Kỷ niệm ngày Khởi nghĩa Lam Sơn 7-2-1418 - 2/3

Nguyễn Trãi Đề Thư

gửi Vương Thông


5. Thư gửi Vương Thông

Thư đệ đến quan Tổng binh Thành sơn hầu.

Bức thư bữa trước, chưa thấy đáp phục: Sai người vào chực đòi lại cũng chẳng thấy cho về. Vậy thì câu nói "Ngôn hành phải đi đôi với nhau” của đại nhân ngày trước, nay đâu rồi ư? Tôi nghĩa cái đạo nước nhỏ thờ nước lớn phải nên kính sợ, vả nghĩ lời nói của đại nhân ngày trước, nghĩa không nỡ tuyệt, cho nên gởi thư đến mãi, chẳng chút ngại phiền. Nhưng chẳng được như lòng, không biết có phải là tình thế khiến vậy hay không? Theo tôi trộm tính cái kế của đại nhân lúc này, không gì bằng rút quân, khải hoàn để cởi cái khổ can qua cho hai nước, để gỡ cái vạ hao hại cho quốc gia, để vẹn cái nghĩa dựng hộ nước bị đổ, nối hộ dòng bị đứt, để tỏ cái nhân của đấng vương giả coi bốn bể đâu cũng như đâu, trên không phụ sự uỷ nhiệm của triều đình, dưới không trái nghĩa xuất khổn của đại tướng, khiến tên ghi sử sách, há chẳng tốt đẹp lắm sao! Dữ kỳ noi theo vết xâu của Hán, Đường, ham đất lớn thích công to, sao bằng làm cái quân nhân nghĩa, chỉ cốt vì dân mà đánh kẻ có tội. Nay không nghĩ đến điều đó mà chỉ chăm chăm đắp thành đào hào, ngày ngày lên mở cửa thành cho quân ra đánh cắp rơm củi, sao mà tự khổ đến thế!

Đại nhân nếu bảo thành trì hiểm cố có thể giữ để chờ đợi, thì tôi e nước xa không cứu được lửa gần. Nếu bảo những quân dũng cảm ở trong thành còn nhiều, muốn quyết một trận sống mái; thì tôi tưởng khi tôi còn ở Khả Lam Trà Lân, các ngài có những mấy vạn quân tinh nhuệ, mà tôi chỉ có mấy trăm quân tâm phúc, tôi còn đánh tan đi được để thành cái thế chẻ nứa, huống nay tôi gồm thu Diễn, Nghệ, Thanh Hoá, Tân Bình, Thuận Hoá và Đông Đô các lộ, tuyển quân tinh nhuệ có hàng mấy chục vạn, vậy thì cái kế sống mái, có thể ngồi tính mà biết trước được rồi.

Song nước thịnh hay suy, quan hệ ở trời, quân mạnh hay yếu, không cứ ở nhiều. Đại nhân thường xem việc họ Hồ ngày trước mà so ví. Tôi nghĩ việc ngày nay với việc ngày trước khác nhau xa lắm. Họ Hồ dối trời ngược dân mà tôi thì kính trời thuận dân, là thuận nghịch khác nhau là một. Quân của họ Hồ trăm vạn nhưng trăm vạn lòng, quân của tôi chỉ vài chục vạn nhưng hết thẩy đều cùng một lòng, điều đó khác nhau là hai. Nay đại nhân nếu “không vì người mà bỏ lời nói phải", quyết kế rút về, sai người thân tính cùng với Sơn đại nhân (Sơn Thọ) sang sông hội họp, tôi sẽ xin lui quân ngay về các miền Thạch Thất, Thanh Đàm (Thanh Trì), Khoái Châu để đợi xuất cử. Nếu không như vậy, tôi cũng chẳng biết làm sao được.

6. Lại thư gửi Vương Thông

Thư kính cùng quan Tổng binh và các vị Đại nhân.

Xưa nay người giỏi dùng binh là ở chỗ hiểu biết thời thế. Được thời và có thế thì biến mất làm còn, hoá nhỏ thành lớn; mất thời và không thế thì trở mạnh ra yếu, đổi yên làm nguy, chỉ ở trong khoảng trở bàn tay mà thôi. Nay các ngươi không rõ thời thế, chỉ dối giả quen, há chẳng phải là hạng sất phu đớn hèn, sao đủ nói chuyện việc binh được. Dạo trước trong mang gian dối, ngoài thác giảng hoà, đắp luỹ đào hào, chờ quân cứu viện, tâm tích không tỏ, trong ngoài bất nhất, như vậy khiến ta tin sao được mà chẳng phải ngờ. Cố nhân có câu rằng: "Kẻ khác có lòng, ta lường đoán lấy”, tức là thế đó. Ngày xưa nhà Tần thôn tính sáu nước, chuyên chế bốn biển, quốc chính không tu, mình tan nước vỡ. Nay Ngô (Minh Thái Tổ lúc mới khởi binh, dựng nước là nước Ngô) mạnh đã đâu bàng Tần mà hà khắc hơn Tần nhiều lắm, chẳng qua chỉ trong vòng một năm, sễ đến nối nhau mà chết hết, đó là mệnh trời chứ chẳng phải sức người. Hiện nay phía bắc có kẻ định Thiên Nguyên (bấy giờ Hậu chúa nhà Nguyên còn giữ ở phía bắc, đặt niên hiệu là Thiên Nguyên), bên trong có mối lo Tần Châu các xứ. Giảng Tả một khu không tự giữ được, huống lại còn chực đi lấn chiếm nước khác nữa sao! Bọn các ngươi không hiểu sự thế, bị ta đánh bại, lại còn chực níu lấy Trương Phụ để nhờ uy thanh, như thế có phải là đại trượng phu không, hay chỉ là đàn bà thôi đó?

Sự thế ngày nay dù có vị thượng tướng đem quân đến đây, cũng quyết chẳng làm trò gì được, huống chi Trương Phụ chẳng qua đến để mà nộp mạng chứ bõ nói gì!

Ngày xưa vua Chiêu Liệt nhà Hán là dòng sót lại của họ Lưu, Khổng Minh còn giúp cho nghiệp lớn lại dấy lên được. Huống nay con cháu của Hoàng Trần (Khi ấy vua Lê Lợi tạm lập Trần Cao lên ngôi, xưng là con cháu nhà Trần), mệnh trời thuận cho, lòng người theo về, nước Ngô kia còn chực đoạt làm sao được! Vả đời xưa các bậc hào kiệt, chưa gặp thời thì ẩn náu, thấy cơ hội thì dấy lên. Cho nên Y Doãn chỉ là một gả thờ cầy ở sất Săn, Thái công chỉ là một chàng câu cá ở sông Vị, thế mà một người làm đến vương tá, một người làm đến đế sư, vậy đó là người hào quà chăng? là người bần tiện chăng? Lại như Mộ Dung nước Yên, Thạch Lặc nước Triệu, đó là người Trung Quốc chăng? là người mán rợ chăng? Ta nghĩ lời của ngươi nói thật là lời của kẻ tiểu nhân rợ mọi, không phải lời nói của người Trung Quốc.

Nay các ngươi kế cùng sức kiệt, lính tráng mỏi mệt, trong không lương thảo, ngoài không cứu viện, bám bíu lấy một khoảng đất, thoi thóp trong một mảnh thành, chẳng phải là miếng thịt trên thớt, con cá trong chậu rồi sao? Vậy mà còn lừa dối dân ta, dụ dỗ những điều phi nghĩa. Các kẻ trung thần nghĩa sĩ của nước ta, trong khi cùng ách, còn nếm mật nàm gai, không chịu đem lòng kia khác, huống chi như ngày nay còn ai tin nghe những lời bất nghĩa của lũ ngươi. Chỉ e trong thành, người Nam thì nhớ thương chúa cũ, người Ngô thì không chịu được khổ, cùng hại lũ ngươi rồi đem nhau ra hàng, như Trương Phi, Lã Bố ngày xưa, bị hại bởi tay những thủ hạ, ấy là cái là tất nhiên đó.

Nay các thành từ chức Đô ty trở xuống, đều tức giận lũ ngươi lừa dối, nhiều người vượt luỹ ra ngoài, báo cáo những tình hình bên trong; kẻ bị khốn cực thì đâm chém lẫn, không đợi phải đến quân lính của ta nữa. Ta ngồi suy tính cho lũ ngươi thì cái cơ bại vong có sáu; Nước lụt mênh mông, tường đổ rào nát, củi cỏ thiếu thốn, ngựa chết lính mệt; bại vong đó là một. Ngày xưa Đường Thái Tông bắt Kiến Đức mà Thế Sung phải ra hàng, nay bao nhiêu ải quan hiểm trở đều có binh tướng đồn đóng, viện binh nếu đến, tất nhiên bị bại. Viện binh đã bại, lũ người còn trốn đàng trời, bại vong đó là hai. Nước ngươi binh khỏe ngựa béo, nay còn để cả miền bắc để phòng thủ quân Nguyên, không rỗi đâu nhìn ngó xuống phía nam được; bại vong đó là ba. Can qua bận rộn, chinh phạt rối ren, người chẳng sống yên, nhao nhao thất vọng: bại vong là bốn. Tôi gian chuyên chính, chúa yếu trị vì, xương thịt tàn nhau, vạ khởi ở trong tường vách; bại vong đó là năm. Nay ta nổi dậy quân nghĩa, trên dưới cùng lòng anh hùng tận lực, quân lính ngày một luyện, khí giới ngày một tốt, vừa cầy ruộng vừa đánh giặc, trong thành mỏi mệt, tự phải diệt vong; bại vong đó là sáu. Ngồi giữ một mảnh thành con, để chờ đợi cái cơ bại vong ấy, ta thật tiếc thay cho lũ ngươi. Cổ nhân có câu "Nước xa không cứu được lửa gần”. Dù có viện binh đến đây, cũng không ích gì cho sự bại vong cả. Ngày xưa Phương Chính Mã Kỳ chỉ chuyên làm những sự hà ngược sinh linh lầm cát, thiên hạ oán thán: nào mồ mả của nhà ta, nào bắt vợ con của dân ta, kẻ chết hàm oan, người sống bị khổ. Lũ ngươi là những người xét rõ sự cơ, hiểu sâu thời vụ, vậy nên chém đầu Phương Chính Mã Kỳ đem đến cửa quan dâng nộp. Như vậy trong thành sẽ khỏi nạn cá thịt, trong nước sẽ khỏi vạ đau thương, hoà hiếu lại thông, can qua xếp nép. Nếu muốn rút quân về nước, ta hãy sửa sang cầu cống, mua sắm tàu thuyền, thuỷ lục hai đường, tuỳ theo ý muốn; quân ra khỏi cõi, muôn phần đảm bảo được yên ổn không lo ngại gì; nước ta lại phụng cống xưng thần, theo như lệ trước. Nếu không nghe lời ta như vậy, thì nên sắm quân dàn trận, ra giao chiến ở giữa bình nguyên để quyết một trận thư hùng để xem cái tài hơn kém, không nên ngồi rú một xó, bắt chước cái điệu bộ của đàn bà nữa.

(Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập)