đang phục vụ.

Kế tiếp, hắn lại chớp cơ hội ngáng chân chính phủ, dí giày chà đạp/vô hiệu hóa Nghị định 38/2005/NĐ-CP (về hoạt động tập trung đông người) từng được phát liên tu bằng loa phóng thanh công suất cao nhằm giải tỏa các cuộc biểu tình gần đây ở Hà Nội.

Điều đó, cách hô biến quan điểm riêng thành chủ trương chung, ở một chừng mực nhất định, cũng được đánh giá là một cách chớp lấy dịp bày tỏ thái độ khinh thường có trọng lượng, thậm chí là ngồi xổm lên cái chính phủ của tay thủ tướng phế binh thiếu năng lực nhưng thừa gian tham từng có nhiều tì vết đen tối (cả trong lẫn ngoài đảng, cả trong lẫn ngoài nước) nên chưa từng dám kỷ luật một ai. Mà quả thật, chẳng ai ở đây chịu nổi cái ngữ y tướng thủ tá, nói chi thứ y tá thủ tướng đó.

Tay tướng công an có được cái biệt danh “Nhanh Như Chớp” là nhờ phương cách chộp giựt mớ thực tế sâu sát/bén nhạy đó chăng?

Mặt khác, phong cách lật đật “giải độc” nhằm mát-sa dư luận về hành động mất dạy của thuộc cấp (đạp mặt người biểu tình) này cũng có thể đánh giá là một chiêu gian xảo đề huề, chỉ tiếc là thừa gian, thiếu xảo:

  • Miệng bảo là tên đại úy Minh không hề đạp, nhưng tay lại ký lệnh ngưng công tác đương sự, mà không hề chạm tới thượng tá Canh là đứa ra chỉ thị cho nó.
  • Chẳng phải đây là lần đầu CA bạo hành với dân, song, có kịch mấy hay láo mấy cũng cần phải lên tiếng, vì hình ảnh âm thanh vụ này đã tràn ngập thế giới mạng.
  • Vu chụp ngay lời bình “lắp ráp ảnh” để bịp người tay ngang, chứ còn đội quân ma mảnh của Vũ Hải Triều mà còn bó tay thì lấy gì để Nhanh ta giải thích?
  • Nhanh ta không kịp ngăn gia nô thuộc hạ đừng nhanh nhẩu đưa nạn nhân đi khám nghiệm, và cũng không bịt nổi blog riêng của nạn nhân, vốn là một Fan của XHCN; vậy mà hắn cứ tưởng chiêu thức nói lấy được vẫn còn xài tốt thời a-còng.

Ngần ấy thứ bao che cú “âu yếm bằng đế giày/vỗ về bằng gót chân”, đặc biệt là cách dứt điểm thuộc hạ không nháy mắt, mà có người vẫn còn nghi ngờ cái kết luận lật lọng “Nhanh Như Chớp” đó sao?

Có cần phải dẫn thêm một vài phản ứng bén nhạy/nhanh nhẩu khác:

  • Những người yêu nước biểu tình bị vất lên xe buýt chở về đồn CA, chẳng cần giải thích gì sất, lại đều phải viết tờ khai, như những tội phạm bị bắt quả tang, bị mắng nhiếc, bị dọa nạt, và sau đó, bị lùa ra cổng để tự tìm đường về nhà.
  • Những sinh viên yêu nước biểu tình cũng chẳng được giải thích điều gì, ngoại trừ việc cấm thi, miễn tốt nghiệp, hay nhận giấy đuổi học.
  • Cô Bùi Minh Hằng, người phụ nữ “quản ca” suốt các chủ nhật, từ khi có bài báo tướng Nhanh họp báo, đã liên tục nhận đầy ổ cứng điện thoại những lời nhắn vô học và vô hậu không thua gì đám lãnh đạo hèn hạ.
  • Cô Trịnh Kim Tiến, hoa khôi biểu tình, đã bị quấy rầy và áp lực đến bật khóc, như một loại phạm nhân, hàng giờ, mỗi ngày, bởi công an khu vực, đối với thân nhân, gia đình, hàng xóm… thậm chí cả ông cụ trông chừng xe cạnh nhà.
  • Bé Oanh, học sinh lớp 8 xuống đường với chiếc khăng quàng đỏ trên cổ áo, đã chịu đựng áp suất mỉa mai từ thân nhân, như một thiếu nhi phạm tội “yêu nước biểu tình”, theo kiểu lên án của an ninh.
  • Chín thanh niên sinh viên ở Vinh, một số đã từng tham dự biểu tình yêu nước ở Hà Nội, đều bị bắt cóc ở nhiều nơi khác nhau và cho tới nay chưa biết bị tạm giữ tạm giam ở đâu…

Tất cả những phản ứng “hậu họp báo” (cực kỳ đáng tởm đó) chưa đủ để vinh danh cái thói lừa đảo “Nhanh Như Chớp” của đương sự hay sao?

Chưa đủ để đám CA thuộc hạ liếc chừng nhau, chẳng biết khi nào tới phiên mình lên dàn hỏa làm dê tế thần cho lũ thượng cấp vô loài đó sao?

Nếu không thì đã chẳng có thơ rằng:

Khá khen cho Nguyễn Đức Nhanh

Hà Nội văn hiến biến thành nhà giam

Công an một lũ gian tham

Tội phạm không chống, chỉ làm hại dân

Nhưng mà, hỏi thiệt, “Nhanh” thì biết rồi, còn “Chớp” là gì?

Theo từ điển mở, từ “chớp” có 3 nghĩa:

  1. Ánh sáng xuất hiện và biến đi rất nhanh khi có hiện tượng phóng điện trong khí quyển;
  2. Ánh sáng lóe lên rồi vụt tắt ngay;
  3. Thân cây có vết nứt sắp gãy (“cây chớp đừng leo”).

Lắm người tin rằng vụ chớp này ứng vào nghĩa thứ ba.

Song, ai cũng đồng ý với tự điển mở: “nhanh như chớp” là một tục ngữ.

Bởi vì, nó tục thiệt.

13/8/2011. Nhân ngày hội thảo Meiji “làm mẹ an toàn”

Blogger Đinh Tấn Lực