Vua Quang Trung
Đại Phá Quân Thanh
(Việt Sử Bằng Tranh – Bùi Văn Bảo)
1. Nước Việt Nam bị chia đôi từ giữa thế kỷ thứ 16. Chúa Trịnh với vua Lê ở đàng ngoài, chúa Nguyễn ở đàng trong. Họ đánh nhau liên miên khiến dân chúng rất khổ sở. Ở ngoài Bắc, Kiêu binh làm loạn, giết hại các quan trong triều. Ở miền Nam, Trương Phúc Loan chuyên quyền, hà hiếp, bóc lột dân chúng.
2. Lúc ấy, ở ấp Tây Sơn có ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ nổi lên chống lại chúa Nguyễn. Trong ba người này, Nguyễn Huệ là người khỏe mạnh và thông minh hơn cả. Thuở nhỏ, Nguyễn Huệ theo học thầy giáo Hiến. Nguyễn Huệ học rất chăm chỉ nên giỏi cả về văn lẫn về võ.
3. Năm 1770, có viên quan tới thu thóc tại ấp Tây Sơn. Y cho lính đánh đập và cùm chân những người thiếu thóc ở ngoài trời nắng. Thấy thế, Nguyễn Huệ xông vào đánh chết viên quan tàn ác kia, rồi hô hào dân chúng nổi lên, chống lại quyền thần gian ác là Trương Phúc Loan.
4. Ngay chiều hôm đó, dân ở trong ấp đều một lòng xin theo Nguyễn Huệ. Rồi người Thượng, người Kinh ở quanh vùng đất Tây Sơn nghe tin, cũng kéo về theo rất đông. Đêm đêm, Nguyễn Nhạc cho đốt đuốc, lửa cháy sáng rực trời để cùng mọi người luyện tập võ nghệ và rèn đúc binh khí cần dùng.
5. Được tin này, tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên ở thành Qui Nhơn liền treo giải thưởng thật lớn cho người nào bắt được anh em Tây Sơn. Nhân dịp đó, Nguyễn Nhạc tự trói mình, rồi ngồi vào cũi, cho người thân tín khiêng đi nộp để lấy thưởng. Khắc Tuyên đứng ở trên thành, nhìn xuống, thấy đúng là Nguyễn Nhạc, liền cho khiêng cũi vào thành, giam lại.
6. Đến đêm, Nguyễn Nhạc phá cũi nhảy ra, cùng bọn thân tín giết lính canh, mở toang cửa thành. Quân Tây Sơn ở ngoài ùa vào. Lửa cháy rực trời. Tuần Phủ Nguyễn Khắc Tuyên chạy trốn. Quân lính của chúa Nguyễn đầu hàng. Toàn bộ thành Qui Nhơn, Kiều Dương, Đạm Thủy đều thuộc nhà Tây Sơn.
7. Cuối năm 1773, quân chúa Nguyễn lại bị thua to. Thế lực nhà Tây Sơn được mở rộng từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận. Thừa dịp này, quân chúa Trịnh ở ngoài miền Bắc liền vào đánh chiếm Thuận Hóa. Để rảnh tay tiêu diệt chúa Nguyễn ở phía Nam, Nguyễn Huệ bàn với anh là hãy xin hòa với chúa Trịnh. Chúa Trịnh liền sai Nguyễn Hữu Chỉnh đem ấn kiếm vào phong cho Nguyễn Nhạc làm trấn thủ Quảng Nam.
8. Năm 1777, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ tiến đánh Gia Định, giết được chú cháu chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Thuần và Nguyễn Phúc Dương. Riêng Nguyễn Phúc Ánh chạy thoát. Năm 1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi vua, hiệu là Thái Đức, đóng đô ở Đồ Bàn. Vua Thái Đức phong cho Nguyễn Lữ làm Tiết Chế, Nguyễn Huệ làm Long Nhương Tướng Quân.
9. Nhờ giám mục Bá Đa Lộc (Évêque d’Adran) cứu giúp, Nguyễn Phúc Ánh thoát chết. Năm 1780, Nguyễn Phúc Ánh xưng vương ở Gia Định. Nguyễn Huệ lại đem thủy quân vào cửa Cần Giờ đánh tan quân Nguyễn Phúc Ánh vào năm 1782. Trong trận này, có người Pháp là Manuel bị chết cháy trên chiếc tàu bọc sắt…
10. Nguyễn Phúc Ánh cho Châu Văn Tiếp sang Xiêm La (tức Thái Lan ngày nay) cầu cứu. Vua Xiêm cho hai tướng là Chiêu Tăng và Chiêu Sương đem hai vạn quân cùng 300 chiến thuyền sang chiếm Rạch Giá, Trà Ôn, Sa Đéc. Đi đến đâu, quân Xiêm cũng giết người, cướp của đến đó, và làm nhiều điều rất tàn ác.
11. Nguyễn Huệ lại vào Gia Định, nhử cho quân Xiêm đến gần vùng Rạch Gầm và Soài Mút (Mỹ Tho) rồi mới quay lại đánh thật mạnh. Ba trăm chiến thuyền của quân Xiêm bốc cháy, tan vỡ, chìm đắm ngổn ngang. Hai vạn lính Xiêm chỉ còn hơn một ngàn người, cùng chủ tướng cắm đầu chạy trốn, không dám quay lại nữa.
12. Việc Gia Định tạm yên, Nguyễn Huệ được lính do thám về báo cho biết tình hình miền Bắc rất là rối loạn. Ở Thăng Long vua Lê vẫn chỉ là bù nhìn, còn chúa Trịnh và các quyền thần luôn luôn làm nhiều điều tàn ác, mất lòng dân. Bọn Kiêu Binh thì chia nhau đi phá nhà, giết người, hết phế Trịnh Cán lại lập Trịnh Tông lên ngôi chúa.
13. Nguyễn Hữu Chỉnh liền trốn vào Nam xin theo Nguyễn Nhạc. Chỉnh dâng kế là nhân lúc miền Bắc đang rối loạn, nên đánh lấy thành Phú Xuân và vùng Thuận Hóa. Năm 1786, Long Nhương Tướng Quân Nguyễn Huệ cùng Võ Văn Nhậm, Nguyễn Hữu Chỉnh đem quân đánh chiếm Thuận Hóa một cách dễ dàng.
14. Nhân lúc gió nồm thổi mạnh, Nguyễn Huệ vượt sông Gianh tiến ra Bắc. Dân chúng ở các nơi thường bị quân lính chúa Trịnh áp bức bóc lột từ lâu, nay cùng nổi dậy, theo đoàn quân của Nguyễn Huệ. Họ xin gia nhập làm lính hoặc cung cấp lương thực và thông báo tin tức ngoài Bắc cho Long Nhương Tướng Quân được biết.
15. Dẹp tan quân Trịnh Khải ở ngoài Bắc rồi, Nguyễn Huệ kéo đại quân vào thành Thăng Long. Ông ra lệnh cho binh lính phải rất nghiêm chỉnh và giúp đỡ dân chúng rồi định ngày xin vào yết kiến vua Lê. Nguyễn Huệ tâu với vua Lê rằng lần này ra Bắc Hà là cốt để phù Lê, và diệt Trịnh chứ không có ý gì khác… Vua Lê nghe nói, tỏ vẻ mừng rỡ, cám ơn Nguyễn Huệ.
16. Vua Lê Hiển Tông cho gọi các hoàng tôn và công chúa ra chào khách quý. Rồi vua xuống chiếu, gả công chúa Ngọc Hân cho anh hùng Nguyễn Huệ. Lễ cưới được tổ chức rất trọng thể. Sau khi vua Hiển Tông mất, hoàng tôn Lê Duy Kỳ lên nối ngôi, hiệu là Lê Chiêu Thống.
17. Tình hình miền Bắc tạm yên, khi Nguyễn Huệ kéo quân trở về thì được Trung Ương Hoàng Đế Nguyễn Nhạc phong cho làm Bắc Bình Vương trấn giữ đất Thuận Hóa. Sau đó Bắc Bình Vương còn phải ra Bắc để trừ Nguyễn Hữu Chỉnh và Võ Văn Nhậm. Hai người này đã lấn át cả quyền hành của vua Lê và ngầm chống lại Tây Sơn. Trong khi đó, vua Lê Chiêu Thống sợ hãi bỏ chạy.
18. Lê Chiêu Thống trốn chạy hết nơi này đến nơi khác. Mẹ vua liền đem hoàng tử sang Tàu cầu cứu nhà Mãn Thanh. Nhân dịp này, Tôn Sĩ Nghị tâu với vua Càn Long nên đem binh sang, nói là để giúp Lê Chiêu Thống, nhưng thực ra là để chiếm luôn lấy đất An Nam.
19. Được vua Càn Long nhà Thanh chấp thuận, Tôn Sĩ Nghị điều động 29 vạn binh chia làm ba đạo tiến vào nước Nam. Lúc đó trấn giữ ở Bắc Hà chỉ có 5 vạn quân Tây Sơn. Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm bàn nhau tạm rút quân về dãy núi Tam Điệp để bảo toàn lực lượng rồi sẽ báo tin về Phú Xuân.
20. Tôn Sĩ Nghị tiến quân, không thấy ai chống cự nên càng có vẻ kiêu căng. Khi đến Kinh Bắc (Bắc Ninh) vua Chiêu Thống ra chào mừng rồi theo quân Tàu về Thăng Long. Lúc này, Lê Chiêu Thống ngày ngày thường phải ra chầu chực đợi lệnh ở trước dinh của Tôn Sĩ Nghị. Sau đó trở về nhà, Lê Chiêu Thống lại tìm cách trả thù những người trước đây đã ra làm việc với nhà Tây Sơn.
21. Lúc này ở Phú Xuân, Bắc Bình Vương đã nhận được tin quân Thanh tiến vào thành Thăng Long. Vương hội họp các tướng sĩ lại để bàn cách đánh giặc. Mọi người đều xin vương: trước hãy lên ngôi Hoàng Đế, cho yên lòng toàn dân, rồi sau mới cất quân ra Bắc. Vương y theo ý kiến này.
22. Ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân ( 1788 ) vương làm lễ, lên ngôi Hoàng Đế lấy niên hiệu là Quang Trung. Dàn trống võ Tây Sơn gồm 12 cái lớn, nhỏ nổi lên vang rền, trong khi vua Quang Trung làm lễ tế cáo Trời Đất. Sau đó, ngài leo thẳng lên mình voi, thống lĩnh đại binh tiến ra Bắc.
23. Ngày 29 tháng 11 đến Nghệ An, vua Quang Trung cho hạ trại nghỉ và truyền lệnh tuyển thêm quân. Thanh niên, trai tráng nô nức xin đi lính để giết giặc. Chỉ trong vài ngày mà tổng cộng trước sau đã có mười vạn quân và 200 con voi trận, xếp thành hàng ngũ chỉnh tề.
24. Khi vượt qua sông Mã, có cô lái đò Đỗ Quyên xin tới giúp việc vì cô làm nghề chèo thuyền ở đây đã lâu năm, nên biết rất rõ mực nước sông, chỗ nào nông, chỗ nào sâu. Khi đại quân tới, Đỗ Quyên liền chỉ cho dân chúng tìm chỗ nông, tránh chỗ sâu, để dễ kết bè, bắc cầu phao cho đoàn voi ngựa qua sông. Nhờ thế mà cuộc tiến quân không bị chậm trễ, khi gặp sông, gặp núi.
25. Trong khi hành quân, đã có sẵn lương khô là những sọt bánh tráng (bánh đa) Bình Định đem theo. Lúc đói, binh lính cứ việc lấy bánh tráng nhúng vào nước cho mềm ra là ăn ngay được. Nhờ vậy mà họ có thể đi luôn, không phải ngừng lại để nấu cơm ăn, làm mất nhiều thì giờ vô ích.
26. Muốn cho binh lính đỡ mệt, vua Quang Trung ra lệnh cho lấy những chiếc thuyền nan nhỏ, dùng thay cho võng để khiêng. Binh lính chia ra từng tốp, mỗi tốp có ba người. Cứ hai người khiêng thì một người nằm trong thuyền mà nghỉ. Rồi cứ thế luân phiên nhau, lần lượt người nào cũng phải khiêng và người nào cũng được nghỉ. Gặp sông thì sẵn thuyền nan đó, bỏ ngay xuống, dùng để bơi qua sông.
27. Tới đất Nghệ An, vua Quang Trung thân tới thăm cụ Nguyễn Thiếp tức La Sơn Phu Tử, một cụ già học nhiều, hiểu rộng, đã sống ẩn dật từ lâu trên núi Thiên Nhẫn. Được vua Quang Trung hỏi về mưu kế phá quân Thanh, La Sơn Phu Tử tâu: “Thần xin dâng hai chữ “THẦN TốC” và chỉ trong vòng 10 ngày là nhà vua có thể quét sạch giặc Thanh!”
28. Ngày 20 tháng Chạp, vua Quang Trung đã tới dãy núi Tam Điệp. Ngài cho quân sĩ tạm nghỉ để ăn bánh chưng. Ngài nói: “Nay ta tạm ăn Tết trước, hẹn ngày mồng bảy tháng Giêng sẽ vào thành Thăng Long, mở tiệc ăn mừng lớn hơn. Các ngươi hãy ghi nhớ lời ta!”
29. Đêm trừ tịch (30 tháng Chạp) nhà vua chia quân làm năm đạo, tiến theo năm hướng khác nhau. Trong mưa phùn và gió bấc rét buốt, mọi người hăng hái lên đường… Tất cả đều im lặng, tránh gây tiếng động, cốt làm sao cho địch không biết mà đề phòng.
30. Trong khi ấy thì ở Thăng Long, bọn Tôn Sĩ Nghị và các tướng vẫn uống rượu, ca hát say sưa. Chúng yên chí cho rằng quân Tây Sơn vốn khiếp nhược, chưa đánh đã vội rút quân về Nam, thì không còn gì đáng lo ngại nữa. Đợi ngoài Tết, chúng sẽ xua đại quân đuổi theo là có thể tiêu diệt hết.
31. Đêm mùng ba Tết, quân ta vây chặt đồn Hà Hồi. Giặc phải xin hàng, không một tên nào chạy thoát. Đêm mùng bốn, nhà vua ngồi trên mình voi, tiến sát đồn Ngọc Hồi. Giặc bắn tên đạn ra như mưa. Quân lính khiêng những tấm ván gỗ có lót rơm ướt để làm mộc che. Rồi các dũng sĩ nấp ở phía sau mà tiến tới… phá đồn.
32. Từ trên lưng voi, quân ta dùng súng hỏa hổ phun lửa vào đầu giặc. Giặc thua to bỏ chạy, dày xéo lên nhau mà chết. Sầm Nghi Đống sợ quá liền treo cổ tự tử ở gò Đống Đa. Các tướng tài giỏi của nhà Thanh như Hứa Thế Hanh, Trương Triều Long, Thượng Duy Thăng… đều tử trận.
33. Bị đánh bất ngờ, tới tấp, hơn hai chục vạn quân Thanh bị tan rã trong cảnh hỗn loạn. Chúng tranh nhau bỏ chạy, leo lên cầu phao, cầu đổ, ngã lăn xuống sông, chết đuối như rạ. Dòng sông Nhị Hà đầy ứ xác giặc. Tổng Đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị hoảng hốt bỏ chạy thoát thân, vất cả giấy tờ, ấn tín lại.
34. Trưa mồng năm Tết năm Kỷ Dậu (30-1-1789) đoàn quân chiến thắng của vua Quang Trung tiến vào thành Thăng Long, giữa tiếng hoan hô vang dậy của mọi người. Nhà vua oai dũng, uy nghi trên lưng voi trận, giơ tay chào dân chúng. Áo bào đỏ chói của ngài bị đen xẫm lại vì thuốc súng giặc.
35. Đại thắng quân Thanh rồi, vua Quang Trung muốn dốc toàn lực vào việc kiến thiết quốc gia. Ngài không muốn kéo dài cuộc binh đao chỉ làm khổ dân, nên giao cho Ngô Thì Nhậm viết thư cầu hòa với nhà Mãn Thanh. Vua Càn Long đành nuốt hận, phong cho vua Quang Trung làm An Nam Quốc Vương.
36. Sau đó vua Quang Trung lo chỉnh đốn lại mọi việc ở trong nước. Về việc học, ngài trọng dụng nhân tài, cho sửa sang lại Văn Miếu, lập ra Sùng Chính Viện để dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm. Trong các kỳ thi, cũng như trong các văn thư, biểu sớ, ngài bắt dùng toàn chữ Nôm, tức là một loại chữ Hán được đặt ra để phiên âm tiếng Việt.
37. Vua Quang Trung cho xây ở mỗi phủ, mỗi huyện, một ngôi chùa thật lớn, thật đẹp để thay thế cho những chùa nhỏ bé, rải rác ở nhiều làng. Các vị tăng ni phải có đạo đức và thuộc kinh kệ mới được ở chùa, thờ Phật… Nhà vua còn cho kiểm tra lại dân số, lập lại sổ đinh cho đúng.
38. Đinh (tức là người dân) được chia làm ba hạng rồi cấp cho mỗi người một thẻ bài khắc bốn chữ “Thiên Hạ Đại Tín”. Tráng đinh tuổi từ 18 đến 55 thì cứ ba người sẽ kén một người đi lính. Ruộng cũng được chia làm ba hạng: tốt, vừa và hạng xấu để thu thuế cho được công bằng. Hiện nay còn một số tiền đúc từ đời Tây Sơn.
40. Để chuẩn bị cho việc đánh Tàu, năm Nhâm Tí (1792) vua Quang Trung lại thử ý vua Càn Long bằng cách sai sứ Tàu xin cầu hôn và đòi lại đất Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây). Tiếc thay việc này đang tiến hành thì vua Quang Trung mất, thọ 40 tuổi. Vua Quang Trung thật là một vị đại anh hùng của dân tộc Việt Nam.