HIẾN CHƯƠNG 08
. Ngô Nhân Dụng
Nhân kỷ niệm 60 năm ngày ra đời của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, hơn bốn trăm nhà trí thức Trung Hoa đã viết bản “Hiến Chương 08” (Linh Bát Hiến Chương) đòi thực hiện dân chủ và tôn trọng nhân quyền. Một số người đã bị bắt hoặc hỏi cung trước khi bản văn được công bố. Nhà văn Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) bị bắt từ ngày 8 Tháng Mười Hai, còn bị giam giữ.
Nhóm trí thức này gồm các kỹ sư, thi sĩ, luật sư, thương gia, nhà văn, ký giả, vân vân, họ kêu gọi sửa đổi hiến pháp Trung Quốc, bỏ chế độ độc đảng để thi hành một chế độ dân chủ thật sự. Chúng ta sẽ thấy bản hiến chương này chứa đựng đủ những gì mà người Việt Nam cũng mong mỏi.
Thí dụ, bản hiến chương đề nghị guồng máy nhà nước phải phi chính trị. Không đảng nào được phép tổ chức chi bộ chính trị trong hàng ngũ quân đội. Việc thăng thưởng trong quân đội và trong công chức không được dựa vào đảng chính trị nào. Chế độ hiện nay ưu đãi các đảng viên cộng sản trong việc thăng thưởng phải chấm dứt. Về hình luật, phải bãi bỏ tội danh “xúi giục lật đổ nhà nước” là một thứ tội mà đảng Cộng Sản gán cho tất cả mọi người dân muốn lên tiếng khi bị oan ức. Ðây là những lời yêu cầu cụ thể mà người dân Trung Hoa có thể hiểu và hưởng ứng.
Trong phạm vi kinh tế, bản hiến chương yêu cầu phải bảo vệ quyền tư hữu (như đảng Cộng Sản đã sửa hiến pháp để ghi vào) nhưng đặc biệt là trả cho nông dân quyền làm chủ ruộng đất. Dân được tự do mua bán ruộng đất. Phải bãi bỏ chế độ hộ khẩu đang ưu đãi dân thành thị và đẩy các nông dân xuống hạng nhì, tạo thêm bất công xã hội.
Những lời yêu cầu này nhắm đúng một vấn đề trầm trọng mà đảng Cộng Sản Trung Quốc đang lo đối phó. Ðó là con số hàng triệu “lưu dân” từ nông thôn lên thành phố làm việc, nhiều người đang bị thất nghiệp, trở về quê cũng không có việc làm. Cơn suy thoái kinh tế toàn cầu khiến tỷ lệ phát triển của Trung Quốc đang từ 9 và trên 10% sẽ tụt xuống còn 5 tới 6% trong mấy tháng nay, hàng xuất cảng từ Trung Quốc đang tụt giảm vì nhu cầu xuống khắp nơi. Khi kinh tế xuống, các lưu dân là những người thất nghiệp đầu tiên.
Trong lục địa có khoảng 130 triệu nông dân trôi nổi như vậy. Khi lên thành phố họ không có hộ khẩu nên không được hưởng gì về y tế, giáo dục, xã hội; việc làm của họ không cố định, và khi kinh tế xuống thì họ là những người bị đuổi đầu tiên. Hiện Cộng Sản Bắc Kinh đang cho công an canh 24/24 ở các nhà ga xe lửa đếm số lưu dân mất việc quay về, để đo lường mức trầm trọng của khối lượng người đông đảo này. Nhiều cuộc biểu tình bạo động của công nhân đã diễn ra ở các thành phố. Những công nhân trở về quê đều được công an mời “làm việc” liên tục để dễ kiểm soát.
Nhưng các tác giả Hiến Chương 08 không nhắm khích động các đám công nhân này. Họ đặt ra những vấn đề căn bản về tương lai Trung Quốc.
Trong lời nói đầu họ đặt câu hỏi: “Trung Quốc sẽ đi về đâu trong thế kỷ 21? Sẽ tiếp tục công cuộc hiện đại hóa dưới chế độ độc tài, hay sẽ chấp nhận những giá trị nhân bản phổ quát, gia nhập dòng chính của các quốc gia văn minh và xây dựng một thể chế dân chủ?”
Các tác giả nhắc tới những cuộc vận động dân chủ ngay trong lòng chế độ cộng sản trước đây. Vì năm nay là kỷ niệm 30 năm bức tường Dân Chủ ở Bắc Kinh, 2 năm sau khi Mao Trạch Ðông chết; và năm tới sẽ kỷ niệm 20 năm cuộc “thảm sát Thiên An Môn” (chữ dùng trong nguyên văn) giết các sinh viên đòi dân chủ. Trở lại 100 năm trước, bản hiến chương trình bày lại quá trình lịch sử nước Trung Hoa từ khi bị Tây Phương lấn áp, cuộc cách mạng Tân Hợi 1911 khi Trung Quốc đã viết bản hiến pháp đầu tiên, cuộc cách mạng tư tưởng Ngũ Tứ Vận Ðộng đề cao tinh thần khoa học và dân chủ. “Chiến thắng đối với Nhật Bản năm 1945 là một cơ hội để Trung Quốc tiến tới trên một chính phủ hiện đại, nhưng đảng Cộng Sản đã đánh bại Quốc Dân Ðảng trong cuộc nội chiến và đưa quốc gia vào hố thẳm độc tài toàn trị.”
Hiến Chương 08 đưa ra 6 nguyên tắc căn bản để xây dựng nước Trung Hoa mới. Trước hết là Tự Do, một quyền căn bản của con người. Ngoài các quyền tự do ngôn luận, hội họp, tuyển cử, các tác giả nhắc tới quyền tự do phản kháng, đình công, biểu tình. Nhân Quyền là nguyên tắc thứ nhì, mà những thảm kịch trên đất nước Trung Hoa gần đây đều vì người cầm quyền không tôn trọng nhân quyền của dân. Sau nguyên tắc Bình Ðẳng, bản hiến chương đề cao chủ trương Cộng Hòa, trong đó các quyền hành của chính phủ phải được phân chia để các quyền lợi khác biệt đều được tôn trọng. Các tác giả cho rằng đó cũng là một truyền thống chính trị “Thiên hạ bình đẳng” của người Trung Hoa.
Nguyên tắc thứ năm là Dân Chủ, nhấn mạnh: Quyền lực chính trị do dân trao phó, do dân lựa chọn. Các chức vụ nắm quyền phải qua những cuộc bầu cử tự do định kỳ. Ngoài ra nhân quyền của những người thiểu số được tôn trọng. Muốn vậy, cần nguyên tắc thứ sáu là Hiến Trị. Việc cai trị phải đặt trên hiến pháp và luật pháp để bảo vệ các quyền tự do của dân và hạn chế quyền của nhà nước.
Sau khi nêu các nguyên tắc như trên, Hiến Chương 08 đưa ra những lập trường mà các nhà trí thức cổ võ trước nhân dân Trung Hoa.
Ðòi hỏi đầu tiên là sửa hiến pháp Trung Quốc, bãi bỏ những khoản nào ngược lại với quy tắc quyền hành thuộc về dân chúng. Bản hiến pháp phải thể hiện việc phân quyền, lập pháp, tư pháp và hành pháp rõ ràng, cũng như phân bạch quyền hành của trung ương để họ không lấn áp các địa phương. Quốc hội phải được bầu trực tiếp. Quyền Tư pháp phải độc lập, thiết lập một tòa án Tối Cao Bảo Hiến. Phải dần dần bãi bỏ những cơ cấu đang cho phép đảng Cộng Sản can thiệp vào tòa án.
Một yêu cầu quan trọng của Hiến Chương 08 là “Lực lượng quân sự chịu trách nhiệm trước quốc gia chứ không phải tuân theo lệnh một đảng chính trị.” Các quân nhân phải phi chính trị.
Muốn bảo đảm quyền làm người, hệ thống cải tạo lao động hiện nay phải chấm dứt. Dân được bầu trực tiếp chức vụ các cấp trong guồng máy chính quyền, từ thị xã, quận, tỉnh và quốc gia. Những quyền tự do hội họp, tự do lập hội, tự do phát biểu, là những điều yêu cầu khác. Trên mặt tôn giáo, Hiến Chương 08 yêu cầu “Bãi bỏ hệ thống hiện nay bắt buộc các nhóm tôn giáo (và nơi thờ phượng của họ) phải được chính quyền chấp thuận trước khi hoạt động; thay vào đó tín đồ các tôn giáo phải được phép hoạt động và chỉ ghi danh với chính quyền nếu chính họ muốn như vậy, và họ có quyền ghi danh không ai được từ chối.”
Ðây là một lời yêu cầu chính đáng mà người nước ta cũng cần đặt ra với đảng Cộng Sản. Trên thế giới văn minh, các tôn giáo đều được tự do, chỉ cần sống trong khuôn khổ luật lệ quốc gia. Chỉ có các nước độc tài toàn trị mới có chế độ bắt các hoạt động tôn giáo phải xin phép trước, như luật ở Việt Nam cấm không được nói chuyện tôn giáo trong nhà người khác! Chế độ toàn trị không những làm dân mất tự do mà còn giết người vì những chính sách sai lầm nữa.
Hiến Chương 08 nhận xét “Ðảng Cộng Sản đã kiểm soát tất cả các cơ quan nhà nước, và tất cả các tài nguyên chính trị, kinh tế, xã hội” từ năm 1949 đến nay. Chế độ toàn trị đó đưa tới những “thảm trạng” như chiến dịch Chống Hữu Phái (1957), Bước Nhẩy Vọt (1958-60), Cách mạng Văn hóa (1966 - 1969) và cuộc Thảm Sát Thiên An Môn (1989). Trong những thảm trạng do chế độ cộng sản gây ra đó, hàng chục triệu người dân Trung Hoa đã thiệt mạng và mấy thế hệ trải qua cảnh “những quyền sống hạnh phúc, tự do, và nhân phẩm của họ bị trà đạp.” Cuộc cải cách kinh tế của Cộng Sản Trung Quốc đã trả lại một phần các quyền tự do cho dân, nhưng trên thực tế chính trị thì “Trung Quốc có rất nhiều luật nhưng không cai trị bằng luật (pháp trị), có một bản hiến pháp nhưng chính quyền không theo hiến pháp. Giới quyền quý bám lấy quyền độc đoán của họ nên chống lại tất cả các đòi hỏi thay đổi.”
Hậu quả của tính chất độc tài đó là tham nhũng, tư bản bè phái, suy đồi đạo lý, xã hội bất công vì hố ngăn cách giữa người nghèo người giầu ngày càng rộng. Một điều đáng lo là người dân cảm thấy tuyệt vọng sẽ nổi loạn.
Ðầu năm 1977 hơn hai trăm nhà trí thức xứ Tiệp Khắc, trong đó có Vaclav Havel đã soạn Hiến Chương 77. Mười ba năm sau nước Tiệp Khắc được giải phóng, và hiện là hai quốc gia Czech và Slovakia kinh tế đã phát triển và sống trong tự do dân chủ. Bao giờ nước Trung Hoa mới có một cuộc “Cách mạng Nhung” như vậy? Khi Bắc Kinh thay đổi thì Hà Nội sẽ phải theo.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=88105&z=7
English translation of Charter 08:
http://crd-net.org/Article/Class9/Class10/200812/20081210142700_12297.html