Nguyễn Huệ
và sự định vị nhân cách thời đại
. Trần T. Huyền Trang
….
Thử thách lớn nhất mà Quang Trung – Nguyễn Huệ gặp phải là công cuộc chinh phục kẻ sĩ, vốn là tầng lớp được coi là tinh tuý nhất của xã hội phong kiến. Phong trào khởi nghĩa Tây Sơn là cuộc nổi dậy của tầng lớp nông dân bị áp bức, và những người lãnh đạo nó là những người áo vải. Đó là một ưu điểm lớn xét về bản chất lịch sử, song trong thời điểm bấy giờ, nó lại là một nhược điểm khiến cho phong trào khó tiếp cận tầng lớp trí thức vốn mang nặng tư tưởng tôn phò chính thống. Các lãnh tụ Tây Sơn, đặc biệt là Nguyễn Huệ ý thức rất rõ điều này, cho nên không chỉ trong bước khởi nghiệp mà mãi đến khi đã hình thành nhà nước Tây Sơn, Nguyễn Huệ rất lo lắng vì sự thiếu vắng đội ngũ trí thức trong lực lượng cách mạng của mình. Trong thư gửi La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, ông không giấu giếm nỗi lo ngại: “Những kẻ giúp việc trong nhất thời đều là những kẻ mạnh bạo… Đạo trị dân đại để có nhiều điều làm cứng cỏi phiền nhiễu.”
Thời bấy giờ những trí thức có chút danh giá ở Đàng trong trốn theo chúa Nguyễn, còn giới sĩ phu Đàng ngoài đã quen nhìn Đàng trong là láng giềng hoặc “phía bên kia”. Khi Nguyễn Huệ kéo quân ra nêu cao chính nghĩa diệt Trịnh phò Lê, họ đã nhìn đội quân Tây Sơn như một lũ giặc mọi rợ, gọi xách mé là “man tặc”, là lũ “giặc lông đỏ”. Trong một bài thơ của mình, Phan Huy Ích gọi quân Tây Sơn là “tặc phong lai”- lũ giặc đến theo hơi gió. Các dòng trí thức lớn đều chiêu mộ hào kiệt “dò hư thực thế nào để tìm cách bắt lấy Huệ”. Bùi Dương Lịch ở Nghệ An thấy Nguyễn Thiếp không chịu ra hợp tác với Nguyễn Huệ đã làm thơ ca ngợi. Không phải Nguyễn Huệ không biết điều đó. Theo Hoàng lê nhất thống chí, Nguyễn Huệ hơn một lần khiêm xưng mình là kẻ ở hang núi xa xôi, nhưng trước hàng trăm cặp mắt của những kẻ tự nhận là bậc thức giả quan sát ông, kẻ ở hang núi luôn “coi xét lễ nghi hết sức chu đáo” trong mọi ứng xử với triều đình nhà Lê. Hai lần ra Bắc, Nguyễn Huệ có thừa cơ hội và sức mạnh để nắm lấy quyền thống trị đất nước. Song cả hai lần Nguyễn Huệ đều hành động rất cao thượng, không hề nhân chỗ yếu của người mà làm lợi riêng cho mình, chấp nhận quyền giám quốc của Sùng Nhượng công, kêu gọi cựu thần nhà Lê ra làm việc lại. Ông chủ trương dung nạp rộng rãi những người muốn ra hợp tác, và ông luôn lấy mắt xanh để nhìn kẻ sĩ.
Kể ra bấy giờ dưới trướng ông đã có những kẻ sĩ tài giỏi như Trần Văn Kỷ, Ngô Thế Lân, … nhưng với quan niệm “Dựng nước lấy đạo học làm đầu; cai trị lấy nhân tài làm gốc”, ông biết sau những chiến công, nền văn trị mà ông tiến hành rất cần các tài năng lớn. Khi Ngô Thì Nhậm đến ra mắt, Nguyễn Huệ đã nhận ra chân tài từ cái nhìn đầu tiên, ông bảo “Đây là trời để dành người tài cho ta dùng” rồi ban ngay chức tước xứng đáng, phong Ngô Thì Nhậm làm Tả thị lang bộ Lại, tước Tình phái hầu, lại cho đứng đầu tất thảy quan lại cựu triều. Không riêng Ngô Thì Nhậm, mà với Phan Huy Ích, Nguyễn Bá Lan, Vũ Huy Tấn…, Nguyễn Huệ đều đón nhận và không câu nệ mới cũ. Đối với Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huệ dành một sự biệt đãi khác thường, ba lần gửi thư mời kèm theo lễ trọng, lời thư trước sau một mực thiết tha tôn kính. Nguyễn Thiếp nặng lòng với nhà Lê, ba lần từ chối. Mãi đến khi Lê Chiêu Thống rước quân Thanh về nước, Nguyễn Huệ lên ngôi lấy hiệu Quang Trung rồi xuất binh ra Bắc đánh quân xâm lược, Nguyễn Thiếp mới chịu thừa nhận chính nghĩa Tây Sơn. Khi Nguyễn Huệ dừng ở Nghệ An lấy quân, Nguyễn Thiếp ra gặp Nguyễn Huệ và nói: “Bây giờ trong nước trống không, lòng người tan rã. Quân Thanh ở xa tới đây không biết tình hình quân ta yếu hay mạnh, không hiểu rõ nên đánh nên giữ ra sao. Chúa công ra đi chuyến này, không quá mười ngày, giặc Thanh sẽ bị dẹp tan”. Thật ra, với quyết tâm và phương lược đã định để đánh giặc Thanh, dù Nguyễn Thiếp có nói ngược Quang Trung vẫn không đổi chí, song lời bàn ấy khiến ông vô cùng vui mừng coi đây là dấu hiệu tốt đẹp đầu tiên trong quan hệ giữa ông với La Sơn phu tử. Khi chiến thắng trở về, ông đã ghé Nghệ An thăm Nguyễn Thiếp và cảm tạ: “Người xưa có nói : một lời nói mà dấy nổi cơ đồ. Lời tiên sinh quả có thế thật.” Quang Trung lại kiên trì thuyết phục nhiều lần nữa, và cuối cùng, dường như sự dịu dàng bền bỉ của nước đã thấm đượm vào từng thớ đá, Nguyễn Thiếp bằng lòng hợp tác, đầu tiên là giúp vua chấm thi, coi đất, rồi nhận lời ra làm viện trưởng viện Sùng Chính. Cần nói thêm rằng Quang Trung lập viện Sùng Chính ở Nghệ An, là ông đã hiểu đối tượng ở những chỗ vi tế nhất. Với một chức vụ thiên về giáo dục hơn là chính trị, mà La Sơn phu tử đã từng dạy học, người ta sẽ không thấy bỡ ngỡ khi ông ra dịch sách hay đào tạo nhân tài, do vậy Nguyễn Thiếp có thể yên tâm làm việc mà không sợ suy giảm thanh danh. Nếu không có tấm lòng rộng rãi, hết mực yêu sĩ chuộng hiền, chắc chắn Quang Trung không thể đưa nhà ẩn sĩ đất La Sơn trở lại với đời, để “hưng khởi chính học”, “khiến cho nhân tài có thể thành tựu”, “phong tục trở lại tốt đẹp” như ông từng mong muốn
….
Trần T. Huyền Trang
Bình Định