Một hành động vô lại -- Lê Diễn Đức


Bắt luật sư Định:

Một hành động vô lại,

một thách thức mới


Lê Diễn Đức
15.06.2009


Lý do bắt anh được Phó Tổng cục An ninh Vũ Hải Triều cho biết là theo “điều 88, Bộ Luật hình sự, do có các hành vi cấu kết với bên ngoài chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.

Vũ Hải Triều cũng cho hay “đã thu được nhiều tài liệu, chứng cứ” và “luật sư Định hoạt động chống nhà nước từ nhiều năm nay”.

Tiếp theo là loạt các cáo buộc, như luật sư Định gặp một số người mà phía nhà cầm quyền Hà Nội cho là thù địch, phản động; lợi dụng bào chữa cho những người hoạt động dân chủ như Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Điếu Cày để biến toà án thành nơi công kích chế độ; lợi dụng vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, bauxite Tây Nguyên, v.v… để kích động dư luận chống đối chính quyền.

Bản tin cũng cho hay, luật sư Định đã “viết bài có nội dung bôi nhọ một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong đó tập trung vào Thủ tướng” và “luật sư này đã tích cực tham gia biên soạn cuốn sách mang tính chất cương lĩnh hành động của nhóm với tựa đề “Con đường Việt Nam” và trực tiếp soạn thảo “Tân Hiến pháp” gồm 9 chương 106 điều để chuẩn bị cho chính quyền mới sau khi lật đổ chính quyền hiện nay”.

Cũng theo Vietnamnet, điều 88 Bộ luật Hình sự quy định các tội danh như sau:

1) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

2) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;

3) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.

Thử biện hộ cho luật sư Định:

1) “Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân”

Tôi cho rằng tập đoàn cộng sản Ba Đình sẽ không chứng minh được luật sư Lê Công Định “tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân”.

Bản thân tập đoàn cộng sản Ba Đình tự tôn cho mình cái tên “chính quyền nhân dân” đã là hết sức bôi bác, láo lếu, trơ trẽn. Nhân dân nào? Đảng cử, bắt dân đi bầu biểu diễn cho vui, phe đảng dựng lên bộ máy cai trị mà là “chính quyền nhân dân” cái nỗi gì?

Đây là một tập đoàn maphia, phản bội lại giai cấp công nhân và nhân dân lao động, tham nhũng đầy mình, ô nhục nhất trong lịch sử Việt Nam vì đã bán đứng quyền lợi của đất nước, danh dự của Tổ tiên cho Bắc Triều để kiếm tiền bỏ túi.

Tập đoàn này không đáng “phỉ báng” sao?

Nhưng ngay cả như thế, là người trí thức ôn hoà, luật sư Lê Công Định chưa bao giờ thái quá trong thái độ, cũng như trong ngôn ngữ của mình. Ngược lại những phân tích, nhận định của anh về thể chế chính trị của đảng cộng sản Việt Nam luôn nghiêm túc, trong sáng, nhân bản và xây dựng.

Ta hãy xem vài ý kiến của anh:

- “Sự thành công của đa nguyên kinh tế đang đòi hỏi một mô hình khác của đa nguyên chính trị. Liệu Đảng Cộng sản dám chấp nhận thách thức của thời đại, vì quyền lợi chung của dân tộc, đưa nền chính trị đa nguyên hiện tại dấn thêm một bước?

Làm được điều đó là vượt qua cái bóng của chính mình và sẽ để lại tiếng thơm muôn đời. Bản lĩnh và trí tuệ của một đảng cầm quyền là nhận thức được bước ngoặt lịch sử này để quyết đoán đề ra và thực thi một sách lược thích hợp.

Ngược lại, nếu cứ cố thủ trong những thành trì lý luận lung lay sẽ càng chuốc thêm thất bại tất yếu của lịch sử, mà có khi phải trả giá bằng máu của biết bao nhiêu người”.
[Trích “Tại sao không nên sợ đa nguyên”, BBC, 13/4/2006]

- “Việc điều hành hệ thống quản lý nhà nước với cơ chế thông qua những quyết sách quan trọng và bầu chọn nguyên thủ quốc gia, mà trên thực tế do một đảng chính trị quyết định, dù là đảng cầm quyền, một lần nữa cho thấy Đảng, chứ không phải nhà nước, đang cai trị quốc gia. Thể chế chính trị như vậy, trong ngành chính trị học, được định danh là “đảng trị”, chứ không phải “pháp trị”. [Trích “Bàn về chính danh trong thể chế pháp trị”, BBC, 04/7/2006].

- “Thách thức lớn nhất của thời đại -WTO là, chính phủ có đủ dũng khí thực hiện những thay đổi cần thiết nhằm tự nâng mình và nâng cả dân tộc lên một tầm cao mới hay không. Hơn bao giờ hết, chúng ta thật sự cần những nhà kỹ trị trong bộ máy lãnh đạo quốc gia. Không có họ, khó có thể có được một chính quyền chuyên nghiệp, quản trị quốc gia một cách khoa học. Trở ngại ở đây là lề lối lựa chọn nhân sự cho vị trí lãnh đạo các cơ quan công quyền.” [Trích “Tầm vóc thuyền trưởng, tầm vóc dân tộc”, Tuổi Trẻ, 15/12/2006].

- “Trong lần đọc lại sử sách nước nhà năm nay, không hiểu vì sao tôi lại quan tâm nhiều đến các nhân vật “thân bại danh liệt” như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống và Hoàng Cao Khải, rồi tự hỏi không biết 30 năm nữa, nếu còn sống, tôi sẽ biết thêm những cái tên nào tương tự như vậy trong lịch sử hiện đại của dân tộc. Bất giác tôi cầu mong điều đó đừng xảy ra…” [Trích “Đọc sử để nhìn lại hôm nay”, BBC 205//2009]

2) “Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân”

Tôi rất thích câu nói của nhà trí thức dân chủ Adam Michnik, cựu lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết Ba Lan, hiện là tổng biên tập nhật báo Ba Lan lớn nhất Gazeta Wyborcza, nói tại Cuộc toạ đàm “Trí thức và Dân chủ” tổ chức ở Moskva vào ngày 4 tháng 3 năm 2009:

“Đối với người trí thức thì chính trị là lựa chọn mang tính đạo đức. Người trí thức bước vào chính trị là để lấy sự thật chống lại dối trá của bộ máy, lấy sức mạnh của niềm tin chống lại thói vô nguyên tắc của bộ máy”.

Tôi nghĩ rằng, anh Lê Công Định đã lựa chọn chính trị vì lý do nói trên. Tuy nhiên, điều càng tôi quý trọng anh hơn, đó là anh phải đối diện trực tiếp với bạo quyền ngay trong nước, hiểm nguy luôn luôn rình rập. Sự can đảm của anh cao hơn gấp nhiều lần những người sống ở nước ngoài, như tôi.

Ta hãy nghe anh chuyển đạt đến mọi người tiếng nói chân tình, những trăn trở trước xã hội, mà tập đoàn maphia, những tên cướp ngày gọi là “luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân”:

- “Vì nhu nhược, chúng ta không dám phản kháng thói hạch sách, nhũng nhiễu của lớp quan lại mới, chấp nhận dùng tiền vượt qua trở ngại. Đến khi nhìn lại, quốc nạn tham nhũng và quan liêu đã lan tràn, bất trị.

Vì nhu nhược, chúng ta che tai không dám nghe lời nói ngay thẳng, mặc nhiên dung túng sự dối trá và xu nịnh. Đến khi bừng dậy, đạo đức đã suy đồi, khó sửa.

Vì nhu nhược, chúng ta hài lòng với những gì đang có, cố tin vào sự ổn định giả tạo, đắm mình vào những lễ hội vô nghĩa liên miên. Đến khi nghĩ lại, xung quanh đã đầy dẫy ung nhọt, không còn thuốc chữa.

Vì nhu nhược, chúng ta bịt mắt trước những bước đi vũ bão của các dân tộc láng giềng. Đến khi tỉnh ngộ, sự tụt hậu quá rõ ràng, không còn cơ may rút ngắn khoảng cách.

Để che giấu mặc cảm do nhu nhược, khắp nơi người ta kể nhau nghe những bài vè châm biếm hoặc lớn tiếng dè bỉu chuyện cung đình tồi tệ, nhưng lại trong… quán nhậu! Chí khí kiểu “sĩ phu Bắc Hà” ấy liệu sẽ giúp ích được gì cho công cuộc chấn hưng đất nước đang lúc cần hào khí Diên Hồng năm xưa?”
– [Trích bài “Trả lại hào khí Diên Hồng”, báo Pháp Luật Tp. HCM ngày 5/3/2006].

- Dân trí chỉ có thể được “khai hóa” khi người dân được cung cấp kiến thức và thông tin đa chiều để tự mình thẩm định và tiếp nhận nội dung của kiến thức và thông tin ấy. Trường lớp, một công cụ của giáo dục, chỉ thủ giữ vai trò hướng dẫn và cung cấp phương pháp tư duy và phân tích cho đối tượng của nền giáo dục. Người dân, khi tranh luận, thậm chí thách thức, những kiến thức và thông tin sai lệch sẽ không gặp rắc rối về phương diện pháp lý với nhà cầm quyền, hay tối thiểu cũng nhận được sự bảo đảm và bảo vệ của luật pháp. Chỉ như vậy thì nền giáo dục mới hoàn thành được trọng trách “khai dân trí” của mình. [Trích bài “Khai dân trí”, http://www.tiasang.com - hiện không còn hoạt động].

3) “Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.

Tôi tin rằng, những cái gọi là “tài liệu, văn hoá phẩm” được nói đến là những bài báo, bài viết của anh Lê Công Định được đăng công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên cả báo trong nước dưới sự kiểm soát của Đảng. Có thể có thêm thư từ điện tử với người quen, bè bạn trao đổi về dân chủ xã hội, về nhân quyền, về những bức xúc trước tình trạng bất hạnh hiện nay của đất nước…

Chúng ta chẳng mảy may ngạc nhiên khi tập đoàn Ba Đình cho rằng tất cả những tài liệu trên “có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Đây là kiểu cả vú lấp miệng em, vu khống trắng trợn, gắp lửa bỏ tay người.

An ninh, viện kiểm soát, toà án của cái gọi là ngành Tư pháp CHXHCN Việt Nam đã học nằm lòng, sẵn sàng áp đặt cho bất kỳ ai “chống đối nhà nước” chỉ cần họ nêu lên chính kiến khác với Đảng cầm quyền, hoặc vạch ra cho dân chúng biết được sự thật xấu xa của đội quân đạo tặc đội lốt “đầy tớ nhân dân”.

Một điều khôi hài cho màn gán tội là, những chứng cứ trong các trường hợp dính dáng đến chính trị, tranh đấu dân chủ đều bị nhà cầm quyền giấu như mèo giấu cứt.

Bị tung hoả mù, dư luận trong nước không có cơ hội phân tích, phản biện, bào chữa và vì thế một bộ phận đông đảo dân chúng vì thiếu thông tin bị ngộ nhận về người bị xử oan. Đây là thứ an ninh, viện kiểm soát, toà án lưu manh và vô nhân đạo.

Là một luật sư, thành viên của Hội luật sư châu Á, anh Lê Công Định có quyền viết sách về lĩnh vực tư pháp, phác thảo bản “Tân Hiếp Pháp” hay gì đó. Đây có thể là thú vui, là cảm hứng sáng tác, là suy ngẫm xuất pháp từ bệnh nghề nghiệp. Gán cho anh “chuẩn bị cho chính quyền mới sau khi lật đổ chính quyền hiện nay”, không có gì khác hơn là sự ấu trĩ, ngu xuẩn.

Kết luận

Có sự trùng hợp trong vụ này: Lý Nguyên Triều, nhân vật chóp bu của Ban tổ chức Đảng cộng sản Trung Quốc đang có mặt tại Việt Nam.

Nghe theo lệnh thầy? Món quà tặng thầy?

Không có gì hợp lý hơn cho câu trả lời: “Đúng như vậy!”.

Tao đã chịu nhục thì cả dân tộc này cũng phải chịu nhục theo! Thằng nào ngẩng cao đầu, thằng đó sẽ lãnh đủ! – Nguyên lý đầy đủ nhất hiện nay của Ba Đình.

Qua các sự kiện Hoàng Sa, Trường Sa và đỉnh cao là vụ Bauxite Tây Nguyên, tập đoàn Ba Đình đã nhìn thấy nguy cơ phản kháng của giới trí thức Việt Nam bắt đầu lan rộng lên toàn xã hội, mà biểu hiện gần nhất đây, 19 em học sinh phổ thông ở Hà Đông đã ký tên vào danh sách kháng nghị.

Giới cầm quyền độc tài không sợ những phản ứng nổi loạn tự phát mà sợ nhất sự chống đối của dân chúng có tổ chức. Người Việt chúng ta thường hèn nhát khi đơn độc nhưng lại rất anh hùng khi có đám đông. Khi cả đám đông vùng lên, tất cả đều có thể là anh hùng!

Adam Michnik có nói rằng, mọi cuộc cách mạng đều từ trên xuống, nhưng muốn có thành công phải có sức mạnh từ dưới lên.

Thời điểm nhạy cảm hiện nay có thể lĩnh hội cả hai điều kiện, khiến Nguyễn Tấn Dũng và bè đảng lo sợ và tìm cách dập tắt mọi khả năng tổ chức của giới trí thức Việt Nam từ trên xuống.

Một làn sóng bạo hành mới, bắt đầu từ luật sư Lê Công Định.

Một thử thách mới với trí thức Việt Nam có suy nghĩ và muốn tìm định hướng tương lai cho đất nước.

Nếu chúng ta đầu hàng, không cương quyết cùng nhân dân và dư luận thế giới chặn đứng bàn tay bán nước cầu vinh của Nguyễn Tấn Dũng và bè đảng, sẽ phải lâu lắm nữa chúng ta mới có cơ hội mới.

Ai biết được khởi điểm một cuộc đàn áp trí thức rất có thể sẽ là sự kết thúc số phận những tên độc tài, tham quyền, cố vị và phản bội dân tộc?