Linh tinh "Cái dân nổi loạn"

Linh tinh "Cái dân nổi loạn"

Blogger MitDac

Posted Saturday January 12, 2008 - 01:12am (ICT)


Noel vừa rồi, sự kiện sinh viên, trí thức trẻ xuống đường vì Hoàng Sa, Trường Sa chưa nguội, tôi gọi điện về thăm cậu ruột - vốn là công an một thành phố lớn vùng Đông Bắc. Cậu tôi từng than thở: 30 năm theo ngành an ninh, chưa bao giờ nản như hiện nay. Mới chỉ là đơn giản so sánh công và lộc của hai thành phần cốt cán: an ninh và cảnh sát trong ngành. Đúng như dự đoán, "cậu mày không có nhà, năm nào lễ tết chả phải trực thâu đêm" (mợ bảo thế). Gọi cho cậu, mới nói câu một câu hai, đã thấy "bọn phản động, lũ phản động", "cẩn thận đấy"...

Nhớ lại hồi học đại học, cũng ức và xấu hổ vì bị một số bạn bè hay bất cứ ai kêu lên "a, Thái Bình đây rồi", "cái dân nổi loạn" khi họ biết tôi là người Thái Bình, biết vụ Thái Bình năm 1997. Nhưng ức và xấu hổ không phải vì mình mang danh là "cái dân nổi loạn".

Đó là giữa mùa hè 1997 khi tôi 18 tuổi - tuổi được xem là trưởng thành, chuẩn bị thi tốt nghiệp phổ thông trung học và mơ tới giảng đường đại học. Chúng tôi chỉ lo học, ngoài ra, gần như không biết, không quan tâm tới bất kỳ điều gì. Nhưng mùa hè vốn nhiều giông gió. Bắt đầu râm ran từ nhà, rồi trong làng ngoài xóm. Nghe các xã bên cạnh đã ầm ầm nổi lên như Quỳnh Hội, Quỳnh Lương, Quỳnh Vân (sau là Quỳnh Hồng), Quỳnh Xá, từ Thái Thụy vọng lên, từ Đông Hưng chuyển sang...Nghe nói, hơn 250 xã trên hơn 300 xã, thị của toàn tỉnh Thái Bình nổi dậy, đòi xử lý quan tham lại nhũng, giảm bớt sưu cao thuế nặng (thống kê có tới hàng chục loại thuế, phí cõng trên một m2 ruộng). Nghe nói, dân cứ gặp công an là đánh (tới mức một công an khu vực phải chui vào chuồng gà), bộ đội thì được tha. Không ngày nào yên. Một số lớp học thêm buổi tối phải giải tán vì thầy cô giáo bảo tình hình an ninh không tốt. Không ai nói với chúng tôi điều gì, giải thích tại sao. Có đêm, chúng tôi kéo nhau lên thị trấn huyện lỵ Quỳnh Côi xem dân chúng biểu tình. Họ là những anh nông dân, chị bán hàng vặt hàng ngày đầu tắt mặt tối, nay rùng rùng kéo lên vây kín trụ sở viện kiếm soát, phòng tư pháp, công an huyện. Đêm mùa hè, trăng nhờ nhờ. Nóng sùng sục như sắp giông gió. Dòng người kéo dài hàng trăm mét. Gạch đá ném rào rào, một bức tường dài của trụ sở công an huyện bị đạp đổ...Tôi về nhà, bố mẹ gắt: đầu không phải, phải tai. Đêm đó, giấc ngủ muộn.

Xã tôi. Chưa đến mức bao vây trụ ở chính quyền xã, nhưng từng đội sản xuất đều lập ban kiểm kê rà soát lại việc thu chi của cán bộ xã, đội. Bố tôi cũng là một trong những thành viên của ban kiểm kê. Những người vốn là cựu chiến binh, cựu lãnh đạo hay có chút chữ nghĩa, biết tính toán đều được đề nghị "trưng thu". Thời gian ấy chỉ có kiểm kê và kiểm kê. Có lẽ ở xã tôi chưa có trường hợp điển hình hay bị đẩy lên thành điển hình kiểu như "cán bộ xã đi xe máy thăm đồng, chở vợ đi làm đồng bằng xe máy, vợ con lại vênh váo chỏng lỏn với xóm làng, cán bộ xã chiều chiều vác vợt đi đánh tenis (tenis chứ không phải cầu lông - sau này mới biết thời điểm đó, ở tỉnh tôi, bói không ra sân tenis cho quan lại xã, nếu người ta còn tâng họ lên bằng việc cho đi chơi golf, bowling, đi bar, disco...chắc cũng phải nghe), cầu lông"... như trong một số buổi nói chuyện chính trị mà sau này tôi được tham gia trong trường đại học... Lúc ấy, khinh thì vẫn khinh, nhưng lại thấy thương thương. Vì có lẽ đó là ông hàng xóm thỉnh thoảng tối lửa tắt đèn có nhau, là bà họ xa nhà tôi. Sau này, cơn giông qua đi, nói chuyện với họ, tôi luôn tránh nhắc tới chuyện đáng đời thằng tham nhũng, con tham ô ở đây, ở đó. Kiểm kê, người nhiều (quy ra thóc) thì cũng vài tấn, người ít thì vài tạ. Hầu hết đội ngũ cán bộ thời đó đều bị mất chức và phải trả lại tiền cho dân dần từng năm. Nhưng cũng có 1 - 2 con cá to lọt lưới vì đã rút về vườn trước, cũng có người còn trụ lại vì mới gia nhập hệ thống, người còn thanh, dáng còn mảnh, mặt còn trong.

Làng tôi tạm nguôi ngoai. Nhưng các xã lân cận, đặc biệt là Quỳnh Hoa thì bùng phát thành trọng điểm. Sau này, người ta gọi đó là "tiếng trống năm 30 Tiền Hải mà còn âm vang vọng đến bây giờ". Quỳnh Hoa nằm phía Bắc huyện, giáp đê sông Luộc, tuyến đường thủy quan trọng nối Hà Nội - Nam Định - Hải Phòng xưa, có 3 thôn: Ngọc Quế, Bồ Trang, Bái Trang. Hình như phong trào mạnh nhất là ở Bái Trang - ngôi làng yên bình nơi chúng tôi học nhờ hồi lớp 4 trường chuyên sơ tán về đó. Quỳnh Hoa cách làng tôi chừng 1 km đường chim bay, cách 4 km đường chim đi xe đạp theo một con đường sống trâu đầy đất chiều. Đứng cuối làng tôi là thấy Quỳnh Hoa với tháp nhà thờ Bái Trang vượt lên trên lùm cây ngút mắt và tấm thân đê sông Luộc trải dài. Chỉ nghe nói, cuộc biểu tình của dân chúng đã biến thành cuộc bắt bớ lãnh đạo xã. Huyện, tỉnh cử cán bộ về đều không yên. Gần như nội bất xuất, ngoại bất nhập. Lại nghe nói, một sư đoàn bộ đội đã ém bên kia sông Luộc. Những ngày hè ấy, trời như có bão. Ai chờ đợi? Ai sợ? Cuối cùng ông Trần Đức Lương - chủ tịch nước, ông Phạm Thế Duyệt - thường vụ bộ chính trị của đảng cộng sản Việt Nam được cử làm khâm sai đại thần về gặp dân, tháo ngòi.

Những đêm nóng ấy, người nào hiếu kỳ đều cố dán tai vào chiếc đài nhỏ tí ti để dò dẫm đài BBC vào lúc 9h30 hay "đây RFI phát thanh từ Paris thủ đô nước Pháp. Xin chào các bạn, sau đây là bản tin buổi tối" vào lúc 10h30 - 11h hàng tối.

Một thời gian sau, trên đài phát thanh và truyền hình tỉnh có phóng sự dài dằng dặc về xét xử những phần tử xấu, gây rối, kích động dân chúng chống lại chính sách của đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam. Theo đó, họ đã bị những kẻ phản động giật dây, xúi giục. À, ra thế kia bộ mặt của những kẻ phản động. Họ - những người nông dân lên chợ huyện, thị trấn trung tâm vừa nghển cổ nhìn tòa ngang dãy dọc vừa sợ xe tông hay những người bộ đội giải ngũ về lại tiếp tục theo đít trâu như cha ông bao đời - mặt hơi cúi, đi lầm lũi. Sau này, quay lại Quỳnh Hoa, thấy người quen nói trong đám phần tử phản động đó có bố của một đứa bạn học sau tôi một khóa.

Lời qua tiếng lại về "cái dân nổi loạn", "bọn phản động" của đám bạn bè trong trường đại học cũng qua đi (mãi tới khi ra trường, có internet, chúng tôi mới biết mình ngu lâu, dốt bền, khó đào tạo vì trong tỉnh có hai "tên phản động đầu sỏ" là trung tướng Trần Độ và ông Nguyễn Hữu Đang lúc cuối đời, khi nhắm mắt còn phải "sao cho sỉ nhục một lần mới thôi" mà chẳng hay). Chúng tôi được nghe cán bộ tuyên huấn về nói chuyện chính trị, có nhắc tới vụ Quỳnh Hoa, Thái Bình năm 1997 rằng quá lạm sức dân (hồi đó Thái Bình đang ngất ngưởng vì thành tích phủ kín điện - đường - trường - trạm, nhà nước và nhân dân cùng làm), rằng một vị lãnh đạo cao cấp của đảng cộng sản Việt Nam nói rằng: phản động nào giật dây, chính chúng ta đã quay lưng lại với dân...Khi làm luận văn tốt nghiệp, tôi định lao vào đề tài dạng như khi truyền thông trong nước quay mặt với sự kiện nhạy cảm của dân chúng, tạo chỗ trống cho truyền thông nước ngoài khuynh đảo; thì cô giáo hướng dẫn luận văn bảo: đề tài hay, nhưng quá khó và nhạy cảm. Cô khuyên bỏ. Tôi đành khảo sát về báo Văn nghệ đầu thời kỳ đổi mới, từ năm 1986 - 1991, thời của tổng biên tập Nguyên Ngọc cùng Vua Lốp, Người đàn bà quỳ, Cái đêm hôm ấy hôm gì và chùm bút ký về thân phận người lính bị bỏ rơi, ngược đãi của Minh Chuyên...

Vài năm sau, tôi về quê. Anh cán bộ xã trụ lại trong cơn giông năm xưa, nay đã là một trong những tứ trụ triều đình, bảo: sau đợt đó, Thái Bình thay lại gần như toàn bộ hệ thống cán bộ từ tỉnh tới cơ sở. Anh may, vì hồi đó mới vào cơ cấu, chứ không thì cũng về vườn rồi. Anh hăng hái vạch ra một số hướng đi giúp đi phương làm giàu, nhưng chùng lại: phải chờ họp đảng ủy xã, rồi phổ biến tới chi bộ thôn, mới lăn ngược lên, đảng ủy ra nghị quyết, chờ đưa ra cho hội đồng nhân dân, hội quyết thì mới giao cho ủy ban nhân dân triển khai lấy ý kiến dân chúng, sớm nhất cũng mất một năm. Tôi sẽ cực kỳ nản, nếu cầm một cục tiền về nhăm nhe làm ăn.

Tôi dạt vào quán nước đầu làng. Muốn biết tin tức trong làng, thì cứ tới những thông tấn xã nước chè kiểu này. Một ông già nói: kiểm với kê, đứa này đổ lại đứa khác lên, sâu nào chả là sâu. Một bác kể: đấy, giờ thằng ăn cắp lại ngồi vào làm cán bộ. Đêm nào chúng nó chả kéo nhau vào quán tiết canh cháo lòng đánh chén. Cô chủ quán, từng đi lại trong một số dự án ở xã góp lời: công trình vừa xây tốn 1-2 tỷ đồng ấy, toàn gạch non đổ từ ô tô, công nông xuống, vỡ ầm ầm...Nhưng những công trình kiểu ấy vẫn mọc lên. Vì chúng cần mọc lên.

Chiều hè ở nông thôn miền Bắc thường có giông. Nóng hầm hập, nhưng người nông dân nào cũng mong. Vì sau cơn giông sẽ là mưa.

MitDac