Tranh luận với Thủ tướng -- Lê Công Định


Tranh luận với Thủ tướng

Lê Công Định

Luật sư, TP. HCM

BBC - 16 Tháng 2 2007

Việc một nguyên thủ quốc gia lần đầu đối thoại trực tiếp với dân chúng là bước tiến vượt bậc trong sinh hoạt chính trị ở một xã hội mà sự đối thoại giữa chính trị gia và người dân không phải là chuyện quen thuộc.

Có thể nói về phương diện PR (public relations), đó là một thành công đáng kể. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gây ấn tượng tốt trong mắt mọi người về phong cách năng động và tính quyết đoán.

Tôi cũng háo hức theo dõi buổi đối thoại, và với tính lạc quan vốn có, tôi không ngạc nhiên về cách lựa chọn câu hỏi và sự chuẩn bị cẩn thận câu trả lời của Thủ tướng. Có một câu hỏi mà tôi đặc biệt chú ý, đó là vấn đề mà bạn Phạm Dương Quốc Tuấn đặt ra. Theo báo Tuổi Trẻ online, bạn Tuấn hỏi rằng: “Vì sao Thủ tướng lại ký chỉ thị nghiêm cấm tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức? Như vậy có đi ngược lại mục tiêu tự do dân chủ mà Thủ tướng phấn đấu hay không?”

Thủ tướng không tránh né, mà trái lại đã trả lời thẳng thắn và khéo léo câu hỏi trên, trong đó ông xác nhận đã thay mặt Chính phủ ký chỉ thị tăng cường quản lý báo chí. Theo ông, chỉ thị này “phù hợp với pháp luật Việt Nam” vì “pháp luật nước ta chưa cho phép tư nhân hóa báo chí” và hơn nữa “phù hợp với tuyệt đại đa số nguyện vọng của nhân dân, đồng bào ta.”

Tiếc rằng trong buổi đối thoại ấy thính giả không có cơ hội tranh luận trực tiếp với Thủ tướng về những câu trả lời của ông, có thể vì ông bận mà câu hỏi lại quá nhiều, nhưng giá mà Thủ tướng sẵn sàng tranh luận thì thính giả ắt sẽ hài lòng hơn. Dù không có cơ hội đó, tôi vẫn mạn phép tranh luận gián tiếp với Thủ tướng vậy.

Thứ nhất, Thủ tướng nói rằng luật pháp Việt Nam chưa cho phép tư nhân hóa báo chí. Điều này có vẻ đúng, nhưng thật ra không đúng. Khác với các chế độ quân chủ chuyên chế trước đây, ở những thể chế dân chủ, người dân được quyền làm những gì luật pháp không cấm. Việc ngăn cấm, nếu có và đặc biệt liên quan đến quyền tự do của công dân, phải được minh thị trong bản văn lập pháp do quốc hội ban hành. Nền dân chủ thực chất không bao giờ chấp nhận quan niệm chờ khi luật cho phép thì người dân mới được làm, vì điều này tạo cơ hội dễ dàng cho nhà cầm quyền công nhiên tước đoạt quyền tự do của công dân. Quan niệm như vậy sẽ khiến luật pháp trở nên thiếu minh bạch trong khi chính sự minh bạch của hệ thống pháp luật là một trong những nguyên tắc cơ bản mà Việt Nam đã cam kết thực hiện khi tham gia WTO.

Thứ hai, quyền tự do của công dân, bao gồm cả quyền tự do ngôn luận, là những quyền tự nhiên mà nhà cầm quyền phải công nhận trong hiến pháp một cách long trọng, những quyền ấy không cần sự ban phát của ai hoặc phải xin xỏ ai mới có. Sự thủ đắc các quyền tự do là chuyện đương nhiên một khi công dân hội đủ điều kiện để được xem có năng lực hành vi, chẳng hạn tròn 18 tuổi và không mắc bệnh tâm thần. Hiến pháp Việt Nam hiện hành long trọng ghi nhận tất cả quyền tự do của công dân. Không một ai trong bộ máy công quyền có quyền ngăn cấm hoặc gây trở ngại cho việc hành xử các quyền này với bất kỳ lý do nào.

Thứ ba, cơ quan hành pháp, bao gồm cả chức vụ Thủ tướng, trong phạm vi thẩm quyền tối đa của mình có nghĩa vụ thực thi hiến pháp và luật pháp khi điều hành quốc gia. Các quyết định và chỉ thị được ban hành bởi ngành hành pháp, tức quyền lập quy, chỉ phục vụ mục đích ấy mà thôi, chứ không được sử dụng để công nhận hay bác bỏ quyền của công dân, dù trực tiếp hay gián tiếp. Tự ý trao cho mình thẩm quyền bác bỏ các quyền tự do của công dân bằng một bản văn lập quy là hành động vi hiến cần phải tránh nếu không sẽ tạo tiền lệ xấu cho nền dân chủ pháp trị còn phôi thai. Một cách chân thành, tôi nghĩ cần phải xem xét lại năng lực và chức vụ của những vị cố vấn nào đã tham mưu cho Thủ tướng ban hành một văn bản vi hiến như vậy.

Cuối cùng, khi nói đến nguyện vọng của nhân dân, không thể nói chung chung mà thiếu cơ sở tham chiếu cụ thể. Nguyện vọng của toàn dân chỉ được thể hiện và ghi nhận qua cơ chế trưng cầu dân ý. Việt Nam chưa có luật về trưng cầu dân ý và cũng chưa bao giờ tổ chức trưng cần dân ý, vậy làm sao biết được nguyện vọng của nhân dân để mà nhân danh hoặc nói thay? Nếu ý kiến của người dân về quyền tự do của họ hoặc về quyết sách lớn ảnh hưởng đến vận mệnh quốc gia chưa được thu thập thông qua một cơ chế dân chủ như trưng cầu dân ý thì nhà cầm quyền không thể tự ý tuyên bố quyết định của mình phù hợp với nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân. Nhận bừa một cách thiếu cơ sở sẽ khiến người dân dị nghị về thái độ nghiêm túc và đức tính trung thực của nhà cầm quyền vì họ không còn thơ ngây và dễ tính như trước đây. Một lần nữa, các vị cố vấn soạn thảo trước câu trả lời của Thủ tướng đã thiếu cẩn trọng chính trị cần thiết.

Tóm lại, buổi đối thoại của Thủ tướng vào ngày 9/2/2007 là một chuyển biến đáng kể nhằm cổ vũ phong cách làm việc dân chủ mới trong sinh hoạt chính trị tại Việt Nam.

Với tinh thần dân chủ đó, tôi mạo muội góp vài ý kiến tranh luận nêu trên. Nếu chống tham nhũng không có bất kỳ vùng cấm nào, như Thủ tướng đã tuyên bố gần đây, thì tăng cường dân chủ xã hội cũng vậy, không thể có bất cứ vùng cấm nào cả. Rất mong nhận được thái độ cầu thị của Thủ tướng.