Vô tích sự

Vô tích sự

(Trích Luận ngữ Tân thư - Phạm Lưu Vũ)


Người giữ cổng thành nhà Chu một hôm hỏi Lão Tử:

“Tôi nằm mơ thấy một con hổ béo tốt mỡ màng đang mải miết ăn một đống giun dế, nom rất kinh tởm. Chẳng hay đó là cái điềm gì?“. .

Lão Tử bảo:

“Đó là cái điềm ông sắp được trông thấy vua...“.

Người giữ cổng thành hỏi:

“Có thể giải thích rõ hơn được chăng?“. .

Lão Tử bảo:

“Hổ tuy là chúa sơn lâm, chuyên ăn thịt các loại hươu, nai, cầy, cáo... Song cũng có những con vật nó không thể ăn được như báo, voi, sư tử... Những giống này vì thế cũng không nằm trong vòng cai quản của nó. Nay hổ mà chỉ ăn có giun, dế thì đích thị là vua chúa ở cõi nhân gian này. Giống 'hổ' này thà biến tất cả thành giun dế, thà chỉ xơi giun dế, còn hơn tồn tại những giống vật mà nó không thể xơi được, cũng không cai quản được“.

Câu chuyện trên (có vẻ) chẳng ăn nhập gì đến cái đoạn sau này. Song vì đoạn sau có nhắc đến Lão Tử. Vậy nên chép ra đây cho có vẻ đầu đuôi hình thức một tý. Âu cũng là một cái “Lời tựa“ cho Luận ngữ Tân thư kì này.

Vua nước Vệ bỗng dưng tỏ ra lo lắng việc nước đến nỗi quên cả tắm gội, cũng chẳng thiết gì tới yến tiệc. Một hôm sai người mời Khổng Tử, ngỏ ý muốn Khổng Tử giới thiệu cho một học trò để bổ làm quan coi về công việc giáo dục của nước Vệ. Khổng Tử thấy thế thì cảm động lắm, bèn bảo:

“Khâu này có tới 3000 học trò. Gần trăm người trong số đó đều có thể đảm đương được việc ấy. Chẳng hay nhà vua muốn chọn người như thế nào?“. .

Vua Vệ bảo:

“Trên thì sáng được cái ngôi của ta, dưới thì trăm họ thần phục, già trẻ lớn bé, không kẻ nào ra khỏi sự cai quản của ta. Bảo học là phải học, bất kể đúng sai ra sao. Đã học là phải thuộc, bất kể có hiểu hay không. Đã thuộc là phải thi đỗ, bất kể kiến thức thế nào... Liệu có ai làm được như vậy chăng?“. .

Khổng Tử vẫn thăm dò:

“Chẳng hay nhà vua muốn làm sáng dân hay muốn cho dân tối tăm, mờ mịt đi?“. .

Vua Vệ bảo:

“Ngài vẫn được thiên hạ tôn là Thánh nhân, vậy mà còn phải hỏi câu ấy sao? Giả sử nếu sáng dân mà ngôi vua của ta vẫn được vững bền, vẫn truyền được đến muôn đời con cháu sau này thì ta cũng đâu có tiếc gì…“.

Khổng Tử tỏ ra hiểu ý bèn nhận lời rồi lui trở ra. Về đến nhà, trước tiên Ngài gọi Nhan Hồi tới hỏi:

“Này anh Hồi. Nếu giao cho anh phụ trách công việc giáo dục của một nước, anh sẽ theo học thuyết của ai?“.

Nhan Hồi trả lời:

“Cố nhiên Hồi này sẽ theo học thuyết của Phu Tử. Chung quy có một chữ 'minh' mà thôi. Nghĩa là luôn luôn nghĩ đến việc làm sáng dân, mới dân...“.

Khổng Tử thở dài bảo:

“Sáng dân lợi cho nước, song không lợi cho ngôi vua. Thế thì đừng hòng người ta cho anh làm quan. Không những thế, kẻ làm thầy mà luôn nghĩ đến việc sáng dân tất sẽ nghèo kiết xác. Như vậy sẽ chẳng ai thèm làm thầy. Huống chi đối với cái chính trị của nước Vệ kia, thì dẫu có mười người như anh cũng vô tích sự mà thôi“.

Nhan Hồi ra. Tăng Tử bước vào. Khổng Tử hỏi:

“Này anh Sâm. Nếu giao cho anh phụ trách công việc giáo dục của một nước, anh sẽ theo học thuyết của ai?“.

Tăng Tử trả lời:

“Cố nhiên Sâm này cũng sẽ theo học thuyết của Phu Tử. Chung quy có một chữ 'hiếu' mà thôi. Nghĩa là dạy mọi người phải sống sao cho tròn với đạo 'hiếu'...“.

Khổng Tử trầm ngâm bảo:

“Chữ 'hiếu' dẫu bao trùm tất cả. Song người nước Vệ xưa nay vốn luôn tự coi mình là 'hiếu' nhất thiên hạ rồi. Lúc nào cũng lôi truyền thống ông cha ra để 'phát huy'. Đến nỗi đình chùa cũng có thể biến thành chỗ nuôi lợn, kẻ cướp cũng có thể được phong anh hùng... Thế mà anh còn đòi đem đạo 'hiếu' ra giảng giải thì có khác nào chửi vào mặt người ta. Như vậy sẽ chẳng ai thèm làm học trò. Huống chi đối với cái chính trị của nước Vệ kia, thì dẫu có trăm người như anh cũng vô tích sự mà thôi“.

Tăng Tử ra. Tử Hạ bước vào. Khổng Tử hỏi:

“Này anh Bốc. Nếu giao cho anh phụ trách công việc giáo dục của một nước, anh sẽ theo học thuyết của ai?“.

Tử Hạ trả lời:

“Cố nhiên Bốc Thương này cũng sẽ theo học thuyết của Phu Tử. Chung quy có một chữ 'thi' mà thôi. Nghĩa là sao cho mọi người ai cũng biết yêu văn chương, chữ nghĩa, hiểu được những nghĩa lý sâu xa của Kinh Thi...“.

Khổng Tử cười bảo:

“Người nước Vệ xưa nay đi đâu cũng tự hào mình là một nước văn hiến. Làm ra của cải thì chẳng có mấy ai, song bọn bồi bút làm những nghề văn, thơ, nhạc, họa thì đông không kể xiết. Trải đã mấy đời như thế, đầu óc mọi người đều chật ních những thứ dối trá, giả nhân giả nghĩa cả rồi. Thế mà anh còn đòi mang Kinh Thi ra giảng thì có khác gì đàn gảy tai trâu, hỏi còn nhét vào chỗ nào được nữa? Huống chi đối với cái chính trị của nước Vệ kia, thì dẫu có nghìn người như anh cũng vô tích sự mà thôi“.

Tử Hạ ra. Tử Cống bước vào, Khổng Tử hỏi:

“À anh Tứ? Anh có tiếng là một người giỏi buôn bán. Vậy nếu giao cho anh phụ trách công việc giáo dục của một nước, anh sẽ theo học thuyết của ai?“.

Tử Cống trả lời:

“Tứ này chỉ nhớ được mỗi câu của Lão Tử: 'Thiện nhân giả bất thiện nhân chi sư / Bất thiện nhân giả, thiện nhân chi tư' (nghĩa là người lành là thầy của kẻ ngu. Kẻ ngu là của cải của người lành). Chung quy phải làm sao cho thiên hạ càng ngu càng tốt. Khi đó, chẳng những luôn vừa ý đấng Chí tôn, mà những kẻ làm thầy cũng tha hồ kiếm được nhiều của cải... Vậy Tứ tôi xin theo học thuyết của Lão Tử...“.

Khổng Tử vừa nghe đến đó bỗng tỏ ra mừng rỡ. Ngài bảo với Tử Cống:

“Té ra anh ở trong cửa ta mà vẫn lén lút đọc sách của cái lão già gàn dở người nhà Chu ấy đấy. Điều lão nói là nói cho mãi những đời sau này. Song nếu đem áp dụng vào đời bây giờ tưởng cũng chẳng hại gì, miễn sao được vinh thân phì gia thì thôi. Tất nhiên giáo dục mà theo cái triết lý ấy thì những kẻ làm thầy sẽ được thể mà nghĩ ra trăm phương ngàn kế để làm giàu. Than ôi! cái 'đạo' làm thầy, ta chưa kịp hoàn thiện nó thì nó đã hỏng sẵn từ trước đó rồi. Giờ ta mới biết, đối với cái chính trị của nước Vệ kia, đến ta còn vô tích sự, huống chi những kẻ vừa hăng hái lại vừa nông nổi như các ngươi. Thì ra vua Vệ nói thế chẳng qua là muốn đuổi khéo ta ra khỏi địa giới nước Vệ đấy thôi“.

Nói xong, Ngài bèn bảo các học trò thu xếp để nhanh chóng rời khỏi nước Vệ.

Quả nhiên khi nghe tin thầy trò Khổng Tử đã bỏ đi, Vua Vệ hết sức mừng rỡ, lập tức trút hết mọi lo lắng, lại tiếp tục lao vào yến tiệc như cũ...

Nhân chuyện đó mà càng những đời sau, các nhà phụ trách công việc giáo dục trong thiên hạ càng thích bắt chước cái triết lý giáo dục ấy của Tử Cống.

Tháng 2 năm Đinh hợi (2007)

Phạm Lưu Vũ