Thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương -- TS Lê Tuấn Huy


Thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương

TP. Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng Sáu 2009,

Kính thưa ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương,

Vào ngày tôi viết những dòng này nhưng lùi về trước một tháng, là thời điểm mà công luận đã sôi sục trước việc website Hợp tác Kinh tế Thương mại Việt Nam – Trung Quốc, do Việt Nam làm chủ tên miền, lại đi “nối giáo cho giặc” trong vấn đề biển đảo. Đến nay, thời gian đã trôi qua không phải là ít nhưng vẫn chưa một giải trình nào được công bố, chưa một xử lý nào được đưa ra, chưa một điều tra nào được tiến hành.

Trong ba động thái giả định mà tôi vừa nêu, không phải điều nào cũng nằm ngoài thẩm quyền và trách nhiệm của ông, đặc biệt là điều đầu tiên. Có lẽ tiếng nói chính đáng của công luận đã không được ông và bộ của ông nhìn nhận đúng mức.

Công bằng mà nói, trong chuyện này, Cục Thương mại Điện tử & Công nghệ Thông tin và Bộ Công Thương nói chung, cũng như bản thân ông nói riêng, dù có những trách nhiệm không thể bỏ qua, cũng không phải là những chủ thể duy nhất và đầu tiên liên can. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ông và bộ của ông có quyền coi thường dư luận yêu nước, bằng sự lặng lờ.

Kính thưa ông,

Tôi không là người sính việc “nâng quan điểm”, nhưng diễn tiến quanh chuyện website này cùng với sự lặng lờ đó đáng để phải hỏi rằng:

  • Ông, với tư cách một bộ trưởng trong Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, có cảm thấy có lỗi trước vong linh những người lính đã ngã xuống ở Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988, trước vong linh của những ngư dân Thanh Hóa đã chết thảm trên biển nhà năm 2005?
  • Ông, với tư cách một bộ trưởng trong Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, có cảm thấy hổ thẹn với hàng ngàn dân chài miền Trung hiện đang phải xếp ghe tàu vào bến trong mùa đánh bắt xa bờ?

Cũng hoàn toàn không thừa khi xin mạn phép hỏi ông những điều liên quan, rằng:

  • Ông, với tư cách Bộ trưởng Bộ Công Thương nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, có cảm thấy áy náy khi cùng với ngành hải sản, nhiều ngành khác của Việt Nam cũng đang chết đứng trước sự ách tắc “ngẫu nhiên” gây ra từ phía Trung Quốc, mà thuộc cấp của ông vẫn quan liêu ngồi đó, đợi báo cáo từ các địa phương?
  • Ông, với tư cách Bộ trưởng Bộ Công Thương nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, có cảm thấy liên đới với thái độ thiển cận của một thứ trưởng của ông khi vị này thả sức phỉ báng các nhà khoa bảng hàng đầu của đất nước có tên trong danh sách Kiến nghị ngày 12 tháng Tư, chỉ vì một trong những lo toan của những con người này là mối đe dọa an ninh quốc gia, với viễn cảnh không khác là mấy một khi “đối tác” đã “cắm dùi” lên cương thổ, so với những gì đang diễn ra trên Biển Đông khi họ đã cắm cái dùi đó vào cương hải tổ quốc?

Nếu ông cảm thấy “không” với tất cả những điều này, tôi xin miễn bàn. Nhưng nếu trong thâm tâm ông vẫn còn vọng lên một tiếng “có” yếu ớt nào đó, tôi mạo muội nghĩ rằng, khi đã hơn một tháng cái website “cõng rắn cắn gà nhà” đó bị phanh phui, nay là lúc chín muồi để ông tính đến chuyện từ chức.

Với tư cách bộ trưởng, việc tại nhiệm hay thoái nhiệm của ông thuộc quyết định của Bộ Chính trị. Thế nhưng, ông còn một tư cách khác, là tư cách con dân nước Việt.

Dù sẽ khó mà có chuyện ông bị quy trách nhiệm chính trị hay trách nhiệm hình sự, thì vẫn có một trách nhiệm khác mà ông không thể thoái thác, là trách nhiệm đạo lý.

Với trách nhiệm đạo lý của một con dân nước Việt, tôi thiển nghĩ từ nhiệm là cách duy nhất để giữ lấy liêm sỉ tối thiểu của một quan chức trước vụ việc tày trời như vậy, trong tình thế như hiện nay của nước nhà.

Lại xin thưa với ông,

Chỉ trong một chế độ toàn trị cực đỉnh, kẻ lãnh đạo mới cần và mới có thể tiêu hủy hoàn toàn sự tín nhiệm cần thiết của giới khoa bảng. Ngoài ra, ở bất kỳ xã hội nào, không có được sự thừa nhận đó, sẽ không có ai có được một mẩu nhỏ công chính nào trong cương vị của mình.

Mong ông suy xét.

Kính thư,

TS. Lê Tuấn Huy