Ý nghĩa đích thực của chiến thắng Đống Đa

Mùa Xuân Nói Chuyện

Đống Đa


Trích đoạn từ Cuộc Phỏng Vấn Của Đài Tiếng Nói Việt Nam Hải Ngoại. Người phỏng vấn: PV Hồng Phúc. Người trả lời: GS Trần Gia Phụng Ngày phỏng vấn: Thứ Bảy 12-02-2005 Ngày phát thanh: Chủ Nhật 13-02-2005

Nguồn: http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=6&nid=17224

….

Câu hỏi 9: Thưa Gs., chúng tôi có đọc được một tài liệu nói rằng trận Đống Đa không phải là một trận lớn, chẳng qua là vì lòng tự hào dân tộc mà chúng ta thổi phồng chiến công này của vua Quang Trung lên mà thôi. Giáo sư nghĩ sao về lời bình phẩm này?

Trả lời: Thưa ông Hồng Phúc, ông không nêu tên tài liệu đó ra, nhưng tôi cũng đoán được tài liệu nầy rồi, vì tài liệu nầy đã một thời gây dư luận xôn xao. Ở đây tôi chỉ xin nhắc lại điều tôi đã thưa với ông khi ông phỏng vấn tôi lần trước, rằng người viết sử là người cố gắng trình bày lại quá khứ như nó đã xảy ra. Còn sử dụng quá khứ đó, tức sử dụng tài liệu sử học vào những công việc gì, thì tùy vào mục đích của từng người. Ví dụ nhà giáo dục sử dụng sử học để hướng dẫn, giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ trẻ. Những người làm chính trị sử dụng sử học để tranh đấu và biện minh cho lý tưởng của mình.

Tác giả của tài liệu mà ông đề cập đến là một nhà chính trị. Mà đã là nhà chính trị, thì người ta sử dụng lịch sử theo ý của họ để phục vụ cho ý đồ chính trị của họ. Tôi xin miễn đề cập ở đây. Tôi chỉ xin trở lại ý nghĩa đích thực của chiến thắng Đống Đa năm 1789.

Muốn thấy rõ ý nghĩa và giá trị chiến thắng Đống Đa năm 1789, chúng ta phải đặt chiến thắng nầy trong bối cảnh lịch sử mà nó đã xảy ra. Vì vậy, khi mở đầu, tôi hơi dài dòng về bối cảnh lịch sử Trung Hoa. Tất cả các nhà cầm quyền Trung Hoa, kể cả các nhà cầm quyền hiện nay của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, đều nuôi tham vọng bá quyền ở Đông Nam Á. Họ vẽ bản đồ Trung Hoa bao gồm cả Việt Nam và một số nước ĐNÁ. Qua đài phát thanh, chúng ta không thể xem bản đồ, nhưng chỉ cần nghe cách họ đặt các địa danh cũng biết tham vọng của họ. Ví dụ Biển Đông của chúng ta, thì họ gọi là Nam Hải. Ví dụ quần đảo Indonesia, thì họ gọi là quần đảo Nam Dương. Nam Hải và Nam Dương là biển nhỏ và biển lớn ở phía nam của Trung Hoa, tức là kín đáo ghi nhận rằng vùng nầy thuộc Trung Hoa.

Trở lại vấn đế năm 1789, như tôi đã thưa trên đây, theo tài liệu trong bộ Cao Tông thực lục, một bộ chính sử đời Thanh, chép việc đời vua Thanh Cao Tông tức Thanh Càn Long, thì vua Càn Long có ý định đánh tràn xuống Đàng Trong, tức miền Nam Đại Việt để tranh giành ảnh hưởng với Xiêm La. Dĩ nhiên, nếu nhà Thanh nuốt được Đại Việt thì chắc chắn họ không dừng tại đó. Đo đó, vua Quang Trung chiến thắng nhà Thanh năm 1789 cũng giống như nhà Trần chiến thắng nhà Nguyên vào thế kỷ 13, và Lê Lợi chiến thắng nhà Minh vào thế kỷ 15, vừa để bảo vệ độc lập dân tộc Việt chúng ta, vừa đánh tan giấc mộng xâm lăng và bành trướng của những nhà lãnh đạo Bắc phương.

Đó là giá trị và ý nghĩa đích thực của chiến thắng Đống Đa năm 1789, thưa ông Hồng Phúc và thưa quý vị thính giả nghe đài.