Du Học Sinh và Tương Lai Đất Nước
. VõChương
Trong 15 năm đầu sau ngày thống nhất, đa phần du học sinh VN mở mang kiến thức và thu nhận học hàm học vị ở các nước Đông Âu và Liên Xô cũ (đến nay chỉ còn một số rất nhỏ du học ở Trung Quốc và Cuba). Những tệ nạn xảy ra cho du học sinh thời đó cũng dự phần tiêu cực khá lớn vào chính sách của VN sau này, khi những du học sinh bấy giờ về nước và nắm giữ những vị trí quan trọng trong guồng máy chính phủ. Đó là thế hệ của các ông Nông Đức Mạnh, Trần Đức Lương v.v....
Thế hệ du học sinh kế tiếp, sau chiến tranh lạnh, được mở rộng con đường tri thức về phía các quốc gia tân tiến, một số lớn nằm trong G7. Hiện nay, số du học sinh và tu nghiệp sinh Việt Nam ở nước ngoài đã lên đến trên dưới 30 vạn người. Hẳn là, trong bài toán canh tân đất nước hồi giữa thế kỷ 20, chưa bao giờ cụ Phan Bội Châu và cụ Phan Chu Trinh có thể mường tượng ra rằng Việt Nam ta có lúc có được một lượng lớn sinh viên Đông Du và Tây Du nhiều đến vậy. Đó là thế hệ của các bạn Lê Công Định, Đỗ Nam Hải, Nguyễn Tiến Trung v.v....
*
Ở lứa tuổi trung bình trên dưới 30, nếu bước đi bằng ngọn đuốc soi đường của trí tuệ tự do, bằng ngọn lửa lý tưởng trong sáng trong tim, thế hệ du học sinh này sẽ là những đại sứ chân chính của VN ở nước ngoài. Và có những người đã bước đi bằng những ngọn đuốc soi đường đó.
Họ đã đến Đức và Nhật là hai quốc gia thất trận thời thế chiến thứ hai, để thấy ra sức mạnh kinh tế đứng đầu Âu châu và Á châu của hai quốc gia này, so với một VN đã từng chiến thắng bao đế quốc và hiện đang lẽo đẽo xếp hàng sau lưng nhân loại, lại còn phải xin phép Campuchia để gia nhập vào WTO!
Họ đã đến Mỹ để cảm nhận rõ ràng về mảnh đất được coi là cơ hội thăng tiến cho bất kỳ ai và thấu cảm đến tận cùng câu nói bất hủ của một cố nhạc sĩ được yêu mến hàng đầu ở VN: "Nước người ta trở thành siêu cường là nhờ ...có ít anh hùng!".
Họ đã đến Pháp và gửi về cho Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo một câu hỏi chưa có lời giải: "Thưa thầy, làm sao có công bằng xã hội khi chỉ có một Đảng độc quyền lãnh đạo?".
Họ đã đến Úc để bảo vệ luận án về ngành Giáo Dục, và khám phá ra rằng: "Khó lòng áp dụng được những điều học hỏi tốt đẹp này cho VN trong điều kiện hiện nay anh ạ. Chúng ta không thể vá đắp. Chúng ta phải thay cái lõi anh ạ!".Họ đã ra nước ngoài, nhìn lại VN, và tự làm một so sánh căn bản: "Ngay sau khi thống nhất đất nước năm 1975, Đảng và Nhà nước đã thi hành chính sách kinh tế ngăn sông cấm chợ để tiến nhanh lên chủ nghĩa xã hội. Khi nhận ra sai lầm để tiến hành công cuộc đổi mới thì vẫn lại là «kinh tế thị trường theo định hướng chủ nghĩa xã hội», với kinh tế quốc doanh làm chủ đạo, còn thành phần kinh tế tư nhân thì yếu và thiếu. Chính vì lý do đó mà Việt Nam không theo kịp đà tiến của các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, v.v…".
Họ đã đến khắp miền đất lạ để nhìn tận mắt, bắt tận tay, day tận trán những ý niệm tưởng chừng vô cùng trừu tượng (hay từng được dán nhãn là cực kỳ phản động) trước đây: ý thức dân chủ của người dân; môi trường dân chủ của xã hội; cơ chế dân chủ của quốc gia... những ý niệm nối liền nhau đã từ lâu trở thành mẫu mực sống quân bình giữa quyền lợi và trách nhiệm của từng công dân sở tại, từ thuở ấu thơ đến tận tuổi già, xuyên suốt những cuộc đời an bình và thăng hoa trong một xã hội tiến hóa không ngừng.
Qua đó, họ đã tự kết luận rằng môn Chính trị học mà họ từng bị gò ép từ những năm cấp 3 và suốt 4 năm đại học, thực chất không những vô bổ mà còn chính là những xiềng xích tư duy cá nhân lẫn tập thể.
Họ đã... Nhìn Từ Xa Tổ Quốc, rằng: "Không tự hào gì khi là đảng độc quyền, tự ca ngợi, tự lựa chọn chính mình. Điều nguy hiểm là để duy trì điều đó đảng đã kìm hãm Dân tộc, đã phải có những việc làm có lợi cho đảng nhưng có hại cho Dân tộc". Họ trưởng thành, không ở số tuổi, mà chính ở những phân định rạch ròi một lằn ranh và biết rõ chính mình phải đứng về phía nào.
Họ đã tận tình chia sẻ cùng nhau một mẫu số chung bắt gặp: Dân chủ chính là cái nôi của phát triển. Đa nguyên đa đảng chính là điều kiện tất yếu của cất cánh. "Thăng Long ư? Không có con rồng nào bay được bằng mỗi một cánh độc đảng đâu anh! Cũng chẳng có con rồng nào bay xa được bằng một cánh Tàu với một cánh Mỹ đập loạn! Phải có đủ hai cánh, và cả hai cánh dân tộc mới được anh ạ!".
Họ đã bình tâm và lịch sự trao đổi với nhau những trăn trở thường trực: "Sự thành công của đa nguyên kinh tế đang đòi hỏi một mô hình khác của đa nguyên chính trị. Liệu Đảng Cộng sản dám chấp nhận thách thức của thời đại, vì quyền lợi chung của dân tộc, đưa nền chính trị đa nguyên hiện tại dấn thêm một bước?".
Họ đã ghé nhiều trang mạng mà không cần phải vượt tường lửa để góp ý với nhau về nhiều khía cạnh của cuộc sống, của xã hội. Họ phát biểu chừng mực nhưng tự do và rõ ràng (không nhất thiết phải bám vào giáo điều Mác-Lê hoặc dựa vào những danh ngôn trồng cây trồng người hay cần kiệm liêm chính...).
Họ đứng bên ngoài những thương-ghét, những định kiến, những đánh bóng, những hào quang và ngay cả những vu khống hạ bệ... để phân biệt điều đúng-sai và sẵn sàng bênh vực cho lẽ phải. Họ tỉnh táo và công bằng hơn là thế hệ cha anh của họ chờ đợi.
Còn điều chờ đợi của chính họ? Phải chăng đó là những điều kiện thuận lợi nhất cho sự đóng góp của từng người vào một bức phá vượt thoát con nước ròng tụt hậu để hướng mọi nỗ lực canh tân về một tương lai sáng lạn hơn của VN? Đại hội nào của đảng sẽ cho họ một câu trả lời rạch ròi, minh bạch? Mức giới hạn tính kiên nhẫn của họ đến đâu với các PMU rò rỉ và chính sách Xóa đói Giảm nghèo miên viễn của đảng?
*
Trong 15 năm đầu sau ngày thống nhất, có mơ cũng không ai tưởng tượng ra nổi một thế hệ tráng niên suốt đời dằn vặt về ý nghĩa của cuộc chiến tương tàn 54-75. Cũng không ai tưởng tượng ra nổi một thế hệ thanh niên tự bức rời ra khỏi giáo điều chủ nghĩa hay những chiến công làm khánh tận đất nước, để hướng tầm nhìn về tương lai của dân tộc, sau khi đã phóng tầm mắt ra ngoài biên cương lãnh thổ và nhận chân ra nỗi nhục lớn nhất của mình là cái nhục lạc hậu đói nghèo.
Bên cạnh đó, niềm tin lớn nhất cũng chính là niềm tin vào khả năng của người Việt Nam, trong một môi trường sinh hoạt lành mạnh (đã được chứng tỏ tại nhiều nước Âu Mỹ), sẽ đưa đất nước cất cánh không thua kém các quốc gia trong vùng. Môi trường lành mạnh đó không phải tự nhiên mà có để một thế hệ mới tự nhiên ươm mầm và vươn lớn.
Chính những thế hệ ngày hôm nay, trong đó có hàng vạn du học sinh, bằng trí tuệ và lòng yêu nước, sẽ vun xới mảnh đất đó cho chính mình và tương lai những thế hệ mai sau.