Bốn bề ráp ranh những đâu sách đã chép rõ...

Tinh Thần Độc Lập Dân Tộc

Của Anh Hùng

Quang Trung Nguyễn Huệ

. Trần Thanh Hằng

Chiến thắng Đống Đa đã xảy ra cách đây đúng hai trăm hai mươi năm. Trong một chiến dịch kéo dài 5 tuần lễ kết thúc bằng 5 ngày tổng phản công, quân dân Việt Nam đã quét sạch gần ba trăm ngàn quân binh Mãn Thanh ra khỏi bờ cõi, giải phóng dân tộc, giành lại chủ quyền và sự độc lập cho đất nước. Chiến thắng Đống Đa là một chiến công ghi dấu tinh thần yêu nước, yêu nòi giống của người Việt Nam. Chiến thắng Đống Đa cũng là kết quả của quyết tâm bảo vệ tổ quốc do một vị anh hùng dân tộc phát huy thành sức mạnh sấm sét. Bậc đại anh hùng đã lãnh đạo cuộc kháng chiến đuổi quân Thanh đến thành công và đã thống nhất đất nước sau hai trăm năm Trịnh Nguyễn phân tranh là một người nổi bật trong thời đại Lê mạt, vì một tinh thần hầu như đã bị các vua chúa lãng quên, đó là tinh thần độc lập dân tộc.

Quang Trung Hoàng Đế là người có tinh thần độc lập, và được dân tộc kính cẩn ghi ơn vì tinh thần này.

Trong bối cảnh tao loạn thời Lê mạt, dân tộc ta bị lãnh đạo bởi vua hôn ám nhu nhược, chúa lộng quyền tàn ác, bởi tầng lớp sĩ phu, Bắc Hà và Nam Hà, đóng khung tư tưởng trong cái học Trình Chu, lấy lễ nghĩa Trung Quốc làm "tiêu chuẩn văn minh", coi thứ dân như mán mọi. Tầng lớp lãnh đạo ấy đem Thánh hiền Trung Quốc ra che đậy và biện minh cho thái độ thủ thân. Có chút hiểu biết thì cũng chỉ loanh quanh với những phỏng đoán chiều gió quyền lực ở Phú Xuân hay Thăng Long. Còn việc an dân định quốc, việc trù liệu cho họa ngoại xâm gần kề thì hình như không phải là mối quan tâm của họ, nói chi đến việc khơi động lại niềm tự hào dân tộc, niềm hãnh diện là người Việt Nam. Việc bảo tồn bản sắc Việt càng là chuyện xa vời viển vông nữa.

Có nhớ lại hoàn cảnh xã hội nước ta như vậy, vào hai thế kỷ trước, với những phân hóa sâu đậm ở mọi lãnh vực và với ảnh hưởng mê muội của cái học Tống Nho trong tầng lớp trí thức lãnh đạo quốc gia ta mới thấy tính chất cách mạng trong ý thức dân tộc và ý chí xây dựng lại tinh thần dân tộc của người anh hùng Nguyễn Huệ. Chữ "cách mạng" là chữ bậc anh hùng này sử dụng khi nói thẳng với quần chúng, vượt ra ngoài cái khuôn nô dịch của tầng lớp lãnh đạo đương thời. Xuyên qua những ý nguyện và hành động của Ngài, ta thấy là tinh thần dân tộc của Ngài được thể hiện qua hai hoài bão lớn lao: Ngài không chỉ quan tâm tới việc bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ mà còn có ý chí thống nhất ý thức dân tộc trong bản sắc Việt Nam. Trong thời gian ngắn ngủi từ lúc dựng nghiệp cho đến khi thống lãnh sơn hà, Vua Quang Trung đã làm đủ mọi cách thực hiện cho được hai hoài bão này.

Nhớ lại công đức của Ngài, ta hãy so sánh tinh thần độc lập dân tộc trong triều đại của Ngài với tinh thần của hai triều đại trước và sau đó: Thời Lê mạt của Lê Chiêu Thống và thời Tân Nguyễn của Gia Long Nguyễn Ánh.

*

Trước khi vua Quang Trung thống nhất đất nước là thời kỳ Lê mạt: Vua Lê đã mất hết thực quyền từ hai trăm năm. Miền Bắc Hà do các chúa Trịnh nối giòng cai trị, thành một loại lãnh chúa tập trung mọi quyền hành quốc gia. Vua chỉ còn có cái tiếng, một loại bình phong để nhà Trịnh núp đằng sau, biện minh cho sự tiếm quyền của mình bằng danh nghĩa "phò Lê". Thời đó, vua Lê vẫn phải nhận sắc phong của triều đình Trung quốc và có lệ triều cống hàng năm. Việc cầu phong và triều cống được coi là một biện pháp ngoại giao mềm dẻo của triều đình ta để được yên nước yên dân, tránh họa chiến tranh từ phương Bắc, ngay cả sau khi đã lật đổ được ách đô hộ của Minh triều trên đất nước. Tiếng là được sắc phong, nhưng thực tế là kẻ chiến thắng, các vua Việt Nam đời trước không coi mình là một thứ vua "phong" mà luôn luôn hành xử như một quốc trưởng có chủ quyền trên một lãnh thổ độc lập.

Nhưng đến đời Lê Mạt, thì ý chí độc lập đó không còn nữa. Thậm chí, khi quyền lực bị đe dọa, Lê Chiêu Thống đã tìm đủ mọi cách để trở lại ngai vàng, kể cả với cái giá bán nước. Lòng hướng về "Đại Thanh" như nguồn gốc quyền lực, Lê Chiêu Thống khóc lóc cầu cứu Tôn Sĩ Nghị giúp đỡ và ngụy trang thực tế bằng lời tâu dối trá:"..Quốc thành bị giặc (Tây Sơn) đánh phá, quân giặc cướp bóc tàn bạo không thể kêu xin với ai. Cho nên ai cũng căm thù thề không cùng sống với chúng, lắm người trốn trong núi, kết thành đồ đảng chỉ vì chưa có người chủ trương cho nên vẫn linh đinh. Nếu có Thiên binh sang cứu, các xứ đồng thời nổi lên thì chắc có thể lấy lại được quốc thành...". Mới thấy đầu óc của Chiêu Thống vừa thu gọn vấn đề trong quyền lợi của mình, vừa không nhớ đến công lao cứu nước của tổ tiên là Lê Lợi khi bị một Trần Thiêm Bình khóc lóc xin Minh triều cấp cứu.

Sách kể khi còn lẩn khuất ở Kinh Bắc và được tin báo từ bên Thanh về là đèn xanh vừa bật -Thanh Đế đã chuẩn lời "xin" và sẽ cho quân sang "cứu"-, thì Lê Chiêu Thống "rất mừng rỡ, chắp tay lên trán mà nói: Kẻ tiểu tử này gặp nhà nhiều nạn, đức Đại Hoàng Đế đoái thương nước nhỏ, trong nước lại được thấy bóng thiên nhật (ý chỉ Hoàng Đế Mãn Thanh), cái cớ trung hưng chắc ở lúc này"(!).

"Mừng rỡ" như vậy nên khi theo Tôn Sĩ Nghị về lại Thăng Long rồi, Lê Chiêu Thống đã tự bỏ hiệu Cảnh Hưng để dùng niên hiệu Càn Long trong các công văn. Tự coi như đã là nô bộc nhà Thanh và coi đất nước của tổ tiên để lại như quận huyện của Mãn triều!

Trái ngược với sự ươn hèn, tăm tối và vọng ngoại của Chiêu Thống là khí phách và sự hãnh diện dân tộc của vua Quang Trung.

"...Trong vòm trời đã chia sao Dực Chẩn, Nam Bắc vẫn riêng một non sông. Người phương Bắc không phải nòi giống ta thì tất khác dạ. Từ nhà Hán về sau, chúng cướp đất đai ta, cá thịt nhân dân, vơ vét của cải. Nông nỗi ấy, quốc dân ai cũng phải nghĩ để đánh đuổi đi...".

Cái chí của vị vua anh hùng này quả có khác với mộng "chiếm lại quốc thành" của Lê Chiêu Thống. Nhưng, qua chí hướng đó vua Quang Trung còn xác định rõ ràng tinh thần dân tộc: Việt Nam là nước của dân tộc Việt Nam, chứ không phải là là một loại "nước nhỏ được đức Đại Hoàng Đế đoái thương" như Chiêu Thống tự nhủ.

Vua Quang Trung cũng đã phát triển ý thức dân tộc một cách trọn vẹn khi huy động dân quân ra Bắc khu trừ giặc nước và bọn tòng vong Chiêu Thống. Ngài xác định chính nghĩa nằm ở lòng dân, không nằm ở chế độ, và càng không nằm nơi những giá trị do chế độ tạo ra để bảo vệ quyền lực của nó.

Phúc An Khang, đệ nhất dũng sĩ Mãn Thanh, thượng tướng của Càn Long đã vì sợ tấm gương của tiền nhiệm Tôn Sĩ Nghị, mà phát huy sáng kiến mọi kiểu để giữ hòa khí với nước ta. Đến độ dối cả hoàng đế của mình để khỏi làm mất lòng vua Quang Trung. Những việc đòi bãi bỏ lệ cống người vàng, hay khéo léo bắt nhà Thanh phải cung ứng ngựa tốt, sâm quý..., đều phản ảnh sự khôn ngoan trong đối xử mà vẫn tỏ lộ sức mạnh dân tộc của triều đại Quang Trung. Sử chép rằng khi được Càn Long mời sang Bắc Kinh, vua Quang Trung nhất định không đi. Phúc An Khang phải "dung hoà" bằng cách chịu mưu của ta là cho một nhân vật khác giả làm vua Quang Trung sang thăm Càn Long. Phái đoàn Việt Nam đã được triều Thanh cung phụng như chưa từng thấy.

*

Trong khi đó thì ở phía Nam, một người khác cũng nuôi mộng trở lại vị thế quyền uy của giòng họ là Nguyễn Ánh, tức vua Gia Long sau này. Từ thời Huệ Vương trở đi, họ Nguyễn trong Nam cũng đã mục nát không kém triều đình của vua chúa Bắc Hà. Bị nhà Trịnh chiếm Phú Xuân, bị nhà Tây Sơn đuổi khỏi Gia Định, nhà Nguyễn chưa chịu dứt nghiệp: Nguyễn Ánh tìm đủ mọi cách duy trì quyền lực cho giòng họ và cản trở công nghiệp thống nhất đất nước của nhà Tây Sơn. Lòng dân không phục nên triều Cựu Nguyễn đã bị mất Phú Xuân, Thuận Hoá, Quảng Nam, Quảng Ngãi, và Nguyễn Ánh bị năm lần thất bại mỗi khi Nguyễn Huệ đưa quân vào Gia Định. Là người trì chí, Nguyễn Ánh tìm đến cả hậu thuẫn của ngoại bang. Đây cũng là một đặc điểm của ông chúa này: Quyền lợi của dân tộc, ông coi nhẹ hơn cái ngai chúa của ông rất nhiều. Không địch nổi Nguyễn Huệ, ông đi cầu viện hết Chân Lạp đến Xiêm La, đem cả quân ngoại quốc về đánh phá nước ta, làm dân ta khổ. Trận Rạch Gầm Xoài Mút năm 1785 là trận phá ngoại xâm đầu tiên của anh hùng Nguyễn Huệ. Dưới sự hướng đạo của Nguyễn Ánh, vua Xiêm La cho 50,000 quân sang đánh Nam Hà. Đạo quân Xiêm tàn ngược này cùng quân Nguyễn Ánh bị quân ta phục binh đánh cho tan tành, gây rúng động đến tận Vọng Các, chấm dứt vĩnh viễn mọi ý đồ xâm lăng Việt Nam của vua Xiêm. Năm 1789, khi Lê Chiêu Thống đưa quân Thanh về chiếm nước, Nguyễn Ánh cũng đã gởi lương thực tiếp vận Mãn Thanh (chỉ vì ông ta nghĩ kẻ thù của Mãn Thanh cướp nước là vua Quang Trung Nguyễn Huệ mà không nghĩ kẻ thù của Quang Trung là quân Mãn Thanh cướp nước!) Cũng còn may cho đất nước là thuyền lương "hữu nghị" của Nguyễn Ánh bị bão đánh đắm.

Chiến thắng Đống Đa không chỉ chấm dứt ước mơ quyền hành của Chiêu Thống, ông vua bất tài bất mục đã mếu khóc khi Nguyễn Huệ rút quân khỏi Bắc Hà vì "hắn để lại cái nước rỗng cho ta, bây giờ biết làm gì". Chiến thắng này còn kết thúc cả ước mơ đánh "hợp đồng" giữa Càn Long nhà Thanh với Nguyễn Ánh ở Đàng Trong, nhằm xiết chặt lực lượng Quang Trung trong gọng kìm thủy bộ ở cả hai mặt Bắc Nam.

Cầu viện "cấp vùng" không thành, Nguyễn Ánh nhìn xa hơn, xoay sang Tây Dương, qua trung gian các giáo sĩ để cầu viện nước Pháp. Trong chuyến vận động của Giám Mục Bá Đa Lộc với triều đình Louis 16 này, Nguyễn Ánh đã định tâm bán đứng một phần lãnh thổ và hy sinh quyền lợi quốc gia lâu dài cho người Pháp để đổi lấy sự trợ giúp vũ khí và kỹ thuật quân sự của họ. Sách chép rằng, Bá Đa Lộc được sự ủy nhiệm của Nguyễn Ánh để thương thuyết với Pháp đã cam kết cùng triều đình Louis 16 như sau:

"...Vua An Nam (tức Nguyễn Ánh) bằng lòng nhường cho vua Lang Sa, và sẽ cho kẻ tức vị nối quờn, đặng trị lấy cửa Hàn (Đà nẵng) cùng cả địa phận cửa ấy và những đảo áp cửa Phố và Ải Vân; Cho nên từ ấy về sau cho đến đời đời các đất ấy đều thuộc về nước Lang Sa..." (Điều 4 của Tờ Giao Ước - Sử Ký Đại Nam Việt Quốc Triều)

"...Hoặc sau này, nếu vua Lang sa có phải đánh giặc nước nào bên Phương Đông, thì vua An Nam (Nguyễn Ánh) phải cho quan sứ Lang sa được thâu 14,000 binh An Nam đặng cho đi giúp... (Điều 8 Tờ Giao Ước).

Nhượng đất nước của ông cha để lại cho ngoại bang khai thác, lại hứa sẽ cho dân đi làm "nghĩa vụ quốc tế", là Nguyễn Ánh. Lợi dụng giáo sĩ ngoại quốc làm việc cho mình, rồi sau lại cấm đạo, gây chia rẽ trong dân tộc cũng là ông vua này. Tinh thần bao dung dân tộc đã không có, tinh thần độc lập dân tộc cũng bị Nguyễn Ánh hy sinh cho tham vọng quyền lực của mình.

Chiếm được ngôi vua rồi, bản chất vọng ngoại của Nguyễn Gia Long cũng đã thể hiện qua việc rập khuôn theo văn hóa Trung Quốc: Từ việc xây dựng kinh thành rập khuôn Bắc kinh của Mãn Thanh cho đến việc du nhập lại cái học từ chương Tống Nho: Cũng chỉ vì văn hoá này có lợi cho việc gìn giữ quyền uy của nhà Nguyễn. Điều này giải thích tại sao trong khi Nguyễn Ánh là người có nhiều dịp tiếp xúc với các nền văn minh khác trước nhất, trong giai đoạn mà cuộc cách mạng kỹ nghệ Tây Phương đang chuyển mình đưa các quốc gia lên hàng tiến bộ, thì triều đại nhà Nguyễn lại từ khước mở mang, lại "bế quan toả cảng", để đến nỗi chỉ 80 năm sau chiến thắng Đống Đa của vua Quang Trung, đất nước bị lâm vào cảnh ngoại thuộc dưới thời Tự Đức. Dân trí bị bưng bít trong sự tối tăm, dân khí bị lãnh đạo làm cho nhu nhược, và quốc gia không theo kịp trào lưu thế giới, đó kết quả của biết bao xương máu đổ ra cho việc tranh hùng thời nội chiến

*

So sánh với tinh thần vọng ngoại (vào nhà Thanh) của Gia Long, ta đã thấy vua Quang Trung hành xử ra sao?
"...Tôi nay ra đánh cho nó (quân nhà Thanh) chết. Dẹp giặc xong rồi thì xin rước thầy (Nguyễn Thiếp) ra dạy học. Tôi muốn khí dụng gì cũng chẳng mua của nước Tàu..."
Trên đây là lời vua Quang Trung nói cùng La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp khi dừng quân ở Nghệ An trên đường ra Bắc đánh quân Thanh.

Ý thức độc lập dân tộc của vua Quang Trung không dừng ở chỗ bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ, mà còn ở niềm hãnh diện về bản sắc Việt và khả năng của dân tộc mình.

Khi đã đuổi được quân Mãn Thanh và Lê Chiêu Thống khỏi bờ cõi, vua Quang Trung đã áp dụng một chính sách ngoại giao vừa nhu hòa, vừa biểu lộ được sức mạnh và tinh thần dân tộc với nhà Mãn Thanh. Tránh được cho đất nước nạn đao binh mà vẫn không nhượng bộ cho ngoại bang bất cứ điều gì có hại cho quyền lợi đất nước.

Đối với vua Quang Trung, lãnh thổ cha ông đã đổ máu gìn giữ cho đời sau là những gì linh thiêng, không thể để ngoại bang xâm chiếm. Sau khi đã ổn định trong nước, Ngài đã chuẩn bị đòi Mãn Thanh trả lại 6 Châu vùng Hưng Hóa Tuyên Quang mà nhà Hậu Lê và nhà Mạc đã dâng cho Trung Quốc sát nhập vào lãnh thổ Lưỡng Quảng:

"...Chỉ vì phần đất cõi Nam đứng làm phên dậu, bốn bề ráp ranh những đâu sách đã chép rõ..." (Thư vua Quang Trung gởi Càn Long đòi đất).

Bình định được trong nước rồi, Ngài còn lập chí muốn "đòi" Càn Long hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Tiếc rằng việc chưa thành thì Ngài đã mệnh chung. Và di sản tinh thần dân tộc đó, nhà Nguyễn đã không giữ gìn phát huy, mà còn làm băng hoại gây nên những hậu quả cho đất nước đến ngày nay.