Vui Buồn Thế Sự - (Trần Lý Sự)

Từ chữ nghĩa "trong luồng", "ngoài luồng"

đến chữ nghĩa "lề phải", "lề trái"

(Trần Lý Sự)

- ... Đêm 19 rạng ngày 20/12/1946, toàn quốc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Sau khi Trung Đoàn Thủ Đô rút khỏi Hà Nội bỏ lại cho đám Tự Vệ Thành tụi tôi đơn độc luồn theo vách tường đã đục sẵn, chạy từ nhà nọ sang nhà kia, qua từng khu phố để "chơi nhau" với lính Pháp bằng bom ba càng, bom chai và lựu đạn chày nội hóa. Tất cả đều thảnh thơi vui thú như đánh trận giả dù anh em trẻ tụi tôi bấy giờ đã có thằng chết thật. Chết đứ đừ, có máu me đầm đìa đàng hoàng mà miệng vẫn cười toe!... Thế mới biết cái nỗi khát khao độc lập của dân mình nó cao rộng và quyết liệt vô cùng, chứ chẳng phải do cái đảng "Cộng sản mẹ nào", kể cả do cái đảng của Tàu, Tây hay quốc tế quốc tung gì đó. Ai lúc ấy hô lên đánh Pháp giành độc lập là chúng tôi đánh thôi, đâu cần biết những cái đảng ấy mày ngang mũi dọc ra sao...

Đó là lời kể chuyện của ông già Tân 52 tuổi, vào cái lúc năm 1983, đang ngồi kề Lý Sự tôi, dưới chân cột đèn, bên lề đường Trần Quốc Toản. Ông này cũng vừa đi tù về như Lý Sự tôi. Cả hai đều rách như sơ mướp, không hộ khẩu, vất va vất vưởng như hồn ma bóng quế, ngày đi lang thang, tối nằm công viên ghế đá, hiên nhà hiên chợ, tá túc qua ngày cùng với đám người bồng bế nhau từ vùng kinh tế mới chạy về, lê la khắp chốn. Ông Tân kể tiếp:

- Thét rồi hết cả "đồ chơi" với lính Pháp, tụi tôi đành bỏ Hà Nội kéo nhau ra khỏi năm Cửa Ô làm dân tản cư vậy. Cũng có thằng bảo sẽ vào "lính cụ Hồ", có thằng nói sẽ tìm cách đi học lại. Tôi về Đan Phượng tìm gia đình rồi sau đó cả nhà cùng kéo nhau về Chợ Đại, Cống Thần buôn bán lăng nhăng. Lúc này hậu phương ở đây rất là sầm uất. Dân thành phố tản cư, dân quê khắp vùng phụ cận, dân chạy hàng xách, cán bộ Hành Kháng, bộ đội, du kích, nhà văn nhà báo, nghệ sĩ nghệ nhân đi lại hà rầm. Quán ăn, quán nước, quán cà phê, quán phở, quán thịt chó...xen lẫn quán hàng xén, hàng sáo, quàn quần áo cũ... đủ thập vật linh tinh xuất xứ từ nơi thành thị phồn hoa nay trở thành vô dụng trên bước đường chạy loạn, đồng bào bèn đem ra mua bán đổi chác tưng bừng, vừa vui vừa thực tế. Suốt ngày ồn ào tiếng cười nói, đàn ca tiếng nhạc, vui như Tết. Lúc đó khói lửa chưa về đến đây, dù lâu lâu cũng có màn chạy máy bay, nghe một vài tràng đạn, để rồi sau đó lại có tin bắt được quả tang "Việt gian" "phản động" đang chiếu gương, phất khăn ra hiệu cho máy bay Pháp bắn phá, bị du kích Việt Minh điệu đi trước con mắt tò mò, thù ghét của mọi người... Tình cảnh này về sau tôi mới biết đó là đòn của CSVN triệt hạ các đảng phái Quốc Gia hoặc đòn trả thù cá nhân, chứ chẳng có "việt gian việt dung" vớ vẩn "gì cả". Khắp nước trong khí thế bừng bừng,ai nấy đều muốn đánh Pháp giành độc lập cả thôi. Ngay đến mấy tên "pati giăng, pati gió" theo giặc lúc ấy cũng chỉ vì miếng cơm manh áo chứ đâu có báu gì thằng Pháp . Hồi đó có một câu ca dao thời đại đã "tâm tình" với "kách mạng" rằng:

Tổ "cuốc" cũng như tổ cò,

Vì chưng có đói mới mò tới đây.

Bao giờ thằng Pháp về Tây,

Bên ấy chẳng gọi, bên đây cũng về!...

Lúc bấy giờ cũng chưa có những từ ngữ "gián điệp" hay "biệt kích" như bây giờ đâu ông ạ! Nói chi đến những chữ như "khẩn trương", "cự ly", "giặc lái", "máy bay lên thẳng"...Nhưng vô phúc ai bị quy là "Việt gian" hay "phản động", thì người đó kể như dễ dàng được "đi khai hội với giun" hoặc "đi mò tôm", sức mấy mà "cải tạo cải tiếc" cho mất thời giờ của "kách mạng"... . Lúc đó, khắp nơi trong làng trong xã, thôi thì nào lớp Bình Dân Học Vụ, nào ngày đêm nam nữ thanh niên, nhi đồng với đủ thứ ủy ban, hội hè "Cứu Quốc" khác đua nhau họp hành, nào sinh hoạt "đời sống mới", rêu rao "nam nữ bình quyền", "tiêu thổ kháng chiến", nào du kích tập tành, văn công đàn ca hát xướng, kịch cọt, thật là náo nhiệt, thật là vui !...

Giọng ông Tân cứ đều đều kể, đến câu "thật là vui" mà mắt ông ta lại xa vắng nhìn "thật là buồn" mới kỳ. Lý Sự tôi bèn gợi lại cái ý mà đã có lần ông ta đề cập tới trong một dịp nói chuyện trước:

- Hình như có dạo ông nói là ông đã giúp Ủy Ban Hành Kháng đâu đó để dạy Bình Dân Học Vụ mà ?

- Đúng thế! thì ngay ở Cống Thần đó chứ đâu. Nhưng chỉ sau hai, ba tháng, đã xảy ra một vài chuyện khiến tôi bực bội nên dứt luôn, chẳng dạy dỗ mẹ "gì cả".! Thực ra câu chuyện cũng chẳng có lớn lao gì, nhưng đối với tôi lúc đó, còn trẻ mà, máu nóng, thấy chuyện nhịn không được... Ông tính miệng nói thơn thớt cách mạng mà ngu và đểu "không chịu nổi"...

- Chuyện thế nào ?

- Hồi đó cùng dạy với tôi có một thằng cán bộ văn hóa, chẳng biết học hành tới đâu nhưng dốt "không chịu nổi". Có lần nó khoe với đám học viên dân quê rằng nó có khả năng nói bất kể một vấn đề gì một cách "lao sao bất diệt". Mẹ, thay vì nói "thao thao bất tuyệt" thành "lao sao bất diệt" nghe thật chướng, mà mặt nó thì cứ vênh lên "như bố vợ phải đấm"... Đã dốt lại hay khoe chữ! ...Tức ơi là tức !... Chưa hết. Hồi đó có cái màn "xóa nạn mù chữ", cưỡng bách người dân, nam phụ lão ấu trong làng trong xóm bị mù chữ đều phải đi học ở các lớp Bình Dân Học Vụ. Cán bộ văn hóa thường mở ra các cuộc kiểm tra ở đầu làng cuối xóm, các phiên chợ, để bắt ông đi qua bà đi lại, cô cậu đi tới đi lui, phải đánh vần chữ quốc ngữ, ai suông sẻ mới cho đi, ai ú ớ thì ghi tên đuổi về tìm lớp Bình Dân Học Vụ mà ê a, nếu muốn đi đây đó thảnh thơi, không bị bêu rếu xấu hổ. Kể ra thì cũng tốt, nếu chúng không dở trò mất dạy. Chả là, chính mắt tôi thấy một thằng lấy phấn viết lên một tấm bảng đen cầm nơi tay một chữ: - XEM - rồi đưa ra trước mặt một cô gái bắt đánh vần. Cô gái vô tình, thật thà đánh vần rằng SỜ EM XEM ! Thế là cả lũ bu quanh, chúng nó phá ra cười. Có thằng còn nham nhở đưa tay ra, Ừ THÌ ANH... SỜ EM XEM ! Cô gái bấy giờ mới chợt hiểu, mặt đỏ như gấc, vội che nón mà chạy đến đứt cả dép "cao su Con Hổ".

Lý Sự tôi cười thích thú vì cái lối nói chuyện của Tân. Câu cú thì dí dỏm, diễu cợt mà mặt mũi thì cứ "tỉnh như ruồi", nhất là ba cái chữ "mẹ", "...không chịu nổi", "...gì cả" của anh, luôn được nhắc đi nhắc lại trong câu chuyện, làm tôi thấy được hết cái tính khí trẻ trung của anh thời xưa, mà nay dù tuổi đã quá nửa đời rồi nhưng vẫn hiển lộ rõ ràng . Tôi khen:

- Ừ, anh còn nhớ được đôi dép cao su trắng hiệu Con Hổ do hãng giày Bata sản xuất thời đó là hay lắm nha ! Hồi bé, còn học ở lớp Ba trường Hàng Vôi, bố tôi đã mua thưởng cho đôi dép hiệu này khi lần đầu tiên tôi ngoi lên, được xếp hạng 5 trên 60 học sinh trong lớp. Tôi mừng quá thể! Thấy mình bảnh hơn, bấy lâu cứ lẹp xẹp kéo lê đôi dép Nhật sứt quai được cột lại bằng sợi thép, khiến đau ê ẩm cả hai kẽ chân cái mà không dám mè nheo...

...Này anh Tân à, anh có để ý tại sao trong khoảng thời gian từ 45 - 50, chữ nghĩa của "Kách Mạng ta" tương đối chưa có "gập ghềnh trúc trắc, xa lạ và nặng nề" như sau này không? Bấy giờ, cùng lắm thì chỉ là cách đọc "bờ nờ tờ xờ.." hoặc viết chữ kiểu "Việt Nam Mới" như "bác Hồ nhà mình thường viết", thí dụ như: "nhân Zân, Kần kiệm, Zữ Zanh Zữ Zá, chủ Ngĩa, kỹ Kàng, đôi dép Kao Su hiệu Kon Kọp, béo fục fa fục fịch...". Chứ nay, cái gì mà "ngang tầm thời đại", "đỉnh cao trí tuệ","mặt bằng giáo dục", "hành lang pháp luật", " đổi mới tư duy"...? Bảo rằng để cho nôm na dễ hiểu, cho đúng lập trường vô sản, nên mới thay cái chữ Hán Việt phong kiến xưa kia như Trực Thăng thì gọi là "máy bay lên thẳng", Thủy Quân Lục Chiến gọi là "lính thủy đánh bộ" ... nhưng trên thực tế "Kách Mạng nhà ta" còn dùng nhiều chữ Hán Việt quá tổ. Ngay đến hai chữ "khẩn trương" và "cự ly" mà mình thường nghe trong trại cải tạo đó, chẳng là chữ Hán Việt hay sao? ...Đó là chưa kể cái kiểu phiên âm tiếng ngoại quốc thì khỏi chê, ngây ngô ngốc nghếch "thấy mẹ". Cái gì là Mátxcơva, Inđônêxia, Malaixia, Ốtxtrâylia,Ucraina, thông báo hạm A-mi-ô Đanh-vin...vân vân và vân vân...

Lý Sự tôi cố tình bắt chước cách nói chuyện ngang tàng, bụi đời của ổng để thêm đậm đà, hòa nhập với ổng mà thôi. Chứ Lý Sự tôi đây, vốn con nhà Za Záo không Zám chửi bậy, cùng lắm thì chỉ đáng bị "quy chụp thành phần" thuộc Zai Kấp Tạch-Tạch-Sè ( tiểu tư sản ), Kứng đầu Kứng Kổ, ngoan Kố, lừng khừng như bài bản các vị ấy nói, chưa đến nỗi nào phải "dựa cột chờ nghe súng nổ".

Anh Tân mới giảng giải cho tôi nghe:

- Chữ nghĩa "trong luồng" bắt đầu phức tạp, lỉnh kỉnh kể từ khi các cán bộ, đảng viên ăn phải bả sách vở của Mao Sếnh Sáng. Từ năm 1949, Mao đuổi được ông Tưởng chạy ra đảo Đài Loan, "giải phóng toàn bộ Trung Hoa" thì giữa ta và Tàu "sông liền sông, núi liền núi", cả môi lẫn răng lúc này đều cùng ở trên một cái miệng nên "môi hở răng lạnh", (dù sau này có đôi khi vì ham ăn, răng có cắn chảy máu môi cũng là chuyện thường !) mọi sự đều được hai đảng, hai nhà nước chia sẻ tận tình, từ phương tiện, người ngợm đến tác phong, chữ nghĩa...nhất nhất đều như bóng với hình. Điển hình như, chính sách cải cách ruộng đất, các đội đấu tố, tòa án nhân dân, trăm hoa đua nở... đều là bản in của cải cách điền địa và "Bách hoa tề khai, bách gia tranh minh" của Trung cộng. Các từ ngữ mà cán bộ,đảng viên nhà nước sữ dụng, nói năng viết lách đều học Tàu ráo trọi.

Ông coi, tuy "bác Hồ" được chân truyền bởi Staline thật, nhưng ngôn ngữ lý thuyết kinh điển Mác- Lênin từ thuở ban đầu, trước khi chuyển dịch sang chữ quốc ngữ, thì hầu hết đều kinh qua chữ Tàu. Vả lại, đất Tàu là nơi gần gũi mà các nhà cách mạng của ta, nói chung, qua lại bôn ba từ lâu và hà rầm nhiều đợt, dù ai không nói được tiếng thì cũng cứ chữ nho mà bút đàm, chưa kể số lượng người sành sỏi ngôn ngữ Tàu hẳn nhiên phải nhiều hơn tiếng nước Nga, một nước xa lắc, trong quá trình lịch sử bang giao chưa hề dính líu. Những người tới được như ông Hồ, được Liên Sô chiếu cố thì có mấy người đủ tài, đủ chữ, đủ thời giờ mà dịch văn chuyển ngữ? Đa số là tiếng Nga ăn đong, vừa nói vừa múa. Cỡ khá như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai thì hoặc phải học cho mau, về cho sớm, rồi không bị giặc tóm, thì cũng bị "bác" dùng kế thủ tiêu, loại trừ vì ghen vì lợi... Lý do tại sao từ 45-50 ngôn ngữ "trong luồng" còn trong sáng dễ hiểu hơn sau này, đơn giản chỉ vì lúc đó chưa thực sự ảnh hưởng sách vở Trung Cộng, biên giới chưa thông. Cái tính dốt mà hay khoe chữ, cộng với cái thói nô lệ bắt chước, "thượng đội hạ đạp" kinh niên lại có điều kiện phát triển nên mới sinh ra cái nạn nói năng, ngôn ngữ văng mạng, bất cần trúng trật, miễn nghe rổn rảng bịp dân là được....

Lý Sự tôi vừa kể một câu chuyện cũ liên quan đến chữ nghĩa "trong luồng" tức là loại chữ nghĩa "chính quy hiện đại" trong cơ cấu đảng và nhà nước, thịnh hành trong giới quan quyền Kách Mạng, nó vốn có nguyên nhân "thâm căn cố đế" để hiện hữu. Trái với loại chữ nghĩa "trong luồng" là chữ nghĩa "ngoài luồng", ngoài cơ cấu, thuộc diện bình dân nôm na đời thường nhưng cũng cao và thâm lắm. Ở cái thời chưa đổi mới trở về trước, khi mà có những nhân vật "khạc ra lửa mửa ra khói", chữ nghĩa "ngoài luồng" thì đã có những câu ẩn ngữ như:

xã thôn thôn chẳng kém ai

Hội hè đình đám gái như trai

Bất cứ nơi đâu đều tốt cả

Công này, do đảng chứ do ai?

Đọc 4 câu thơ trên đây ai cũng thấy rõ ràng là tác giả tán tụng công đức của đảng quá đi chứ. Nhưng, nếu chỉ đọc 3 chữ đầu của mỗi câu trên, tiếp liền với câu cuối cùng thì quý vị sẽ thấy là: "Xã Hội Bất Công này, do đảng chứ do ai?", biến thành một câu kết án đảng nặng nề hết xảy!

Tuy nhiên, không hẳn là chữ nghĩa "ngoài luồng" không dám nói thẳng và trắng trợn đâu nhé. Hãy nghe dân hỏi nhau:

Công an, bộ đội, kiểm lâm

Trong ba thằng đó muốn đâm thằng nào?

Hỏi qua ý kiến đồng bào

Trong ba thằng đó, thằng nào cũng đáng đâm!

Hoặc:

Nhân dân thiếu gạo thiếu mì,

Mày vào vũ trụ làm gì hở Tuân???

( Phạm Tuân đi ké phi thuyền của Nga bay vào vũ trụ năm 1980 trong chương trình Intercosmos và là người được Liên Xô trao tặng "anh hùng Liên Xô")

Nhưng dầu sao thì chữ nghĩa "ngoài luồng" kiểu trên cũng trở thành quá cũ. Bây giờ thời buổi kinh tế thị trường, dù rằng nó vẫn còn cái đuôi hữu danh vô thực là "có định hướng xã hội chủ nghĩa" thì đang từ chữ nghĩa "trong luồng" thành chữ nghĩa "lề phải" và từ chữ nghĩa "ngoài luồng" đã biến thành chữ nghĩa "lề trái". Nhưng, tuy thế cũng đủ để sản sinh ra những bậc "trưởng giả học làm sang" vì ăn phải bả tư bản chủ nghĩa nên đã có nhiều cảnh đời âm thầm mà đối xứng. Đối xứng nhiều khi đến chua chát vì cái sự giàu nghèo chênh lệch quá lớn, quá xa của một cái xã hội nhiễu nhương đấy những nghịch lý. Chữ nghĩa "lề trái" thể hiện dưới nhiều thể loại và "và rọi đèn" vào nhiều địa hạt và đối tượng để châm chích, đả phá chế độ, mỗi lúc một cay nghiệt, thấm thía hơn. Một anh bạn văn tên Hiếu đã gửi ra cho Lý Sự tôi một chuyện phiếm về "hai cảnh đời đối xứng", xin ghi lại dưới đây để bà con thưởng lãm:

...Thật xấu hổ khi phải thú thật với các bạn rằng tôi là một người đàn ông thiếu trách nhiệm trong cương vị làm chồng, làm cha. Mặc dù là trụ cột gia đình gồm năm nhân khẩu nhưng tôi chẳng bao giờ để tâm đến chuyện gì trong nhà. Ngoài giờ làm việc (đạp xích lô), tôi la cà ở các quán rượu bình dân cùng bạn bè bù khú, "trăm phần trăm" và thường về nhà trong tình trạng "nhìn một hóa hai" hoặc "cho chó ăn chè" khiến vợ tôi đã bận túi bụi việc nhà lại phải nai lưng ra "tảo thanh hiện trường". Vợ tôi đúng là một người đàn bà đảm đang, hiền thục. Vừa chăm một đàn lợn năm con, vừa chăm một đàn con ba đứa(đứa nhỏ nhất ba tuổi, đứa lớn nhất tám tuổi), vừa làm việc nhà, đi chợ nấu ăn, vậy mà cô ấy chưa bao giờ kêu ca ta thán. Riêng đối với gã chồng không ra gì là tôi, cô ấy cũng chỉ nhỏ nhẹ khuyên nhủ chứ chẳng hề giận dữ to tiếng nặng lời. Cho đến một ngày...

Vâng! Hôm ấy, tôi đang đỗ xích lô chờ khách trước một cái chợ thì một phụ nữ sang trọng trạc tuổi vợ tôi vào chợ xách mấy giỏ đồ ra xe. Cô ta ngồi lên xe và nói cho tôi một cái địa chỉ. Đến nơi, cô ta xuống xe mở cổng rồi ra hiệu cho tôi đạp thẳng vào trong sân. Lúc cô ta cúi xuống định xách một giỏ đồ vào nhà thì một người đàn ông mang cặp kính trắng trông vẻ trí thức chạy ra giành lấy, nói:

- Kìa em! Em vào nghỉ đi. Để đấy cho anh.

Nói xong, anh ta hôn phớt lên má cô ấy (lúc này tôi biết chắc họ là vợ chồng), dịu dàng nói:

- Lúc em mệt trông em càng đáng yêu hơn đấy.

Thú thật, cái cách anh ta ăn nói với vợ, quan tâm đến vợ thật lịch sự, dịu dàng như thế đã khiến tôi bất ngờ. Tôi không thể tưởng tượng được một người chồng có thể đối xử với vợ bằng cách ấy. Thế mà tôi thì lại luôn quát tháo, đối xử thô lỗ với người vợ thân yêu của mình. Tôi chợt nhận ra bấy lâu nay mình quá... vô tình, quá phũ phàng với cô ấy. "Vâng, mình phải chuộc lỗi ngay bây giờ". Tôi tự nhủ và đạp xe như bay về nhà. Thấy vợ đang xách xô nước để rửa chuồng lợn tôi vội chạy đến giành lấy, bảo:

- Em làm việc mệt trông càng đáng yêu hơn đấy.

Nói xong, tôi xách xô nước đi về phía chuồng lợn. Nào ngờ, trong lúc vội vã tôi vấp ngã, xô nướcvăng ra khỏi tay đổ tung toé.

Vợ tôi bật khóc, vừa nức nở vừa lẩm bẩm:

- Mới buổi sáng mà đã uống say đến độ mất tự chủ, thật đến khổ!

................

Trần Lý Sự

Nguồn: blog DongA Thị