Bài Bào Chữa Cho
Công Lý Ở Thái Hà (2)
(Xét trên bình diện luật pháp )
Ngày 8/12/2008, Tòa án Nhân dân Quân Đống Đa mở phiên tòa xét xử 8 bị cáo phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” và “Hủy hoại tài sản” theo điều 245 và Điều 143 Của Bộ Luật Hình sự nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam (BLHS). Tiếp theo sau bài bào chữa xét trên bình diện công lý và đạo đức, nay căn cứ theo luật pháp của Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tôi xin nêu ra sau đây 10 điểm để khẳng định những cáo buộc đối với những bị cáo đó là hoàn toàn sai trái:
1. Thứ nhất là: Các bị cáo bị truy tố về Điều 245 BLHS về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Định nghĩa của tội này rất rõ: “Gây rối trật tự công cộng là hành vi làm náo động trật tự ở nơi công cộng” . Thực tế giáo dân cầu nguyện rất trang nghiêm nên gán ghép vào tội này là sai. Mặt khác Điều 9 Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo quy định: “Người có tín ngưỡng được tự do bày tỏ đức tin, thực hành các nghi thức cầu nguyện và tham gia các hình thức sinh hoạt của tôn giáo mà mình tin theo”. Nói thẳng ra, tòa án đang dùng điều 245 BLHS để xử việc dân cầu nguyện, nghĩa là xử Điều 9 Pháp lệnh về Tín ngưỡng - Tôn giáo. Họ chỉ là nạn nhân của một phương thức đàn áp tôn giáo tinh vi.
2. Thứ hai là: Các bị cáo bị truy tố Điều 143 về tội: “Hủy hoại tài sản”. Hủy hoại theo Định nghĩa chính thức là: “Huỷ hoại là phá cho tan nát, làm hư hỏng hoàn toàn” . Thực tế bức tường mới bị nhà nước xóa sổ hoàn toàn còn cáo trạng xác nhận là đã bị phá hủy 3m với giá trị 3.479.990 do khoảng 300 người cùng tham gia. Do giá trị tài sản dưới 500,000 đồng cho mỗi bị cáo nên họ không phạm tội hủy hoại tài sản theo luật. Nhà nước đã dùng tình tiết “có hậu quả nghiêm trọng” để cố tình truy tố họ với tội danh trên. Như vậy phải nói thẳng ra, Tòa án thấy việc cầu nguyện là nghiêm trọng và xét xử họ vì tính chất đó chứ không phải là do hủy hoại bức tường. Điều này phải thừa nhận thẳng thắn vì nếu loay quay về mặt luật pháp thì sai sẽ càng sai bởi chưng sau một thời gian điều tra công an đã phải thừa nhận là không thể cấu thành được tội hủy hoại tài sản .
3. Thứ ba là: Khi xem xét một hành vi phạm tội luật pháp đòi buộc phải tìm hiểu nguồn gốc, động cơ và mục đích của tội phạm. Khu đất ở 178 Nguyễn Lương Bằng là thuộc quyền sở hữu của Giáo xứ Thái Hà và đã bị các cơ quan chiếm đoạt và sử dụng trái phép và có nguy cơ bị tham nhũng, chia chác. Khu đất này có nguồn gốc tạo thành một cách hợp pháp cả về pháp lý lẫn thực tế . Công ty May Chiến Thắng chiếm dụng bất hợp pháp thì mọi thứ được xây dựng phía trên khu đất ấy nếu không được sự đồng ý của chủ nhân thật sự của khu đất đều là xây dựng bất hợp pháp, cần phải tháo dỡ. Luật pháp buộc UBND Hà nội cần phải có quyết định ghi nhận việc sử dụng khu đất này và giao lại cho Dòng Chúa Cứu Thế sử dụng . Động cơ và mục đích của những giáo dân này không phải là tạo sự náo động hoặc cố tình hủy hoại cho tan nát tài sản, để phá phách mọi thứ mà là cố gắng dỡ bỏ bức tường để vào dọn dẹp, làm sạch và đặt tượng cầu nguyện.
4. Thứ bốn là: Nói đến vi phạm pháp luật là phải nói đến hành vi và thái độ khi thực hiện hành vi . Các bị cáo hôm nay không có một hành vi cụ thể nào theo luật định để phạm vào tội gây rối trật tự công cộng cả ngoài việc cầu nguyện. Khi gỡ bỏ bức tường để và cầu nguyện là họ tin vào hành vi của mình làm là đúng. Khi đang làm thì hoàn toàn không có sự câu kết chặt chẽ, không ai tổ chức, không ai xúi giục, không ai giúp sức mà chính tự trái tim thúc giục mà thôi vì các giáo dân cho rằng đó là hành động tốt đẹp. Bởi vậy nếu kết án những người dân này thì chẳng đem lại kết quả răn đe gì. Đối với người công giáo thì khi đã tin mình vô tội. Dù có bị kết án thì họ vẫn là người công chính trước mặt Thiên Chúa và sẵn sàng đối mặt với mọi thử thách. Thậm chí các giáo dân còn coi sự hy sinh của mình là được Chúc phúc.
5. Thứ năm là: Nói đến vi phạm pháp luật là nói đến hậu quả xảy ra. Hậu quả thực tế của các hành vi cầu nguyện này là không có. Một hành vi chỉ bị coi là tội phạm nếu có: Hành vi xảy ra, có hậu quả xảy ra và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả. Bức tường cuối cùng cũng đã bị mất đi hoàn toàn do nhà nước, đất đai đã bị Nhà nước lấy đi . Theo cáo trạng là Công ty May Chiến Thắng bị thiệt hại nhưng hàng loạt các văn bản thực tế đã chứng minh sự thiệt hại là không hợp pháp, hợp lệ . Hàng ngàn người cầu nguyện rất lâu sau đó không hề có một biểu hiện nào chửi bới, trộm cắp hay làm mất mát bất cứ một thứ gì của công ty. Chỉ có một hậu quả ghê gớm là nếu những bị cáo này bị kết án bất công, hình ảnh Việt Nam sẽ bị suy giảm trầm trọng và cuộc đấu tranh cho công lý vẫn tiếp tục âm ỉ lâu dài.
6. Thứ sáu là: Nói đến tội phạm là phải nói đến nhân chứng, vật chứng. Đây là một vụ án không có vật chứng và nhân chứng thì có dấu hiệu thiên vị vì chỉ mời những người cốt cán trong chính quyền hoặc có thái độ kỳ thị công giáo. Thông thường những vụ gây rối trật tự hay hủy hoại tài sản thì vật chứng là hiển nhiên và được thu thập rất nhiều. Vì vật chứng là “Vật có giá trị chứng minh tội phạm” . Trong trường hợp này bức tường không còn nữa vì Nhà nước đã cho biến mất; Kìm cắt dây thép gai, gậy gộc, ván gỗ dùng để phá tường không có; Trong cáo trạng ghi rõ mục: Tang vật: Không !. Thực tế chỉ có một đoạn phim quay trên TV. Đoạn phim đó chỉ có giá trị tuyên truyền chứ không có giá trị chứng minh theo luật. Bởi vì nếu để gọi là chứng cứ thì phải thu thập hợp pháp, phải giao nộp cho cơ quan điều tra, có biên bản, có sự chứng kiến và giám định là đúng (nếu được yêu cầu..) thì mới coi là có chứng cứ. Vụ án không có vật chứng khẳng định sự bấp bênh trong buộc tội nhưng lại tố giác những nhân viên an ninh đã phạm tội vì họ chỉ cố gắng dùng máy ghi hình mà không ngăn chặn tội phạm đang xảy ra theo quy định của pháp luật;
7. Thứ bảy là : Các cơ quan tố tụng có dấu hiệu rõ ràng phạm tội “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” theo điều 294 của BLHS. Hành động xịt hơi cay, đập phá nhà nguyện gãy cổng, gây náo loạn, đánh người già đổ máu, trẻ em ngất, hất chất thải lên bàn thờ tượng Đức Mẹ … đều là vi phạm pháp luật hình sự và có cấu thành tội: “Gây rối trật tự công cộng rất rõ ràng” nhưng cho đến nay chưa có ai làm việc đó bị khởi tố cả . Trong khi đó lẽ ra những giáo dân cần phải được tuyên dương vì đã có công phát hiện và đập tan một âm mưu tham nhũng đất đai lớn. Việc làm của họ là yêu nước vì họ đang tham gia tiễu trừ quốc nạn. Nhà nước muốn tiếp tục cầm quyền thì nên khen thưởng họ chứ không phải bỏ tù họ.
8. Thứ tám là:Các cơ quan tố tụng có vẻ như đã bị ép xử sai luật. Một điều rõ ràng nhất là sau khi tiến hành điều tra, các cơ quan công an đều thấy không kết tội “Hủy hoại tài sản” được nên đã loại bỏ tội này. Tuy nhiên khi đưa sang Tòa án thì dù chưa xử nhưng tòa cũng vội vàng yêu cầu cơ quan công an bổ sung tội “hủy hoại tài sản”. Tòa án biết rõ ràng rằng trong trường hợp này buộc phải có “phá phách, hủy hoại tài sản” thì mới cấu thành được tội “Gây rối trật tự công cộng”. Nếu không có hành vi phá phách thì không thể thành “Gây rối trật tự cộng công”. Cho nên tự 2 yếu tố trên đã loại trừ lẫn nhau, phủ định lẫn nhau.
9. Thứ chín là:Pháp luật đòi hỏi sự công bằng trong hành vi, nếu đã phạm tội thì ai cũng phải bị xét xử như nhau. Những nhận xét “vồ được con nào bị con đó” là hoàn toàn trái với tinh thần pháp luật. Trong sâu thẳm lương tâm, các cơ quan tố tụng không tự tin khi đưa vụ việc ra xét xử theo luật vì thực tế tội của các giáo dân không xứng đáng phải làm như thế. Chính Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, giám đốc Công an Hà Nội đã nói: “không muốn bỏ tù người giáo dân vô tội” . Vậy tại sao phiên tòa vẫn cứ tiến hành và sẽ được điều gì. Biểu hiện rõ nhất của việc này là cáo trạng tập trung nhằm biện minh cho hành động của Nhà nước mà không đi sâu vào chứng minh tội phạm của các bị cáo . Cáo trạng đưa ra nhiều đoạn không hề liên quan đến 2 tội bị cáo buộc như nói về những phụ nữ Mường hay lời phát biểu của Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt.
10. Thứ mười là: Sự thật rằng đây không phải là một vụ án hình sự mà là một vụ án chính trị. Tất cả các bên đều hiểu điều đó. Để giải quyết vấn đề phức tạp này, chỉ có một cách duy nhất đó là các Thẩm phán và hội thẩm nhân dân quyết tâm tách độc lập khỏi sự chỉ đạo của cấp trên và triệt để tuân theo pháp luật để tuyên trắng án cho những bị cáo này đồng thời tuyên bồi thường danh dự, nhân phẩm và uy tín cho họ. Khi làm điều đó là lúc các Thẩm phán tuân thủ pháp luật nhất . Họ không chỉ đặt nền tảng quan trọng trong việc độc lập xét xử của tòa án mà còn lát viên gạch đầu tiên trong quá trình hòa hợp và hòa giải dân tộc giữa các bên, hầu kiến tạo một Việt Nam độc lập, thống nhất và tự chủ đủ sức đương đầu với các thế lực ngoại bang đang lâm le bờ cõi.
Hà nội, Ba ngày trước phiên xử sơ Thẩm
Luật sư Lê Quốc Quânhttp://blog.360.yahoo.com/blog-Iz75gMI9fre_jW6NPLDxi2Ey?p=115