Đã qua rồi một thời đổi mới - Trần Văn Thọ

Đã qua rồi một thời đổi mới

. Trần Văn Thọ

Việt Nam bây giờ giống như Nhật hồi giữa thập niên 1950. Giống ở chỗ đối diện với thời điểm chuyển tiếp giữa hai giai đoạn phát triển. Ở thời điểm đó nếu có tư duy mới, đồng thuận xã hội mới, chính sách, chiến lược mới thì sẽ bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đưa kinh tế đến một thứ nguyên cao. Còn ở thời điểm đó nếu vẫn giữ tư duy cũ, cơ chế cũ, chính sách cũ thì hiệu quả chỉ là kéo dài giai đoạn cũ, xã hội có thể trì trệ, phát triển với tốc độ thấp hoặc phát triển nhưng phải hy sinh môi truờng và bất ổn xã hội.

Qua hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu phát triển. Thu nhập đầu người tăng, mức sống người dân được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, vị trí của Việt Nam trên vũ đài quốc tế được nâng cao. Nhưng ta cũng thấy ngay những mất cân đối trầm trọng giữa phát triển và môi truờng, giữa nông thôn và thành thị, giữa người dân lao động và các thành phần khác. Ngoài ra có hai điểm rất quan trọng cần nhấn mạnh.

Một là, nhiều cơ chế, chính sách hình thành và tác dụng sâu đậm trong quá trình đổi mới nếu không thay đổi và vẫn tiếp tục áp dụng sẽ không đem lại sự phát triển bền vững cho Việt Nam. Chẳng hạn việc tuyển chọn quan chức ra làm việc nước. Sau 1975, rất nhiều người thiếu tiêu chuẩn về năng lực quản lý vẫn được bổ nhiệm vào các cương vị quan trọng, sau đó mới cho đi học tại chức để tiêu chuẩn hóa cán bộ. Cách làm này lẽ ra chỉ nên áp dụng trong thời gian ngắn, độ 9-10 năm, nhưng hiện nay vẫn tồn tại và chưa có chiều hướng chấm dứt. Chính sách nầy cũng đã làm cho hệ thống giáo dục đại học xuống cấp, nhiều đại học sống dựa vào học sinh tại chức, đạo đức học đường, quan hệ thầy trò bị đảo lộn. Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho giai đoạn tới gặp khó khăn. Một ví dụ khác nổi lên trong quá trình đổi mới là chính sách đối với doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước. Trong một thời kỳ nhất định, sự hiện diện của các hình thái kinh tế nầy có thể được chấp nhận nhưng rõ ràng nếu từ nay hình thái nầy vẫn tiếp tục kéo dài thì thị trường không phát triển lành mạnh, đặc quyền đặc lợi phát sinh, sự bất công giữa các thành phần kinh tế trầm trọng hơn nữa.

Đây chỉ là vài thí dụ. Còn rất nhiều cơ chế, chính sách khác nữa đã lỗi thời và đang trở thành lực cản cho bước phát triển mới.

Hai là, đổi mới trong hơn 20 năm qua là một quá trình mò mẫm rất mất thời gian, tuy là ở giai đoạn đó chuyện mò mẫm là không tránh được. Chính thức đổi mới bắt đầu từ năm 1986 nhưng nhiều vấn đề được dò dẫm từ nhiều năm trước mà khoán trong nông nghiệp là trường hợp điển hình. Luật đầu tư nước ngoài, Luật doanh nghiệp, và nhiều đạo luật khác hầu như năm nào cũng có sửa đổi. Điều đó cho thấy không có sự mạnh dạn trong cải cách. Do đó quá trình đổi mới của Việt Nam cho đến nay mất gần 30 năm (kể cả thời gian dọ dẫm trước khi công bố chính sách vào năm 1986). Ta có thể kéo dài lối tư duy tiệm tiến, thận trọng, mất nhiều thời gian như trong thời kỳ đổi mới không? Vào lúc mới bắt đầu đăt ra kế hoạch phát triển, Hàn Quốc là một trong những nước có thu nhập đầu người thấp nhất thế giới mà chỉ sau có 35 năm họ đã trở thành thành viên khối OECD, là tổ chức của những nước tiên tiến. Ta đã qua gần 35 năm sau khi hoà bình lập lại và sự nghiệp thống nhất được thực hiện, và đã gần một phần tư thế kỷ từ lúc khởi động chính sách đổi mới, nhưng ta vẫn còn đứng trước ngưỡng cửa 1.000 USD (GDP đầu người) với những mất cân đối trầm trọng như đã nói.


Như vậy, vấn đề của chúng ta hiện nay là gì thì đã quá rõ. Ta không thể kéo dài tư duy của thời đổi mới, không thể tiếp tục các chính sách hình thành và triển khai trong thời kỳ đổi mới. Chúng ta không đoạn tuyệt với quá khứ nhưng phải mạnh dạn dứt bỏ những chính sách, cơ chế không thích hợp và tìm một tư duy, một sự đồng thuận mới cho giai đoạn phát triển mới của VN.

Năm mới, ta thử đề khởi ý tưởng là mọi người nên bắt đầu bằng một suy nghĩ, một nhận định tóm tắt bằng cụm từ Đã qua rồi một thời đổi mới. Bây giờ là lúc ta cần bàn đến tư duy chiến lược mới, cơ chế mới và sự đồng thuận mới của xã hội để đưa đất nước tiến vào một giai đoạn mới, giai đoạn thực sự giàu mạnh và bền vững.

Đã qua rồi một thời đổi mới!

Trần Văn Thọ