Tự do như là mục tiêu, và cũng là phương tiện

15th Jun 2009

Tự do như là mục tiêu, và cũng là phương tiện

Copy comment của bạn Lê Nguyễn Duy Hậu trên blog anh Linh, mà mình hoàn toàn đồng tình.

1. Sống ở một đất nước có luật pháp, vi phạm pháp luật đồng nghĩa với bị trừng phạt. Anh Lê Công Định bản thân là một luật sư, ảnh hiểu rõ điều đó. Đó là lý do tại sao anh rất hợp tác và ung dung khi bị bắt. Anh Định nếu theo báo chí nói, thì anh đã được đi học một lớp về “đấu tranh bất bạo động”. Điều đó có nghĩa là anh hiểu rõ tinh thần bất bạo động là như thế nào:

“Nếu bị bắt, hãy chấp nhận ở tù” – đó là lời của Mahatma Gandhi nói với các đồng chí của ông. Cái lối đấu tranh này để cho mọi người hiểu rằng tôi dám làm dám chịu, vì niềm tin của tôi, rằng cái pháp luật đang trừng phạt tôi là vô lý, với tư cách là một con người, tôi từ chối làm theo. Nhưng với tư cách là một công dân, tôi sẽ chịu trừng phạt. Tôi nghĩ anh Lê Công Định là một người như thế.

2. Bạn nói về đa đảng và dẫn chứng Singapore. Singapore không phải là một ví dụ duy nhất. Đài Loan, Nhật Bản cũng có thể là một ví dụ, như hầu hết các nước châu Á khác. Một Đảng mạnh chiếm ưu và nắm quyền, nhưng không phải là vì pháp luật quy định như vậy, mà là do nó thực sự làm tốt. Việc pháp luật quy định cho 1 đảng nắm quyền mãi mãi, dùng cách nghĩ thông thường, cũng thấy là rất nguy hiểm. Nếu nó làm không tốt thì sao?

Các quốc gia ở Châu Á, tôi thường gọi là cơ chế điều chỉnh. Điều chỉnh ở chỗ nó tạo ra một lực lượng phản biện có tổ chức và đủ mạnh để giảm bớt tính độc đoán của Đảng cầm quyền. Việc NDP của Nhật thất cử vào năm 1997 đó chính là hệ quả của cơ chế điều chỉnh này. Cái mà Lê Công Định muốn, tôi tin là một mô hình như thế.

4. Tôi đồng ý là có đôi khi nền dân chủ của nước Mỹ khiến cho chúng ta nghi ngờ về hiệu quả của dân chủ… Đó cũng là nỗi lo của các nhà lập hiến Hoa Kỳ. Do đó họ mới sinh ra cái gọi là phiếu đại cử tri. Họ sợ cái gọi là majority dictatorship, nền độc tài của số đông. Quan điểm của nước Mỹ theo tôi biết vẫn luôn là đảm bảo quyền lợi cho tất cả chứ không chỉ là cho đa số. Câu chuyện về extra credit của bạn rất thú vị, nó sẽ là một ví dụ đáng tham khảo về nền dân chủ, tôi cũng từng đặt vấn đề với các giáo sư luật của Mỹ, về lifetime term của justices, hay presidential nomination… câu trả lời có thể là nhiều, nhưng tựu trung lại vẫn là: “Suốt 300 năm qua, nó vẫn hoạt động tốt”. Thực sự những người lập hiến Mỹ không tin rằng Hiến pháp của họ sẽ tồn tại quá 10 năm, thành công này là một bất ngờ. Với tinh thần thực dụng, có lẽ người Mỹ không mong đợi gì hơn :).

5. Dân chủ đúng là chỉ hoạt động tốt với một nền dân trí cao. Nhưng nếu như chỉ vì lý do đó mà chúng ta né tránh, lên án, thậm chí là truy đuổi dân chủ thì đó cũng là điều không tốt. Thực sự nhiều lúc tôi suy nghĩ, sự phát triển kinh tế hiện nay có phải là một tấm gương tốt để khuyến khích các nhà nước độc đảng? Nhớ lại lịch sử thì Fascist Đức cũng từng là tấm gương cho các quốc gia noi theo vì sự thần kì của nền kinh tế tập trung và bàn tay sắt. Nhưng lịch sử như thế nào thì ai cũng rõ. Đồng ý là dân chủ sẽ có nguy cơ loạn như Thái Lan hay Philippines hiện nay, nhưng dân chủ ở Việt Nam cũng có thể sẽ giống như ở Hàn Quốc (chỉ dân chủ thực sự từ 1980 và phát triển cho đến nay) hay Nhật Bản? Họ cũng là những nước chưa có kinh nghiệm về dân chủ cho đến khi những thập niên 80.

Nếu như nói con người chưa đủ trình độ để xứng đáng có một nền dân chủ thì quả thực thì thiết nghĩ cũng đừng nên cho họ quyền được đi bầu cử và nên chăng chúng ta giải tán Quốc hội… sự lựa chọn của một dân tộc có dân trí thấp?

Chúng ta đều tin rằng dân chủ là điều tốt, nhưng những tấm gương của Pakistan, Thái Lan khiến chúng ta sợ. Tôi cho rằng đó cũng là yêu nước. Nhưng điều đó đâu có nghĩa là chúng ta lại truy đuổi nhau chỉ vì trái quan điểm?

6. Các bạn hay lấy ví dụ về việc FBI bắt người… nhưng tôi tin chắc rằng FBI sẽ không bao giờ làm như thế với 1 nhân vật bất bạo động như Lê Công Định. Tôi có thể trích ra đây ít nhất 3 án lệ tiêu biểu của US Supreme Court mà ở đó, các thẩm phán đã bảo vệ cho những người cộng sản Hoa Kỳ kêu gọi lật đổ nền độc tài đế quốc Mỹ. Họ gọi đó là Freedom of Speech. Việc làm của Lê Công Định không thể gọi là khủng bố được, đó là đấu tranh cho cái quyền mình đáng được có.

7. Chúng ta hay nói Lê Công Định có mưu đồ lật đổ. Nhưng lật đổ chỉ xảy ra trong một cuộc cách mạng. Lê Công Định không làm cách mạng, anh đấu tranh bất bạo động. Và cái mà Lê Công Định hướng tới là một đòi hỏi Dân chủ hơn mà thôi.

Anh không bao giờ phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, anh chỉ không chấp nhận sự độc quyền lãnh đạo theo Hiến pháp của Đảng mà thôi. Anh muốn Đảng phải lãnh đạo bằng tài năng chứ không phải bằng một quyền do pháp luật trao cho, vì như tôi đã nói, như vậy là không công bằng. Nếu hiểu như vậy, tôi tin rằng người ta sẽ không coi anh là một tên phản quốc.

Trong một vụ án xét xử một đảng viên cộng sản của Hoa Kỳ, thẩm phán Louis Brandeis đã nói rằng:

“Những người đã giành độc lập cho Tổ quốc chúng ta tin tưởng rằng, mục đích sau cùng của Nhà nước là giúp cho con người tự do phát triển những tố chất của bản thân. Và rằng trong chính phủ, sự thiện chí đối thoại phải chiến thắng bạo lực hung tàn. Họ trân trọng tự do như là một mục tiêu, và cũng là phương tiện để đạt được mục tiêu đó. Họ tin rằng tự do chính là bí mật của hạnh phúc, và lòng dũng cảm là bí mật của tự do. Họ tin tưởng rằng: được quyền suy nghĩ như mình muốn và được nói lên những gì mình suy nghĩ là quyền bất khả phân, và là chìa khóa để tìm ra chân lý chính trị. Rằng nếu không có tự do ngôn luận, những cuộc hội họp chỉ là vô bổ. Rằng thông qua tranh luận, những ý tưởng học thuyết điên rồ sẽ bị đánh bại. Rằng kẻ thù lớn nhất của tự do chính là những con người bất động, vô tâm. Rằng tự do ngôn luận là nghĩa vụ chính trị và giá trị căn bản của chính quyền Mỹ…”

Tôi cho đây là một tuyên ngôn có tính toàn cầu.

Nguồn: http://www.today20.net/